Phần 9

Ông Bà-La-Môn Jūjaka Độc Ác

Sau khi xin hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được thỏa mãn như ý, ông Bà-la-môn Jūjaka rất vui mừng, mỗi tay nắm tay mỗi đứa trẻ dẫn đứng một nơi. 

Ông Bà-la-môn Jūjaka vào rừng, dùng răng cắn một sợi dây rừng đem ra cột vào cổ tay của hoàng-tử Jāli và cổ tay của công-chúa Kaṇhājinā, ông nắm đầu dây, cầm cây đánh đập, chửi mắng hoàng-tử và công-chúa, rồi lôi đi.

Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vừa bị đánh đau vừa bị sợi dây siết chặt làm cắt da, thấu thịt, máu chảy tươm ra theo đường, trước sự hiện diện của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara.

Dắt đi được một đoạn đường, ông Bà-la-môn Jūjaka bị trượt chân ngã lăn xuống đường, làm cho sợi dây đứt rời tuột ra khỏi tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Khi ấy, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā vừa khóc vừa chạy lại tìm Đức Phụ-vương, đảnh lễ dưới bàn chân của Đức Phụ-vương tâu rằng:

– Tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương ban hai con cho ông Bà-la-môn già độc ác, khi Mẫu-hậu của hai con ngự đi tìm các loại trái cây trong rừng chưa về. Kính xin Đức Phụ-vương chờ đợi Mẫu-hậu ngự trở về, để hai con gặp Mẫu-hậu, rồi sau đó Đức Phụ-vương mới ban hai con cho ông Bà-la-môn già độc ác ấy đem đi bán hoặc giết hai con cũng được.

– Tâu Đức Phụ-vương, thân hình ông Bà-la-môn già có 18 tật nguyền xấu xí quái dị đáng ghê tởm như là loài phi nhân độc ác, hoặc loài Dạ-xoa ăn thịt người. Chắc ông Bà-la-môn ấy đến khu rừng xin Đức Phụ-vương ban hai con cho ông để ăn thịt.

– Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương nhìn thân hình của hai con bị đánh sưng, bị sợi dây rừng siết chặt làm trầy da, lủng thịt máu tươm ra chảy dài theo đường, con đau đớn quá! Đức Phụ-vương ơi!

– Tâu Đức Phụ-vương, thông thường các bậc làm cha, làm mẹ thấy con của mình đang bị đau khổ thì không thể nào không cảm động được. Chắc trái tim của Đức Phụ-vương được bọc bằng sắt rắn chắc, nên không còn rung động trước nỗi đau đớn khổ sở của hai con.

– Tâu Đức Phụ-vương, Đức Phụ-vương có biết hay không, ông Bà-la-môn già ấy vô cùng độc ác, tàn nhẫn đánh đập, chửi mắng, vừa lôi hai con vừa đánh đập, như lôi đàn bò vậy. Hoàng-muội Kaṇhājinā chưa từng biết đau khổ, nay gặp nỗi khổ như thế này chắc chắn không thể chịu đựng được nổi, chắc có lẽ chết giữa đường thôi!

Vậy, xin Đức Phụ-vương chỉ ban một mình con cho ông Bà-la-môn độc ác ấy mà thôi. Còn hoàng-muội Kaṇhājinā ở lại với Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu.

Hơn nữa, hoàng-muội Kaṇhājinā không thấy Mẫu-hậu, chắc không thể sống nổi được.

Khi nghe hoàng-tử Jāli tâu như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara làm thinh không truyền bảo lời nào cả.

Khi ấy, hoàng-tử Jāli than vãn đến Mẫu-hậu rằng:

– Dù chịu muôn vàn đau khổ như thế nào, con cũng có thể chịu đựng được, nhưng con không gặp được Mẫu-hậu, đó mới thật là nỗi đau khổ gấp 100 lần, gấp 1000 lần, gấp 100 ngàn lần mà con không sao chịu đựng nổi được.

Ôi! Khi Mẫu-hậu từ rừng ngự trở về, không nhìn thấy con và hoàng-muội Kaṇhājinā dễ thương, Mẫu-hậu sẽ khổ tâm nhiều, khóc than thảm thiết đi tìm 2 con mà không gặp 2 con, Mẫu-hậu càng khổ tâm, sầu não vì thương nhớ 2 con nhiều, rồi sẽ ngủ không được, thân của Mẫu-hậu ngày một gầy yếu dần.

Khi ông Bà-la-môn già độc ác dắt 2 con đi khỏi nơi này rồi, thì Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu sẽ buồn khổ nhớ thương 2 con, sinh khổ tâm sầu não khóc than suốt đêm dài làm cho cơ thể ngày một héo hon. 

Hoàng-tử Jāli nói với công-chúa Kaṇhājinā rằng:

– Từ hôm nay, hai huynh muội ta bị rời khỏi nơi này, bỏ lại những cây ăn quả, những cây hoa rừng xinh đẹp, bến nước trong trẻo, những con búp bê xinh đẹp mà Đức Phụ-vương khéo tay làm ra, rồi ban cho huynh muội ta chơi trước đây. Khi hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đang than vãn với nhau, thì ông Bà-la-môn có đôi mắt đỏ ngầu cầm sợi dây và cây chạy lại đánh đập xối xả, chửi mắng thô lỗ, rồi lấy sợi dây cột tay hoàng-tử và công-chúa lôi đi.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chứng kiến cảnh tượng ông Bà-la-môn Jūjaka độc ác đánh đập, lôi hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā như vậy.

