[Sa Môn Quả] Phần 2: Phân Biệt Tà Niệm, Tà Định, Tà Tuệ & 4 Yếu Tố Căn Bản Cho Bậc Xuất Gia, Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp Lợi Ích Thiết Thực & Cách Thực Hành Theo Chánh Pháp, Sư Thiện Đức Hỗ Trợ Chuyển Ngữ Tiếng Việt (21/11/2021)

Hôm nay là ngày thứ hai, Ngài sẽ thuyết giảng về đề tài liên quan đến Kinh Sa môn quả (hay kết quả của sự tu tập Chánh pháp). Với mục đích học hỏi, hiểu biết giáo pháp để tu tập thiền định và thiền tuệ, tạo ra năng lượng an lành, cầu mong cho đại dịch chấm dứt, Ngài có chương trình ban bố cho chúng ta thời pháp để kỷ niệm ngày rằm tháng mười – ngày mà đức Phật thuyết bài kinh Sāmaññaphalasutta bài kinh về kết quả thiết thực của Sa môn.

Trước khi bắt đầu bài pháp hôm nay, chúng ta nên có đối tượng, hình ảnh trong bài kinh Sāmaññaphalasutta – Đó là đức Phật cùng với chư Tăng 1.250 vị ở tại vườn xoài của ngự y Jīvaka tại Rājagaha – thành Vương xá. Bây giờ tất cả chúng ta lấy hình ảnh của đức Phật tại nơi mà ngài đã thuyết pháp để cùng nhau niệm Phật.

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhasa (03 lần)

Như Ngài đã giảng giải hôm qua, Sa môn quả nghĩa là kết quả của Sa môn hạnh. Trên phương diện hình tướng, Sa môn ở đây bao gồm cả tăng, ni, tỳ khưu, tu nữ, các cư sĩ và các thiền sinh thực hành giáo pháp. Ở nghĩa tuyệt đối, hạnh Sa môn là bốn đạo – bốn Thánh đạo và kết quả thiết thực của hạnh Sa môn: bốn Thánh quả. 

Ngày hôm qua Ngài cũng có đề cập tới sự việc ở trong hội chúng có nhà vua, khi tới gặp đức Phật có những người đệ tử của ngoại đạo sư. Cho nên thay vì đức Phật trả lời trực tiếp thì Ngài đã hỏi vua Ajātasattu về những sự kiện khi nhà vua đến gặp các ngoại đạo sư. Là một người vốn có ba la mật ở trong quá khứ rất sâu dày, tuy nhiên trong kiếp hiện tại đã gặp bạn xấu đó là tỳ khưu Devadatta cho nên đã lỡ giết cha và sau đó khi gần gũi với các quan đại thần ở trong triều thì các quan đại thần đã dẫn dắt nhà vua đến gặp các vị ngoại đạo sư. Qua đó nhà vua cũng nhận biết rằng những giáo lý của các ngoại đạo sư không mang lại lợi ích nhiều, thậm chí còn mang lại tai hại. Cho nên cuối cùng nhà vua đã có mong muốn nguyện vọng đến đảnh lễ đức Phật và học hỏi giáo pháp từ Ngài.

Khi gần gũi với bạn bè, nhất là giới trẻ nên chọn những người bạn tốt hơn mình. Để biết được điều đó, ngay hiện tại cần có sự quan sát và trí tuệ để nhận biết điều gì là sai, điều gì là đúng. Để những điều sai có thể tránh được, những điều đúng có thể thực hành theo, trong Aṅguttaranikāya đức Phật dạy rằng: Để tăng trưởng thiện pháp và đi trên con đường Chánh pháp, trước hết phải có những người bạn hiền, bạn tốt. Sau khi có bạn hiền, bạn tốt, cần phải học hỏi giáo pháp từ những người bạn hiện, bạn tốt đó. Trong khi học hỏi từ người bạn hiền, bạn tốt đó, cần có sự suy tư và áp dụng trong thực hành để biết được kết quả là đúng hay sai. Đó là những yếu tố để trở thành người tốt mang lại lợi ích cho mình và cho người khác.

Ở Việt Nam như ngài được biết cũng có các sư để cho chúng ta học hỏi, gần gũi, lắng nghe giáo pháp, đặc biệt có ngài Hộ Pháp đã viết rất nhiều sách. Chúng ta có thể học hỏi giáo pháp từ những cuốn sách của ngài Hộ Pháp đã viết. Đó là điều rất đáng vui mừng đối với phật tử Việt Nam

Qua bài học của vua Ajātasattu chúng ta học được những gì. 

  • Thứ nhất đó là không nên gần gũi bạn xấu ác mà nên gần gũi bạn hiền, bạn tốt. 
  • Thứ hai đó là không nên có những lỗi lầm đối với những người có ơn, có trách nhiệm với mình
  • Thứ ba như vua Ajātasattu chúng ta nên có sự hiểu biết và trí tuệ để phân biệt được cái gì tốt, cái gì xấu. Phân biệt được những người nào nói những điều đúng đắn, những người nào nói những điều sai quấy

