0:00 Tác bạch và đảnh lễ Phật
6:24 Nhắc lại ngũ nhãn của Đức Phật
10:39 Giảng giải về trí tuệ dhammacakkhu pháp nhãn
33:48 Giảng giải về trí tuệ buddhacakkhu Phật nhãn
47:18 Phận sự của Đức Phật (sinh hoạt hàng ngày của Đức Phật)
1:12:53 Giảng giải về trí tuệ toàn giác samantacakkhu
1:55:30 Tóm lược lại ngũ nhãn của Đức Phật
1:58:44 Thực hành thiền để phát triển con mắt trí tuệ
2:11:12 Lời chúc phúc từ Ngài tam tạng
2:14:47 Chia phước và hồi hướng
Hôm nay là ngày 24 tháng 7 năm 2022, Ngài tam tạng 10 sẽ tiếp tục chia sẻ với hội chúng bài pháp liên quan đến ngũ nhãn của Đức Phật. Đây là bài pháp tiếp theo của tuần trước để cho chúng ta và những người hữu duyên có sự cung kính đối với Đức Phật, Ngài sẽ chia sẻ đề tài này. Vào tuần trước Ngài cũng đã chia sẻ với chúng ta về ñāṇacakkhu – trí nhãn và hôm nay Ngài sẽ tiếp tục chia sẻ với chúng ta những trí tuệ còn lại của Đức Phật gọi là ngũ nhãn
Sadevakassa lokassa yathā dissati cakkhumā
sabbaṃ tamaṃ vinodetvā ekova ratimajjhagā…
Ngài nhắc lại bài kệ mà trong 2 buổi thuyết pháp trước Ngài đã từng chia sẻ với chúng ta, bài kệ được trích dẫn trong bộ kinh Đại diễn giải Mahāniddesa. Để tiếp tục bài pháp thoại ngày hôm nay, bài kệ đó có nội dung Đức Thế tôn là bậc toàn giác Ngài nhìn thấy tất cả chúng sinh cùng với chư thiên và nhân loại với con mắt trí tuệ và ngài Xá lợi Phất xin đảnh lễ bậc toàn giác với những con mắt trí tuệ đó. Đó là bài kệ tóm tắt từ bộ kinh Đại diễn giải trong bài kinh Sāriputta sutta – bài kinh Ngài Xá lợi phất
Và giống như Ngài Sāriputta đảnh lễ Đức Thế tôn ở trong bài kệ đó. Trước khi bắt đầu bài pháp thoại chiều hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau lễ Phật
Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)
Trong hai buổi pháp thoại trong hai tuần trước, Ngài xin nhắc lại về ngũ nhãn của Đức Phật. Trong đó thứ nhất là nhục nhãn. Nhục nhãn bao gồm tịnh nhãn và sasambhāracakkhu là những phần xung quanh tịnh nhãn, xung quanh thần kinh mắt để hình thành cấu tạo nên con mắt gọi là nhục nhãn, thứ hai đó là trí nhãn ñāṇacakkhu, thứ ba là pháp nhãn dhammacakkhu, thứ tư là Phật nhãn buddhacakkhu và thứ năm là toàn giác hay nhất thiết nhãn samantacakkhu
Sở dĩ trong Dhammasaṅgani bộ Pháp tụ thuộc tạng Vi diệu Pháp đề cập đến dhammacakkhu – pháp nhãn và ñāṇacakkhu – trí nhãn là để bao gồm trí tuệ của các bậc Thánh nói chung chứ không riêng gì Đức Phật. Và ở trong bộ Đại diễn giải dhammacakkhu – pháp nhãn và ñāṇacakkhu – trí nhãn được gộp lại thành paññācakkhu – tuệ nhãn. Chính vì vậy mà ở trong bộ Đại diễn giải Mahāniddesa có sự khác biệt với bộ Dhammasaṅgani Pháp tụ thuộc tạng Vi diệu Pháp là ở chỗ đó. Cho nên trí tuệ hay là con mắt trí của Đức Phật hay là con mắt nói chung của Đức Phật nếu như mà bao gồm nhục nhãn thì kể ra năm loại đó là: thứ nhất nhục nhãn maṃsacakkhu, thứ hai là thiên nhãn dibbacakkhu, thứ ba là paññācakkhu – tuệ nhãn, thứ tư là buddhacakkhu – Phật nhãn và thứ năm là toàn nhãn samantacakkhu. Đó là ngũ nhãn của Đức Thế tôn.
Tuần trước Ngài đã chia sẻ với chúng ta về trí nhãn ñāṇacakkhu. Trí nhãn là những trí tuệ của thiền tuệ ở phía trước Thánh đạo tuệ. Còn hôm nay Ngài tam tạng sẽ chia sẻ với chúng ta về con mắt trí tuệ tiếp theo đó là pháp nhãn dhammacakkhu.
Ở trong bài kinh Chuyển Pháp luân, bài pháp đầu tiên của Đức Phật, ở đoạn cuối Đức Phật có đề cập đến 01 đoạn kinh văn tiếng Pali là masmiñca pana veyyākaraṇasmiṃ bhaññamāne āyasmato Koṇḍaññassa virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi nghĩa là pháp nhãn ly trần vô cấu đã phát sinh đến Ngài Koṇḍañña. Trong bài kinh này danh từ dhammacakkhu pháp nhãn được đề cập một cách trực tiếp ở phần cuối bài kinh Chuyển pháp luân này.
Và ngài nhớ rằng vào bài pháp thoại trước, cụ thể là bài pháp thoại ngày rằm tháng giêng, khi ngài thuyết về hai vị thượng thủ của Đức Phật đó là ngài Sāriputta và ngài Moggalāna ở trong bài kinh về niệm thọ mà Đức thế tôn thuyết cho người cháu của ngài Sāriputta. Bài kinh có tên là Dīghnakkhasutta. Sau bài pháp này người cháu của ngài Sāriputta cũng đạt được pháp nhãn ly trần vô cấu, cũng có cụm từ virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi. Ở trong trường hợp này pháp nhãn ly trần vô cấu của Dīghanakkha cháu của ngài Sāriputta và pháp nhãn ly trần vô cấu của ngài Koṇḍañña là giống nhau
Trong bài pháp Dīghnakkhasutta, cháu của ngài Sāriputta có pháp nhãn khởi sinh. Đối với cháu của ngài Sāriputta giống với ngài Koṇḍañña, nhưng mà đối với ngài Sāriputta khi nghe bài pháp này trong lúc đứng quạt cho Đức Thế tôn, Ngài Sāriputta chứng Thánh A ra hán cho nên không có dùng từ dhammacakkhu mà là āsavehi vimucciṃsu nghĩa là giải thoát khỏi các lậu hoặc trầm luân.