Hoàng-tử Jāli ngoảnh đầu lại sau tâu với Đức Phụ-vương rằng:

– Tâu Đức Phụ-vương, xin Đức Phụ-vương truyền bảo với Mẫu-hậu hai con rằng: . “Hai con được khỏe mạnh bình thường, cầu xin Mẫu-hậu thân tâm thường được an-lạc.”

Khi ấy, nỗi thống khổ cùng cực phát sinh lên đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, trái tim của Đức-Bồ-tát nóng lên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ toàn thân rung động vì nỗi thống khổ, không thể đứng vững được, đôi dòng lệ trào ra giàn giụa trên đôi mắt, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ vào trong cốc lá nằm khóc than thảm thiết thật đáng thương xót.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nằm than vãn rằng:

“Hôm nay, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ta sẽ như thế nào? Hai con của ta khóc than, đói khát trên đường đi.

Thường mỗi buổi chiều, đến giờ ăn, hai con đói xin đồ ăn rằng: “Tâu Mẫu-hậu, hai con đói lắm rồi! Xin Mẫu- hậu ban đồ ăn cho hai con.” 

Chiều nay, ai sẽ ban đồ ăn cho hai con của ta?

Trên con đường xa 60 do tuần, hai con ta ngự đi chân đất, không có mang dép, đôi bàn chân sưng lên làm cho đau đớn. Vậy ai dắt tay hai con ta đi?

Ông Bà-la-môn Jūjaka đánh đập hành hạ, chửi mắng hai đứa con nhỏ trước mặt ta, mà không biết nể mặt ta chút nào, không biết ghê sợ tội lỗi.”

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:

“Ông Bà-la-môn Jūjaka ấy thật là kẻ độc ác, đánh đập, chửi mắng hai đứa con nhỏ yêu quý của ta một cách tàn nhẫn như vậy, ta nên cầm thanh gươm đuổi theo giết chết y, rồi dẫn hai con của ta trở lại.”

Sở dĩ Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara suy nghĩ than vãn những điều như vậy, là vì quá thương yêu hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý nhất. Khi thấy ông Bà-la-môn Jūjaka đối xử tàn nhẫn với hai đứa con, tâm sân hận phát sinh khiến Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ chợt nảy ra ý định giết chết ông Bà-la-môn Jūjaka ấy rồi dẫn hai đứa con yêu quý trở về.

Cũng ngay khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara liền thức tỉnh, nhớ lại truyền thống của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trong quá khứ, có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đều phải tạo đầy đủ năm pháp-hạnh đại-thí (Pañca mahāparicāga) .

Pháp-hạnh-đại thí ba-la-mật có 5 pháp là:

1- Pháp-hạnh đại-thí của cải tài sản, ngai vàng,…

2-Pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân thể của mình.

3- Pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của mình.

4- Pháp-hạnh đại-thí con yêu quý.

5- Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý.

Thật ra, tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã từng tạo ba pháp-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí của cải tài sản, ngai vàng…, pháp-hạnh đại-thí bộ phận trong thân thể của mình, pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của mình, nhưng chưa thực-hành hai pháp-hạnh đại-thí là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý và pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý. Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo 2 pháp-hạnh đại-thí này, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.

Trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này gồm có 5 pháp-hạnh đại-thí mới gọi là đầy đủ trọn vẹn được.

Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác chưa tạo đầy đủ năm pháp-hạnh đại-thí này thì chắc chắn chưa có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được.

Hiểu biết rõ như vậy, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara tự nhủ mình rằng:

“Này Vessantara! Ngươi bố-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā là một trong năm pháp-hạnh đại-thí trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật mà chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn.

Khi đã bố-thí hai đứa con yêu quý đến ông Bà-la-môn Jūjaka rồi, ngươi đã thành tựu được pháp-hạnh đại-thí con yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Nay, hai con của ngươi đã thuộc về sở hữu của ông Bà-la-môn Jūjaka rồi! Ngươi nhìn thấy hai đứa con bị đau khổ, khiến ngươi sinh tâm sân sầu não cùng cực, mà nảy ra ý định giết chết ông Bà-la-môn ấy, lấy lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý của ngươi trở về.

Đó là việc làm của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác hay sao?

Thật ra, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đã tạo pháp-hạnh đại-thí trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật rồi, sau đó không phát sinh tâm sân nóng nảy sầu não, mà chỉ có phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ mà thôi.”

Sau khi tự nhủ mình như vậy, tâm của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara được ổn định, vắng lặng được phiền-não, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara phát nguyện với lời chân thật rằng:

“Dù ông Bà-la-môn Jūjaka đối xử với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của ta như thế nào, thì ta cũng nhẫn-nại giữ gìn đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.”

