Nội Dung Chính
Phần 12
Đại Lễ Thành Hôn
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita truyền bảo những người lính anh dũng mời bốn vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là Hoàng thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đến yết kiến Đức-vua Vedeha.
Khi yết kiến Đức-vua Vedeha, nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, bốn vị hoàng thân mới biết mình đã bị bắt ở trong tay của người khác. Họ phát sinh tâm sợ hãi, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī khóc lớn lên thành tiếng vang lên mặt đất.
Trong khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bố trí chỗ trọng yếu chặn đường Đức-vua Vedeha chạy trốn theo đường sông Gaṅgā, nên khi nghe tiếng khóc của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī vọng ra trong đêm thanh vắng, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hoàn toàn không tin đó là sự thật, mà nghĩ rằng:
“Đó chỉ là ảo tưởng mà thôi.”
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita thỉnh mời Công-chúa Pañcālacandī ngự lên chỗ ngồi làm bằng thất báu để làm lễ thành hôn với Đức-vua Vedeha.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương ngự đến kinh-thành Uttarapañcāla này với ý nguyện tha thiết mong ước được thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī.
– Muôn tâu Đại-vương, với sự hiện diện chứng minh của ba hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là Hoàng thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Thái-tử Pañcālacanda. Kính xin Đại-vương cử hành đại lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, và kính xin Đại-vương tấn phong Công-chúa lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.
Sau khi cử hành đại lễ thành hôn xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, 300 chiếc thuyền đã chờ sẵn, kính thỉnh Đại-vương Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī ngự lên chiếc thuyền rồng.
Kính thỉnh Lệnh bà Hoàng thái-hậu Calākadevī, Lệnh bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī và Hoàng Thái-tử Pañcālacanda cùng ngự lên chiếc thuyền rồng.
Và mời bốn vị quân-sư cùng lên chiếc thuyền rồng ấy. Các quan và quân lính theo hầu đều bước lên các chiếc thuyền khác đi theo hộ giá.
Đức-vua Vedeha ngự lên chiếc thuyền rồng cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī với ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đứng trên bờ sông Gaṅgā tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, từ nay, Đại-vương là phò mã của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī. Như vậy,
* Hoàng Thái-hậu Calākadevī là nhạc Hoàng Thái-hậu của Đại-vương.
* Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta là nhạc Phụ-vương của Đại-vương.
* Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là nhạc Mẫu-hậu của Đại-vương.
* Hoàng Thái-tử Pañcālacanda là nhạc Hoàng-huynh của Đại-vương.
– Muôn tâu Đại-vương Vedeha, kính xin Đại-vương làm tròn bổn phận của mình đối với mỗi vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Nghe lời tâu của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, để cho hoàng-tử an tâm, Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Phụ-vương hứa chắc chắn sẽ làm tròn bổn phận đối với mỗi vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta.
Đức-vua Vedeha muốn thuyền rồng mau rời khỏi bến sông Gaṅgā để thoát khỏi vòng vây của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta và cũng sợ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta biết được đuổi theo bắt lại, nên truyền bảo rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Sao con còn đứng trên bờ, con hãy mau mau bước xuống thuyền, để rời khỏi bến ngay bây giờ.
Nghe Đức-vua Vedeha truyền bảo như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, hạ thần là vị Thừa-tướng thống lĩnh các đoàn quân lính thi hành các công việc suốt bốn tháng nay, có nhóm bị bệnh hoạn, có nhóm đang nghỉ ngơi, có nhóm đang làm phận sự, v.v… nên hạ thần không thể bỏ họ ở lại, dù chỉ một người. Cho nên, hạ thần phải trở lại với họ, hạ thần sẽ dẫn các đoàn binh lính ấy trở về kinh-thành Mithilā sau.
– Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Con có số quân lính ít ỏi, làm sao con chống cự lại với các đội binh hùng mạnh, đông đảo của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta được. Con ở thế yếu, làm sao có thể chống cự lại với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta có thế mạnh gấp trăm ngàn lần được!
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, một vị tướng lĩnh có tài-trí hơn người, có mưu kế hay, dù có quân lính ít ỏi cũng vẫn thắng được vị tướng lĩnh kém tài, vô mưu, dù có quân lính nhiều vô số vẫn bị thua.
Cũng ví như mặt trời mọc lên sáng chói, làm tiêu tan được bóng tối khắp mọi nơi.
– Tâu Đại-vương, hạ thần xin đảnh lễ Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương truyền lệnh cho thuyền rồng rời khỏi bến ngay bây giờ.
