Kinh Tirokuṭṭa: Làm Sao Để Giúp Người Thân Đã Chết Được An Lạc, Bớt Khổ Đau? Ngài Tam Tạng 10

Kinh Tirokuṭṭa: Làm Sao Để Giúp Người Thân Đã Chết Được An Lạc, Bớt Khổ Đau? Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

  • 00:00 Đại chúng đảnh lễ Chư Đại Đức Tăng, đại diện BTC tác bạch và hội chúng cùng đảnh lễ Phật
  • 05:12 Bối cảnh thuyết bài kinh ngoài bức tường Tirokuṭṭa và ý nghĩa của bài kinh
  • 08:32 Sự liên quan của bài kinh ngoài bức tường với những nhân vật như Uruvelā Kassapa và những đệ tử, vua Bimbisāra
  • 22:48 Những loại loan tin đặc biệt trên thế gian ở trong Phật giáo
  • 38:25 Đức Phật an trú thính chúng trong sự tịnh tín và sự thi triển thần thông của Uruvelā Kassapa
  • 48:04 Tích truyện tiền thân Nārada jātaka kể về việc Đức Phật khi còn là vị bồ tát đã giúp vua Angāti là tiền thân của Uruvelā Kassapa thoát khỏi tà kiến
  • 1:26:02 Đức Phật thuyết pháp tới thính chúng và các loại đối thoại được đề cập trong kinh điển
  • 1:38:47 Sơ lược về tứ đế và cách thực hành, phát triển Đạo đế 
  • 1:53:14 Thực hành đề mục quan sát hơi thở vào hơi thở ra để phát triển tam học giới định và tuệ
  • 2:11:47  Ngài tam tạng đọc kinh chúc phúc, nguyện cầu cho nhân loại và Phật pháp

 

Hôm nay là ngày 9 tháng 1 năm 2022, là ngày chủ nhật giống như thường lệ. Theo như thỉnh cầu của ban tổ chức, Ngài với chư Tăng đã nhận lời để ban bố cho quý Phật tử những pháp thoại. Và hôm nay cũng vậy với mục đích để cho chúng ta có thêm kiến thức Phật pháp để tu tập, mang lại lợi ích an vui cho chính mình và cho tha nhân, đặc biệt là để có thể sống quân bình trong mùa Covid, để cầu mong dịch bệnh Covid sớm được chấm dứt.

Để bắt đầu bài pháp thoại hôm nay, tất cả đại chúng cùng nhau đảnh lễ Phật với câu niệm Phật bằng câu Pali: 

Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhassa (03 lần)

Ngai Tam Tang 10 Thuyet Phap 9 1 2022

Bài pháp thoại hôm nay mà Ngài tam tạng sẽ gửi đến cho tất cả chúng ta liên quan đến bài kinh Tirokuṭṭa. Tiro có nghĩa là bên ngoài; kuṭṭa có nghĩa là bức tường. Nghĩa của từ này là ở ngoài bức tường. Bức tường nó cũng có nghĩa là ở trong, khi mà nói Tirokuṭṭa cũng bao gồm bên ngoài bức tường, nghĩa là bên trong và bên ngoài bức tường.

Nội dung bài kinh này liên quan đến những điều mà thân nhân có thể làm đến cho bà con thân quyến của mình sau khi lâm chung, đồng thời cũng có mối liên quan đến bài kinh trước – bài kinh Āditta sutta. Bởi vì bài kinh này cũng có những nhân vật như là Uruvelā Kassapa cùng với những anh em đệ tử của mình, và cũng liên quan đến vua Bimbisāra. Đây là chuỗi pháp thoại sau khi Đức Phật giáo hoá cho 3 anh em Uruvelā Kassapa cùng với những đệ tử của mình, sau đó Đức Phật ngự đến Rājagaha để thực hiện lời hứa của mình với vua Bimbisāra

Ngài sẽ nói tóm tắt lại về sự liên quan của bài kinh này với những nhân vật như là Uruvelā Kassapa cùng với hai người em của mình và những đệ tử. Ngài cũng có đề cập ở trong bài pháp thoại trước đó là cách đây 92 đại kiếp vào thời Đức Phật Phussa có 3 anh em lúc đó là những vị quan đại thần ở trong cung và 3 người anh em này đã xin nhà vua đến Đức Phật Phussa để hộ độ suốt 3 tháng mùa mưa. Chúng ta trước hết cần ghi nhớ 3 nhóm người vào thời Đức Phật Phussa

  • Nhóm thứ nhất là 3 anh em đạo sĩ Uruvelā Kassapa: Vào thời Đức Phật Phussa là 3 anh em quan đại thần cùng với 1.000 quân lính tuỳ tùng hộ độ Đức Phật Phussa trong suốt 3 tháng mùa mưa. Nhóm này bây giờ đã trở thành những đệ tử của Đức Phật, trở thành những bậc Thánh trong giáo pháp của Đức Phật Gotama hiện tại 
  • Nhóm thứ hai là nhóm của quan nội vụ bao gồm quan nội vụ cùng với 10.000 thân quyến là nhóm vào thời Đức Phật Phussa khi nhà vua cúng dường trai tăng Đức Phật cùng với chư Tăng thì 10.000 thân quyến của quan nội vụ này đã có tâm san tham, bớt xén những vật thực, những vật cúng đường đến Đức Phật và Tăng đoàn. Nhóm này vào thời hiện tại Đức Phật Gotama vị quan nội vụ trở thành vua Bimbisāra còn 10.000 thân quyến của quan nội vụ trở thành những ngạ quỷ đi theo nhà vua Bimbisāra để xin phước
  • Nhóm thứ ba vào thời Đức Phật Phussa là nhóm của vị quan giữ ngân khố ở trong hoàng cung. Nhóm thứ ba này ở trong kiếp hiện tại của Đức Phật Gotama là một vị cư sĩ bậc Thánh Bất Lai tên là Visākha. Visākha ở đây không phải Visākhā là một tín nữ, ở đây là ông cư sĩ bậc Thánh Bất Lai cùng với vợ của mìnhh là bà Dhammadinnā. Đây là nhóm thứ ba vào thời Đức Phật Phussa. Và nhóm thứ ba này cũng liên quan đến một bài kinh mà Ngài cũng sẽ thuyết trong chuỗi pháp thoại này. Bài kinh đó tên là Vedanā Sutta

