17- Hạ thứ mười bảy: Đức-Phật ngự đến an cư nhập hạ tại ngôi chùa Veḷuvana gần kinh-thành Rājagaha, cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. 

Sau khi mãn hạ, Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng du hành khắp mọi nơi thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

18-19- Hạ thứ mười tám và mười chín: Đức-Phật ngự đến an cư nhập hạ tại ngôi chùa trên núi Cāliya gần xóm nhà Jantu trong xứ Cāliya, cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. 

Sau khi mãn hạ, Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng du hành khắp mọi nơi thuyết pháp tế độ chúng-sinh. 

20- Hạ thứ hai mươi: Đức-Phật ngự đến an cư nhập hạ tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh-thành Rājagaha, cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. 

Từ hạ đầu tiên cho đến đầu hạ thứ hai mươi, Đức-Phật chưa có một vị tỳ-khưu nào là thị giả thường trực để lo phục vụ Đức-Phật, khi thì vị tỳ-khưu này, khi thì vị tỳ-khưu khác: các vị tỳ-khưu như tỳ-khưu Nāgasamāla, tỳ-khưu Nāgita, tỳ-khưu Upavāṇa, tỳ-khưu Sunakkhatta, tỳ-khưu Cunda, tỳ-khưu Sāgata, tỳ-khưu Meghiya, … thay đổi nhau làm phận sự phục vụ Đức-Phật, chưa có một vị tỳ-khưu nào gọi là thị giả thường trực ngày đêm lo phục vụ Đức-Phật. 

Đôi khi, Đức-Phật ngự đi khất thực một đường, vị tỳ-khưu ôm bát của Đức-Phật lại muốn đi con đường khác nên để bát của Đức-Phật xuống đất rồi đi theo ý của mình. Hoặc đôi khi có vị tỳ-khưu đang phục vụ Đức-Phật, thì xin đi thực-hành pháp-hành-thiền một nơi khác, chỉ còn lại một mình Đức-Phật mà không có vị tỳ-khưu nào thay thế lo phục vụ Đức-Phật. 

Trong mùa hạ này, một hôm, Đức-Phật đang ngự tại cốc Gandhakuṭi, chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi ngồi tụ hội xung quanh. Đức-Phật truyền dạy rằng: 

– Này chư tỳ-khưu! Nay Như-Lai đã lớn tuổi rồi, các tỳ-khưu đến lo phục vụ Như-Lai, đôi khi Như-Lai đi khất thực một đường, vị tỳ-khưu ấy mang bát của Như-Lai lại muốn đi con đường khác nên để bát của Như-Lai xuống đất rồi đi theo ý của mình, … 

– Này chư tỳ-khưu! Các con nên chọn một vị tỳ-khưu làm thị giả thường trực ngày đêm lo phục vụ Như-Lai. 

Khi lắng nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, Ngài Trưởng-lão Sāriputta đảnh lễ Đức-Phật chắp hai tay bạch rằng: 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin được làm thị giả thường trực hằng ngày, hằng đêm lo phục vụ Đức-Thế-Tôn. 

Đức-Phật không chấp thuận theo lời xin của Ngài Trưởng-lão Sāriputta. Tiếp đến Ngài Trưởng-lão Mahāmoggallāna bạch xin, Đức-Phật cũng không chấp thuận. Theo tuần tự các chư Đại-Thanh-văn đều xin, Đức-Phật đều không chấp thuận một vị nào cả. 

Ngài Trưởng-lão Ānanda làm thị giả thường trực 

Duy chỉ còn Ngài Trưởng-lão Ānanda đang ngồi im lặng, chư Đại-đức tỳ-khưu động viên khuyến khích Ngài Trưởng-lão Ānanda bạch xin làm thị giả thường trực hằng ngày đêm lo phục vụ Đức-Phật. 

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda đảnh lễ Đức-Phật, chắp hai tay bạch rằng: 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin Đức-Thế-Tôn tám đặc ân, nếu Đức-Thế-Tôn ban cho con đủ tám đặc ân ấy thì con sẽ xin làm thị giả thường trực ngày đêm lo phục vụ Đức-Thế-Tôn. 

4 đặc ân khước từ 

1- Kính xin Đức-Thế-Tôn không ban cho con tấm y tốt mà Ngài có. 

2- Kính xin Đức-Thế-Tôn không ban cho con vật thực ngon lành mà Ngài có. 

3- Kính xin Đức-Thế-Tôn không ban cho con được ở chung với Ngài trong cốc Gandhakuṭi. 

