Nội Dung Chính
Phần 16
16- Khi Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Temiya Được 16 Tuổi
Các quan và các vị Bà-la-môn nghĩ rằng:
Người con trai đến tuổi 16, dù là người bị bại liệt, người điếc, người câm, thì vẫn phát sinh tình dục trong đối tượng người con gái xinh đẹp đáng yêu.
Vậy, chúng ta nên tuyển chọn các mỹ nữ xinh đẹp đến phục vụ Thái-tử, làm cho Thái-tử quên mình, say mê các mỹ nữ ấy.
Nghĩ xong các quan đến chầu Đức-vua rồi tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, xin phép Bệ-hạ cho chúng thần tuyển chọn các mỹ nữ xinh đẹp đến phục vụ Thái-tử, làm cho Thái-tử quên mình, say mê các mỹ nữ ấy.
Được Đức-vua chuẩn tấu, các quan tuyển chọn các mỹ nữ xinh đẹp, có tài nhảy múa, ca hát rồi dẫn đến chầu Đức-vua. Đức-vua truyền bảo rằng:
– Này các mỹ nữ! Cô nào có khả năng làm cho Thái-tử của Trẫm hài lòng thì khi Thái-tử lên ngôi báu, Trẫm sẽ tấn phong lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu.
Tuân theo lệnh Đức-vua, các bà nhũ mẫu tắm Thái-tử Temiya bằng nước hoa, mặc triều phục cho Thái-tử như vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, đặt Thái-tử nằm một mình trên chiếc giường sang trọng trong căn phòng trên lâu đài cao quý, có mùi thơm tho ngào ngạt làm mê hồn.
Khi ấy, các mỹ nữ vào phòng của Thái-tử Temiya với sắc đẹp và tài nghệ nhảy múa, ca hát hay của mình, các cô mỹ nữ trổ tài biểu diễn, để làm cho Thái-tử say mê. Nhưng Đức-Bồ-tát Thái-tử không hề đưa mắt nhìn các mỹ nữ ấy và phát nguyện:
“Các mỹ nữ này không được phép đến gần đụng đến thân thể của ta!”
Đức-Bồ-tát Thái-tử theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào rồi nín thở làm cho thân thể của Đức-Bồ-tát Thái-tử trở nên cứng đơ. Các mỹ nữ đứng nhìn thấy thân hình Đức-Bồ-tát Thái-tử như vậy, hoảng sợ, chạy ra khỏi phòng.
Dù có thử Thái-tử Temiya bằng các mỹ nữ đến phục vụ Đức-Bồ-tát Thái-tử suốt một thời gian lâu mà vẫn không có hiệu quả gì cả.
Các mỹ nữ được gọi vào chầu, Đức-vua truyền hỏi rằng:
– Này các mỹ nữ! Thái-tử của Trẫm có vui thích, cười đùa với các cô không?
Các mỹ nữ tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, Thái-tử không hề nhìn chúng tiện nữ thì làm sao mà cười đùa với chúng tiện nữ được.
Nghe lời tâu của các mỹ nữ tâu như vậy, Đức-vua khổ tâm cho truyền gọi các vị Bà-la-môn đã từng xem tướng tiên đoán về Thái-tử, đến chầu. Đức-vua truyền hỏi rằng:
– Này các vị Bà-la-môn! Khi Thái-tử của Trẫm sinh ra, quý vị đã xem tướng của Thái-tử rồi đồng nhau tiên đoán tâu với Trẫm rằng:
“Thái-tử có tướng tốt của bậc-đại-nhân, khi trưởng thành sẽ là một Đức-vua có nhiều oai lực, trị vì không chỉ một châu mà còn có khả năng trị vì 4 châu thiên hạ, như Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương. Thái-tử là bậc đại-phước, cho nên không có điều tai hại nào có thể xảy ra đến với Thái-tử cả.
” Bây giờ, Thái-tử của Trẫm là người bại liệt, người điếc, người câm. Cho nên, lời tiên đoán của quý vị không làm cho Trẫm hài lòng.
Các vị Bà-la-môn tâu dối rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, 3 hiện tượng xấu của Thái-tử sẽ là người bại liệt, người điếc, người câm, không phải chúng thần không thấy, không biết. Chúng thần biết rõ như vậy, nhưng không dám tâu sự thật lên Đại-vương. Bởi vì Thái-tử là đứa con do Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī phát nguyện cầu khẩn. Lúc ấy, nếu tâu sự thật như vậy thì sợ Đại-vương và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī sẽ không hài lòng.
Đức-vua truyền rằng:
– Này quý vị Bà-la-môn! Bây giờ có cách nào không?
Các vị Bà-la-môn tâu rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ! Thái-tử Temiya là người xui xẻo (kāḷakaṇṇī). Nếu để Thái-tử trong cung điện này thì có 3 điều tai hoạ xảy ra:
1- Tai hoạ sẽ xảy đến với Đại-vương.
2- Tai hoạ sẽ xảy đến với ngai vàng của Đại-vương.
3- Tai hoạ sẽ xảy đến với Chánh-cung Hoàng-hậu.
