Phần 7

Lập Kế Hại Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita

Sau khi được Đức-vua Vedeha ban chức quan Thừa-tướng, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có chức trọng quyền cao nhất. Từ đó bốn vị quân-sư phát sinh ác tâm, ganh tị, bàn tính với nhau rằng:

Bây giờ, Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ có chức trọng quyền cao nhất. Chúng ta nghĩ ra mưu kế gì mới, để hại Mahosadhapaṇḍita được không?

Vị quân-sư Senaka bảo với ba vị quân-sư rằng:

Này quý vị! Tôi xin hiến mưu kế hay, bốn chúng ta nên đến tư dinh của Mahosadhapaṇḍita, tôi sẽ hỏi rằng: “Có nên nói chuyện bí mật cho ai biết không?”

Nếu Mahosadhapaṇḍita trả lời rằng: “Không nên nói chuyện bí mật cho ai biết cả”, thì chúng ta lấy lý do ấy mà tâu lên Đức-vua rằng: “Mahosadhapaṇḍita, con ông phú hộ, có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Bệ-hạ”, để vu oan làm hại được Mahosadhapaṇḍita.

Nghe vị quân-sư Senaka bày mưu kế thâm độc như vậy, ba vị quân-sư đều cho là kế hay và hứa cùng nhau thực hiện.

Bốn vị quân-sư cùng nhau đi đến tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Đón tiếp bốn vị quân-sư xong, Đức-Bồ-tát mời họ ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị quân-sư Senaka thưa rằng:

Thưa quan Thừa-tướng, xin quan Thừa-tướng cho chúng tôi cơ hội, chúng tôi muốn hỏi câu hỏi.

Maho: – Thưa quân-sư, xin quý vị cứ tự nhiên đặt câu hỏi.

Sena: – Thưa Thừa-tướng, bậc thiện-trí nên đặt pháp nào làm nền tảng?

Maho: – Thưa quân-sư, bậc thiện-trí nên đặt pháp chân thật làm nền tảng.

Sena: – Thưa Thừa-tướng, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người nào biết hay không?

Maho: – Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình không nên tiết lộ cho một người nào biết cả.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita trả lời như vậy, bốn vị quân-sư tỏ ra vui mừng vì trả lời đúng theo ý đồ của họ, rồi họ xin phép từ giã ra về.

Bốn vị quân-sư thực hiện mưu kế thâm độc để hại Đức-Bồ-tát, nên họ xin vào chầu Đức-vua Vedeha trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, để tâu lên Đức-vua rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, chúng thần đến tư dinh của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hỏi rõ, biết được quan Thừa-tướng có mưu đồ phản bội Bệ-hạ. Quan Thừa-tướng là kẻ thù của Bệ-hạ.

Nghe bốn vị quân-sư tâu như vậy, Đức-vua Vedeha truyền thưa rằng:

Này quý quân-sư, Trẫm không thể tin Mahosadha-paṇḍita lại có thể phản bội Trẫm, là kẻ thù của Trẫm.

Bốn vị quân-sư tâu khẳng định rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ tin lời chúng thần. Nếu Bệ-hạ không tin thì Bệ-hạ truyền hỏi Mahosadha-paṇḍita rằng: “Chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người nào biết hay không?”

Nếu Mahosadhapaṇḍita không phải là kẻ phản bội, là kẻ thù của Bệ-hạ thì sẽ tâu rằng: “Chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân biết.”

Còn nếu Mahosadhapaṇḍita là kẻ phản bội, là kẻ thù của Bệ-hạ thì sẽ tâu rằng:

“Chuyện bí mật của mình không nên tiết lộ cho một người nào biết cả.”

Khi ấy, Bệ-hạ sẽ tin lời của chúng thần là sự thật.

Đức-vua Vedeha chuẩn tấu, và sẽ truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Một hôm, bốn vị quân-sư và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đến chầu đông đủ, Đức-vua Vedeha bèn truyền hỏi rằng:

Này các khanh! Người ta có nên tiết lộ chuyện bí mật của mình, đó là chuyện xấu hoặc chuyện tốt cho một người thân nào biết hay không?

Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, vị quân-sư Senaka muốn nịnh hót Đức-vua để được cảm tình, nên tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ là Chúa-thượng, còn năm chúng thần là bề tôi, Chúa-thượng nên tiết lộ chuyện bí mật trong triều cho năm chúng thần bề tôi trước, để chúng thần suy xét điều lợi, điều hại, rồi tâu lên Chúa-thượng. 

Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, người bạn thân thiết nào là người đáng tin cậy, là nơi nương nhờ của mình, là người bạn thân thiết cùng khổ, cùng vui với mình, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người bạn thân thiết ấy biết mà thôi.

Tiếp theo Đức-vua Vedeha truyền hỏi vị quân-sư Pukkusa rằng:

Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?

Vị quân-sư Pukkusa tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, người anh hoặc người em trai nào của mình là người đáng tin cậy, biết phục vụ, đem lại sự lợi ích, sự an-lạc cho mình, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người anh hoặc người em trai thân thiết ấy biết mà thôi.

Tiếp theo Đức-vua Vedeha truyền hỏi vị quân-sư Kāminda rằng:

Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?

Vị quân-sư Kāminda tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, người con trai nào luôn luôn vâng lời dạy bảo của cha, một lòng biết phụng dưỡng, biết săn sóc cha hợp thời, thì người cha chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người con trai yêu quý ấy biết mà thôi.

Tiếp theo Đức-vua Vedeha truyền hỏi vị quân-sư Devinda rằng: 

Thưa quân-sư, chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?

Vị quân-sư Devinda tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, người mẹ là người có ân đức cưu mang, dưỡng dục mình nên người bằng tình thương yêu thiêng liêng, thì mình chỉ nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người mẹ kính yêu ấy biết mà thôi.

Sau khi Đức-vua Vedeha truyền hỏi bốn vị quân-sư xong, mỗi vị quân-sư đều tiết lộ chuyện bí mật của mình cho mỗi người thân của mình, Đức-vua truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita! Chuyện bí mật của mình có nên tiết lộ cho người thân nào biết hay không?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, chuyện bí mật của mình nên giữ kín là điều tốt, tiết lộ chuyện bí mật là điều không tốt. Khi nào nguyện vọng của mình chưa được thành tựu, bậc thiện-trí nên nhẫn nại chờ đợi, không nên tiết lộ chuyện bí mật cho một ai biết cả, đến khi thành tựu thì nên cho mọi người đều biết.

Khi nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha cảm thấy không vui, nỗi lo sợ phát sinh. Khi ấy, quân-sư Senaka nhìn về Đức-vua và Đức-vua cũng nhìn quân-sư.

Đức-Bồ-tát Mahosadha nhìn thấy vậy, biết rằng: “Bốn vị quân-sư này đã có mưu kế thâm độc để hại ta bằng cách tâu lên Đức-vua Vedeha đặt câu hỏi để thử lòng ta.”

Khi ấy, Đức-vua Vedeha và các quân-sư đang bàn luận, đến lúc mặt trời sắp lặn, những người lính đốt đèn sáng, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: Chuyện này phức tạp, tốt hơn ta nên xin phép trở về.

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát đảnh lễ Đức-vua rồi xin phép ra về.

Khi ra khỏi cửa cung điện, Đức-Bồ-tát nhớ lại những câu trả lời của bốn vị quân-sư về câu hỏi của Đức-vua rằng:

* Quân-sư Senaka tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người bạn thân thiết biết.

* Quân-sư Pukkusa tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người anh em thân thiết biết.

* Quân-sư Kāminda tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người con yêu quý biết.

* Quân-sư Devinda tâu rằng: Nên tiết lộ chuyện bí mật cho người mẹ kính yêu biết.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tin chắc rằng bốn vị quân-sư này đã hành động rồi, cho nên mỗi người đều nói đến chuyện bí mật của mình. Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita nghĩ rằng:

“Ta nên nghe chuyện bí mật của bốn vị quân-sư ấy như thế nào?”

Hằng ngày, sau khi rời khỏi hội triều, bốn vị quân-sư này thường hay tụ hội lại chỗ cửa gần cung điện bàn luận với nhau chuyện trong triều xong mới trở về tư dinh của mỗi vị.

