Nội Dung Chính
Phần 3
Chuyện Nấu Cơm
Một hôm, Đức-vua nghĩ cách thử tài trí của Maho-sadhapaṇḍita nên truyền lệnh rằng:
– Trẫm nghe nói dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông là người có tài trí thông minh, hãy nấu cơm chua (ambilodana) hợp đủ tám điều, rồi đem đến dâng lên Trẫm. Tám điều đó là:
1- Không được nấu bằng gạo.
2- Không được nấu bằng nước.
3- Không được nấu trong nồi.
4- Không được nấu trên lò.
5- Không được nấu bằng lửa thường.
6- Không được nấu bằng củi.
7- Không cho phép đàn ông hay đàn bà đến dâng.
8- Không được đem đi theo đường lớn.
Nếu dân chúng không đem dâng món cơm chua ấy thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.
Dân chúng hội họp lại bàn bạc nhưng không người nào biết nấu món cơm đầy đủ tám điều như vậy, họ dẫn nhau đến gặp Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita để Đức-Bồ-tát chỉ dạy rằng:
– Xin quý vị chớ nên lo sợ, hãy an tâm, quý vị hãy nghe tôi chỉ dẫn như sau:
1- Lấy tấm nấu cơm chua, nghĩa là không nấu bằng gạo.
2- Nấu bằng hạt sương, nghĩa là không nấu bằng nước.
3- Nấu trong đồ vật bằng đất mới, nghĩa là không nấu trong nồi.
4- Lấy 3 gốc cây chụm lại, đặt đồ bằng đất mới lên nấu, nghĩa là không nấu trên lò.
5- Lấy 2 cây khô cọ vào nhau, phát ra lửa nấu cơm, nghĩa là không nấu bằng lửa thường.
6- Nấu cơm bằng lá cây khô, nghĩa là không nấu bằng củi.
7- Chọn người ái nam ái nữ đem cơm chua đến dâng Đức-vua, nghĩa là không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà.
8- Đem cơm chua đi theo đường nhỏ mới tự tạo, nghĩa là không đi theo đường lớn cũ.
Dân chúng nấu cơm chua đúng theo lời dạy của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Sau đó, người ái-nam ái-nữ đem món cơm chua đến chầu, kính dâng lên Đức-vua Vedeha, tâu cách nấu hợp đủ tám điều mà Đức-vua truyền lệnh.
Nghe người ái-nam ái-nữ tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:
– Này ngươi! Người nào chỉ dạy cách nấu món cơm chua này?
– Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, chỉ dạy cách nấu món cơm chua đúng theo lệnh của Đại-vương.
Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:
– Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, có trí-tuệ thật là siêu việt!
Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Maho-sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua chờ đợi để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.
Chuyện Về Sợi Dây Bằng Cát
Muốn thử tài trí thông minh của Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita, Đức-vua Vedeha truyền lệnh dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông rằng:
– Trẫm muốn chơi đánh đu mà sợi dây cũ trong cung điện đã bị đứt. Vậy, dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông hãy làm hai sợi dây mới bằng cát đem dâng đến Trẫm. Nếu không ai làm được hai sợi dây mới bằng cát, rồi đem dâng đến Trẫm thì sẽ bị phạt 1.000 Kahāpana.
Dân chúng hội họp lại bàn bạc, nhưng không có ai biết làm cách nào được, họ dẫn nhau đến thưa với Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita về lệnh của Đức-vua như vậy. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Sự việc này cần phải đặt ngược lại vấn đề.”
Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát an ủi dân chúng rằng:
– Này quý vị! Xin quý vị hãy an tâm, quý vị hãy tìm 2-3 người đàn ông dũng cảm, thông minh, tâu với Đức-vua được, dẫn đến đây gặp tôi.
Dân chúng dẫn hai người đàn ông dũng cảm, thông minh đến gặp Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Đức-Bồ-tát truyền dạy họ rằng:
– Này hai người! Khi hai người đến chầu Đức-vua Vedeha và tâu rằng: “Muôn tâu Đại-vương! Dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông không biết Đại-vương cần hai sợi dây bằng cát cỡ lớn hoặc nhỏ chừng nào.