Giải Cứu Đức-Vua Vedeha Và Đoàn Người Hộ Giá
Khi chiếc thuyền rồng rời khỏi bến, Đức-vua Vedeha nhớ tưởng đến ân đức của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita nên nghĩ rằng:
“Ta đã thoát khỏi tay của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, là ta đã thoát khỏi chết lần này, và điều mong ước thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ cũng đã trở thành hiện thực như ý. Tất cả đều do nhờ trí-tuệ siêu-việt của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.”
Nghĩ xong, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương ân đức của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita với vị quân-sư Senaka rằng:
– Này quân-sư! Gần gũi, thân cận với bậc đại-trí mới đem lại sự hạnh phúc an-lạc thật sự.
Nhờ Mahosadhapaṇḍita giải cứu chúng ta thoát khỏi tay của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, như người thả bầy chim ra khỏi lồng, thả đàn cá ra khỏi đáy lưới.
Thật ra, nhờ Mahosadhapaṇḍita giải cứu mà chúng ta thoát khỏi chết trong tay của Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta, chúng ta còn sống được như thế này là nhờ trí-tuệ siêu-việt của Mahosadhapaṇḍita.
Vậy, ân đức của Mahosadhapaṇḍita đối với chúng ta thật là vô lượng! Đúng vậy phải không quân-sư?
Nghe Đức-vua Vedeha tán dương, ca tụng Mahosadha-paṇḍita như vậy, quân-sư Senaka cũng tán dương, ca tụng rằng:
– Tâu Bệ-hạ, thật vậy, gần gũi, thân cận với bậc đại-trí mới đem lại sự hạnh phúc an-lạc thật sự.
Nhờ quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita giải cứu mà Bệ-hạ và chúng thần thoát khỏi chết từ tay của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, như người thả bầy chim ra khỏi lồng, thả đàn cá ra khỏi đáy lưới.
Chiếc thuyền rồng đi qua hết con sông Gaṅgā cập bến, Đức-vua Vedeha, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcāla-candī, cùng ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự lên bờ cùng các quan quân đến ngôi nhà nghỉ mà quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã xây dựng sẵn dành để đón tiếp Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng phái đoàn hộ giá.
Tại ngôi nhà nghỉ, Đức-vua Vedeha, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng phái đoàn hộ giá ăn uống vật thực ngon lành, bổ dưỡng, rồi Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī ngự lên chiếc long xa có đôi ngựa báu, ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cũng ngự lên chiếc long xa có đôi ngựa báu, còn các quan quân khác lên ngựa, voi, xe tiếp tục lên đường trở về kinh-thành Mithilā.
Đường đi đến kinh-thành Mithilā dài 100 do tuần, cứ mỗi do tuần, quan Thừa-tướng Mahosadha có xây dựng một trạm, có ngôi nhà nghỉ để đón tiếp Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng phái đoàn hộ giá nghỉ ngơi, ăn uống vật thực ngon lành, bổ dưỡng, rồi thay đổi chiếc long xa, ngựa, voi khỏe mạnh khác.
Nhờ vậy mà Đức-vua Vedeha và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī cùng ba vị hoàng thân của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đến kinh-thành Mithilā được an toàn và được khoẻ mạnh.
Đức-Bồ-Tát Mahosadhapaṇḍita Với Đức-Vua Cūḷanī Brahmadatta
Sau khi Đức-vua Vedeha cùng đoàn hộ giá đã rời khỏi bến sông Gaṅgā, trên đường hồi cung trở về kinh-thành Mithilā, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita trở lại đến cửa hầm, cởi thanh gươm báu ra, đào đất chôn giấu tại cửa hầm, rồi đi vào con đường hầm trở lại cung điện mới, bước lên lâu đài, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống thức ăn ngon lành, bổ dưỡng, vào nằm trên giường sang trọng.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hồi tưởng:
“Từ ngày đến đất nước Kapilaraṭṭha này, ta đã điều hành, thi công xây dựng một Cung Điện Mới, đặc biệt là một Con Đường Hầm kỳ diệu và đã thực hiện điều mong ước của Đức Phụ-vương của ta trở thành hiện thực, Đức-vua Vedeha đã làm đại lễ thành hôn với Công-chúa Pañcālacandī, rồi tấn phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Vedeha.
Đức Phụ-vương của ta đã thành tựu được như ý, vậy là ta đã đền đáp một phần công ơn của Đức Phụ-vương.
Nay, Đức Phụ-vương cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālacandī và đoàn hộ giá trên đường hồi cung, ngự trở về kinh-thành Mithilā.”
Hồi tưởng như vậy xong, Đức-Bồ-tát phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ, rồi nằm ngủ say.