Vì vậy, Đại-vương không nên chậm trễ, nên truyền lệnh sửa soạn chiếc xe bất hạnh, với những con ngựa bất hạnh, đặt Thái-tử nằm trên chiếc xe ấy, rồi đưa ra cửa thành hướng tây, đến khu rừng rậm, đào huyệt chôn Thái-tử để tránh khỏi 3 tai họa ấy.
Nghe các vị Bà-la-môn tâu như vậy, Đức-vua phát sinh tâm lo sợ những tai họa sẽ xảy đến, nên quyết định làm theo lời hướng dẫn của các Bà-la-môn.
Khi nghe chuyện sẽ xảy ra đối với Thái-tử Temiya, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī một mình đến chầu Đức-vua, lạy Đức-vua rồi tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng! Ngày trước Hoàng-thượng đã ban cho thần thiếp ân huệ, thần thiếp đã cung kính nhận ân huệ ấy, rồi xin gởi lại Hoàng-thượng. Nay kính xin Hoàng-thượng ban ân huệ ấy lại cho thần thiếp.
Đức-vua truyền rằng:
– Này ái khanh Candādevī! Ái khanh hãy nhận lại ân huệ ấy!
Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī tâu rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng! Kính xin Hoàng-thượng ban ân huệ truyền ngôi báu cho Thái-tử Temiya, con của thần thiếp.
Đức-vua truyền rằng:
– Này ái khanh Candādevī, Trẫm không thể ban ân huệ truyền ngôi cho Thái-tử Temiya được, bởi vì Thái-tử là người xui xẻo (kāḷakaṇṇī).
– Muôn tâu Hoàng-thượng, nếu Hoàng-thượng không truyền ngôi báu cho Thái-tử Temiya suốt đời thì truyền ngôi báu cho Thái-tử Temiya 7 năm.
Đức-vua không chuẩn tấu lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī. Sau đó, Bà giảm còn 6 năm, 5 năm, 4 năm, 3 năm, 2 năm, 1 năm, rồi 7 tháng, 6 tháng, 5 tháng, 4 tháng, 3 tháng, 2 tháng, 1 tháng, nửa tháng, rồi cuối cùng còn lại 7 ngày.
Đức-vua chuẩn tấu theo lời của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, truyền ngôi báu cho Thái-tử Temiya 7 ngày, rồi bố cáo cho thần dân biết lễ đăng quang lên ngôi báu của Thái-tử Temiya trong vòng 7 ngày.
Thái-tử Temiya được mặc bộ đồ triều phục và đeo các đồ trang sức của Đức-vua, rồi đặt nằm trên long sàng trên lưng con bạch tượng có lọng trắng che, ngự đi quanh kinh-thành Bārāṇasī, rồi ngự trở về cung điện, nằm trên ngai vàng.
Suốt ngày đêm Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī đến khẩn khoản với Đức-vua Bồ-tát Temiya rằng:
– Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Mẫu-hậu đã chịu khổ tâm suốt 16 năm qua, Mẫu-hậu đã khóc suốt ngày đêm, đã khô cạn dòng lệ, trái tim của Mẫu-hậu như bị vỡ vì quá sầu não, chịu bao nỗi thống khổ cùng cực. Mẫu-hậu biết chắc:
“Con không phải là người bại liệt, cũng không phải là người điếc, cũng không phải là người câm.”
– Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Xin con đừng làm cho Mẫu-hậu thất vọng, không có nơi nương nhờ.
Đêm thứ 6, Đức-vua truyền lệnh cho người đánh xe Sunanda đến, truyền bảo rằng:
– Này Sunanda! Sáng ngày mai, ngươi hãy lấy một chiếc xe bất hạnh (avamaṅgalaratha) cài vào 2 con ngựa bất hạnh, rồi ẵm Thái-tử Temiya đặt nằm trên chiếc xe ấy, đưa ra cửa thành hướng tây, đi thẳng vào khu rừng nghĩa địa, đào hầm sâu, đặt Thái-tử nằm dưới hầm ấy, lấp đất đầy xong, ngươi tắm rửa cho sạch sẽ, rồi trở về cung điện.
Người đánh xe ngựa Sunanda tâu xin tuân theo lệnh của Đức-vua.
Nghe tin Đức-vua Kāsirājā truyền lệnh cho người đánh xe Sunanda như vậy, trái tim của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī như muốn vỡ, Bà vội ngự đến gặp Thái-tử Temiya. Chánh-cung Hoàng-hậu ngồi khóc than, khẩn khoản suốt đêm hôm ấy. Thái-tử Temiya vẫn nằm yên, bất động, làm thinh như người điếc, người câm. Bà khóc than, báo tin cho Thái-tử Temiya biết rằng:
– Này Temiya, hoàng nhi yêu quý! Đức-vua Kāsirājā, Đức-Phụ-vương của con, đã truyền lệnh cho người đánh xe tên Sunanda rằng:
“Sáng sớm ngày mai, đặt con trên chiếc xe bất hạnh, được kéo bởi 2 con ngựa bất hạnh, đưa con ra cửa thành phía tây, chở con đi thẳng vào khu rừng nghĩa địa, đào hầm sâu, đặt con nằm dưới hầm ấy, rồi lấp đất chôn con dưới đất.”