Kính xin Đại-vương ban cho sợi dây bằng cát cũ khoảng một gang tay hay bốn lóng tay làm mẫu, để dân chúng làm giống theo mẫu của Đại-vương.
Đức-vua Vedeha sẽ truyền bảo với quý vị rằng: “Sợi dây làm bằng cát trong cung điện chưa từng có bao giờ”, thì quý vị nên tâu:
“Muôn tâu Đại-vương! Nếu không có sợi dây bằng cát cũ làm mẫu thì dân chúng vùng lúa mạch hướng Đông làm sao có thể làm dây cát mới được?”
Hai người đàn ông dũng cảm, thông minh ghi nhớ lời dạy của Đức-Bồ-tát Mahosadha đến xin bệ kiến Đức-vua Vedeha, tâu đúng như lời truyền dạy của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Mọi sự việc xảy ra đúng như Đức-Bồ-tát dự đoán.
Nghe hai người dân tâu như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền hỏi rằng:
– Này các ngươi! Người nào nghĩ ra cách đặt sự việc ngược lại vấn đề như thế này?
– Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, là người nghĩ ra cách đặt sự việc ngược lại vấn đề như vậy, rồi truyền dạy cho kẻ tiện dân này đến bệ kiến Đại-vương, tâu đúng theo lời dạy của công-tử Mahosadhapaṇḍita như vậy.
Đức-vua vô cùng hoan hỷ tán dương rằng:
Công-tử Mahosadhapaṇḍita, con của phú hộ Siri-vaḍḍhaka có trí-tuệ thật siêu việt!
Đức-vua Vedeha muốn truyền mời công-tử Maho-sadhapaṇḍita vào cung điện, nhưng vị quân-sư Senaka xin Đức-vua nên chờ đợi để thử tài trí của công-tử bằng cách khác nữa.
Đức-Vua Ngự Đi Mời Công-Tử Mahosadhapaṇḍita
Đức-vua Vedeha suy xét: “Ta đã thử tài trí thông minh của công-tử Mahosadhapaṇḍita bằng nhiều cách khác nhau, có những cách thuận, có những cách nghịch, cách nào cũng khó khăn, sâu sắc mà công-tử đã giải đáp một cách rất phi thường, khiến cho ta vô cùng cảm phục trí-tuệ siêu-việt của công-tử. Ta muốn mời công-tử Mahosadhapaṇḍita vào cung điện để giúp ta, nhưng vị quân-sư Senaka khuyên can ta nên chờ đợi và tiếp tục thử tài trí thông minh của công-tử nữa.
Bây giờ, ta không muốn chờ đợi nữa mà chính ta thân hành ngự đi mời công-tử Mahosadhapaṇḍita vào cung để giúp ta.”
Sau khi suy xét xong, Đức-vua Vedeha thân hành ngự đi cùng với đoàn hộ giá đông đảo, Đức-vua cỡi con ngựa báu ngự đi được một quãng đường xấu, vó của con ngựa bị hư, nên đành phải hồi cung, trở về kinh-thành Mithilā, chờ cơ hội khác.
Khi ấy, quân-sư Senaka vào chầu Đức-vua, tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ thân hành ngự đi đến xóm nhà lúa mạch hướng Đông phải không?
Đức-vua Vedeha thuật lại là ngự đi một quãng đường xấu, vó của con ngựa bị hư nên chưa đến nơi, đành phải hồi cung. Vị quân-sư tâu:
– Muôn tâu Bệ-hạ, hạ thần đã khuyên can Bệ-hạ nên chờ đợi để thử tài trí của Mahosadhapaṇḍita bằng cách khác nữa.
