Buổi 1: Đại Kinh Thiết Lập Niệm Mahāsatipaṭṭhānasutta (Đại Niệm Xứ) – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

Bài Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta – Đại Kinh Thiết Lập Niệm – Ngài Trưởng Lão Tam Tạng Bhadanta Sundara thuyết pháp chiều Chủ Nhật ngày 3/9/2023, Sư Thiện Đức chuyển ngữ tiếng Việt

[4p25] Lời mở đầu

[9p04] Đoạn kinh đầu tiên

[14p45] Giới thiệu địa danh Kuru và Kammāsadhamma

[32p58] 2 lí do Đức Phật thuyết bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta ở vùng Kuru

[43p49] Đoạn kinh thứ 2

[1h04p50] 7 lợi ích khi thực hành Thiết Lập Niệm

[1h18p18] Áp dụng bài kinh Thiết Lập Niệm vào quan sát hơi thở vào, hơi thở ra

[1h36p07] Hướng dẫn hành thiền quan sát hơi thở

[2h04p18] Tổng kết

[4p25] Hôm nay là ngày 3/9/2023, do duyên lành được sự thỉnh cầu bởi BTC, Ngài Tam Tạng sẽ khởi động lại pháp thoại vào chiều chủ nhật. Kể từ đây Ngài sẽ thuyết về bài kinh Thiết Lập Niệm Mahāsatipaṭṭhānasutta. Trước hết, với mục đích để cho quý Phật Tử hiểu biết thêm về phương pháp tu tập chánh niệm dựa theo Tam Tạng là những lời Đức Phật đã dạy. Trước hết Ngài cầu chúc cho tất cả quý Phật Tử thiện nam tín nữ Việt Nam cũng như Phật Tử nước ngoài, tất cả mọi người trên thế gian được nhiều sức khỏe, an vui, đặc biệt là có sự hiểu biết thêm về phương pháp tu tập chánh niệm để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, sinh tử luân hồi.

Ở trong Chú Giải được biết rằng phương pháp chánh niệm là 1 phương pháp mà tất cả Đức Phật, Đức Phật trong quá khứ, Đức Phật trong hiện tại, Đức Phật trong vị lai đều thực hành và thuyết giảng về phương pháp để thực hành thiết lập chánh niệm.

Vì vậy sau đây chúng ta sẽ niệm Ân Đức Phật 3 lần để tưởng nhớ đến ân đức của Đức Phật Gotama hiện tại, Ngài đã thuyết bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta phương pháp chánh niệm để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ sinh tử luân hồi, cũng như đảnh lễ đến tất cả Đức Phật đã thuyết giảng và tu tập phương pháp thiết lập chánh niệm này:

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa

[9p04] Ngài Tam Tạng giải thích về từ Mahāsatipaṭṭhāna là tên của bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta Thiết Lập Niệm. Trước hết từ Mahāsatipaṭṭhāna thì Mahā là lớn, tốt đẹp; sati là chánh niệm, chánh niệm ở đây nghĩa là nhớ về đối tượng mà hành giả thiết lập chánh niệm, đối tượng của chánh niệm, từ paṭṭhāna hay upaṭṭhāna nghĩa là sự áp sát tâm vào đối tượng để quan sát đối tượng, cho nên Mahāsatipaṭṭhāna nghĩa là sự áp sát tâm 1 cách tốt đẹp vào đối tượng của chánh niệm để quan sát. 

Thường ở đầu bài kinh nói chung, cũng như trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, đều có câu “Evaṃ me sutaṃ…”, và câu này là câu của Ngài Ānanda trong lần kết tập Tam Tang đầu tiên, sau 3 tháng Đức Phật nhập Niết-bàn. Trong hội chúng 500 bậc Thánh A-la-hán có Ngài Mahākassapa làm thượng chủ của cuộc kết tập Tam Tạng này, Ngài Ānanda đã thưa trình rằng “Evaṃ me sutaṃ…” “Bài kinh này con đã nghe như vậy…”, và sau đó Ngài Ānanda mới trình bày về nơi chốn bài kinh được Đức Phật thuyết giảng.