Ở trong trung bộ kinh có bài kinh tên là Brahmāyusuttam bài kinh về ông bà la môn Brahmāyu. Ở trong bài kinh này khi ông bà la môn Brahmāyu là một người ngoại đạo đến Đức Phật để hỏi pháp, và khi nghe Đức Phật thuyết về bài pháp của bài kinh Brahmāyusutta này thì ông ta đã chứng được ba thánh đạo và ba thánh quả. Một tuần sau thì ông bà la môn Brahmāyu đã qua đời, cho nên có một số vị tỳ khưu mới đến Đức Thế tôn để hỏi: Bạch Đức Thế tôn, ông bà la môn Brahmāyu bây giờ đã đầu thai ở cảnh giới nào. Đức Phật mới trả lời rằng, ông bà la môn Brahmāyu đã đoạn trừ được 5 hạ phần kiết sử và ông ta không còn quay trở về lại cõi này nữa.
Ở trong bài kinh Brahmāyu này, mặc dù ông Brahmāyu đã chứng được tam quả nhưng mà vẫn có cụm từ virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi nghĩa là pháp nhãn ly trần vô cấu khởi sinh lên ông Brahmāyu. Như vậy mặc dù ông chứng được tam quả và ngài Koṇḍañña chỉ chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu, ông Dīghanakkha cũng vậy, chỉ chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu thôi, nhưng trong ba bài kinh này đều có cụm từ virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi giống nhau. Và trong chú giải của bài kinh Brahmāyu giải thích rằng: Mặc dù Đức Phật tuyên bố ông bà la môn Brahmāyu đã đầu thai vào cõi Tịnh cư thiên Suddhavāsa đã trở thành bậc Thánh bất lai, tái sinh vào cảnh giới đó và không còn quay trở lại cảnh giới loài người hay chư thiên Dục giới nữa, cho nên trong chú giải mới giải thích rằng dhammacakkhu pháp nhãn ở đây bao gồm Tam Thánh: Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu, Thánh đạo Thánh quả Nhất lai và Thánh đạo Thánh quả Bất lai chứ không riêng Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu mà thôi.
Và ở trong bài kinh Cūḷarāhulovādasutta là bài pháp mà Đức Thế tôn thuyết cho Ngài Rāhula. Đây là một trong nhiều bài pháp mà Đức Phật thuyết cho ngài Rāhula là người con của mình. Trong bài pháp này chúng ta tìm thấy hai cụm từ. Cụm từ thứ nhất giống như cụm từ ở trong bài kinh Chuyển pháp luân và bài kinh Dīghanakkha đó là virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi pháp nhãn ly trần vô cấu khởi sinh. Và một cụm từ khác được tìm thấy ở trong bài kinh giảng cho ngài Rāhula đó là āsavehi vimucciṃsu là giải pháp khỏi các lậu hoặc. Cho nên sở dĩ được đề cập hai cụm từ này trong một bài kinh là do bài kinh này không những Đức Phật thuyết cho Ngài Rāhula mà Ngài thấy ở trong khu rừng ngài Rāhula đang cư ngụ có các vị chư thiên thuộc cõi trời Tứ đại thiên vương, có những vị chư thiên ở trên mặt đất bhūmadeva, có những chư thiên ở trên không trung antaḷikkhadea.. Những vị chư thiên này thực ra là có nhân duyên với ngài Rāhula ở trong tiền kiếp. Ở trong những tiền kiếp, những vị chư thiên này là những người bạn với ngài Rāhula cho nên khi mà ngài Rāhula cư ngụ trong khu rừng này, những vị chư thiên đó cũng tập trung lại chơi và Đức Phật đến thuyết pháp thì cùng nhau nghe thuyết pháp, và cuối bài pháp này những vị chư thiên đó đạt được pháp nhãn, cho nên cụm từ pháp nhãn ly trần vô cấu khởi sinh lên là dành cho các vị chư thiên đó. Riêng ngài Rāhula thì Đức Phật dùng cụm từ āsavehi vimucciṃsu là giải pháp khỏi các lậu hoặc. Ở đây Ngài Rāhula được Đức Phật dùng cụm từ giải thoát khỏi các lậu hoặc. Ở trong các bài kinh khác mà chúng ta từng nghe như là trong bài pháp mà Đức Thế tôn thuyết cho 1.000 vị đạo sĩ của nhóm 03 anh em đạo sĩ Kassapa hay là ở trong bài kinh mà Đức Phật thuyết về niệm thọ cho Ngài Sāriputta thì cũng có cụm từ āsavehi vimucciṃsu giải thoát khỏi các lậu hoặc, cho nên ở đây cụm từ āsavehi vimucciṃsu giải thoát khỏi lậu hoặc là sử dụng chỉ cho những bậc Thánh A ra hán đã đoạn trừ các lậu hoặc, còn cụm từ pháp nhãn ly trần vô cấu khởi sinh là chỉ chung cho Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu cho đến Thánh đạo Thánh quả Bất lai.