Bây giờ liên quan đến bài kinh Tirokuṭṭa Sutta Ngài sẽ liên hệ lại sự kiện của Đức Phật cùng với nhóm của ba anh em đạo sĩ Uruvelā Kassapa cùng với những đệ tử của mình. Sau khi Đức Phật hoá độ cho 3 anh em đạo sĩ cùng với 1.000 đệ tử, vào ngày rằm tháng 12 (cũng vào cùng khoảng thời gian chúng ta bây giờ) Đức Phật cùng với nhóm đệ tử của 3 anh em Uruvelā Kassapa cùng với những đệ tử của họ đã đi đến thành Rājagaha theo lời hứa khả với vua Bimbisāra khi Ngài còn là một vị Bồ tát: Sau khi Ngài giác ngộ, Ngài sẽ đến thành Rājagaha. Cho nên theo sự thỉnh cầu đó Đức Phật bây giờ đã ngự đến thành Rājagaha

Liên quan đến lời hứa với vua Bimbisāra khi Đức Phật còn là một vị Bồ tát, Ngài đã đến thành Rājagaha và đi khất thực. Khi đó dân chúng ở trong thành nhìn thấy Đức Bồ tát và cảm thấy một vị đạo sĩ đi khất thực rất khác thường nên đã đến gặp và để tâu lên với vua. Đức vua đã ngự đến chỗ ngồi của Đức Bồ tát sau khi Ngài đi khất thực xong. Nơi thành Rājagaha là hoàng thành được bao bọc bởi 5 ngọn núi và khi đó Đức Bồ tát đang dưới chân ngọn núi Pandava – 1 trong 5 ngọn núi xung quanh thành Rājagaha.

Khi được nhà vua thỉnh cầu Đức Bồ tát hãy ở lại đây trị vì đất nước với vua Bimbisāra, Đức Bồ tát đã tâu với vua rằng: Ta ở thành Kapilavatthu vừa mới từ bỏ hoàng cung để đi tìm đạo giải thoát. Nhà vua nghe như vậy rất là hoan hỷ và liền thỉnh cầu Đức Bồ tát nếu vậy sau khi Ngài thành chánh đạo, thấy được đạo giải thoát, xin Ngài hãy quay trở lại hoàng cung của trẫm. Để thực hiện lời hứa khả đó đối với đức vua Bimbisāra, sau khi Đức Phật thành đạo không lâu, giáo hoá được 60 đệ tử, rồi bây giờ đến 3 anh em đạo sĩ Uruvelā Kassapa cùng với 1.000 tuỳ tùng, Ngài đã ngự đến thành Rājagaha để gặp vua Bimbisāra. 

Khi nhà vua Bimbisāra được tâu bởi một số quan khi gặp Đức Phật cùng với đoàn đệ tử Thánh tăng ngự đến thành Rājagaha nhà vua rất lấy làm hoan hỷ và cùng với những vị quan đại thần, các Bà la môn cùng với các phú hộ và thần dân, tất cả là 12 vạn người đã đi đến gặp đảnh lễ Đức Phật cùng với chư Thánh Tăng. 

Được biết rằng vị quan giữ khu rừng mà Đức Phật ngự đến, vị quan đó tâu với vua và từ đó những tin Đức Phật ngự đến lan khắp thành. Không những thế theo truyền thống khi vị Phật toàn giác xuất hiện trên thế gian đều có những tin tức được lan truyền đi trước. Đó là trước khi một vị Phật toàn giác xuất hiện chừng 1.000 năm có những vị chư thiên, đặc biệt là chư thiên ở cõi trời Tịnh cư thiên – là cõi trời chỉ có những Bậc thánh Bất lai cư ngụ mà thôi. Những vị chư thiên ở cõi trời Suddhāvāsā đã loan báo tin mừng Đức Phật toàn giác sẽ xuất hiện trên thế gian, thường khi những vị chư thiên loan báo tin này trước khoảng 1.000 năm Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện trên thế gian. Và từ đó cũng lưu truyền trong nhân gian, có khi những chư Thiên ở cảnh giới thấp hơn như Tứ đại thiên vương hay những chư Thiên ở trên mặt đất cũng nhập vào con người để truyền bá thông tin này. Cho nên không những vị quan đại thần giữ khu rừng đó đến báo với nhà vua, mà trong dân gian cũng đã có sự lan truyền tin tức Đức Phật xuất hiện. Khi Đức Phật ngự đến, thông tin đó lại càng được biết nhiều hơn

Liên quan đến sự loan tin chữ Pali là kolāhala có nghĩa đen là sự loan tin. Trên thế gian, đặc biệt là ở trong Phật giáo có ghi lại có 5 loại kolāhala (5 sự loan tin):

  • Sự loan tin thứ nhất kappa kolāhala sự loan tin đến kiếp trái đất. Trước khi Trái đất bị huỷ hoại có những vị chư thiên họ báo trước, họ loan tin trước khoảng 100 năm. Ở trên dân gian họ loan tin rằng trái đất sắp bị hoại diệt. Vì vậy các người hãy tu tập tâm từ, tu tập từ bi hỷ hả, tu tập tứ vô lượng tâm. Khi được loan tin như vậy, con người mới tinh tấn tu tập và đến khi quả đất thật sự bị hoại diệt, hầu hết những người trên Trái đất đều tái sinh lên cõi giới Phạm thiên nhờ tu tập tứ vô lượng tâm
  • Loại loan tin thứ hai cakkavatti kolāhala. Cakkavatti có nghĩa là vua chuyển luân thánh vương. Khi một vị chuyển luân thánh vương sắp xuất hiện và trị vì trái đất, khoảng chừng 100 năm cũng có những vị chư thiên xuống nhân gian để loan báo tin 100 năm nữa sẽ có vị vua chuyển luân thánh vương cakkavatti xuất hiện trên thế gian để trị vì quả đất này. 
  • Loại loan tin thứ ba như đã đề cập đó là Buddha kolāhala sự loan tin đối với sự xuất hiện của một vị Phật toàn giác.
  • Sự loan tin thứ tư là maṅgala kolāhala. maṅgala là những điều hạnh phúc, hay là những pháp tu để dẫn đến sự hạnh phúc cao thượng. maṅgala kolāhala là sự loan tin đối với những điều hạnh phúc cao thượng và các vị trời ở cõi trời Suddhāvāsā Tịnh cư thiên sẽ loan báo tin những điều hạnh phúc trước khi những điều hạnh phúc được Đức Phật thuyết 12 năm. Sau khi loan tin 12 năm, Đức Phật toàn giác sẽ thuyết về những điều hạnh phúc. Đó là bài kinh maṅgalasutta
  • Sự loan tin thứ năm đó là moneyya kolāhala. Moneyya ở đây là sự thực hành khổ hạnh đặc biệt. Trong giáo pháp của một vị Phật toàn giác thường có 1 vị tỳ khoe thực hành pháp hạnh khổ hạnh đặc biệt này. Cho nên trước khi có một vị tỳ kheo xuất hiện để hành pháp môn khổ hạnh đặc biệt này cũng có một vị thiên loan báo trước 7 năm 