Nghe lời khuyên can của vị quân-sư Senaka như vậy, nhưng Đức-vua Vedeha không muốn chờ đợi lâu nữa, chỉ muốn truyền mời công-tử Mahosadhapaṇḍita vào cung điện sớm mà thôi, nên Đức-vua nói với vị quân-sư Senaka rằng:
– Này quân-sư, Trẫm muốn truyền mời công-tử Mahosadhapaṇḍita vào cung điện. Vậy, quân-sư có cách nào giúp Trẫm.
Vị quân-sư Senaka biết không thể nào khuyên can được nữa nên tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, Bệ-hạ không nên thân hành ngự đến mời công-tử Mahosadhapaṇḍita mà chỉ cần truyền gửi vị quan đến gặp công-tử với lời truyền lệnh rằng:
“Hôm trước, Trẫm thân hành ngự đi đến gặp công-tử, nhưng giữa đường vó ngựa báu của Trẫm bị hư, nên Trẫm phải hồi cung.
Nay, Trẫm muốn chính công-tử và phụ thân của công-tử, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, đem một con ngựa báu (assatara) hoặc con tuấn mã cao quý hơn ngựa thường dâng lên Trẫm.”
– Tâu Bệ-hạ, như vậy, nguyện vọng mời công-tử Mahosadhapaṇḍita của Bệ-hạ sẽ được thành tựu như ý.
Nghe vị quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha chuẩn tấu ngay, truyền lệnh các quan thi hành.
Vị quan đến gặp công-tử Mahosadhapaṇḍita, trao tận tay lệnh truyền của Đức-vua Vedeha. Đọc xong lệnh của Đức-vua Vedeha, Đức-Bồ-tát nghĩ rằng:
“Đức-vua Vedeha muốn gặp ta và phụ thân của ta.”
Chuyện Con Lừa Đực Với Con Ngựa Báu
Ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đến hầu phụ thân, thưa rằng:
– Kính thưa phụ thân, Đức-vua Vedeha muốn gặp phụ thân và con. Con xin phụ thân cùng đi với đoàn tuỳ tùng 1.000 phú hộ lớn nhỏ thuộc hạ, và phụ thân nhớ mang theo hộp trầm và bơ lỏng dâng lên Đức-vua Vedeha.
Khi chầu Đức-vua, phụ thân nói lời chúc tụng Đức-vua xong, Đức-vua sẽ truyền bảo phụ thân ngồi nơi hợp lẽ. Khi con đến, Đức-vua truyền hỏi con xong sẽ truyền bảo con ngồi nơi hợp lẽ.
Khi ấy, con sẽ đưa mắt nhìn phụ thân thì phụ thân hãy đứng dậy, rồi bảo con rằng:
“- Này Mahosadhapaṇḍita con yêu quý! Con hãy đến ngồi chỗ của phụ thân, phụ thân sẽ ngồi chỗ khác.”
Như vậy, mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ ngay hôm ấy.”
Ông Phú hộ Sirivaḍḍhaka hứa sẽ làm theo sự yêu cầu của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, con của ông.
Ông phú hộ đi cùng với phái đoàn tùy tùng gồm 1.000 phú hộ lớn nhỏ đến chầu Đức-vua Vedeha.
Khi Đức-vua cho phép, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka cùng với 1.000 phú hộ lớn nhỏ đến bệ kiến Đức-vua, tán dương, ca tụng Đức-vua, dâng phẩm vật lên Đức-vua xong, đứng một nơi hợp lẽ. Đức-vua truyền hỏi:
– Này phú hộ Sirivaḍḍhaka! Mahosadhapaṇḍita con của ngươi đâu?
– Muôn tâu Đại-vương, Mahosadhapaṇḍita, con của tiện dân đến sau. Tâu Đại-vương.
Nghe phú hộ tâu như vậy, Đức-vua vô cùng hoan hỷ, truyền bảo rằng:
– Này phú hộ Sirivaḍḍhaka, ngươi nên ngồi nơi hợp lẽ.
