Đức-Phật Gotama
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Sumedha là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, cần phải thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng như sau:
* 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ (Pāramī)
Khi thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama cần phải hy sinh những gì thuộc về bên ngoài thân mình như của cải, tài sản, ngôi báu, thậm chí cả vợ và con, để thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật ấy.
Ví dụ: Đức-vua Bồ-tát Vessantara là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ, Đức-vua đã bố-thí vô số của cải tài-sản, voi báu, thậm chí bố-thí cả hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất đến cho ông bà-la-môn Jūjaka, bố-thí Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī yêu quý đến cho ông bà-la-môn.
* 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung (Upapāramī)
Khi thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama cần phải hy sinh những bộ phận nào đó trong thân thể để thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung ấy.
Ví dụ: Đức-vua Bồ-tát Sivi là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung, Đức-vua đã bố-thí 2 con mắt của mình đến cho vị bà-la-môn già mù đôi mắt.
* 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng (Paramatthapāramī)
Khi thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama cần phải hy sinh sinh-mạng của mình để thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy[1].
Ví dụ: Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng. Đức-Bồ-tát thỏ yêu cầu vị bà-la-môn khất thực gom củi khô thành đống đốt cháy, rồi Đức-Bồ-tát thỏ nhảy lên đống lửa tự thiêu chín làm món ăn để bố-thí đến vị bà-la-môn khất thực.
Trong cõi người, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật. Sau khi Đức-Bồ-tát ấy chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trong cõi trời dục-giới, nhưng vì mong sớm hoàn thành 30 pháp-hạnh ba-la-mật nên Đức-Bồ-tát thiên-nam không muốn hưởng sự an-lạc ở cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ mà Đức-Bồ-tát thiên-nam nguyện từ bỏ kiếp thiên-nam ở cõi trời dục-giới ấy (chết), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm người nam trong cõi người để thuận lợi cho việc thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật, bởi vì cõi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này rất đặc biệt hơn các cõi khác trong tam-giới:
– Thuận lợi cho việc thực-hành bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật hơn các cõi-giới khác.
– Thuận lợi cho việc thực-hành phạm-hạnh cao thượng.
– Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Chư Phật Độc-Giác, chư Thánh Tối-thượng thanh-văn-giác, chư Thánh Đại-thanh-văn-giác đều thành-tựu tại cõi người này.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama thực-hành bổ sung cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trong suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, được 24 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác thọ ký, bắt đầu từ Đức-Phật Dīpaṅkara thứ nhất cho đến Đức-Phật Kassapa thứ 24 cuối cùng, trải qua vô số kiếp không sao kể xiết được.
[1] Tìm hiểu trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, Quyển VI, VII, VIII Pháp-Hạnh Ba-La-Mật, cùng soạn-giả.