Nói tóm lại là dhammacakkhu pháp nhãn ở đây chỉ ba ý nghĩa
• Thứ nhất Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu như đối với ngài Koṇḍañña Kiều Trần Như và cháu của ngài Xá lợi Phất tên là Dīghanakkha
• Thứ hai là chỉ cho 03 tầng Thánh đạo Thánh quả Nhập lưu Nhất lai và Bất lai như đối với trường hợp của ông Bà la môn Brahmāyu
• Thứ ba đó là chỉ cho cả 04 Thánh đạo Thánh quả nhưng mà trong số người lắng nghe pháp như trường hợp những vị chư thiên bạn của Ngài Rāhula thì có những vị chỉ chứng đắc Thánh đạo thánh quả Nhập lưu, có những vị chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhất lai, có vị chứng đắc Thánh đạo thánh quả Bất lai, có vị chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán. Cho nên đối với trường hợp này Đức Phật dùng danh từ dhammacakkhu chỉ cho tập thể người có nhiều sự chứng đắc khác biệt với nhau như trường hợp các vị chư thiên bạn của Ngài Rāhula vẫn dùng cụm từ virajaṃ vītamalaṃ dhammacakkhuṃ udapādi. Trong trường hợp này dhammacakkhu pháp nhãn chỉ cho nhóm người mà trong nhóm người đó thì có người chứng đắc Thánh đạo thánh quả Nhập lưu, có người chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhất lai, có người chứng đắc Thánh đạo thánh quả Bất lai và có người chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán. Còn đối với trường hợp chỉ riêng một người mà chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán thì không có dùng cụm từ dhammacakkhu pháp nhãn mà dùng cụm từ āsavehi vimucciṃsu giải thoát khỏi các lậu hoặc để chỉ cho Thánh đạo Thánh quả A ra hán
Sau khi chúng ta hiểu dhammacakkhu pháp nhãn rồi, bây giờ Ngài sẽ tiếp tục chia sẻ Phật nhãn Buddhacakkhu. Đối với phật nhãn thì chỉ riêng Đức Phật mà thôi, chứ các thánh đệ tử kể cả hai vị thượng thủ đệ tử như Sāriputta và ngài Moggalāna cũng không có Phật nhãn Buddhacakkhu. Cho nên Buddhacakkhu Phật nhãn là trí tuệ chỉ dành riêng cho Đức Phật toàn giác, và Phật nhãn ở đây chỉ cho 02 trí tuệ. Trí tuệ thứ nhất là indriyaparopariyañāṇa, trí tuệ thứ hai là trí tuệ liên quan đến sự thấu hiểu các căn cơ trình độ căn tính của các chúng sinh.
Đối với trí tuệ thứ nhất của Phật nhãn đó là trí tuệ thấu hiểu căn tính và xu hướng tâm lý của các chúng sinh, chúng ta đã từng nghe ở trong những bài pháp trước liên quan đến 10 trí tuệ hay là Như Lai thập lực
Trí tuệ thứ hai thuộc về Phật nhãn là trí tuệ hiểu về căn của chúng sinh như là tín tấn niệm định tuệ ở trong tâm của các chúng sinh còn non yếu hay đã trưởng thành. Khi Đức Phật ngài biết rõ căn cơ, trình độ của các chúng sinh như vậy, Ngài mới thuyết những bài pháp thích hợp cho những chúng sinh đó
Cho nên đối với Đức Phật nhờ có hai loại trí tuệ này: thứ nhất là trí tuệ hiểu biết xu hướng tâm lý của các chúng sinh, và trí tuệ hiểu biết về căn cơ trình độ của các chúng sinh cho nên trong việc giáo hóa đối với Đức Phật rất dễ dàng và hiệu quả. Như trường hợp dạ xoa Āḷavaka đã được đề cập ở trong 8 sự tích Phật lực. Khi Đức Phật giáo hóa ông Dạ xoa Āḷavaka thì ngài đã quán sát. Vào buổi sáng Ngài dùng Phật nhãn của mình để quán sát và khi đến để giáo hóa dạ xoa Āḷavaka thì mọi người nghĩ rằng Đức Phật sẽ bị như thế này, sẽ bị như thế kia vì dạ xoa Āḷavaka có thần thông quảng đại … Nhưng riêng đối với Đức Phật ngài không cảm thấy sợ hãi và ngài đã có cách để giáo hóa dạ xoa Āḷavaka. Cho nên khi Ngài đến thì Ngài biết cách làm như thế nào, vào lúc nào là thích hợp để có thể nói chuyện với dạ xoa Āḷavaka, vào lúc nào là thích hợp để biểu diễn thần thông nhiếp mục Āḷavaka vì Ngài đã hiểu rõ nắm rõ căn cơ trình độ và xu hướng tâm lý của dạ xoa Āḷavaka cho nên Đức Phật đã giáo hóa được dạ xoa Āḷavaka mà mọi người tưởng rằng Đức Phật không thể giáo hóa được
Khi Đức Phật đến giáo hóa dạ xoa Āḷavaka thì dạ xoa đã dùng nhiều cách để trấn áp Đức Phật, nhưng cuối cùng thì trấn áp không được và ông ta đã dùng cách nhẹ nhàng hơn đó là hỏi Đức Phật những câu hỏi mà ông ta đã nghi ngờ, không biết từ rất lâu. Từ đời ông đời cha đời bố của dạ xoa Āḷavaka. Nghĩa là từ thời đức Phật Kassapa, cho nên ông ta nghĩ rằng nếu như hỏi câu hỏi này mà Đức Phật trả lời không được thì ông ta sẽ lôi chân của Đức Phật quăng ra. Nhưng Đức Phật từ lúc sáng sớm, ngài đã quán sát ngài đã thấy được dạ xoa Āḷavaka sẽ làm gì cho nên ngài đã có sự chuẩn bị hết rồi
Trong những câu hỏi mà dạ xoa Āḷavaka hỏi Đức Phật là làm như thế nào để có thể vượt khỏi bộc lưu. Bộc lưu ở đây là dòng sinh tử luân hồi và Đức Phật mới trả lời cho dạ xoa Āḷavaka những câu trả lời thích hợp với căn cơ, trình độ, xu hướng tâm lý của dạ xoa Āḷavaka. Trong những câu hỏi đó, trước hết Đức Phật trả lời rằng là vượt khỏi bộc lưu với đức tin,.. Nhờ trí tuệ toàn giác hay Phật nhãn Đức Phật mới hiểu được căn cơ trình độ và trả lời một cách đúng đắn, hiệu quả khiến cho người nghe có thể nghe và hiểu được giáo pháp. Đối với sự hóa độ của Đức Phật đối với Phạm thiên Baka hay là rồng chúa Nandopananda cũng vậy. Những hóa độ này nằm trong 08 sự tích Phật lực. Và sở dĩ mà ngài làm được như vậy là bởi vì Đức Phật có trí tuệ của một vị phật toàn giác cụ thể đó là Phật nhãn buddhacakkhu. Nhờ đó mới có thể hiểu được xu hướng tâm lý, căn cơ trình độ của các chúng sinh như đối với dạ xoa Āḷavaka, Phạm thiên Baka hay là rồng chúa Nandopananda…
Để hiểu thêm sự sinh họat hàng ngày của Đức Phật và Đức Phật đã dùng thời gian của mình để hóa độ các chúng sinh như thế nào, Ngài tam tạng sẽ chia sẻ thêm với chúng ta về thời gian mà Đức Phật sử dụng trong ngày như thế nào. Trước hết chúng ta cần hiểu một ngày có 24 tiếng đồng hồ chia làm hai phần: Ban ngày là từ 6h sáng đến 6h tối, và ban đêm từ 6h tối đến 6h sáng.