Ngày mai, Mẫu-hậu sẽ vĩnh viễn xa cách con rồi!
Lắng nghe lời của Mẫu-hậu như vậy, Đức-vua Bồ-tát Temiya kiềm chế tâm hoan hỷ, không để biểu lộ, tự dạy mình rằng:
– Này Temiya! Pháp-hạnh phát-nguyện của ngươi, nhờ pháp-hạnh nhẫn-nại, pháp-hạnh tinh-tấn, … trải qua 16 năm, ngươi sẽ được thành tựu như ý, vào sáng ngày mai ấy.
Đức-Bồ-tát Temiya thì chờ hy vọng vào sáng hôm sau, còn Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī phát sinh nỗi khổ tâm, nỗi thống khổ cùng cực, trái tim của Bà dường như bị vỡ. Đức-Bồ-tát Temiya thấu hiểu nỗi khổ tâm, nỗi thống khổ cùng cực của Mẫu-hậu. Đức-Bồ-tát Thái-tử nghĩ rằng:
“Nếu ngay bây giờ ta nói lời an ủi với Mẫu-hậu, thì pháp-hạnh phát-nguyện của ta sẽ bị đứt, ý nguyện tha thiết rời khỏi cung điện của ta cũng sẽ không được thành tựu như ý.
Vì vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử vẫn nằm yên, bất động, như người điếc vậy.
Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Temiya Được Thành Tựu Như Ý
Đêm đã qua, rạng đông bắt đầu một ngày mới, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī tắm cho Đức-vua Bồ-tát Temiya mặc bộ đồ triều phục và đeo đầy đủ các đồ trang sức của một vị Vua, đặt Thái-tử Temiya ngồi trên vế, ôm vào lòng rồi hôn lên Thái-tử Temiya.
Sáng hôm ấy, do oai lực của Đức-vua Bồ-tát Temiya cùng chư-thiên khiến cho người đánh xe Sunanda dắt 2 con ngựa hạnh phúc cài vào chiếc xe hạnh phúc (maṅgalaratha), đánh chiếc xe ấy đến dừng trước lâu đài của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī. Người đánh xe Sunanda vào chầu Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, đảnh lễ, rồi tâu rằng:
– Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu! Kính xin Bà tha tội cho hạ thần này, kẻ hạ thần tuân theo lệnh của Đức-vua Kāsirājā, đến thỉnh Đức-vua Temiya.
Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī đang ôm chặt Thái-tử Temiya vào lòng, hôn Ngài, rồi Bà đành buông hai tay thả Thái-tử Temiya ra. Người đánh xe Sunanda đưa hai tay nâng Đức-vua Bồ-tát Temiya như ôm một bó hoa, bước xuống lâu đài cung điện.
Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī xoã tóc, úp mặt vào đôi bàn tay khóc thét lên. Các cung phi, các nhũ mẫu cùng đều khóc than thảm thiết. Khi ấy, nhìn thấy Mẫu-hậu đang chịu nỗi khổ tâm cùng cực, Đức-Bồ-tát Temiya nghĩ rằng:
“Bây giờ, nếu ta không nói lời an ủi nào với Mẫu-hậu thì Mẫu-hậu của ta có thể vỡ tim mà chết mất!”
Định nói lời an ủi với Mẫu-hậu thì Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya chợt nghĩ lại rằng:
“Nếu bây giờ ta nói lời an ủi với Mẫu-hậu thì pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật cùng với các pháp-hạnh ba-la-mật khác như pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, … mà ta đã thực-hành suốt 16 năm qua sẽ không đem lại kết quả thành tựu như ý.
Còn bây giờ, nếu ta không nói lời an ủi với Mẫu-hậu thì thời gian sau không lâu, Đức-Phụ-vương, Mẫu-hậu, các quan, quân, phần đông dân chúng sẽ được lợi ích lớn, sự tiến hóa lớn, sự an-lạc lâu dài.
Do nhờ suy nghĩ như vậy, nên Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya chế ngự được nỗi khổ tâm sầu não.
Sau khi đặt Đức-vua Bồ-tát Temiya nằm trên chiếc xe hạnh phúc xong, người đánh xe Sunanda có ý định đánh xe ra cửa thành hướng tây, nhưng do oai lực của Đức-Bồ-tát Temiya và chư-thiên khiến người đánh xe ra cửa thành hướng đông.
Nằm trên chiếc xe ngự ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī đi đến khu rừng, Đức-vua Bồ-tát Temiya nghĩ rằng:
“Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật của ta đã được thành tựu, ý nguyện tha thiết rời khỏi cung điện cũng đã được thành tựu như ý.”
Do nghĩ như vậy, nên Đức-vua Bồ-tát Temiya vô cùng hoan hỷ phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc toàn thân tâm chưa từng có bao giờ.
