Lý do Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn tại Kusinārā
Tuy có nhiều xứ lớn, kinh-thành lớn, nhưng Đức-Phật không chọn làm nơi tịch diệt Niết-bàn của Đức-Phật, mà chọn Kusinārā vì có 3 lý do:
1- Trong quá-khứ, Kusinārā là một kinh-thành rộng lớn có tên là kinh-thành Kusavatī, có Đức Chuyển-luân Thánh-vương Mahādassana trị vì bốn châu thiên-hạ. Nếu Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn nơi khác, thì không có lý do thuyết bài kinh Mahādassanasutta.
Vì vậy, Đức-Phật chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết-bàn để Đức-Phật có cơ hội thuyết bài kinh Mahādassanasutta. Chúng-sinh lắng nghe bài kinh này sẽ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo, cố gắng tinh-tấn thực-hành mọi thiện-pháp.
2- Đạo-sĩ Subhadda là người đệ-tử cuối cùng của Đức-Phật, hiện đang ở tại xứ Kusinārā. Ngoài Đức-Phật ra, không có vị Thánh Thanh-văn đệ-tử nào có khả năng tế độ Đạo-sĩ Subhadda được.
Vì vậy, Đức-Phật phải ngự đến xứ Kusinārā để tế độ đạo-sĩ Subhadda, bậc thanh-văn đệ-tử cuối cùng của Đức-Phật Gotama.
Vị tỳ-khưu Subhadda sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trước khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn.
3- Đức-Phật biết rõ rằng:
Sau khi nghe tin Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn, làm lễ hỏa táng xong, các nước lớn sẽ kéo đến tranh giành Xá-Lợi của Đức-Phật.
Đức-Phật thấy rõ, biết rõ chỉ có vị Bà-la-môn Doṇa là người có khả năng đứng ra làm trung gian hòa giải các sứ giả từ các nước lớn và biết cách phân chia các Xá-Lợi cho mỗi xứ thỉnh đem về xây Bảo-tháp tôn thờ Xá-Lợi.
Vị Bà-la-môn Doṇa hiện đang ở tại xứ Kusinārā, nên Đức-Phật quyết định chọn xứ Kusinārā làm nơi tịch diệt Niết-bàn.