Trong đoạn mở đầu này, có nghĩa là Đức Phật đã thuyết bài kinh Thiết Lập Niệm ở vùng Kuru thuộc thị trấn Kammāsadhamma. Đây là 1 địa điểm Đức Phật đã thuyết bài kinh này.

[14p45] Trước hết Ngài muốn chia sẻ với chúng ta địa danh Kuru và Kammāsadhamma. Kuru là tên 1 đất nước nhỏ, Kuru là 1 địa danh được hình thành từ thời rất xa xưa, từ khi trái đất có loài người xuất hiện. Sau đó có 1 vị vua đầu tiên tên là Sammata, trải qua 6 triều đại của vị vua đầu tiên này, đến đời thứ 6 là vua Mandhātu. Vị vua Mandhātu này nói riêng, và con người kể từ khi trái đất xuất hiện có loài người ở, thì lúc đó loài người có những năng lực rất phi thường so với bây giờ. Vua Mandhātu là 1 vị Chuyển Luân Vương có xe báu, có thể bay từ Nam thiện bộ châu đến Bắc Cưu Lưu Châu (Uttarakuru), Tây Ngưu Hóa Châu, Đông Thắng Thần Châu. Khi vua Mandhātu trở về, 1 số người ở xứ Bắc Cưu Lưu Châu theo vua về Nam Thiện Bộ Châu (là trái đất ta đang ở), 1 số nguời ở Tây Ngưu Hóa Châu, Đông Thắng Thần Châu cũng đi theo nhà vua. Khi con trai của nhà vua Mandhātu lên ngôi, để tưởng nhớ đến người cha của mình, cũng như có sự ưu tiên cho những người xứ Bắc Cưu Lưu Châu, nhà vua mới cho họ nơi để họ thành lập nơi sinh sống, và chỗ đó cũng lấy tên theo xứ của họ là Uttarakuru (Bắc Cưu Lưu Châu), địa danh đó tồn tại từ lúc đó cho đến lúc Đức Phật xuất hiện.

Địa danh Kammāsadhamma = kammāsa (bị đốm, bị khiếm khuyết) + dhamma (chân đế, công lý, 5 giới). Gọi là Kammāsadhamma vì những người xứ Kuru vốn là những người có 5 giới 1 cách tự nhiên, trong thâm tâm của họ luôn có sự giữ giới mà không cần sự cố gắng nào, đặc biệt là những người sống ở Bắc Cưu Lưu Châu. Họ không cần cố gắng vì họ có sự giữ giới rất tự nhiên. Nhưng kể từ khi đến xứ Nam Thiện Bộ Châu, ở vùng Kuru do vua Mandhātu thành lập, họ sống chung với những người Nam Thiện Bộ Châu, dần dần họ bị ảnh hưởng, đồng hóa nên 5 giới của họ dần dần không còn trong sạch như ở Bắc Cưu Lưu Châu, khi 5 giới họ bị đốm, bị đứt nên những người trong xứ này gọi là những người 5 giới bị khiếm khuyết, nơi họ ở được lấy tên như thế. Tức là nơi những người có 5 giới khiếm khuyết sinh sống.

Đối với từ Kammāsadhamma được viết 2 cách, cách 1 là dhamma giống trong câu “dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi” (giới, công lý, giới hạnh), cách thứ 2 là damma (không có h), nghĩa là thuần phục, thuần hóa. Gọi Kammāsadhamma vì là nơi mà 1 người có thân hình bị đốm, đốm ở thân hình, đốm ở chân bị thuần phục ở nơi này, như được kể ở trong tích truyện tiền thân của Đức Phật – tích Soma Jātaka, trong tích này có 1 nhân vật tên là Porisāda, nhân vật này là 1 dạng nửa người nửa thú, là thú nhưng ăn thịt người, có hình dạng gần giống người, rất hung dữ. Tại nơi này Porisāda đã được Bồ Tát thuần hóa thành người tốt, nên nơi này gọi là nơi mà ông Porisāda là người mà có đốm ở thân, ở chân được thuần hóa, vì vậy lấy sự kiện này để đặt tên cho địa danh mà Đức Phật đã thuyết bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta.