Như được đề cập ở trong bài kinh, vua Ajātasattu có khả năng phân biệt được điều nào đúng, điều nào sai. Cho nên nhà vua mới đánh giá những ngoại đạo sư là khi được hỏi một điều lại trả lời điều khác, giống như một người khi được hỏi cây mít thì đi trả lời cây xoài, khi được hỏi cây xoài lại đi trả lời cây mít. Và những điều các ngoại đạo sư đã nói, đã thuyết không mang lại lợi ích cho những người khác. Cho nên qua sự trình bày của vua Ajātasattu đến đức Phật, trong chú giải có giải thích rằng: Giống như một người muốn có dầu nhưng đi đến một nơi mà không có những loại vật chất, những yếu tố để tạo ra dầu mà đi đến nơi có cát rồi lấy cát để tạo ra dầu thì điều đó không thể nào xảy ra được. Cũng giống như vậy vua Ajātasattu đã đi đến các ngoại đạo sư và học các quan điểm của các ngoại đạo sư như quan điểm thuyết không hành động, quan điểm đoạn kiến,… Tất cả những giáo thuyết đó không có mang lại lợi ích cũng giống như người muốn có dầu lại đi lấy cát để tạo ra dầu. Với ý nghĩ tương tự như vậy, nhà vua Ajātasattu đã trình bày lên đức Phật để hỏi về kết quả thiết thực của hạnh Sa môn là gì. 

Đối với câu lấy cát vắt ra dầu, trong chú giải có giải thích thêm rằng không những các ngoại đạo sư mà những người đệ tử của các ngoại đạo sư cũng làm tương tự như vậy bởi vì đệ tử của các ngoại đạo sư học hỏi những giáo pháp của thầy mình và những giáo pháp đó dựa trên những tà kiến. Cho nên dù họ làm những điều tốt, họ suy nghĩ những điều tốt nhưng tất cả những điều tốt hay điều không tốt đó đều dựa trên tà kiến. Cho nên kết quả mang lại vẫn là không tốt. Trong Phật giáo, đối với các Phật tử, khi nguyện thọ trì tam quy và ngũ giới thì đọc câu Buddam saranam gacchami – Con thành kính quy y đức Phật vì  Ngài đã đoạn trừ những phiền não. Đức Phật là người đã thực sự đoạn trừ phiền não, cho nên khi tưởng nhớ và đọc như vậy là dựa trên cái đúng. Nhưng đối với đệ tử của các ngoại đạo sư, những việc làm của họ, những lời nói, những hành động, những suy nghĩ đều dựa trên tà kiến cho nên tất cả những hành động, lời nói và suy nghĩ đó đều có tính chất không tốt bởi vì có yếu tố tà kiến chủ đạo trong đó. Vì vậy khi họ suy nghĩ thì sẽ trở thành tà tư duy. Khi họ nhớ nghĩ về một điều gì đó thì họ trở nên tà niệm. Khi họ tập trung một điều gì đó, sự tập trung đó trở lên tà định vì tất cả những yếu tố đó đều có yếu tố tà kiến làm cốt lõi

Liên quan đến micchāsati – tà niệm. Theo Vi diệu pháp, niệm là yếu tố thiện còn gọi là thiện tâm sở. Yếu tố niệm tâm sở thường không tương ưng, thường không đi kèm với những tâm bất thiện, mà chỉ xuất hiện, có mặt ở trong các tâm thiện mà thôi. Cho nên tà kiến được phụ chú giải giải thích là những yếu tố tâm có tham ái và tà kiến. Ví dụ một người nhớ nghĩ về những điều bất thiện hay suy tư về những quan điểm sai lầm thì những suy nghĩ đó, những sự nhớ nghĩ đó đều có yếu tố tham ái và tà kiến ở trong đó. Cho nên tà niệm ở đây là bốn yếu tố danh pháp có nền tảng là tham ái và tà kiến. Do đó theo Vi diệu pháp, tà niệm là yếu tố tâm bị ô nhiễm bởi tham ái và tà kiến

Yếu tố micchāsamādhi ở trong kinh có trực tiếp đề cập. Và trong Vi diệu pháp micchāsamādhi – tà định chính là yếu tố tâm ekaggatā là một trong bảy biến hành tâm sở. Có nghĩa rằng là một tâm sở có thể có mặt trong các tâm bất thiện cũng như là các tâm thiện. Cho nên micchāsamādhi – tà định là sự tập trung vào một việc nào xấu ác. Ví dụ con mèo tập trung để bắt một con chuột. Sự chú ý, tập trung đó gọi là tà định. Hay một người đi ăn trộm, để cho người khác không biết được, người ăn trộm rất nhẹ nhàng và chú tâm quan sát những người xung quanh, những hoàn cảnh xung quanh. Sự tập trung của người ăn trộm cũng gọi là tà định. Hay một người tập trung câu cá, sự tập trung như vậy cũng gọi là tà định. Nói tóm lại tà định là sự tập trung vào một điều gì đó bất thiện.

