45- Hạ thứ bốn mươi lăm: Hạ cuối cùng, Đức-Phật ngự đến an cư nhập hạ tại ngôi làng Veḷuvagāma, gần kinh-thành Vesālī. Đức-Phật cho phép chư Đại-đức tỳ-khưu nhập hạ quanh làng gần Đức-Phật để tiện cho việc đến tụ hội nghe lời giáo huấn của Đức-Phật. Bởi vì, Đức-Phật biết rõ rằng chỉ còn khoảng 10 tháng nữa, Ngài sẽ tịch diệt Niết-bàn.
Trong mùa an cư nhập hạ này, Đức-Phật lâm bệnh trầm trọng, tưởng chừng như sắp tịch diệt Niết-bàn, nhưng Đức-Phật suy nghĩ rằng:
“Như-Lai chưa truyền dạy cho thị giả Ānanda cùng chư tỳ-khưu Tăng biết mà tịch diệt Niết-bàn, đó là điều không nên.”
Vì vậy, Đức-Phật nhẫn nại chịu đựng thọ khổ, rồi nhập A-ra-hán-quả. Nhờ vậy, bệnh tình của Đức-Phật được thuyên giảm.
Sau khi khỏi bệnh không lâu, Đức-Phật ngự ra khỏi cốc đến ngồi chỗ đã trải sẵn, Ngài Trưởng-lão Ānanda đảnh lễ Đức-Phật và bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nhìn thấy Đức-Thế-Tôn khỏi bệnh, con vui mừng hoan hỷ quá!
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, khi con thấy Đức-Thế-Tôn lâm bệnh trầm trọng, con có cảm giác toàn thân nặng nề, tâm con tăm tối, mờ mịt không còn biết rõ phương hướng, pháp-hành tứ niệm-xứ cũng không còn hiện rõ trong tâm con bởi bệnh tình trầm trọng của Đức-Thế-Tôn, nhưng có một điều mà con tự an ủi rằng:
“Đức-Thế-Tôn chưa truyền dạy lời di chúc cuối cùng đến chư tỳ-khưu-Tăng thì có lẽ Đức-Thế-Tôn chưa tịch diệt Niết-bàn.”
Khi ấy, Đức-Phật truyền dạy rằng:
– Này Ānanda! Chư tỳ-khưu còn hy vọng gì nơi Như-Lai nữa? Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng không hề phân biệt người thân bên trong, kẻ sơ bên ngoài, Như-Lai không giống như các vị thầy khác, giấu các yếu pháp để chờ đến lúc trước khi lâm chung mới truyền lại cho người học trò tín cẩn.
– Này Ānanda! Vị thầy nào nghĩ rằng:
Ta là người lãnh đạo nhóm chư tỳ-khưu-Tăng, và nhóm chư tỳ-khưu-Tăng nương nhờ nơi ta, vị thầy ấy mới có lời di chúc cuối cùng đến nhóm chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
– Này Ānanda! Như-Lai không nghĩ rằng:
“Như-Lai là người lãnh đạo nhóm chư tỳ-khưu-Tăng và nhóm chư tỳ-khưu-Tăng nương nhờ nơi Như-Lai.”
Như vậy, sao Như-Lai lại có lời di chúc cuối cùng đến chư tỳ-khưu-Tăng.
– Này Ānanda! Bây giờ Như-Lai đã đến thời lão niên, tuổi đã cao, đã 80 tuổi rồi! Ví như chiếc xe cũ, sử dụng được là phải nhờ sửa chữa như thế nào thì sắc thân của Như-Lai cũng như thế ấy, luôn luôn cần được sửa chữa bằng cách nhập A-ra-hán Thánh-quả.
– Này Ānanda! Khi nào Như-Lai nhập A-ra-hán Thánh-quả có đối tượng Vô-hiện-tượng Niết-bàn, diệt được các pháp trong tam-giới, hưởng pháp vị an-lạc Niết-bàn siêu-tam-giới, khi ấy Như-Lai mới thật sự được an-lạc.
* Cho nên, các con nên sống có ta làm hòn đảo (trong biển khổ), có ta làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác. Nghĩa là có chánh-pháp làm hòn đảo, có chánh-pháp làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác.
– Này Ānanda! Vì vậy, hiện-tại Như-Lai còn hiện hữu, cũng như trong thời vị-lai, sau khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn, chư tỳ-khưu cũng là người sống có ta làm hòn đảo, có ta làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác. Nghĩa là tỳ-khưu sống có chánh-pháp làm hòn đảo, có chánh-pháp làm nơi nương nhờ, không nên sống nương nhờ nơi nào khác.
Tỳ-khưu ấy thực-hành pháp-hành tứ niệm-xứ, sẽ là người cao thượng.
Đức-Phật ngự an cư nhập hạ tại ngôi làng Veḷuvagāma suốt ba tháng mùa mưa, đây là hạ cuối cùng của Đức-Phật.