Ngài Ānanda trong kì kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, với 500 bậc Thánh A-la-hán, Ngài đã nói lên địa danh mà Đức Phật đã tuyên thuyết bài kinh này, để những người đời sau có thêm sự hiểu biết về nơi chốn mà Đức Phật đã tuyên thuyết bài kinh của mình, để những người đời sau ghi nhớ, đến chiêm bái, nhớ lại và thực hành theo những lời dạy mà Ngài đã thuyết. Vì vậy vào khoảng năm 2017 nhờ biết được địa danh Kuru Kammāsadhamma này nên Ngài và 1 số Phật tử Việt Nam đã đến địa danh này để tưởng nhớ lại bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta đọc lại bài kinh này, cũng để tự mình sách tấn mình tu tập theo lời bài kinh của Đức Phật. Đó là lí do trước mỗi bài kinh Ngài Ānanda đều trình bày về địa danh, nơi Đức Phật thuyết pháp bài kinh đó.

Địa danh Kammāsadhamma của xứ Kuru này, Đức Phật đã gọi các Tỳ Kheo đệ tử của mình: “bhikkhavo” này các Tỳ kheo. Khi Đức Phật gọi như vậy, không có nghĩa Ngài chỉ gọi các Tỳ Kheo ngồi ở đó mà thôi, mà Bhikhavo đây là danh từ đại diện gọi chung cho tất cả những người đang hiện diện ở đó, bao gồm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sadi, Sadi Ni, các thiện nam tín nữ có mặt ở đó để họ có sự chú ý đến lời dạy của Ngài.

[32p58] Sở dĩ Đức Phật tuyên thuyết bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta tại xứ Kuru mà Ngài không thuyết tại các thành khác, thì có 2 lí do. Thứ nhất, những người ở xứ Kuru này là những người có khả năng thấu hiểu được những pháp vi tế khó hiểu. Lý do thứ 2, tại nơi đây các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sadi, Sadi Ni, các thiện nam tín nữ thường có thói quen tu tập về chánh niệm trong những công việc hằng ngày, cũng như có thói quen tu tập chánh niệm trên thân, thọ, tâm, pháp nên Đức Phật đã thuyết bài kinh Thiết Lập Niệm ở nơi đây. 

Ngay cả những người đi lấy nước, chặt củi trong rừng, khi họ làm những công việc như vậy, hoặc khi họ đọc tụng bài kinh Thiết Lập Niệm, hoặc họ thực hành 1 trong 4 đề mục niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp thì những người làm công việc nhỏ nhặt trong xã hội, họ đều làm như vậy. Mỗi khi họ gặp nhau, họ hỏi ngày hôm nay bạn thực hành đề mục gì, niệm thân, thọ, hay pháp. Nếu được trả lời rằng ngày hôm nay tôi không có thời gian thực hành, thì sẽ bị chê trách, còn nếu trả lời hôm nay tôi thực hành niệm thân hay thọ… thì người trả lời sẽ được người khác khen ngợi, nói lên lời hoan hỷ sadhu lành thay.

Ở xứ Kuru này, không chỉ loài nguời mà cả loài thú cũng rất quen biết với bài kinh thiết lập niệm này. Rất quen biết và nhớ dễ dàng những từ ngữ trong bài kinh này, vì những loài thú sống gần loài người, học theo thói quen của loài người. Ở 1 ngôi chùa có 1 con chim két gần vị Tỳ Kheo Ni, con chim này được dạy từ “Aṭṭhi Aṭṭhi” là 1 trong 10 đề mục niệm tử thi, Aṭṭhi ở đây là bộ xương, con chim két được dạy và nó thường đọc “Aṭṭhi Aṭṭhi” khi gặp 1 ai đó. 1 lần nọ, có 1 con vật khác đến và nó đào xới đất ở trong vườn, con chim két mới kêu lên “Aṭṭhi Aṭṭhi…”, nhờ vậy người trong chùa mới chạy ra đuổi con vật đi không cho đào xới đất. Ví dụ này cho thấy không chỉ những con người nơi Kuru rất quen biết với những đề mục trong bài kinh Thiết Lập Niệm này, mà các loài thú sống chung với loài người cũng có thói quen, giống như con chim két thường hay đọc “Aṭṭhi Aṭṭhi”, bộ xương, bộ xương. 

