Nội Dung Chính
Phần 1
CHƯƠNG VIII
PHÁP-HẠNH BA-LA-MẬT 3
(PĀRAMĪ)
Quyển VII: Pháp-Hạnh ba-la-mật 2 đã trình bày 1 pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật, có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng, mỗi bậc được trích dẫn một tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, nên gồm có 3 tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama xong, tiếp theo,
Quyển VIII, Pháp-Hạnh ba-la-mật 3 này sẽ trình bày 6 pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật. Mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng, mỗi bậc có trích dẫn một tích Đức-Bồ-tát, gồm có 18 tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc ấy làm tiêu biểu như sau:
5- Pháp-Hạnh Tinh-Tấn Ba-La-Mật (Vīriyapāramī)
Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.
5.1 – Pháp-Hạnh Tinh-Tấn Ba-La-Mật Bậc Hạ (Vīriyapāramī)
Tích Pañcāvudhajātaka (Păn-cha-wu-thá-cha-tá-ká)
Trong tích Pañcāvudhajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Thái-tử Pañcāvudha của Đức-vua Brahmadatta tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc hạ (vīriyapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn kém, lười biếng, nên Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi đến, hỏi rằng:
– Này tỳ khưu! Con có sự tinh-tấn kém, lười biếng thật vậy không?
Vị tỳ-khưu kính bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thật vậy. Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này tỳ khưu! Trong quá-khứ, chư bậc thiện-trí cố gắng tinh-tấn trong những trường hợp nên tinh-tấn, kết quả thành tựu được lên ngôi vua.
Tích Pañcāvudhajātaka
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Pañcāvudha-jātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đầu thai vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta.
Khi Đức-Bồ-tát đản sinh ra đời, đến ngày làm lễ đặt tên cho Đức-Bồ-tát, Đức-vua Brahmadatta truyền mời 108 vị Bà-la-môn giỏi về khoa xem tướng đến cung điện. Sau khi tiếp đãi bữa tiệc linh đình xong, Đức-vua Brahmadatta mời các vị Bà-la-môn xem tướng Thái-tử.
Xem xét thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử có các tướng tốt của bậc đại nhân, đặc biệt có tài sử dụng 5 loại khí giới, nên các vị Bà-la-môn đồng tiên đoán rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Thái-tử có các tướng tốt của bậc đại nhân, là bậc đại phước, đại tài, đặc biệt có tài sử dụng 5 loại khí giới không ai sánh bằng. Sau này, khi Thái-tử lên ngôi vua sẽ là Đức-vua cao cả trong cõi Nam-thiện-bộ-châu này.
Nghe các vị Bà-la-môn tiên đoán như vậy, nên Đức-vua đặt tên Pañcāvudhakumāra: Thái-tử Pañcāvudha (Thái-tử có tài sử dụng 5 loại khí giới).
Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha khôn lớn, năm 16 tuổi Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này hoàng nhi Pañcāvudha yêu quý! Con nên đi học các bộ môn theo truyền thống của hoàng gia.
Thái-tử Pañcāvudha tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Phụ-vương, con đi học với vị Thầy nào? Ở kinh-thành nào?
Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này hoàng nhi Pañcāvudha yêu quý! Con nên đi học với vị Thầy Disāpāmokkha tại kinh-thành Takkasilā, đất nước Gandhāra. Con nên đem theo 1.000 đồng kahāpaṇa (tiền Ấn xưa), để cúng dường ân đức Thầy dạy.
Vâng lời Đức-Phụ-vương, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcā-vudha đảnh lễ Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu, rồi xin phép lên đường ngự đi đến kinh-thành Takkasilā, tìm đến vị Thầy Disāpāmokkha.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha vào đảnh lễ Thầy, và kính cúng dường 1.000 đồng kahāpaṇa. Vị Thầy bắt đầu dạy các bộ môn cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha.
Trải qua thời gian theo học các bộ môn, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha học bộ môn nào cũng xuất sắc, đặc biệt nhất bộ môn sử dụng 5 loại khí giới rất tài giỏi không một ai sánh bằng.
Sau khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha học các bộ môn theo truyền thống xong, vị Thầy Disāpāmokkha trao cho Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha 5 loại khí giới.
Nhận 5 loại khí giới từ vị Thầy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha đảnh lễ tạ từ Thầy, xin phép trở về cố quốc.
Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Pañcāvudha Thực-Hành Tinh-Tấn
Khi rời khỏi kinh-thành Takkasilā, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha mang theo bên mình 5 loại khí giới trên đường ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī, theo con đường tắt băng qua khu rừng rậm nơi đó có dạ-xoa Silesaloma (Dạ-xoa có lông dính như keo).
Dân chúng sống bên ngoài khu rừng ấy nhìn thấy Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha ngự đi theo con đường vào trong khu rừng ấy nên ngăn cản rằng:
– Này chàng trai trẻ! Xin ngươi chớ nên đi theo con đường này vào trong khu rừng ấy, bởi vì, trong đó có dạ-xoa Silesaloma rất hung ác, nếu thấy người nào đi vào khu rừng ấy thì nó đều bắt giết, rồi ăn thịt cả. Nhiều người đã bị mất tích.