Đó là 5 sự loan tin đặc biệt và được đề cập ở trong kinh điển. Ngoài ra cũng có những sự loan tin đến nghiệp, chẳng hạn như sự loan tin đến Ngài Sīvalī, sự loan tin đối với ông Anāthapindika Cấp cô độc, hay bà Visākhā là những sự loan tin liên quan đến thiện nghiệp trổ quả đối với những vị đó. Những sự loan tin đó không có sự đặc biệt bằng 5 sự loan tin đã đề cập ở phía trên

Trong cuộc sống có những sự kiện nó chưa xảy ra nhưng mà người ta đã lan truyền với nhau rồi. Giống như có những trường hợp liên quan đến dịch bệnh chẳng hạn cũng có sự loan tin, báo trước dịch bệnh đó sẽ đến. Cho nên bên Myanmar cách đây 100 năm có một Ngài tên là Ledi Sayadaw Ngài rất là uyên thâm Phật pháp, Ngài rất giỏi cả pháp học lẫn pháp hành.  Vào lúc bấy giờ có một dịch bệnh xảy ra, có những vị chư thiên thọ thần họ báo trước cho mọi người biết, khi có dịch bệnh ngài Ledi Sayadaw sẽ tìm đến. Mặc dù dịch bệnh chưa xảy ra nhưng có những tin đi trước như vậy. Trường hợp như vậy cũng gọi là kolāhala. Và sự kiện này được đề cập trong tiểu sử của ngài Ledi Sayadaw

Chúng ta nên ghi nhớ rằng Đức Phật sau khi thành đạo cho đến khi Ngài ngự đến thành Rājagaha này, đây là lần đầu tiên Ngài ngự đến thành Rājagaha sau khi Ngài thành đạo khoảng chừng 8 tháng. Và khi nhà vua Bimbisāra cùng với đoàn tuỳ tùng ngự đến để gặp và đảnh lễ Đức Phật, trong số những người đó cũng có những người tu tập trong Phật giáo từ nhiều đời kiếp trước, có những phước báu ba la mật. Và cũng có những hạng người tu tập trong giáo pháp nhưng mà không phải sinh vào thời gặp những vị Phật quá khứ. Trong đó cũng có những hạng người sinh vào thời đức Phật nhưng không có theo giáo pháp của Đức Phật mà theo tà kiến. Có rất nhiều hạng người ở trong đoàn tuỳ tùng đó.

Cho nên khi họ nhìn thấy Đức Phật cùng với 3 anh em đạo sĩ Uruvelā Kassapa cùng với đoàn tuỳ tùng, một số người trước kia đã từng học hỏi giáo pháp và tu theo những đạo sĩ thờ lửa Uruvelā Kassapa này, họ đã khởi lên tâm phân vân. Không biết Đức Phật là người đệ tử của Uruvelā Kassapa hay là nhóm Uruvelā Kassapa là đệ tử của Đức Phật. Thường những vị Phật toàn giác khi Ngài thuyết pháp để hoá độ chúng sinh, Ngài thường quan sát những chúng sinh nào có thể đoạn trừ lậu hoặc và nhập vào dòng Thánh. Để những người nghe pháp có thể nhập vào dòng Thánh, tâm của họ phải tịnh tín đối với Tam Bảo, đặc biệt đối với Đức Phật. Cho nên khi Ngài quan sát thấy có những người đang phân vân nghi ngờ về Đức Phật, cho nên Đức Phật mới quay qua hỏi Uruvelā Kassapa: Này Uruvelā Kassapa sao bây giờ ông không có thực hành pháp môn thờ lửa và lặn hụp ở dưới nước nữa. 

Và khi đó Uruvelā Kassapa đã quỳ xuống dưới chân Đức Phật và bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, sự thực hành thờ lửa và lặn hụp ở dưới nước chỉ mang lại ngũ dục mà thôi, cho nên bây giờ con không có hứng thú đối với ngũ dục nữa. Và khi đó Đức Phật mới hỏi rằng nếu như ông không có hứng thú, không có hướng tâm đến ngũ dục nữa thì ông hướng tâm đến điều gì

Uruvelā Kassapa đã bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, con đã đoạn trừ những lậu hoặc với Thánh đạo tuệ rồi, cho nên bây giờ con chỉ hướng tâm đến Niết bàn mà không còn hứng thú với những pháp thế gian ở trong tam giới nữa. Vì hướng tâm đến Niết Bàn nên bây giờ con đã từ bỏ thờ lửa và không còn thờ lửa và lặn hụp ở dưới sông nữa

Sau khi bạch Phật như vậy, Uruvelā Kassapa đã quỳ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi bay lên trên hư không sau đó trở lại đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi bay lên hư không. Lần đầu bay lên hư không cao khoảng 1 cây thốt nốt, lần thứ 2 cao khoảng 2 cây thốt nốt, lần thứ ba cũng trở xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi bay lên hư không cao khoảng 3 cây thốt nốt, làm như vậy đến 7 lần, lần thứ 7 cao 7 cây thốt nốt sau đó quay trở xuống quỳ dưới chân Đức Phật và bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là thầy của con và con là đệ tử của Ngài