Hôm nay, ta đến ẩn nấp một nơi kín đáo để nghe bốn vị quân-sư này bàn luận chuyện gì?

Sau khi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita xin phép trở về, bốn vị quân-sư còn ở lại, vị quân-sư Senaka tâu với Đức-vua rằng:

Tâu Bệ-hạ, Mahosadhapaṇḍita không tiết lộ chuyện bí mật của mình cho một người thân nào biết cả. Sự thật như vậy, Bệ-hạ nghĩ thế nào?

Nghe lời quân-sư Senaka, Đức-vua Vedeha không suy xét kỹ, mà phát sinh tâm sợ hãi nên truyền hỏi rằng:

Thưa quân-sư, bây giờ Trẫm phải hành động như thế nào? Xin quân-sư tâu cho Trẫm rõ.

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ không nên chậm trễ, không để cho Mahosadhapaṇḍita có cơ hội.

Đức-vua truyền lệnh rằng:

Này quân-sư, vậy khanh là người đảm trách công việc lớn lao này. Khanh nhận thanh gươm báu này cùng với ba vị quân-sư khác, đứng chờ nơi cửa cung điện. Sáng ngày mai, Mahosadhapaṇḍita đến chầu thì khanh hãy chặt đầu Mahosadhapaṇḍita bằng thanh gươm báu này.

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, chúng thần xin phụng mệnh.

Bốn vị quân-sư đảnh lễ Đức-vua Vedeha rồi xin phép trở về tư dinh của mình. Đúng như điều tiên đoán của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, họ cùng đến chỗ gần cửa thành, ngồi lại một nơi (Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đang ẩn nấp gần nơi ấy). Vị quân-sư Senaka bảo rằng:

Sáng ngày mai, ai là người chặt đầu Mahosadha-paṇḍita?

Ba vị quân-sư thưa rằng:

Thưa quân-sư, quân-sư là người nhận thanh gươm báu. Vậy, chính quân-sư là người chặt đầu Mahosadha-paṇḍita, còn ba chúng tôi sẽ tiếp sức với quân-sư.

Sau đó, vị quân-sư Senaka hỏi ba vị quân-sư rằng:

Này quý vị! Chuyện bí mật của mình nên tiết lộ cho người thân mà mỗi vị đã tâu với Đức-vua, chuyện bí mật của mỗi vị đã xảy ra rồi phải không? 

Thưa quân-sư, chuyện bí mật đã có xảy ra rồi, còn chuyện bí mật mà quân-sư đã tâu với Đức-vua cũng đã xảy ra rồi phải không?

Này quý vị! Chuyện bí mật ấy chính tôi đã làm từ lâu.

Thưa quân-sư, nếu vậy, thì xin quân-sư tiết lộ cho chúng tôi biết với.

Thưa quý vị, nếu chuyện bí mật ấy mà Đức-vua biết được thì chắc chắn tôi bị chém đầu.

Thưa quân-sư, đây chỉ có chúng tôi mà thôi, xin quân-sư tiết lộ cho chúng tôi biết, có gì đáng sợ đâu!

* Vị quân-sư Senaka tiết lộ chuyện bí mật của mình cho ba vị quân-sư kia rằng:

Này quý vị! Quý vị có biết cô kỹ nữ xinh đẹp (tên ấy) trong kinh-thành Mithilā này hay không?

Thưa quân-sư, chúng tôi đều biết cô kỹ nữ xinh đẹp ấy, nhưng bây giờ cô kỹ nữ ấy ở đâu, không ai biết.

Này quý vị! Tôi đã hãm hiếp cô kỹ nữ trong vườn cây sālā, rồi giết cô chết. Tôi đã lấy tất cả đồ nữ trang của cô ta gói lại trong tấm áo choàng của cô, rồi đem treo trên ngà voi trong phòng của tôi.

Chuyện bí mật này, tôi chỉ tiết lộ cho người bạn thân thiết của tôi biết mà thôi. Và bạn thân của tôi cũng giấu kín chuyện này. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của mình chỉ nên tiết lộ cho người bạn thân thiết của mình mà thôi.”