Cho nên đối với các đệ tử của các ngoại đạo sư, khi có tà kiến như là không có nhân, không có duyên họ có thể đọc natthihetu, natthipaccayo giống như chúng ta đọc tụng hetupaccayo, ārammaṇapaccayo. Sự đọc tụng đó có thể khiến cho họ có được sự định tĩnh, nhưng sự định tĩnh đó dựa trên tà kiến thấy sai chấp lầm. Cho nên họ có thể sát sinh, trộm cắp, tà dâm vì quan niệm của họ không có nhân, không có duyên, không có quả. Cho nên họ không có sợ làm điều ác, vì vậy tâm xu hướng làm điều ác. Mặc dù khi họ đọc tụng như vậy, các yếu tố định tính khiến cho tâm họ trở lên lắng đọng nhưng vì sự hiểu biết của họ là thấy sai chấp lầm cho nên những gì họ làm đều có kết quả xấu ở trong hiện tại và trong tương lai

Micchāñāṇa – tà trí hay tà tuệ. Theo Vi diệu pháp, trí tuệ là một yếu tố thiện tâm sở. Yếu tố tuệ thiện tâm sở này không có tương ưng, không có đi kèm với các tâm bất thiện. Như vậy tà tuệ hay tà trí chúng ta nên hiểu thế nào. Trong phụ chú giải có giải thích rằng, tà trí hay tà tuệ có nghĩa rằng những sự hiểu biết đối với những sự bất thiện. Ví dụ một người làm một công việc bất thiện rất là rành rẽ, họ sát sanh và nghề nghiệp của họ là nghề sát sanh. Cho nên sự hiểu biết về sát sanh của họ rất là rành rẽ. Những sự hiểu biết tương ưng với những sự bất thiện, những hiểu biết làm những điều bất thiện gọi là tà tuệ hay tà trí. 

Để hiểu thêm thế nào là tà tuệ, thế nào là sự hiểu biết rành rẽ với những điều bất thiện, ở trong 8 sự tích Phật lực của đức Phật có sự tích về cô gái tên là Cinca, cô gái Cinca này là đệ tử các ngoại đạo sư có tà kiến. Sau khi đức Phật xuất hiện ở trên thế gian tại xứ Ấn Độ đã làm cho các vị ngoại đạo sư mất đi sự lợi dưỡng, sự cung kính của quần chúng. Cho nên họ tỏ vẻ uất hận với đức Phật, đã tìm cách hại đức Phật, hạ uy tín đức Phật. Vì vậy họ đã sai đệ tử của mình là cô gái Cinca mỗi ngày đi đến chùa Jetavana. Họ bảo cô gái cứ mỗi buổi sáng hãy đi ra khỏi chùa, khi đi ra khỏi chùa có hình tướng giống như là mới ngủ dạy. Khi cô gái từ trong chùa đi ra và gặp các Phật tử từ ngoài đi vào chùa để cúng dường và chư tăng khiến cho họ có mối nghi ngờ. Và khi cô gái được hỏi từ đâu đi ra thì cô ta mới bảo: Từ đâu đi ra là việc của tôi, liên quan gì đến quý vị. Và mỗi ngày, mỗi ngày làm như vậy đến khi vài tháng sau cải trang làm cái bụng càng ngày càng to hơn để tạo ra sự nghi ngờ ở các phật tử đi đến chùa. Và đến khi khoảng 9 tháng hơn, khi đức Phật đang thuyết pháp giữa hội chúng xuất gia và tại gia, cô ta đã đi vào và vu khống đức Phật để hạ uy tín của đức Phật, vu khống rằng đức Phật đã làm cô ta có mang. Trong số những người nghe pháp có một số đã từng nhìn thấy cô ta mỗi buổi sáng đi ra khỏi chùa đã có sự nghi ngờ đối với đức Phật. Đó là cách, là âm mưu của các ngoại đạo sư – thầy của nàng Cinca và chính bản thân cô ta đã có những sự hiểu biết liên quan đến những điều bất thiện, những hành động như vậy để hạ uy tín đức Phật. Sự hiểu biết đối với những điều bất thiện họ đã làm là tà tuệ hay tà trí. Tất cả những điều hiểu biết đó đều dựa trên yếu tố moha – đó là si mê.

Và như trường hợp của tỳ khưu Devadatta khi lập mưu hại đức Phật thì cũng là sự biểu hiện của tà trí, là sự hiểu biết liên quan đến bất thiện. Đối với tỳ khưu Devadatta khi rắp tâm hại đức Phật đã cấu kết với vua Ajātasattu khi đó vẫn còn là một hoàng tử. Cách làm của tỳ khưu Devadatta đó là sai những người cung thủ để sát hại đức Phật. Cách sai những cung thủ đó là một người đứng ở địa điểm mà đức Phật có thể đi qua và bảo cung thủ đó bắn đức Phật. Sau đó bảo người bắn đức Phật đó hãy đi về phía Nam. Tại đường ở phía Nam có 2 cung thủ đứng đợi đó để bắn cung thủ thứ nhất, để giết cung thủ thứ nhất. Sau khi giết cung thủ thứ nhất thì bảo hai người đó hãy đi về đường ở phía Đông. Tại đường ở phía Đông sắp xếp 4 cung thủ khác ở đó để bắn 2 cung thủ kia. Sau khi bắn 2 cung thủ kia thì 4 cung thủ được bảo hãy đi về phía Bắc, và tại đường ở phía Bắc có 8 cung thủ đứng đợi đó để giết 4 cung thủ vừa rồi. Sau khi 8 cung thủ đó giết 4 cung thủ kia thì bảo họ hãy đi qua đường khác và đường đó có 16 cung thủ đứng đợi để giết 8 cung thủ này. Đó là cách sắp xếp của Devadatta để giết hại đức Phật, làm sao để không ai biết rằng người nào đã giết hại đức Phật. Đó là cách sắp xếp liên quan đến tà trí. Mặc dù âm mưu và sắp xếp rất tài tình, nhưng những sự sắp xếp đó liên quan đến những điều xấu ác. Cho nên những sự hiểu biết đó gọi là tà trí micchāñāṇa. Tất cả những tà trí như vậy đều do moha là tâm si mê