Dù nghe dân chúng can ngăn như vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha vẫn không sợ, chỉ quyết tâm tiếp tục đi mà thôi.
Khi đến giữa rừng, dạ-xoa Silesaloma hóa ra thân hình cao bằng cây thốt nốt đầy lông dính như keo, cái đầu bằng cái đỉnh nhà, hai con mắt bằng hai bánh xe, hai răng nanh nhọn hai bên bằng đầu bắp chuối, mặt màu trắng, bụng lông đốm, hai tay hai chân màu xanh hiện ra đứng đằng trước Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha, hét lên rằng:
– Này ngươi đi đâu? Hãy dừng lại!
Hôm nay, ngươi sẽ là món ăn của ta.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha quát lớn tiếng rằng:
– Này dạ-xoa Silesaloma! Ta đã chuẩn bị sẵn sàng mới vào trong khu rừng này. Ngươi chớ nên đến gần, ta sẽ bắn mũi tên tẩm thuốc độc, rồi ngươi sẽ ngã xuống tại nơi ấy.
Nói xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha lấy mũi tên tẩm thuốc độc nạp vào cây cung, bắn mũi tên dính vào lông của dạ-xoa Silesaloma, tiếp tục bắn các mũi tên khác cũng đều dính vào lông của nó, gồm 50 mũi tên găm vào thân mình, mà dạ-xoa Silesaloma vẫn đứng sừng sững không hề nao núng.
Dạ-xoa Silesaloma rùng mình, các mũi tên rơi xuống hai bàn chân, nó đi lần đến Đức-Bồ-tát Thái-tử.
Quát lớn tiếng, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha rút thanh kiếm ra đâm chém, thì thanh kiếm dính vào lông của nó; lấy cây giáo ra đâm, lưỡi giáo cũng dính vào lông của nó. Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha biết lông của dạ-xoa Silesaloma dính như keo, nên lấy cây chùy đánh vào thân mình, cây chùy cũng dính vào lông của nó.
Biết toàn thân của dạ-xoa Silesaloma đều có trạng thái dính như keo, nên Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha dõng dạc hét lên như sư tử chúa rống rằng:
– Này dạ-xoa Silesaloma! Ngươi không từng nghe đến danh của ta là Pañcāvudhakumāra hay sao? Ta đã biết ngươi ở trong khu rừng này nên ta đã chuẩn bị sẵn sàng. Hôm nay, ta sẽ đánh ngươi.
Vừa nói xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử xông vào đưa tay phải đánh vào thân, thì tay phải dính vào lông; tay trái đánh, tay trái cũng dính vào lông; dùng chân phải đá, chân phải cũng dính vào lông; chân trái đá, chân trái cũng dính vào lông.
Đức-Bồ-tát Thái-tử nghĩ rằng: Ta nên húc đầu vào nó, làm cho nó gãy xương ngã quỵ.
Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Thái-tử húc đầu vào, thì cái đầu cũng dính vào lông của dạ-xoa Silesaloma.
Khi ấy, thân hình của Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha dính vào thân hình to lớn của dạ-xoa Silesaloma, nhưng Đức-Bồ-tát Thái-tử không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả.
Dạ-xoa Silesaloma nghĩ rằng: Người này là con người đệ-nhất, con người như sư-tử Chúa, con người vô-thượng, chắc chắn không phải con người bình thường. Người này dù bị dính vào thân ta vẫn không hề tỏ ra sợ sệt chút nào cả. Ta đã từng giết, ăn thịt nhiều người, mà chưa từng thấy con người như thế này bao giờ.
Vậy, do nguyên nhân nào mà con người này không sợ chết?
Dạ-xoa Silesaloma không dám ăn thịt Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha, nên hỏi rằng:
– Này chàng trai trẻ! Do nguyên nhân nào mà Ngài không sợ chết?
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha truyền bảo rằng:
– Này dạ-xoa Silesaloma! Tại sao ta phải sợ chết! Bởi vì mỗi kiếp chúng-sinh, sự chết đó là điều chắc chắn không ai tránh khỏi. Vả lại, trong bụng của ta có loại khí giới vajirāvudha: Khí giới vajira có nhiều thần lực, nếu ngươi dám ăn thịt ta thì khí giới ấy không thể tiêu được, chính khí giới ấy sẽ đâm thủng, rách nát dạ dày của ngươi, ngươi sẽ đau khổ cùng cực, rồi sẽ chết thê thảm. Như vậy, ta chết trước, rồi ngươi cũng sẽ chết sau. Do đó, nên ta không sợ chết.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha nói vajirāvudha: Khí giới vajira với ý nghĩa là ñāṇāvudha: Khí giới trí-tuệ trong người của Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha.
Nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha nói như vậy, Dạ-xoa Silesaloma hiểu là vajirāvudha: khí giới vajira thật, nên nghĩ rằng:
“Chàng trai trẻ anh hùng này nói thật, nếu ta ăn thịt của con người như Sư tử chúa này vào bụng thì khí giới ấy chắc chắn sẽ không tiêu được, bụng của ta sẽ bị đâm thủng rách nát, đau khổ cùng cực, ta không tránh khỏi chết thê thảm.”