Người đánh xe Sunanda điều khiển chiếc xe đi thẳng đến khu rừng cách xa kinh-thành Bārāṇasī khoảng 3 do tuần, tưởng đã đến nơi nghĩa địa, nên cho chiếc xe ngựa dừng lại. Bước xuống xe, y cởi bộ triều phục, và các đồ trang sức của Đức-vua Bồ-tát Temiya, bỏ vào hòm, để đem về trình lên Đức-vua Kāsirājā, rồi đem cuốc đến một nơi không xa chỗ đậu xe, để đào hầm sâu chôn sống Đức-vua Temiya.
Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Temiya Biểu Dương Sức Mạnh
Đức-Bồ-tát Temiya nghĩ rằng:
“Suốt 16 năm qua ta nằm yên, bây giờ ta cần phải cử động từ tay chân cho đến toàn thân thể.”
Do nhờ năng lực của đại-thiện-tâm hỷ lạc toàn thân tâm hỗ-trợ làm cho sắc thân nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển, nên Đức-Bồ-tát Temiya nằm cử động 2 tay, 2 chân, rồi ngồi dậy, lấy bàn tay phải xoa cánh tay trái, rồi lấy bàn tay trái xoa cánh tay phải, xoa như vậy nhiều lần, rồi lấy 2 bàn tay xoa bóp chân phải và chân trái, xoa bóp toàn thân, để làm cho máu huyết lưu thông, làm cho co giãn gân cốt trong toàn thân thể.
Sau đó Đức-Bồ-tát Temiya bước xuống xe, đi qua đi lại để biết sức lực của mình. Đức-Bồ-tát Temiya biết mình có thể đi bộ 100 do tuần chỉ trong một ngày. Để kiểm tra lại sức lực của mình, Đức-Bồ-tát Temiya ngự đến chiếc xe, trong tư thế vững vàng, 2 tay cầm càng xe nhấc bỗng nó lên khỏi mặt đất rồi quay một vòng như quay một chiếc xe đồ chơi của bọn trẻ.
Đức-Bồ-tát Temiya khoẻ mạnh có khả năng tự vệ mà không có một ai có thể làm hại được.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya muốn có bộ trang phục cho thân thể của mình. Khi ấy, chỗ ngồi của vua trời Sakka nóng lên, Đức-vua trời xem xét thấy rõ, biết rõ pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật của Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya đã được thành tựu, ý nguyện tha thiết rời khỏi cung điện cũng được như ý.
Đức-vua trời Sakka nghĩ rằng:
“Bây giờ, Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya muốn có bộ trang phục cho thân thể của Đức-Bồ-tát, nhưng bộ trang phục của loài người không xứng đáng với Đức-Bồ-tát, ta nên kính dâng đến Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya bộ trang phục cõi trời.”
Nghĩ xong, Đức-vua trời Sakka truyền gọi vị thiên-nam Vissakamma đem bộ trang phục cõi trời đến kính dâng lên Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya.
Tuân theo lệnh của Đức-vua trời Sakka, vị thiên-nam Vissakamma đem bộ trang phục cõi trời đến dâng lên Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya.
Nhận xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya mặc bộ trang phục và đeo các đồ trang sức cõi trời, trông giống như Đức-vua trời Sakka. Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya ngự đến chỗ người đánh xe Sunanda đang cặm cụi đào hầm, truyền hỏi rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Bạn đào hầm này để làm gì vậy? Tôi đã hỏi bạn, xin bạn trả lời cho tôi biết.
Người đánh xe Sunanda đang cặm cụi đào hầm, không nhìn lên Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya, nên trả lời rằng:
– Thưa Ngài, Thái-tử Temiya của Đức-vua Kāsirāja và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī là người bại liệt, người điếc, người câm thuộc hạng người xui xẻo (kāḷakaṇṇī) trong cung điện.
Vì vậy, Đức-vua Kāsirāja truyền lệnh cho tôi chở Thái-tử Temiya đem chôn tại nghĩa địa này. Tôi đào hầm này để chôn Thái-tử Temiya. Thưa Ngài.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền bảo người đánh xe Sunanda rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Tôi không phải là người bại liệt, cũng không phải là người điếc, cũng không phải là người câm, chắc chắn không phải là người xui xẻo. Xin mời bạn hãy xem đôi cánh tay, đôi chân, thân hình khoẻ mạnh của tôi như thế này!
Xin bạn hãy nghe lời nói thanh tao, ngọt ngào của tôi như thế này!
Nếu bạn chôn tôi trong khu rừng này thì bạn là người làm điều bất nhân, không hợp pháp.
Khi nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền bảo như vậy, người đánh xe Sunanada ngừng tay, ngẩng đầu nhìn Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya, nhưng chưa nhận ra được Thái-tử Temiya, nên nghĩ rằng:
“Ngài này có phải là người hay chư-thiên, để ta hỏi cho biết.”
– Kính thưa Ngài, Ngài có phải là người, hay là vị thiên-nam, hay là Đức-vua trời Sakka vậy? Thưa Ngài.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền bảo khẳng định rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Tôi là người, không phải là vị thiên-nam, cũng không phải là Đức-vua trời Sakka. Tôi chính là Thái-tử Temiya của Đức-vua Kāsirājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī. Còn bạn là vị quan đánh xe của Đức-Phụ-vương tôi. Cuộc sống của bạn nương nhờ nơi Đức-Phụ-vương tôi.