Nghe Đức-vua truyền bảo, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka ngồi một nơi hợp lẽ.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita (mới lên bảy tuổi) mặc trang phục sang trọng, trang sức những viên ngọc quý giá, ngồi trên chiếc xe lộng lẫy cùng với đoàn hộ tống 1.000 bạn trẻ cỡi ngựa và xe đi theo sau. Đức-Bồ-tát có đem theo một con lừa đực (Gadrabha), được bịt miệng và bỏ trong bao đặt trên xe.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng đoàn hộ tống đông đảo đi vào kinh-thành Mithilā, dân chúng trong kinh-thành ra đứng đón rước Đức-Bồ-tát.
Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có những tướng tốt của bậc đại-nhân, họ đều tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát một cách tôn kính.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đến trước cung điện, lính vào tâu trình Đức-vua Vedeha.
Nghe lính tâu trình công-tử Mahosadhapaṇḍita đến, Đức-vua Vedeha truyền lệnh mời công-tử Maho-sadhapaṇḍita vào chầu.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng 1.000 bạn trẻ vào cung điện, bước lên lâu đài, đảnh lễ Đức-vua Vedeha, tán dương ca tụng Đức-vua xong, đứng một nơi hợp lẽ.
Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua vô cùng hoan hỷ truyền bảo với lời thương yêu rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita, con yêu quý! Con nên ngồi chỗ ngồi hợp lẽ của con.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đưa mắt nhìn phụ thân, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đứng dậy, nhường chỗ ngồi cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita với lời lẽ thương yêu rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita, con yêu quý của cha! Con hãy nên ngồi chỗ của cha đây!
Nói xong, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka nhường chỗ, sang ngồi chỗ khác. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita bước đến ngồi chỗ của cha.
Khi ấy, bốn vị quân-sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda cùng nhau vỗ tay cười khinh mạn, có số quan trong triều a dua cười theo. Các vị quân-sư nói lời chế nhạo rằng:
– Đứa con của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka vô lễ như thế mà người ta gọi là bậc đại-thiện-trí (paṇḍita) được!
Con mà leo lên ngồi chỗ của cha mình, còn người cha nhường chỗ sang ngồi chỗ khác. Thế mà gọi là bậc đại-thiện-trí “paṇḍita” được hay sao?
Thật là đáng mỉa mai gọi là “Bậc đại-thiện-trí.”
Nghe bốn vị quân-sư và các quan chê trách, khi nhìn thấy hành vi cử chỉ của công-tử Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Vedeha có vẻ thất vọng.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu hỏi rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương có vẻ thất vọng về thảo dân phải không?
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua truyền bảo rằng:
– Phải, Trẫm thất vọng về ngươi. Từ trước nghe nói ngươi là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt, đã từng giải đáp những sự việc xảy ra khó khăn một cách rất phi thường, nên Trẫm đã đặt ra vấn đề khó giải để thử tài trí thông minh của ngươi, mà ngươi đã giải đáp thông suốt, khiến cho Trẫm vô cùng cảm phục.
Cho nên, Trẫm rất kỳ vọng nhiều nơi ngươi, nhưng nay, nhìn thấy hành vi cử chỉ của ngươi đối với cha, ngươi leo lên ngồi chỗ của cha, còn cha nhường chỗ, ngồi nơi khác.
Đó là điều làm cho Trẫm thất vọng về ngươi.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương nghĩ rằng: “Cha lúc nào cũng cao quý hơn con, phải vậy không?”
Đức-vua truyền bảo rằng:
– Phải, cha lúc nào cũng cao quý hơn con.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương đã truyền lệnh rằng: “Nay, Trẫm muốn chính công-tử và phụ thân của công-tử, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đem một con ngựa báu (assatara) hoặc con tuấn mã cao quý hơn ngựa thường đến dâng lên Trẫm.”
Sau khi nhắc lại lệnh truyền của Đức-vua, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, bảo nhóm tuỳ tùng, thuộc hạ, đem con lừa đực đến đặt nằm dưới đôi bàn chân của Đức-vua Vedeha rồi tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, con lừa đực này có đáng giá bao nhiêu?