Khi nhà vua cùng với đoàn tuỳ tùng bao gồm 120.000 nguời thấy Uruvelā Kassapa làm như vậy mới nghĩ ở trong tâm rằng: Uruvelā Kassapa trước khi là một vị đạo sĩ theo tà kiến bây giờ đã trở thành vị đệ tử của Đức Phật và có đại thần thông, đại oai lực như vậy, nhưng mà đã trở thành đệ tử của Đức Phật thì Đức Phật sẽ là một người có đại thần lực, có khả năng thuyết pháp mới có thể độ được Uruvelā Kassapa cùng với nhóm đệ tử của mình. Khi họ có tín tâm với Đức Phật như vậy, Đức Phật mới thuyết pháp để cho họ nghe và hiểu.

Khi đó Đức Phật biết được ý nghĩ của những người trong thính chúng và Ngài đã nói với họ rằng: Không những bây giờ Như Lai có thể giúp Uruvelā Kassapa đoạn trừ được tà kiến mà ở trong kiếp quá khứ, khi Như Lai còn là một vị Bồ tát, Như Lai đã giúp Uruvelā Kassapa thoát khỏi tà kiến thời bấy giờ và Đức Phật mới kể lại chuyện tiền thân là một trong 10 câu chuyện dài nhất trong 550 tích truyện tiền thân của Đức Phật

Tích truyện tên là Nārada jātaka là một tích truyện rất là dài, cho nên ở đây Ngài chỉ kể tóm tắt lại liên quan đến sự kiện Đức Phật khi còn là vị Bồ tát đã hoá độ, đã giúp vị đạo sĩ Uruvelā Kassapa thời bấy giờ thoát khỏi tà kiến như thế nào: Trong một kiếp quá khứ khi Uruvelā Kassapa là một vị vua có tên là Angāti, vị vua này trước đó là một vị vua, một bậc minh quân trị vì rất tốt, nhưng sau đó nghe một vị đạo sĩ thuyết về tà kiến cho nên ông ta mới trở thành một vị vua có tà kiến sâu nặng. 

Nhà vua có 3 vị quan đại thần. Trong đó có một vị quan đại thần là Alāta. Khi vị quan đại thần nghe vị ẩn sĩ tên là Kassapa Guṇa thuyết về tà kiến, ông ta theo chủ thuyết đoạn kiến và trong khi nhà vua cùng với vị quan đại thần nghe vị đạo sĩ loã thể nói về thuyết đoạn kiến đó thì một vị quan đại thần tên là Alāta đã nói rằng vị đạo sĩ loã thể nói rất là đúng bởi vì tôi nhớ kiếp trước tôi là một người đồ tể giết hại sát sanh không biết bao nhiêu là trâu bò, dê heo,… nhưng kiếp này tôi trở thành một vị quan đại thần, một vị tướng quân rất là lẫm liệt, giàu có. 

Khi nghe vị tướng quân tên là Alāta nói như vậy, nhà vua Angāti càng củng cố niềm tin của mình đối với giáo thuyết của vị loã thể Kassapa Guṇa, thường có những hạng chúng sinh có thể nhớ được những kiếp quá khứ của mình, trí nhớ đó gọi là jātisāra là nhớ những kiếp trước mà không phải là tu tập thiền định mà tự động họ có những năng lực mà nhờ những thiện nghiệp quá khứ nên họ có thể nhớ lại kiếp quá khứ của mình. Đối với trường hợp tướng quân Alāta cũng vậy, ông ta có thể nhớ được kiếp trước nhưng mà chỉ có thể nhớ 1 kiếp thôi, ông nhớ kiếp trước ông là một đồ tể, nhưng ông không nhớ được kiếp thứ hai, thứ ba cho nên nó đưa ông đến một kết luận rằng là kiếp trước ông làm đồ tể nhưng bây giờ ông là một vị tướng quân, như vậy làm gì có nghiệp và quả của nghiệp. Thực ra kiếp trước của Alāta vào kiếp thứ ba ông ta sinh vào thời của Đức Phật Kassapa ông ta đã thực hành nhiều thiện nghiệp, nhưng sau kiếp đó ông không có tái sinh vào những gia đình giàu có hay cảnh giới chư thiên nhờ những thiện nghiệp đó mà ông lại tái sinh vào gia đình đồ tể là do nghiệp khác ở trong quá khứ. Cho nên khi ông tái sinh vào gia đình đồ tể, ông trở thành đồ tể theo nghiệp của cha mẹ mình. Nhưng sau kiếp đồ tể đó, nghiệp đồ tể nó chưa trổ quả mà những thiện nghiệp vào thời Đức Phật Kassapa lại trổ quả cho ông. Cho nên ông sinh vào một gia đình giàu có, lớn lên ông trở thành một vị tướng quân, cho nên nói về nghiệp và quả của nghiệp, nó luôn thay đổi, nó không cố định. Có khi kiếp này làm thiện nhưng kiếp sau không có được hưởng kết quả của kiếp này do vào lúc chết tâm rối loạn, nghiệp nào trong quá khứ nó trồi lên, nó sẽ cho quả để đi tái sinh. 

Ngồi ở bên cạnh đó có một người nô lệ tên là Bījaka. Người nô lệ này cũng có khả năng nhớ lại kiếp quá khứ của mình, ông ta cũng chỉ nhớ lại được một kiếp thôi, ông nhớ kiếp trước ông là người giàu có từng thực hành bố thí rất là nhiều, từng giữ giới vào những ngày bát quan trai giới nhưng kiếp này ông lại trở thành nô lệ, sinh vào trong gia đình rất nghèo khổ và người mẹ là người nô lệ, nên bây giờ ông cũng trở thành người nô lệ. Ông lại trình bày cái thấy biết của mình làm cho nhà vua càng củng cố tà kiến của vị đạo sĩ loã thể Kassapa. Người nô lệ này mới nói rằng: Đúng rồi trên đời này không có thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp, không có ác nghiệp và quả của ác nghiệp gì cả bởi vì tôi đây kiếp trước làm rất nhiều thiện nghiệp, kiếp này lẽ ra phải tái sinh vào gia đình giàu có, cảnh giới chư thiên nhưng bây giờ tôi lại là nô lệ. Cho nên không có thiện nghiệp và quả của thiện nghiệp, không có ác nghiệp và quả của ác nghiệp gì cả. 