Vào ban ngày từ 6h sáng đến 6h tối được chia ra làm 2 phần. Thứ nhất là từ 6h sáng đến 12h mặt trời đứng bóng và từ 12h đến 6h tối. Phần đầu tiên từ 6h sáng đến 12h mặt trời đứng bóng ở trong kinh thường dùng từ Pali là purebhattakicca những công việc trước 12h. Đó là thời gian mà Đức Phật đi khất thực, thời gian mà đi vào làng có những chúng sinh nào cần hóa độ thì ngài hóa độ, thời gian mà Đức Phật đi vào thành thị, đi khất thực và cũng hóa độ cho những người ở các thành phố mà họ cần sự hóa độ thì Đức Phật đi hóa độ. Thời gian đó là thời gian mà Đức Phật đi bát, độ trai, hóa độ cho những người hữu duyên ở làng mạc hay ở thành thị
Phần thứ hai trong ngày là từ 12h mặt trời đứng bóng cho đến 6h chiều tối. Thời gian này Đức Phật thuyết pháp cho những vị tỳ khưu, tỳ khưu ni xuất gia và cũng là thời gian mà các vua quan đến vấn an đảnh lễ và hỏi pháp từ Đức Phật. Vào chiều tối thì có những cư sẽ đến đảnh lễ cúng dường hay là nghe pháp từ Đức Phật và thời gian này ở trong kinh có từ Pali là pacchābaddhakicca nghĩa là những công việc được Đức Phật làm sau giờ trưa
Vào ban đêm, từ 6h chiều tối đến 6h sáng ngày hôm sau được chia ra làm 03 phần, như vậy mỗi phần gồm 4 tiếng đồng hồ. Trong 03 phần này phần thứ nhất từ 6h tới 10h gọi là canh đầu, từ 10h tới 2h sáng gọi là canh giữa, từ 2h sáng đến 6h gọi là canh cuối. Cho nên 1 đêm có 12 tiếng chia làm 3 canh: canh đầu canh giữa và canh cuối, mỗi canh 4h đồng hồ
Canh đầu từ 6h đến 10h Đức Phật thường thuyết pháp cho các tỳ khưu, các cư sĩ hay là để cho những người này hỏi Đức Phật những câu hỏi liên quan đến giáo pháp
Canh giữa từ 10h tới 2h, Đức Phật thường ngự trong gandhakuṭi hương thất của mình và khi Đức Phật ngự ở trong hương thất ngài thường khép cửa lại. Và trong khoảng thời gian này những vị Phạm thiên, chư thiên ở những cảnh giới khác đến để hỏi pháp hoặc là nghe Đức Phật thuyết pháp. Và ở trong bộ kinh Saṃyuttanikāya tương ưng bộ kinh có riêng một chương liên quan đến Phạm thiên và chư thiên đến để vấn pháp với Đức Phật hay là những bài pháp Đức Phật thuyết cho chư thiên và Phạm thiên được kết tập trong chương devatāsaṃyutta này. Như bài kinh Mangala Sutta chẳng hạn, Đức Phật thuyết cho những vị chư thiên xuống hỏi Đức Phật và rất nhiều những bài kinh khác và thường hay có câu abhikkantāya rattiyā abhikkantavannā kevalakappam Jetavanam obhāsetvā… Khi đêm gần mãn (abhikkantāya rattiyā) có nghĩa là từ 10h đến 2h là thời gian mà cụm từ Pali abhikkantāya rattiyā nghĩa là sau canh thứ nhất qua canh thứ hai là thời gian mà chư thiên phạm thiên xuống để vấn pháp Đức Phật.
