Rằm Tháng 7 – Ngày Của Tình Thương Ở Trong Phật Giáo, Tu Tập An Trú Tâm Từ – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

0:00 Thọ trì tam quy ngũ giới (bát giới)
9:27 Tụng bài kinh Mettāsutta và niệm ân đức Tam bảo
12:33 Tác bạch và đảnh lễ Phật
17:38 Giải thích về tâm từ
28:02 Duyên khởi Đức Phật thuyết bài kinh tâm từ Mettāsutta
46:26 Tóm lược mục đích của bài kinh Tâm từ
49:34 Mười bốn pháp cần phải làm và một pháp không nên làm để phát triển Tâm từ
1:16:50 Phương pháp tu tập tâm từ
1:50:10 Tóm lược lại nội dung bài kinh Tâm từ
1:55:28 Cách loại trừ āttadiṭṭhi – ngã chấp
2:14:17 Kết quả của 500 vị tỳ khưu sau khi tụng đọc và hành trì bài kinh Tâm từ
2:18:30 Thực hành thiền
2:29:07 Lời chúc phúc từ Ngài tam tạng
2:32:15 Chia phước và hồi hướng

 

Hôm nay là ngày 31 tháng 7 năm 2022, ngài tam tạng sẽ chia sẻ với chúng ta một bài pháp thoại liên quan đến tâm từ để kỷ niệm ngày rằm tháng 7 là ngày mà Đức Phật thuyết bài kinh Mettāsutta bài kinh tâm từ. Trước hết Ngài cầu chúc và gửi năng lượng tâm từ đến hội chúng của chúng ta nói riêng và đến cho tất cả người Việt Nam và trên khắp thế giới nói chung, cầu chúc cho tất cả mọi người luôn ở trong năng lượng tâm từ và nhiều sức khỏe an vui.

Và trước hết chúng ta sẽ cùng nhau niệm Phật:

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)

Khi nói đến Mettā là một danh từ ở trong Pali có nghĩa là tình yêu thương, tình yêu thương ở đây được chia ra làm 3 loại:

* Thứ nhất là tình yêu thương của những thành viên ở trong gia đình như là tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái;

* Thứ hai là tình yêu thương giữa người nam và người nữ;

* Thứ ba là tình yêu thương mà Đức Phật gọi là tâm từ bao gồm hơn 500 cách để biểu hiện yêu thương và tình yêu thương gọi là tâm từ này là tình yêu thương không bị ô nhiệm bởi phiền não tham ái.

Ở trong bài kinh tâm từ, phần cuối có câu pāli như thế này Brahmametaṃ vihāraṃ idhamāhu nghĩa là an trú với tâm từ. Theo sự giải thích của các Ngài đại trưởng lão thì an trú tâm từ ở đây có nghĩa là brahmavihāra phạm trú của Phạm thiên.

Thực ra danh từ brahmavihāra không chỉ có nghĩa là sự an trú của Phạm thiên mà thôi mà có tới ba nghĩa.

* Nghĩa thứ nhất là sự an trú cao thượng cho nên chữ brahma nghĩa là cao thượng, cho nên brahmavihāra nghĩa thứ nhất là an trú cao thượng.

* Nghĩa thứ hai brahma có nghĩa là Phạm thiên vì vậy brahmavihāra nghĩa là sự an trú của một đấng Phạm thiên, một vị Phạm thiên.

* Nghĩa thứ ba của danh từ brahmavihāra là sự an trú của một vị Phật tương lai, bởi vì đối với một vị Phật tương lai trong quá trình thực hành ba la mật chúng ta thường thấy rằng những vị Phật tương lai thường không có những tâm sận, cho nên brahmavihāra là trạng thái không sân hận của một vị Phật tương lai, một vị bồ tát.

Vì vậy nói tóm lại brahmavihāra có ba nghĩa: thứ nhất là sự an trú cao thượng, thứ hai là sự an trú của một vị Phạm thiên và thứ ba là sự an trú của một vị Phật tương lai.

Nói tóm lại với ba nghĩa như vậy brahmavihāra là sự an trú trong tâm từ trong tình thương, sự an trú với tâm vô sân. Sự an trú với tâm từ là một tâm yêu thương mà không có bị ô nhiễm bởi tham ái bởi sự dính mắc giống như là tình yêu thương giữa người nam với người nữ hay là tình yêu thương những thành viên ở trong gia đình đều có sự dính mắc, có sự tham ái ở trong đó. Còn đối với tình thương hay tâm từ là một tình thương rất thuần khiết không bị ô nhiễm bởi sự dính mắc tham ái.

Khi tìm hiểu về tâm từ thì chúng ta có thể nhận biết phương pháp tu tập tâm từ ở trong ba bộ kinh quan trọng.

* Bộ kinh thứ nhất là Khuddakapātha – tiểu tụng thuộc Khuddaka Nikāya – tiểu bộ kinh là quyển kinh đầu tiên của Khuddaka Nikāya và trong bộ kinh này có bài kinh Mettasutta bài kinh thứ hia.

* Bộ kinh thứ hai đó là Vibhaṅga là bộ thứ hai ở trong tạng Vi diệu pháp.

* Bộ kinh thứ ba đó là Patisambhidāmagga Vô ngại giải đạo là một bộ kinh cũng nằm trong tiểu bộ Khuddaka Nikāya.

Sau khi Ngài tam tạng trình bày về pháp môn tu tập tâm từ ở trong ba bộ kinh này, Ngài sẽ giải thích rõ hơn ở trong Thanh tịnh đạo Visuddhimagga giải thích về phương pháp tu tập tâm từ như thế nào, Ngài sẽ chia sẻ thêm với chúng ta ở trong Thanh tịnh đạo.

Trước hết Ngài tam tạng sẽ giải thích về tâm từ và phương pháp tu tập tâm từ theo bài kinh mettāsutta bài kinh tâm từ ở trong bộ kinh tiểu tụng Khuddakapātha. Trước hết Ngài sẽ trình bày về duyên khởi của bài kinh tâm từ. Vì sao có bài kinh tâm từ này. Trước hết ta hãy ghi nhớ rằng khi Đức Phật thuyết bài kinh này Ngài đang ở Kỳ viên tịnh xá gần thành Sāvatthi.