Bên ngoài cung điện mới của Đức-vua Vedeha, suốt đêm cho đến lúc rạng đông, Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta đi duyệt các đội binh hùng mạnh gồm 18 akkhobhinī quân lính vây hãm cung điện. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh tất cả tướng sĩ chớ nên dể duôi, chuẩn bị sẵn sàng, chờ lệnh lúc rạng đông, xâm nhập vào cung điện mới, để bắt sống Đức-vua Vedeha và quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita là kẻ thù xưa, đem ra chém đầu. Và sau đó sẽ làm lễ ăn mừng chiến thắng hoàn tòan, rồi lên ngôi Đại-vương cao cả trong tòan cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Rạng sáng hôm sau, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta thân chinh mặc áo giáp đặc biệt, ngự trên voi báu, tay cầm cây cung đã nạp sẵn tên, giục voi tiến đến cung điện mới của Đức-vua Vedeha, đằng sau, một đoàn quân anh dũng thiện chiến theo hộ giá. Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nghĩ rằng:
“Này Vua Vedeha hiếu sắc, ngươi chớ hòng nhìn thấy Công-chúa Pañcālacandī của ta. Ngày trước, vây hãm kinh-thành Mithilā, chúng ta bị mắc mưu, thua kế của Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita phải bỏ chạy, cho nên ngày ấy Ngươi mới thoát khỏi chết.
Nay, Ngươi đã bị mắc mưu mỹ-nhân-kế của chúng ta, Ngươi đã đem mạng đến nạp trên đất nước của ta, ví như cá đã vào đáy lưới. Dù cho Ngươi có cánh, Ngươi cũng không thể thoát khỏi làn tên mũi giáo của ta.
Lần này, chính ta sẽ bắt sống Ngươi và Mahosadha-paṇḍita, chính ta sẽ chặt đầu Ngươi và Mahosadha-paṇḍita tại nơi cung điện mới của Ngươi.
Sáng ngày hôm nay, ta sẽ tổ chức đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng.”
Khi ấy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta giục voi báu tiến đến gần cung điện mới ấy. Quân lính canh gác, bảo vệ cung điện vội đến trình báo cho quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita biết. Quan Thừa-tướng mới thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, dùng bữa sáng bằng những món ăn ngon lành, bổ dưỡng, mặc trang phục vải xứ Kāsi đắt giá, cầm cây gậy cẩn bằng thất báu, mang đôi hia bằng vàng, đứng bên cửa sổ trên lâu đài, có các cô gái xinh đẹp như thiên-nữ cầm cây quạt lông phe phẩy.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đi qua đi lại trên lâu đài như Đức-vua trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, để cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngồi trên voi báu, nhìn thấy quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có các tướng tốt của bậc đại-nhân, nhưng Đức-vua không phát sinh đức-tin trong sạch nơi quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita, bởi vì Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đang nổi cơn thịnh nộ, chỉ muốn vào bắt sống quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita mà thôi.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta muốn xông vào bắt sống Đức-vua Vedeha và ta, nhưng Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không biết ta đã cho lính mời bốn vị hoàng thân của Đức-vua là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcāla-canda và Công-chúa Pañcālacandī đem dâng Đức-vua Vedeha, đang trên đường hồi cung ngự trở về kinh-thành Mithilā rồi.
Ta nên lộ mặt ra để cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhìn thấy.”
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bước ra tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta bằng giọng nói nửa đùa nửa thật rằng:
– Tâu Đại-vương, sao Đại-vương nổi cơn thịnh nộ vội vã giục con voi báu ngự đến như vậy. Lẽ ra, Đại-vương phải vui mừng hớn hở, bởi vì âm mưu “mỹ-nhân-kế” của Đại-vương đã được thành tựu như ý rồi, phải không, Đại-vương?
– Tâu Đại-vương, xin Đại-vương trao cây cung cho lính hầu cầm, Đức-vua cầm làm gì cho nặng, có ích lợi gì đâu!
Xin Đại-vương cởi chiếc áo giáp đặc biệt ra khỏi long thể cho nhẹ nhàng, bởi vì Đại-vương đã mặc nó từ tối hôm qua, chỉ làm cho long thể của Đại-vương khó chịu mà thôi!
Đại-vương ngự đến cung điện mới của hạ thần từ sáng sớm, chắc có chuyện việc gì quan trọng đây?
Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu với giọng nói ngọt ngào êm tai, gương mặt tươi cười, vui vẻ và sáng ngời, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là người có màu da vàng trong sáng, gương mặt rạng rỡ, tươi cười vui vẻ, có lời nói ngọt ngào êm tai. Đó là trạng thái được biểu hiện nơi người sắp chết như ngươi.
– Này Mahosadhapaṇḍita! Hôm nay, chính ta sẽ bắt Vua Vedeha và ngươi, rồi ta sẽ chặt đầu hai ngươi cùng một lúc. Cũng hôm nay, ta sẽ tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng vinh quang trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Khi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita và Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối đáp với nhau, các đội binh của Đức-vua nhìn thấy thân hình của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita có các tướng tốt của bậc đại-nhân, nên phát sinh đức-tin trong sạch, kính phục, ngưỡng mộ quan Thừa-tướng.