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nằm yên, lắng tai nghe rõ rồi ghi nhớ chuyện bí mật của vị quân-sư Senaka.

* Tiếp đến, vị quân-sư Pukkusa tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng:

Thưa quý vị, tôi mắc bệnh ngoài da, lở loét ở bắp vế, chỉ có người em trai yêu quý của tôi biết mà thôi. 

Hằng ngày, em trai của tôi thoa thuốc, băng bó vết thương ấy. Đức-vua Vedeha thương yêu tôi, đôi khi Đức-vua nằm gối đầu trên chỗ vết thương ấy.

Nếu Đức-vua biết tôi mắc bệnh ngoài da, lở loét ở bắp vế như vậy, thì sinh-mạng của tôi không được an toàn. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của tôi chỉ nên tiết lộ cho người em trai thân thích của tôi mà thôi.”

* Tiếp đến vị quân-sư Kāminda tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng:

Thưa quý vị, thường vào ngày uposathasīla cuối tháng, một Dạ-xoa tên Naradeva nhập vào tôi khiến cho tôi tru như con chó. Chuyện bí mật này chỉ có người con trai yêu quý của tôi biết mà thôi. Khi người con ấy biết tôi bị Dạ-xoa nhập, nó đưa tôi vào nằm ở phòng trong rồi đóng cửa lại, bên ngoài, nó cho đoàn ca hát biểu diễn làm át tiếng tru như chó của tôi, cho đến khi Dạ-xoa thoát ra. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của cha chỉ tiết lộ cho người con yêu quý của mình mà thôi.”

* Tiếp đến, vị quân-sư Devinda tiết lộ chuyện bí mật của mình rằng:

Thưa quý vị, Đức-vua Vedeha truyền bảo tôi làm phận sự lau chùi viên ngọc maṇi, đem lại mọi sự hạnh phúc an lành cho triều đình. Tôi đã lấy trộm viên ngọc maṇi ấy đem về đưa cho mẹ tôi cất giữ, mẹ tôi không nói cho ai biết cả. Mỗi khi tôi đi chầu Đức-vua thì mẹ tôi lại trao viên ngọc maṇi ấy cho tôi đem theo bên người.

Nhờ oai lực viên ngọc maṇi ấy mà Đức-vua thường ban cho tôi nhiều phẩm vật quý giá hơn quý vị. Vì vậy, tôi tâu với Đức-vua rằng: “Chuyện bí mật của con chỉ tiết lộ cho người mẹ yêu quý của con biết mà thôi.”

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nằm yên, lắng tai nghe rõ chuyện bí mật của bốn vị quân-sư tiết lộ cho nhau nghe, như tự mình mổ ngực để lộ những bộ phận bên trong.

Khi ấy, vị quân-sư Senaka nhắc bảo rằng:

Xin quý vị chớ nên dể duôi, sáng mai giúp nhau chặt đầu Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ.

Họ hứa hẹn với nhau rồi chia tay trở về tư dinh của mình. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cũng trở về tư dinh, tắm rửa, ăn uống ngon lành xong truyền bảo gia nhân trước khi vào phòng ngủ rằng:

Này các ngươi! Đêm nay, khi người thân tín của Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī đem tin đến thì các người hãy báo cho ta biết ngay.

Đêm hôm ấy, Đức-vua Vedeha nằm trên long sàng không ngủ được, hồi tưởng lại ân đức của Mahosadha-paṇḍita: “Mahosadha đã đến phụng sự giúp ta từ khi bảy tuổi cho đến nay trải qua thời gian nhiều năm tháng. Mahosadhapaṇḍita là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt chưa từng có điều gì làm cho ta buồn, dù là chuyện nhỏ.

Chuyện bốn câu hỏi của chư thiên vừa qua, nếu không có Mahosadhapaṇḍita giúp giải đáp thì sinh-mạng của ta đâu còn cho đến ngày hôm nay.

Vậy, tại sao ta có thể tin lời bốn vị quân-sư thường có tính ganh tị với Mahosadhapaṇḍita. Khi ta chưa suy xét kỹ mà ta đã truyền lệnh chặt đầu Mahosadhapaṇḍita bằng thanh gươm báu.