Sau đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngự ra ngồi trước cửa cốc lá như tượng màu vàng.

Trên đường đi, hoàng-tử Jāli than vãn với hoàng-muội Kaṇhājinā rằng:

– Này hoàng-muội Kaṇhājinā yêu quý! Đức Phụ-vương đã ban huynh muội ta cho ông Bà-la-môn già độc ác, ông đánh đập, chửi mắng huynh muội ta, vừa lôi đi vừa đánh đập như lôi đàn bò. Nay, huynh muội chúng ta không còn Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu nữa.

– Này hoàng-muội Kaṇhājinā yêu quý! Huynh muội ta đau khổ, mệt lử cả người, đôi bàn chân bị sưng, không bước nổi được. Vậy, huynh muội ta cùng nhau chết cho rồi, còn sống mà khổ như thế này có ích lợi gì đâu?

Một lần nữa, ông Bà-la-môn Jūjaka dẫn hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đi, bị vấp ngã xuống đường, làm đứt sợi dây rời ra khỏi tay, nên hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā cùng nhau chạy trở lại gặp Đức Phụ-vương. 

Ông Bà-la-môn bị ngã đau, cố gắng ngồi dậy, không thấy hai đứa trẻ, nên tâm sân phát sinh nóng nảy tức giận, cầm sợi dây và cây rượt đuổi theo, gặp hoàng-tử và công-chúa tại chỗ cốc Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, ông Bà-la-môn tức giận đánh đập một cách tàn nhẫn, chửi mắng rằng:

“Hai đứa trẻ con này giỏi chạy trốn đâu cho thóat khỏi tay ta.”

Trước sự hiện diện của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, ông Bà-la-môn Jūjaka lấy sợi dây cột chặt vào tay của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, lôi nhanh đi.

Khi ấy, công-chúa Kaṇhājinā khóc than và tâu với Đức Phụ-vương rằng:

– Tâu Đức Phụ-vương, ông Bà-la-môn già Jūjaka này rất độc ác, tàn nhẫn quá! Ông đánh đập 2 anh em chúng con bằng cây như đánh đàn bò.

– Tâu Đức Phụ-vương, thông thường Bà-la-môn là người có thiện-pháp, có tâm-từ, nhưng ông Bà-la-môn già này chắc không phải là người, ông là Dạ-xoa hóa thành Bà-la-môn có thân hình dị dạng đáng ghê sợ, đến xin Đức Phụ-vương cho hai con, để ông ăn thịt.

Hai anh em chúng con bị Dạ xoa bắt đi ăn thịt, Đức Phụ-vương có biết hay không?

Lắng nghe tiếng khóc than và lời tâu thiết tha của công-chúa Kanhajinā. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chỉ còn phát sinh nỗi thống khổ cùng cực mà thôi, trái tim nóng lên, lỗ mũi nghẹt thở, phải thở bằng miệng, hai dòng nước mắt nóng chảy ra. Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ tư duy rằng:

“Nỗi thống khổ cùng cực này là do nhân tình thương yêu các con, không phải vì nhân nào khác.”

Sau khi suy xét đã biết rõ nhân sinh nỗi thống khổ này, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ liền ngồi kiết già lấy bình tĩnh trở lại. 

Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā bị ông Bà-la-môn Jūjaka độc ác, tàn nhẫn lôi đi mau, công-chúa Kaṇhājinā vừa đi vừa than khóc rằng:

– Đôi chân nhỏ của hai huynh muội chúng tôi đã mỏi rã rời, mà đường thì còn xa tít, hai huynh muội chúng tôi đi không nổi nữa, mặt trời thì sắp lặn, hai huynh muội chúng tôi mệt lử bước chân đi không nổi, và vừa đói bụng vừa khát nước quá!

Hai huynh muội chúng tôi xin kính lạy tất cả chư-thiên ngự trong rừng núi Himavanta, ngự trên các cội cây, ngự nơi bến hồ,… kính xin quý vị chư-thiên đến tâu cho Mẫu-hậu Maddī của chúng tôi biết rằng:

“Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của bà vẫn bình thường, ông Bà-la-môn già độc ác, tàn nhẫn đang dẫn hai người con của Bà đi trên con đường nhỏ đủ một người đi.”

– Thưa các vị chư-thiên, xin quý vị tâu với Mẫu-hậu Maddī của chúng tôi rằng:

“Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nếu Bà muốn đi tìm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thì xin Bà đi theo con đường nhỏ đủ một người đi, từ cốc lá ngự đi nhanh theo dấu chân, chắc chắn Bà sẽ gặp hoàng-tử và công-chúa ở giữa đường.”

Sau khi tha thiết khẩn khoản chư-thiên giúp tâu với Mẫu-hậu Maddī của mình, rồi than vãn và hy vọng Mẫu-hậu Maddī đến giúp đỡ rằng:

“Ôi! khi Mẫu-hậu từ rừng ngự trở về cốc lá không nhìn thấy hai con ra đón, nhìn thấy cốc lá vắng vẻ, không thấy bóng hai con, chắc chắn Mẫu-hậu sẽ khổ tâm lắm!