Các vị giáo thọ trong chú giải giải thích rằng: Với tiến trình tâm có tà kiến thì tâm tà kiến đó đi hết 7 tốc hành tâm thì tâm đó và hành động được thực hiện bởi tâm đó sẽ dẫn dắt chúng sinh đó tái sinh vào địa ngục là điều chắc chắn. Chúng ta nên hiểu thêm rằng, tiến trình tâm có 7 tốc hành tâm và 7 tốc hành tâm ấy có chức năng là tạo nghiệp. Khi một tâm đi hết 7 tốc hành tâm này thì tạo ra một hành động rất mạnh mẽ, một nghiệp rất mạnh mẽ. Và đối với một người tà kiến thì chắc chắn sẽ đoạ vào địa ngục. Cho nên vua Ajātasattu vốn có ba la mật ở trong quá khứ, mặc dù hiện tại có tiếp xúc với bạn xấu là Devadatta và cũng có tiếp cận với các ngoại đạo sư nhưng đã hiểu ra một điều rằng tất cả những điều đó là những điều xấu ác giống như một người đi tìm dầu mà lấy cát vắt ra thì không thể nào có thể có dầu được. Cho nên khi đến gặp đức Phật thì đã hỏi đức Phật về những kết quả thiết thực của Sa môn hạnh là gì

Qua sự giải thích được trình bày ở trong chú giải và phụ chú giải, chúng ta thấy ra một điều rằng: Mặc dù vua Ajātasattu gặp những người bạn xấu, tiếp cận những người có tà kiến, nhưng với sự hiểu biết, sự quan sát của mình đã tránh được những điều xấu ác đó. Và chúng ta cũng nên học bài học: Không nên gần gũi với những người bạn xấu ác, nên có sự quan sát, có sự hiểu biết để phân tích và phán đoán được sự đúng sai. Vua Ajātasattu  có những yếu tố ba la mật ở trong quá khứ, cộng với sự hiểu biết nhất định ở trong hiện tại mới tránh được những điều xấu ác về sau này, mặc dù trước đó đã phạm tội rất lớn đó là tội giết cha, nhưng sau khi gặp đức Phật và trong thời gian sau này vua Ajātasattu đã được nhiều người biết đến là vị vua có tín tâm với Tam bảo. Và ở cuối bài kinh kết quả của hạnh Sa môn, nhờ sự hiểu biết và nhờ nghe pháp từ đức Phật nên nhà vua đã tránh được một kết quả xấu. Dù kết quả giết cha sẽ dẫn tới đoạ vào địa ngục Avichi, nhưng nhờ hối lỗi sau đó đồng thời nghe giáo pháp từ Đức Phật nên hậu quả sau khi thân hoại mạng chung sẽ được giảm rất là nhiều. Và kết quả thiết thực hơn là sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, tâm nhà vua đã trở nên an ổn hơn trước kia rất là nhiều. 

Khi vua Ajātasattu hỏi đức Phật về kết quả của hạnh Sa môn, đã thưa với đức Phật rằng: Bạch đức Thế tôn, ở trong hoàng cung của con có những người chuyên về dạy voi, người chuyên về huấn luyện ngựa, có những quan đại thần làm công việc trong triều. Tất cả những người này sau khi làm công việc của mình có được lương bổng để nuôi sống mình, nuôi sống vợ con, có thể trang trải ở trong cuộc sống. Và có thể sử dụng tiền của đã tạo ra để làm phước mang lại những kết quả tốt đẹp ở trong kiếp sau. Đó là kết quả thiết thực của những người chuyên luyện voi, luyện ngựa của những người quan đại thần, những người lính ở trong triều, hay những người làm công việc khác. Đối với những người đang tu tập hạnh Sa môn có những lợi ích thiết thực gì. Đức Phật ngài đã nói rằng: Bây giờ ta sẽ hỏi đại vương, và đại vương hãy trả lời theo sự hiểu biết của mình.

Đức Phật hỏi rằng trong hoàng cung của đại vương có người nô bộc, người nô bộc này khi thấy đại vương có những của cải tài sản, địa vị như hiện tại thì nghĩ rằng: Ta đây sinh ra cũng là người, vua Ajātasattu cũng là người, nhưng vì sao ta la nô bộ, còn Ajātasattu là một vị đại vương có đầy đủ địa vị, tài sản. Khi nghĩ như vậy người nô bộc đó đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia tu hành. Sau khi cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu hành có một người khác đến thưa với đại vương về sự việc đó, đại vương có bắt người đó cởi bỏ y trở về lại làm nô bộc hay không, có bảo người đó trở về trong triều phục vụ lại không. Vua Ajātasattu trả lời rằng: Làm sao con có thể làm điều đó được, con không những không bảo người đó hoàn tục, trở lại địa vị như xưa làm nô bộc, mà con còn phải bảo người khác ban những vật dụng cần thiết đến cúng dường, cho người bảo vệ người hiện tại đang xuất gia. 