Nghĩ như vậy, dạ-xoa Silesaloma cảm thấy sợ chết, không dám ăn thịt Đức-Bồ-tát Pañcāvudha, nên nói rằng:
– Này Chàng trai trẻ anh hùng! Ngài là con người như sư-tử Chúa, tôi không dám ăn thịt của Ngài, Ngài đã thoát ra khỏi tay của tôi rồi, như mặt trăng thoát ra khỏi miệng của thiên-nam Rāhu. Ngài hoàn toàn được tự do. Kính mời Ngài trở về nhà, gia đình bà con thân quyến của Ngài sẽ vui mừng khi gặp lại Ngài.
Nghe dạ-xoa Silesaloma nói như vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha truyền bảo rằng:
– Này dạ-xoa Silesaloma! Ta đi trở về, còn ngươi thế nào? Tiền-kiếp của ngươi đã tạo ác-nghiệp, nên kiếp hiện-tại sinh làm dạ-xoa hung ác có đôi bàn tay dính máu, sống bằng vật thực máu và thịt của người khác, tạo thêm ác-nghiệp nữa.
Sau khi ngươi chết, nếu ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh thì sẽ tái-sinh vào trong cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy càng nhiều hơn nữa.
– Này dạ-xoa Silesaloma! Kiếp này gặp ta, kể từ nay, ngươi chớ nên tạo ác-nghiệp sát-sinh nữa, bởi vì, ác-nghiệp sát-sinh, giết hại sinh-mạng người khác. Sau khi chết, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục phải chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới mong thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.
Kiếp sau kế-tiếp, nếu ác-nghiệp sát-sinh ấy còn có cơ hội cho quả tái-sinh làm loài súc-sinh thì loài súc-sinh ấy bị chết yểu. Nếu đại-thiện-nghiệp nào khác có cơ hội cho quả tái-sinh làm người thì người ấy cũng sẽ là người chết yểu, bởi do năng lực của ác-nghiệp sát-sinh trong tiền-kiếp.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuyết pháp tế độ, giảng dạy dạ-xoa Silesaloma về quả khổ của sự phạm ngũ-giới và quả an-lạc của sự giữ gìn ngũ-giới.
Sau khi nghe Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuyết pháp giảng dạy như vậy, dạ-xoa Silesaloma tỉnh ngộ, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, không còn tính hung ác như trước nữa, cung kính thưa rằng:
– Kính thưa Ngài, nay tôi nên làm thế nào?
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha truyền dạy dạ-xoa Silesaloma nên thọ trì ngũ-giới, rồi cố gắng giữ gìn cho được trong sạch và chỉ nhận những vật cúng dường.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuyết pháp giảng dạy vị thiên-nam pháp không dể duôi (appamāda-dhamma), rồi từ giã vị thiên-nam, trở ra bên ngoài bìa rừng, thông báo cho mọi người biết rằng:
– Này quý dân chúng! Tôi đã thuyết phục được dạ-xoa Silesaloma biết phục thiện, trở thành vị thiên-nam có giới trong sạch, xin quý vị nên cúng dường đến vị thiên-nam trong khu rừng này.
Sau đó, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha mang năm loại khí giới điêu luyện của Ngài, ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Đến kinh-thành Bārāṇasī, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha vào chầu, rồi tâu lên Đức-Phụ-vương và Mẫu-hậu biết rõ việc học các bộ môn theo truyền thống đã thành tài, đặc biệt sử dụng năm loại khí giới rất tài.
Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha thuật lại trên đường trở về, đi băng qua khu rừng gặp dạ-xoa Silesaloma ăn thịt người, thuyết phục được dạ-xoa Silesaloma biết phục thiện, trở thành vị thiên-nam có giới.
Về sau, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha lên nối ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi bằng thiện-pháp, tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho đến trọn đời.
Sau khi Đức-vua Pañcāvudha băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, an hưởng mọi sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại cõi ấy.
Sau khi thuyết về tích Pañcāvudhajātaka này xong, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy câu kệ có ý nghĩa rằng:
– Này tỳ khưu! Người nào có tâm không thoái chí, không nản lòng thực-hành 37 pháp chứng ngộ Niết-Bàn, giải thoát mọi ràng buộc.
Người ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi pháp ràng buộc theo năng lực của mỗi Thánh-đạo-tuệ.
Đức-Thế-Tôn thuyết xong bài kệ, vị tỳ-khưu trước đây có sự tinh-tấn kém ấy, nay trở nên vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Tích Pañcāvudhajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
Trong tích Pañcāvudhajātaka này, Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc hạ trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp những nhân vật trong tích Pañcāvudhajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:
– Dạ-xoa Silesaloma, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla.
– Đức-Bồ-tát Thái-tử Pañcāvudha, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc hạ)
5.2- Pháp-Hạnh Tinh-Tấn Ba-La-Mật Bậc Trung (Vīriya Upapāramī)
Tích Mahāsīlavajātaka (Má-ha-xi-lá-vá-cha-tá-ká)
Trong tích Mahāsīlavajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm Đức-vua Mahāsīlava tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc trung (vīriya upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn kém, lười biếng, nên Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi đến, hỏi rằng:
– Này tỳ khưu! Con có sự tinh-tấn kém cỏi, lười biếng, có thật vậy hay không?
