Đức-Phật an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn
Sau khi đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, Đức-Phật an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày như sau:
1-Tuần lễ thứ nhất: Đức-Phật ngự trên ngôi bồ-đoàn quý báu tại cội Đại-Bồ-đề, ban ngày nhập A-ra-hán Thánh-quả, ban đêm suy xét thập-nhị duyên-sinh theo chiều-thuận, chiều-sinh; suy xét thập-nhị nhân-diệt theo chiều-nghịch, chiều-diệt. Tiếp theo 6 ngày sau, Đức-Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả an hưởng pháp vị giải thoát Niết bàn suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 22 tháng 4, gọi là tuần lễ pallaṅkasattāha.
2- Tuần lễ thứ nhì: Đức-Phật rời khỏi ngôi bồ-đoàn quý báu, ngự về phía Đông-Bắc, cách cội Đại-Bồ-đề 14 sải tay. Đức-Phật đứng nhìn về ngôi bồ-đoàn quý báu, nơi mà Đức-Phật đã toàn thắng Ác-ma-thiên đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Đức-Phật đứng nhìn ngôi bồ-đoàn quý báu không nháy mắt suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 29 tháng 4, gọi là tuần lễ animisasattāha.
3- Tuần lễ thứ ba: Đức-Phật ngự đi kinh hành trên đoạn đường dài 60 hắc tay, được làm bằng 7 loại châu báu, do chư-thiên hóa ra để cúng dường Đức-Phật.
Đoạn đường này ở phía Bắc gần cội Đại-Bồ-đề theo chiều Đông-Tây. Đức-Phật hóa phép thần-thông yamakapaṭihāriya hóa thành 2 dòng nước và lửa song song phát ra từ nơi kim thân của Ngài, rồi Đức-Phật ngự đi kinh hành, suy xét về chánh-pháp suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 6 tháng 5, gọi là tuần lễ caṅkamasattāha.
4- Tuần lễ thứ tư: Đức-Phật ngự tại lâu đài bằng vàng, về phía Tây-Bắc của cội Đại-Bồ-đề do chư-thiên hóa ra để cúng dường Đức-Phật. Tại đây, Đức-Phật suy xét về Tạng Vi-Diệu-Pháp (Abhidhammapiṭaka) gồm có 7 bộ:
– Bộ Dhammasaṅganī: Bộ Pháp-hội-tụ.
– Bộ Vibhaṅga: Bộ Pháp-phân-tích.
– Bộ Dhātukathā: Bộ Pháp-phân-loại.
– Bộ Puggalapaññatti: Bộ chúng-sinh chế-định.
– Bộ Kathāvatthu: Bộ Pháp-luận-đề.
– Bộ Yamaka: Bộ Pháp-song-đối.
– Bộ Paṭṭhāna: Bộ Pháp-duyên-hệ.
Đức-Phật suy xét suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 7 tháng 5 đến ngày 13 tháng 5, gọi là tuần lễ ratanagharasattāha.
5- Tuần lễ thứ năm: Đức-Phật ngự đến cội cây da ở phía Đông, cách cội Đại-Bồ-đề 32 sải tay, khi thì Đức-Phật suy-xét chánh-pháp, khi thì Đức-Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả. Khi ấy, có ba cô thiên-nữ: Taṇhā, Aratī và Rāgā là con gái của Ác-ma-thiên, từ cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên hiện xuống để quyến rũ Đức-Phật, với lời nói lẳng lơ và điệu bộ gợi tình, nhưng Đức-Phật không quan tâm, Ngài vẫn an nhiên tự tại nhập A-ra-hán Thánh-quả, an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn.
Ba thiên nữ đã dùng hết khả năng của mình mà không thể cám dỗ được Đức-Phật, bởi vì Đức-Phật là bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được tất cả mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, nên không một ai trong tam-giới này có thể làm cho tâm Đức-Phật xao động. Ba thiên nữ không quyến rũ được Đức-Phật nên hồi tâm tán dương ca tụng Đức-Phật, rồi từ giã trở về cõi Tha-hóa-tự-tại-thiên.
Đức-Phật ngự tại cội da này nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5, gọi là tuần lễ ajapālasattāha.
6- Tuần lễ thứ sáu: Đức-Phật ngự đến cội me gần hồ Mucalinda, cách xa cội Đại-Bồ-đề 51 sải tay về phía Đông-Nam, Đức-Phật ngồi nhập A-ra-hán Thánh-quả. Khi ấy, trời mưa lớn, Đức-Long-Vương Mucalinda hiện ra dùng thân mình cuộn thành vòng tròn, chồng lên 7 vòng để bao bọc xung quanh kim thân Đức-Phật, và phồng mang che trên đầu Đức-Phật, để mưa không làm ướt và lạnh. Đức-Long-vương tỏ lòng thành kính cúng dường Đức-Phật.
Đức-Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 27 tháng 5, gọi là tuần lễ mucalindasattāha.
7- Tuần lễ thứ bảy: Đức-Phật ngự đến cội cây gọi là Rājāyatana, cách xa cội Đại-Bồ-đề 4 sải tay về phía Nam. Đức-Phật nhập A-ra-hán Thánh-quả suốt 7 ngày đêm, kể từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 5 tháng 6, gọi là tuần lễ “rājāyatana-sattāha”.
Như vậy, Đức-Phật đã an hưởng pháp vị an-lạc giải thoát Niết-bàn suốt 7 tuần lễ, gồm có 49 ngày xung quanh cội Đại-Bồ-đề.[1]
[1] Hiện-tại ở Buddhagayā nước Ấn-Độ, quanh cội Đại-Bồ-đề có đánh dấu kỷ niệm 7 nơi mà Đức-Phật Gotama đã an hưởng pháp vị giải thoát Niết-bàn.