Vào thời Đức Phật, vào khoảng thời gian trước khi an cư kiết hạ, chư Tăng chuẩn bị y bát đến đảnh lễ Đức Phật xin Đức Phật những đề mục thiền định và thiền tuệ, sau đó họ đi đến những ngôi làng ở dưới núi Himavanta Hy mã lạp sơn để tu tập. Đó là truyền thống từ thời Đức Phật. Cho nên những vị đồng tu thường thân cận với nhau có nhóm thì mười vị có nhóm ba bốn mươi vị, có nhóm thì trăm vị cùng nhau đi vào các khu rừng núi gần các làng mạc, không gần cũng không xa để tiện lợi việc đi khất thực và tu tập ở những khu rừng đó. Có một nhóm tỳ khưu sau khi đến Đức Phật xin đề mục thiền định và thiền tuệ, họ đã đi đến một khu rừng gần ngôi làng ở dưới chân núi Hy mã lạp sơn. Và khi đến khu rừng đó, tùy theo sở thích của mình, mỗi vị ngự ở một gốc cây để tu tập.

Nhóm tỳ khưu đó sau khi đi vào khu rừng ở dưới những gốc cây, trong khu rừng đó có những vị thọ thần những vị chư thiên sống ở trên những cây đó, mỗi khi những vị tỳ khưu đi khất thực ở ngoài làng những vị thọ thực chư thiên đó họ mới lên ở trên cây, còn khi những vị tỳ khưu đó ngồi ở dưới gốc cây hành thiền tu tập với giới trong sạch, những vị chư thiên đó không có dám ngồi trên cành cây khi những vị tỳ khưu ngồi ở dưới gốc cây. Cho nên sau khi những vị tỳ khưu đó đi khất thực ở ngôi làng trở về dưới gốc cây, những vị thọ thần chư thiên, trong đó cũng có những đứa con, họ phải đi lang thang chứ không có dám ở trên những cành cây vì họ sợ họ không có đủ năng lực ở trên những cành cây đó, vì vậy cuộc sống của họ bị xáo trộn. Mỗi lần các vị tỳ khưu ở dưới gốc cây thì họ phải đi xuống, đi lang thang chỗ này chỗ kia, chỉ khi nào những vị tỳ khưu đi khất thực họ mới trở lại lên cây cho nên đời sống của những vị thọ thần chư thiên đó rất bị xáo trộn.

Vì đời sống của những vị chư thiên thọ thần bị xáo trộn như vậy, nên sau 2-3 ngày họ cảm thấy rất là bất tiện, nếu như những vị tỳ khưu này an cư kiết hạ 3 tháng ở đây, thì trong suốt 3 tháng họ sẽ gặp khó khăn, bất tiện kéo dài.

Vì vậy họ mới cùng nhau, cùng đồng ý dùng cách để cho những vị tỳ khưu đó đi khỏi khu rừng. Cho nên có khi họ hiện ra những cái đầu, có khi họ hiện ra những cánh tay, những cái chân, có khi họ tỏa ra mùi hôi thối… để quấy nhiễu những vị tỳ khưu đó với mục đích để những vị tỳ khưu đó đi ra khỏi khu rừng.

Và sau khi trải qua những điều mắt thấy tai nghe do những vị chư thiên biểu hiện như vậy, những vị tỳ khưu mới đi đến vị lớn hạ nhất, tập trung lại ở trú xứ của vị đại trưởng lão đó, và mỗi vị đều trình bày những hoàn cảnh mắt thấy tai nghe của mình ở trong khu rừng đó, tất cả đều thấy những hiện tượng rất đáng sợ hãi và ngửi thấy những mùi hôi thối… Cho nên vị đại trưởng lão mới cho ý kiến rằng bây giờ chúng ta đang nhập hạ tiền an cư từ 15-6. Trong Phật giáo có 02 cách nhập hạ:

* Cách nhập hạ thứ nhất gọi là tiền an cư từ 15-6 đến 15-9

* Cách nhập hạ thứ hai là hậu an cư từ 15-7 đến 15-10

Đối với những vị tỳ khưu nào do những duyên sự, công việc bận rộn mà không có nhập hạ tiền an cư vào ngày 15-6, vị đó có thể nhập hạ từ 15-7 đến 15-10. Cho nên ngài đại trưởng lão trong nhóm tỳ khưu đó mới cho ý kiến bây giờ chúng ta vẫn còn đủ thời gian để có thể nhập hạ hậu an cư. Sau khi đi đến trình bày với Đức Phật sự kiện đã xảy ra, chúng ta có thể kịp lúc nhập hạ hậu an cư. Cho nên tất cả đồng lòng ý kiến đi về thành Sāvatthi yết kiến Đức Phật để trình bày những sự kiện xảy ra ở trong khu rừng này khiến cho các vị không thể tu tập ở trong khu rừng này nữa.

Sau khi trở về thành Sāvatthi đảnh lễ Đức Phật và trình bày những khó khăn, những gì đang xảy ra ở khu rừng và thỉnh cầu Đức Phật cho lời khuyên dạy. Sau khi quán xét nhân duyên giữa những vị tỳ khưu này với khu rừng, Đức Phật mới dạy rằng, khu rừng đó sẽ rất thích hợp với các con. Sở dĩ các con bị sự quấy nhiễu đó là do các con không có vũ khí tâm từ. Cũng giống như một chiến sĩ đi ra chiến trường mà không có vũ khí sẽ bại trận. Cũng vậy một vị tỳ khưu khi đi ra xa trường để chiến đấu với phiền não mà không có vũ khí thì cũng sẽ bị bại trận với phiền não, sau đó Đức Phật dạy phương pháp tu tập tâm từ cho những vị tỳ khưu đó và khuyên những vị tỳ khưu đó trở về lại khu rừng và tiếp tục tu tập an cư ở đó.

Đức Phật đã dạy bài kinh tâm từ mettāsutta cho những vị tỳ khưu đó. Bài kinh tâm từ này ở trong bộ kinh Khuddakapātha – Tiểu tụng thuộc Khuddaka Nikāya – Tiểu bộ kinh là một bài kinh mà rất quen thuộc với các Phật tử đặc biệt là các Phật tử ở các nước Phật giáo bởi vì mỗi lần có lễ Phật giáo như là cúng dường trai tăng… Chư Tăng đều tụng bài kinh Tâm từ này.