Họ nhìn thấy Đức-vua của họ với quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đang bàn bạc chuyện với nhau.
Nghe Đức-vua truyền bảo lời hăm dọa như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta không biết ta là Mahosadhapaṇḍita.”
Nghĩ xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bèn tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, những lời hăm dọa của Đại-vương chẳng làm cho tôi có cảm giác sợ chút nào cả, Đại-vương nên biết rằng: “Chuyện bí mật mà quân-sư Kevaṭṭa bàn tính với Đại-vương trên lâu đài trong phòng ngủ của Đại-vương. Tôi đã biết và những người khác cũng đều biết cả rồi!”
– Tâu Đại-vương, Đại-vương không có khả năng bắt được Đức-vua Vedeha của tôi đâu?
Đức-vua Vedeha đã rời khỏi cung điện mới này, trên đường hồi cung ngự trở về kinh-thành Mithilā rồi.
Ví như con ngựa báu Sindhava phi nhanh, làm sao con ngựa què quặt đuổi theo kịp được!
Đức-vua Vedeha đã biết trọng dụng tôi ví như con ngựa báu Sindhava phi nhanh. Còn Đại-vương chỉ biết dùng quân-sư Kevaṭṭa ví như con ngựa què quặt thì làm sao sánh với con ngựa báu Sindhava phi nhanh được!
– Tâu Đại-vương, Đức-vua Vedeha không chỉ ngự đi một mình mà còn bốn nhân vật thượng khách, các quân-sư, các quan, quân lính theo hộ giá cùng đi theo Đức-vua Vedeha, đã vượt qua con sông Gaṅgā từ tối hôm qua rồi.
Dù Đại-vương muốn đuổi theo cũng không kịp nữa, ví như con quạ già sức yếu làm sao bay đuổi theo con thiên nga trẻ, khỏe mạnh được!
– Tâu Đại-vương, những điều mơ ước, hy vọng của Đại-vương đã biến thành tro bụi, mây khói cả rồi!
Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī nghĩ rằng:
“Nếu Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ đã biết chuyện bí mật của ta, nó đã dõng dạc, khẳng khái dám nói như vậy thì chắc chắn nó đã giải cứu Vua Vedeha thoát ra khỏi cung điện mới này rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng bằng cách nào?
Ta nhớ rõ, trước đây ta đem quân vây hãm kinh-thành Mithilā, chờ xâm nhập vào kinh-thành bắt giết Vua Vedeha, nhưng ta đã bị mắc mưu kế của Mahosadha-paṇḍita, làm cho ta phải bỏ chạy thẳng một mạch như điên. Bây giờ, Vua Vedeha đã ngự đến đất nước của ta, như ở trong tay của ta rồi, thế mà Mahosadhapaṇḍita này cũng giải cứu Vua Vedeha thoát ra khỏi tay của ta được, chính Mahosadhapaṇḍita này làm cho ta tiêu tan mộng làm bá chủ trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.”
Nghĩ như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn lôi đình thịnh nộ, truyền lệnh rằng:
– Này các tướng sĩ! Các ngươi hãy bắt Mahosadha-paṇḍita, rồi chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, lỗ mũi của y, vì tội giải cứu Vua Vedeha, kẻ thù của Trẫm đã thoát khỏi tay của Trẫm trở về kinh-thành Mithilā.
Các ngươi hãy lấy cây lao đâm Mahosadhapaṇḍita, đem đặt trên giàn lửa thiêu đốt sống, vì tội giải cứu Vua Vedeha… kinh-thành Mithilā.
Các ngươi hãy lấy cây móc, móc da thịt của Mahosadhapaṇḍita, dùng gươm đâm chém Mahosadha, vì tội giải cứu Vua Vedeha … kinh-thành Mithilā.
Các ngươi hãy giết chết Mahosadhapaṇḍita … vì tội giải cứu vua Vedeha, kẻ thù của Trẫm đã thoát khỏi tay của Trẫm trở về kinh-thành Mithilā.
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền lệnh cho các tướng sĩ của mình, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita phát ra tiếng cười lớn khanh khách vang xa làm cho các đội binh của Đức-vua nghe rõ.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Nếu Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta biết ta đã ra lệnh cho lính mời bốn vị hoàng thân của Đức-vua là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đem dâng Đức-vua Vedeha rồi.
Nay, bốn vị hoàng thân ấy của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng ngự theo Đức-vua Vedeha đến kinh-thành Mithilā, thì Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta càng nổi cơn lôi đình thịnh nộ có thể bắn ta với cung tên trong tay.