Đức-vua truyền bảo rằng:
– Nếu con lừa đực này còn làm việc được thì nó có đáng giá 8 đồng Kahāpana.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, nếu con ngựa báu (assatara) nương nhờ con lừa đực này là cha, sinh ra từ bụng con ngựa cái thường hoặc con lừa cái, trở thành con ngựa báu thì đáng giá bao nhiêu?
Đức-vua truyền bảo rằng:
– Nếu là con ngựa báu thì trở thành vô giá.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, sao Đại-vương truyền bảo như vậy. Vừa rồi Đại-vương truyền bảo rằng: “Cha lúc nào cũng cao quý hơn con”.
Nếu Đại-vương truyền bảo sự thật như vậy thì con lừa đực này cao quý hơn con ngựa báu.
Vậy, kính xin Đại-vương nhận con lừa đực này.
Nếu con ngựa báu cao quý hơn con lừa đực này thì con cao quý hơn cha không phải là vấn đề khó hiểu.
– Muôn tâu Đại-vương, vấn đề đơn giản, tầm thường đến như vậy, thế mà bốn vị quân-sư có trí-tuệ của Đại-vương cũng không hiểu nổi được, mà lại a dua theo với nhau vỗ tay, cười khinh mạn, chế nhạo kẻ thảo dân này.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita coi thường bốn vị quân-sư của Đức-vua Vedeha rồi tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương nghĩ rằng: Nếu cha lúc nào cũng cao quý hơn con thì con lừa đực (cha) này cao quý hơn con ngựa báu (assatara), bởi vì con lừa đực là cha của con ngựa báu ấy.
– Muôn tâu Đại-vương, nếu sự thật cha lúc nào cũng cao quý hơn con, thì Đại-vương nhận cha của kẻ thảo dân ở lại trong cung điện.
Nếu con cao quý hơn cha thì xin Đại-vương nhận kẻ thảo dân này ở lại trong cung điện, để phụng sự Đại-vương đem lại sự lợi ích, sự phát triển cho đất nước.
Nghe lời giảng giải của Đức-Bồ-tát Mahosadha, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương, ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:
– Công-tử Mahosadhapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt đã giảng giải chuyện con lừa đực với con ngựa báu (assatara) đầy đủ ý nghĩa đúng theo sự thật, sâu sắc tuyệt vời quá!
Và các quan trong triều đình cũng đều tán dương, ca tụng trí-tuệ sâu sắc siêu việt của Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita, đều vỗ tay, vẫy khăn vui mừng.
Bốn vị quân-sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda là những người lớn tuổi cảm thấy xấu hổ, cúi gầm mặt, không dám nhìn ai.
Vấn: Trong đời này, Đức-Bồ-tát là người con có lòng tôn kính và biết ơn cha mẹ không có người con nào sánh được. Vậy, tại sao Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có hành vi cử chỉ đối với phụ thân của Ngài như vậy?
Đáp: Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita có hành vi cử chỉ đối với phú hộ Sirivaḍḍhaka, phụ thân của Đức-Bồ-tát như vậy, không phải không tôn kính phụ thân của Đức-Bồ-tát, nhưng đó chỉ là cách dụng kế để giảng giải chuyện con lừa đực với con ngựa báu assatara mà thôi.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đem con lừa đực, cha của con ngựa báu assatara dâng lên Đức-vua Vedeha, để giảng giải cho Đức-vua Vedeha và các quan trong triều biết rằng: “Con lừa đực là cha của con ngựa báu assatara, và con ngựa báu assatara là con của con lừa đực. Con ngựa báu assatara là cao quý hơn con lừa đực.”
Nhân chuyện ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita chứng tỏ cho Đức-vua Vedeha và mọi người biết đến Đức-Bồ-tát là người có trí-tuệ siêu-việt, đồng thời cũng làm cho bốn vị quân-sư Senaka, Pukkusa, Kāminda và Devinda không nên coi thường Đức-Bồ-tát.