Sau khi chư thiên phạm thiên hỏi pháp từ Đức Phật từ 10h đến 2h sáng thì canh cuối từ 2h đến 6h là thời gian 4 tiếng đồng hồ. Trong 4 tiếng đồng hồ có nơi nói rằng Đức Phật làm 03 việc, có nơi nói rằng Đức Phật làm 04 việc. Và ở đây Ngài tam tạng sẽ giải thích 04 việc Đức Phật làm ở canh cuối. Trong suốt thời gian canh đầu và canh giữa Đức Phật ngồi khá nhiều, cho nên vào canh cuối từ 2h đến 3h đức Phật thường đi kinh hành đi lui đi tới để máu mình lưu thông. Và sau đó từ 3h sáng đến 4h Đức Phật thường nằm nghỉ với chánh niệm tỉnh giác và ngài thường nằm nghiêng về bên phải. Và vào canh cuối từ 4h đến 5h sáng, Đức Phật thường nhập vào đại bi định để quán sát các chúng sinh nào hữu duyên có thể giáo hóa hoặc là Đức Phật nhập vào A ra hán Thánh quả để hưởng hương vị giải thoát. Thực ra từ 4h đến 5h Đức Phật thường nhập vào Thánh quả A ra hán để hưởng hương vị giải thoát, từ 5h đến 6h Ngài nhập vào đại bi định để quán sát những chúng sinh hữu duyên cần giáo hóa và trong khoảng thời gian này Đức Phật ngài quán chiếu các căn cơ trình độ các chúng sinh ở các nơi và những chúng sinh nào hữu duyên thì ngài quan sát xu hướng tâm lý, căn cơ trình độ… Đức Phật làm công việc này có khi trong vòng vài phút – một thời gian ngắn thôi nhưng để dễ ghi nhớ ở trong kinh thường diễn tả từ 5h đến 6h sáng Đức Phật nhập vào đại bi định để quán sát chúng sinh nào hữu duyên cần giáo hóa thì Ngài sẽ giáo hóa
Khi vào buổi sáng từ 5h đến 6h sáng, Ngài đã dùng trí tuệ Phật nhãn buddhacakkhu để quan sát căn cơ trình độ của các chúng sinh. Cho nên dù các chúng sinh ở xa bao nhiêu, ở cảnh giới nào đi nữa. Nếu đức Phật thấy rằng chúng sinh đó có khả năng chứng đắc Thánh đạo Thánh quả thì dù xa bao nhiêu Ngài cũng ngự đến. Ví dụ như trường hợp có những chúng sinh ở trong rừng như người thợ săn chẳng hạn, từ sáng Ngài đã quán sát thấy rõ căn cơ trình độ tâm tính của người thợ săn này và hoàn cảnh liên quan, cho nên Ngài đã ngự đến và khi người thợ săn không thể bắt được những con thú mà ông ta có thể bắt được. Ngay khi đó Đức Phật ngự đến và ông rất là bực mình đã nhắm thẳng cung tên vào Đức Phật, nhưng Đức Phật đã quán sát và biết cách để giáo hóa người thợ săn này khiến cho ông ta không thể nào bắn được. Ông ta cảm thấy rất là hoảng sợ, ngay khi đó Đức Phật mới bắt đầu nói để cho ông ta hiểu. Thực ra một người đứng quan sát những gì Đức Phật làm thì tưởng rằng là khó khăn, nhưng những việc mà Đức Phật làm, ngài đã quán sát trước hết rồi, Ngài dùng Phật nhãn của mình để quan sát và thấu hiểu hoàn cảnh. Cho nên đối với Đức Phật không có chút khó khăn nào trong việc giáo hóa chúng sinh hữu duyên
Cho nên đối với việc giáo hóa các chúng sinh đối với Đức Phật giống như là trở bàn tay bởi vì Ngài có trí tuệ Phật nhãn, Ngài thấu hiểu được căn cơ và xu hướng tâm lý của các chúng sinh. Cho nên việc giáo hóa rất là dễ dàng
Cho nên khi chúng ta nhìn lại những công việc làm ở trong ngày, thì ngài chỉ có 1h để nghỉ ngơi thôi, thời gian còn lại hầu hết Ngài dành để giáo hóa các chúng sinh hữu duyên, chính vì vậy mà Ngài để lại một kho tàng Pháp bảo rất là lớn, để cho chúng ta ngày nay học hỏi mà hành trì mang lại sự an lạc, lợi ích
Trí tuệ tiếp theo, hay con mắt trí tiếp theo mà chỉ có một vị Phật toàn giác mới có mà thôi, chứ các vị Thánh tăng, đại đệ tử hay thượng thủ đệ tử của Đức Phật cũng không có được đó là trí tuệ toàn giác samantacakkhu hay là toàn nhãn, nhất thiết nhãn có nghĩa là trí tuệ mà Đức Phật biết tất cả. Ở trên thế gian này không có gì mà Đức Phật không biết, không có gì mà Đức Phật không thấy, Ngài muốn biết điều gì, Ngài chỉ cần hướng tâm đến điều đó là Ngài thấu hiểu trọn vẹn điều đó dù ở xa bao nhiêu, dù cách đây bao lâu Ngài vẫn có thể thấu hiểu được. Cho nên trí tuệ đó gọi là nhất thiết trí
Cho nên toàn nhãn samantacakkhu cũng được gọi là sabbaññuta-ñāṇa nhất thiết trí hay toàn trí là trí tuệ thấu hiểu mọi sự mọi vật ở trên thế gian, những điều cần biết đến Ngài chỉ cần hướng tâm là Ngài biết được rất rõ ràng trọn vẹn điều đó
Khi ta chia theo Vi diệu pháp trí tuệ toàn giác này là trí tuệ tâm sở ở trong tâm kiriyā dục giới. kiriyā nghĩa là cái tâm dục giới duy tác, chỉ có hành động thôi, không có kết quả nên gọi là kiriyā. Và khi mới nghe qua chúng ta tưởng rằng trí tuệ tâm sở ở trong tâm dục giới duy tác này không có bằng trí tuệ tâm sở ở trong sắc giới thiện tâm hay là vô sắc giới thiện tâm hay là sắc giới duy tác hay là vô sắc giới duy tác nhưng thực ra trí tuệ tâm sở của một vị Phật toàn giác rất là lớn. Trải qua 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp thực hành ba la mật vì vậy mà trí tuệ tâm sở trong dục giới duy tác của một vị Phật toàn giác thì có khả năng rất là lớn
Đối với trí tuệ nhất thiết hữu trí hay là toàn nhãn, nhất thiết nhãn, Ngài tam tạng thứ 10 cũng có đề cập khi mà Ngài thuyết về Như lai thập lực nhưng mà hôm nay Ngài sẽ nhắc lại để cho chúng ta nhớ lại, củng cố lại sự hiểu biết của mình
Trước hết là chúng ta cần nhớ rằng trí tuệ toàn giác và những trí tuệ khác ở trong Như lai thập lực, đơn cử là trí tuệ hiểu rõ xu hướng tâm lý của các chúng sinh, trí tuệ hiểu rõ căn cơ trình độ của các chúng sinh có sự khác biệt với nhau. Đối với những trí tuệ như là trí tuệ hiểu biết những căn cơ trình độ, xu hướng tâm lý của các chúng sinh nó làm chức năng của riêng mình, mỗi trí tuệ như vậy đều có chức năng của nó. Nhưng đối với trí tuệ toàn giác thì mặc dù trí tuệ toàn giác biết rõ những trí tuệ khác nhưng mà không có thực hiện những chức năng của trí tuệ đó. Đó là sự khác biệt giữa trí tuệ toàn giác với các trí tuệ khác của Đức Phật
Khi nói đến sự rộng lớn, sự sâu thẳm của trí tuệ toàn giác, ở trong bộ pháp tụ Dhammasaṅgani có những ví dụ để diễn tả sự sâu rộng của trí tuệ toàn giác này
Ở trong bộ Pháp tụ Dhammasaṅgani có đề cập đến bốn thứ sâu rộng
• Thứ nhất đó là luân hồi. Sự sinh tử luân hồi của các chúng sinh rất sâu rộng. Các chúng sinh sinh ra chết đi rồi sinh ra chết đi ở trong tam giới không biết khi nào chấm dứt và cũng không biết bắt nguồn từ khi nào cho nên luân hồi là một thứ rất sâu rộng
• Thứ hai là đại dương, đại dương là thực thể rất sâu rộng.
