Phần 9

7.3 – Pháp-Hạnh Chân-Thật Ba-La-Mật Bậc Thượng (Saccaparamatthapāramī)

Tích Mahāsutasomajātaka (Má-ha-xú-tá-xô-má)

Trong tích Mahāsutasomajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Sutasoma tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc thượng (sacca-paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Một hôm, Đức-Thế-Tôn một mình ngự vào trong rừng sâu, để tế độ tên cướp sát nhân có biệt danh là Aṅgulimāla, xuất gia rồi trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Trước khi xuất gia tỳ-khưu trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Aṅgulimāla là tên cướp sát nhân có võ thuật cao cường, đã từng giết trên ngàn người tại khu rừng rậm. Đức-Thế-Tôn một mình ngự đến khu rừng ấy, sử dụng phép thần thông để tế độ tên cướp sát nhân Aṅgulimāla. Sau khi đã tỉnh ngộ, y vất bỏ khí giới xuống hố sâu, đến quỳ đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phật, rồi xin phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Đức-Phật xem xét thấy có đủ phước-duyên, nên cho phép xuất gia tỳ-khưu bằng cách gọi rằng:

“Ehi bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahma-cariyam sammā dukkhassa antakiriyāya.”

Này Aṅgulimāla! Con hãy đến với Như-Lai, con trở thành tỳ-khưu như ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-lai đã thuyết giảng hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên tinh-tấn thực-hành phạm-hạnh cao thượng để trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cuối cùng giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật vừa dứt lời, Ngài Aṅgulimāla trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu, trang nghiêm như vị Đại-đức có 60 tuổi hạ.

Đức-Phật ngự trở về ngôi chùa Jetavana có tỳ-khưu Aṅgulimāla theo sau. Về sau không lâu, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng là 1 trong 80 vị Thánh A-ra-hán Đại-thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Một hôm, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla đi khất thực trong kinh-thành Sāvatthi, thấy một người đàn bà mang thai đang đau khổ vì khó sinh, Ngài Trưởng-lão phát sinh tâm bi muốn cứu người đàn bà ấy khỏi khổ.

Sau khi khất thực độ xong, Ngài Trưởng-lão trở về đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn bạch chuyện người đàn bà ấy. Đức-Phật thuyết dạy Ngài Trưởng-lão phát nguyện bằng lời chân thật, rồi truyền bảo Ngài Trưởng-lão trở lại gặp người đàn bà ấy.

Vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla trở lại gặp người đàn bà ấy, Ngài Trưởng-lão phát nguyện bằng lời chân-thật rằng:

Này em gái, kể từ khi xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama, bần tăng biết rõ mình không có tác-ý sát hại chúng-sinh. Do lời chân-thật này, xin cho em gái sinh nở được dễ dàng, thai nhi và em gái được an toàn.

Quả nhiên, sau khi Ngài Trưởng-lão vừa phát nguyện xong, người đàn bà ấy sinh ra đứa con và người mẹ được an toàn. Một hôm, chư Tỳ-khưu tụ hội tại giảng đường đang đàm đạo về Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla rằng:

Này chư pháp-hữu! Thật là điều phi thường chưa từng có! Đức-Thế-Tôn một mình ngự đến khu rừng sâu, tế độ được kẻ cướp sát nhân có võ thuật cao cường, rất hung ác, mang biệt danh là Aṅgulimāla, bởi vì y giết người xong, liền cắt đầu ngón tay xâu làm vòng đeo trên cổ. Đức-Thế-Tôn không cần sử dụng đến khí giới, đã thuyết phục được tên cướp sát nhân Aṅgulimāla, làm cho y tỉnh ngộ, rồi từ bỏ mọi ác-nghiệp, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Đức-Phật thường tế độ chúng-sinh một cách phi thường như vậy!

Khi ấy, tại gandhakuṭi, Đức-Thế-Tôn nghe rõ cuộc đàm đạo của chư tỳ-khưu bằng thiên-nhĩ-thông. Đức-Thế-Tôn nghĩ rằng:

“Đây là cơ hội, Như-Lai thuyết về tích Bồ-tát Mahāsutasoma, tiền-kiếp của Như-Lai, sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh.”

Đức-Phật từ gandhākuṭi ngự đến giảng đường. ngồi trên pháp toà, Đức-Phật bèn hỏi chư tỳ-khưu rằng:

Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con đang đàm đạo về chuyện phi thường chưa từng có! Đức-Thế-Tôn đã tế độ Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Nay Như-Lai là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tế độ Aṅgulimāla trong kiếp hiện-tại này chưa phải là chuyện phi thường đâu! Khi Như-Lai còn là Bồ-tát đang bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật trong thời quá-khứ. Bồ-tát tiền-kiếp của Như-Lai, đã từng thuyết phục được tiền-kiếp của Aṅgulimāla, kẻ cướp sát nhân ăn thịt người có tên đặc biệt là Porisāda.

Truyền dạy như vậy xong, Đức-Thế-Tôn làm thinh. Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.

Tích Mahāsutasomajātaka

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Mahāsutasoma-jātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Korabya ngự tại kinh-thành Indapatta trị vì đất nước Kuru bằng thiện-pháp, thực-hành 10 pháp vương (10 pháp-hành của Đức-vua).

Khi ấy, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Korabya mang thai Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. Đức-Bồ-tát Thái-tử sinh ra đời được đặt tên là Sutasoma.

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma trưởng thành được Đức-Phụ-vương ban cho số tiền 1.000 Kahāpana, gửi đi học tại kinh-thành Takkasilā với vị thầy Disāpamokkha, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma nhận số tiền ấy, đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, rồi xin phép lên đường đến kinh-thành Takkasilā.

Khi ấy, Thái-tử Brahmadatta của Đức-vua Kāsi ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi, cũng được Đức-Phụ-vương gửi đến kinh-thành Takkasilā, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma vừa đến cửa kinh-thành Takkasilā, ngồi nghỉ ở nhà mát trước cửa thành, thì Thái-tử Brahmadatta cũng vừa đến và ngồi nghỉ tại nhà mát ấy. Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma hỏi làm quen với Thái-tử Brahmadatta rằng:

Suta: – Thưa bạn, bạn từ nước nào đến đây, đi đường xa có vất vả lắm không?

Bra: – Thưa bạn, tôi từ kinh-thành Bārāṇasī đến đây, đi đường xa cũng khá vất vả lắm!

Suta:- Thưa bạn, bạn là con của ai? Đến nơi đây với mục đích gì?