Công-tử Mahosadhapaṇḍita Trở Thành Hoàng-tử
Nghe công-tử Mahosadhapaṇḍita giảng giải về chuyện con lừa đực là cha của con ngựa báu assatara, và con ngựa báu assatara là con của con lừa đực với đầy ý nghĩa sâu sắc, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ tán dương, ca tụng trí-tuệ sâu sắc, siêu việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền gọi ông phú hộ Sirivaḍḍhaka đến, rồi lấy bình vàng đựng đầy nước thơm rót lên trên đôi bàn tay của ông phú hộ Sirivaḍḍhaka, ban thưởng ân huệ và ban cho ông chức quyền lớn trong xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông (Pācīnayava-majjhaka), kinh-thành Mithilā và gửi những đồ trang sức quý giá ban cho bà phu nhân Sumanādevī, mẫu thân của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Đức-vua Vedeha truyền bảo ông phú hộ Sirivaḍḍhaka rằng:
– Này phú hộ Sirivaḍḍhaka! Nhà ngươi hãy cho công-tử Mahosadhapaṇḍita trở thành hoàng-tử của Trẫm.
Nghe Đức-vua truyền bảo như vậy, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, công-tử Mahosadhapaṇḍita còn thơ ấu, miệng còn hôi sữa, chờ công-tử trưởng thành mới nên vào phụng sự Đại-vương.
– Này phú hộ Sirivaḍḍhaka! Kể từ bây giờ, nhà ngươi chớ nên bận tâm, lo cho công-tử Mahosathapaṇḍita nữa. Trẫm sẽ nuôi dưỡng công-tử của nhà ngươi như là hoàng-tử của Trẫm.
Khi nghe Đức-vua Vedeha truyền bảo như vậy, ông phú hộ Sirivaḍḍhaka không dám tâu gì nữa, ôm công-tử Mahosadhapaṇḍita vào lòng, hôn trên đầu và khuyên rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita yêu quý của cha! Con là trái tim, là đôi mắt của cha, là nơi nương nhờ của cha mẹ. Con ở lại cung điện phụng sự Đức-vua, con chớ nên dể duôi nghe con!
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đảnh lễ dưới đôi bàn chân của phụ thân rồi thưa rằng:
– Kính thưa phụ thân, kính xin phụ thân chớ nên bận tâm về con, xin phụ thân giữ gìn thân tâm được an-lạc, cho con kính lời đảnh lễ mẫu thân Sumanā của con, cầu mong mẫu thân luôn luôn thân tâm an-lạc.
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tiễn đưa phụ thân của Đức-Bồ-tát trở về xóm nhà vùng lúa mạch hướng Đông.
Đức-vua Vedeha truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita rằng:
– Này hoàng-nhi! Con muốn ở trong nội cung hay ngoại cung?
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ:“Ta có đám bạn trẻ đông đảo, nên ở ngoại cung là thuận lợi hơn”, nên tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, con có nhóm bạn trẻ đông. Vậy, kính xin Đức Phụ-vương cho chúng con ở ngoại cung thuận lợi hơn.
Đức-vua Vedeha truyền ban cho các chỗ ở sang trọng, có đầy đủ tiện nghi cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng với 1.000 bạn trẻ, thuộc hạ của Đức-Bồ-tát.
Từ đó, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cùng đám bạn trẻ hết lòng lo phụng sự Đức-vua Vedeha.
Đức-vua Vedeha thử tài trí thông minh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita:
Chuyện Viên Ngọc Maṇi
Một viên ngọc maṇi được đặt trong tổ con quạ trên một cây thốt nốt bên bờ hồ gần cửa hướng Nam kinh-thành Mithilā, bóng của viên ngọc maṇi hiện xuống hồ nước. Dân chúng tâu lên Đức-vua rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, một viên ngọc maṇi hiện rõ trong hồ nước.
Đức-vua mời vị quân-sư Senaka đến truyền bảo rằng:
– Này quân-sư, nghe dân chúng tâu rằng: “Viên ngọc maṇi hiện rõ trong hồ nước.”