Vị tỳ-khưu bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thật vậy. Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này tỳ khưu! Con đã xuất gia trong giáo-pháp của Như-Lai dắt dẫn chúng-sinh giải thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi.
Vậy, do nguyên nhân nào mà con có sự tinh-tấn kém cỏi, lười biếng như vậy?
Trong thời quá-khứ, chư bậc thiện-trí dù đã mất ngai vàng rồi, vẫn còn giữ gìn sự tinh-tấn không ngừng, nên ngai vàng đã bị mất rồi được trở lại như trước.
Tích Mahāsīlavajātaka
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết tích Mahāsīlavajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đầu thai trong lòng Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta.
Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử đản sinh ra đời, ngày làm lễ đặt tên cho Thái-tử, Đức-vua Brahmadatta đặt tên là Sīlavakumāra: Thái-tử Sīlava.
Khi trưởng thành năm 16 tuổi, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sīlava đã theo học các bộ môn truyền thống rất đầy đủ.
Sau khi Đức-Phụ-vương Brahmadatta băng hà, Đức-Bồ-tát Thái-tử Sīlava lên ngôi vua lấy danh hiệu là Mahāsīlavarājā thực-hành theo thiện-pháp, nên gọi là Dhammarājā: Đức-Pháp-vương.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền lệnh xây dựng 6 trại bố-thí: 4 trại ở 4 cửa thành, 1 trại ở giữa kinh-thành và 1 trại tại trước cửa cung điện của Đức-vua Bồ-tát, để làm phước-thiện bố-thí đến những người nghèo khổ, những người đi dường, các Sa-môn, Bà-la-môn.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava có đầy đủ các đức nhẫn-nại, có tâm-từ, tâm-bi đối với tất cả chúng-sinh muôn loài vô lượng, thường giữ gìn bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, trị vì đất nước Kāsi bằng thiện-pháp.
Trong triều đình của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, có một vị quan lén lút xâm nhập vào nơi cung cấm, làm điều bất chính, chuyện đã bại lộ. Các quan tâu chuyện vị quan này lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava.
Để biết rõ sự thật như thế nào, nên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava để ý theo dõi thì đã gặp vị quan ấy có hành vi bất chính, nên truyền lệnh gọi vị quan ấy vào chầu, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền lệnh rằng:
– Này quan gian tà! Ngươi đã có những hành vi bất chính như vậy, ngươi không còn xứng đáng sống trong đất nước Kāsi nữa.
Vậy, từ nay ngươi hãy dọn tất cả của cải tài sản và dẫn dắt vợ con của ngươi rời khỏi đất nước Kāsi này, đi đến nơi khác mà sinh sống.
Tuân theo lệnh của Đức-vua, tên quan dọn gia đình ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi sang đất nước Kosala, vào kinh-thành Sāvatthi, đến chầu xin phục vụ Đức-vua Kosala. Được Đức-vua Kosala chấp nhận, tên ác quan ấy tận tâm phục vụ một thời gian lâu, được gần gũi với Đức-vua Kosala và được Đức-vua tin cậy.
Một hôm, tên ác quan ấy tâu với Đức-vua Kosala rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, cung điện trong kinh-thành Bārāṇasī ví như tổ ong đầy mật mà không có con ong, bởi vì Đức-vua Mahāsīlava là Đức-vua yếu đuối bất tài, các đoàn quân đều là bất lực, nên Bệ-hạ chỉ cần một đội quân nhỏ cũng có thể đánh chiếm lấy cung điện của Đức-vua Mahāsīlava tại kinh-thành Bārāṇasī một cách dễ dàng.
Nghe tên quan ấy tâu như vậy, Đức-vua Kosala suy nghĩ rằng:
“Cung điện trong kinh-thành Bārāṇasī to lớn, sao vị quan này tâu rằng: “Bệ-hạ chỉ cần một đội quân nhỏ cũng có thể đánh chiếm lấy cung điện của Đức-vua Mahāsīlava tại kinh-thành Bārāṇasī một cách dễ dàng.”
Vậy, vị quan này là kẻ gián điệp được gởi đến đây để đánh lừa ta có phải hay không? Thật đáng nghi ngờ lắm, nên Đức-vua Kosala truyền hỏi rằng:
– Này khanh! Khanh có phải là người gián điệp đến đây để đánh lừa Trẫm, có phải hay không?
Tên ác quan ấy tâu thật rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, hạ thần chắc chắn không phải là người gián điệp của Đức-vua Mahāsīlava, mà hạ thần tâu đúng theo sự thật. Nếu Bệ-hạ không tin lời của hạ thần thì xin Bệ-hạ truyền cho người qua vùng biên giới trộm cướp thì sẽ rõ. Đức-vua Mahāsīlava tại kinh-thành Bārāṇasī đối xử với những người ấy như thế nào?
Đức-vua Kosala suy nghĩ rằng: “Vị quan này tâu rất khẳng khái như vậy, ta nên thử xem thế nào?”