• Thứ ba là Vi diệu pháp đặc biệt là bộ Duyên hệ ở trong tạng Vi diệu pháp cũng rất sâu rộng
• Thứ tư là trí tuệ của một vị Phật toàn giác. Và đây là nhất thiết trí của một vị Phật toàn giác cũng rất sâu rộng
Và trong bốn thứ sâu rộng đó, sự sâu rộng thứ tư – nhất thiết trí của một vị Phật toàn giác là sâu rộng nhất trong bốn thứ sâu rộng này. Để hiểu thêm đôi chút về sự sâu rộng của tri tuệ nhất thiết trí, Ngài sẽ kết hợp với sự hiểu biết về Paṭṭhāna duyên hệ để cho chúng ta có thể hiểu biết phần nào về sự sâu rộng của nhất thiết trí
Đối với pháp duyên sinh, nó đơn giản là do nhân này nên mới có quả này, do nhân kia mới có quả kia. Một kết quả xảy ra đều có nguyên nhân của nó, nhưng đối với Paṭṭhāna pháp duyên hệ thì không những chỉ diễn tả về nhân và quả mà còn diễn tả sự vận hành, năng lượng vận hành của nhân và quả và có nhiều sự vận hành của nhân quả, cho nên khi nói đến pháp duyên hệ thì không chỉ nhân quả mà thôi mà còn có thêm năng lượng vận hành của nhân và quả đó. Và để chúng ta hiểu thêm ở trong đời sống hàng này thì đơn cử lấy nghiệp duyên kammapaccaya để chúng ta có thể hiểu được và Ngài sẽ giải thích để cho chúng ta hiểu
Đối với danh từ kammapaccayo là từ hai chữ đó là kamma và paccayo. Kamma ở đây nghĩa là hành động, hành động của thân, hành động của khẩu và hành động của ý, còn paccayo nghĩa là những duyên vận hành để cho nhân hành động này dẫn dến kết quả như thế nào. Như chúng ta đang nghe pháp, ngoài lỗ tai ra còn có sự chú ý và có sự hiểu biết nghĩa là có tâm, đây là một hành động và hành động này là hành động thiện. Hành động thiện này sẽ là nhân và duyên để dẫn đến kết quả
Và khi chúng ta nghe pháp có sự hiểu biết đối với pháp và những khái niệm ở trong bài pháp như là khi nghe về Đức Phật và khi hiểu biết về những điều ở trong bài pháp thì khởi lên tâm hoan hỷ. Và vì tâm hoan hỷ đó cho nên có sự tác động qua thân này làm cho gương mặt tươi vui, gương mặt sáng hơn… Những hành động như là nghe pháp làm nhân làm duyên để cho sắc thân hay gương mặt sáng hơn, tươi hơn. Đó là sự vận hành của kammapaccayo
Khi mà có mặt tươi sáng là kết quả, tươi sáng khuôn mặt thuộc về thân, còn hành động nghe pháp và tâm hoan hỷ đối với pháp đó là nhân. Khi hiểu về nhân, tiến trình nhân và quả trong việc nghe pháp, nhờ có việc nghe pháp cho nên có sự hoan hỷ, mặt mày tươi sáng. Sự vận hành nhân và quả này là rõ ràng, và đây là pháp duyên sinh. Còn đối với pháp duyên hệ thì không đơn giản như vậy. Không phải là chỉ có nhờ nghe pháp mới có gương mặt tươi sáng, nhưng mà trong quá trình từ cái nhân là tâm thiện lành nghe pháp dẫn đến quả gương mặt tươi sáng là một tiến trình vận hành của các cái duyên khác ở trong đó. Đối với những người học về Vi diệu pháp đặc biệt là học về bộ
Duyên hệ này thì trong những duyên này có duyên sahajāta đồng sanh rồi có duyên vippayutta và những duyên khác nữa. Cho nên khi mà giải thích những duyên trong tiến trình vận hành của nhân quả này thì không phải là một điều dễ dàng, nó rất là sâu và cần phải có trí tuệ của bậc Toàn giác mới hiểu hết được sự vận hành của những duyên, năng lượng satti trong tiến trình nhân duyên và quả
Cho nên nói một cách tóm tắt tiến trình nhân quả vừa mới đề cập như là tiến trình nghe pháp dẫn đến thiện tâm và gương mặt tươi sáng là một tiến trình sahajātakamma đó là đồng sanh nghiệp – là nhân và quả khởi sinh lên dường như là trong cùng một lúc, cùng khởi sinh lên gọi là sahajāta. Và cũng có loại nghiệp khác tên là nānakkhaṇika, nānak là khác nhau, khaṇika là thời gian. Những hành động làm vào một thời gian, và kết quả vào một thời gian khác. Cho nên những cái nghiệp này gọi là nānakkhaṇika. Có khi những hành động lam rồi, một tiếng đồng hồ sau mới có kết quả, một ngày sau, một tháng sau, một năm sau có khi một kiếp sau, một đại kiếp sau mới có thể cho quả, những nghiệp đó gọi là nānakkhaṇika
Cho nên khi chúng ta nghe bài pháp Dīghanakkha liên quan đến cháu của Ngài Sāriputta vào ngày rằm tháng giêng và nếu sự nghe pháp đó đến hôm nay mới cho kết quả, hành động nghe pháp đó gọi là nānakkhaṇika. Bởi vì sao, bởi vì hành động đó đã xảy ra cách đây mấy tháng rồi và cho đến bây giờ mới có kết quả. Và cũng có những nghiệp mà trải qua rất nhiều đại kiếp mới cho quả, như đối với trường hợp của một vị tên là Dhammaruci, vị này vào trong những đại kiếp trước khi mà Đức Phật ở kiếp đó thọ ký trong một khu rừng cho vị tiền thân của Dhammaruci. Dhammaruci là một người mà đã từng thực hành những pháp của những vị đạo sư ở trong rừng cùng với đức Bồ tát Sumedhā là tiền thân của Đức Phật Gotama của chúng ta được