Mẫu-hậu ơi! Ông Bà-la-môn già độc ác, cột tay hai con bằng sợi dây rừng, đánh đập, chửi mắng hai con, lôi đi như đàn bò. 

Xin Mẫu-hậu mau đến kịp chiều nay, đem trái cây cho ông Bà-la-môn già ăn no đủ, rồi xin ông lôi đi chậm chậm, bởi vì hai bàn chân của hai con đã sưng lên, đau đớn, nhức nhối không chịu nổi được nữa. Còn cổ tay của hai con bị ông Bà-la-môn già cột chặt bằng sợi dây rừng, làm trầy da, đứt thịt, máu chảy rơi theo đường, hai con đau nhức quá! Mẫu-hậu ơi!

Xin Mẫu-hậu đến mau để cứu hai con với!”

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Maddī

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý (piya-puttamahādāna) cho ông Bà-la-môn Jūjaka làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên trong các cõi trời dục-giới, chư Đức-vua-trời trong sáu cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các cõi trời sắc-giới, đồng thanh hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý (piyaputtamahādāna).

Đó là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng.

Khi ấy, nhóm chư-thiên ngự tại rừng núi Himavantu nghe lời than vãn những nỗi khổ của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Hai huynh muội tha thiết khẩn khoản chư-thiên báo tin cho Mẫu-hậu của hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đến gặp mau lẹ.

Nhóm chư-thiên ngự tại rừng núi Himavanta bàn bạc với nhau rằng:

“Lúc mặt trời chưa lặn, nếu Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī từ rừng ngự trở về không nhìn thấy hai con, Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ tâu hỏi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, biết Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đã bố-thí hai đứa con cho ông Bà-la-môn Jūjaka dẫn đi rồi, chắc chắn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī sẽ đi theo dấu chân hai con, với năng lực của mẫu tử tình thâm, Chánh-cung Hoàng-hậu sẽ phát sinh nỗi thống khổ cùng cực.

Cho nên, chư Thiên-vương truyền lệnh cho ba vị thiên-nam hóa ra ba con thú dữ: con sư tử, con hổ, con báo chặn đường ngự trở về của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, cho đến khi mặt trời lặn, rồi mới tránh đường cho Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự đi về.

Sau đó, ba vị thiên-nam đi theo sau bảo vệ Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự về cốc lá được an toàn bằng ánh sáng trăng rằm.”

Ba vị thiên-nam thi hành theo lệnh, biến hóa ra con sư tử, con hổ, con báo nằm chặn đường không để cho Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngự trở về cốc lá, lúc ban chiều.

Khi ấy, nữ đạo-sĩ Maddī đang trên đường ngự trở về cốc lá, gặp ba con thú dữ ấy chặn đường, mới nghĩ rằng:

“Đêm qua, ta nằm thấy ác mộng hãi hùng, sáng nay gặp những điều không may xảy ra: Cái mai được cầm trong tay bị rơi khỏi tay, cái gùi trên vai bị rớt xuống đất, mắt bị máy mắt bên phải, những cây có quả, hôm nay như không có quả, các phương hướng không rõ.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī nghĩ rằng:

“Điều gì sẽ xảy ra? Trước đây chưa từng có như vậy. Vậy, điều gì sẽ xảy ra với ta, với Đức đạo-sĩ Vessantara, Đức phu-quân, với hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của ta?”

Khi ấy, mặt trời sắp lặn, nữ đạo-sĩ Maddī mang gùi trái cây ngự trên con đường trở về cốc lá, để phục vụ bữa ăn chiều cho Đức đạo-sĩ Vessantara, Đức phu-quân và hai đứa con yêu quý đang chờ đợi. 

Trên đường, nữ đạo-sĩ Maddī gặp phải ba con thú dữ: con sư tử, con hổ, con báo nằm chặn con đường nhỏ đủ một người đi, nên không thể tránh sang con đường nào khác được, nữ đạo-sĩ Maddī cung kính ba chúa sơn lâm này, tha thiết khẩn khoản rằng:

“Tôi là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī của Đức-vua Vessantara bị lưu đày đến sống trong núi Vaṅka này, tôi dẫn theo hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý đi theo phục vụ Đức Phu-quân của tôi.

Xin quý chúa sơn lâm có tâm từ, tâm bi nhường đường cho tôi đem các thứ trái cây trở về phục vụ bữa ăn chiều cho Đức phu-quân và hai đứa con yêu quý của tôi.”

Ba chúa sơn lâm vốn là ba vị thiên-nam nghe lời cầu xin tha thiết khẩn khoản của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, ba vị thiên-nam cảm thấy vô cùng cảm động, nhưng vì phận sự nên phải chặn đường cho đến khi mặt trời lặn, mới tránh đường, và đi theo bảo vệ nữ đạo-sĩ Maddī ngự trở về đến cốc lá bằng ánh sáng trăng rằm được an toàn.

Nữ đạo-sĩ Maddī ngự đi về đến gần chỗ ở của mình, không nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā đứng chờ đón như mỗi buổi chiều.