Bra: – Thưa bạn, tôi là Thái-tử Brahmadatta của Đức-vua nước Kāsi, từ kinh-thành Bārāṇasī đến kinh-thành Takkasilā này, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Thưa bạn, xin bạn giới thiệu cho tôi biết về bạn.

Suta: – Thưa Thái-tử Brahmadatta, tôi là Thái-tử Suta-soma của Đức-vua Korabya, từ kinh-thành Indapatta đến kinh-thành Takkasilā này, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha.

Như vậy, bạn và tôi đều là Thái-tử, hai chúng ta đều sẽ học chung với nhau một vị thầy. Vậy, hai chúng ta nên kết bạn với nhau.

Thái-tử Brahmadatta vô cùng hoan hỷ kết bạn với Thái-tử Sutasoma. Hai Thái-tử cùng nhau đi vào nội thành đến gặp vị thầy Disāpamokkha, đảnh lễ vị thầy xong, mỗi vị Thái-tử tự giới thiệu thân thế của mình, với mục đích được theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Vị thầy Disāpamokkha nhận hai Thái-tử làm học trò, nên bảo rằng:

Này 2 Thái-tử! Thầy rất hoan hỷ tiếp nhận 2 vị làm học trò của Thầy.

Hai vị Thái-tử xin dâng tiền học xong, bắt đầu học các bộ môn truyền thống. Trong thời gian học, không những có 2 Thái-tử ấy mà còn có 101 Thái-tử, hoàng-tử từ các nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu cùng theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa với vị thầy Disāpamokkha nữa.

Trong tất cả Thái-tử, hoàng-tử, học trò của vị thầy Disāpamokkha, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma là người học trò xuất sắc nhất về mọi bộ môn.

Trải qua một thời gian lâu, các Thái-tử, hoàng tử đều đã học xong các bộ môn, làm lễ mãn khoá, và làm lễ tạ từ vị thầy Disāpamokkha. Các Thái-tử, hoàng-tử xin phép trở về cố quốc của mình. Trên đường đi trở về, đến con đường rẽ đôi, đứng dừng lại nói lời chia tay với các bạn đồng môn, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma thưa rằng:

Thưa quý vị Thái-tử, Hoàng-tử thân mến! Chúng ta, mỗi người khi trở về đất nước của mình, vào chầu đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu. Về sau, khi lên ngôi làm vua, xin quý vị nên thực-hành theo lời khuyên của tôi rằng:

* Xin quý vị giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch trọn vẹn và thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

* Xin quý vị kính trọng và thương yêu lẫn nhau, không nên làm khổ lẫn nhau, không nên làm khổ những người khác.

* Mỗi khi vị Thái-tử hoặc hoàng-tử nào được làm lễ đăng quang lên ngôi vua, vị Thái-tử hoặc Hoàng-tử ấy gửi thư mời các bạn đến tham dự, để gắn bó tình thân hữu giữa các nước trong cõi Nam-thiện-bộ-châu với nhau.

Các vị Thái-tử, hoàng-tử đều hoan hỷ vâng lời dạy của Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma. Sở dĩ khuyên các Thái-tử, hoàng-tử như vậy, là vì Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma đoán biết rằng sau này sẽ có tai họa lớn xảy ra từ Đức-vua Brahmadatta tại kinh-thành Bārāṇasī.

Sau khi làm lễ chia tay, mỗi vị Thái-tử, hoàng-tử trở về cố quốc của mình. Thời gian sau, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sutasoma lên ngôi vua ngự tại kinh-thành Indapatta trị vì đất nước Kuru. Thái-tử Brahmadatta cũng lên ngôi vua ngự tại kinh-thành Bārānasi trị vì đất nước Kāsi. Và 101 vị Thái-tử, Hoàng-tử, mỗi vị cũng đều được lên ngôi vua tại mỗi nước của mình.

Vâng theo lời khuyên dạy của Đức-vua Bồ-tát Sutasoma, tất cả các Đức-vua đều có tình thân thiện bang giao các nước lớn nhỏ với nhau.

Đức-Vua Brahmadatta Dùng Thịt Người

Riêng Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī trị vì nước Kāsi, thường có thói quen là mỗi bữa ăn đều phải có món thịt, đó là món ăn không thể thiếu đối với Đức-vua.

Trong thời-kỳ ấy, vào những ngày giới uposathasīla hằng tháng, không ai giết các loài gia súc, gia cầm để ăn thịt. Cho nên, thường vào trước ngày giới, người đầu bếp của Đức-vua Brahmadatta phải mua thịt làm món ăn nấu chín, để dành cho ngày giới dâng lên Đức-vua.

Một hôm, vào trước ngày giới, người đầu bếp mua thịt làm món ăn nấu chín, rồi cất không cẩn thận, con chó nuôi trong cung đã ăn hết sạch phần thịt ấy. Chiều hôm ấy, người đầu bếp biết món thịt không còn nữa, nên đi tìm mua món thịt khác khắp nơi, nhưng không mua được món thịt nào cả. Biết tính Đức-vua là mỗi bữa ăn không thể thiếu món thịt, người đầu bếp sợ Đức-vua bắt tội, cho nên, tối hôm ấy, lén đi vào nghĩa địa gặp một tử thi vừa mới chết, người đầu bếp xẻo một miếng thịt đùi đem về làm món ăn nấu chín, rồi cất giữ cẩn thận. Sáng ngày hôm sau, người đầu bếp làm các món ăn có món thịt người ấy xong, một vị quan có bổn phận mang các món ăn dâng lên Đức-vua.

Hôm ấy, Đức-vua vừa mới đặt món thịt người trên đầu lưỡi, vị ngon của món thịt người ấy lan tỏa khắp toàn thân. Đức-vua nghĩ:

“Vị ngon như thế này, ta chưa từng thưởng thức bao giờ trong kiếp hiện-tại này, nhưng chắc chắn ta đã từng thưởng thức trong tiền-kiếp.”

Thật ra, tiền-kiếp vừa qua của Đức-vua Brahmadatta là kiếp Dạ-xoa ăn thịt người. Cho nên, kiếp hiện-tại này, khi Đức-vua nếm vị thịt người liền có cảm giác ngon hơn các món thịt khác, do bởi vị tưởng (rasasaññā) trong quá-khứ.

Đức-vua nghĩ tiếp:

“Nếu ta làm thinh, thì người đầu bếp sẽ không tâu cho ta biết rõ món thịt này là món thịt gì.”

Nghĩ xong, Đức-vua truyền lệnh gọi người đầu bếp vào chầu và cho vị quan hầu ra ngoài. Khi ấy, chỉ còn Đức-vua và người đầu bếp, Đức-vua truyền hỏi rằng:

Này khanh! Hôm nay, ngươi nấu món thịt gì cho Trẫm dùng vậy?