Trong bài kinh tâm từ này có hai đoạn kệ đầu tiên từ bài kệ đầu tiên có câu Yassānubhāvato yakkhā. Hai bài kệ này không phải là chánh kinh mà do các Ngài đại trưởng lão sau này thêm vào để giới thiệu bài kinh này, giới thiệu về duyên sự của bài kinh này. Thản nhiên nội dung của 02 câu kệ đầu tiên này đều có nội dung ở trong tam tạng kinh điển, cho nên ở trong chú giải không có giải thích nhiều đối với hai câu kệ đầu tiên này.

Đây là bài kinh mà Đức Phật thuyết cho 500 vị tỳ khưu tại Jetavana và bài kinh này có những bài kệ ở phía trước mang ý nghĩa là những cái pháp để chuẩn bị tu tập tâm từ bắt đầu từ câu Karaṇīyamatthakusalena. Tất cả có 15 pháp mà đối với một hành giả tu tập tâm từ cần phải có.

Trước hết chúng ta cần nhớ mục đích mà Đức Phật giảng bài kinh này có 02 mục đích.

* Mục đích thứ nhất là để ngăn chặn những điều bất tiện, những điều quấy nhiễu.

* Thứ hai là để những vị tỳ khưu ở trong khu rừng đó phát triển tâm từ, phát triển tâm định và dựa trên nền tảng tâm định của tâm từ đó, những vị tỳ khưu đó có thể phát triển thiền tuệ.

Đó là hai mục đích mà Đức Phật thuyết bài kinh tâm từ cho các vị tỳ khưu ở trong khu rừng.

Trước hết 02 câu kinh đầu tiên đó là Karaṇīyamatthakusalena, yantasantaṃ padaṃ abhisamecca nghĩa là đối với những hành giả nào có xu hướng tu tập để chứng đắc Thánh đạo Thánh quả và Niết bàn, sau đây là những pháp cần phải chuẩn bị. Cho nên 02 câu kinh này chưa phải là một trong 15 pháp cần chuẩn bị mà chỉ là một câu giới thiệu.

Đối với 15 pháp cần chuẩn bị có 02 phần: Phần thứ nhất là những điều cần làm, cho nên chữ Pali là Karaṇīya nghĩa là những điều cần được làm, cần nên làm. Có tất cả 14 điều cần phải làm, cần phải thực hiện và 01 pháp không nên làm. Cho nên từ pali là akaraṇīya có nghĩa là không nên làm thì chỉ có 01 pháp.

Và trước hết là 14 pháp cần làm.

* Trước hết là sakko nghĩa là có khả năng, có năng lực. Khả năng, năng lực để chứng đắc, để tu tập. Đó là pháp đầu tiên. Có khả năng ở đây có nghĩa là khả năng về đức tin, khả năng về sức khỏe. Và cũng có nghĩa là khi sống chung với những vị đồng phạm hạnh thì những công việc nào cần làm thì phải làm, những công việc nào nên làm thì phải làm, không có biếng nhác mà phải siêng năng.

* Pháp thứ hai ở trong 14 pháp đó là ujū đó là tính ngay thẳng, chân thật. ujū ở đây là tính ngay thẳng, chân thật liên quan đến thân và khẩu.

* Pháp thứ ba đó là suhujū, suhujū cũng có nghĩa là ngay thẳng, chân thật nhưng mà ngay thẳng chân thật này là ngay thẳng chân thật của tâm. Phải có tâm ngay thẳng và chân thật. Nghĩa là những gì mình thực sự có mới biểu hiện, những gì mình không có thật sự có không nên có biểu hiện, không nên tỏ ra là mình biết những điều mình không biết, mình thấy những điều mình không thấy, mà tâm phải ngay thẳng, chân thật với chính mình.

* Pháp thứ tư đó là suvaco cassa nghĩa là người dễ dạy, dễ khuyên.

* Pháp thứ năm đó là mudu. Mudu có nghĩa là sự nhu thuận, nhu nhuyến, hiền lành, luôn có những cử chỉ thái độ nhu nhuyến, hiền lành.

* Pháp thứ sáu đó là anatimānī nghĩa là không có ngã mạn, không có cao ngạo, không có ngã mạn đối với tài sản của mình, không có ngã mạn đối với gia đình của mình, không ngã mạn đối với sự hiểu biết của mình, mà với một tâm rất hòa nhã và khiêm nhường giống như Ngài Sāriputta ca ngợi và tán thán những người mà có tâm không ngã mạn là giống như những người ăn xin, ăn mày.

* Pháp thứ bảy đó là biết thiểu dục tri túc santussi, thiểu dục tri túc đối với bốn món vật dụng như sàng tọa, y phục, vật thực và dược phẩm… luôn có sự thiểu dục tri thúc đối với những món vật dụng.

* Pháp thứ tám đó là subharo ca nghĩa là dễ nuôi, dễ sống. Đối với những vật dụng trong đời sống hàng ngày, những vị tỳ khưu dễ nuôi dễ sống là những vị có thể chịu đựng được tất cả những vật dụng có được và không có kén chọn.

* Pháp thứ chín đó là appakicco ca đó là lo ít việc, ít công. Những công việc hàng ngày nếu như mà bận rộn quá thì cũng không có tu tập tâm từ được, cho nên những việc nào cần làm thì hãy làm, không có bày ra nhiều để mà làm.

* Pháp thứ mười đó là sallahukavutti nghĩa là có đời sống nhẹ nhàng. Đời sống nhẹ nhàng là đời sống ít vật dụng lỉnh kỉnh mà chỉ những vật dụng cần thiết mà thôi giống như con chim chỉ cần có đôi cánh là có thể bay từ nơi này qua nơi khác với đôi cánh đó. Cũng vậy một vị tỳ khưu mà đi chỗ này chỗ kia để hoằng hóa độ sinh chỉ cần mang những vật dụng cần thiết là tam y bình bát và những vật dụng cần thiết khác một cách nhẹ nhàng mà thôi.

* Pháp thứ mười một đó là santindriyo ca nghĩa là có sự thu thúc lục căn thanh tịnh. Đối với sự thu thúc lục căn thanh tịnh là khi tiếp xúc với 6 trần cảnh qua 6 giác quan thì vị tỳ khưu phải có sự thu thúc, không có dính mắc hay là cố gắng hướng tâm ra ngoài mà hãy thu thúc ngay tại giác quan của mình để thấy rõ những đối tượng đang tiếp xúc với 6 giác quan.