Và đối với người nô lệ Bījaka này cũng vậy, ông ta chỉ nhớ được một kiếp trước thôi, còn kiếp thứ hai, thứ ba và những kiếp sau đó thì không có nhớ được. Sở dĩ mà nô lệ Bījaka kiếp này sinh vào gia đình nô lệ nghèo nàn như vậy là bởi vì vào thời đức Phật Kassapa ông ta đã tạo ra nghiệp đối với những vị tỳ khưu đó là: Vào một ngày nọ ông ta ở trong một khu rừng đang đi tìm những con bò của mình, tìm chưa thấy thì có những vị tỳ khưu xuất hiện và những vị tỳ khưu đó không biết đường cho nên mới hỏi ông ta, ông ta mới bực mình lên và đã mắng nhiếc những vị tỳ khưu đó: Mấy cái ông đày tớ này, làm gì mà hỏi lộn xộn như vậy. Vì khẩu nghiệp ác ý như vậy cho nên kiếp này ông ta do bất thiện nghiệp đó mà khiến ông ta kiếp này tái sinh vào trong gia đình nô lệ. Cho nên nói về nghiệp và quả của nghiệp rất là khó xác định. Giống như nói lá cây nó rơi rụng chỗ nào, mình rất khó biết được. 

Đối với những thiện nghiệp hay ác nghiệp nó trổ quả như thế nào, nó rất là khó để mà xác định. Cho nên đối với những người đã có học Vi diệu pháp biết rằng có nhiều loại nghiệp khác nhau và mức độ cho quả cũng theo sự tuần tự khác nhau. Đối với mức nặng nhẹ của nghiệp có loại nghiệp nặng nhất gọi là cực trọng nghiệp garukamma như là đối với những cực trọng nghiệp bất thiện đó là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A ra hán, chia rẽ chưa Tăng, làm bầm máu thân Phật. Đó là năm cực trọng nghiệp mà nó sẽ cho quả ngay kiếp sau

Đối với những cực trọng nghiệp thuộc về thiện như là chứng đắc các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới. Đối với những hành giả đã chứng đắc nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền ở sắc giới hay là bốn tầng thiền vô sắc giới và trước khi thân hoại mạng chung vẫn còn duy trì tầng thiền định đó, ngay kiếp sau đó chắc chắn sẽ trổ quả và tái sinh vào cõi trời sắc giới, vô sắc giới tương ứng với tầng thiền đó. 

Đối với bất thiện nghiệp có năm cực trọng nghiệp, đối với thiện nghiệp có những thiện nghiệp thuộc về sắc giới, vô sắc giới là các tầng thiền. Những thiện nghiệp này hay bất thiện nghiệp này sẽ cho trả ngay kiếp sau bởi năng lực cho quả của nó rất là lớn. Ngoài những cực trọng nghiệp này ra, những nghiệp khác như là sát sinh, sát hại trâu bò và các chúng sinh khác, hay là thiện nghiệp bố thí trì giới, hành thiền mà chưa có đạt đến cực trọng nghiệp, quả của nó không cố định. Nó có thể cho quả vào kiếp sau, cũng có thể không cho quả vào kiếp sau mà vào vài kiếp nữa nó mới cho quả giống như của tướng quân Alāta hay là nô lệ Bījaka vậy

Cho nên chúng ta để chắc chắn kiếp sau có thể tái sinh vào cảnh giới cao hơn như là cảnh giới chư thiên, Phạm thiên chúng ta cần thực hành giống như vừa mới đề cập đó là đạt đến tầng thiền sắc giới, vô sắc giới, là những pháp môn tu tập có thể dẫn đến quả của thế gian trong tam giới, nếu không chúng ta cần phải thực hành thiền Vipassana và đạt đến trí tuệ của một vị cūḷasotāpanna tiểu Nhập Lưu mới có thể chắc chắn kiếp sau sẽ tái sinh vào cảnh giới cao hơn đó là cảnh giới của chư thiên

Khi nhà vua Angāti nghe thuyết tà kiến của đạo sĩ loã thể Kassapa Guṇa và được tướng quân Alāta và người nô lệ Bījaka hỗ trợ, tà kiến đã được thiết lập rất là sâu nặng ở trong tâm. Cho nên khi trở về hoàng cung, ông ta không còn tha thiết gì đến việc trị vì đất nước, an dân trị quốc nữa mà ông ta nghĩ đến việc thụ hưởng năm món ngũ dục

Nhà vua có một cô công chúa tên là Rujā. Cô công chúa này có một sự tu tập rất là nhiều và sự vun bồi ba la mật của cô công chúa này trong suốt 100 ngàn đại kiếp, cho nên cô ta hiểu rất là rõ về nghiệp và quả của nghiệp, và cô có thể nhớ lại được 14 kiếp quá khứ. Cô đã kể lại kiếp quá khứ đó cho nhà vua, mong rằng nhà vua có thể từ bỏ tà kiến.