Đức Phật mới hỏi rằng một người xuất gia như vậy thân không làm ác, miệng không nói ác, ý không nghĩ ác, Đại vương đã có sự tôn trọng, kính nể cúng dường bảo vệ như vậy thì những điều đó có phải là kết quả thiết thực của một người xuất gia hay không. Nhà vua mới trả lời rằng đó là kết quả thiết thực của một người xuất gia hạnh Sa môn. Vua mới bạch với đức Phật rằng: Bạch đức Thế tôn, có kết quả thiết thực khác của Sa môn hạnh hay không, đức Phật mới trả lời rằng: Đại vương hãy nghĩ xem, ở quốc độ của nhà vua có người nông dân làm ruộng, sau khi làm ruộng đã có thóc đóng thuế cho đại vương. Khi nhìn thấy đại vương người đó nghĩ rằng, vua Ajātasattu và mình sao khác nhau như vây, ta phải đi làm ruộng đóng thuế cho nhà vua. Suy nghĩ như vậy, người đó khởi lên rằng: Do phước báu, do thiện phước mới có sự khác biệt như vậy, cho nên ta sẽ xuất gia, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa và sống hạnh xuất gia. Sau khi đại vương nghe người đó xuất gia, Đại vương nghĩ thế nào. Đại vương có bắt người đó trở lại làm người nông dân hay không. Đại vương thưa rằng: Bạch đức Thế tôn làm sao con có thể yêu cầu người đó được, con không những không bắt người đó quay trở lại làm ruộng mà còn có tránh nhiệm cung kính, bảo vệ và hỗ trợ người đó xuất gia. Đức Phật hỏi vua Ajātasattu : Như vậy có phải là kết quả thiết thực hiện tại của người xuất gia đó hay không. 

Vua Ajātasattu tiếp tục bạch hỏi đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn có kết quả thiết thực nào của Sa môn hạnh cao thượng hơn hai kết quả thiết thực trước hay không. Trong kinh có từ pali evaṃ eva có nghĩa là tương tự như vậy. Thay vì hỏi những kết quả tương tự như vậy, nhà vua hỏi có những kết quả khác cao thượng hơn hay không paṇītatarañcā. Trong chú giải giải thích rằng nếu nhà vua hỏi những kết quả tương tự evaṃ eva thì đức Phật có thể trả lời suốt cả đêm cũng chưa xong. Nên nhà vua biết rằng nếu như hỏi như vậy thì sẽ không xong những câu hỏi mà nhà vua đã hỏi. Cho nên nhà vua đã hỏi đức Phật về những kết quả cao thực hơn, thiết thực hơn hai kết quả mà đức Thế tôn đã vừa trình bày hay không

Trong kinh Sa môn quả – Sāmaññaphalasutta là bài kinh thuộc bài kinh dài cho nên được các vị thầy kết tập tam tạng liệt vào Trường bộ kinh. Và bài kinh Sāmaññaphalasutta là một bài kinh rất là dài, nếu như tính theo số trang sách theo phiên bản của Pali – Miến thì khoảng 32 trang, là một bài kinh khá dài. Cho nên ngài khuyến khích các phật tử nên lắng nghe cho hết bài kinh này và nên kiên nhẫn để học hỏi những bài học được đức Phật thuyết giảng ở trong bài kinh này.

Quý vị không những học và hiểu bài kinh kết quả thiết thực của Sa môn hạnh mà cũng nên thực hành. Ở Myanma có những truyền thống Xuất gia gieo duyên, những người làm ở trong văn phòng, mặc dù là những người ở cấp thấp nhưng khi họ xuất gia thì những người làm chủ trong công ty cũng cung kính cúng dường những nhân viên của mình sau khi xuất gia. Trong buổi lễ xuất gia, họ chuẩn bị những vật dụng cúng dường, đứng ở trước cửa. Sau khi những nhân viên của mình xuất gia xong, từ trong giới đường đi ra, họ chắp tay cung kính đảnh lễ và cúng dường những vật dụng mà họ đã chuẩn bị. Cũng tương tự như vậy, có những người cha người mẹ có con mình xuất gia, vào những dịp lễ, dịp tết họ chuẩn bị những vật dụng cần thiết để hộ độ. Mặc dù là những người con người cháu, nhưng sau khi họ xuất gia xong, thì họ vẫn cung kính đảnh lễ và cúng dường như một thiện nam tín nữ thuần thành đối với những thành viên ở trong Tăng đoàn. Tất cả những điều đó nói lên rằng, sau khi những người nhân viên, những người làm con làm cháu xuất gia thì được những người chủ, người làm cha làm mẹ, làm ông làm bà cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Đó là kết quả của Sa môn hạnh. Những phật tử Việt Nam nếu có duyên lành nên thực hành Sa môn hạnh, và ngài mời những người nào có duyên xuất gia, xuất gia gieo duyên cũng được, sang chùa ngài để xuất gia và trải nghiệm những kết quả thiết thực của Sa môn hạnh. Không những trải nghiệm sự cung kính cúng dường của phật tử mà còn trải nghiệm những kết quả thiết thực cao thượng hơn

Và trong bài kinh Sāmaññaphalasutta bài kinh về kết quả thiết thực của Sa môn hạnh, đức Phật ngài đã trả lời câu hỏi của vua Ajātasattu về kết quả cao thượng hơn. Đức Phật đã bắt đầu trả lời với vua Ajātasattu rằng: Đại vương hãy nghĩ xem, sau khi một người xuất gia và có giới trong sạch, những giới căn bản, những giới trung bình và những giới nâng cao. Người xuất gia đó có sự thu thúc lục căn, có chánh niệm tỉnh giác và thiểu dục tri túc thì kết quả của tỳ khưu đó sau khi thực hiện giữ giới, thu thúc lục căn, chánh niệm tỉnh giác và thiểu dục tri túc sẽ như thế nào. Đức Phật ngài dạy ở trong bài kinh bốn điều căn bản của người xuất gia đó là:

  • Thứ nhất giữ giới căn bản, giữ giới trung bình và giữ giới nâng cao
  • Thứ hai là thu thúc lục căn
  • Thứ ba là chánh niệm tỉnh giác
  • Thứ tư là thiểu dục tri túc

Đó là bốn điều căn bản của một người xuất gia. 