* Pháp thứ mười hai là nipako ca nghĩa là có trí tuệ sáng suốt, đối với những công việc hàng ngày của một vị tỳ khưu dù là ăn uống, rửa bình bát vá y hay là giữ giới, tu tập thiền định, tất cả những công việc đó đều có sự sáng suốt.

* Pháp thứ mười ba đó là appagabbho có nghĩa là thân khẩu ý thuận đức nghĩa là đối với một vị tỳ khưu thân khẩu và ý không có gây tổn hại đến người khác thông qua hành động, lời nói và suy nghĩ của mình. Nói một cách vi tế sự không làm tổn thương tổn hại thông qua hành động đối với một vị tỳ khưu là trong sinh hoạt hàng ngày ở những nơi công cộng, những nơi nhiều người, nhiều vị tỳ khưu khác phải luôn có những hành động khiêm nhường, ví dụ đối với những vị tỳ khưu lớn hơn mình thì phải nhường chỗ chứ không có chen lấn, ví dụ khi đi tắm, khi đi giặt, khi đi ăn, khi đi trì bình khất thực… đối với những công việc như vậy những vị tỳ khưu nhỏ hạ phải tôn trọng tôn kính nhường chỗ cho những vị tỳ khưu lớn hạ hơn mình. Còn đối với sự thuận đức của lời nói là những lời nói không có gây tổn thương, phiền lòng đối với người khác.

Đối với sự thuận đức của lời nói liên quan đến việc khi những vị tỳ khưu tập trung lại với nhau nói chuyện, hay là khi ở trong nhà trong làng mạc của thí chủ, những vị tỳ khưu đó nếu như muốn nói điều gì cần phải xin phép những vị lớn hơn mà không có tự tiện nói ra những lời mình muốn nói. Sự thuận đức của ý là những suy nghĩ không có gây tổn hại đến người khác và không có những ý nghĩ làm khởi sinh lên tâm sân hận, những tâm tham muốn hay những tâm diệu hại.

* Pháp thứ mười bốn đó là kulesu ananugiddho. Ở đây có 02 chữ là kulesu và ananugiddho có nghĩa là không quyến luyến gia đình. Không có quyến luyến ở đây là không có quyến luyến với gia đình của các thí chủ, khi mà các thí chủ cúng dường vật dụng gì thì thọ dụng với tâm từ, không thọ nhận với tâm tham đắm. Sau khi thọ nhận xong thì những vị tỳ khưu cũng không có sự lưu luyến đối với gia đình các thí chủ.

Như vậy trong bài kinh mettasutta hai câu kệ tiếp theo ở phía sau câu kệ Karaṇīya có 02 câu kệ, và hai câu kệ này có nội dung tóm tắt 14 pháp cần phải thực hành trước khi tu tập tâm từ.

Và sau đó Đức Phật giảng thêm về pháp thứ mười năm ớ phía sau hai câu kệ về 14 pháp cần phải thực hành.

* Và pháp thứ mười năm là pháp không nên thực hành đó là không làm mọi điều ác. Không làm mọi điều ác ở đây là liên quan đến thân, khẩu và ý. Thân không làm điều ác, miệng không nói lời nói ác và ý không nghĩ những điều ác.

Sau khi Đức Phật giảng về 14 cần phải thực hành và 1 pháp không nên thực hành thì Ngài hướng dẫn phương pháp tu tập tâm từ, và trong bài kinh tâm từ phương pháp mà Đức Phật hướng dẫn chỉ gói gọn trong hơn 03 câu kệ mà thôi.

Trước hết Đức Phật hướng dẫn phương pháp tu tập tâm từ là hướng tâm của mình đến người khác, chúng sinh khác cầu mong cho họ được hạnh phúc an vui.

Và ở trong bài kinh tâm từ, trong bài kệ có câu sukhino vā khemino hontu sabbe sattā bhavantu sukhitattā. Đó là câu kệ dùng để khi phát triển tâm từ theo cách cầu mong cho các chúng sinh có được sự hạnh phúc an vui. Và sau đó Đức Phật hướng dẫn phát triển tâm từ bằng cách cầu chúc cho các chúng sinh không có rơi vào khổ cảnh, không có gặp những điều đau khổ.

Cho nên trước hết chúng ta cần ghi nhớ hai cách thực hành đầu tiên.

* Cách thứ nhất đó là cầu nguyện chúc cho các chúng sinh được hạnh phúc an vui;

* Cách thứ hai là cầu chúc cho các chúng sinh không có khổ đau.

Đối với các chúng sinh là những đối tượng để cho hành giả hướng tâm mình phát triển tâm từ đến thì có ba dạng.

Như vậy chia ra làm ba cách:

Cách 1: Tất cả chúng sinh
Cách 2: Chia các chúng sinh ra làm 02 phần
Cách 3: Chia các chúng sinh ra làm 03 phần

Đó là ba cách liên quan đến đối tượng chúng sinh mà hành giả hướng tâm tới để phát triển tâm từ.

Cho nên đối với những người nào thuộc bài kinh tâm từ này hay là đang có một cuốn sách có bài kinh tâm từ, chúng ta có thể nhìn vào và thấy rằng câu sukhino vā khemino hontu sabbe sattā bhavantu sukhitattā; sabbe sattā có nghĩa là tất cả chúng sinh. Mong cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc bình an. Đây là cách phát triển tâm từ thứ nhất, có đối tượng là tất cả chúng sinh, bao trùm tất cả chúng sinh chứ không có chia ra làm hai, làm ba.

Và ở trong chú giải giải thích rằng khi mà hành giả phát triển tâm từ này có thể đạt đến cận định. Và để phát triển tâm từ theo cách chia tất cả chúng sinh ra làm hai hay ra làm ba, Đức Phật thuyết hai bài kệ tiếp theo đó là Ye keci pāṇabhūtatthi – bài kệ thứ nhất và bài kệ thứ hai đó là Diṭṭhā vā yeva addiṭṭhā. Bài kệ đầu tiên là chia các chúng sinh ra làm hai, bài kệ thứ hai là chia chúng sinh ra làm ba để hành giả hướng tâm và phát triển tâm từ.