Nữ đạo-sĩ Maddī hồi hộp bước đi theo con đường mòn dưới ánh trăng mờ, cảnh vật đêm nay vắng vẻ lạ thường không một tiếng kêu của các loài vật, một cảnh tượng thật đáng rùng rợn chưa từng có trước đây.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi trước cốc như pho tượng, nữ đạo-sĩ Maddī đến cung kính tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā của thần-thiếp ở đâu? Thần-thiếp không thấy 2 đứa con yêu quý đón thần-thiếp như mỗi chiều.

Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, Đức-vua Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im không nói lời nào.

Nữ đạo-sĩ Maddī tâu lại rằng:

– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, 2 đứa con yêu quý của thần-thiếp đang nằm ngủ trong cốc lá của Hoàng-thượng phải không?

Nữ đạo-sĩ Maddī tâu như vậy, đến lần thứ ba, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im lặng như trước.

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khóc than vãn rằng:

– Sở dĩ chiều nay ta đem trái cây về trễ là vì trên đường về gặp ba thú dữ nằm chặn đường. Con đường nhỏ đủ một người đi, nên ta không còn con đường nào khác để tránh chúng được, chờ đến khi mặt trời lặn, chúng mới chịu tránh đường, nên ta mới trở về trễ.

Nữ đạo-sĩ Maddī tâu rằng:

– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở nơi nào? Thần-thiếp đã tâu nhiều lần, nhưng Hoàng-thượng vẫn làm thinh, không nói lời nào, làm cho thần-thiếp đang khổ lại càng thêm khổ gấp bội.

Với ánh sáng trăng, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khóc than thảm thiết đi vào trong rừng tìm những nơi mà hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā thường đến chơi, đi qua hồ nước, tìm khắp mọi nơi trong rừng mà vẫn không tìm thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý đâu cả!

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī trở lại cốc lá của Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara tâu rằng:

– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā ở nơi nào? Hai đứa con yêu quý của thần-thiếp đang nằm ngủ trong cốc của Hoàng-thượng phải không? Hoặc hai đứa con yêu quý của thần-thiếp bị thú rừng bắt ăn thịt rồi phải không? Hoặc hai đứa con yêu quý của thần-thiếp bị người ta bắt dẫn đi rồi phải không?

Nghe nữ đạo-sĩ Maddī tâu hỏi như vậy đã nhiều lần, nhưng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vẫn ngồi im lặng.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp có lỗi gì mà Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp một lời nào. Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp đó là nỗi thống khổ cùng cực nhất hơn cả các nỗi khổ như không thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp.

– Tâu Hoàng-thượng, nếu đêm nay, Hoàng-thượng không nói với thần-thiếp thì sáng ngày mai, Hoàng-thượng sẽ nhìn thấy thần-thiếp có thân xác mà không còn tâm thức nữa.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara nghĩ rằng:

“Ta nên nói với nữ đạo-sĩ Maddī bằng lời lẽ bắt lỗi.”

– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ vốn là công-chúa xinh đẹp, ở ngôi vị Chánh-cung Hoàng-hậu, đã có hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. Hôm nay, nữ đạo-sĩ đi vào rừng một mình tìm các loại trái cây, các loại củ từ sáng sớm, sao đến đêm xuống mới trở về bằng ánh sáng trăng. Đó là lỗi lớn của đạo-sĩ.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara bắt lỗi như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

– Tâu Hoàng-thượng, hôm nay, Hoàng-thượng có nghe tiếng rống của con sư tử, con cọp, con báo, con voi, con trâu rừng, con chó rừng, v.v… trời sấm sét vang rền khắp mọi nơi. Những hiện tượng báo trước những điều không may xảy ra với thần-thiếp ở trong rừng như: Cầm cái mai trong tay bị rơi khỏi tay, cái gùi trên vai bị rớt xuống đất, mắt bị máy mắt bên phải, những cây có quả, hôm nay như không có quả, các phương hướng không rõ.

Khi ấy, thần-thiếp phát sinh tâm sợ hãi, nên cầu nguyện chư-thiên hộ trì Đức đạo-sĩ Vessantara, phu-quân, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp được an toàn, thân tâm được an-lạc.

Trên con đường từ rừng trở về, thần-thiếp gặp phải ba con thú dữ: con sư tử, con cọp, con báo nằm chặn con đường nhỏ chỉ đủ một người đi, nên thần-thiếp không còn đường nào khác để tránh chúng được.

Thần-thiếp đã cầu xin ba con chúa sơn lâm nhường đường cho thần-thiếp ngự đi trở về, mãi cho đến lúc mặt trời lặn, ba con chúa sơn lâm mới chịu tránh đường, nên thần-thiếp mới ngự trở về được.

Đó là nguyên nhân mà thần-thiếp về trễ đêm nay. Kính xin Hoàng-thượng tha lỗi cho thần-thiếp.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī phân trần như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi làm thinh không nói lời nào cho đến lúc rạng đông ngày hôm sau.