Người đầu bếp hoảng sợ tâu dối rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, món thịt thường ngày Bệ-hạ dùng.

Này khanh! Ngươi đã tâu dối, Trẫm biết không phải món thịt như thường ngày. Nếu ngươi không tâu thật cho Trẫm biết, món thịt ấy là món thịt gì thì Trẫm sẽ truyền lệnh giết ngươi.

Người đầu bếp hoảng sợ tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ tha tội chết, kẻ hạ thần này xin tâu thật.

Muôn tâu Bệ-hạ, món thịt thường ngày mà kẻ hạ thần mua ngày hôm qua, đã làm món ăn nấu chín xong nhưng cất không cẩn thận nên con chó nuôi trong cung đã ăn phần thịt ấy. Chiều hôm qua, kẻ hạ thần đi tìm mua khắp nơi mà không được món thịt nào. Vì sợ Bệ-hạ trị tội, nên tối hôm qua, kẻ hạ thần lén đi vào nghĩa địa xẻo miếng thịt người vừa mới chết, đem về làm món ăn thay món thịt thường ngày.

Vậy, món thịt ấy là món thịt người.

Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin bệ hạ tha tội chết.

Đức-vua truyền rằng:

Này khanh! Kể từ hôm nay, các món thịt khác, Trẫm ban cho ngươi dùng, còn Trẫm chỉ dùng món thịt người mà thôi.

Người đầu bếp tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, điều đó khó lắm! Làm sao kẻ hạ thần có món thịt người hằng ngày được.

Đức-vua truyền rằng:

Này khanh! Điều ấy không có gì khó, trong khám nhà lao có nhiều phạm nhân.

Vậy, ngươi bắt phạm nhân giết, lấy thịt làm món ăn dâng lên Trẫm.

Người đầu bếp tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần xin tuân lệnh.

Tuân lệnh Đức-vua, từ ngày đó, người đầu bếp bắt phạm nhân giết, rồi làm món ăn có món thịt người, mỗi ngày dâng lên Đức-vua Brahmadatta, mà chưa ai hay biết. Qua một thời gian sau, phạm nhân không còn trong khám nhà lao. Người đầu bếp tâu lên Đức-vua rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, trong khám nhà lao không còn phạm nhân nào, bây giờ kẻ hạ thần phải làm thế nào?

Đức-vua truyền lệnh cho người đầu bếp rằng:

Này khanh! Ngươi đem gói tiền rải ngoài đường, rồi ẩn núp một nơi kín theo dõi, hễ người nào lấy gói tiền ấy, thì bắt người ấy về tội trộm cắp, rồi giết người ấy chết lấy thịt, làm món ăn dâng lên Trẫm.

Về sau, người ta nhìn thấy gói tiền, vì sợ chết, nên không một ai dám nhặt gói tiền ấy, người đầu bếp tâu lên Đức-vua Brahmadatta rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, người ta sợ chết, nên không có một ai dám nhặt gói tiền nữa. Bây giờ, kẻ hạ thần phải làm thế nào?

Đức-vua truyền lệnh cho người đầu bếp ẩn núp một nơi nào kín đáo, khi nhìn thấy một người đàn ông hoặc người đàn bà nào đi, đứng một mình thì giết người ấy chết, rồi lấy thịt, làm món ăn dâng lên Đức-vua.

Không lâu sau, những con đường vắng trong kinh-thành có rải rác những tử thi bị lóc lấy thịt, làm cho mùi hôi tỏa ra xung quanh. Có nhiều gia đình mất cha, mất mẹ, mất con, mất chị, em, bà con, khóc than thảm thiết. Những người trong kinh-thành tụ họp bàn tán với nhau. Người thì nói rằng:

“Những người ấy bị con cọp ăn thịt”, còn có người khác thì nói rằng: “họ bị sư tử ăn thịt”,… rồi nhìn kỹ những tử thi bị lóc lấy thịt, thấy có vết thương bị đâm chém, … Cho nên, những người ấy đều quả quyết rằng:

“Có kẻ sát nhân ăn thịt người.”

Dân chúng trong thành dẫn nhau đến trước cửa cung điện của Đức-vua Brahmadatta tâu chuyện xảy ra trong kinh-thành, cầu xin Đức-vua truyền lệnh cho lính triều đình bắt kẻ sát nhân ăn thịt người trị tội, nhưng Đức-vua không quan tâm đến lời khẩn khoản, cầu xin của họ. Họ vô cùng thất vọng ra về.

Họ lại cùng nhau dẫn đến dinh của vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthisenāpati trình bày chuyện xảy ra trong kinh-thành, có tên sát nhân ăn thịt người, cầu xin vị quan Thừa-tướng ra lệnh cho lính vây bắt tên sát nhân ăn thịt người để trị tội, để cho dân chúng trong kinh-thành được sống an lành.

Vị quan Thừa-tướng tiếp nhận lời yêu cầu của dân chúng và hứa sẽ ra lệnh cho lính vây bắt cho được tên thủ phạm ấy. Quan Thừa-tướng khuyên bảo dân chúng an tâm trở về.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi ra lệnh các đoàn binh lính rằng:

Này các binh lính! Dân chúng trong kinh-thành cho biết rằng:

“Trong kinh-thành có tên sát nhân ăn thịt người.”

Vậy, các ngươi hãy bố trí rải rác các ngõ đường vắng trong kinh-thành, để bắt sống nó cho được, rồi giải về nộp cho ta.

Tuân theo lệnh của vị quan Thừa-tướng, các binh lính bố trí rải rác các ngõ đường vắng trong thành.

Đêm hôm ấy, người đầu bếp giết một người đàn bà, đang xẻo lấy thịt bỏ vào giỏ, khi ấy, các binh lính vây bắt người đầu bếp cùng với tang chứng giỏ thịt rõ ràng, liền cột 2 tay đằng sau rồi dẫn y đi, đồng thời thông báo cho dân chúng biết rằng đã bắt được tên sát nhân ăn thịt người rồi. Dân chúng trong thành không còn lo sợ, kéo nhau ra đường xem tên sát nhân đang bị các binh lính dẫn đi nộp cho vị Thừa-tướng Kāḷahatthi.

Nhìn thấy tên thủ phạm, vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi nhận biết được y là người đầu bếp của Đức-vua. Muốn biết y giết người lấy thịt với mục đích gì, nên vị Thừa-tướng khảo tra rằng:

Này người đầu bếp! Ngươi giết người lấy thịt để làm gì? Tại sao ngươi hành động tàn nhẫn, độc ác giết người như vậy?