Nghĩ xong, Đức-vua Kosala truyền cho số người sang vùng biên giới của đất nước Kāsi của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, trộm cướp của cải dân chúng vùng biên giới, làm cho dân chúng khổ cực bất an.
Biết như vậy, lính của triều đình bắt số người ấy đem về trình lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xét xử.
Đức-vua Bồ-tát truyền hỏi số người ấy rằng:
– Này các ngươi! Do nguyên nhân nào các ngươi xâm nhập vùng biên giới đất nước của Trẫm mà trộm cướp, gây ra sự khổ cực bất an cho dân chúng như vậy?
Số người ấy tâu dối rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, do đói khổ quá, nên số tiện dân đánh liều xâm nhập vùng biên giới trộm cướp như vậy. Kính xin Đại-vương tha tội.
Nghe số người tâu dối như vậy, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền bảo rằng:
– Này các ngươi! Khi lâm vào hoàn cảnh đói khổ như vậy, sao các ngươi không dẫn nhau đến nương nhờ nơi Trẫm?
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava phát sinh tâm đại-bi thương xót, nên truyền đem của cải thuộc về của riêng Đức-vua ban cho số người ấy, rồi khuyên bảo họ trở về làm ăn lương thiện, không nên đi trộm cướp nữa.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava thả số người ấy trở về đất nước của họ.
Khi về đến cố hương, số người ấy đến chầu Đức-vua Kosala, tâu trình việc Đức-vua Mahāsīlava đối xử với họ là kẻ trộm cướp như vậy.
Đức-vua Kosala chưa dám dẫn đoàn quân đi đánh chiếm cung điện của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, mà truyền cho nhóm người khác xâm nhập sâu vào trong tỉnh thành, cướp giựt trên đường phố giữa ban ngày.
Nhóm người ấy bị lính triều đình bắt đem đến trình Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava. Cũng như lần trước, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xét hỏi, rồi ban của cải riêng của Đức-vua cho nhóm người ấy, rồi thả họ trở về cố hương.
Nhóm người ấy đến chầu Đức-vua Kosala, tâu trình việc Đức-vua Mahāsīlava đối xử với nhóm họ cướp giựt giữa đường ban ngày như vậy.
Đức-Vua Kosala Xâm Chiếm Kinh-Thành Bārāṇasī
Đức-vua Kosala biết rõ Đức-vua Mahāsīlava là Đức Pháp-vương thực-hành thiện-pháp, nên Đức-vua Kosala quyết định dẫn đầu một đoàn quân đến kinh-thành Bārāṇasī, để đánh chiếm lấy cung điện của Đức-vua Mahāsīlava.
Trong thời ấy, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava có 1.000 vị tướng anh hùng vô địch, các đoàn binh hùng mạnh có khả năng chiến thắng các Đức-vua trong toàn cõi Nam-thiện-bộ-châu, chiếm các ngai vàng, bắt các Đức-vua đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, nhưng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không bao giờ chấp thuận.
Các vị tướng anh hùng ấy nghe tin rằng: “Đức-vua Kosala dẫn đầu một đoàn quân đang ngự đến xâm nhập vào vùng biên giới đất nước Kāsi, sẽ tiến quân đến kinh-thành Bārāṇasī, có ý định chiếm lấy ngai vàng của Đức-vua Mahāsīlava.”
Các vị tướng anh hùng ấy đến chầu Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, tâu xin Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh, để các tướng xuất quân ra bắt Đức-vua Kosala đem dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trị tội xâm chiếm, nhưng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava khuyên các tướng rằng:
– Này các tướng anh hùng! Trẫm không muốn các tướng phải vất vả, khổ cực, nếu Đức-vua Kosala muốn ngai vàng này thì vào chiếm lấy. Còn các tướng không nên chiến đấu với nhau, gây khổ đau lẫn nhau.
Nghe tin Đức-vua Kosala dẫn đoàn quân xâm chiếm tiến vào sâu đến các tỉnh thành, các tướng anh hùng đến chầu Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, tâu xin Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh, để họ xuất quân ra bắt Đức-vua Kosala đem dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trị tội xâm chiếm, nhưng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không chấp thuận như lần trước.
Đức-vua Kosala dẫn đầu đoàn quân xâm chiếm cứ tiếp tục tiến vào mà không gặp sự chống cự nào cả, nên tiến quân thẳng vào đến gần kinh-thành Bārāṇasī, đóng quân lại ở bên ngoài kinh-thành, Đức-vua Kosala truyền lệnh cho các quan đem tối hậu thư dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava với ý nghĩa rằng:
“Đại-vương Mahāsīlava chịu trao ngai vàng cho bổn Vương hoặc chiến tranh.”
Nhận được tối hậu thư, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trả lời rằng:
“Bổn Vương không muốn chiến tranh, nếu Đại-vương muốn chiếm lấy ngai vàng thì vào chiếm.”
Khi ấy, các quan văn võ đến chầu Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, tâu xin Đức-vua Bồ-tát truyền lệnh để các tướng anh hùng xuất quân ra bắt Đức-vua Kosala đem trình lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trị tội xâm chiếm, nhưng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không chấp thuận mà truyền vị quan đem thư trả lời trình cho Đức-vua Kosala, đồng thời truyền lệnh cho các quan ra lệnh các lính mở các cổng thành và cửa cung điện.
