Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn
Sau khi chấm dứt lời dạy cuối cùng bằng câu: “Appamādena sampādetha.”
Đức-Phật nhập đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập không-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả không-vô-biên xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập diệt-thọ-tưởng.
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda hỏi Ngài Trưởng-lão Anuruddha rằng:
– Kính thưa pháp-huynh Anuruddha, Đức-Thế-Tôn tịch diệt Niết-bàn rồi phải không?
– Này pháp-đệ Ānanda! Đức-Thế-Tôn chưa tịch diệt Niết-bàn, Đức-Thế-Tôn đang nhập diệt-thọ-tưởng.
– Đức-Thế-Tôn xả diệt-thọ-tưởng.
– Nhập phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả vô-sở-hữu-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả thức-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập không-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm, rồi xả không-vô-biên-xứ-thiền duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhất-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-nhị-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tam-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
– Nhập đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm, rồi xả đệ-tứ-thiền sắc-giới duy-tác-tâm.
Tiếp theo Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn gọi là khandhaparinibbāna: ngũ-uẩn Niết-bàn tại khu rừng Sāla, xứ Kusinārā vào canh chót đêm rằm tháng tư, nghĩa là sau khi diệt ngũ-uẩn rồi, không còn nhân duyên nào để tái-sinh ngũ-uẩn khác nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosi-kamma) không có cơ hội cho quả của nghiệp được nữa.
Ngay khi ấy, trái đất rùng mình chuyển động. Đó là 1 trong 8 hiện tượng thường xảy ra đối với Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Đức-Phật Gotama là Bậc Cao-cả nhất, Bậc Vĩ-đại nhất, Bậc Tối-thượng nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, đã tịch diệt Niết-bàn tại khu rừng Sāla, xứ Kusinārā vào canh chót đêm rằm tháng tư.
Tất cả mọi chúng-sinh, hễ có sinh thì ắt phải có tử, không ngoại trừ một ai cả. Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán không gọi là tử (chết) mà gọi là tịch diệt Niết-bàn, bởi vì không còn tái-sinh kiếp sau nào nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán sau khi tịch diệt Niết-bàn rồi, không còn tái-sinh kiếp sau nữa, không phải không còn nghiệp, mà thật ra, nghiệp cũ của Đức-Phật và chư bậc Thánh A-ra-hán vẫn còn, nhưng tất cả mọi tham-ái đã bị diệt tận được không còn dư sót nữa, nên không có tham-ái dẫn dắt tái-sinh kiếp sau (taṇhā ponobbhavikā). Cho nên, Đức-Phật, chư Thánh A-ra-hán sau khi đã tịch diệt Niết-bàn rồi, không còn tái-sinh kiếp sau nữa.
Như vậy, ngoại trừ Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán ra, còn lại các loài chúng-sinh dù nhỏ dù lớn như chư-thiên trên 6 cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới, 4 tầng trời vô-sắc-giới khác, từ hạng phàm-nhân cho đến bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai vẫn còn tham-ái là nhân sinh khổ dẫn dắt tái-sinh kiếp sau.
Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn rồi, song giáo-pháp của Đức-Phật vẫn còn tồn tại trên thế gian, như Đức-Phật đã giảng giải trước khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn rằng:
“Iti imāni caturāsīti dhammakkhandha-sahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi. Ahañca kho dāni ekakova ovadāni, anusāsāmi, mayi parinibbute imāni caturāsīti dhammak-khandhasahassāni tumhe ovadissanti anu-sāsissanti…”
“Như vậy, 84.000 pháp-môn này vẫn tồn tại, chỉ có một mình Như-Lai tịch diệt Niết-bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như-Lai giáo huấn các con, theo dạy dỗ các con, sau khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn rồi, thì có 84.000 pháp-môn ấy là “Vị Tôn-Sư”sẽ giáo huấn các con, sẽ theo dạy dỗ các con…”
Tuy Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn cách đây 2.563 năm rồi, song giáo-pháp của Đức-Phật Gotama vẫn còn được giữ gìn duy trì đầy đủ trọn vẹn 84.000 pháp-môn cho đến ngày nay.
Muốn được gần gũi thân cận với Đức-Phật, mỗi hàng thanh-văn đệ-tử phải cố gắng tinh-tấn học pháp-học Phật-giáo và thực-hành pháp-hành Phật-giáo, tùy theo khả năng của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
Các hàng thanh-văn đệ-tử nào có Phật-giáo trong tâm, thì các hàng thanh-văn đệ-tử ấy được nương nhờ nơi Đức-Phật, nương nhờ nơi Đức-Pháp, nương nhờ nơi Đức-Tăng, được nương nhờ nơi Tam-Bảo cao thượng, để các hàng thanh-văn đệ-tử ấy có thể trở nên con người cao thượng, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Đặc biệt còn làm duyên lành cho các hàng thanh-văn đệ-tử ấy để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời các hàng thanh-văn đệ-tử ấy giữ gìn, duy trì Phật-giáo được trường tồn trên thế gian, cho đến hết tuổi thọ Phật-giáo 5.000 năm, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho tất cả chúng-sinh nhất là chư-thiên và nhân-loại.
(Xong phần nội dung Ngày Rằm Tháng Tư Trong Phật-Giáo.)