Vậy, làm thế nào lấy viên ngọc ấy cho Trẫm?
Vị quân-sư Senaka tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, múc hết nước trong hồ ra, rồi lấy viên ngọc ấy.
– Này quân-sư, Trẫm giao phận sự ấy cho khanh đảm trách.
Vị quân-sư Senaka huy động số đông người múc nước hồ ra, làm cho khô cạn, rồi đào xuống sâu cũng không gặp viên ngọc maṇi. Đến khi nước hồ đầy, bóng viên ngọc maṇi lại hiện ra như trước.
Vị quân-sư Senaka lại huy động số đông người múc nước hồ như lần trước, cũng không tìm thấy viên ngọc maṇi. Đến khi nước hồ đầy, bóng viên ngọc maṇi lại hiện ra như trước.
Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:
– Này Mahosadhapaṇḍita, hoàng-nhi yêu quý! Con có khả năng lấy viên ngọc maṇi ấy được không?
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, điều ấy không khó đối với con. Kính thỉnh Đức Phụ-vương ngự đến nơi ấy, con sẽ lấy viên ngọc maṇi ấy, rồi kính dâng lên Đức Phụ-vương.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:
“Hôm nay, ta sẽ thấy rõ trí-tuệ siêu-việt của hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.”
Đức-vua ngự cùng với bốn vị quân-sư, các quan trong triều đến hồ nước gần cửa hướng Nam kinh-thành Mithilā.
Dân chúng tụ hội đông đảo xem tài trí Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Đức-Bồ-tát đứng trên bờ hồ, nhìn thấy bóng viên ngọc maṇi, nên biết rõ viên ngọc maṇi này không ở dưới hồ nước mà nó ở trên cây thốt nốt.
Vì vậy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, viên ngọc không ở dưới hồ nước này.
– Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Vậy, viên ngọc maṇi mà nhìn thấy trong hồ nước này là thế nào?
Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita cho người lấy một cái thau lớn đầy nước đem đến, rồi thỉnh Đức-vua nhìn vào thau nước ấy rồi tâu rằng:
-Muôn tâu Đức Phụ-vương, viên ngọc maṇi ấy bây giờ không ở dưới hồ nước mà nó hiện ở trong thau nước này.
– Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Vậy, sự thật, viên ngọc maṇi ấy ở đâu?
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, bóng viên ngọc maṇi hiện ra dưới hồ nước cũng có, hiện ra trong thau nước cũng có. Vậy, viên ngọc maṇi ấy không có ở dưới nước mà sự thật viên ngọc maṇi ấy ở trên cây thốt nốt kia.
Kính xin Đức Phụ-vương truyền cho lính leo lên cây thốt nốt kia đem viên ngọc maṇi xuống.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh cho lính leo lên cây thốt nốt kia đem viên ngọc maṇi xuống trao cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita.
Nhận viên ngọc maṇi xong, Đức-Bồ-tát Mahosadha-paṇḍita đem đến kính dâng trên tay Đức-vua Vedeha.
Khi ấy, các quan, dân chúng cùng tán dương, ca tụng Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita và chê trách vị quân-sư Senaka là người si-mê rằng:
“Viên ngọc maṇi ở trên cây thốt nốt. Vậy mà vị quân-sư Senaka si-mê huy động số đông người múc khô nước hồ, đào sâu trong hồ để tìm viên ngọc maṇi.”
Đức-vua Vedeha ban thưởng cho hoàng-tử Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita vòng ngọc quý và ban 1.000 vòng ngọc khác cho 1.000 bạn trẻ của Đức-Bồ-tát Maho-sadhapaṇḍita.
Đức-vua Vedeha truyền lệnh hoàng-tử Mahosadha cùng 1.000 bạn trẻ của Đức-Bồ-tát nhận chức vụ trong triều đình của Đức-vua Vedeha.