Tuân lệnh của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, các cổng thành và cửa cung điện đều được mở rộng. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền lệnh các quan văn võ hội triều đông đủ, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trên ngai vàng.
Khi ấy, nhận được thư trả lời của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, Đức-vua Kosala dẫn đầu đoàn quân tiến vào kinh-thành Bārāṇasī, thấy cửa thành mở rộng, tiến thẳng vào cung điện, bước lên chỗ hội triều, nhìn thấy Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trên ngai vàng, phía dưới hai bên 1.000 vị quan văn võ ngồi nghiêm chỉnh. Đức-vua Kosala xâm chiếm truyền lệnh các quân lính rằng:
– Này các quân lính! Các ngươi hãy bắt Đức-vua Mahāsīlava cột hai tay sau lưng cho chắc chắn cùng với các quan văn võ triều đình này cũng cột hai tay sau lưng, dẫn đi ra nơi nghĩa địa, đào hố sâu đến cổ, rồi chôn đứng Đức-vua Mahāsīlava và tất cả các quan này, lấp đất chặt chẽ không để cho người nào dở tay lên được.
Tuân theo lệnh của Đức-vua Kosala xâm chiếm, các quân lính thi hành bắt Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cột chặt hai tay sau lưng, cùng với 1.000 vị quan cũng bị cột chặt hai tay sau lưng.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava không hề phát sinh tâm sân thù oán, mà rải tâm-từ đến Vua Kosala xâm chiếm, và khuyên 1.000 vị quan cũng không nên phát sinh tâm thù oán, mà nên rải tâm-từ đến Vua Kosala xâm chiếm.
Nhóm lính của Vua Kosala xâm chiếm dẫn Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng với 1.000 vị quan ra nghĩa địa. Nhóm lính đào các hố sâu đến cổ, rồi chôn đứng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ở giữa, chôn 1.000 vị quan hai bên, lấp đất chặt không một vị nào dở tay lên được, thi hành xong phận sự, nhóm lính trở về tâu lên vua Kosala.
Khi ấy, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava khuyên dạy các quan rằng:
– Này các khanh! Các khanh nên giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch thực-hành niệm rải tâm-từ đến vua Kosala xâm chiếm và nhóm lính thi hành lệnh vua Kosala xâm chiếm. Các khanh chớ nên để cho tâm sân phát sinh thù oán vua Kosala xâm chiếm và nhóm lính ấy.
Các quan đều cung kính vâng lời khuyên dạy của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, thực-hành pháp-hành niệm rải tâm-từ đến vua Kosala xâm chiếm cùng quân lính của vua Kosala xâm chiếm.
Đến lúc nửa đêm, đàn chó sói đi kiếm ăn thịt người chết, kéo nhau vào nghĩa địa, đánh hơi người, chúng chạy đến, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng 1.000 vị quan la to tiếng, đàn chó sói hoảng sợ kéo nhau chạy một khoảng xa, chúng ngoảnh lại, không thấy có người đuổi theo, nên chúng kéo nhau trở lại. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng các quan la to tiếng, đàn chó sói hoảng sợ kéo nhau chạy đến lần thứ ba.
Đức-Vua Bồ-Tát Mahāsīlava Có Tinh-Tấn Dũng Mãnh
Sau ba lần kéo nhau chạy, đàn chó sói thấy không có gì đáng sợ, nên chúng lại kéo đến. Cũng như ba lần trước, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng các quan la to tiếng, lần này chúng không chạy nữa, con chó sói đầu đàn xông vào trước đến chỗ Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, còn các con chó sói khác đến gần các quan.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava bình tĩnh đưa cổ lên, con chó sói đầu đàn vồ đến cắn cổ, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava có sức mạnh phi thường, có sự tinh-tấn dũng mãnh, ngay tức khắc dùng cái cằm kẹp chặt đầu con chó đầu đàn không cho thoát ra được.
Con chó sói đầu đàn bị Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava kẹp chặt, nó sợ chết, tru lên tiếng lớn, các con chó sói khác nghe tiếng tru của chúa đàn, sợ chết kéo nhau chạy thoát thân, chỉ còn lại con chó đầu đàn vùng vẫy bằng bốn cái chân khoẻ mạnh của nó cào trên mặt đất, làm cho đất văng ra tung toé thành lỗ sâu.
Với sức mạnh phi thường của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava lắc qua lắc lại và sức mạnh của con chó sói đầu đàn vùng vẫy làm cho đất lỏng. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava biết có khả năng lên khỏi mặt đất được, nên thả con chó sói ra, nó chạy thoát thân.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava vốn có sức mạnh phi thường, có sự tinh-tấn dũng mãnh cố gắng lắc qua lắc lại nhiều lần, dỡ được hai cánh tay lên khỏi mặt đất, rồi chống hai tay trên mặt đất rút toàn thân mình lên khỏi hố sâu.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đến giúp lôi vị quan lên khỏi hố, và tiếp tục lôi các vị quan khác đều lên khỏi hố cả. Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava cùng 1.000 vị quan đều sống, ngồi nghỉ tại nơi nghĩa địa.