Đức Phật Dīpankara thọ ký. Thời gian mà đức Bồ tát Sumedhā được Đức Phật Dīpankara thọ ký thì Dhammaruci là một trong những người đã từng là những người bạn, những người đồng tu với đức Bồ tát Sumedhā. Nhưng vào một kiếp sau đó do quan hệ gần gũi lui tới với những người bạn xấu ác, cho nên sau kiếp đó đã đọa vào a tỳ địa ngục và khi nghiệp ở a tỳ địa ngục đã mãn, tái sinh vào cảnh giới đau khổ khác nhau như là ngã quỷ súc sinh a tu la.. Vào kiếp mà Đức Phật Gotama xuất hiện ở trên thế gian, trải qua 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp thì Dhammaruci đã tái sinh làm một con cá ở ngoài biển. Và vào thời Đức Phật có một ông thương buôn, đi buôn từ thành Sāvatthi – thành Xá Vệ đến những nơi khác bằng đường biển, và ông ta đã sử dụng con thuyền lớn để đi qua biển. Khi ở trên biển cả Dhammaruci là một con cá rất là lớn đã dùng sức mạnh của mình để đập phá con thuyền đó với mục đích ăn thịt những người trên thuyền. Và bởi vì những người thương buôn cùng với những người bạn ở trên thuyền là những đệ tử của Đức Phật, cho nên khi gặp nạn như vậy họ đã tưởng nhớ đến Đức Phật và họ niệm rằng Namo Gotama Buddhasa con xin thành kính đảnh lễ Đức Phật Gotama. Và khi con cá nghe những vị thương buôn niệm Phật với câu Namo Gotama Buddhasa thì con cá này mới nghe có cái gì quen quen, bởi vì vào kiếp ông ta là người bạn với đức Bồ tát Sumedhā cách đây 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp, con cá này là vị ẩn sĩ bạn với đức Bồ tát Sumedhā cho nên khi Đức Phật Dīpankara thọ ký xác nhận đức Bồ tát Sumedhā sẽ trở thành một vị Phật có danh hiệu là Gotama cho nên cái ông đạo sĩ là tiền thân của con cá này đã nghe được câu mà Đức Phật Dīpankara thọ ký đó cho nên trải qua thời gian 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp và kiếp hiện tại làm con cá, khi mà nghe những vị thương gia niệm câu niệm Phật có danh hiệu Gotama đó thì nó mới nhớ lại và khi đó thì con cá dùng ngôn ngữ của loài người và hỏi bây giờ Phật Gotama đang ở nơi nào thì những vị thương gia mới bảo rằng đang ở thành Sāvatthi. Sau đó con cá chết và tái sinh làm một chàng thanh niên trong một gia đình ở thành Sāvatthi. Vào một ngày nọ người thanh niên tên là Dhammaruci đã đến nghe Đức Phật thuyết pháp và khi Đức Phật nhìn thấy thì Ngài mới nói rằng này Dhammaruci sao lâu như vậy mới gặp lại
Khi mà Dhammaruci được Đức Phật hỏi như vậy: Này Dhammaruci sao lâu như vậy mới gặp, Dhammaruci mới nói rằng Bạch Đức Thế tôn bởi vì ngã mạn bởi vì sân si cho nên con đã trải qua thời gian dài ở trong sinh tử luân hồi ở những cảnh giới đau khổ… và thỉnh Đức Phật thuyết pháp, sau khi Đức Phật quán xét và thấy rõ nhân duyên của Dhammaruci ở trong quá khứ như thế nào Ngài đã thuyết bài pháp phù hợp với căn cơ trình độ, hoàn cảnh và xu hướng tâm lý của Dhammaruci, cho nên sau thời pháp đó Dhammaruci đã chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán. Như vậy trải qua thời gian 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp từ khi Đức Bồ tát Sumedhā đã được Đức Phật Dīpankara thọ ký là thời gian rất là lâu, nhưng mà nhờ sự lắng nghe lời thọ ký của Đức Phật Dīpankara cho đức Bồ tát Sumedhā đồng thời cùng đức Bồ tát Sumedhā tu tập những pháp ẩn sĩ ở trong rừng, cho nên những hạnh nghiệp đó mới kết duyên để cho khi con cá gặp những vị thương buôn đọc câu niệm Phật có danh hiệu Gotama thì con cá đó mới nhớ lại và cũng vì nhân duyên ở trong quá khứ đó nên khi mà gặp lại đức Phật nghe Đức Phật thuyết pháp mới có sự chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A ra hán, cho nên những hành động mà cách đây 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp như là nghe pháp, cùng thực hành giáo pháp, nghe Đức Phật Dīpankara thọ ký là những cái nghiệp gọi là nānakkhaṇika thời gian nó khác nhau rất là xa, nhưng mà đúng lúc đúng thời nó vẫn trổ quả
Cho nên sự vận hành của các pháp duyên hệ, và ở đây là sự vận hành của nghiệp là rất sâu rộng. Đối với chúng ta đang nghe pháp, ngoài những nghiệp mà có thể cho quả ngay lập tức, nghĩa là khi chúng ta nghe pháp chúng ta có sự hoan hỷ, có gương mặt tươi sáng,… đó là những sự vận hành của nghiệp gọi là sahajātakamma – nghiệp đồng sinh. Và cũng giống như các câu chuyện vừa rồi, việc nghe pháp của chúng ta hiện tại cũng sẽ cho kết quả ở trong tương lai, có thể là tháng sau, năm sau, kiếp sau hay là nhiều kiếp sau, sự vận hành đó gọi là nānakkhaṇikakamma – nghiệp mà cho quả ở trong tương lai