Và khi mà chúng ta là những hành giả phát triển tâm từ theo bài kệ tâm từ này thì có những cách chia theo những hạng chúng sinh khác nhau, có khi là ba cách có khi là bốn cách. Khi mà chia các chúng sinh ra làm hai, và chia như vậy có 04 hạng.

* Theo cách chia thứ hai này thì hạng thứ nhất là các chúng sinh có sợ hãi và các chúng sinh không sợ hãi. Cách phát triển tâm từ như thế nào, đó là nguyện cho các chúng sinh có sợ hãi được an vui hạnh phúc, nguyện cho tất cả chúng sinh không có sợ hãi được an vui, hạnh phúc. Đó là theo cách chia ra làm hai theo phần thứ nhất.

* Phần thứ hai cũng chia ra làm hai nhưng mà theo cách các chúng sinh nhìn thấy và không nhìn thấy, chúng ta phát triển như thế nào. Đó là nguyện cho tất cả chúng sinh được nhìn thấy luôn an vui, hạnh phúc, nguyện cho tất cả chúng sinh không được nhìn thấy luôn an vui, hạnh phúc. Đó là phần thứ hai.

* Phần thứ ba là các chúng sinh xa và gần. Các phát triển tâm từ là nguyện cho tất cả các chúng sinh ở gần luôn an vui, hạnh phúc, nguyện cho tất cả các chúng sinh ở xa luôn an vui hạnh phúc.

* Phần thứ tư cũng chia ra làm hai hàng chúng sinh đó là những chúng sinh là những bậc Thánh A ra hán đã tịch diệt Niết bàn và những chúng sinh khác đang còn ở trong sinh tử luân hồi. Cách phát triển tâm từ là nguyện cho tất cả chúng sinh không còn sanh tử nữa luôn an vui hạnh phúc, và nguyện cho tất cả chúng sinh còn sinh tử luôn an vui hạnh phúc.

Đó là bốn phần khi hành giả phát triển tâm từ theo cách chia tất cả chúng sinh ra làm hai thì có bốn phần như vậy. Thứ nhất là các chúng sinh sợ hãi và không sợ hãi; Thứ hai là các chúng sinh được nhìn thấy và không được nhìn thấy; Thứ ba là các chúng sinh ở gần và các chúng sinh ở xa; Thứ tư là các chúng sinh còn luân hồi sinh tử và các chúng sinh không còn luân hồi sinh tử nữa.

Cách phát triển tâm từ thứ ba đó là chia các chúng sinh ra làm ba phần, và mỗi cách chia như vậy có phương pháp phát triển tâm từ.

Cách chia 03 phần thứ nhất đó là các chúng sinh có thân hình dài, có thân hình ngắn và thân hình trung bình. Cách phát triển tâm từ là nguyện cho các chúng sinh có thân hình có thân hình dài, có thân hình ngắn và có thân hình trung bình luôn được an vui hạnh phúc. Đó là cách thứ nhất khi mà chia các chúng sinh ra làm ba phần.

Cách thứ hai là cũng chia các chúng sinh ra làm ba phần là các chúng sinh mập, các chúng sinh gầy và các chúng sinh trung bình. Cách phát triển tâm từ là nguyện cho các chúng sinh có mập, gầy và trung bình luôn được an vui hạnh phúc.

Và phần thứ ba khi mà chia các chúng sinh ra làm 03 là các chúng sinh cao, thấp và các chúng sinh trung bình. Cũng tương tự như vậy là chúng ta phát triển tâm từ bằng cách hướng tâm của mình đến các chúng sinh đó và cầu nguyện trong tâm là nguyện cho tất cả chúng sinh có thân hình cao, có thân hình thấp và thân hình trung bình luôn an vui, hạnh phúc.

Khi mà chúng ta hướng tâm đến các chúng sinh có thân hình dài giống như loài rắn là các con vật có thân hình dài, đối với những chúng sinh có thân hình ngắn là những chúng sinh so với những con vật dài nó rất là ngắn. Và để phân biệt được thân hình dài ngắn, chúng ta hiểu những chúng sinh có thân hình trung bình như là những con gà, con vịt… thì chúng ta tạm gọi là chúng sinh có thân hình trung bình. Những chúng sinh có thân hình ngắn hơn là loài có thân hình ngắn hơn thân hình trung bình.

Đối với những chúng sinh lớn nhỏ mập và trung bình thì chúng ta có thể hiểu rằng những chúng sinh ở trên nước có thân hình lớn như là những con cá voi, ở trên bờ là những con voi…; những chúng sinh có thân hình nhỏ thì có những chúng sinh nhỏ đến nỗi mắt thường mình không thấy được mà phải dùng kính hiển vi hay là những người chỉ có thần thông như thiên nhãn thông thì mới có thể nhìn thấy những vật đó. Đối với những chúng sinh như vậy gọi là chúng sinh có thân hình nhỏ. Những chúng sinh có thân hình trung bình là những chúng sinh có thân hình không quá lớn cũng không quá nhỏ như vừa mới trình bày.

Và sau khi Đức Phật hướng dẫn cách phát triển tâm từ bằng cách tổng hợp tất cả các chúng sinh hay là chia chúng sinh ra làm hai phần, ba phần và cầu nguyện cho những chúng sinh đó luôn được an vui hạnh phúc thì Đức Phật trình bày thêm cách phát triển tâm từ là cầu nguyện cho các chúng sinh không có đau khổ, không có gặp phải tai ương. Đây cũng là một cách để phát triển tâm từ.

Đối với cách phát triển tâm từ bằng cách cầu chúc cho tất cả chúng sinh không có đau khổ không có tai hại thì có ba loại.

* Cách thứ nhất đó là nguyện cho tất cả chúng sinh không có gian dối lẫn nhau;

* Cách thứ hai đó là nguyện cho tất cả chúng sinh không có xem thường lẫn nhau;

* Cách thứ ba đó là nguyện cho tất cả chúng sinh không có ghen tỵ với nhau.

Đó là ba cách phát triển tâm từ liên quan đến khía cạnh không tốt.