4- Kính xin Đức-Thế-Tôn không cho con đi theo Ngài đến nhà thí chủ mà họ thỉnh mời Ngài. 

Đức-Phật truyền hỏi rằng: 

– Này Ānanda! Con xét thấy bất lợi như thế nào mà con xin bốn đặc ân khước từ như vậy? 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con muốn tránh những lời chê trách của người khác cho rằng: 

“Con xin làm thị giả thường trực của Đức-Thế-Tôn để mong được y tốt, vật thực ngon lành, ở chung với Đức-Thế-Tôn, được đi theo Đức-Thế-Tôn đến nhà thí chủ thỉnh mời.” 

Đức-Phật chấp thuận theo bốn đặc ân khước từ ấy của Ngài Trưởng-lão Ānanda. 

4 đặc-ân khẩn khoản 

1- Kính xin Đức-Thế-Tôn ngự đến nơi mà con đã nhận lời thỉnh mời. 

2- Kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép con dẫn các người từ các phương xa đến hầu Ngài. 

3- Kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép con được vào hầu Ngài để hỏi những pháp mà con chưa hiểu biết. 

4- Đức-Thế-Tôn thuyết pháp nơi nào, khi con vắng mặt, kính xin Ngài thuyết lại pháp ấy cho con nghe. 

Đức-Phật truyền hỏi rằng: 

– Này Ānanda! Con xét thấy những điều lợi ích như thế nào mà con xin bốn đặc-ân khẩn khoản như vậy? 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, 

* Đặc-ân thứ nhất: Những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo đến hầu thỉnh Đức-Thế-Tôn mà không gặp được Ngài, thì cho phép con nhận lời thỉnh mời của họ. Nếu Đức-Thế-Tôn không ngự đi đến nơi đó thì họ sẽ nghĩ rằng: 

“Con là tỳ-khưu thị giả thường trực của Đức-Thế-Tôn vậy mà họ chỉ nhờ việc thỉnh mời Đức-Thế-Tôn cũng không giúp cho họ được.” 

* Đặc-ân thứ nhì: Những người từ các phương xa đến hầu Đức-Thế-Tôn, nếu họ không có cơ hội hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn để nghe pháp thì họ sẽ nghĩ rằng: 

“Chúng ta từ phương xa đến, có ý nguyện hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, nghe pháp, nhưng vị tỳ-khưu thị giả của Đức-Thế-Tôn cũng không giúp cho chúng ta được có cơ hội ấy.” 

 Như vậy, họ sẽ giảm đức-tin nơi Tam-Bảo. 

* Đặc-ân thứ ba: Khi con nghe pháp của Đức-Thế-Tôn, có pháp nào chưa hiểu rõ, con xin phép hỏi lại pháp ấy, Đức-Thế-Tôn giảng giải cho con được hiểu rõ để con được thuận lợi cho việc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ của con. 

* Đặc-ân thứ tư: Có người hỏi con rằng: 

“Bài kinh này, pháp này, tích tiền-kiếp của Đức-Phật này, … Đức-Thế-Tôn giảng nơi nào, có ý nghĩa như thế nào?” 

Nếu con trả lời với họ rằng: “Tôi không biết” thì họ sẽ nghĩ rằng: 

“Ngài Trưởng-lão Ānanda là thị giả của Đức-Thế-Tôn, vậy mà bài kinh ấy, pháp ấy, tích tiền-kiếp của Đức-Phật ấy, … cũng không biết.” 

 Cho nên, kính xin Đức-Thế-Tôn thuyết lại những pháp ấy cho con để con trả lời cho họ hiểu rõ. 

Sau khi nghe Ngài Trưởng-lão Ānanda giải thích sự lợi ích của mỗi đặc-ân, nên Đức-Phật chấp thuận đủ tám đặc-ân của Ngài Trưởng-lão Ānanda. 

Bắt đầu từ thời gian ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo phục vụ Đức-Thế-Tôn cho đến lúc Đức-Thế-Tôn tịch diệt Niết-bàn. 

Sở dĩ, Ngài Trưởng-lão Ānanda được địa vị thị giả thường trực của Đức-Phật Gotama, là vì tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão đã từng phát nguyện muốn trở thành một thị giả thường trực của Đức-Phật. Lời phát nguyện trong tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão đã được Đức-Phật Padumuttara thời quá-khứ thọ ký và Ngài Trưởng-lão cũng đã thực-hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, để thành tựu ý nguyện ấy. 

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app