Và như vậy Ngài tam tạng đã chia sẻ với chúng ta về năm con mắt trí tuệ hay là ngũ nhãn của Đức Phật. Trong ngũ nhãn của Đức Phật, Ngài đã sử dụng hai con mắt trí tuệ được đề cập ở trong bài kinh Chuyển pháp luân. Trong 2 tuần vừa qua là thời gian mà có sự kiện liên quan đến Đức Phật đó là sự kiện Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên có tên là Dhammacakkappavattanasutta bài kinh Chuyển pháp luân. Và trong bài kinh Chuyển pháp luân này Đức Phật có đề cập đến hai con mắt trí tuệ đó là ñāṇacakkhu – trí nhãn và dhammacakkhu – pháp nhãn. Và để hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về con mắt trí tuệ cho nên Ngài tam tạng mới giải thích rộng ra, và do đó mới có đề tài là ngũ nhãn của Đức thế tôn. Trong ngũ nhãn có con mắt thứ nhất là con mắt nhục nhãn – con mắt bằng xương bằng thịt, để có con mắt bằng xương bằng thịt đẹp sáng, trước hết chúng ta cần có những cái nhìn với thiện cảm, với tâm từ, không có nhìn với ánh mắt như là những con cua hay là những con quạ mà chúng ta nhìn người khác, nhìn sự vật với con mắt tình thương, tâm từ và sự hiểu biết. Nhờ cách nhìn đúng đắn như vậy mới có kết quả là con mắt xinh đẹp và trong sáng
Và để có con mắt trí tuệ còn lại như là dibbacakkhu thiên nhãn, ñāṇacakkhu trí nhãn và dhammacakkhu pháp nhãn. Đó là những con mắt trí tuệ của những bậc Thanh văn đệ tử của Đức Phật. Và để có những con mắt trí tuệ này thì mỗi hành giả chúng ta cần có sự thực hành những đề mục thiền như là đề mục thiền ānāpānasati chánh niệm trên hơi thở vào, hơi thở ra và cần phải có sự thực hành thiền vipassanā minh sát tuệ để thấy rõ, phân biệt rõ sắc như là sắc thọ như là thọ tâm như là tâm, pháp như là pháp, không có sự đồng hóa ta hay là của ta. Và để phát triển những con mắt trí tuệ này cần phải tu tập thiền vipassanā để có được trí tuệ thiền tuệ như là tuệ phân biệt danh sắc, tuệ thấy rõ tam tướng vô thường khổ và vô ngã, tuệ sinh diệt nhàm chán… những trí tuệ gọi là ñāṇacakkhu trí nhãn. Và khi những trí tuệ gọi là trí nhãn này được duy trì phát triển ổn định đến khi làm nhân, làm duyên cho Thánh đạo Thánh quả tuệ Nhập lưu khởi sinh. Khi Thánh đạo Thánh quả tuệ nhập lưu khởi sinh thì pháp nhãn hay là con mắt trí tuệ liên quan đến pháp siêu thế sẽ khởi sinh. Và để có được những trí tuệ đó trước hết chúng ta cần phải thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào hơi thở ra là một trong những đề mục mà chư Phật ở trong quá khứ trong hiện tại, chư Thánh tăng thượng thủ và đại đệ tử của Đức Phật thực hành. Và bây giờ thì chúng ta sẽ bắt đầu thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra
Như thường lệ chúng ta ngồi với tư thế thoải mái lưng và cổ thẳng đứng một cách thư giãn, thoải mái không gồng mình, nhắm mắt ngậm miệng, thư giãn buông xả toàn thân, đặt niệm ở trước mặt và nhận biết hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc của hơi thở và lỗ mũi. Điểm tiếp xúc đó là nơi để cho hành giả nhận biết hơi thở vào hơi thở ra nhưng không phải là quan sát cảm giác ở trên điểm tiếp xúc đó mà hãy quan sát hơi thở vào, hơi thở ra. Khi hơi thở vào biết rõ hơi thở đang đi vào, khi hơi thở ra biết rõ hơi thở đang đi ra từ đầu đến cuối hơi thở. Chỉ đơn thuần nhận biết hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc ngay lỗ mũi. Khi nghe một âm thanh, hay cảm nhận một cảm giác nào ở trên thân dù là khó chịu hay dễ chịu, hay là khi có một suy nghĩ khởi sinh lên thì hành giả cũng không cần quan tâm phân tích chú ý đến đối tượng đó mà hãy trở lại hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc để quan sát hơi thở vào hơi thở ra. Đây là giai đoạn phát triển định tâm cho nên sự chú tâm cần được tập trung trên một đối tượng hơi thở mà thôi, không quan sát không chú ý đến những đối tượng khác, nhưng khi tâm hướng đến những đối tượng khác thì cần phải nhận biết và quay trở về lại hơi thở, tiếp tục quan sát hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc ở lỗ mũi.
Ngài tam tạng 10 nói rằng tới đây là rằm tháng 7 cũng có những sự kiện ở trong Phật giáo cho nên Ngài sẽ có những bài pháp liên quan đến sự kiện trong Phật giáo vào khoảng thời gian rằm tháng 7. Và sau đây ngài Tam tạng sẽ có một bài kinh ngắn chúc phúc cho những người ở trong hội chúng này và thân bằng quyến thuộc cũng như đến tất cả chúng sinh, cầu mong cho tất cả gặp nhiều thuận duyên ở trong cuộc sống và nhiều an lạc hoan hỷ bên người thân ở trong gia đình. Và đặc biệt qua những thời pháp vừa rồi ngài cũng cầu chúc cho tất cả chúng ta có được những con mắt trí tuệ liên quan như là con mắt trí tuệ ñāṇacakkhu trí nhãn và dhammacakkhu pháp nhãn.
Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn
Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)