Khi ấy, người ta đem xác người chết bỏ một nơi trong nghĩa địa. Hai dạ-xoa đi tìm vật thực, cùng gặp xác người chết ấy, nhưng hai dạ-xoa không thể chia đều nhau được, xảy ra tranh chấp không ai chịu nhường ai, nên bàn tính với nhau rằng:
Có Đức-vua Mahāsīlava là Đức Pháp-vương đang ngự tại nơi nghĩa địa này, hai chúng ta nên đem cái xác người chết này đến thỉnh Đức-vua Mahāsīlava phân chia, nếu Đức-vua Mahāsīlava phân chia thế nào thì hai chúng ta chấp nhận như thế ấy.
Hai dạ-xoa đem xác người chết đến chầu Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, kính xin Đức-vua phân chia xác người chết này cho hai chúng tôi.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền bảo rằng:
– Này hai vị dạ-xoa! Trẫm sẽ phân chia xác người chết này cho hai ngươi, nhưng bây giờ thân của Trẫm không được sạch sẽ, Trẫm cần phải tắm trước.
Vậy, xin hai ngươi đem nước cho Trẫm tắm.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền bảo như vậy, do oai lực của mình, hai dạ-xoa lấy nước dành cho Vua Kosala xâm chiếm, đem đến dâng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava tắm, đem y phục, nước thơm, vật thoa dành cho Vua Kosala xâm chiếm, đem đến dâng Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava thoa.
Sau khi tắm xong, mặc bộ y triều phục, thoa vật thơm, vật thoa, trang sức, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đứng tỏ vẻ đang đói. Hai dạ-xoa biết ý, nên đi lấy những món ăn vị ngon, nước uống để dành cho Vua Kosala xâm chiếm, đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava dùng xong.
Khi ấy, hai dạ-xoa tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, hai chúng tôi cần phải phục vụ gì nữa?
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền bảo rằng:
– Này hai dạ-xoa! Nay hai ngươi hãy đi lấy thanh gươm báu để trên đầu long sàng của Vua Kosala xâm chiếm đến đây cho Trẫm.
Nghe Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền bảo như vậy, do oai lực của mình, hai dạ-xoa đi lấy thanh gươm báu đem về dâng lên Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava.
Nhận thanh gươm báu, rồi đặt xác người chết nằm ngửa ngay ngắn, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đưa thanh gươm báu đặt ngay giữa sọ rạch một đường thẳng từ đầu xuống háng, chia ra làm hai phần bằng nhau cho hai dạ-xoa.
Hai dạ-xoa vô cùng hoan hỷ nhận một nửa xác người chết ấy, rồi ăn phần thịt người no đủ, hai dạ-xoa cảm thấy vui mừng tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, Đại-vương cần hai chúng tôi phục vụ việc gì nữa?
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền bảo rằng:
– Này hai dạ-xoa! Nếu như vậy, thì do oai lực của hai ngươi, đưa Trẫm ngự trở về phòng ngủ mà Vua Kosala xâm chiếm đang ngủ, và đưa 1.000 vị quan của Trẫm trở về tư dinh của mỗi vị.
Nghe lời truyền bảo của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, do oai lực của mình, hai dạ-xoa thỉnh Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trở về cung điện, đến phòng ngủ nơi mà Vua Kosala xâm chiếm đang ngủ say, và 1.000 vị quan của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava trở về tư dinh của mỗi vị.
Khi ấy, Vua Kosala xâm chiếm đang ngủ say trên long sàng trong phòng ngủ sang trọng, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava đặt thanh gươm báu trên bụng vua Kosala xâm chiếm đang ngủ say quên mình, làm cho vua Kosala giật mình thức giấc, nhớ mặt Đức-vua Bồ-tát Mahā-sīlava được qua ánh đèn sáng trong phòng, liền ngồi dậy tỉnh táo tâu với Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, ban đêm như thế này, các cửa thành, các cửa cung điện đều đóng kín, có lính canh gác thay phiên nghiêm nhặt, mà Đại-vương ngự đến phòng ngủ này bằng cách nào?
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava thuật lại những việc xảy ra từ đầu cho đến cuối cho Đức-vua Kosala biết rõ mọi chi tiết.
Nghe chuyện như vậy, Vua Kosala xâm chiếm cảm thấy động lòng trắc ẩn, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, tâu với Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, tuy bổn vương là loài người nhưng không biết đến ân-đức cao thượng của Đại-vương. Dù loài dạ-xoa ăn thịt người, uống máu người, thuộc loại chúng-sinh đáng ghê tởm, vẫn còn biết đến ân-đức cao thượng của Đại-vương.
Đức-vua Kosala quỳ gối xuống cầm thanh gươm báu thốt lên lời thề rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, từ nay về sau, bổn vương không dám nghĩ hại Đại-vương, Đức Pháp-vương cao thượng có giới đức trong sạch nữa.
Bổn vương thành kính đảnh lễ Đại-vương, xin sám hối những tội-lỗi sai lầm của bổn vương. Kính xin Đại-vương tha thứ những tội-lỗi sai lầm ấy.