Vậy, ngay bây giờ ta nên tâu cho Đức-vua biết rõ, để làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phát sinh khổ tâm cùng cực”, nên quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương truyền lệnh chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, lỗ mũi của tôi như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh chặt hai tay, hai chân, cắt hai lỗ tai, lỗ mũi của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcāla-candī của Đại-vương cũng như thế ấy.
Nếu Đại-vương truyền lệnh lấy cây giáo đâm tôi, đem đặt trên giàn lửa thiêu đốt sống như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh lấy cây giáo đâm Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương, đem đặt trên giàn lửa thiêu đốt sống cũng như thế ấy.
Nếu Đại-vương truyền lệnh lấy cây móc, móc da thịt của tôi, dùng gươm đâm chém tôi như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh lấy cây móc, móc da thịt của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcāla-canda, Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương, dùng gươm đâm chém cũng như thế ấy.
Nếu Đức-vua truyền lệnh giết tôi như thế nào, thì Đức-vua Vedeha cũng truyền lệnh giết Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương cũng như thế ấy.
– Tâu Đại-vương, tôi và Đức-vua Vedeha đã bàn bạc, thoả thuận bí mật với nhau rằng: “Hễ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đối xử với hạ thần như thế nào thì xin Đại-vương cũng đối xử với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcāla-candī cũng như thế ấy.”
– Tâu Đại-vương, Đức-vua Vedeha đã cam kết chắc chắn với tôi như vậy. Đó là diệu kế để bảo vệ sinh-mạng của tôi. Cho nên, dù muốn dù không Đại-vương cũng không thể truyền lệnh bắt tôi, hành hạ tôi, chắc chắn không để tôi phải chịu một cực hình nào cả!
– Tâu Đại-vương, Mahosadhapaṇḍita là một bề tôi một lòng một dạ trung thành với Đức-vua Vedeha, có bổn phận phụng sự, để đem lại sự hạnh phúc an-lạc cho Đức-vua Vedeha, bảo vệ Đức-vua Vedeha, ngăn cản mọi kẻ thù không thể làm hại đến Đức-vua Vedeha.
Và tôi còn phải giúp Đức-vua Vedeha trị vì đất nước Videharaṭṭha được phồn thịnh, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp. Vì vậy, tôi đã phá hoại mọi mưu kế thâm độc “mỹ-nhân-kế” của quân-sư Kevaṭṭa bằng diệu kế của tôi.
Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:
“Tại sao Mahosadhapaṇḍita con của phú hộ nói xàm như vậy, nếu ta đối xử với y như thế nào thì Đức-vua Vedeha cũng sẽ đối xử với Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcāla-candī của ta cũng như thế ấy?
Y không biết rằng trước khi ta thân chinh xuất trận, ta đã truyền bảo ba vị hoàng thân của ta ngự đến ở chung với Mẫu-hậu Calākadevī và được lính canh gác bảo vệ an toàn tuyệt đối rồi.
Bây giờ, có lẽ Mahosadhapaṇḍita biết mình sắp chết, vì sợ chết nên nói xàm, nói bậy như vậy, ta không thể nào tin theo lời nói của y được.”
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng ta sợ chết nên nói xàm, nói bậy.
Vậy, ta sẽ tâu cho Đức-vua biết rõ.”
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita bèn tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương ngự trở về nhìn xem trên lâu đài Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương. Bây giờ, tại nơi ấy như bãi tha ma vắng vẻ, không có một ai cả, bởi vì tôi đã ra lệnh nhóm lính anh dũng của tôi đi theo con đường hầm đến cung điện của Đại-vương, lên lâu đài Mẫu-hậu Calākadevī của Đại-vương, thỉnh mời Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī ngự đi theo con đường hầm đem đến dâng lên Đức-vua Vedeha của tôi rồi.
Khi Đức-vua Vedeha ngự trở về kinh-thành Mithilā, có thỉnh theo bốn vị hoàng thân của Đại-vương cùng ngự đến kinh-thành Mithilā rồi.
Nghe lời tâu dõng dạc đanh thép của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:
“Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ, tâu mạnh dạn, khẳng khái như vậy, đêm qua chính tai ta cũng nghe tiếng khóc giống như tiếng khóc của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī vọng ra gần bên bờ sông Gaṅgā.
Biết đâu rằng lời tâu của y là sự thật thì sao?”
Nghĩ vậy, nên Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta liền phát sinh nỗi khổ tâm sầu não, truyền lệnh cho vị quan thân tín của mình trở về cung điện ngay tức khắc rằng:
– Này khanh! Khanh hãy cởi ngựa phi nhanh trở về cung điện, để biết rõ thực hư thế nào, rồi hãy mau trở lại tâu cho Trẫm rõ.