– Này Sunanda, bạn thân mến! Nếu bạn chôn tôi trong khu rừng này thì bạn là người không tốt, là người không biết ơn đối với Đức-Phụ-vương của tôi.
Người nào đến ngồi hoặc nằm nương nhờ dưới bóng mát của một cây nào, người ấy không nên ngắt lá, bẻ cành của cây ấy, bởi vì, người không biết ơn, người hại bạn là người không tốt trong đời.
Đức-Phụ-vương của tôi ví như một cây lớn, tôi ví như cành của cây ấy, còn bạn ví như người đến nương nhờ bóng mát của cây lớn ấy. Nếu bạn chôn tôi trong khu rừng này thì bạn là người không tốt, là người không biết ơn Đức-Phụ-vương của tôi.
Tuy nghe lời dạy của Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya như vậy, nhưng người đánh xe Sunanda vẫn chưa tin người đang nói chuyện với mình chính là Thái-tử Temiya.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya nghĩ rằng:
“Ta sẽ làm cho người đánh xe Sunanda này tin ta chính là Thái-tử Temiya.”
Nghĩ xong Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền dạy 10 pháp của người bạn tốt như sau:
Mười Pháp Người Bạn Tốt
– Này Sunanda, bạn thân mến! 10 pháp của người bạn tốt là:
1- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy được phần đông mọi người tin tưởng, kính yêu, và đi đến nơi nào cũng có được đầy đủ vật thực và tiện nghi.
2- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy đến xóm làng, tỉnh thành, kinh-thành… được mọi người đón rước, tiếp đãi trọng thể xem như người thân của họ.
3- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Kẻ cướp, kẻ thù không thể khuất phục được người ấy. Thật ra, người ấy có khả năng thuyết phục được kẻ thù bằng thiện-pháp, được Đức-vua tín cẩn.
4- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy sống trong gia đình được mọi người trong gia đình, bà con, dòng họ yêu mến, người ấy vào hội chúng nào đều được hội chúng ấy tôn trọng.
5- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Biết cung kính người khác thì sẽ được những người khác cung kính đáp lại; biết tôn trọng người khác thì sẽ được những người khác tôn trọng đáp lại. Người ấy được tán dương ca tụng là hạng người cao quý.
6- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Biết cúng dường người khác thì sẽ được những người khác cúng dường đáp lại; biết đảnh lễ người khác thì sẽ được những người khác đảnh lễ đáp lại. Người ấy sẽ là người cao quý.
7- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy có gương mặt sáng sủa, thân tâm thường an lạc.
8- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy làm công việc nào cũng được kết quả tốt đẹp trong công việc ấy, như gieo trồng lúa, thì được mùa… người ấy hưởng được quả tốt lành.
9- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Người ấy tránh được mọi tai nạn, dù người ấy rơi xuống hố sâu, vẫn không có tai nạn nào xảy đến với người ấy.
10- Người bạn tốt là người biết ơn, người không làm hại bạn. Kẻ thù không thể khuất phục được người ấy. Ví như cây da có nhiều rễ phụ, cho nên gió bão không thể làm cho nó trốc gốc ngã nhào được. Đặt biệt, người ấy có khả năng cảm hóa được kẻ thù.
Nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya thuyết dạy 10 pháp của người bạn tốt như vậy, nhưng người đánh xe Sunanda vẫn chưa nhận ra được Thái-tử Temiya.
Người đánh xe Sunanda nghĩ rằng:
“Bậc này là ai mà thuyết dạy những lời lẽ rất hay, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, ta chưa từng nghe bao giờ.”
Nghĩ xong, y cung kính đảnh lễ Ngài, rồi đi lại bên chiếc xe, không nhìn thấy Thái-tử Temiya đâu cả, chỉ thấy hòm trang phục của Thái-tử mà thôi.
Trở lại nhìn kỹ, người đánh xe Sunanda mới nhận ra được Bậc Pháp-sư ấy chính là Thái-tử Temiya của Đức-vua Kāsirāja và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī.
Người đánh xe Sunanda chắp hai tay đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya tha thiết khẩn khoản tâu xin rằng:
– Tâu Thái-tử Temiya! Kính xin Thái-tử tha tội chết cho kẻ si mê, ngu muội này. Kẻ hạ thần kính thỉnh Thái-tử hồi cung ngự trở lại cung điện, lên ngôi làm vua, hưởng mọi sự an-lạc.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền bảo rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Ta không cần ngôi báu, không muốn hưởng mọi sự an-lạc của ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục. Ta chỉ muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ ở trong rừng mà thôi.
Người đánh xe Sunanda khẩn khoản rằng:
– Tâu Thái-tử Temiya! Kính thỉnh Thái-tử hồi cung. Nếu Thái-tử hồi cung thì Đức-vua Kāsirāja và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī chắc chắn sẽ ban thưởng cho kẻ hạ thần này nhiều của cải quý giá.