Như vậy, Đức Phật chọn xứ Kuru dhammasadhmam để thuyết bài kinh này bởi 2 lí do – (1) những người nơi đây có khả năng hiểu những pháp vi tế khó hiểu, (2) những người nơi đây có thói quen tu tập đề mục niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

[43p49] Sau khi hội chúng có sự chú tâm, Đức Phật bắt đầu thuyết bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta là diệu pháp mà tất cả Chư phật đã thực hành và đã tuyên thuyết. Đức Phật bắt đầu: “ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya, yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā.

Ý nghĩa của đoạn trên: trước hết Đức Phật đã gọi các Tỳ kheo, sau khi các Tỳ kheo cũng như hội chúng bao gồm Tứ Chúng đã có sự chú tâm rồi, Ngài mới dạy: “này các Tỳ Kheo, đây là con đường độc nhất giúp chúng sinh thanh tịnh hóa tâm của mình”

Để giải thích từ ngữ của đoạn này, thì ekāyana cần giải thích trước. Đây là 1 từ pali = eka + ayana. Eka = 1, ayana = con đường, hành trình.

(1) Ý nghĩa đầu tiên là con đường duy nhất. Con đường duy nhất đi đến Niết-bàn, đó là chánh niệm – sati. Thực hành chánh niệm là con đường duy nhất đi đến Niết-bàn.

(2) Ý nghĩa thứ 2, không nói về con đường nữa, mà nói về người thực hành. Tức là con đường được thực hành bởi 1 mình, không có 2 người đi cùng. Khi thực hành, thì chỉ có duy nhất 1 mình, từng người từng người thực hành mà thôi, không có người thứ 2 đi cùng. 

Mặc dù ở trong thiền viện hay trong rừng, các vị ngồi thiền chung nhau, tuy nhiên mỗi người đều thực hành chánh niệm ở trên đề mục riêng của mình, không phải 2 người hay nhiều người cùng thực hành đề mục với mình. 2 người hay nhiều hơn cùng nhau quan sát 1 đề mục, mỗi người có sự quan sát đề mục riêng của mình, mỗi người quan sát thân tâm của mình, quan sát sự sinh diệt của danh sắc, pháp sắc trong thân tâm mình. Nên dù ngồi thiền chung nhưng mỗi người đi theo con đường riêng của mình. Nên gọi là con đường được đi riêng lẻ của mỗi người.

(3) Nghĩa thứ 3, eka + ayana, ayana đây vẫn là con đường, hành trình, nhưng nghĩa của eka ở đây có nghĩa là bậc nhất, cao thượng. Cao thượng, bậc nhất ở đây ám chỉ cho Đức Phật, Ngài là bậc cao thượng độc nhất. Như trong 1 cuộc thi, người đứng đầu gọi là người thứ nhất, hay là ở trong 1 cộng đồng xã hội, người cao nhất thì gọi là bậc nhất. Cũng vậy, Đức Phật là 1 bậc thầy của Chư Thiên và Nhân Loại, Ngài được gọi là bậc đứng đầu – eka. Nên ekayana là con đường của 1 bậc thầy bậc nhất hướng đến Niết-bàn, con đường được Đức Phật là vị bậc nhất trong thế gian phát hiện, hành trì và thuyết giảng.

(4) Ý nghĩa thứ tư, ekayana nghĩa là con đường chỉ có ở trong giáo pháp của Đức Phật mà thôi, Eka nghĩa là giáo pháp của Đức Phật, Giáo pháp được 1 đấng bậc nhất thuyết giảng. Con đường này chỉ được tìm thấy trong giáo pháp của Đức Phật, không được tìm thấy ở ngoài giáo pháp của Đức Phật

(5) Ý nghĩa thứ năm, ekayana là con đường để đạt đến 1 pháp duy nhất là Niết-bàn. Nên eka đây là 1 pháp duy nhất – là pháp niết-bàn, không có 1 pháp thứ 2 ngang bằng Niết-bàn. Nên đây là con đường để hướng đến 1 pháp duy nhất là Niết-bàn.