Tuân lệnh Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, vị quan thân tín ấy trở về cung điện, lên lâu đài của Hoàng Thái-hậu Calākadevī, thấy cửa bỏ trống, các người lính gác, bảo vệ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm một đống, không cử động được. Vị quan mở trói tay chân một người, rồi người ấy giúp mở trói những người khác.
Vị quan ấy bước lên tầng trên lâu đài, thấy cửa mở, sang phòng bên nhìn thấy các tỳ nữ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm không cử động. Vị quan mở trói tay chân một cô tỳ nữ, rồi cô tỳ nữ ấy giúp mở trói cho các cô khác.
Vị quan ấy vào bên trong phòng, nhìn thấy ngọc ngà châu báu rải rác trên sàn, mà không nhìn thấy Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī đâu cả.
Vị quan ấy vội vàng trở xuống lâu đài, cỡi ngựa phi nhanh trở lại tâu Đức-vua rằng:
– Tâu Đại-vương, những điều mà Mahosadhapaṇḍita tâu như thế nào đều đúng sự thật như thế ấy. Phía dưới lâu đài, các người lính gác, bảo vệ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm một chỗ, không cử động được.
Phía trên lâu đài, bên ngoài các cô tỳ nữ đều bị trói tay chân, bịt miệng, mở mắt nằm không cử động.
Bên trong phòng, các ngọc ngà châu báu rải rác trên sàn, căn phòng trống không, vắng vẻ, không có Lệnh bà Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Lệnh bà Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī của Đại-vương đâu cả.
Nghe vị quan thân tín tâu rõ sự thật như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, bởi vì những người thân yêu nhất trong đời bị Mahosadha-paṇḍita ra lệnh cho lính bắt đem đi dâng lên Đức-vua Vedeha, kẻ thù của mình.
Đức-vua nghĩ rằng: “Nỗi khổ tâm cùng cực của ta là do Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ này.” Vì vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn lôi đình, thịnh nộ kinh khủng đối với Mahosadhapaṇḍita.
Nhìn thấy Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nổi cơn tức giận dữ dội như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita nghĩ rằng:
“Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta phát sinh tâm sân hận dữ dội có thể hại ta được.
Vậy, ta nên diễn tả sắc đẹp tuyệt trần của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī. Khi Đức-vua Cūḷanī Brahma-datta nghe đến sắc đẹp tuyệt trần ấy, rồi phát sinh tâm tham-ái nhớ thương Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī làm dịu bớt lại cơn sân hận mà suy nghĩ lại rằng:
“Nếu ta giết Mahosadhapaṇḍita thì chắc chắn ta sẽ không còn có cơ hội nhìn thấy lại Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī của ta được nữa.”
Nghĩ xong, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đứng trên lâu đài, tâu với Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:
– Tâu Đại-vương, bốn vị hoàng thân của Đại-vương là Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda và Công-chúa Pañcālacandī được thỉnh mời ngự trên một cỗ long xa sang trọng, đi dọc theo con đường hầm rất kỳ diệu, ra đến bờ sông Gaṅgā, cả bốn vị hoàng thân cùng ngự trên chiếc thuyền rồng sang trọng lộng lẫy, bởi vì họ là thượng khách của Đức-vua Vedeha.
– Tâu Đại-vương, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī là một nữ báu, có màu da rất xinh đẹp tuyệt trần, thân hình không cao không thấp, thật cân xứng, xinh đẹp như một thiên-nữ, …
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đã khéo tả sắc đẹp thân thể của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghe. Đức-vua lắng nghe từng lời, từng câu tả về sắc đẹp ấy nên phát sinh tâm tham-ái, nỗi nhớ thương da diết nơi Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī. Quan Thừa-tướng tâu tiếp rằng:
– Tâu Đại-vương, Đại-vương là bậc có đại phước, đại duyên nhất trong thiên hạ mới có được một Chánh-cung Hoàng-hậu như bà Nandādevī, chẳng lẽ Đại-vương bằng lòng để cho Chánh-cung Hoàng-hậu xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ chết thảm thiết hay sao?
Bởi vì, nếu Đại-vương giết tôi chết như thế nào thì Đức-vua Vedeha của tôi cũng sẽ giết Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī chết như thế ấy.
– Tâu Đại-vương, nếu tôi chết thì Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī cũng chết như tôi. Kiếp sau của tôi với kiếp sau của Chánh-cung Hoàng-hậu hy vọng sẽ gặp lại nhau. Nếu được như vậy thì dù sao sau khi tôi chết, kiếp sau của tôi cũng không có gì đáng buồn cả.
Vấn: Tại sao Đức-Bồ-tát khéo tả sắc đẹp tuyệt trần của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī mà không đề cập đến Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Thái-tử Pañcāla-canda và Công-chúa Pañcālacandī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta?