Ôi! bắt đầu từ ngày mai, ta sẽ không còn thấy Maho-sadhapaṇḍita nữa!”

Đức-vua nằm than vãn như vậy, phát sinh nỗi khổ tâm, sầu não cùng cực, nóng nảy, mặt mày âu sầu không sao ngủ được.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī ngự đến thấy Đức-vua Vedeha trong trạng thái bất an như vậy bèn tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, có chuyện gì làm cho long thể Hoàng-thượng bất an, xin Hoàng-thượng truyền bảo cho thần thiếp biết được không?

Này Ái-khanh Udumbaradevī! Bốn vị quân-sư tâu với Trẫm rằng Mahosadhapaṇḍita có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Trẫm. Cho nên, Trẫm đã trao thanh gươm báu và truyền lệnh bốn vị quân-sư sáng ngày mai chặt đầu Mahosadhapaṇḍita. Trẫm hồi tưởng đến ân đức của Mahosadhapaṇḍita, người đã tận tình phụng sự và cứu giúp Trẫm thoát chết, là bậc đại-thiện-trí, có trí-tuệ siêu-việt. Bắt đầu từ ngày mai, Trẫm sẽ không còn nhìn thấy Mahosadhapaṇḍita nữa.

Thà là Trẫm chịu chết còn hơn là để Mahosadha-paṇḍita chết.

Này Ái-khanh Udumbaradevī! Đó là nguyên nhân làm cho Trẫm phát sinh nỗi khổ tâm, sầu não cùng cực như vậy.

Nghe Đức-vua Vedeha truyền như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī cũng phát sinh nỗi khổ tâm vì thương yêu em trai Mahosadhapaṇḍita, Bà nghĩ rằng: “Ta nên tìm cách an ủi để Đức-vua an tâm ngủ say, ta sẽ báo tin này đến Mahosadhapaṇḍita, em của ta biết.”

Nghĩ xong Bà tâu rằng:

Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng đã ban cho Mahosadhapaṇḍita chức quan Thừa-tướng cao nhất trong triều đình. Bây giờ, nếu Mahosadhapaṇḍita có mưu đồ phản bội, là kẻ thù của Hoàng-thượng thì Hoàng-thượng truyền lệnh như vậy cũng hợp pháp rồi. Kính xin Hoàng-thượng an tâm.

Nghe lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbara-devī như vậy, Đức-vua Vedeha giảm bớt nỗi khổ tâm nóng nảy, nằm ngủ say.

Sau đó, Bà trở về phòng riêng viết tin báo cho Mahosadhapaṇḍita biết rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita em yêu quý! Bốn vị quân-sư tâu với Đức-vua rằng: “Em là người phản bội, là kẻ thù của Đức-vua, nên Đức-vua nổi cơn thịnh nộ, trao thanh gươm báu, Đức-vua truyền lệnh cho bốn vị quân-sư sáng ngày mai chặt đầu em tại cửa thành cung điện.”

Vậy, sáng ngày mai, nếu em đến chầu Đức-vua thì nên đi cùng với đoàn tùy tùng.

Viết xong, Bà đặt vào trong ống, đậy nắp, đóng dấu rồi truyền bảo người thân tín đem trao tận tay Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.

Nhận được tin của Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī, Đức-Bồ-tát đọc xong biết đúng như chuyện đã biết nên nằm ngủ cho đến sáng.

Sáng sớm hôm sau, bốn vị quân-sư mang thanh gươm báu đến đứng chờ trước của cung điện, không thấy Mahosadhapaṇḍita đến chầu như thường ngày. Bốn vị quân-sư thất vọng, đi vào chầu Đức-vua. Nhìn thấy bốn vị quân-sư , Đức-vua truyền hỏi rằng:

Các khanh đã chặt đầu Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita rồi phải không?

Tâu Bệ-hạ, chúng thần đứng chờ trước cửa cung điện, nhưng sáng nay Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita không đến chầu Bệ-hạ như thường ngày.

Sáng hôm ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thức dậy, tắm rửa, ăn uống ngon lành rồi trang phục đầy đủ, cỡi chiếc xe báu có đoàn tùy tùng theo sau đi vào chầu Đức-vua. 