Như vậy ekayana có 5 nghĩa, để khi thực hành chúng ta có sự hoan hỷ, chúng ta cần có sự hiểu biết về ý nghĩa của ekayana. (1) con đường duy nhất (2) con đường được đi 1 mình (3) con đường được thuyết giảng bởi 1 đấng bậc nhất là Đức Phật – độc nhất trong tam giới (4) con đường chỉ được tìm thấy trong 1 giáo pháp là giáo pháp của Đức Phật mà thôi (5) con đường hướng đến 1 pháp duy nhất là Niết-bàn.

Tiếp theo là cụm từ maggo – đây là chỉ con đường hướng đến Niết-bàn. Bao gồm 4 con đường, thứ nhất là con đường niệm thân, thứ 2 là con đường niệm thọ, thứ 3 là con đường niệm tâm, thứ 4 là con đường niệm pháp. Magga là chỉ 4 cách thiết lập niệm, 4 con đường này dẫn đến Niết-bàn.

[1h04p50] Sau đó, Đức Phật thuyết về 7 lợi ích của con đường độc đạo – con đường chánh niệm. Đức Phật bắt đầu bằng “sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya”  đây là 7 lợi ích, kết quả của sự thực hành chánh niệm. Nói cách khác, đây là 7 lợi ích mang lại khi thực hành con đường chánh niệm.

(1) Thứ nhất: sattānaṃ visuddhiyā – thanh tịnh hóa tâm của chúng sanh

(2+3) sokaparidevānaṃ – vượt qua sầu muộn (soka) và than khóc (parideva)

(4+5) dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya: để chấm dứt nỗi khổ (về thân) và niềm đau (về tâm)

(6) ñāyassa adhigamāya: để thành tựu chánh trí

(7) nibbānassa sacchikiriyāya: chứng ngộ Niết-bàn

Như vậy, trước hết Đức Phật nói về sự lợi ích tu tập Chánh Niệm là 7 lợi ích, 7 lợi ích này cũng là phẩm chất tốt đẹp của con đường độc đạo mà Đức Phật gọi là sự tu tập niệm, thiết lập niệm.

Trong 7 lợi ích của sự tu tập chánh niệm này, trong chú giải chia ra làm 2 phần, thứ nhất là những thứ bị loại trừ, thứ 2 là những thứ được thiết lập và thành tựu.

Phần thứ nhất, để đoạn trừ là đoạn trừ soka (sầu muộn), parideva (than khóc) dukkha (khổ đau) domanassā (ưu phiền trong tâm) – khi thực hành chánh niệm sẽ bị đoạn trừ

Phần thứ 2, được thiết lập và thành tựu – sự thanh tịnh nội tâm (sattānaṃ visuddhiyā ) , chánh trí (atthaṅgamāya ñāyassa), niết-bàn được chứng ngộ (nibbānassa sacchikiriyāya).

Khi tu tập chánh niệm, khi chánh niệm được thiết lập thì 4 pháp bị loại trừ, 3 pháp được thành tựu.

Đối với những thí dụ mà khi chánh niệm được thiết lập, 4 thứ được loại trừ như vừa đề cập, có những ví dụ như là vua trời Sakka, hay ông cư sĩ Santati, hay cô Paṭācārā… Đó là những ví dụ những người khi tu tập chánh niệm, 4 pháp không tốt bị loại trừ. Ngài sẽ tùy duyên mà chia sẻ với chúng ta về những ví dụ này trong thời pháp sau khi có sự liên quan.

[1h14p37] Câu cuối cùng trong đoạn này: “yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā”  đó là 4 sự thiết lập niệm  ý nói con đường này là con đường của 4 sự thiết lập niệm. Khi nói đến satipaṭṭhāna, để cho hành giả có sự hiểu biết rõ ràng, hỗ trợ cho sự thực hành, chúng ta cần ghi nhớ 2 nghĩa của từ satipaṭṭhāna (mặc dù có khá nhiều nghĩa, nhưng có 2 nghĩa bổ trợ cho các hành giả khi tu tập chánh niệm). Thứ nhất, sati là sự ghi nhớ, nhớ về đối tượng, paṭṭhāna hay upaṭṭhāna là sự áp sát vào đối tượng, áp sát chánh niệm vào đối tượng (thân, thọ, tâm, pháp), nên satipaṭṭhāna cần hiểu và ghi nhớ (1) sự nghĩ về đối tượng tu tập (thân, thọ, tâm, pháp) – nghĩa thứ 2 (2) là sự áp sát tâm của mình trên đối tượng thân, thọ, tâm, pháp để quan sát bằng chánh niệm.