Nữ đạo-sĩ Maddī ngồi than vãn đủ điều mà Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ vẫn ngồi lặng yên như pho tượng. Lòng nôn nóng muốn nhìn thấy hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, nữ đạo-sĩ Maddī vừa khóc than thảm thiết vừa đi vào rừng với ánh sáng trăng, cố gắng tìm khắp mọi nơi mà hai đứa con yêu quý đã từng đến chơi, với hy vọng mong manh gặp được hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā. 

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vừa khóc than thảm thiết vừa thất tha thất thểu đi tìm hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā quanh quẩn suốt đêm gồm quãng đường dài khoảng 15 do tuần. Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mệt lử, rồi thất vọng trở về đứng trước cốc, nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara ngồi yên như pho tượng, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī khóc than nức nở rằng:

“Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của thần-thiếp chết rồi hay sao?”

Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī ngất xỉu ngã lăn xuống mặt đất chết giấc. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nghĩ rằng: “Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī như thế nào?”

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bước xuống, đi đến đặt tay phải lên trên trán Chánh-cung Hoàng-hậu, biết cảm giác còn hơi ấm, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đem nước rưới lên mặt. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara không đụng chạm vào thân thể Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī suốt bảy tháng qua, nhưng do năng lực của tâm sầu não, quá cảm động nên trào hai dòng nước mắt chảy ra, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đưa tay nâng thân hình tiều tuỵ của Chánh-cung Hoàng-hậu đặt trên vế, rồi rưới nước lên mặt.

Một lát sau Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tỉnh lại, cảm thấy hổ thẹn, nên đảnh lễ Đức đạo-sĩ, tâu rằng:

– Tâu Hoàng-thượng, hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai đứa con yêu quý của Hoàng-thượng ở đâu?

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

– Này nữ đạo-sĩ! Xin lỗi nữ đạo-sĩ, bần đạo đã tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý đến cho ông Bà-la-môn Jūjaka rồi, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Vậy, xin nữ đạo-sĩ Maddī phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng này.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

– Tâu Hoàng-thượng, Hoàng-thượng đã tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý đến cho ông Bà-la-môn Jūjaka rồi, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Sao Hoàng-thượng không truyền bảo cho thần-thiếp biết ngay từ đầu hôm vậy?

Đức Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Sở dĩ bần đạo không dám truyền bảo cho nữ đạo-sĩ biết ngay từ đầu hôm là vì bần đạo e ngại, nếu nữ đạo-sĩ biết như vậy thì sẽ không ngăn được sự khổ tâm cùng cực làm cho trái tim bị vỡ ra.

– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Nữ đạo-sĩ nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ pháp-hạnh đại-thí con yêu quý để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Xin nữ đạo-sĩ không nên buồn khổ nữa. Bần đạo hy vọng rằng chúng ta sẽ gặp lại hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā, hai con yêu quý của chúng ta.

– Này nữ đạo-sĩ Maddī! Bần đạo có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ chúng-sinh thóat khỏi biển khổ luân-hồi, nếu có người nào đến xin trái tim của bần đạo thì bần đạo dám mổ ngực lấy trái tim, đem bố-thí đến người ấy ngay.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, nay thần-thiếp cảm thấy vô cùng hoan hỷ với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cao thượng của Hoàng-thượng. 

Kính xin Hoàng-thượng nên tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, để hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

– Muôn tâu Hoàng-thượng, phần đông mọi người có tính keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản, con cái của mình, còn Hoàng-thượng là bậc luôn luôn hoan hỷ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Hoàng-thượng. Đó là điều phi thường chưa từng có làm cho mặt đất rung chuyển, chư-thiên các cõi trời dục-giới đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu! Chư Đức-vua-trời cõi trời dục-giới cũng đều hoan hỷ thốt lên lời Sādhu!

Chánh-cung Hoàng-hậu suy xét rằng:

“Tuy người mẹ là người mang thai 10 tháng sinh con ra, nuôi dưỡng con bằng bầu sữa mẹ, ẵm bồng, chăm sóc nuôi nấng con khôn lớn, nhưng người cha vẫn là người chủ của người con. Cho nên, Đức-vua tạo pháp-hạnh đại-thí con yêu quý cho ông Bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật. Đó là pháp-hạnh đại-thí con yêu quý khó tạo mà Đức-vua đã tạo được như vậy. Vậy, ta nên bày tỏ đại-thiện-tâm hoan hỷ”. Do nghĩ như vậy, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp thành tâm nói lên lời hoan hỷ “Sādhu!” với pháp-hạnh đại-thí con yêu quý của Hoàng-thượng.

Đức-Vua-Trời Sakka Hỗ Trợ

Đức-vua-trời Sakka thấy Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī phát sinh đại-thiện-tâm cùng nhau hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất (piyaputtamahādāna), nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng: 

“Hôm qua, Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất của Đức-vua đến ông Bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn, làm cho trái đất rung chuyển, các hàng chư-thiên từ các cõi trời dục-giới cho đến các cõi trời sắc-giới phạm-thiên đều hoan hỷ thốt lên lời “Sādhu!” tán dương ca tụng vang rền khắp toàn cõi trời.