Cô công chúa Rujā kể lại tuần tự kiếp quá khứ của mình chịu khổ thế nào do một ác nghiệp. Ác nghiệp đó là phạm giới tà dâm. Vào một kiếp, cách kiếp hiện tại này 7 kiếp, trong quá khứ cô ta là một người con của một thợ rèn, vì theo chúng bạn hư hỏng cho nên đã phạm giới tà dâm. Đó là qua lại với vợ của người khác, do bất thiện nghiệp đó cô ta kiếp sau không bị ác nghiệp đó cho quả, nhưng một kiếp sau nữa một kiếp cô ta trở thành một con khỉ rồi một con bò, một con heo và một người bán nam bán nữ, và một kiếp đoạ vào địa ngục. Những kiếp làm súc sinh như làm khỉ, làm bò, làm heo – tất cả kiếp đó đều bị thiến hết. Cô ta đã kể lại quả xấu do ác nghiệp tà dâm đó gây ra để nhà vua hiểu và từ bỏ tà kiến

Sau đó cô công chúa kể cho nhà vua rằng, cô ta cũng tái sinh vào cõi trời làm tiên nữ 4 kiếp là những người hầu của vua trời Sakka, kiếp khác thì tái sinh cũng làm tiên nữ nhưng của một vị thiên khác. Cô ta nhớ được 7 kiếp quá khứ, 7 kiếp tương lai, có khả năng nhớ được 14 kiếp. Sau khi làm tiên nữ rồi, cô ta mới trở thành những người nam. Có nghĩa là nghiệp tà dâm đó nó mới hết trổ quả

Mặc dù kể rất là nhiều câu chuyện quá khứ của mình do nhớ lại được để cho nhà vua nghe và hiểu để từ bỏ tà kiến của mình, nhưng nhà vua vẫn không có thay đổi tà kiến của mình được. Cô công chúa cảm thấy rất thất vọng, công chúa Rujā là tiền kiếp của Ngài Ānanda. Ở đây chúng ta ghi nhớ công chúa Rujā là tiền thân của Ngài Ānanda. Khi công chúa Rujā đã không thuyết phục được cha mình từ bỏ tà kiến, cô đã rất thất vọng, nhưng vẫn không từ bỏ ý nguyện giúp vua cha từ bỏ tà kiến nên cô đã chắp tay lên trán và cầu nguyện rằng: Ở trên đời có những vị Sa môn, Bà la môn có thể hỗ trợ cho dân chúng thoát khỏi tà kiến, có những vị chư thiên, Phạm thiên là những người bảo vệ thế gian, có thể giúp đỡ khiến cho nhà vua từ bỏ tà kiến, nếu như thật sự có những người như vậy, mong cho họ có thể xuất hiện và làm thay đổi loại trừ được tà kiến của vua cha mình. Khi phát nguyện như vậy có một vị Phạm thiên tên là Nārada là một vị Bồ tát tiền thân của Đức Phật Gotama, khi đó ở trên cõi trời Phạm thiên đã biết được ý nguyện của công chúa Rujā và ông ta đã từ cõi trời Phạm thiên biến thành một vị đạo sĩ được tôn kính thời bấy giờ ở trên nhân gian. Ông ta đã đi vào hoàng cung để giúp công chúa Rujā hoá độ cho nhà vua Angāti thoát khỏi tà kiến sai lầm 

Trong sự đối thoại giữa nhà vua và vị Phạm thiên Nārada rất là nhiều, và ở đây Ngài tam tạng chỉ nói tóm tắt một trong những điều đó để cho chúng ta hiểu. Điều đó là nhà vua mới nói với vị Phạm thiên khi đó là một vị đạo sĩ rằng nếu như Ngài cho rằng có kiếp sau, bây giờ Ngài sẽ cho ta mượn 500 đồng tiền vàng, kiếp sau ta sẽ trả cho Ngài 1.000 đồng tiền vàng. Và khi đó Phạm thiên Nārada mới trả lời rằng: Khi một người đi mượn tiền của người khác, giống như mượn tiền của người phú hộ, người phú hộ đó sẽ nhìn vào người mượn tiền như thế nào, gia cảnh như thế nào, có khả năng để trả nợ hay không, có thế chấp gì hay không, khi đó mới cho mượn được. Nếu như thấy gia cảnh không thể trả nợ được, không có gì thế chấp, không ai có thể cho mượn được. Cũng tương tự như vậy, ta thấy đức vua không thể nào có thể trả nợ được vì bây giờ đang theo tà kiến và làm rất nhiều ác nghiệp, kiếp sau sẽ đoạ địa ngục rồi sau đó sẽ làm ngạ quỷ. Những chúng sinh ở địa ngục và làm ngạ quỷ làm sao có khả năng trả nợ được. Cho nên ta không thể cho Đại vương vay nợ được vì Đại vương không có khả năng để trả nợ

Với những câu đối thoại như vậy cùng với những pháp thoại mà hai người đã trao đổi với nhau đã khiến nhà vua rúng động, sợ hãi những quả xấu của ác nghiệp cho nên cuối cùng đã từ bỏ được tà kiến và đã hỏi Phạm thiên Nārada về pháp trị quốc, về sự thực hành giữ giới để có thể tái sinh vào cảnh giới cao hơn. Nhờ vậy mà nhà vua Angāti đã thoát khỏi được tà kiến, nói đến đây Đức Phật mới kết luận: Không những trong kiếp này ta có thể khiến Uruvelā Kassapa có thể đoạn trừ được tà kiến, mà trong kiếp trước khi ta còn là Bồ tát là một vị Phạm thiên tên là Nārada đã từng giúp Uruvelā Kassapa khi còn là một vị vua Angāti thoát khỏi đoạn kiến của mình

Khi hội chúng của nhà vua Bimbisāra biết được Đức Phật là vị thầy cao thượng, có khả năng hoá độ Uruvelā Kassapa, họ đã có tín tâm đối với Đức Phật. Khi Đức Phật biết rằng thính chúng đã sẵn sàng nghe pháp, Ngài bắt đầu thuyết những pháp dễ nhất, Ngài bắt đầu với pháp bố thí và làm người phải có đạo đức cho nên đức Phật cũng thuyết về giữ giới. Ngài thuyết pháp cao hơn đó là saggakathā là những pháp có thể dẫn đến cõi trời chư thiên và Phạm thiên. Các chúng sinh thường có sự thoả mãn đối với sắc thanh hương vị xúc ở cõi người ở cõi trời, cho nên Đức Phật thuyết về sự bố thí, giữ giới, hành thiền dẫn đến cõi trời chư thiên và Phạm thiên. Nhưng mà ở trong Phật đạo thì không dừng lại ở đó, nên Đức Phật thuyết về con đường dẫn đến sự chấm dứt của những pháp thế gian, Ngài thuyết về pháp xuất thế đó là maggakathā giống như một người cố gắng để nuôi những con voi, tạo ra những ngà voi, rồi sau đó họ cắt những ngà voi đó, Đức Phật cũng vậy, Ngài khuyến khích sự thực hành bố thí, giữ giới và những pháp dẫn đến chư thiên, Phạm thiên. Sau đó Ngài thuyết về những khuyết điểm của những pháp thế gian đó. Ngài thuyết về sự vô thường không có tồn tại lâu dài của những pháp thế gian đó, Ngài thuyết về sự bất toại nguyện của những pháp thế gian đó, Ngài thuyết về tính chất không có làm chủ vô ngã đối với những pháp thế gian đó