Người đầu bếp thưa rằng:

Kính thưa quan Thừa-tướng. Tôi giết người lấy thịt không phải để cho tôi, cũng không phải để cho vợ con, gia đình, bà con, bạn bè của tôi. Tôi đã hành động tàn nhẫn, độc ác giết người lấy thịt vì Đức-vua Brahmadatta người chủ của tôi. Đức-vua chỉ ưa thích ăn món thịt người mà thôi. Tôi đã thi hành theo lệnh của Đức-vua.

Vị quan Thừa-tướng bảo rằng:

Này người đầu bếp! Ngươi nhớ đã khai rằng:

“Tôi đã thi hành theo lệnh của Đức-vua Brahma-datta.” Vì vậy, ngươi hành động tàn nhẫn, độc ác giết người lấy thịt như vậy.

Sáng ngày mai, ta sẽ dẫn ngươi vào cung điện, ngươi phải khai đúng sự thật về chuyện này với ta, trước sự hiện diện của Đức-vua Brahmadatta được hay không?

Người đầu bếp thưa rằng:

Kính thưa quan Thừa-tướng, sáng ngày mai, trước cung điện, tôi sẽ khai đúng sự thật về chuyện này với Ngài, trước sự hiện diện của Đức-vua Brahmadatta. Thưa Ngài.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi ra lệnh binh sĩ dẫn người đầu bếp nhốt vào trong nhà giam, rồi cho người canh gác cẩn thận. Sau đó, Ông bàn bạc với các vị quan trong triều và dân chúng trong kinh-thành, tất cả trên dưới đồng một lòng đến chầu Đức-vua. Vị quan Thừa-tướng ra lệnh cho binh sĩ giữ gìn an ninh trật tự trong kinh-thành cho được nghiêm ngặt.

Ngày hôm ấy, Đức-vua Brahmadatta đã dùng bữa ăn sáng và trưa có món thịt người, còn bữa ăn chiều, Đức-vua ngồi chờ người đầu bếp với ý nghĩ:

“Người đầu bếp sắp đến.” Đức-vua đã ngồi chờ suốt đêm đến sáng mà vẫn không thấy người đầu bếp đến.

Sáng sớm hôm sau, vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi giải người đầu bếp trên vai có mang giỏ thịt người, cùng số đông dân chúng trong kinh-thành đi theo sau đến trước cung điện của Đức-vua.

Khi nghe tiếng la hét ở ngoài cửa cung điện, Đức-vua đứng trên cung điện nhìn qua cửa sổ, thấy quan Thừa-tướng Kāḷahatthi dẫn người đầu bếp trên vai có mang giỏ thịt đang đi vào cung điện. Đức-vua nghĩ: “Chuyện đã bại lộ rồi, ta nên đối phó bằng cách nào đây?”

Đức-vua ngự xuống ngồi trên ngai vàng, khi ấy, vị quan Thừa-tướng đến chầu cùng với người đầu bếp. Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi tâu với Đức-vua rằng:

Tâu Bệ-hạ, hạ thần nghe người đầu bếp khai rõ rằng: chính Bệ-hạ đã truyền lệnh cho người đầu bếp này đã từ lâu giết các người đàn ông, các người đàn bà lấy thịt làm món ăn dâng lên Bệ-hạ. Hằng ngày, Bệ-hạ đã dùng món thịt người ấy có thật hay không?

Nghe vị quan Thừa-tướng tâu hỏi như vậy, Đức-vua biết không thể nói dối, nên truyền đúng sự thật rằng:

Này Thừa-tướng! Sự thật đúng như vậy, Trẫm đã truyền lệnh cho người đầu bếp này giết người lấy thịt, làm món ăn dâng lên Trẫm. Khi y đã thi hành theo lệnh của Trẫm, phục vụ cho Trẫm, tại sao khanh lại hành hạ y như vậy?

Này Thừa-tướng! Sao những kẻ trộm cắp, sát nhân khác trong nước, khanh không bắt trị tội, mà khanh lại bắt người phục vụ của Trẫm?

Nghe Đức-vua truyền sự thật như vậy, quan Thừa-tướng nghĩ rằng: “Đức-vua tự nhận đã dùng món thịt người. Vậy, Đức-vua là con người ác đã dùng thịt người từ lâu. Ta nên khuyên Đức-vua không nên dùng thịt người nữa.”

Nghĩ xong, vị quan Thừa-tướng tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ không nên dùng món thịt người nữa.

Đv: – Này Thừa-tướng! Khanh tâu như vậy nghe được sao! Trẫm không dùng món thịt người làm sao được! Bởi vì thịt người là món ăn mà Trẫm ưa thích nhất.

Kāl: – Tâu Bệ-hạ, nếu Bệ-hạ không từ bỏ món thịt người được, thì Bệ-hạ tự làm hại mình và hại dân chúng dẫn đến đất nước phải suy vong.

Đv: – Này Thừa-tướng! Dù Trẫm bị chê trách như thế nào đi nữa, Trẫm cũng không thể bỏ dùng món thịt người.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi tâu chuyện xưa lên Đức-vua Brahmadatta, để giúp làm cho Đức-vua thức tỉnh mà từ bỏ món thịt người như sau:

Chuyện Con Cá Ānanda Ăn Cá Đồng Loại

Thời quá-khứ, trong đại dương, một con cá tên Ānanda rất lớn và dài 50 do tuần, nó ăn đá và san hô. Các đàn cá suy tôn con cá Ānanda lên làm vua các loài cá.

Hằng ngày, sáng chiều, các đàn cá đến chầu, phục vụ vua cá Ānanda. Một hôm, vua cá Ānanda đi kiếm ăn đá và san hô, nó ăn phải một con cá dính trong bụi san hô mà không biết. Thịt con cá có vị ngon lan toả khắp toàn thân, nó nghĩ:

“Đây là vị gì mà ta chưa hề được thưởng thức vị ngon đặc biệt như thế này bao giờ?”

Vua cá Ānanda khạc nhổ ra xem, thì biết đó là vị thịt một con cá đồng loại. Nó nghĩ tiếp:

“Cá đồng loại có vị ngon như thế mà từ lâu ta không hề biết. Vậy từ nay, các đàn cá đến chầu phục vụ ta mỗi sáng chiều, ta sẽ bắt 1-2 con để ăn thịt. Nếu ta bắt ăn mà để chúng nó biết thì chúng nó sẽ không đến chầu phục vụ ta nữa.

Vậy, ta nên chờ khi chúng nó chầu phục vụ xong trở về, ta sẽ lén bắt ăn con cá sau cùng.”