Liên quan đến điều căn bản thứ nhất của một người xuất gia đó là sīlasampanna nghĩa là thành tựu giới. Thành tựu giới ở đây tuỳ vào thuộc vào sự xuất gia. Ví dụ xuất gia tỳ khưu thì sự thành tựu giới sẽ khác những người xuất gia Sa di, những người xuất gia Sa di có sự thành tựu giới khác những người mới xuất gia là giới tử hay là khác với những người cư sĩ

Đối với những người xuất gia làm tỳ khưu thì có tất cả 227 giới đó là những giới căn bản, Sa di có 10 giới căn bản, và ngoài 10 giới căn bản ra thì có những giới phụ khác. Đối với cư sĩ thì có 5 giới, và những ngày giới đặc biệt thì có tám giới

Bài kinh này được sắp xếp ở trong bộ Sīlakkhandhavagga là bộ kinh đầu tiên trong 3 bộ thuộc trường bộ kinh, cho nên về phần giới được đặt trọng và rất là đầy đủ, cho nên đức Phật giảng về Cūḷasīla là những tiểu giới. Thực ra tiểu giới ở đây là những giới căn bản, rồi Majjhimasīla là trung giới và nên hiểu là những giới thuộc cấp độ trung bình và Mahāsīla là đại giới – nên hiểu là những giới nâng cao – Mặc dù là những giới nhỏ nhưng rất chi tiết nên chỉ có những vị xuất gia cụ túc giới mới thực hành. Nói tóm lại, những vị tỳ khưu phải đầy đủ giới hạnh bằng cách giữ 227 giới và ngoài ra còn phải thu thúc lục căn, phải có chánh mạng, chánh niệm tỉnh giác. Còn đối với các thiền sinh cư sĩ thì ngũ giới là căn bản. Và nếu như giữ trọn vẹn trong sạch ngũ giới thì giới sẽ được thành tựu. Ngoài ra để có sự nuôi mạng chân chánh thì nên chánh 5 tà mạng như là buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán súc vật, buôn bán thịt chúng sinh, buôn bán các chất hoá học, các chất cấm,… Đó là những nghề nghiệp tà mạng mà người phật tử nên tránh và giữ trọn 5 giới thì giới sẽ được thành tựu và gọi là sīlasampanno

Điều căn bản thứ hai mà một người xuất gia nên thực hành đó là thu thúc lục căn. Chúng ta là những thiền sinh là người từng nghe pháp có thể hiểu về điều này. Lục căn ở đây là sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Và có sáu đối tượng tiếp xúc qua sáu giác quan này là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mỗi ngày mỗi ngày chúng ta đều trải qua sự tiếp xúc của sáu giác quan và sáu trần cảnh bên ngoài. Như vậy sự thu thúc lục căn trong kinh giải thích rằng là không có nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Tướng chung ở đây là hình tướng tổng quát mà khi một hành giả nhìn vào sẽ để ý đến. Ví dụ khi một người nam nhìn vào một người nữ. Một người nữ nhìn vào một người nam. Người nam khi nhìn vào một người nữ sẽ để ý đến tất cả các hình tướng từ dưới chân lên đầu gọi là tướng chung. Cũng tương tự như vậy người nữ nhìn vào người nam sẽ thấy một hình ảnh từ dưới chân lên đầu. Và nếu nắm giữ hình tướng đó thì gọi là nắm giữ tướng chung. Còn nắm giữ tướng riêng có nghĩa rằng là những tiểu tiết của người đó như nụ cười, mái tóc, đôi mắt,.. Nếu như nhìn vào một người nắm giữ những tiểu tiết, chi tiết của người đó gọi là nắm giữ tướng riêng. Một người thu thúc lục căn thì dù là nhìn, ngửi, nắm, xúc chạm cũng không có nắm giữ tướng chung và tướng riêng. Có nghĩa là không có để ý, nắm bắt và dính mắc để cho những tâm bất thiện nó sinh khởi thì người đó gọi là thu thúc lục căn. 

Cho nên một người thu thúc lục căn thì cần có chánh niệm. Khi nghe, khi thấy một điều gì đó thì hãy nghe và thấy với chánh niệm để cho các bất thiện pháp không sanh khởi. Nếu như nhìn thấy một hình ảnh đẹp, hãy nhìn với chánh niệm để cho tâm tham dục không có sanh khởi. Nếu như có gặp đối tượng không hài lòng, hãy nhìn với tâm chánh niệm để cho tâm sân hận không có sanh khởi. Hay cao hơn, với một tâm quan sát những đối tượng như là con người bao gồm danh pháp, sắc pháp, hay nhìn vào những vật chỉ có sắc pháp, không có danh pháp, những vật vô tri vô giác, hãy quan sát và tâm niệm những pháp chân đế đối với những đối tượng đó. Làm được như vậy là thu thúc lục căn nhờ chánh niệm, nhờ quan sát.