Khi thấy được khuyết điểm của những pháp thế gian, mặc dù là tốt như có được sự giàu sang, phú quý, có của cải, có thân bằng quyết thuộc tốt, giúp đỡ hỗ trợ hay là kể cả sự vinh hoa phú quý ở trên cõi trời, những năng lực thiện nghiệp như ánh sáng ở trên cõi trời thì cũng là những pháp thế gian bị chi phối bởi vô thường, khổ, vô ngã. Cho nên một người khi thấy được khuyết điểm của những pháp thế gian đó thì mới có thể hướng đến sự giải thoát khỏi những pháp thế gian đó

Sau đó Đức Phật thuyết về sự giải thoát ra khỏi pháp thế gian, đó là sự xuất gia trở thành những vị tỳ khưu, vị Sa di, trở thành những vị, những thiền sinh có thể tu tập những pháp cao thượng, để có thể thoát khỏi những pháp thế gian đó. Hai pháp đó là pháp nhận thấy sự khuyết điểm của thế gian pháp và pháp xuất gia là những pháp hỗ trợ cho đạo quả. Cho nên trong kinh thường đề cập đến 6 loại pháp thoại từ pali là kathā như là dānakathā, sīlakathā, saggakathā, kammanam-adevanakathā, ānisansakathā, maggakathā. Kathā ở đây có nghĩa là pháp thoại, là bài pháp có sự khuyến giáo, hay pháp thoại liên quan đến bố thí, trì giới, hành thiền,.. . Trong kinh có khi được đề cập 6 loại có khi gộp lại thành 4 loại vì hai loại hỗ trợ cho đạo quả có khi tách ra có khi gộp loại. Khi tách ra chia làm 6 loại kathā, khi gộp lại chia thành 4 loại kathā

Thường khi Đức Phật thuyết pháp trong hội chúng có nhiều thành phần khác nhau, Ngài thường thuyết pháp theo tuần tự như pháp thoại vừa mới đề cập như bố thí, trì giới, con đường dẫn đến chư thiên, Phạm thiên, con đường dẫn đến đạo quả, Niết bàn. Có một số trường hợp đặc biệt như là đến hỏi Đức Phật về một vấn đề gì đó, Đức Phật thường nhìn vào hoàn cảnh hiện tại cũng như quá khứ của người đó để Ngài hướng dẫn tu tập. Còn đối với những buổi pháp thoại có hội chúng đông đảo, có nhiều thành phần khác nhau, Ngài thường thuyết pháp theo tuần tự như vậy

Còn đối với những hạng người có thượng căn, thượng trí, có nhiều ba la mật tu tập trong quá khứ rồi, Ngài chỉ thuyết một bài kệ hay một bài kinh ngắn trú trọng vào maggakathā là con đường dẫn đến đạo quả, những người đó có thể đạt đến đạo quả qua một bài kệ ngắn hay một bài pháp thoại ngắn mà thôi.

Đối với trường hợp Bāhiya là một người mà đức Phật chỉ thuyết một bài pháp rất rất ngắn mà thôi Bāhiya có thể trở thành một bậc Thánh trong giáo pháp. Khi đó Đức Phật Ngài chú trọng vào những pháp chân đế như là đối với Bāhiya, Ngài nói diṭṭhe diṭṭhamattaṃ trong cái nghe chỉ có cái nghe mà thôi, trong cái thấy chỉ có cái thấy mà thôi. Chỉ cần nghe câu nói rất cốt lõi về pháp chân đế như vậy có thể chứng đắc Thánh đạo Thánh quả

Ngoài ra Đức Phật cũng có thuyết từ Pali là samukhaṃ tikadesanā là những pháp thoại liên quan đến Tứ đế là những pháp mà Đức Phật Ngài chứng ngộ dưới Đại thọ bồ đề. Đối với pháp thoại này samukhaṃ tikadesanā Đức Phật Ngài thuyết liên quan đến những pháp chân đế đó là khổ tập diệt đạo, Ngài nói về ngũ uẩn ở trong mỗi người, ngũ uẩn trong chúng sinh ở cõi trời Phạm thiên và trong tam giới. Ngũ uẩn là khổ đế, ngoại trừ tham ái là khổ đế. Tham ái là tập đế là nguyên nhân dẫn đến khổ. Và khi chấm dứt khổ đế và nhân sanh khổ đế hay là tập đế, nói cách khác chấm khi dứt ngũ uẩn và tham ái thì dẫn đến nirodha sacca là diệt đế, con đường dẫn đến diệt đế đó là Bát chánh đạo. Đó là tứ đế khổ tập diệt và đạo

Đối với các hành giả khi thực hành Đạo đế bởi vì Đạo đế là để phát triển. Khi đạo đế để phát triển sẽ thấy rõ khổ đế, đoạn trừ được tập đế. Đạo đế được phát triển sẽ đẫn đến diệt đế. Đối với những hành giả muốn phát triển được đạo đế trước hết ta phát nguyện thọ trì tam quy và ngũ giới. Khi có tam quy và ngũ giới rồi, hành giả đã có được chi phần gọi là sīlamagga hay là về phần giới ở trong tam học đó là giới định và tuệ.