Đáp: Thông thường, con người thương nhớ đến người vợ yêu quý nhất của mình hơn người khác. Vì vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita khéo tả sắc đẹp tuyệt trần của Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī với giọng nói truyền cảm, ngọt ngào làm cho Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nhớ thương da diết đến Chánh-cung Hoàng-hậu xinh đẹp tuyệt trần như thiên-nữ, nên phát sinh tâm tham-ái, nỗi nhớ thương Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī.
Nghe lời tâu của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ rằng:
“Ngoài Mahosadhapaṇḍita ra, không có ai có khả năng đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī yêu quý nhất trở lại với ta được.”
Hiểu biết được tâm trạng nhớ thương da diết đến Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī của Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, nên quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu lời an ủi Đức-vua:
– Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương an tâm, Hoàng Thái-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandā-devī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī là các vị thượng khách của Đức-vua Vedeha. Bốn vị hoàng thân của Đại-vương chắc chắn được trọng đãi đặc biệt, được an hưởng mọi sự an-lạc trong cung điện của Đức-vua Vedeha.
– Tâu Đại-vương, trước đây Đại-vương đã hứa ban Công-chúa Pañcālacandī cho Đức-vua Vedeha, để làm lễ thành hôn, trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Vedeha.
Như vậy, Công-chúa Pañcālacandī đã trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Vedeha ngự tại kinh-thành Mithilā. Còn lại ba vị hoàng thân của Đại-vương, tôi hứa chắc chắn với Đại-vương rằng: “Sau khi tôi trở lại kinh-thành Mithilā, tôi sẽ tiễn đưa ba vị hoàng thân ngự trở về kinh-thành Uttarapañcāla sớm nhất.”
Kính xin Đại-vương tin tưởng nơi tôi.
Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hứa chắc chắn như vậy, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cảm thấy vô cùng hoan hỷ, an tâm chờ đợi ngày đoàn tụ gia đình. Đức-vua nghĩ rằng:
“Trước khi cầm binh xuất trận, ta đã giao phó những đoàn quân anh dũng ở lại bảo vệ kinh-thành Uttara-pañcāla, cung điện và đặc biệt bảo vệ Mẫu-hậu Calākadevī, Chánh-cung Hoàng-hậu Nandādevī, Thái-tử Pañcālacanda, Công-chúa Pañcālacandī của ta rất nghiêm ngặt, rồi ta mới thân chinh xuất trận.
Thế mà Mahosadhapaṇḍita có khả năng ra lệnh cho lính của mình xâm nhập vào cung điện, lên lâu đài thỉnh bốn vị hoàng thân của ta ngự theo con đường hầm, dẫn đến dâng lên Vua Vedeha, từ chiều hôm qua và suốt đêm nay, ta và 101 Đức-vua chư hầu cùng với các đội binh gồm 18 akkhobhinī quân lính bao vây xung quanh cung điện mới của Đức-vua Vedeha ba vòng nghiêm ngặt như vậy, Mahosadhapaṇḍita đã có khả năng đặc biệt giải cứu Đức-vua Vedeha ra khỏi vòng vây, rồi ngự trở về kinh-thành Mithilā cùng với đoàn hộ giá, còn đưa bốn vị hoàng thân của ta ngự đi theo mà ta hoàn toàn không hay biết.
Vậy, chắc chắn Mahosadhapaṇḍita biết phép thần (dibbamayā) hoặc phép che mắt mọi người (cakkhu-mohana) ta nên truyền hỏi Mahosadhapaṇḍita cho rõ.”
Nghĩ xong, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là người biết phép thần hay phép che mắt mọi người có phải không?
Nghe Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi như vậy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, trong đời này, bậc thiện-trí có trí-tuệ là phép thần (dibbamayā), nhờ phép thần mà bậc thiện-trí có khả năng tự giải cứu mình thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn và cũng có khả năng giải cứu cho những người khác thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn ấy.
Như hạ thần đã giải cứu Đức-vua Vedeha trong cảnh khốn quẫn, cùng các quan quân trong đoàn hộ giá của Đức-vua Vedeha thoát ra khỏi vòng vây hãm của Đại-vương, bằng con đường hầm mà hạ thần đã ra lệnh cho những người lính tài giỏi của hạ thần đã đào sẵn, và bốn vị hoàng thân của Đại-vương cũng được thỉnh mời ngự đi bằng con đường hầm ấy.
Nghe quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita tâu về con đường hầm mà Đức-vua Vedeha ngự đi thoát ra khỏi vòng vây của mình, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta muốn tận mắt nhìn thấy con đường hầm ấy như thế nào.