Và để hiểu thêm về tâm tham dục, ở trong kinh có một câu chuyện đó là có một vị tỳ khưu ni trẻ ở trong rừng. Khi đi trên đường có một người thanh niên đi từ phía kia tới. Khi người thanh niên nhìn thấy cô tỳ khưu ni trẻ đã khởi lên tâm tham dục và nghĩ rằng với vẻ đẹp như thế này thì ở làng của ta cũng không thể nào có được, cho nên đã không những khởi lên tâm tham dục mà còn có những hành động bị sai bảo bởi tâm tham dục đó, đã đi đến gần quấy nhiễu vị tỳ khưu ni trẻ. Người thanh niên đã nói rằng cô vì sao đẹp vậy mà xuất gia. Cô tỳ khưu ni trẻ mới hỏi rằng: Ông thấy cái nào đẹp. Tôi thấy đôi mắt cô đẹp – người thanh niên trả lời. Cô tỳ khưu ni đã dùng thần thông để lấy đôi mắt của mình ra đưa cho chàng thanh niên. Khi chàng thanh niên nhìn thấy con mắt mà cô tỳ khưu ni đưa cho đã rất kinh sợ và tâm tham dục không còn nữa. Vì chẳng qua do si mê nên nhìn thấy con mắt đẹp, nhưng thực ra con mắt vốn không đẹp khi cô tỳ khưu đã dùng thần thông móc con mắt đó đưa cho chàng thanh niên. Chàng thanh niên cảm thấy rất là sợ hãi.

Tóm lại chúng ta nên nhớ rằng, khi tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài qua sáu giác quan, đối với đối tượng không hài lòng sẽ làm cho tâm sân sinh khởi, đối với những đối tượng nào hài lòng sẽ khiến cho tâm tham dục sinh khởi. Để tâm sân và tâm tham dục không sinh khởi thì nên có chánh niệm để thu thúc lục căn khiến cho những tâm tham dục, thâm sân hận, không có cơ hội sinh khởi.

Liên quan đến chánh niệm tỉnh giác, trong chú giải giải thích rất dài, và ở đây ngài chỉ tóm tắt lại. Trong chú giải có đề cập đến 4 loại tỉnh giác như: sự tỉnh giác với thời gian; sự tỉnh giác đối với những điều đúng, điều sai; sự tỉnh giác đối với những điều đang làm và sự tỉnh giác một cách sáng suốt. 

Ví dụ với một hành động đi, thì một người tỉnh giác nên biết rằng cái nơi mình đi đến có lợi ích hay không – đó là sự tỉnh giác thứ nhất , nơi đó có thích hợp cho mình đến hay không – đó là sự tỉnh giác thứ hai. Khi biết rằng đi đến đó có lợi ích và nơi đó thích hợp thì trong khi đi người đó quan sát mình đang đi – đó là sự tỉnh giác thứ ba. 

Vậy đi như thế nào là có lợi ích. Một người có tu tập nên biết rằng đi đến những nơi như là nghĩa địa để quán tử thi, hay là đi đến một vị thầy để học hỏi và nghe pháp. Sự đi đó gọi là sự đi có lợi ích. Mặc dù có lợi ích, nhưng nếu nơi đó có đông người, hay nơi đó có sự nguy hiểm thì nơi đó vẫn chưa phải là nơi thích hợp, lúc thích hợp để đi đến. Cho nên mặc dù biết có lợi ích nhưng nếu như không thích hợp cũng không nên đi đến. Đó là sự tỉnh giác biết được có lợi ích hay không lợi ích, biết được thích hợp hay không thích hợp. Và khi biết được có lợi ích và có thích hợp rồi như đi đến chùa để nghe pháp hay gặp một vị thầy để học hỏi giáo pháp hay đến nơi nào đó để thực tập hành thiền, quán tử thi,… thì khi đi nên quan sát từng bước chân của mình, luôn chánh niệm, tỉnh giác với hành động đi của mình

Và khi đi như vậy để có sự sáng suốt, theo chú giải giải thích rằng người đó nên quan sát tứ đại trong từng bước chân của mình. Khi bước chân dở lên thì quan sát yếu tố tứ đại ở trong đó như là yếu tố nặng, nhẹ. Và khi bước tới, hãy quan sát những yếu tố liên quan trong khi bước tới đó là sự chuyển động. Hay là khi đạp xuống thì có cảm giác như thế nào. Tất cả những bước chân như vậy đều có sự sáng suốt, rõ biết. Sự sáng suốt, rõ biết đó gọi là asammoha – không có bị tán loạn, hay không có bị mê mờ mà tâm luôn sáng suốt, rõ biết những đối tượng đang sinh khởi ở trong thân như thế nào, ở trong tâm như thế nào. Và khi đặt bước chân xuống cảm nhận bước chân với mặt đất thì yếu tố cứng hay yếu tố mềm nó sẽ biểu hiện. Yếu tố cứng mềm đó là đất. Như vậy trong bước chân một người luôn quan sát để rõ biết những đặc tính của tứ đại: đất nước lửa gió, được biểu hiện qua cứng mềm nóng lạnh, chuyển động, nâng đỡ. Rõ biết những đặc tính đó một cách liên tục và trọn vẹn thì yếu tố rõ biết đó gọi là tỉnh giác trong sự đi của mình 