Nghĩ xong, nó thực hiện theo âm mưu độc ác ấy. Trải qua thời gian lâu dài, các đàn cá càng ngày càng giảm dần, đàn cá bàn luận với nhau rằng:

“Từ trước, các đàn cá bà con của chúng ta rất đông đảo, do nguyên nhân nào, bây giờ đã giảm dần thưa thớt như thế này? Do tai họa từ đâu?”

Một con cá thông minh nghĩ rằng:

“Vua cá Ānanda có những hành vi khác thường, ta nên lén theo dõi hành vi của y.”

Như thường lệ, các đàn cá đến chầu phục vụ xong rồi kéo nhau trở về. Con cá thông minh lén núp vào mang vua cá Ānanda. Khi các đàn cá kéo nhau ra về, vua cá Ānanda vồ bắt con cá bơi cuối cùng ăn thịt, trước sự chứng kiến của con cá thông minh.

Nhìn thấy hành vi tàn nhẫn, độc ác của vua cá Ānanda, con cá thông minh lén trở về thông báo, tố cáo hành vi tàn ác ấy cho các đàn cá biết.

Từ đó, tất cả các đàn cá hoảng sợ đều di chuyển đến nơi khác, không có một con cá nào dám đến chầu, phục vụ vua cá Ānanda nữa.

Vua cá Ānanda ăn thịt cá đồng loại có vị ngon đặc biệt trở thành nghiện vị thịt cá đồng loại, nên nó không muốn ăn đá, san hô như trước nữa. Cơn thèm khát hành hạ làm cho nó tối tăm, ngu muội. Khi bơi đi tìm đàn cá để bắt chúng ăn thịt, vua cá Ānanda gặp hòn núi lớn dưới đáy biển, nó nghĩ rằng:

“Các đàn cá trốn trong hòn núi này, bởi vì chúng sợ ta ăn thịt, ta sẽ vây chúng lại, không để một con nào trốn thoát khỏi miệng ta.”

Nghĩ xong, nó dùng đầu và thân mình quấn quanh hòn núi lớn, bởi vì thân hình nó dài 50 do tuần, cho nên, khi đầu và thân mình của nó quấn quanh hòn núi lớn giáp nhiều vòng, thì đầu của nó lại gặp cái đuôi của nó.

Đã mấy ngày qua chịu cảnh đói khổ thèm khát, vua cá Ānanda gặp cái đuôi của mình, tưởng nhầm rằng đuôi con cá khác trốn trong hòn núi ấy. Nó vừa nổi giận, vừa thèm khát, cắn cái đuôi của mình ăn ngon lành.

Vua cá Ānanda phát sinh đau khổ, máu chảy lai láng, toả ra một vùng rộng lớn. Cuối cùng nó chết, bộ xương của nó chất thành đống như núi.

Các vị đạo-sĩ có thần thông bay trên hư không nhìn thấy và biết rõ chuyện vua cá Ānanda này. Các Ngài đã trở về thuật lại cho mọi người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu đều biết chuyện vua cá Ānanda như vậy.

Kể xong câu chuyện con cá Ānanda, vị quan Thừa-tướng tâu với Đức-vua rằng:

Tâu Bệ-hạ, vua cá Ānanda nghiện vị thịt cá đồng loại, khi không có đàn cá nữa, vua cá Ānanda tự cắn cái đuôi của mình để ăn rồi chết.

Tâu Bệ-hạ, nếu Bệ-hạ là người dể duôi, ưa thích, thèm khát dùng món thịt người đồng loại, chưa biết thức tỉnh thì Bệ-hạ sẽ từ bỏ Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, những người trong hoàng gia, v.v… như vua cá Ānanda tự ăn thịt của mình rồi chết.

Dù vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi đã cố gắng đem tích quá-khứ tâu khuyên Đức-vua, nhưng Đức-vua vẫn khăng khăng một mực không thể từ bỏ món ăn thịt người được. Khi ấy, trước cửa cung điện, dân chúng la hét lớn rằng:

Thưa Thừa-tướng Kāḷahatthi, nếu Đức-vua không chịu từ bỏ món ăn thịt người, thì chúng ta mời Đức-vua rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ra khỏi đất nước Kāsi này, không để cho Đức-vua ở lại cung điện nữa.

Nghe dân chúng la hét lớn như vậy, Đức-vua Brahma-datta có vẻ lo lắng. Vị quan Thừa-tướng lại một lần nữa tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, xin Bệ-hạ từ bỏ món ăn thịt người có được hay không?

Đức-vua truyền rằng:

Này Kāḷahatthi! Trẫm không thể từ bỏ món ăn thịt người được!

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi thỉnh mời Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi mỹ nữ, những người trong hoàng gia, v.v… đến chầu Đức-vua Brahmadatta khóc than khẩn khoản, van xin Đức-vua từ bỏ món ăn thịt người, nhưng Đức-vua vẫn khăng khăng một mực truyền rằng:

Trẫm không thể nào từ bỏ món ăn thịt người được! Ngôi vua và tất cả các người không phải là nơi yêu quý nhất của Trẫm, Trẫm chỉ có ưa thích nhất là món thịt người mà thôi, các người nên biết như vậy!

Khi ấy, vị quan Thừa-tướng tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, nếu Bệ-hạ quyết tâm không thể từ bỏ món ăn thịt người thì xin Bệ-hạ rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ra khỏi đất nước Kāsi này.

Đức-vua truyền rằng:

Này Thừa-tướng! Ngôi vua này không còn ích lợi gì đối với Trẫm nữa, Trẫm sẽ rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ra khỏi đất nước Kāsi này. Trẫm chỉ cần một thanh gươm, một người đầu bếp, một nồi nấu thịt và một cái giỏ đựng thịt mà thôi.

Vị quan Thừa-tướng Kāḷahatthi ra lệnh cho người đem những thứ ấy dâng lên Đức-vua Brahmadatta. Sau khi nhận những thứ ấy xong, Đức-vua ngự rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī cùng người đầu bếp, không ngoảnh mặt lại, trước sự hiện diện của Đức Thái-Thượng-hoàng, Hoàng-thái-hậu, Chánh-cung Hoàng-hậu, thái-tử, các hoàng-tử, các công-chúa, các cung phi mỹ nữ, v.v…

Đức-vua Brahmadatta ngự đi vào rừng cùng với người đầu bếp, chỉ có 2 người trú ở dưới gốc cây da.

Hằng ngày, Đức-vua Brahmadatta mang gươm ra đường, chặn người qua lại, giết chết đem về giao người đầu bếp làm món ăn dâng lên y dùng.