Sau này, nếu có người nào đến hầu Đức-vua Bồ-tát Vessantara, xin Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī thì Đức-vua Bồ-tát cũng sẽ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho người ấy dẫn đi nơi khác.

Nếu như vậy thì Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara chỉ còn một mình, không có người hộ độ Đức-Bồ-tát nữa.

Không muốn điều ấy sẽ xảy ra đối với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, ta nên biến hóa thành vị Bà-la-môn đến chầu Đức-vua Bồ-tát, rồi xin Chánh-cung Hoàng-hậu để cho Đức-vua Bồ-tát thành tựu pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý (piyabhariyamahādāna) của Đức-Bồ-tát, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Sau đó, ta sẽ kính dâng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī trở lại đến Đức-vua Bồ-tát Vessantara.”

Nghĩ xong, vào lúc mặt trời mọc Đức-vua-trời Sakka từ cõi trời Tam-thập-Tam-thiên xuất hiện xuống cõi người biến hóa thành Bà-la-môn đến chầu Đức-vua Bồ-tát Vessantara có sự hiện diện của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương có ít bệnh phải không? Tứ đại của Đại-vương được điều hoà, thân tâm của Đại-vương thường được an-lạc, Đại-vương ngự tại nơi núi rừng này, có các loại trái cây, các loại củ đầy đủ độ dùng hằng ngày phải không ? 

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara truyền bảo rằng:

– Này Bà-la-môn! Bần đạo có ít bệnh, tứ đại của bần đạo được điều hòa, thân tâm thường được an-lạc, bần đạo ngự tại nơi núi rừng này, có các loại trái cây, các loại củ đầy đủ độ dùng hằng ngày.

Trú tại rừng núi Vaṅka này suốt bảy tháng qua, hôm nay bần đạo hân hạnh gặp được ông là vị Bà-la-môn có phẩm hạnh cao quý thứ hai.

– Này Bà-la-môn! Ông đến nơi này hợp thời đúng lúc, xin mời Ông vào bên trong, mời ông ngồi dùng các loại trái cây, dùng nước một cách tự nhiên.

– Này Bà-la-môn! Ông đã vất vả đi đến đây có nguyện vọng gì, xin ông nói cho bần đạo rõ được không?

Vị Bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka) tâu tán dương Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, dòng nước sông lúc nào cũng tràn đầy, không bao giờ khô cạn như thế nào, Đức-vua Bồ-tát Vessantara có đầy tâm-từ, tâm bi tế độ đến những kẻ hành khất cũng như thế ấy.

– Muôn tâu Đại-vương, kẻ tiện dân này già yếu, đến đây có nguyện vọng muốn xin Đại-vương ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho kẻ tiện dân này.

Đó là nguyện vọng của kẻ tiện dân già yếu này đến chầu Đại-vương sáng hôm nay.

Đức-Vua Bồ-Tát Tạo Pháp-Hạnh Đại-Thí Vợ Yêu Quý

Nghe Bà-la-môn tâu xin như vậy, Đức-vua Bồ-tát Vessantara truyền bảo rằng:

– Này Bà-la-môn! Ngày hôm qua, bần đạo đã tạo pháp-hạnh đại-thí hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhā-jinā, hai đứa con yêu quý nhất của bần đạo rồi. 

Nay, dù chỉ còn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī mà thôi, bần đạo cũng vô cùng hoan hỷ truyền bảo cho ông biết rằng:

– Này Bà-la-môn! Ông chắc chắn sẽ được toại nguyện. Bần-đạo vô cùng hoan hỷ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī đến cho ông với đại-thiện-tâm không hề nao núng, bởi vì bần đạo vô cùng hoan hỷ tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đem bình nước ra, một tay cầm bình nước còn tay kia nắm tay bà Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, Đức-vua Bồ-tát rót nước từ bình chảy xuống bàn tay bà Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, rồi chảy xuống bàn tay vị Bà-la-môn.

Đó là nghi lễ ban Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī cho vị Bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka).

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đã thành tựu pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý (piyabhariyamahādāna) của Đức-Bồ-tát trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn.

Pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý là 1 trong 5 pháp-hạnh đại-thí mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo để cho pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được đầy đủ trọn vẹn.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara có cơ hội tốt, duyên may đã thành tựu được pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất của Đức-Bồ-tát, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ.

Sau khi tạo pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý nhất xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo với ông Bà-la-môn rằng:

“Ambho Brahmaṇa! Maddito me sataguṇena sahassa-guṇena satasahassaguṇena sabbaññutaññāṇameva piya-taraṃ. Idaṃ me dānaṃ Sabbaññutaññāṇappaṭivedhassa paccayo hotu.”

– Này ông Bà-la-môn! Bần-đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Toàn-Giác mà thôi, là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.

Pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý này của bần đạo xin làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Toàn-Giác.