Ba câu kệ vừa mới đề cập từ câu Ye keci pāṇabhūtatthi cho đến câu Na paro paraṃ nikubbetha. 03 câu kệ này là cách phát triển tâm từ đến cho tất cả chúng sinh và như Ngài tam tạng vừa trình bày là có nhiều cách để phát triển tâm từ.

Còn bài kệ tiếp theo là Mātā yathā niyaṃ puttaṃ āyusā ekaputtamanurakkhe… Đây là nói về thái độ của những hành giả tu tập tâm từ. Đối với những hành giả tu tập tâm từ cần có thái độ như thế nào đối với các chúng sinh, đó là phải có một thái độ như một người mẹ yêu thương đứa con một của mình, với một cái tâm, tình thương vô lượng.

Và bài kệ tiếp theo Mettañca sabbalokasmiṃ đây là bài kệ nói đến sự phát triển của tâm từ theo khía cạnh không gian như là từ những cảnh giới cao nhất đó là cảnh giới của nevasaññānāsaññā phi tưởng phi phi tưởng xứ cho đến cảnh giới tận cùng đau khổ đó là Avīci a tỳ địa ngục.

Ở trong bài kệ Mettañca sabbalokasmiṃ mānasaṃ bhāvaye aparimāṇaṃuddhaṃ adho ca tiriyaṃ ca asambādhaṃ averaṃ asapattaṃ dòng cuối cùng asambādhaṃ averaṃ asapattaṃ nghĩa là tâm từ không có giới hạn, không có ranh giới phân biệt giữa người và mình, giữa chúng sinh này với chúng sinh kia. Để đạt đến trạng thái tâm từ không ranh giới này, hành giả cần phải tu tập theo phương pháp có hệ thống. Và ở trong bộ thanh tịnh đạo có hướng dẫn rất chi tiết về cách phát triển tâm từ để phá vỡ ranh giới giữa mình và các chúng sinh khác và giữa chúng sinh này với chúng sinh kia. Đến thời pháp giải thích theo Thanh tịnh đạo, ngài sẽ giải thích rõ hơn phần này.

Sau khi Đức Phật nói về sự phát triển tâm từ trong không gian từ cảnh giới cao nhất cho đến cảnh giới thấp nhất, Ngài khẳng định rằng đối với việc tu tập tâm từ hành giả có thể tu tập trong nhiều oai nghi tư thế khác nhau kể cả khi đi đứng, ngồi hay nằm. Cho nên Ngài với nói câu kệ:

Tiṭṭhaṃ caraṃ nisinno vā sayāno vā yāvatassa vigatamiddho,
etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya brahmametaṃ vihāraṃ idhamāhu.

Đây là bài kệ mà Đức Phật khẳng định hành giả có thể tu tập tâm từ trong nhiều oai nghi tư thế khác nhau kể cả đi đứng ngồi và nằm.

Và theo ở trong chú giải các ngài đại trưởng lão giải thích rằng bài kệ này cũng nói lên một ý nghĩa là hành giả đã tu tập tâm từ một cách thuần thục, cho nên dù ở tư thế nào đều có thể phát triển tâm từ được, dù khi đi, khi đứng khi nằm khi ngồi đều phát triển tâm từ được. Đó là sự thuần thục trong việc phát triển tâm từ. Trong dòng cuối của câu kệ này đó là brahmametaṃ vihāraṃ idhamāhu nghĩa là tu tập tâm từ là sự an trú của những bậc trí cao thượng, là sự an trú của các vị Phạm thiên và sự an trú của các vị Phật tương lai, cho nên danh từ brahmametaṃ vihāraṃ idhamāhu là sự an trú cao thượng là sự an trú của Phạm thiên và của những vị Phật tương lai.

Như vậy ở trong bài kinh tâm từ, từ câu kệ đầu tiên đó là Karaṇīya cho đến câu kệ Tiṭṭhaṃ caraṃ nisinno vā là có tất cả 09 câu kệ. Trong 09 câu kệ này có 02 câu kệ rưỡi đầu tiên là sự chuẩn bị trước khi hành giả tu tập tâm từ. Và nội dung hay phương pháp để phát triển tâm từ ở trong bài kinh tâm từ này là bắt đầu từ câu kệ sukhino vā khemino hontu sabbā sattā bhavantu sukhitattā cho câu kệ Na paro paraṃ nikubbetha là có 03 câu kệ rưỡi.

Trong ba câu kệ rưỡi này Đức Phật hướng dẫn phương pháp phát triển tâm từ đến cho tất cả chúng sinh và chia ra làm 02 phần, 03 phần như Ngài tam tạng vừa mới trình bày. Như vậy có 06 câu kệ nói về sự chuẩn bị và phương pháp phát triển tâm từ.

Những câu kệ tiếp theo từ câu kệ Mātā yathā niyaṃ puttaṃ là nói về thái độ của hành giả khi tu tập tâm từ là phải như thái độ của người mẹ đối với người con. Và câu kệ tiếp theo đó là Đức Phật nói về không gian phát triển tâm từ là từ những cảnh giới cao nhất như là phi tưởng phi phi tưởng xứ cho đến cảnh giới thấp nhất là a tỳ địa ngục.

Câu kệ thứ 9 Tiṭṭhaṃ caraṃ nisinno vā như Ngài vừa mới trình bày nói về cách tu tập tâm từ ở trong nhiều tư thế khác nhau đi đứng nằm ngồi và nói về sự phát triển tâm từ thuần thục. Khi mà sự phát triển tâm từ đã thuần thục rồi thì trong nhiều tư thế khác nhau có thể phát triển tâm từ được. Và khi một hành giả đã thuần thục tâm từ rồi và có thể an trú với tâm từ trong nhiều tư thế khác nhau như vậy thì đó là sự an trú cao thượng của các bậc trí, sự an trú của Phạm thiên và sự an trú của các vị Phật tương lai.

Và như vậy đối tượng để hành giả phát triển tâm từ đó là các chúng sinh. Đối tượng các chúng sinh ở đây thuộc paṇati tục đế chứ không phải là parāmaṭṭha chân đế. Cho nên ở đây chúng ta cần lưu ý danh từ paṇati tục đế, các chúng sinh là tục đế chứ không phải là chân đế.