[1h18p18] Trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta này, để nói về số lượng đề mục thì có 44 đề mục, trong đó có đề mục chúng ta hay thực hành là đề mục hơi thở vào, hơi thở ra, khi giải thích về chánh niệm đối với hơi thở vào, hơi thở ra, chúng ta thực hành như thế nào? Đó là khi hành giả quan sát hơi thở, nghĩa là hành giả có sự chánh niệm đối với hơi thở, chánh niệm với hơi thở ở đây là hành giả nhớ đến hơi thở đang đi vào, đang đi ra ở ngay chỗ tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, thường nằm ở trên môi, dưới 2 lỗ mũi, hoặc ở xung quanh 2 lỗ mũi là địa điểm tiếp xúc hơi thở với lỗ mũi. Khi hành giả nhớ đến hơi thở vào hơi thở ra tiếp xúc với 2 lỗ mũi, khi đó hành giả đang thực hành chánh niệm với hơi thở vào, hơi thở ra. Đó là nghĩa thứ nhất – nhớ đến hơi thở đang đi vào, đang đi ra ở lỗ mũi. Nghĩa thứ 2, khi quan sát hơi thở, hành giả áp sát tâm của mình đến hơi thở vào, hơi thở ra để nhận biết hơi thở đang đi vào, đang đi ra ở lỗ mũi, cho nên khi nói đến sự chánh niệm trên hởi thở vào hơi thở ra, hay bất kì đề mục nào thì đều có 2 nghĩa này. Thứ nhất – nhớ đến đối tượng đang xảy ra, thứ 2 – áp sát tâm lên trên đối tượng đang xảy ra để quan sát đối tượng đang xảy ra.

Theo cấu trúc của tiếng Pali, thường các động từ nằm ở cuối câu, Nên trong 1 đoạn văn dài như vậy, nếu dịch cho trôi chảy, thường bắt đầu từ cuối câu để dịch lên. Nên trong đoạn văn này, để chúng ta hiểu được tuần tự, Ngài Tam Tạng đã sắp xếp lại như thế này: trước hết Đức Phật gọi này các Tỳ Kheo (bao gồm Tứ Chúng – Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sadi, Sadi Ni, các thiện nam tín nữ), sau đó để dịch phải bắt đầu từ câu cuối: yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā có 4 sự thiết lập niệm. Rồi dịch tiếp: Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo – 4 sự thiết lập niệm này là con đường duy nhất, con đường duy nhất này mang lại lợi ích gì khi đi trên con đường này? Tiếp theo mới dịch sattānaṃ visuddhiyā … con đường thiết lập niệm là con đường duy nhất dẫn đến thanh tịnh hóa tâm của chúng sanh, giúp vượt khỏi sự sầu bi, than khóc, hướng đến sự chấm dứt nỗi khổ, niềm đau, hướng đến thành tựu chánh trí, hướng đến Niết-bàn. Nên theo tuần tự cho dễ hiểu: trước hết Đức Phật gọi này các Tỳ Khưu, sau đó Ngài giới thiệu 4 sự thiết lập niệm – đây là con đường duy nhất để thanh tịnh tâm mình, vượt khỏi than khóc, khổ đau, thành tựu chánh trí, Niết-bàn.

Ở trong đoạn văn này, câu đầu tiên Đức Phật nói “Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo” – chỉ có 1 con đường thôi, nhưng đoạn cuối “yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā” – đó là 4 sự thiết lập niệm. Vậy câu cuối là có 4 chứ không phải có 1, vậy câu đầu câu cuối dường như không có sự ăn khớp nhau? Chúng ta hiểu thế nào? Lời dạy con đường duy nhất là chánh niệm, thì có 4 sự thiết lập niệm, nhưng yếu tố chính là niệm. Khi nói đến 4 sự thiết lập niệm ở đây là nói về 4 đối tượng, bao gồm thân, thọ, tâm , pháp nên khi nói đến 4 là nói về đối tượng, còn nói 1 là nói về niệm. Thì dù là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp thì chỉ có 1 yếu tố duy nhất là niệm – là yếu tố chính. Nên nói về con đường duy nhất là nói về niệm – sati, còn nói về 4 là nói về 4 đối tượng của niệm.