Khi ấy, do oai lực của pháp-hạnh đại-thí vợ yêu quý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đến cho ông Bà-la-môn (vốn là Đức-vua-trời Sakka) làm cho trái đất rùng mình chuyển động, trên bầu trời sấm sét vang rền, đỉnh núi Sineru (Tu-di-sơn) cúi xuống núi Vaṅka tỏ sự cung kính, toàn thể chư-thiên ngự trên mặt đất đều tán dương ca tụng bằng lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Chư Đức-vua-trời các cõi trời dục-giới cùng toàn thể chư-thiên cõi dục-giới đều chắp tay thốt lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Chư Phạm-thiên cõi trời sắc-giới cũng đều thốt lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Còn Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn giữ trạng-thái tự nhiên, không hề biến sắc mặt, không tỏ vẻ không vừa lòng Đức phu-quân của mình, không lộ vẻ ngượng ngùng, cũng không hề rơi nước mắt, Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī có đức tính nhẫn-nại tự nhiên.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn tự nhiên, làm thinh không nói lời nào. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara hiểu biết được đức tính cao thượng của Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý (piyaputtamahādāna) là hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā còn nhỏ, và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý (piyabhariyaramahādāna) là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tế độ cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biển khổ luân-hồi.

Sự thật, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rất yêu thương hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā và rất yêu thương Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nhưng vì có ý nguyện tha thiết muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, nên Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Vessantara phải tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con nhỏ yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí người vợ trẻ yêu quý nhất của Đức-Bồ-tát, để bồi bổ cho được đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, hầu mong trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai.

Cho nên, ngôi vị Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là mục đích Tối-thượng mà Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara yêu quý hơn cả hoàng-tử Jāli, công-chúa Kaṇhājinā và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.

Hiểu biết được mục đích Tối-thượng của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, Đức Phu-quân của mình, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī hoan-hỷ hỗ trợ cho Đức-vua Bồ-tát Phu-quân của mình được thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī vẫn giữ thái độ tự nhiên. 

Khi ấy, nhìn thấy Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara, Đức Phu-quân nhìn thẳng vào khuôn mặt của mình, nên Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī dõng dạc tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, thần-thiếp còn trẻ đẹp, là Chánh-cung Hoàng-hậu của Hoàng-Thượng.

Vậy, Hoàng-thượng là Đức Phu-quân cũng là Đức chủ-nhân của thần-thiếp. Cho nên, Hoàng-thượng muốn ban thần-thiếp đến cho vị nào, hoặc đem sinh-mạng của thần-thiếp hiến dâng đến vị nào, tùy theo ý của Hoàng-thượng.

Thần-thiếp vô cùng hoan hỷ thuận theo ý của Hoàng-thượng, chỉ để giúp cho Hoàng-thượng được thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Hoàng-thượng mà thôi.

Hiểu biết được đại-thiện-tâm vô cùng cao thượng của Đức-vua Bồ-tát Vessantara và Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī, nên vị Bà-la-môn vốn là Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương đã thắng được kẻ thù bên trong tâm là mọi phiền-não và cảm thắng được kẻ thù bên ngoài là loài người và chư-thiên, nên làm cho mặt đất rùng mình chuyển động, Đức-vua-trời trong cõi trời dục-giới cùng với chư-thiên trong cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới cũng đến tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara. Tất cả chư-thiên, phạm-thiên đều hoan hỷ thốt lên rằng:

“Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara đã tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất và pháp-hạnh đại-thí người vợ yêu quý nhất, để bồi bổ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.”

Đó là những pháp-hạnh đại-thí khó tạo, chỉ có chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác mới có thể tạo những pháp-hạnh đại-thí này được mà thôi. Những hạng người thường không thể tạo được.

Cho nên, các pháp-hạnh ba-la-mật của chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác là cao thượng, khác hẳn với việc làm của những hạng người thường.

Sau khi nói lời hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara xong, vị Bà-la-môn vốn là Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng: Bây giờ, ta nên dâng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī lại cho Đức-Bồ-tát đạo-sĩ”, nên tâu rằng:

– Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, hôm qua Đức-Bồ-tát đã tạo pháp-hạnh đại-thí hai đứa con yêu quý nhất, hôm nay Đức-Bồ-tát đã tạo pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý nhất, làm cho mặt đất rùng mình chuyển động, chư-thiên trong các tầng trời dục-giới, chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới cũng đều tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.

– Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, nay tôi xin kính dâng Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī lại cho Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ, bởi vì Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ và Chánh-cung Hoàng-hậu đều là hai bậc đại-thiện-trí thực-hành phạm-hạnh cao thượng, hai bậc đại-thiện-trí đều thuộc dòng dõi vua chúa.

Hằng ngày, nữ đạo-sĩ Maddī hộ độ, phục vụ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.

– Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, bổn vương vốn là Đức-Vua-trời Sakka xuất hiện đến nơi này, biến hóa thành vị Bà-la-môn, cốt để giúp Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ tạo pháp-hạnh đại-thí vợ trẻ yêu quý nhất, chỉ giúp cho thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ mà thôi.

Khi ấy, vị Bà-la-môn biến trở lại thành Đức-vua-trời Sakka đứng trên hư không tâu với Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Vessantara rằng: 

– Muôn tâu Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, bổn vương sẽ kính dâng đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ 8 ân huệ.

Kính xin Đức-Bồ-tát đạo-sĩ chọn lấy 8 ân huệ.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app