Nếu Thái-tử hồi cung thì các cung phi, các hoàng thân, các Bà-la-môn, các quan, … chắc chắn sẽ ban cho kẻ hạ thần này nhiều của cải quý giá.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền bảo rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Ta không trở lại cung điện nữa. Đức-Phụ-vương của ta đã truyền lệnh cho bạn đưa ta ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, để chôn ta trong khu rừng này, và Mẫu-hậu của ta cũng đành chịu trao ta cho bạn bồng lên xe.
Như vậy, ta đã giải thoát ra khỏi cung điện rồi. Nay, bạn không chôn ta thì ta được hoàn toàn tự do, ta sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ ở trong khu rừng này.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya cảm thấy vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Ta đã tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật 3 điều, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật,… chờ đợi suốt 16 năm qua.
Nay, ý nguyện của ta đã được thành tựu như ý.
– Này Sunanda, bạn thân mến! Sự lợi ích chính đáng, hợp pháp của người không nóng nảy (biết nhẫn-nại chờ đợi suốt 16 năm) đã được thành tựu kết quả chắc chắn rồi, ta sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ tạo pháp-hạnh cao thượng ở trong rừng, để tránh được những tai họa sẽ xảy đến với ta.
Nghe lời truyền dạy của Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya như vậy, người đánh xe Sunanda tâu rằng:
– Tâu Thái-tử Temiya, lời truyền dạy của Thái-tử hay quá! Sâu sắc quá!
Vậy, do nguyên nhân nào mà Thái-tử không nói lời nào tại cung điện của Đức-vua Kāsirājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī?
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền bảo rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Ta không nói lời nào tại cung điện của Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta, không phải ta là người câm không nói được, ta không phải là người điếc không nghe được, ta không phải là người bại liệt không cử động tay chân, thân thể được.
Sở dĩ ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như là người câm; ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như là người điếc; ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như là người bại liệt; là vì ta sợ rằng: “Khi ta trưởng thành, Đức-Phụ-vương của ta truyền ngôi báu lại cho ta.” Nhưng ta thì không muốn làm vua, bởi vì, ta nhớ lại tiền-kiếp của ta đã từng làm Đức-vua ngự tại kinh-thành Bārāṇasī này, trị vì đất nước Kāsiraṭṭha này chỉ có 20 năm.
Tiền-kiếp của ta là Đức-vua Kāsi (như Đức-Phụ-vương của ta bây giờ) đã tạo ác-nghiệp, cho nên sau khi băng hà, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục Ussadanaraka, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt 80.000 năm.
Kiếp hiện-tại ta là Thái-tử Temiya, con của Đức-vua Kāsirājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, ta sợ Đức-Phụ-vương của ta sẽ truyền ngôi báu cho ta lên làm vua, nhưng ta không muốn làm vua, bởi vì ta sợ cảnh khổ trong cõi địa-ngục.
Một hôm, khi ta lên một tháng tuổi, ta đang nằm trên đôi vế của Đức-Phụ-vương ta. Khi ấy, một người lính dẫn 4 kẻ trộm cắp vào trình Đức-vua phán xử. Đức-Phụ-vương ta truyền lệnh rằng:
– Kẻ trộm cắp này, các ngươi hãy đánh bằng roi có gai 1.000 lần.
– Kẻ trộm cắp này, các ngươi hãy xiềng chân bỏ vào nhà giam.
– Kẻ trộm cắp này, các ngươi lấy lưỡi giáo đâm vào thân thể của nó.
– Kẻ trộm cắp này, các ngươi đặt nó trên bàn chông.
Khi ấy, ta đang nằm trên hai bắp vế của Đức-Phụ-vương, nghe lời phán xử nghiêm khắc của Đức Phụ-vương như vậy, ta lấy làm kinh sợ, nên ta quyết tâm không muốn lên ngôi vua. Vì vậy, ta thành tâm phát nguyện rằng:
1- Ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như là người bại liệt.
2- Ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như là người điếc.
3- Ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như là người câm.
Sau khi phát nguyện xong, ta đã thực-hành nghiêm chỉnh theo 3 điều phát nguyện ấy, ta đã nhẫn-nại chịu đựng mọi thử thách suốt 16 năm trường ròng rã.
Trong 16 năm ấy, ta đã từng nhẫn-nại chịu đựng nằm trên vũng nước tiểu, nằm trên đống phân của ta.
Sinh-mạng này là khổ thật, rất ngắn ngủi, không bao lâu phải tử bỏ thân này.
Nếu người nào nương nhờ nơi thân này mà tạo ác-nghiệp nào, với bất cứ lý do nào, thì người ấy cũng đều phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Ta đã thực-hành nghiêm chỉnh theo 3 điều phát nguyện ấy, với đại-thiện-tâm không nóng nảy, biết nhẫn-nại chờ đợi kết quả suốt 16 năm. Nay, ta đã được thành tựu như ý. Sự lợi ích chính đáng và hợp pháp của người không nóng nảy, biết nhẫn-nại chờ đợi đã được thành tựu như ý. Ta sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ, tạo pháp-hạnh cao thượng ở trong rừng này, để tránh khỏi tai hoạ xảy đến với ta.
Nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử truyền bảo như vậy, người đánh xe Sunanda suy nghĩ rằng:
“Thái-tử Temiya sợ lên ngôi báu làm vua, mà đã quyết tâm phát nguyện không hề lay chuyển, đã nhẫn-nại chịu đựng biết bao nhiêu thử thách suốt 16 năm.
Nay, Thái-tử Temiya có ý nguyện xuất gia trở thành đạo-sĩ ở trong rừng này. Còn cuộc đời khổ cực của ta có đáng gì đâu!
Vậy, ta cũng nên xuất gia trở thành đạo-sĩ theo Thái-tử Temiya.”
Người đánh xe Sunanda tâu rằng:
– Tâu Thái-tử, kẻ hạ thần này cũng muốn xuất gia theo Thái-tử. Kính xin Thái-tử cho phép kẻ hạ thần được xuất gia trở thành đạo-sĩ theo làm đệ tử hầu hạ Thái-tử.
Nghe người đánh xe Sunanda tha thiết muốn xin xuất gia trở thành đạo-sĩ, Đức-Bồ-tát Thái-tử suy xét rằng:
“Nếu ta đồng ý cho phép Sunanda xuất gia trở thành Đạo-sĩ thì Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta sẽ không có cơ hội ngự đến nơi này. Đó là điều bất lợi cho Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta. Bộ triều phục và các đồ trang sức của nhà vua này sẽ bị hư hoại, ngựa xe và người đánh xe Sunanda mất tích, thì chắc chắn ta sẽ bị chê trách.”
Đức-Bồ-tát Thái-tử suy xét đến sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc đối với Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát Thái-tử, nên truyền bảo người đánh xe Sunanda phải đem ngựa xe, bộ triều phục và các đồ trang sức của nhà vua về nộp cho triều đình, hoàn thành xong nhiệm vụ trước, để không bị mắc nợ triều đình, và tâu lên Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī biết rõ sự thật về Thái-tử Temiya, nên truyền bảo người đánh xe rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Bạn hãy đem nộp lại ngựa xe và các triều phục của ta cho triều đình trước, hoàn thành xong nhiệm vụ, bạn là người không mắc nợ thì mới được phép xuất gia, mà chư bậc thiện-trí tán dương ca tụng.
– Này Sunanda, bạn thân mến! Khi trở lại cung điện, ta xin nhờ bạn tâu lên Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta rằng:
“Muôn tâu Bệ-hạ! Thái-tử Temiya truyền bảo kẻ hạ thần tâu lên Bệ-hạ rằng: “Thái-tử Temiya thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, cầu mong Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu sống lâu và an-lạc.”
Nghe lời truyền dạy của Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya, người đánh xe Sunanda nghĩ rằng:
“Nếu ta đem ngựa xe, các đồ triều phục của Thái-tử Temiya về nộp lại cho triều đình, rồi tâu lên Đức-vua Kāsirājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī biết rõ Thái-tử Temiya là người cao thượng bậc nhất như vậy. Đức-vua và Chánh-cung Hoàng-hậu cùng những người khác ngự đến nơi đây, nếu không thấy Thái-tử Temiya thì chắc chắn ta sẽ bị trọng tội.
Vì vậy, ta nên tâu với Thái-tử Temiya, xin Thái-tử hứa chắc chắn với ta rằng:
“Thái-tử sẽ không ngự đi nơi nào khác, cho đến khi ta trở lại.”
Do nghĩ như vậy, nên bèn tâu rằng:
– Tâu Thái-tử Temiya, Bậc cao thượng, kẻ hạ thần xin tuân theo lệnh truyền của Thái-tử. Kẻ hạ thần tha thiết khẩn khoản cầu xin Thái-tử hứa chắc chắn với kẻ hạ thần rằng:
“Thái-tử sẽ không ngự đi nơi nào khác, cho đến khi hạ thần kính thỉnh Đức-vua Kāsirājā và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī ngự đến đây gặp lại Thái-tử.”
Nghe Sunanda tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya truyền dạy rằng:
– Này Sunanda, bạn thân mến! Ta xin hứa chắc chắn với bạn, ta sẽ trú tại nơi này cho đến khi bạn trở lại. Vậy, bạn hãy an tâm trở lại cung điện.
Thật ra, chính ta cũng mong muốn được yết kiến Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu của ta tại nơi đây.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya quay mặt về phía kinh-thành Bārāṇasī, nơi cung điện của Đức-Phụ-vương và Mẩu-hậu, Đức-Bồ-tát Temiya hướng tâm đến nơi đó, chắp hai bàn tay đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu một cách cung kính.
Sau khi nhận lời của Đức-Bồ-tát Thái-tử, người đánh xe Sunanda tỏ lòng tôn kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Thái-tử Temiya, rồi xin phép tạm biệt trở lại kinh-thành Bārāṇasī, đến cung điện của Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī. Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu đang đứng trên lâu đài nhìn xuống thấy người đánh xe Sunanda trở về một mình, trái tim của bà dường như muốn vỡ, khổ tâm cùng cực khóc than rằng:
– Người đánh xe Sunanda đã chôn Thái-tử Temiya của ta rồi! Thái-tử Temiya của ta đã bị người đánh xe Sunanda chôn vùi dưới đất rồi!