Chuyện Về Con Cắc Kè
Một hôm, Đức-vua Vedeha ngự đi du lãm trong vườn thượng uyển cùng với hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita. Khi ấy, một con cắc kè ở trên cây, nhìn thấy Đức-vua ngự đến, nó bò xuống đất, cúi đầu tôn kính Đức-vua. Nhìn thấy con cắc kè có cử chỉ tôn kính lạ thường, nên Đức-vua bèn hỏi hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita rằng:
– Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Con cắc kè này làm gì vậy?
– Tâu Đức Phụ-vương, con cắc kè cúi đầu, tỏ vẻ tôn kính Đức Phụ-vương.
– Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Trẫm nên ban thưởng gì cho nó?
– Tâu Đức Phụ-vương, kính xin Đức Phụ-vương chỉ cần ban vật thực cho nó hằng ngày.
Đức-vua truyền lệnh gọi người chăm sóc vườn thượng uyển đến, truyền bảo rằng:
– Này ngươi! Mỗi ngày, ngươi chi số tiền nửa māsaka (tiền), mua thịt ban cho con cắc kè này.
Tuân lệnh của Đức-vua, mỗi ngày người chăm sóc vườn thượng uyển đem nửa māsaka mua thịt đem về cho con cắc kè ăn.
Một hôm, nhằm vào ngày bát giới uposathasīla, người ta không sát sinh, người chăm sóc vườn thượng uyển không mua thịt được, nên đem nửa māsaka ấy xỏ dây đeo vào cổ nó như đeo đồ trang sức.
Từ đó, do nương nhờ nửa māsaka ấy, con cắc kè phát sinh tâm ngã mạn rằng:
“Ta đây cũng có của cải như ai vậy!”
Một hôm, Đức-vua Vedeha ngự đi du lãm trong vườn thượng uyển cùng với hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita.
Nhìn thấy Đức-vua Vedeha ngự đến, có đeo các đồ trang sức bằng những viên ngọc quý, con cắc kè tự thấy mình cũng có đeo đồ trang sức bằng nửa māsaka, nó phát sinh tâm ngã mạn, tự cho mình cũng có đồ trang sức như Đức-vua Vedeha vậy. Vì vậy, nó nằm trên cây nhìn xuống, không chịu bò xuống đất cúi đầu tôn kính Đức-vua như lần trước.
Nhìn thấy cử chỉ con cắc kè như vậy, Đức-vua bèn truyền hỏi hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita rằng:
– Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Hôm nay con cắc kè không bò xuống đất cúi đầu tôn kính Trẫm như các lần trước. Vậy do nguyên nhân nào mà con cắc kè có cử chỉ như vậy?
Nhìn thấy con cắc kè có đeo trên cổ nửa māsaka, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita biết chắc rằng:
“Trong ngày bát giới uposathasīla, người ta không sát sinh, nên người chăm sóc vườn thượng uyển không mua thịt được, nên đem nửa māsaka đeo trên cổ con cắc kè ấy.”
Biết chắc như vậy, nên Đức-Bồ-tát tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương, con cắc kè có đeo trên cổ đồ trang sức bằng nửa māsaka mà nó chưa từng có được, nên nó phát sinh tâm ngã mạn, tự cho mình cũng có đồ trang sức bằng nửa māsaka như Đức-vua Vedeha đeo các đồ trang sức bằng những viên ngọc quý, nên nó nằm trên cây, không chịu bò xuống đất cúi đầu tôn kính Đức Phụ-vương.
Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha cho gọi người chăm sóc vườn thượng uyển rồi truyền hỏi.
Người chăm sóc vườn thượng uyển tâu trình lên Đức-vua đúng sự thật như Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đã tâu với Đức-vua.
Đức-vua vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, không cần hỏi ai mà biết được tính khí của con cắc kè như vậy, nên Đức-vua Vedeha ban cho Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phần thưởng quý giá.
Đức-vua Vedeha muốn truyền phạt con cắc kè, nhưng Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita khuyên can, bởi vì thông thường các loài súc-sinh không có trí-tuệ, nên Đức-Bồ-tát xin Đức Phụ-vương tha tội cho con cắc kè ấy.