Và khi đi như vậy thì tâm muốn đi rồi mới đến những bước chân đi. Đó là yếu tố thân và tâm, nó luôn luôn tương quan với nhau. Có một cái tâm muốn đi khởi sinh lên và những bước chân tiếp theo thì một người hành giả dù là xuất gia hay tại gia có sự tỉnh giác, sáng suốt thì luôn biết rõ những tâm đó nó khởi sinh lên và nó làm duyên cho những bước chân và khi bước đi thấy rõ đặc tính của tứ đại đất nước lửa gió mà không có những thái độ hay ý niệm ta hay của ta trong đó mà thấy rõ tiến trình danh pháp và sắc pháp đang vận hành tương quan với nhau. Và khi nhìn người khác cũng vậy, không có nhìn vào tướng chung hay tướng riêng mà chỉ quan sát tiến trình danh pháp và sắc pháp. Khi quan sát biết rõ tiến trình danh pháp và sắc pháp như vậy gọi là tỉnh giác, sáng suốt, không có mê mờ. Cho nên một hành giả dù xuất gia hay tại gia thì cũng đều nên có giới trong sạch, nên có sự thu thúc lục căn, nên có chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác liên quan đến hành thiền đó là sự tỉnh giác, sáng suốt, luôn rõ biết thân tâm của mình nó đang xảy ra ở trong giây phút hiện tại. Đó là những yếu tố rất cần thiết và quan trọng để cho một hành giả tu tập. Và đến đây thì cũng đến lúc để cho chúng ta bắt đầu thực hành thiền ānāpānasati chánh niệm ở trên hơi thở vào và hơi thở ra – là một đề mục mà chư Phật đã thực hành để đạt đến sự giác ngộ, giải thoát

Và khi quan sát hơi thở vào, hơi thở ra, chúng ta nên nhớ rằng đừng để cho tâm nghĩ chuyện này chuyện kia mà hãy giữ tâm mình ở trên hơi thở với yếu tố chánh niệm, đồng thời cũng biết rõ hơi thở đang đi vào đi ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở ở lỗ mũi. Đây là yếu tố tỉnh giác. Và khi thực hành như vậy, hành giả nên chú tâm ở trên hơi thở, đừng có để tâm của mình suy nghĩ chuyện này chuyện kia mà nên an trú tâm ở trên hơi thở. Và bây giờ chúng ta ngồi với lưng và cổ thẳng đứng, thư giãn thoải mái không có gồng mình, không có cảm thấy căng thẳng, hãy thư giãn buông xả, nhắm mắt và ngậm miệng, chú ý đến hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc của hơi thở vào lỗ mũi. Không nghĩ chuyện này chuyện kia mà hãy chú ý đến hơi thở, nhận biết hơi thở vào hơi thở ra, hơi thở đi vào biết rõ hơi thở đi vào, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi ra từ đầu đến cuối hơi thở. Khi có một đối tượng nào khởi sinh lên qua sáu giác quan thì cũng đừng để ý, đừng quan sát những đối tượng đó mà hãy quay trở lại hơi thở một cách nhẹ nhàng. Chú ý đến hơi thở và nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra. Nếu như không quan sát nhận biết được hơi thở thì có thể có thể thở mạnh hơn, thở sâu hơn và tiếp tục quan sát. Sau khi thở mạnh, thở sâu khoảng vài hơi thở hãy để hơi thở trở lại bình thường và tiếp tục quan sát hơi thở vào hơi thở ra ở điểm tiếp xúc tại lỗ mũi

Ngài nói rằng bài kinh Sāmaññaphalasutta rất là dài. Với sự giải thích trong chú giải và phụ chú giải cũng rất là dài, Đức Phật với tâm đại bi của mình, đức Phật thuyết bài kinh này rất đầy đủ, và ngài cũng như các sư cũng như những người trong ban tổ chức cũng rất là nhiệt tâm để hỗ trợ những thời pháp như thế này, cho nên ngài khuyến khích các phật tử nên dành thời gian để cùng nhau nghe pháp và ghi nhớ rồi sau đó thực hành thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Một lần nữa, ngài dạy rằng tuần sau, thứ bảy và chủ nhật, Ngài sẽ tiếp tục giảng tiếp bài kinh này, những kết quả thiết thực của sa môn hạnh và các phật tử nên tranh thử thời gian để vào zoom nghe pháp cùng nhau ghi nhớ và tu tập.

Để kết thúc bài pháp hôm nay ngài sẽ đọc hai câu Phật ngôn được trích từ bài kinh Ratanasutta – Kinh Tam bảo và câu Phật ngôn liên quan đến đức Phật ngài đã dạy rằng: Những người nào có tâm hãm hại đức Phật thì không có duyên cớ nào, không có duyên sự nào khiến cho đức Phật có thể nhập Niết bàn mà chư Phật sẽ tự mình nhập Niết bàn. Với câu Phật ngôn đó ngài cầu chúc và phát nguyện cho các phật tử trong zoom hay các phật tử đã từng nghe pháp nhưng hôm nay không đủ duyên để vào nghe pháp, cũng như các chúng sinh ở trên đất nước Việt Nam, ở trên thế giới tránh khỏi những điều rủi ro tai hại, dịch bệnh sớm tiêu trừ. Cầu chúc cho các phật tử, hạnh phúc an vui với gia đình, thuận duyên trong sự tu tập giáo pháp của đức Thế tôn

 

Bài Pháp thoại do Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 Sundara Tipitaka Sayadaw thuyết, Sư Thiện Đức hỗ trợ dịch Việt và bản text được bạn Đào Duy Thắng tốc ký

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app