Biết ý Đức-vua muốn tận mắt nhìn thấy con đường hầm ấy, nên quan Thừa-tướng tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, kính thỉnh Đại-vương cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự đi xem con đường hầm rất kỳ công bằng trí-tuệ của hạ thần. Hạ thần đã sử dụng các người thợ tài giỏi, các họa sĩ nổi danh, các nhà điêu khắc tài ba, các nhà nghệ thuật xuất sắc trong nước, tập trung làm con đường hầm kỳ diệu này. Con đường hầm này dài 15 cây số, rộng rãi, cao 14 cùi tay, có 80 cửa lớn, có 64 cửa nhỏ, có 2 căn phòng rộng lớn được trang hoàng lộng lẫy làm nơi hội triều, có 101 phòng nhỏ, có các ngọn đèn sáng rực rỡ suốt con đường hầm.
Nghe diễn tả con đường hầm với lời thỉnh mời của quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự vào cung điện mới của quan Thừa-tướng, cùng với các đoàn lính hộ giá.
Khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính của mình mở cửa đường hầm, mở các cửa lớn nhỏ và mở các ngọn đèn. Quan Thừa-tướng Mahosadha-paṇḍita từ trên lâu đài bước xuống đón rước Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức-vua chư hầu.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita đảnh lễ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi thỉnh Đức-vua ngự lên chiếc long xa sang trọng, cùng 101 Đức-vua chư hầu ngự vào con đường hầm, theo sau có các đoàn lính hộ giá. Suốt con đường hầm có đèn sáng chói rực rỡ, hai bên vách đường hầm có nhưng bức tranh tuyệt đẹp, xen vào có những tượng chư thiên đứng như thật, tất cả được trang hoàng đẹp đẽ như cõi trời.
Nhìn thấy con đường hầm được trang hoàng lộng lẫy xem không biết chán, Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta tán dương ca tụng quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita! Ngươi là bậc đại trí có trí-tuệ siêu-việt sống trong ngôi nhà nào, phục vụ trong triều đình nào, trong đất nước nào, thì trong ngôi nhà ấy, trong triều đình ấy, trong đất nước ấy có được con người quý báu vô giá, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho nơi ấy. Gia đình ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, Đức-vua Vedeha, đất nước Videharaṭṭha có được ngươi thì thật là một diễm phúc lớn lao nhất trong đời.
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự trên chiếc long xa, nhìn thấy hai bên vách tường con đường hầm có những bức tranh đẹp tuyệt vời, những bức phù điêu sắc sảo do các nghệ nhân khéo tay, những tượng hình chư thiên đứng như thật, v.v… Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đi trước cùng với quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra khỏi cửa hầm.
Biết 101 Đức-vua chư hầu cùng đoàn tùy tùng theo hộ giá Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta đang ở trong con đường hầm, say mê nhìn những bức tranh, bức phù điêu, tượng chư thiên, … chưa một ai đi theo kịp. Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita ra lệnh cho lính đóng cửa hầm và đóng 80 cửa lớn, 64 cửa nhỏ đồng thời cùng một lúc, tắt tất cả các ngọn đèn suốt con đường hầm tối tăm như cõi địa ngục Lokantarikanaraka, 101 Đức-vua chư hầu và đoàn binh lính hộ giá bị nhốt trong con đường hầm tối tăm, tất cả đều sợ chết ở trong con đường hầm ấy.
Khi ấy, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita lấy thanh gươm báu được chôn dưới đất chỗ cửa hầm đêm hôm trước, nhảy cao lên hư không 18 cùi tay, rồi đáp xuống đất, đưa thanh gươm báu kề vào cổ Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta, làm cho Đức-vua hoảng sợ, quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita hỏi rằng:
– Tất cả ngai vàng trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này thuộc về của ai?
Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta hoảng sợ truyền rằng:
– Tất cả ngai vàng trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này thuộc về Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita. Xin quan Thừa-tướng hãy tha tội chết cho Trẫm.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, kính xin Đại-vương chớ nên hoảng sợ. Hạ thần cầm thanh gươm báu làm như vậy, không có tác ý sát hại Đại-vương mà hạ thần chỉ biểu hiện oai lực trí-tuệ của hạ thần mà thôi.
Quan Thừa-tướng Mahosadhapaṇḍita nâng thanh gươm báu bằng đôi tay rồi tâu rằng:
– Tâu Đại-vương, nếu Đại-vương muốn giết hạ thần thì Đại-vương giết hạ thần bằng thanh gươm báu này. Nếu Đại-vương muốn tha tội chết cho hạ thần thì xin Đại-vương ban sinh-mạng lại cho hạ thần. Đức-vua Cūḷanī Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita! Trẫm tha tội chết cho ngươi thật sự. Xin ngươi hãy an tâm.