Khi ấy, Đức-vua Vedeha đứng trên lâu đài, nhìn thấy Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng đoàn tùy tùng đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bước xuống xe, từ xa đảnh lễ Đức-vua Vedeha một cách cung kính.

Nhìn thấy cử chỉ đảnh lễ của Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng:

“Nếu Mahosadha là kẻ phản bội,, là kẻ thù của ta thì chắc chắn không đảnh lễ ta một cách cung kính như vậy.”

Nghĩ xong, Đức-vua Vedeha truyền gọi Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita vào chầu. Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita vào đảnh lễ Đức-vua Vedeha thêm một lần nữa rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bốn vị quân-sư cũng đều ngồi chỗ của mình.

Khi ấy, Đức-vua Vedeha làm bộ như không biết chuyện gì nên truyền hỏi rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita! Hôm qua khanh xin phép trở về trước, hôm nay, khanh đến trễ cùng với đoàn tùy tùng. Vậy, khanh có điều gì không hài lòng, khanh hãy tâu cho Trẫm rõ.

Đức-Bồ-tát tâu Mahosadhapaṇḍita rằng:

Tâu Đại-vương, chuyện bí mật nào mà Đại-vương truyền lệnh cho bốn vị quân-sư, chuyện bí mật nào mà Đại-vương truyền bảo với Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbara-devī … Những chuyện bí mật ấy, kẻ hạ thần này đã biết rõ cả rồi.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, nên Đức-vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ do nghĩ: “Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī báo tin này cho Mahosadhapaṇḍita biết.”

Biết Đức-vua đang nổi cơn thịnh nộ, nên Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng: 

Tâu Đại-vương, hạ thần biết được chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hiện-tại và vị-lai. Nếu Đại-vương nghĩ rằng chuyện bí mật của Đại-vương do Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī báo tin cho hạ thần biết, thì còn những chuyện bí mật của bốn vị quân-sư do ai báo cho hạ thần, mà hạ thần cũng đều biết rõ những chuyện bí mật ấy.

Tâu Đại-vương, chuyện bí mật của quân-sư Senaka như sau:

“Quân-sư Senaka đã tạo ác-nghiệp thấp hèn, hãm hiếp cô kỹ nữ (tên ấy) rồi giết cô tại vườn Sālā trong kinh-thành Mithilā này, rồi lấy tất cả đồ trang sức gói lại trong tấm áo choàng của cô, đem về treo trên chiếc ngà voi trong phòng của mình. Quân-sư chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho một người bạn thân thiết mà thôi.

Chuyện bí mật của quân-sư Senaka đã được hạ thần biết rõ như vậy.”

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Senaka như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Senaka, truyền hỏi rằng:

Này Senaka! Chuyện đó có thật vậy hay không?

Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Senaka đem giam trong ngục, chờ xét xử.

* Tiếp đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Pukkusa như sau:

Tâu Đại-vương, quân-sư Pukkusa mắc bệnh ngoài da ở bắp vế, lở loét khó trị, không được phép gần gũi với Đại-vương. Thế mà quân-sư Pukkusa để cho Đại-vương nằm gối đầu trên bắp vế mắc bệnh được băng bó kín ấy. Quân-sư Pukkusa chỉ tiết lộ chuyện bí mật cho người em trai thân thiết của quân-sư mà thôi.

Chuyện bí mật của quân-sư Pukkusa đã được hạ thần biết rõ như vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Pukkusa như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Pukkusa, truyền hỏi rằng:

Này Pukkusa! Chuyện đó có thật vậy hay không?

Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Pukkusa đem giam trong ngục, chờ xét xử.

* Tiếp đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Kāminda như sau:

Tâu Đại-vương, quân-sư Kāminda bị Dạ-xoa Nara-deva nhập vào. Khi bị Dạ-xoa nhập vào, ông ta tru lên như con chó điên. Quân-sư Kāminda chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho con trai yêu quý mà thôi.

Chuyện bí mật của quân-sư Kāminda đã được hạ thần biết rõ như vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Kāminda như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Kāminda, truyền hỏi rằng:

Này Kāminda! Chuyện đó có thật vậy hay không?

Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Kāminda đem giam trong ngục, chờ xét xử.

* Tiếp đến, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Devinda như sau:

Tâu Đại-vương, Đại-vương truyền quân-sư Devinda làm phận sự lau chùi viên ngọc maṇi, quốc bảo của triều đình. Quân-sư Devinda tự trộm cắp viên ngọc maṇi ấy đem về tư dinh, quân-sư chỉ tiết lộ chuyện bí mật này cho người mẹ kính yêu của quân-sư biết mà thôi. 

Chuyện bí mật của ông quân-sư Devinda đã được hạ thần biết rõ như vậy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu chuyện bí mật của vị quân-sư Devinda như vậy. Đức-vua Vedeha nhìn quân-sư Devinda, truyền hỏi rằng:

Này Devinda! chuyện đó có thật vậy hay không?

Tâu Bệ-hạ, chuyện đó có thật, đúng như vậy.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh bắt quân-sư Kāminda đem giam trong ngục, chờ xét xử.

Bốn vị quân-sư bày mưu kế thâm độc để hại Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, nhưng không thành tựu, ngược lại, bốn vị quân-sư bị giam trong ngục.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, bốn vị quân-sư tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác biết, cho nên, họ phải chịu hậu quả tai hại như vậy. Vì vậy, hạ thần tâu rằng:

“Không nên tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác biết”.

Tâu Đại-vương, chuyện bí mật của mình nên giữ kín là điều tốt, tiết lộ chuyện bí mật của mình cho người khác là điều không tốt.

Khi nào nguyện vọng của mình chưa thành tựu, bậc thiện-trí nên nhẫn nại chờ đợi, không nên tiết lộ chuyện bí mật cho một ai biết, đến khi thành tựu thì hãy nên cho mọi người biết.

Không nên tiết lộ chuyện bí mật của mình, mà nên giữ gìn chuyện bí mật ấy như người giữ gìn kho báu. Người biết chuyện bí mật thì không nên tiết lộ, đó là điều tốt.

Bậc thiện-trí không nói chuyện bí mật cho người nữ giới và kẻ thù, cũng không nói điều suy nghĩ của mình cho kẻ thù và những người không phải bạn thân.

Người nói chuyện bí mật với người thân tín lúc ban ngày, thì phải tìm nơi vắng vẻ. Khi nói chuyện bí mật lúc ban đêm thì nói nhỏ vừa đủ nghe, không để âm thanh vọng ra bên ngoài, bởi vì nếu có người nghe lén chuyện bí mật thì chuyện bí mật ấy sẽ bị lộ ra bên ngoài, nhiều người biết.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita thuyết giảng về chuyện bí mật như vậy, Đức-vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ bốn vị quân-sư đã bày mưu kế thâm độc để sát hại hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.

Đức-vua Vedeha liền truyền lệnh cho lính đưa bốn vị quân-sư ra khỏi thành, đặt nằm trên bàn chông rồi chặt đầu bốn vị quân-sư.

Bốn vị quân-sư bị buộc hai tay ra đằng sau, bị đánh 100 roi rồi dắt đến chỗ hành hình. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, bốn vị quân-sư đã phụng sự, giúp Đại-vương đã nhiều năm qua, kính xin Đại-vương tha tội cho bốn vị quân-sư ấy.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita khẩn khoản xin tha tội cho bốn vị quân-sư, Đức-vua Vedeha chuẩn tấu, rồi gọi họ vào, truyền bảo rằng:

Từ nay, các ngươi trở thành người tôi tớ của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita.

Ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita lại xóa bỏ kiếp tôi tớ cho bốn vị quân-sư ấy.

Đức-vua Vedeha truyền lệnh đuổi họ ra khỏi đất nước Videharaṭṭha. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu lên Đức-vua Vedeha rằng:

Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương tha tội cho bốn vị quân-sư ấy và xin phục chức quân-sư trở lại như trước. 

Đức-vua Vedeha phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita do nghĩ rằng:

“Mahosadhapaṇḍita có tâm từ, tâm bi đến kẻ thù như vậy, huống gì đối với tất cả chúng-sinh khác.”