Một hôm, Đức-vua Brahmadatta chạy ra đường la hét lớn lên rằng:

Ta là kẻ sát nhân Porisāda (ăn thịt người)!

Những người đi đường hoảng sợ vấp té, tên sát nhân Porisāda thích người nào là giết người ấy chết, rồi mang 2 chân lên trên, cái đầu xuống dưới, đem về giao cho người đầu bếp làm món ăn để cho y dùng. Mọi người gần xa đều biết khu rừng ấy có tên sát nhân Porisāda, nên không có một ai dám đi lại.

Một hôm, tên sát nhân Porisāda không giết được người nào, trở về tay không. Thấy vậy, người đầu bếp tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, hạ thần làm gì bây giờ?

Tên sát nhân Porisāda bảo người đầu bếp nhóm lửa, đặt nồi nước lên bếp. Người đầu bếp nghĩ rằng:

“Hôm nay, chắc chắn ta sẽ là món ăn của Đức-vua.”

Nghĩ như vậy, nên y vừa khóc vừa phải làm phận sự nhóm lửa, đặt nồi nước lên bếp. Tên sát nhân Porisāda giết chết người đầu bếp, tự mình làm thịt, nấu chín rồi ăn ngon lành. Tại gốc cây da trong khu rừng chỉ còn một mình tên sát nhân Porisāda.

Vào thời ấy, một người lái buôn Bà-la-môn giàu sang có 500 cỗ xe bò chở hàng thường phải đi ngang qua khu rừng ấy. Bây giờ, nghe tin có tên sát nhân Porisāda ẩn núp trong khu rừng thường ra đón đường giết người. Nên ông lái buôn Bà-la-môn thuê mướn một nhóm người vệ sĩ đi theo bảo vệ ông và 500 cỗ xe hàng khi đi ngang qua khu rừng này với số tiền lớn 1.000 Kahāpana.

Nhóm người vệ sĩ này đồng ý, ông lái buôn Bà-la-môn cho 500 cỗ xe bò chở hàng đi trước. Ông ngồi trên cỗ xe nhỏ xinh đẹp bằng con bò trắng lực lưỡng kéo đi đằng sau, có nhóm người vệ sĩ đi theo bảo vệ ông và đoàn xe.

Khi ấy, tên sát nhân Porisāda leo lên cây cao quan sát, nhìn thấy đoàn xe bò đi qua theo tuần tự, đến cỗ xe sang trọng có ông lái buôn Bà-la-môn ngồi trong xe.

Nhìn thấy ông lái buôn Bà-la-môn, y cảm thấy thèm chảy nước miếng. Khi cỗ xe bò ấy đến gần, y từ trên cây cao nhảy xuống tung gươm la hét lớn lên 3 lần rằng:

“Ta là tên sát nhân Porisāda đây!”

Nhóm vệ sĩ đi theo bảo vệ ông lái buôn Bà-la-môn, không có một người nào đứng vững, tất cả đều giật mình té xuống đất. Tên sát nhân Porisāda bắt ông Bà-la-môn ấy, nắm 2 chân đưa lên trên, đầu chúc xuống đất mang đi. Nhóm vệ sĩ đứng dậy bảo nhau rằng:

Ông lái buôn Bà-la-môn thuê mướn chúng ta đi theo bảo vệ ông, bây giờ ông bị bắt, chúng ta không làm gì được hay sao?

Trong nhóm vệ sĩ ấy, một người có tài chạy rất nhanh, cầm gươm đuổi theo kịp tên sát nhân Porisāda. Nhìn lại đằng sau thấy có người đuổi theo kịp, y mang ông lái buôn Bà-la-môn tung người nhảy qua bụi cây cản đường, đụng phải gốc cây nhọn đâm vào bàn chân bị thương nằm quỵ xuống, máu tuôn xối xả. Nhìn thấy y bị thương, người vệ sĩ la lớn lên rằng:

Tên sát nhân đã bị thương rồi! Chúng ta hãy vây bắt y.

Nhìn thấy nhóm người chạy đến gần, tên sát nhân Porisāda bỏ ông lái buôn Bà-la-môn lại, một mình ráng chạy thoát thân. Nhóm vệ sĩ bảo nhau rằng:

Chúng ta có phận sự bảo vệ ông lái buôn Bà-la-môn, nay chúng ta cứu ông được rồi, chúng ta không có bổn phận bắt tên sát nhân ấy.

Nhóm vệ sĩ không đuổi theo tên sát nhân nữa, mà dìu ông lái buôn Bà-la-môn trở lại lên xe và họ tiếp tục lên đường. Tên sát nhân Porisāda cố gắng đi về đến chỗ ở dưới gốc cây da nằm nghỉ.

Cầu Chư-Thiên Cội Cây Chữa Trị

Do vết thương làm đau nhức quá không chịu nổi, tên sát nhân Porisāda cầu xin chư-thiên cội cây chữa trị cho mau lành. Y hứa chắc rằng:

Thưa vị chư-thiên cội cây này! Nếu vị chư-thiên chữa trị vết thương của tôi lành hẳn trong vòng 7 ngày thì tôi hứa chắc sẽ lấy máu ở cổ của các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, để làm lễ cúng dường đến vị chư-thiên, và lấy thịt của các Đức-vua ấy làm món ăn cúng dường đến vị chư-thiên.

Thật ra, khi tên sát nhân Porisāda nhịn ăn suốt 7 ngày, nên làm cho vết thương bàn chân lành hẳn, đi lại được tự nhiên. Y nghĩ rằng:

“Vết thương của ta được lành là do nhờ oai lực của vị chư-thiên cội cây này chữa trị. Ta phải nên thực hiện lời hứa làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây này.”

Tên sát nhân Porisāda ăn thịt người được ít ngày sau, thì sức khoẻ được hồi phục trở lại, y nghĩ tiếp rằng:

“Vị chư-thiên cội cây này là ân nhân đã giúp chữa trị vết thương của ta lành, ta phải đền ơn vị chư-thiên này đúng theo lời hứa của ta.”

Nghĩ xong, y cầm gươm rời khỏi cội cây da, với quyết tâm bắt cho được 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, đem về làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây này đã giúp chữa lành vết thương của y.

Khi ấy, một Dạ-xoa (yakkha) vốn là bạn thân tiền-kiếp của y (tiền-kiếp của y là một Dạ-xoa), đang đi ngược chiều gặp lại y, nhớ lại vốn là bạn thân ở kiếp trước, Dạ-xoa hỏi y rằng:

Này bạn! Bạn có nhớ tôi không?

Tên Porisāda trả lời rằng:

Tôi không nhớ được, nhưng tôi cảm thấy thân quen.