Nếu một hành giả chỉ dừng lại ở cách tu tập có tục đế làm đối tượng như là các chúng sinh, người nam, người nữ…thì hành giả có thể rơi vào trạng thái tâm lệch lạc. Đó là cách nhìn không đúng gọi là āttadiṭṭhi – ngã chấp – chấp vào các chúng sinh – chấp vào người này người kia. Cho nên ở trong Phật giáo khi tu tập hành giả không có dừng lại ở đối tượng tục đế mà cần phải tiếp tục tu tập lấy đối tượng chân đế làm đối tượng thì mới có thể giác ngộ được.

Cho nên để không rơi vào ngã chấp thì hành giả sau khi phát triển tâm từ có thể đạt đến cận định hay là an chỉ định như là nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, hành giả phải xuất ra khỏi tầng thiền đó và quan sát các chi thiền bao gồm tầm tứ hỷ lạc nhất tâm ở trong nhất thiền hay là tứ hỷ lạc nhất tâm ở trong nhị thiền, hay là hỷ lạc nhất tâm ở trong tam thiền. Đó là những trạng thái tâm gọi là thiền chi ở trong các tâm thiền nhất thiền nhị thiền tam thiền, sau khi hành giả phát triển tâm từ có thể đạt đến những tầng thiền đó. Và sau khi xuất ra khỏi tầng thiền đó hành giả quan sát các chi thiền như là tầm tứ hỷ lạ nhất tâm. Và những pháp đó là danh pháp, nó là những pháp chân đế.

Để cho danh pháp này sinh khởi, có một nơi nương nhờ đó là trái tim hay nói cách khác theo chân đế là đất nước lửa và gió. Đất nước lửa và gió là bốn yếu tố sắc pháp, cũng là chân đế. Và đối với hành giả thì thấy rõ danh pháp sắc pháp ở trong chính mình và những chúng sinh khác mà những chúng sinh khác mà hành giả hướng tới cũng chỉ là danh pháp sắc pháp. Với sự thấy biết như vậy hành giả mới có thể thoát được khỏi ngã chấp – chấp vào các chúng sinh.

Cho nên Đức Phật dạy câu kệ cuối cùng đó là:

Diṭṭhiṃ ca anupagamma sīlavā dassanena sampanno,
kāmesu vineyya gedhaṃ na hi jātu gabbhaseyyaṃ punaretī

Đối với hành giả sau khi phát triển tâm từ như vậy, hành giả phải quan sát để thấy rõ danh pháp sắc pháp là những pháp chân đế đồng thời thành tựu giới và không có bị rơi vào phụ thuộc vào những tham dục, trạng thái đó là trạng thái của một bậc Thánh Nhập lưu.

Đức Phật khuyên những tỳ khưu đó rằng sau khi tu tập tâm từ, những vị tỳ khưu không nên dừng lại ở đó mà phải phát triển thiền tuệ thấy rõ danh pháp, sắc pháp và phải đạt đến Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu mới đoạn trừ được ngã kiến.

Cho nên trong bài kệ này chỉ rõ tiến trình tu tập thiền tuệ đạt đến Thánh quả Nhập lưu, cho nên cái dòng dassanena sampanno là thành tựu chi kiến. Thành tựu chi kiến ở đây là thành tựu Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu và đối với một hành giả chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu rồi thì đoạn trừ được kiến chấp và ngã chấp. Và nếu tiếp tục thực hành thì sẽ ly tham và đoạn trừ được tham ái, cho nên hành giả có thể từ Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu có thể đạt đến Thánh đạo Thánh quả Nhất lai, Thánh đạo Thánh quả Bất lai và Thánh đạo Thánh quả A ra hán.

Trong bài kệ cuối cùng này, dòng kāmesu vineyya gedhaṃ là chỉ cho những bậc Thánh Bất lai bởi vì những bậc Thánh bất lai không còn tham dục, và sau khi thân hoại mạng chung bậc Thánh Bất lai sẽ tái sinh vào cảnh giới Suddhavāsa – Ngụ tịnh cư thiên là cảnh giới chỉ có bậc Thánh Bất lai và bậc Thánh A ra hán mà thôi.

Dòng kệ cuối cùng là na hi jātu gabbhaseyyaṃ punaretī nghĩa là không có đầu thai nữa hay là tái sinh ở trong tam giới nữa, dòng kệ này chỉ cho bậc Thánh A ra hán. Đối với những bậc Thánh Bất lai sau khi tái sinh sinh vào cảnh giới Suddhavāsa – Ngụ tịnh cư thiên, ở đó có thể chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán, sau khi chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán vị đó không có còn tái sinh vào bất kỳ cảnh giới nào gọi là đạt đến vô sanh.

Sở dĩ gọi dassanena sampanno là thành tựu chi kiến là thành tựu đạo quả Nhập lưu là bởi vì cái chữ dassanena là tri kiến hay thấy biết được đề cập trong bộ Paṭṭhāna trong phần 03 pháp tika có chữ dassanena này. Dassanena sở dĩ gọi là Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu, bởi vì một vị đạt đến Thánh đạo Thánh quả nhập lưu, vị đó thấy biết Niết bàn lần đầu tiên. Cho nên sự thấy biết Niết bàn lần đầu tiên là sự thấy biết của bậc Thánh Nhập lưu. Cho nên khi dịch cụm từ dassanena sampanno là thành tựu thánh đạo Thánh quả Nhập lưu là vì lý do đó.

Tóm lại trong bài kinh mettasutta có 12 câu kệ, trong đó 02 câu kệ đầu tiên là 02 câu kệ do các Ngài đại trưởng lão sau này thêm vào để giới thiệu duyên khởi của bài kinh này. Còn nội dung chính mà Đức Phật thuyết có 10 câu kệ. Trong 10 câu kệ này, 02 câu kệ đầu tiên từ dòng Karaṇīyamatthakusalena là nói về những bước chuẩn bị, trạng thái tâm, những hành động của những hành giả tu tập tâm từ cần phải thực hiện 14 pháp và pháp thứ 15 không nên làm đó là tránh xa những điều ác liên quan đến thân khẩu và ý. Những câu kệ tiếp theo là Đức Phật hướng dẫn về cách phát triển tâm từ.

