Buddhakicca: Phận sự của Đức-Phật

Đức-Phật hằng ngày đêm có 5 phận sự:

1- Purebhattakicca: Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ.

2- Pacchābhattakicca: Phận sự sau khi độ ngọ.

3- Paṭhamayāma: Phận sự canh đầu đêm.

4- Majjhimayāma: Phận sự canh giữa đêm.

5- Pacchimayāma: Phận sự canh chót đêm.

Giảng giải

1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào?

Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thức, khi thì Đức-Phật ngự đi một mình để tế độ chúng-sinh nào đó, khi thì Đức-Phật ngự đi cùng với chư tỳ-khưu-Tăng vào xóm làng, kinh-thành, … để khất thực. Khi Đức-Phật thọ thực xong, số dân chúng kính thỉnh Đức-Phật thuyết pháp, hoặc số dân chúng xin thọ phép quy-y Tam-bảo, hoặc số người xin Đức-Phật cho phép xuất gia, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa.

2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?

Khi ngự trở về chùa, rửa chân xong, Đức-Phật đứng trên bục giảng khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng:

“Bhikkhve appamādena sampādetha!

Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ.

Dullabho manussattapaṭilābho.

Dullabhā khaṇasampatti.

Dullabhā pabbajjā.

Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ.”

– Này chư tỳ-khưu! Các con hãy nên cố gắng tinh-tấn hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế bằng pháp không dể duôi (không thất niệm) thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ.

* Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.

* Được sinh làm người là một điều khó.

* Có cơ hội thực-hành phạm-hạnh cao thượng là một điều khó.

* Được xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó.

* Được nghe chánh-pháp của Đức-Phật là một điều khó.

Đó là các điều khó được mà Đức-Phật hằng ngày thường khuyên dạy nhắc nhở chư tỳ-khưu chớ nên dể duôi.

Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư tỳ-khưu mỗi vị ở một nơi, thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

3- Phận sự canh đầu đêm như thế nào?

Canh đầu đêm, Đức-Phật giáo huấn chư tỳ-khưu, có số chư tỳ-khưu hỏi chánh-pháp, có số chư tỳ-khưu xin thọ pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, có số chư tỳ-khưu nghe Đức-Phật thuyết pháp. Qua hết canh đầu đêm, chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Phật, trở về chỗ ở của mình.

4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào?

Canh giữa đêm, Đức-Phật cho phép chư-thiên, chư phạm-thiên trong các cõi trời dục-giới, các tầng trời sắc-giới phạm-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp, Đức-Phật giảng giải các câu hỏi của chư-thiên, chư phạm-thiên xong. Qua hết canh giữa đêm, chư-thiên, chư phạm-thiên đảnh lễ Đức-Phật, xin phép trở về cõi-giới của mình.

5- Phận sự canh chót đêm như thế nào?

Đức-Phật phân chia canh chót làm 3 thời:

– Thời gian đầu: Đức-Phật ngự đi kinh hành.

– Thời gian giữa: Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh-niệm và trí-tuệ-tỉnh-giác định giờ tỉnh đậy.

– Thời gian cuối: Đức-Phật nhập thiền đại-bi, khi xả thiền, Đức-Phật xem xét chúng-sinh trong các cõi-giới bằng Phật-nhãn, xem xét chúng-sinh nào đã từng có duyên lành với Đức-Phật, hoặc đã từng thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ. Kiếp hiện-tại này có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, chúng-sinh ấy dù gần dù xa, dù trong cõi người, dù trong cõi-giới khác, Đức-Phật vẫn ngự đến tận nơi để tế độ chúng-sinh ấy.

Mỗi ngày mỗi đêm, Đức-Phật thực-hành đầy đủ 5 phận sự suốt 45 năm, cho đến phút cuối cùng Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn. 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app