Dạ-xoa nhắc lại chuyện tiền-kiếp của y là một Dạ-xoa, thì y cảm thấy thân quen thật sự, nên hai người trở thành bạn thân thiết như kiếp trước. Dạ-xoa hỏi về thân thế của y thế nào, tại sao ở một mình trong khu rừng này. Tên sát nhân Porisāda thuật lại mọi việc xảy ra trong cuộc đời của mình cho Dạ-xoa nghe, và hiện đang lo làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây, nên y yêu cầu Dạ-xoa giúp đỡ rằng:

Này bạn, xin bạn hãy giúp đỡ tôi, chúng ta cùng đi với nhau bắt 101 Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu này, để đem về làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây đã cứu chữa lành vết thương của tôi.

Dạ-xoa trả lời rằng:

Này bạn! Bây giờ tôi chưa có thể cùng đi với bạn được, bởi vì tôi có phận sự phải làm, nhưng tôi có biết phép thuật (manta) tên Padalakkhaṇa, có khả năng đặc biệt, có sức mạnh phi thường, chạy nhanh như gió, có nhiều oai lực, tôi sẽ dạy bạn phép thuật manta ấy. Bạn nên học phép thuật này, vì nó sẽ giúp bạn thành tựu mọi điều như ý.

Nghe Dạ-xoa giới thiệu, tên sát nhân Porisāda vô cùng vui vẻ xin học phép thuật ấy.

Lễ Cúng Dường Tạ Ơn Vị Chư-Thiên Cội Cây

Thật vậy, sau khi học phép thuật ấy xong, tên sát nhân Porisāda có sức mạnh phi thường, có tài chạy nhanh như gió, y đi tìm bắt 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu trong vòng 7 ngày, đem về xâu 2 bàn tay của 101 Đức-vua treo quanh cây da, 2 bàn chân chạm đất. Thật là một cảnh tượng đáng thương tâm.

Tên sát nhân Porisāda không bắt Đức-vua Bồ-tát Sutasoma là vì Đức-vua đã từng là vị thầy, phụ dạy y trong thời gian đang học tại kinh-thành Takkasilā.

Hơn nữa, nếu bắt Đức-vua Sutasoma làm lễ cúng dường chư-thiên, thì trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này không còn Đức-vua nào cả.

Để chuẩn bị làm lễ cúng dường tạ ơn vị chư-thiên cội cây, y gom củi chất thành đống chờ châm lửa, y ngồi làm những cây lui nướng thịt.

Vị chư-thiên cội cây thấy vậy nghĩ:

“Tên sát nhân Porisāda này sẽ tạo ác-nghiệp sát-sinh, giết 101 Đức-vua, lấy máu làm lễ cúng dường tạ ơn ta, lấy thịt của 101 Đức-vua làm món ăn cúng dường tạ ơn ta.

Sự thật, vết thương của y được lành ấy, ta không giúp chữa trị gì cho y cả. Bây giờ, y sẽ sát hại 101 Đức-vua lấy máu, lấy thịt làm lễ cúng dường tạ ơn ta. Đó là tội ác lớn lao.

Vậy, ta nên làm cách nào ngăn cản việc làm ác của y, để cứu sống 101 Đức-vua này.”

Suy xét thấy mình không có khả năng ngăn cản được việc làm ác của tên sát nhân Porisāda, vị thiên-nam cội cây đến cầu cứu Tứ Đại-Thiên-vương giúp ngăn cản việc làm ác của y, nhưng Tứ Đại-thiên-vương cũng không có khả năng ngăn cản việc làm ác của y được.

Tứ Đại-Thiên-vương giới thiệu lên cầu cứu Đức-vua trời Sakka cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Vị thiên-nam cội cây đến chầu Đức-vua trời Sakka tâu rõ sự việc như vậy, và cầu cứu Đức-vua trời Sakka giúp ngăn cản việc làm ác giết người khủng khiếp ấy, nhưng Đức-vua trời Sakka cũng không có khả năng ngăn cản y được. Đức-vua trời Sakka suy xét rằng:

“Trong các hàng chúng-sinh, ngoài Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ra, không có một ai có khả năng ngăn cản được việc làm tàn ác của tên sát nhân Porisāda.”

Vì vậy, Đức-vua trời Sakka truyền bảo rằng:

Này thiên-nam! Trẫm không có khả năng ngăn cản việc làm tàn ác của tên sát nhân Porisāda được.

Trẫm biết chỉ có Đức-vua Sutasoma ngự tại kinh-thành Indapatta, trị vì đất nước Kuru, mới có khả năng đặc biệt thuyết phục được tên sát nhân Porisāda chịu từ bỏ ăn thịt người, và cứu sống 101 Đức-vua trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này được mà thôi.

Ngoài Đức-vua Sutasoma ra, Trẫm không thấy có một ai trong các cõi giới này, có khả năng ngăn cản được việc làm tàn ác của tên sát nhân Porisāda.

Vâng theo lệnh của Đức-vua trời Sakka truyền dạy, vị thiên-nam cội cây trở lại gốc cây da, rồi hóa ra một bậc xuất-gia đứng không xa tên sát nhân Porisāda.

Nhìn thấy bậc xuất-gia, y nghĩ: “Ta nên bắt bậc xuất-gia này để làm lễ cúng dường tạ ơn chư-thiên cùng với 101 Đức-vua này.” Nghĩ xong, y cầm gươm chạy nhanh đến, thì bậc xuất-gia bước đi khoan thai một cách tự nhiên với dáng cẩn trọng trong 6 môn, còn y dù chạy hết tốc lực suốt 3 do tuần mà vẫn không đuổi kịp bậc xuất-gia ấy. Y đuối sức mệt lử, đứng lại nghĩ rằng:

“Từ trước, voi, ngựa chạy, ta còn đuổi theo kịp, còn bậc xuất-gia này bước đi khoan thai một cách tự nhiên, dù ta chạy hết tốc lực mà vẫn không đuổi kịp bậc xuất-gia này.” Y gọi lớn lên rằng:

Này Sa-môn kia, hãy dừng lại!

Vị Sa-môn vẫn bước đều đặn tự nhiên, không quay lại, trả lời rằng:

Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi hãy nên dừng lại mà thôi!

Tên sát nhân Porisāda hỏi rằng:

Này Sa-môn! Thông thường, vị Sa-môn không nói dối, dù vì sinh-mạng. Tại sao Ngài nói dối như vậy? Ngài tưởng rằng thanh gươm của tôi là chiếc lông nhỏ hay sao?