Trước hết là phát triển tâm từ cầu nguyện cho các chúng sinh được an vui, hạnh phúc và cầu nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Trong cách phát triển tâm từ đối với đối tượng có ba cách: bao trùm lên tất cả các chúng sinh, chia chúng sinh ra làm 02 và cách thứ ba là chia ra làm ba. Sau đó Ngài mới khẳng định rằng một hành giả với sự tu tập tâm từ thuần thục thì có thể an trú tâm từ trong các tư thế khác nhau đi đứng ngồi và nằm.

Và sau đó hành giả không có dừng lại ở phát triển tâm từ, lấy đối tượng là các chúng sinh – tục đế mà phải phát triển thiền quán dựa trên sự phát triển tâm từ, dựa trên các tầng thiền. Qua sự phát triển tâm từ đó để phát triển thiền quán bằng cách quan sát các chi thiền, quan sát các yếu tố thuộc về vật chất là nơi mà những chi thiền đó sinh khởi và cuối cùng Ngài khẳng định này qua sự phát triển tâm từ và thiền quán dựa trên các tầng thiền định tâm từ hành giả có thể đạt Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu, Thánh đạo Thánh quả Nhất lai, Thánh đạo Thánh quả Bất lai và Thánh đạo Thánh quả A ra hán. Đó là nội dung tóm tắt của bài kinh tâm từ.

Sau khi Đức Phật dạy bài kinh tâm từ cho nhóm tỳ khưu ở trong rừng, Ngài khuyên rằng khi trở về khu rừng này các con nên đọc tụng và phát triển tâm từ đến cho các chư thiên, thọ thần ở xung quanh đó. Các vị tỳ khưu nghe theo lời của Đức Phật trở về khu rừng và làm như Đức Phật dạy nên các vị tỳ khưu đó có thể an cư hậu an cư và có thể tu tập tại khu rừng đó một cách yên ổn.

Và được biết rằng sau khi những vị tỳ khưu đó trở về khu rừng tu tập và mỗi ngày phát triển tâm từ khiến cho tất cả chúng sinh ở trong khu rừng đó nói chung và các chư thiên, các thọ thần ở trong khu rừng đó nói riêng không những không quấy nhiễu những vị tỳ khưu đó mà còn hộ trì giúp đỡ bảo vệ những vị tỳ khưu đó để có sự tu tập tốt, an ổn trong quá trình thực hành và an cư kiết hạ trong khu rừng đó.

Bài kinh tâm từ này được Đức Phật thuyết vào ngày rằm tháng 7, cho nên vào ngày rằm tháng 7 các nước Phật giáo đặc biệt là Phật giáo nguyên thủy Theravāda xem ngày đó là ngày tâm từ, ngày tình thương. Cho nên hôm nay cũng gần ngày rằm cho nên ngài bắt đầu bài pháp này để cho chúng ta hiểu nội dung bài kinh tâm từ và biết cách để tu tập phát triển và an trú tâm từ. Chúng ta không có dừng lại ở việc phát triển tâm từ, mà cần phải tu tập thiền quán dựa trên sự phát triển tâm từ đó để thấy rõ danh pháp, sắc pháp, để không còn rơi vào những trạng thái như là ngã chấp hay là kiến chấp.

Và ngay bây giờ như thường lệ chúng ta sẽ bắt đầu tu tập thiền ānāpānasati chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra để phát triển sự định tâm, và nếu có thể chúng ta có thể phát triển tâm từ theo cách mà Ngài tam tạng chỉ dẫn.

Và như thường lệ chúng ta ngồi với tư thế thoải mái, lưng và cổ thẳng đứng, không gồng mình, không căng thẳng, hãy giữ thân tâm một cách thư giãn thoải mái, nhắm mắt ngậm miệng, đặt sự chú ý vào trước mặt và nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc giữa hơi thở và lỗ mũi. Khi hơi thở vào ta biết rõ và quan sát hơi thở đang đi vào tại điểm tiếp xúc ngay lỗ mũi từ đầu đến cuối hơi thở, khi hơi thở đi ra ta cũng nhận biết và quan sát hơi thở đi ở điểm tiếp xúc ngay lỗ mũi từ đầu đến cuối hơi thở. Chỉ cần nhận biết luồng gió đi vào đi ra ở lỗ mũi. Không phán đoán không phân tích không thêm bớt gì cả, chỉ cần chú ý và quan sát hơi thở như thế nào thì quan sát như vậy, không cần phải cố gắng thở mà chỉ giữ hơi thở một cách tự nhiên. Chỉ cần thư giãn thân tâm, hành giả sẽ thấy hơi thả đi vào đi ra.

Khi quan sát hơi thở như vậy nếu nghe một âm thanh, nhận biết cảm giác nào ở trên thân, hay có một suy nghĩ nào xuất hiện ở trong đầu, hành giả cũng cần phải quan tâm mà chỉ hướng tâm quay trở lại hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc ngay tại lỗ mũi và tiếp tục quan sát hơi thở mà không phản ứng chỉ cần hướng tâm trở lại hơi thở vào ra mà thôi. Sau khi an trú chánh niệm ở trên hơi thở và thấy tâm ổn định, hành giả có thể hướng tâm mình đến các chúng sinh để phát triển tâm từ, nguyện cho tất cả chúng sinh được an vui hạnh phúc, nguyện cho tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Hành giả có thể phát triển tâm từ như vậy, lặp đi lặp lại như vậy.

Ngài tam tạng nói rằng chủ nhật tuần sau Ngài cũng sẽ tiếp tục thuyết giảng về đề tài tâm từ này theo cách khác nhau ở trong những bộ kinh mà ở đầu bài pháp thoại Ngài đã nhắc đến đó là bộ phân tích của tạng vi diệu pháp, bộ thanh tịnh đạo…

Và để kết thúc bài pháp chiều hôm nay, Ngài sẽ đọc lại những bài kệ ở trong bài kinh mettasutta này để gửi năng lượng tâm từ đến cho tất cả chúng sinh, đến cho tất cả những người đang nghe pháp, tất cả chúng sinh ở trên thế giới, cầu mong cho tất cả được sống trong tâm từ, luôn an vui hạnh phúc và đặc biệt có thể chứng thánh đạo thánh quả niết bàn diệt mọi phiền não khổ đau ở trong tam giới.

Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn:

Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)

 

TẢI BÀI KINH TÂM TỪ TẠI ĐÂY >>

 

Phận Sự Hàng Ngày Của Người Con Phật Pali-Việt Mới
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app