Khi có được giới rồi, hành giả phát nguyện cúng dường thân ngũ uẩn đến Đức Phật và phát triển tâm từ đến tất cả chúng sinh, sau đó hướng đến hơi thở vào hơi thở ra để an trú và chánh niệm trên hơi thở, qua đó có thể phát triển được định tâm, và định tâm là chi phần samādhi ở trong tam học giới định và tuệ. Khi thiết lập được định tâm hành giả có thể phát triển trí tuệ bằng cách không có trú tâm và quan sát hơi thở nữa, mà có thể hướng tâm đến cảm giác, cảm thọ nó khởi sinh lên ở trong thân. Và khi có thể quan sát cảm giác cảm thọ đó một cách trung thực nhất không có qua những khái niệm, những tư kiến của mình mà chỉ biết rõ và quan sát những cảm giác nó đang khởi sinh lên mà không có những khái niệm cảm giác này của ta, cảm giác này là ta mà chỉ đơn thuần quan sát và thấy rõ cảm giác nó khởi sinh lên như thế nào thì biết rõ nó khởi sinh lên như vậy mà thôi, mà không có đồng hoá là ta hay của ta với cảm giác, cảm thọ đó

Khi hành giả biết rõ cảm giác như là đau nhức, khó chịu hay là những cảm giác dễ chịu mà không có đồng hoá như vậy, hành giả được gọi là thấy rõ được danh pháp. Hoặc nếu như hành giả không có quan sát cảm thọ, hành giả có thể quan sát hiện tượng như sự cứng, sự mềm, sự nóng, sự lạnh, sự chuyển động, sự kết dính,.. những tính chất đó thuộc về sắc pháp. Và chỉ đơn thần quan sát tính chất cứng mềm nóng lạnh, chuyển động ở trên thân khi nó đang xảy ra trong từng khoảnh khắc của hiện tại mà không có đồng hoá của ta, hay là ta, hành giả được gọi là thấy rõ, quan sát biết rõ về sắc pháp

Khi hành giả có thể quan sát và biết rõ đúng như thật danh pháp là danh pháp, sắc pháp là sắc pháp, khi đó hành giả có thể phân biệt rõ và có được trí tuệ phân biệt đầu tiên của thiền tuệ nāmarūpaparicchedañāṇa sự phân biệt được danh pháp và sắc phép theo đúng thực tính của chúng như nó đang xảy ra. Hành giả tiếp tục thực hành quan sát như vậy, những sự hiểu biết, những trí tuệ thuộc về thiền tuệ bao gồm 10 loại thiền tuệ thuộc về lokya sẽ phát sinh ở trong tâm của hành giả và những sự hiểu biết thiền tuệ này gọi là Paññāsikhā hay là trí tuệ ở trong tam học giới định và tuệ

Khi phát triển được giới định tuệ thuộc về thế gian hay là lokyamagga đạo hiệp thế đến mức sung mãn, một tâm Thánh đạo tuệ sinh khởi, tâm Thánh tạo tuệ này gọi là lokuttaramagga đạo xuất thế. Với đạo xuất thế này có thể đoạn trừ vĩnh viễn những phiền não ngủ ngầm, đạo tuệ đầu tiên đó là Nhập lưu đạo tuệ có thể đoạn trừ được tà kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Đây là ba phiền não ngủ ngầm được đoạn trừ vĩnh viễn bởi Thánh đạo tuệ đầu tiên. Đó là Thánh đạo tuệ Nhập lưu. Đối với một vị Thánh Nhập lưu, cánh cửa đi vào bốn đường ác đạo sẽ được đóng lại, có nghĩa là những bậc Thánh Nhập lưu sẽ không bao giờ đoạ vào bốn đường ác đạo

Sau khi Đức Phật thuyết về samukhaṃ tikadesanā có nghĩa là Đức Phật thuyết về những pháp chân đế liên quan đến Tứ đế, hội chúng của vua Bimbisāra bao gồm 110.000 đã trở thành bậc Thánh Nhập lưu ở trong giáo pháp, kể cả đức vua Bimbisāra. 10.000 còn lại đã có tín tâm đối với Tam bảo và trở thành thiện nam, tín nữ trong giáo pháp của Đức Phật, quy y Tam bảo

Và bây giờ tất cả chúng ta để phát triển tam học giới định và tuệ, chúng ta sẽ bắt đầu thực hành chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra và như thường lệ, bây giờ chúng ta ngồi sếp bằng ở trên sàn hoặc ở trên ghế, ngồi giữ lưng và cổ thẳng đứng một cách tự nhiên, không gồng mình, thư giãn toàn thân, hướng tâm đến hơi thở vào hơi thở ra ở lỗ mũi là điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi. Biết rõ hơi thở vào, hơi thở ra tại điểm tiếp xúc, quan sát từ đầu đến cuối hơi thở, không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai, chỉ để tâm ở hiện tại ngay điểm tiếp xúc, chỉ nhận biết hơi thở vào hơi thở ra mà thôi. Để phát triển định tâm, hành giả không có quan sát những đối tượng có thể khởi sinh lên qua sáu giác quan như là âm thanh ở tai, cảm giác qua thân hay là những suy nghĩ khởi lên trong tâm, hành giả không có quan sát, theo dõi những đối tượng đó. Mà khi có những đối tượng đó xuất hiện, hành giả không quan tâm mà chỉ quay về điểm tiếp xúc của hơi thở với lỗ mũi, quan sát hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc 

Và sau đây Ngài sẽ đọc kinh chúc phúc, kinh liên quan đến ân đức Tam bảo, liên quan đến một bài phát nguyện, một câu kim ngôn từ Đức Phật được Ngài thuyết ra ở gần núi Linh Thứu để cầu chúc cho tất cả những thiện nam tín nữ ở trong zoom này nói riêng, thân quyến và những người dân Việt Nam và thế giới được tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại và thành tựu những hạnh phúc, và đặc biệt là để thoát khỏi mọi bệnh tật, kể cả bệnh Covid đang hoành hoành ở trên thế giới, và Ngài cũng cầu chúc cho tất cả chúng ta được nhiều thuận duyên trong tu tập giới định và tuệ

Buddasasanam ciram titthatu! (3 lần)

 

Bài Pháp do Ngài Đại Trưởng Lão Tam Tạng 10 Bhadanta Sundara Tipitaka Sayadaw thuyết ngày 9/1/2022, Sư Thiện Đức (Tiến Sĩ Phật Học) hỗ trợ chuyển ngữ tiếng Việt và phần text do bạn Đào Duy Thắng hỗ trợ tốc ký.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app