Vị Sa-môn trả lời rằng:

Này Đại-vương! Bần đạo là người đã dừng lại mọi ác-nghiệp từ lâu, chỉ hành thiện-nghiệp mà thôi, không đổi tên, không đổi nòi giống.

Từ trước, Đại-vương có tên là Brahmadatta cao quý, nay thay đổi là kẻ sát nhân Porisāda tàn nhẫn, độc ác hành ác-nghiệp giết người ăn thịt.

Trước kia, Đại-vương sinh ra trong dòng dõi vua chúa, nay Đại-vương ăn thịt người như loài Dạ-xoa, thay đổi nòi giống.

Này kẻ sát nhân! Ngươi đã hành ác-nghiệp, sau khi chết, ác-nghiệp sẽ cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.

Này kẻ sát nhân! Sự thật, chính ngươi là người nói dối! Ngươi đã cầu khẩn và hứa với ta rằng:

“Tôi sẽ lấy máu trên cổ của các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, để làm lễ cúng dường, tạ ơn vị chư-thiên…”

Bây giờ, ngươi chỉ bắt các Đức-vua nước nhỏ đem về mà thôi, còn Đức-vua Sutasoma nước lớn, ngươi không bắt đem về được. Như vậy, ngươi là người nói dối.

Vậy, ngươi phải đi bắt cho được Đức-vua Sutasoma về đây.

Sau khi nói xong, vị Sa-môn ấy liền biến đổi hình dạng trở lại là vị thiên-nam cội cây đứng trên hư không có hào quang sáng ngời. Tên sát nhân Porisāda nghe tiếng nói và nhìn thấy vị thiên-nam ấy bèn hỏi rằng:

Thưa Ngài, Ngài là ai vậy?

Ta là vị thiên-nam cội cây da này.

Tên sát nhân Porisāda vô cùng hoan hỷ tận mắt nhìn thấy vị thiên-nam rồi thưa rằng:

Kính thưa vị thiên-nam, xin Ngài an tâm, tôi sẽ đi bắt Đức-vua Sutasoma đem về đây.

Khi ấy, mặt trời đã lặn và mặt trăng đang mọc, tên sát nhân Porisāda nhìn các vì sao biết được, ngày hôm sau là ngày Đức-vua Sutasoma ngự đến vườn thượng uyển, tắm tại hồ nước lớn theo truyền thống hằng năm, nên y nghĩ rằng:

“Ngày mai, các đội binh hộ giá bảo vệ Đức-vua Sutasoma suốt 3 do tuần. Vậy, đêm nay ta đến vườn thượng uyển, xuống nằm dưới hồ nước ngâm mình chờ đợi, trong khi các đội binh chưa chuẩn bị giữ gìn an ninh bảo vệ Đức-vua Sutasoma.”

Tên sát nhân Porisāda liền thực hiện theo ý nghĩ ấy của mình.

Trong khi ấy, một vị Bà-la-môn Nanda thỉnh 4 bài kệ gọi là Satārahagāthā từ kinh-thành Takkasilā đến kinh-thành Indapatta khoảng cách 120 do tuần, vị Bà-la-môn Nanda nghỉ đêm ở ngoài cửa thành.

Sáng hôm sau, các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, v.v… kéo dài suốt 3 do tuần bảo vệ Đức-vua Bồ-tát Sutasoma.

Sáng dùng vật thực xong, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự lên voi báu Maṅgala được trang hoàng lộng lẫy, xung quanh có các bộ binh hộ giá đi ra khỏi kinh-thành Indapatta. Cũng sáng hôm ấy, vị Bà-la-môn Nanda đi vào kinh-thành, nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự ra cửa thành hướng đông, ông chắp hai tay trên trán, tỏ vẻ cung kính chúc tụng Đức-vua Bồ-tát.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma cho voi đến gần truyền hỏi rằng:

Này vị Bà-la-môn! Ngươi từ đâu đến kinh-thành này có mục đích gì? Ngươi hãy tâu cho Trẫm rõ.

Vị Bà-la-môn tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân từ kinh-thành Takkasilā đến đây. Nghe tin rằng Đại-vương là bậc đa văn túc trí, hiếu học, nên kẻ tiện dân thỉnh 4 bài kệ tên là Satārahagāthā có ý nghĩa sâu sắc mà Đức-Phật Kassapa đã thuyết giảng đến kinh-thành này vì sự lợi ích của Đại-vương.

Kính xin Đại-vương lắng nghe 4 bài kệ này, để được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.

Lắng nghe vị Bà-la-môn tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

Kính thưa Bà-la-môn, tốt lành thay, Ngài đã đến đây! Nhưng bây giờ Trẫm không thể hồi cung được, bởi vì hôm nay Trẫm ngự đi làm lễ tắm gội đầu theo phong tục truyền thống của triều đình xưa.

Vậy, sau khi Trẫm làm lễ tắm gội đầu xong, khi hồi cung, Trẫm sẽ xin lắng nghe 4 bài kệ Satārahagāthā ấy.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma truyền các quan rằng:

Này các khanh! Các khanh hãy mời vị Bà-la-môn này vào cung điện, nghỉ ngơi chỗ sang trọng, lo phục vụ những thứ cần thiết cho vị Bà-la-môn này.

Đức-vua Bồ-tát Sutasoma tiếp tục ngự đến vườn thượng uyển. Xung quanh vườn thượng uyển có bờ thành cao 14 cùi tay, các cửa ra vào có các đội binh: đội tượng binh, đội mã binh, đội quân xa, đội bộ binh, v.v… kéo dài suốt 3 do tuần, để bảo vệ Đức-vua Bồ-tát.

Đến hồ nước, Đức-vua Bồ-tát cởi bộ đồ triều phục, thợ sửa râu tóc, các quan thoa vật thơm để tắm, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma ngự xuống hồ nước lớn theo phong tục truyền thống của triều đình xưa. Làm lễ tắm gội đầu xong, Đức-vua Bồ-tát Sutasoma vẫn đứng dưới nước, các quan đem vật thoa, vật thơm, bộ đồ triều phục, và các đồ trang sức đến cho Đức-vua mặc. Khi ấy, tên sát nhân Porisāda từ dưới nước nổi lên, cầm thanh gươm đưa lên khỏi đầu la hét lớn 3 lần rằng:

Ta là tên sát nhân Porisāda đây!

Khi nghe như vậy, các đội binh theo hộ giá Đức-vua Bồ-tát Sutasoma giựt mình, những người lính ngồi trên lưng voi, lưng ngựa, trên xe thì bị rơi xuống đất, những người lính đi bộ thì té ngã xuống đất, v.v…

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app