Ở đây chúng ta cũng có thể hiểu, nói về niệm là chỉ có 1, còn nói về đối tượng là có 4. Khi nói về đối tượng có 4 như vậy, nhưng niệm cũng có thể gọi là có 4 niệm (niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp).

Câu đầu “Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo”, Đức Phật muốn nhấn mạnh con đường duy nhất hướng đến Niết-bàn, chỉ có con đường Chánh Niệm mới đến Niết-bàn.

Vừa rồi, Ngài Tam Tạng đã giải thích về ý nghĩa của chữ Ekayana đồng thời nói về 7 phẩm chất của con đường duy nhất này – hay 7 lợi ích khi đi trên con đường chánh niệm này – đó là khi thực hành con đường này có 4 thứ bị loại trừ, 3 lợi ích được thành tựu. Vào những buổi sau Ngài sẽ giải thích rộng hơn theo Chú Giải, đồng thời Ngài cũng chia sẻ thêm những cách khi thực hành Chánh Niệm này, lợi ích được thành tựu như thế nào thông qua những câu chuyện, dẫn chứng trong Tam Tạng Kinh Điển để chúng ta hiểu sâu hơn và có niềm tin khi thiết lập niệm.

[1h36p07] Bây giờ cũng đã đến lúc chúng ta áp dụng phương pháp thiết lập niệm này, như Ngài đã hướng dẫn thực hành chánh niệm trên hơi thở vào hơi thở ra. Khi áp dụng, chúng ta cũng có thể có được 7 lợi ích này, nhưng chúng ta chỉ đạt được trong 1 thời gian ngắn thôi, chứ chưa đạt được hoàn toàn, trọn vẹn như những hành giả đã đi hết con đường này, đến Thánh Đạo, Thánh Quả. Tuy nhiên, 1 thời khắc ngắn nhưng chúng ta cũng cảm nhận được giá trị của sự thiết lập niệm này, nên khi chúng ta ngồi và quan sát hơi thở vào, hơi thở ra theo đúng tinh thần bài kinh này, là chúng ta nhớ đến hơi thở vào, hơi thở ra ở điểm tiếp xúc với lỗ mũi, áp sát tâm mình trên hơi thở vào ra ở điểm tiếp xúc với lỗ mũi. 

Và giờ chúng ta bắt đầu thực hành, ngồi thư giãn, giữ lưng, cổ thẳng 1 cách tự nhiên, chúng ta thả lỏng, buông xả, nhắm mắt và chú ý đến hơi thở đang đi vào đi ra ở lỗ mũi, áp sát tâm mình lên hơi thở đang đi vào đi ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, nhận biết và quan sát từ đầu đến cuối hơi thở đang đi vào ra ở lỗ mũi. Khi quan sát chúng ta chỉ đơn thuần nhận biết và quan sát hơi thở đang đi vào đi ra, không suy nghĩ, không phân tích, không phán đoán cũng như không chú ý đến những đối tượng khác. Khi nghe 1 âm thanh khi cảm nhận 1 cảm giác, hay khi nhận biết tâm đang phóng đi chỗ khác thì hãy hướng tâm, áp sát tâm mình trở lại hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc với lỗ mũi, tiếp tục nhận biết quan sát, biết rõ hơi thở đang đi vào từ đầu đến cuối, biết rõ hơi thở đang đi ra từ đầu đến cuối, Thực hành như vậy để phát triển sự định tâm trên hơi thở, khi có sự định tâm thì tâm mới trở nên tĩnh lặng, trong sáng.