Nghĩ xong, Đức-vua hoan hỷ tha tội cho bốn vị quân-sư.

Từ đó về sau, bốn vị quân-sư không dám bày mưu, tính kế hại Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nữa.

Củng Cố Kinh-Thành Mithilā

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita được Đức-vua Vedeha hoàn tòan tin cậy nên nghĩ rằng: “Ta là quan Thừa-tướng cao nhất trong triều, ta phải có bổn phận bảo vệ ngai vàng của Đức-vua, bảo vệ kinh-thành Mithilā, bảo vệ đất nước Videharaṭṭha này”. Vì nghĩ như vậy, nên Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita dâng lên Đức-vua Vedeha, xin củng cố kinh-thành Mithilā thật kiên cố.

Kinh-thành Mithilā được quan Thừa-tướng củng cố như sau:

* Xây thành trì vững chắc bao bọc.

* Xây lại bốn cửa thành vững chắc.

* Đào ba con đường nước sâu vòng quanh bên ngoài kinh-thành Mithilā, nuôi cá sấu trong các con đường nước ấy.

* Sửa chữa các trại lính, tập luyện các đoàn quân tinh nhuệ dũng cảm.

* Đào nhiều hồ nước lớn bên trong kinh-thành và làm đường thông nước ra vào trong và ngoài thành, v.v…

Quan Thừa-tướng Mahosadha là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt thấy xa hiểu rộng, nên củng cố thành trì kiên cố vững chắc bên trong, bên ngoài, để có thể ngăn chặn được các đoàn quân giặc ngoại xâm trong thời vị-lai. 

Quan Thừa-Tướng Tổ Chức Đội Lính Điệp Viên

Khi gặp các đoàn lái buôn từ các nước khác đến, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ân cần thăm hỏi họ, hỏi về Đức-vua của họ. Quan Thừa-tướng nghĩ rằng:

“Để giữ gìn trong đất nước được thanh bình, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp, ta nên có quan hệ xã giao với các nước láng giềng xung quanh, để biết mọi hoạt động của các nước ấy.”

Cho nên, quan Thừa-tướng tuyển chọn 101 người lính tài giỏi, xuất sắc, trung thành tuyệt đối với quan Thừa-tướng và đất nước Videharaṭṭha, rồi bảo với họ rằng:

Này các bạn thân mến! Tất cả các bạn gồm 101 người, mỗi người mang những tặng phẩm quý giá này đến mỗi kinh-thành dâng lên Đức-vua của nước ấy, rồi xin ở phục vụ Đức-vua ấy.

Hằng ngày đêm, mỗi người có phận sự theo dõi công việc triều chính, nếu có hành động nào khả nghi thì các bạn hãy gửi tin cho tôi biết. Toàn thể gia đình, vợ con, cha mẹ, bà con của các bạn có tôi lo cung cấp, nuôi dưỡng đầy đủ, các bạn chớ nên bận tâm, lo lắng gì cả.

Những tặng phẩm ấy là một bộ đồ trang phục của Đức-vua, một thanh gươm báu, một đôi hia vàng, một vòng hoa vàng. Quan Thừa-tướng ghi dòng chữ trên mỗi món đồ, rồi phát nguyện: “Nếu khi nào sự việc của tôi cần thì chỉ khi ấy dòng chữ này mới hiện rõ mà thôi.”

Sau đó, quan Thừa-tướng trao những tặng phẩm ấy cho mỗi người lính tín cẩn của mình đem đến dâng lên 101 Đức-vua của 101 nước ấy.

101 người lính của quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita đến phục vụ cho 101 Đức-vua của 101 nước trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu. Họ là những lính điệp viên gửi tin tức về cho quan Thừa-tướng. 

Vì vậy, quan Thừa-tướng ở tại kinh-thành Mithilā mà có thể biết được mọi hoạt động của các Đức-vua trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu.

Một thời gian sau, một người lính điệp viên của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita gửi tin về báo rằng: “Các đội binh của đất nước Kapilaraṭṭha đang chuẩn bị, tôi không biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Xin quan Thừa-tướng gửi con vẹt trí-tuệ Suvapaṇḍita bay đến đây do thám, để biết rõ hơn.”

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app