– Ô! Ta thì khổ tâm cùng cực, còn kẻ thù thì lại vui mừng.
Người đánh xe Sunanda đến chầu Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī. Bà liền truyền hỏi liên tiếp rằng:
– Này Sunanda! Thái-tử Temiya của ta không phải là người bại liệt phải không?
Thái-tử Temiya không phải là người điếc phải không?
Thái-tử Temiya không phải là người câm phải không?
Khi ngươi chôn vùi dưới đất, Thái-tử Temiya của ta có cử động chân tay gì không?
Có la hét gì không?
Ta đã hỏi ngươi. Vậy ngươi hãy mau tâu cho ta rõ.
Người đánh xe Sunanda cung-kính tâu rằng:
– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, kính xin Lệnh bà tha tội cho kẻ hạ thần này. Kẻ hạ thần này sẽ xin tâu rõ những điều tai nghe, mắt thấy, diện kiến trực tiếp với Thái-tử Temiya cho Lệnh bà rõ.
Nghe người đánh xe Sunanda tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī truyền bảo rằng:
– Này Sunanda! Ta đã tha tội cho ngươi rồi! Ngươi chớ nên sợ hãi.
Vậy, ngươi hãy trình tâu cho ta rõ những điều mà ngươi đã thấy, đã nghe, đã diện kiến với Thái-tử Temiya của ta mau!
Người đánh xe Sunanda tâu rằng:
– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Thái-tử Temiya của Lệnh bà là Bậc cao thượng nhất.
Sự thật, Thái-tử Temiya hoàn toàn không phải là người bại liệt, mà là người có sức mạnh phi thường.
Thái-tử Temiya cũng không phải là người câm mà là người có giọng nói thanh tao, lời dạy có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, mà chính tai của hạ thần đã nghe được lời truyền dạy của Thái-tử Temiya.
Thái-tử Temiya cũng không phải là người điếc, bởi vì chính hạ thần đã tâu chuyện với Thái-tử.
– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Thái-tử Temiya truyền bảo kẻ hạ thần trở lại tâu lời của Thái-tử lên Đức-vua và Chánh-cung Hoàng-hậu rằng:
“Thái-tử Temiya thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, cầu mong Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu sống lâu và an-lạc.”
– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu , kẻ hạ thần nghe từ Thái-tử Temiya truyền bảo rằng:
“Sở dĩ Thái-tử Temiya không nói lời nào tại cung điện là vì Thái-tử nhớ lại tiền-kiếp của Thái-tử đã từng làm Đức-vua ngự tại kinh-thành Bārānasī, trị vì đất nước Kāsiraṭṭha này 20 năm. Đức-vua tiền-kiếp của Thái-tử Temiya có quyền lực đã từng tạo ác-nghiệp. Sau khi Đức-vua ấy băng hà, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục Ussadanaraka, phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt 80.000 năm.
Nay, kiếp hiện-tại là Thái-tử Temiya. Thái-tử sợ rằng khi trưởng thành, Thái-tử sẽ được Đức-Phụ-vương truyền ngôi báu lên làm vua, nhưng Thái-tử thì sợ làm vua. Để tránh khỏi làm vua, để được xuất gia trở thành vị Đạo-sĩ, nên Thái-tử đã phát nguyện 3 điều rằng:
“1- Ta không phải là người bại liệt, ta đã phát nguyện làm như là người bại liệt.
2- Ta không phải là người điếc, ta đã phát nguyện làm như là người điếc.
3- Ta không phải là người câm, ta đã phát nguyện làm như là người câm.”
Thái-tử Temiya đã phát nguyện, rồi thực-hành nghiêm chỉnh như vậy, cốt để tránh lên ngôi làm vua và để được đi vào rừng xuất gia trở thành đạo-sĩ, tạo pháp-hạnh cao thượng.
– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Thái-tử Temiya là người có các tướng tốt của bậc đại nhân, có sức mạnh phi thường, có giọng nói thánh thót, đặc biệt thuyết pháp rất hay và sâu sắc, có trí-tuệ siêu-việt, tạo pháp-hạnh cao thượng.
Hạ thần kính thỉnh Đức-vua và Chánh-cung Hoàng-hậu ngự đến diện kiến Thái-tử Temiya, kẻ hạ thần này xin dẫn đường đưa Đức-vua và Chánh-cung Hoàng-hậu đến chỗ ở của Thái-tử Temiya trong rừng. Tâu Lệnh bà.
Nghe tâu sự thật về Thái-tử Temiya, Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī vui mừng khôn xiết, ban cho người đánh xe Sunanda phần thưởng quý giá, rồi vội vàng ngự đến chầu Đức-vua Kāsirājā. Bà tâu trình lên Đức-vua về sự thật của Thái-tử Temiya mà bà vừa nghe từ người đánh xe Sunanda tâu trình.
Đức-vua vô cùng hoan hỷ phát sinh tâm hỷ lạc chưa từng có. Khi ấy, Đức-vua Kāsirājā truyền lệnh hội triều để bàn tính việc làm lễ đăng quang Thái-tử Temiya lên ngôi vua, rồi rước trở về cung điện.