[2h04p18] Vừa rồi chúng ta thực hành sự thiết lập niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra như trong bài kinh Thiết Lập Niệm. Trong trường hợp này có thể gọi là Ānāpānasati – sự thiết lập niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra – nhớ đến hơi thở đang đi vào, đi ra, và áp sát tâm lên hơi thở đang đi vào đi ra, quan sát, nhận biết hơi thở đang đi vào đi ra. Làm được như vậy là chúng ta đang thiết lập niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra. Đây cũng là cách chúng ta áp dụng lên các đề mục khác.

Sự thực hành thiết lập niệm là sự thực hành rất là vi tế, Đức Phật đã chọn xứ Kuru thị trấn Kammāsadhamma để thuyết bài kinh cho người dân này vì 2 lí do (1) những người dân nơi đây có khả năng thấu hiểu và thực hành những pháp vi tế, thâm sâu như pháp thiết lập niệm, lí do thứ (2) vì người dân xứ Kuru có thói quen thực hành thiết lập niệm trên thân, trên thọ, trên tâm, trên pháp. Do đó Đức Phật đã chọn bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta để thuyết cho người dân nơi đây. Để có những bài pháp thoại như buổi chiều hôm nay, BTC và Sư đã thỉnh cầu Ngài thuyết giảng bài kinh này cho phật tử Việt Nam có duyên thực hành sự thiết lập niệm, là sự thực hành hướng đến giải thoát, Niết-bàn, trong số chúng ta đang ngồi nghe giảng bài kinh này, cũng như có khả năng thực hành theo bài kinh này, Ngài tin rằng trong số chúng ta cũng có khả năng hiểu và hành theo phương pháp này như người dân xứ Kuru, chúng ta cũng là những người được Đức Phật tán thán, ca ngợi và lựa chọn để thuyết bài kinh này. Ngài Tam Tạng tin rằng chúng ta cũng có những người giống như người ở xứ Kuru vào thời Đức Phật lúc này. Ngài cầu mong cho tất cả chúng ta có khả năng thấu hiểu và thực hành sự thiết lập niệm trên thân, thọ, tâm, pháp này.

Khi chúng ta có khả năng thấu hiểu và thực hành sự thiết lập niệm trên thân, trên thọ, trên tâm, trên pháp thì sự chánh niệm, tỉnh giác của chúng ta ngày càng được thiết lập và phát triển, đối với công việc mà chúng ta có chánh niệm, tỉnh giác thì công việc đó cũng trở nên ổn định, tốt đẹp. Trong công việc hàng ngày chúng ta có sự chánh niệm, tỉnh giác thì công việc đó của chúng ta cũng trở nên tốt đẹp. Trong sự tu tập, nếu chúng ta thường xuyên có tỉnh giác, chánh niệm thì sự tu tập của chúng ta cũng trở nên ổn định, tốt đẹp. Ngài chúc cho chúng ta có sự tinh tấn thực hành theo bài kinh Thiết lập niệm cho đến khi chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát sinh tử luân hồi trong tam giới.

 

(bản text do bạn Vũ Thái Bình tốc ký)

CHIA PHƯỚC HỒI HƯỚNG NGẮN GỌN

(Sư Thiện Đức gửi)

– Imāya Dhammānudhamma-paṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi.
(Bằng sự thực hành Pháp dẫn đến Niết-bàn tịch tịnh, con thành kính cúng dường Phật bảo.)
– Imāya Dhammānudhamma-paṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi.
(Bằng sự thực hành Pháp dẫn đến Niết-bàn tịch tịnh, con thành kính cúng dường Pháp bảo.)
– Imāya Dhammānudhamma-paṭipattiyā Saṅghaṃ pūjemi.
(Bằng sự thực hành Pháp dẫn đến Niết-bàn tịch tịnh, con thành kính cúng dường Tăng bảo.)
– Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayā’vahaṃ hotu, nibbānassa paccayo hotu.
(Nguyện phước thiện này của con dẫn đến sự đoạn trừ phiền não, làm duyên cho Niết-bàn tịch tịnh.)
– Imaṃ puññabhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesa-sabbasattānañca dema.
(Chúng con xin chia phần phước này đến cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu và tất cả chúng sanh.)
Sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbadā.
(Sau khi hoan hỷ nhận lãnh phước này rồi, mong tất cả quý vị luôn an vui và thoát khổ.)
– Sādhu, sādhu, lành thay!

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app