Đức-vua Kosala kính thỉnh Đức-vua Bồ-tát Mahā-sīlava ngự lên nằm ngủ trên long sàng, còn Đức-vua Kosala nằm một chỗ thấp.
Sáng ngày hôm sau lúc mặt trời mọc, Đức-vua Kosala truyền lệnh cho các quan đánh kiểng loan báo cho các quan văn võ, các đoàn binh, các người trong hoàng gia, các Bà-la-môn, các dòng dõi quý tộc, toàn thể dân chúng đến tụ hội trước cung điện.
Đức-vua Kosala tán dương ca tụng ân-đức cao thượng của Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava như vầng trăng rằm sáng giữa không trung, như mặt trời chiếu sáng giữa ban ngày.
Một lần nữa, Đức-vua Kosala thành kính đảnh lễ Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xin sám hối những tội-lỗi sai lầm của mình, rồi xin dâng trả ngôi báu lại cho Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, rồi tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương Mahāsīlava, kể từ nay về sau, nếu có ai dám đến quấy phá, gây ra tai họa trên đất nước Kāsi của Đại-vương thì bổn vương có bổn phận dẹp loạn ấy, để Đại-vương an hưởng trên ngai vàng, thần dân thiên hạ trong đất nước Kāsi của Đại-vương được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng, bởi vì có bổn vương là người luôn luôn lo bảo vệ.
Đức-vua Kosala trị tội tên quan ác xúi giục đi xâm chiếm lấy kinh-thành Bārāṇasī này.
Đức-vua Kosala thành kính đảnh lễ Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava xin phép cáo biệt, dẫn đầu đoàn quân ngự trở về đất nước Kosala.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava ngự trên ngai vàng lộng lẫy dưới chiếc lọng trắng, nhìn lại ngôi báu của mình, suy nghĩ rằng:
“Ta đã thoát khỏi chết trở lại ngự trên ngôi báu to lớn như thế này, và sinh-mạng của 1.000 vị quan được ta cứu sống. Nếu ta không có sự tinh-tấn thì không có được như thế này!
Vậy, nhờ năng lực của sự tinh-tấn dũng mãnh, nên ta mới thoát khỏi chết, có được sinh-mạng này trở lại và đã cứu sống được sinh-mạng của 1.000 vị quan.
Làm người không nên mất hy vọng, chỉ luôn luôn nuôi hy vọng mà thôi. Bởi vì người đã cố gắng tinh-tấn, rồi sẽ được thành tựu kết quả.”
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava vô cùng hoan hỷ tự thuyết câu kệ rằng:
Người là bậc thiện-trí nên luôn luôn nuôi hy vọng;
Với năng lực tinh-tấn của mình rằng:
Khi ta cố gắng tinh-tấn không ngừng như thế này.
Ta chắc chắn sẽ giải thoát khỏi mọi cảnh khổ.
Người là bậc thiện-trí biết mưu trí tài ba lỗi lạc.
Cố gắng tinh-tấn trong trường hợp hiểm nghèo.
Không nên thất vọng, thoái chí nản lòng.
Ta đã tự thấy kết quả của sự tinh-tấn của ta rồi.
Bị chôn trong hố, ta đã thoát ra khỏi hố.
Ta mong muốn thế nào, ta đã thành tựu như thế ấy.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava truyền dạy mọi người rằng
– Này các ngươi! Thông thường, kết quả của sự tinh-tấn được thành tựu một cách phi thường, đối với những người có giới đức trong sạch.
Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava thực-hành bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho đến trọn kiếp.
Sau khi Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới ấy.
Sau khi thuyết tích Mahāsīlavajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp về tứ Thánh-đế, vị tỳ-khưu có sự tinh-tấn kém cỏi, lười biếng ấy, trở nên vị tỳ-khưu có sự tinh- tấn, không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Tích Mahāsīlavajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
Trong tích Mahāsīlavajātaka này, Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc trung trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp những nhân vật trong tích Mahāsīlavajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:
– Vị quan gian tà, nay kiếp hiện-tại là tỳ khưu Devadatta.
– 1.000 vị quan, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.
– Đức-vua Bồ-tát Mahāsīlava, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
(Xong pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc trung)
5.3- Pháp-Hạnh Tinh-Tấn Ba-La-Mật Bậc Thượng (Vīriya paramatthapāramī)
Tích Mahājanakajātaka (Má-ha-chá-ná-ká-cha-tá-ká)
Trong tích Mahājanakajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm hoàng-tử tên Mahājanaka (Mahājanakarājakumāra) thực-hành pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật bậc thượng (vīriyaparamatthapāramī), tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Chư tỳ khưu hội họp tại giảng đường, tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn từ bỏ ngai vàng đi xuất gia. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn ngự đến ngồi trên pháp tòa, bèn hỏi chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?
Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con đang tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia. Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền bảo rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Không chỉ kiếp hiện-tại này Như-Lai đã thực-hành đầy đủ trọn vẹn các pháp-hạnh ba-la-mật, rồi từ bỏ ngai vàng đi xuất gia, mà còn những tiền-kiếp Như-Lai còn là Đức-Bồ-tát đang thực-hành, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật, cũng đã từng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia như vậy.
Nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài.