Phần 6

PHẦN II

30 Tích Đức-Bồ-Tát Tiền-Kiếp Đức-Phật Gotama

Tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá khứ cho đến kiếp chót là Đức-Bồ-tát Siddhattha trở thành Đức-Phật Gotama thì không thể nào kể bằng số được. Tuy nhiên trong bộ Chú-giải Jātaka (Jātakaṭṭhakathāpāḷi) gồm có 547 tích Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, bắt đầu tích Apaṇṇaka-jātaka và tích cuối cùng Vessantarajātaka.

Những tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama này được Đức-Phật thuyết trong trường hợp gặp sự kiện nào, hoặc nguyên nhân nào xảy ra trong kiếp hiện-tại có liên quan đến tiền-kiếp của Đức-Phật với sự kiện ấy hoặc với các nhân vật ấy.

Nhân cơ hội ấy, Đức-Phật thuyết về tiền-kiếp của Ngài, để tế độ các chúng-sinh ấy được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài. Đức-Phật thuyết về tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama gồm có 547 tích, được ghi trong 7 bộ Chú-giải Pāḷi gọi là Jātakaṭṭhakathāpāḷi bắt đầu tích Apaṇṇakajātaka và tích cuối cùng Vessantarajātaka.

Quyển VI: Pháp-Hạnh Ba-La-Mật 1, có 2 phần

Phần I đã trình bày xong.

Phần II trình bày 3 pháp-hạnh ba-la-mật:

– Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

– Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng. 

– Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.

Mỗi bậc được trích chọn 1 tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama làm tiêu biểu có liên quan trực tiếp tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc ấy.

Tên Mỗi Tích Jātaka

Tên mỗi tích Jātaka, phần nhiều được lấy tên Đức-Bồ-tát đặt tên tích Jātaka. Ví dụ tích Vessantarajātaka, tích Vidhurajātaka, tích Bhūridattajātaka, v.v…

Khi thì lấy tên đầu đề pháp đặt tên tích Jātaka. Ví dụ tích Devadhammajātaka, tích Kurudhammajātaka, v.v…

Khi thì lấy tên nơi chốn, đồ vật đặt tên tích Jātaka. Ví dụ tích Araññajātaka, tích Sāketajātaka, tích Sattu-bhastajātaka, tích Bhisajātaka, Ummaṅgajātaka, v.v…

1- Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Có 3 Bậc

1.1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ (dānaparamī).

1.2- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung (dāna-upapāramī).

1.3- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dānaparamatthapāramī).

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ như thế nào?

Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ là Đức-Bồ-tát bố-thí những gì thuộc về bên ngoài thân thể của Đức-Bồ-tát như của cải tài sản, vàng bạc, châu báu, ngai vàng, … đến người khác, chúng-sinh khác, thậm chí đem cả con yêu quý và vợ yêu quý của mình đem bố-thí đến người khác, để thành-tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ấy, nhưng không liên quan đến các bộ phận trong thân thể và sinh-mạng của Đức-Bồ-tát. 

Như vậy, gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ (dāna pāramī).

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung như thế nào?

Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung là Đức-Bồ-tát không chỉ bố-thí những của cải tài sản bên ngoài, mà còn bố-thí các bộ phận nào bên trong thân thể của mình như đôi mắt, … đến người khác, để thành-tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật ấy, nhưng không liên quan đến sinh-mạng của Đức-Bồ-tát.

Như vậy, gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc trung (dāna upapāramī).

Pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc thượng như thế nào?

Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng là Đức-Bồ-tát không chỉ bố-thí những của cải tài sản bên ngoài và bố-thí các bộ phận bên trong thân thể của mình như đôi mắt, … mà còn bố-thí sinh-mạng của mình đến cho chúng-sinh khác, để thành-tựu pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Như vậy, gọi là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dāna paramatthapāramī).

1.1- Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Bậc Hạ (Dānapāramī)

Tích Đức-vua Bồ-tát Vessantara (wêt-xăn-tá-rá)

Tích Vessantarajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama làm Đức-vua Vessantara tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc hạ (dānapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Nigrodhārāma gần kinh-thành Kapilavatthu. Nhóm bô lão dòng tộc Sakya tự cho mình lớn tuổi hơn Đức-Phật, nên họ không đảnh lễ Đức-Phật. Đó là nguyên nhân Đức-Thế-Tôn thuyết tích Vessantarajātaka để tế độ dòng tộc Sakya.

Đức-vua Suddhodana là Phụ-vương của Thái-tử Siddhattha ngự tại kinh-thành Kapilavatthu, nghe tin Thái-tử Siddhattha đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), rồi thuyết pháp tế độ chúng-sinh trong khắp mọi nơi.

Nay, Đức-Phật Gotama hiện đang ngự tại kinh-thành Rājagaha. Từ kinh-thành Kapilavatthu đến kinh-thành Rājagaha cách xa khoảng 60 do tuần. Đức-vua Suddhodana có nguyện vọng muốn đảnh lễ Đức-Phật Gotama, và muốn dòng tộc Sakya được nghe Đức-Phật thuyết pháp tế độ họ, nên Đức-vua truyền lệnh một vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi kính thỉnh Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, để Đức-vua Suddhodana đảnh lễ, và thỉnh Đức-Phật thuyết pháp tế độ dòng tộc Sakya.

Vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng lên đường từ kinh-thành Kapilavatthu đến kinh-thành Rājagaha cách xa khoảng 60 do tuần. Khi vị quan lớn cùng 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến ngôi chùa Veḷuvana, trong khi Đức-Phật đang thuyết pháp, họ đứng sau hội chúng nghe pháp, sau khi nghe pháp xong, vị quan lớn cùng với 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy, nên xem nhẹ lệnh truyền của Đức-vua Suddhodana. Tất cả đều kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-vua Suddhodana trông ngóng từng ngày vẫn không nghe tin tức, nên truyền lệnh một vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng khác đi thỉnh Đức-Phật Gotama. Cũng như lần trước, 1001 vị quan sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp cũng đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-vua Suddhodana lại truyền lệnh một vị quan lớn dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng khác. Như vậy, đến lần thứ 9, gồm có 9009 vị quan đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-vua Suddhodana cảm thấy nóng lòng muốn chiêm bái, đảnh lễ Đức-Phật Gotama. Đã gởi 9 phái đoàn gồm có 9009 vị quan mà vẫn không có tin tức gì cả.

Xét thấy một vị quan lớn thân tín nhất trong triều đình, đó là vị quan Kāḷudāyī, người sinh cùng một ngày với Thái-tử Siddhattha năm xưa, Đức-vua truyền lệnh vị quan lớn Kāḷudāyī dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Gotama, rồi bằng mọi cách kính thỉnh cho được Đức-Phật Gotama ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, để cho Đức-vua đảnh lễ, và thiết tha muốn được nghe pháp của Đức-Phật Gotama.

Tuân lệnh Đức-vua Suddhodana, vị quan lớn Kāḷudāyī dẫn đầu 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đến kinh-thành Rājagaha, vào ngôi chùa Veḷuvana, trong khi Đức-Phật đang thuyết pháp, họ đứng sau hội chúng nghe pháp, sau khi nghe pháp xong, vị quan lớn cùng với 1000 vị quan thuộc hạ tùy tùng đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Đức-Phật Ngự Trở Về Kinh-Thành Kapilavatthu

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī đảnh lễ Đức-Phật, tán dương ân-đức của Đức-Phật với 64 câu kệ. Nay, đúng lúc hợp thời xin kính thỉnh Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, để Đức-vua Suddhodana, Đức Phụ-vương của Ngài chiêm bái, đảnh lễ Ngài, tha thiết muốn nghe Ngài thuyết pháp tế độ dòng tộc Sakya.

Nhận lời thỉnh mời của Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī, từ ngày 16 tháng 2, Đức-Phật Gotama bắt đầu khởi hành từ ngôi chùa Veḷuvana, kinh-thành Rājagaha ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu, cùng với đoàn chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng 20.000 vị, cứ mỗi ngày đi được một do tuần, từ kinh-thành Rājagaha đến kinh-thành Kapilavatthu cách xa khoảng 60 do tuần. Như vậy, thời gian 2 tháng mới đến kinh-thành Kapilavatthu.

Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī là bậc Thánh A-ra-hán sử dụng thần thông bay trở về kinh-thành Kapilavatthu trước, để báo cho Đức-vua Suddhodana biết Đức-Phật Gotama đang trên đường ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu.

Nghe tin lành như vậy, Đức-vua Suddhodana vô cùng vui mừng hoan hỷ truyền lệnh cho các quan sửa soạn trang hoàng khu vườn Nigrodhārāma của dòng tộc Sakya cho thật trang nghiêm, để chuẩn bị đón tiếp Đức-Phật Gotama cùng 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. 

Vào ngày 16 tháng 4 (âm lịch), sau khi đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama (được 1 năm lẻ 1 ngày), Đức-Phật ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Sau 6 năm 10 tháng lẻ 1 ngày xa cách, kể từ khi Ngài còn là Thái-tử siddhattha rời bỏ kinh-thành Kapila-vatthu trốn đi xuất gia vào đêm rằm tháng 6 năm xưa cho đến nay.

Đức-vua Suddhodana cùng tất cả hoàng tộc Sakya, dân chúng đón rước Đức-Phật Gotama cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng rất trọng thể. Đức-Phật ngự đến khu vườn Nigrodhārāma cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Một số bậc bô lão trong dòng tộc Sakya có tính ngã-mạn nên suy nghĩ rằng:

“Đức-Phật còn trẻ tuổi cũng như hàng con cháu, còn chúng ta là những bậc bô lão trong dòng tộc Sakya, không nên đảnh lễ Đức-Phật.”

Biết rõ ý nghĩ của họ, nên Đức-Phật nhập đệ tứ thiền, rồi hóa phép-thần-thông hóa ra một con đường bằng thất báu trên hư không, Đức-Phật đi kinh hành qua lại, cho bụi dưới chân của Đức-Phật rơi rớt xuống đầu những người thân quyến dòng tộc Sakya của Ngài, rồi Ngài hóa phép-thần-thông Yamakapāṭihāriya đặc biệt, để tế độ tất cả mọi người thân quyến lớn nhỏ trong dòng tộc Sakya đều phát sinh đức-tin trong sạch, một lòng tôn kính và thành kính đảnh lễ Ngài.

Yamakapāṭihāriya là phép-thần-thông như thế nào?

Yamakapāṭihāriya là phép-thần-thông đặc biệt có hai dòng nước và lửa song song cùng phát ra từ hai con mắt bên trái và bên phải, từ hai lỗ tai bên trái và bên phải, từ hai lỗ mũi bên trái và bên phải, từ hai bên vai phải và vai trái, từ hai tay phải và tay trái, từ hai chân phải và chân trái, v.v…

Hai dòng nước và lửa có thể thay đổi vị trí nhau. Phép-thần-thông Yamakapāṭihāriya này chỉ Đức-Phật mới có mà thôi, còn chư Thánh thanh-văn đệ-tử không có khả năng hóa phép-thần-thông này được.

Khi ấy, Đức-vua Suddhodana chắp hai tay bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sau khi đản sinh ra đời, Ngài trở về cung điện, con truyền lệnh cho bà nhũ mẫu ẵm Ngài đến để đảnh lễ vị đạo-sư Kāḷadevila, thì Ngài hiện lên đứng trên đầu vị đạo-sư.

Đó là việc phi thường chưa từng có! Lần đầu tiên con đã đảnh lễ Ngài.

Vào ngày lễ Vappamaṅgala: lễ hạ điền, che lều để Ngài ngồi ngự dưới cội cây trâm mà bóng mát cây trâm đứng yên một chỗ không hề di chuyển.

Đó cũng là điều phi thường chưa từng có! Lần thứ nhì con đã thành kính đảnh lễ Ngài.

Hôm nay, nhìn thấy Ngài hóa phép-thần-thông Yamakapāṭihāriya thật phi thường mà con chưa từng thấy! Lần thứ ba con thành kính đảnh lễ Ngài.

Nhìn thấy Đức-vua Suddhodana đảnh lễ Đức-Phật, cho nên tất cả mọi người thân quyến, các bô lão lớn và nhỏ trong dòng tộc Sakya đều phát sinh đức-tin trong sạch, một lòng tôn kính và thành kính đảnh lễ Đức-Phật.

Đức-Phật từ trên hư không hiện xuống ngự trên pháp toà, tất cả thân quyến lớn nhỏ trong dòng tộc Sakya ngồi tụ hội tại khu vườn Nigrodhārāma, có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật. Khi ấy, một trận mưa lớn như nước đổ xuống mặt đất, nhưng đặc biệt những người nào muốn ướt, thì nước mưa thấm ướt những người ấy, còn những người nào không muốn ướt thì nước mưa không thấm ướt người ấy.

Tất cả các hàng Thanh-văn đệ-tử đều chứng kiến một sự kiện phi thường chưa từng có, chư tỳ-khưu tán dương ca tụng rằng:

Thật là một điều kỳ diệu! Thật là một điều phi thường chưa từng có!

Do oai lực của Đức-Phật, một trận mưa lớn rơi xuống những người thân quyến dòng tộc Sakya.

Nghe chư tỳ-khưu đang đàm đạo với nhau như vậy, Đức-Phật bèn truyền hỏi rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch Đức-Thế-Tôn về chuyện ấy, nên Đức-Thế-Tôn bèn truyền dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Một trận mưa lớn như vậy, không những xảy ra trong thời hiện-tại này, mà khi Như-Lai còn là Đức-Bồ-tát cũng đã từng làm một trận mưa lớn rơi xuống những người thân quyến của Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Như-Lai cũng như vậy.

Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về tích Đức-Bồ-tát ấy tiền-kiếp của Ngài.

Tích Đức-Bồ-Tát Vessantara

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại khu vườn Nigrodhārāma, gần kinh-thành Kapilavatthu. Nhân dịp Đức-Thế-Tôn lần đầu tiên ngự trở về kinh-thành Kapilavatthu cùng với 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, sau 6 năm 10 tháng lẻ 1 ngày xa cách. 

Đức-Phật thuyết giảng tích Vessantarajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, là Đức-vua Bồ-tát Vessantara, để tế độ toàn thể thân quyến trong dòng tộc Sakya, được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Sañjaya ngự tại kinh-thành Jetuttara trị vì đất nước Sivi, có Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī được Đức-vua Sañjaya sủng ái nhất.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đang hưởng mọi sự an-lạc tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, Đức-vua-trời Sakka ngự đến thỉnh Đức-Bồ-tát xuống cõi người tái-sinh đầu thai vào lòng Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī của Đức-vua Sañjaya tại kinh-thành Jetuttara, đất nước Sivi, để bồi bổ cho đầy đủ các pháp-hạnh ba-la-mật.

Đức-Bồ-Tát Tái-Sinh

Chấp nhận theo lời thỉnh mời của Đức-vua-trời Sakka, Đức-Bồ-tát đã chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Đức-Bồ-tát sau khi chuyển kiếp (chết), đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh vào lòng bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī của Đức-vua Sañjaya đất nước Sivi, đồng thời có 60.000 vị thiên-nam cũng chuyển kiếp (chết) từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đại- thiện nghiệp cho quả tái-sinh vào lòng 60.000 phu-nhân của 60.000 vị quan trong triều đình của Đức-vua Sañjaya.

Khi bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phusatī có thai, thì thai nhi Đức-Bồ-tát khiến Mẫu-hậu phát sinh đại-thiện-tâm muốn làm phước-thiện bố-thí. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī tâu trình Đức-vua Sañjaya biết Bà đã có thai, và muốn làm phước-thiện bố-thí. Bà xin Đức-vua cho phép lập ra 6 trại bố-thí: 4 trại tại 4 cửa thành, 1 trại giữa kinh-thành và 1 trại trước cung điện. 

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu tâu cho biết đã có thai, Đức-vua rất vui mừng, chuẩn theo lời tâu của Bà. Mỗi ngày Đức-vua cấp 60.000 đồng Kahāpaṇa cho Bà làm phước-thiện bố-thí tại 6 trại theo ý muốn của bà.

Đức-vua truyền lệnh cho mời các vị quân sư Bà-la-môn vào cung điện, hỏi về bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī mang thai có ý muốn làm phước-thiện bố-thí như vậy có ý nghĩa gì?

Các quân sư Bà-la-môn tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī mang thai mà thai nhi là một Thái-Tử hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí bao nhiêu cũng không biết đủ.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua cảm thấy vô cùng hoan hỷ.

Do oai lực các pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát, từ khi mang thai Đức-Bồ-tát, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī thường nhận được những lễ vật quý giá, có nhiều người hầu hạ, và Đức-vua Sañjaya cũng thường nhận những cống vật quý giá từ các nước lân bang, còn trong hoàng tộc mọi người đều được hạnh phúc an-lạc, thần dân thiên hạ được an cư lạc nghiệp, dân giàu nước mạnh.

Khi thai nhi Đức-Bồ-tát tròn đủ mười tháng, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī muốn du ngoạn quanh kinh-thành, nên tâu xin Đức-vua Sañjaya.

Đức-vua chuẩn y theo lời tâu của Bà, rồi truyền lệnh cho các quan và dân chúng trang hoàng kinh-thành cho đẹp đẽ. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī ngự trên xa giá sang trọng lộng lẫy cùng với các quan quân theo hộ giá, du ngoạn quanh kinh-thành.

Khi xa giá đến giữa con đường của những người lái buôn, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī phát sinh triệu chứng sắp lâm bồn (sắp sinh). Đức-vua truyền lệnh cho các quan làm phòng hộ sinh để cho Bà Chánh-cung Hoàng-hậu hạ sinh Thái-Tử.

Đức-Bồ-tát Thái-Tử được đản sinh ra khỏi lòng Mẫu-hậu rất sạch sẽ, không giống như những đứa trẻ khác, Đức-Bồ-tát Thái-tử vừa mới mở mắt, ngửa lòng bàn tay phải ra, liền tâu lời đầu tiên với Mẫu-hậu rằng:

Amma dānaṃ dassāmi, atthi kiñci te dhanaṃ.

– Muôn tâu Mẫu-hậu, Mẫu-hậu có của cải gì, cho con, con sẽ làm phước-thiện bố-thí.

Nghe Thái-tử tâu như vậy, Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Phussatī vô cùng hoan hỷ truyền dạy rằng:

Tāta yathā ajjhāsayena dānaṃ dehi.

– Này Hoàng-nhi yêu quý! Của cải của Mẫu-hậu, con hãy đem làm phước-thiện bố-thí, tuỳ theo sở nguyện của con.

Bà liền cho một gói tiền 1000 kahāpana đặt trên tay Thái-tử.

Lễ Đặt Tên Thái-Tử

Đức-vua Sañjaya làm lễ đặt tên Thái-tử là Vessantara, nghĩa là Thái-tử đản sinh giữa con đường người lái buôn.

Ngày Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara đản sinh, một con voi lớn dẫn một voi con toàn thân đều màu trắng (bạch-tượng) gọi là con Bạch-tượng An-lành (maṇgala-hatthi) dâng lên Đức-vua Sañjaya. Con Bạch-tượng con này được đặt tên Paccaya bởi con Bạch-tượng này sinh ra do năng lực pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara trưởng thành cùng với 60.000 công-tử của 60.000 vị quan trong triều đình của Đức-vua Sañjaya. Đức-Bồ-tát Thái-tử vốn có tính hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

Thật vậy, Đức-vua Sañjaya truyền lệnh làm đồ trang sức cho Thái-tử với giá trị 100 ngàn kahāpana, khi ấy mới lên 4-5 tuổi, Đức-Bồ-tát Thái-tử đã biết cởi đồ trang sức làm phước bố-thí cho người nhũ mẫu, mà Thái-tử không chịu nhận đồ trang sức ấy từ người nhũ mẫu dâng trở lại nên người nhũ mẫu tâu sự việc ấy lên Đức-vua.

Đức-vua truyền bảo rằng:

“Đồ trang sức mà Hoàng-nhi của Trẫm ban cho ngươi, đồ trang sức ấy thuộc về của ngươi.”

Đức-vua truyền lệnh làm lại đồ trang sức khác cho Thái-tử. Cũng như lần trước Đức-Bồ-tát Thái-tử lại cởi đồ trang sức ra làm phước bố-thí ban cho những người nhũ mẫu khác, qua chín lần như vậy.

Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Phát-Nguyện

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử lên 8 tuổi, ngự trên lâu đài tư duy rằng: Ta đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bên ngoài thân thể, pháp-hạnh bố-thí ấy chưa đủ làm cho ta phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ nhiều.

Vậy, ta nên phát-nguyện muốn tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bên trong thân thể của ta rằng:

* Nếu có người nào đến xin trái tim của ta thì ta cho phép mổ ngực của ta, lấy trái tim cho người ấy.

* Nếu có người nào đến xin đôi mắt của ta thì ta sẽ đem đôi mắt cho người ấy.

* Nếu có người nào đến xin thịt trong thân thể của ta thì ta sẽ cắt, lẻo miếng thịt cho người ấy.

* Nếu có người nào đến xin máu trong thân ta thì ta sẽ cắt đứt mạch máu để lấy máu cho người ấy.

* Nếu có người nào nói với ta rằng: “Ngươi hãy làm người tôi tớ của ta” thì ta cũng hoan hỷ làm một người tôi tớ trung thành, ngoan ngoãn vâng lời người chủ ấy.

Khi ta phát-nguyện tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đúng sự thật như vậy, đại-thiện-tâm của ta vững chắc không hề lay động.

Khi ấy, do oai lực lời phát-nguyện ấy khiến cho trái đất rung chuyển, đại dương nổi sóng, Đức-vua-trời Sakka phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ, Đức Phạm-thiên cũng tán dương ca tụng Sādhu! Lành thay! Chư-Thiên Phạm-thiên đều phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ.

Đức-Bồ-Tát Thái-Tử Lên Ngôi Báu

Khi Đức-Bồ-tát Thái-tử Vessantara trưởng thành lên 16 tuổi, có tài đức vẹn toàn, Đức-vua Sañjaya truyền ngôi báu cho Thái-tử Vessantara, đồng thời thành hôn với công-chúa Maddī là con gái của Đức-vua Madda (Đức-vua Madda là em trai của Mẫu-hậu Phussatī).

Đức-vua Bồ-tát Vessantara tấn phong công-chúa Maddī lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu. Đức-vua Bồ-tát Vessantara lên ngôi ngự tại kinh-thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi, mỗi ngày Đức-vua Bồ-tát chi 600 ngàn đồng kahāpana, để tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật trong 6 trại bố-thí mà Mẫu-hậu đã từng tạo phước-thiện bố-thí.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự trên con Bạch-tượng báu được trang sức bằng những sợi dây vàng bạc châu báu quý giá, đến 6 trại bố-thí mỗi tháng 6 lần.

Hoàng-Tử Jāli Và Công-Chúa Kaṇhājinā

Về sau Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī sinh hạ hoàng-tử đặt tên là Hoàng-tử Jāli và mấy năm sau, Chánh-cung Hoàng-hậu lại sinh hạ một công-chúa, đặt tên là Công-chúa Kaṇhājinā. 

Hoàng-tử Jāli là đứa bé rất thông minh dĩnh ngộ và công-chúa Kaṇhājinā là đứa bé rất xinh đẹp dễ thương. Hoàng-tử Jāli và công-chúa Kaṇhājinā được Phụ-hoàng là Đức-Bồ-tát Vessantara và Mẫu-Hậu là Chánh-cung Hoàng-hậu Maddī rất mực thương yêu và được Hoàng gia gia là Thái-thượng-hoàng Sañjaya và Hoàng tổ mẫu là Hoàng-Thái-Hậu Phussatī cũng rất mực yêu thương.

Đất Nước Kāliṅga Bị Nạn Hạn Hán

Vào thời-kỳ ấy, đất nước Kāliṅga bị nạn hạn hán kéo dài, mùa màng cày cấy không được, dân chúng bị cảnh đói khổ. Dân chúng từ các nơi kéo về trước cung điện của Đức-vua, cầu xin Đức-vua cứu giúp, làm cho trong nước mưa thuận gió hoà, để dân chúng làm mùa màng, cày cấy.

Thương cảm với nỗi khổ của dân chúng, Đức-vua hứa sẽ cố gắng hết mình để làm cho mưa thuận gió hoà. Đức-vua đã thọ trì bát-giới uposathasīla suốt bảy ngày mà vẫn không có mưa. Đức-vua bèn truyền lệnh hội các quan văn võ trong triều và dân chúng trong kinh-thành, để tìm cách cứu giúp dân chúng.

Dân chúng tâu lên Đức-vua rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Vessantara ngự tại kinh-thành Jetuttara trị vì đất nước Sivi, Đức-vua có con Bạch-tượng báu là con Voi Maṅgalahatthi (Bạch-tượng hạnh phúc an lành). Con Bạch-tượng báu ấy ở nước nào thì nước ấy được mưa thuận gió hoà, mùa màng cày cấy thuận lợi, dân chúng được cuộc sống an cư lạc nghiệp.

Đức-vua Vessantara là bậc hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí. Vậy, xin Bệ-hạ truyền lệnh gởi các vị Bà-la-môn đến kinh-thành Jetuttara, chầu Đức-vua Vessantara, xin Đức-vua ban cho con Bạch-tượng báu ấy đem về nước ta.

Chuẩn y lời tâu của dân chúng, Đức-vua truyền tuyển chọn 8 vị Bà-la-môn gửi đi đến kinh-thành Jetuttara, chầu Đức-vua Vessantara, xin Đức-vua ban cho con Bạch-tượng báu ấy đem về nước.

Theo lệnh của Đức-vua, 8 vị Bà-la-môn lên đường đến kinh-thành Jetuttara, hỏi thăm dân chúng trong kinh-thành để biết Đức-vua Vessantara ngày nào ngự đến trại bố-thí. Được dân chúng cho biết, vào sáng ngày hôm sau Đức-vua Vessantara sẽ ngự đến trại bố-thí tại cửa thành phía đông, sau đó, Đức-vua Vessantara ngự đến trại bố-thí tại cửa thành phía nam, v.v…

Đức-Vua Bồ-Tát Bố-Thí Bạch-Tượng Báu

Vào sáng hôm ấy, con Bạch-tượng báu được trang sức bằng những dây vàng bạc, châu báu quý giá, Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngồi trên con Bạch-tượng báu ấy cùng với đoàn quân theo hộ giá, ngự đến trại bố-thí tại cửa thành phía đông, Đức-vua Bồ-tát tự tay tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật đôi ba người, rồi sau đó giao cho các quan làm phận sự bố-thí tiếp tục. Đức-vua Bồ-tát có đoàn quân hộ giá đông đảo, nên 8 vị Bà-la-môn không thể tiếp cận với Đức-vua Bồ-tát Vessantara được.

Do đó, 8 vị Bà-la-môn đến trại bố-thí tại cửa thành phía nam, đứng chờ sẵn. Khi Đức-vua Bồ-tát Vessantara vừa mới đến, thì 8 vị Bà-la-môn quỳ gối chắp tay nói lời tán dương ca tụng ân đức của Đức-vua Vessantara, rồi tự giới thiệu rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, bậc có tâm đại-bi vô lượng cứu khổ chúng-sinh. Chúng tiện dân từ đất nước Kāliṅga nơi ấy không có mưa, nạn hạn hán kéo dài, dân chúng trong nước không thể làm mùa màng cày cấy được, nên dân chúng lâm vào cảnh đói khổ lầm than bởi thiên tai. Cho nên Đức-vua Kāliṅga phái chúng thần đến cầu xin Bệ-hạ ban cho phước lành bố-thí con Bạch-tượng báu đem về nước, để cho được mưa thuận gió hoà, dân chúng trong nước được sinh sống an cư lạc nghiệp.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Vessantara tư duy rằng:

“Ta đã phát-nguyện tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật thuộc bên trong thân thể, mà những vị bà-la-môn này xin ta bố-thí những của cải bên ngoài thân thể. Dù như vậy, ta vẫn hoan hỷ thực-hành pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, ban con Bạch-tượng báu này cho nhóm Bà-la-môn từ đất nước Kāliṅga được toại nguyện như ý.”

Đức-vua Bồ-tát Vessantara đang ngự trên con Bạch-tượng báu mà truyền bảo rằng:

– Này các vị Bà-la-môn! Trẫm sẽ ban con Bạch-tượng báu này cho các ngươi. Các ngươi sẽ được toại nguyện.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara ngự xuống con Bạch-tượng báu, đi xung quanh ba vòng xem xét các đồ trang sức của con Bạch-tượng báu, không thiếu một món đồ trang sức nào, rồi Đức-vua Bồ-tát Vessantara cầm bình vàng đựng nước hoa thơm truyền gọi các vị Bà-la-môn rằng:

– Này các vị Bà-la-môn! Các ngươi hãy đến đây!

Đức-vua Bồ-tát Vessantara cầm cái vòi con Bạch-tượng báu đặt lên hai bàn tay của vị Bà-la-môn rồi rót nước hoa thơm từ cái vòi con Bạch-tượng báu chảy rơi xuống hai bàn tay của vị Bà-la-môn.

Con Bạch-Tượng Báu Và Đồ Trang Sức

Đó gọi là lễ Đức-vua Bồ-tát Vessantara ban con Bạch-tượng báu được trang sức bằng những đồ quý giá, nơi bốn chân Bạch-tượng có giá 400 ngàn kahāpana; hai bên hông Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; ba tấm lưới kết bằng loại ngọc muddā, ngọc maṇi và vàng có giá 300 ngàn kahāpana; ghế ngồi đặt trên lưng Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; tấm vải kambala kết bằng ngọc phủ trên lưng Bạch-tượng có giá 100 ngàn kahāpana; đồ trang sức trang điểm chỗ mô trên đầu Bạch-tượng có giá 100 ngàn kahāpana; ba sợi dây choàng có giá 300 ngàn kahāpana; đồ trang sức trang điểm hai lỗ tai Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; đồ trang sức trang điểm hai chiếc ngà Bạch-tượng có giá 200 ngàn kahāpana; đồ trang sức cái vòi Bạch-tượng có giá trị 100 ngàn kahāpana; đồ trang sức cái đuôi Bạch-tượng có giá trị 100 ngàn kahāpana, v.v…

Những đồ trang sức bên trên thân thể con Bạch-tượng báu gồm có giá trị 2200 ngàn kahāpana.

Và những đồ dụng cụ bên ngoài dùng cho Bạch-tượng báu có giá 200 ngàn kahāpana, gồm cả thảy 2400 ngàn kahāpana.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara không những ban con Bạch-tượng báu ấy cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga, mà còn ban vị quan nài con Bạch-tượng báu và 500 gia đình chăm nom săn sóc nuôi dưỡng con Bạch-tượng báu ấy nữa.

Đức-vua Bồ-tát Vessantara vô cùng hoan hỷ bố-thí con Bạch-tượng báu ấy gọi là tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, làm cho trái đất rung chuyển.

Sau khi nhận con Bạch-tượng báu, 8 vị Bà-la-môn vô cùng hoan hỷ được thoả nguyện như ý, rồi cùng với đoàn người tuỳ tùng rước con Bạch-tượng báu ra khỏi kinh-thành theo cửa hướng bắc, bị dân chúng trong kinh-thành chận lại hỏi rằng:

– Này quý vị Bà-la-môn! Quý vị rước con Bạch-tượng báu của chúng tôi đi đâu?

Quý vị có được con Bạch-tượng báu này như thế nào?

Tám vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Thưa quý vị, chúng tôi được Đức-vua Vessantara ban cho con Bạch-tượng báu này.

Nghe quý vị Bà-la-môn nói như vậy, dân chúng trong thành Jetuttana bực tức Đức-vua Vessantara, bởi vì Đức-vua đem con Bạch-tượng báu của đất nước Sivi ban cho các vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga.

Dân Chúng Tỏ Thái Độ Bất Bình

Tin tức Đức-vua Bồ-tát Vessantara ban con Bạch-tượng báu cho các vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga được lan rộng trong kinh-thành Jetuttara. Một số người không hài lòng việc bố-thí của Đức-vua Bồ-tát Vessantara, cho nên các người trong hoàng tộc, các hàng Bà-la-môn, các quan, quân lính, các thương gia, dân chúng trong kinh-thành, các tỉnh thành, v.v… tụ hội vào chầu Đức Thái-Thượng-Hoàng Sañjaya, bèn tâu rằng:

– Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, Đức-vua Vessantara đã đem con Bạch-tượng báu của đất nước Sivi ban cho 8 vị Bà-la-môn của đất nước Kāliṅga, việc làm này đã gây thiệt hại lớn cho đất nước Sivi này. Con Bạch-tượng báu ấy là quốc bảo của đất nước Sivi, mà triều đình cùng thần dân thiên hạ nương nhờ vào con Bạch-tượng báu ấy, nên đất nước được phồn vinh, toàn thể dân chúng được sinh sống an cư lạc nghiệp.

Vậy, tại sao Đức-vua Vessantara đem con Bạch-tượng báu ấy ban cho 8 vị Bà-la-môn của đất nước Kāliṅga?

– Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, con Bạch-tượng báu ấy vốn là phương tiện cao quý nhất để Đức-vua ngự đi làm quốc sự, hoặc nếu mỗi khi có quân thù kéo đến xâm lăng đất nước của chúng ta, thì con Bạch-tượng báu ấy sẽ là phương tiện để Đức-vua thân chinh ngự ra trận địa. Quân thù nhìn thấy con Bạch-tượng báu dũng cảm làm cho quân thù khiếp đảm lui quân hoặc bỏ chạy thóat thân.

Vậy, tại sao Đức-vua Vessantara lại đem con Bạch-tượng báu và quan giữ ngựa cùng với 500 gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng con Bạch-tượng báu ấy ban cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga?

Đáng lẽ Đức-vua Vessantara chỉ nên đem các thứ của cải khác ban cho các vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga mà thôi, không nên đem con Bạch-tượng báu ban cho họ, nhưng tại sao Đức-vua Vessantara lại đem con Bạch-tượng báu là quốc bảo của đất nước Sivi ban cho 8 vị Bà-la-môn đất nước Kāliṅga ?

– Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, Đức-vua Vessantara là hoàng Thái-tử của Đức Thái-thượng-hoàng, nên dân chúng trong đất nước Sivi xin Đức Thái-thượng-hoàng không nên xử tội Đức-vua Vessantara, cũng không nên giam Đức-vua Vessantara trong tù, mà chỉ xin Đức Thái-thượng-hoàng nên truyền lệnh mời Đức-vua Vessantara ra khỏi đất nước Sivi, đến rừng núi Himavanta, ở tại núi Vaṅka vậy.

Nghe lời yêu cầu của dân chúng đất nước Sivi như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo rằng:

– Này thần dân thiên hạ đất nước Sivi! Dù cho đất nước Sivi sẽ thiệt hại như thế nào đi nữa, Trẫm cũng không thể mời Đức-vua Vessantara là Hoàng Thái-tử của Trẫm ra khỏi đất nước Sivi này, bởi vì Hoàng Thái-tử là đứa con mà Trẫm yêu quý nhất. Vả lại Hoàng Thái-tử có giới hạnh trong sạch, có các pháp hành thiện cao thượng, cho nên Trẫm không thể nào làm khổ Hoàng Thái-tử của Trẫm được. 

Nghe Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo như vậy, dân chúng Sivi hăm doạ rằng:

– Muôn tâu Đức Thái-thượng-hoàng, nếu Đức Thái-thượng-hoàng không chiều theo lời yêu cầu của dân chúng Sivi, thì không chỉ Đức-vua Vessantara ở trong tay của chúng tôi mà còn Đức Thái-thượng-hoàng cũng ở trong tay của chúng tôi nữa.

Nghe dân chúng Sivi hăm doạ như vậy, Đức Thái-thượng-hoàng suy nghĩ rằng:

“Dân chúng Sivi này sẽ hại Hoàng Thái-tử của ta hay sao, mà dám nói lời hăm dọa như vậy, ta nên truyền lời hòa hoãn thì hơn.”

Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo rằng:

– Này thần dân thiên hạ đất nước Sivi! Nếu dân chúng nước Sivi muốn mời Hoàng Thái-tử của Trẫm ra khỏi nước Sivi này, thì Trẫm cũng chiều theo ý muốn của dân chúng Sivi, nhưng Trẫm xin Hoàng Thái-tử của Trẫm lưu lại đêm nay tại cung điện, sáng ngày mai khi mặt trời mọc, thì Hoàng Thái-tử sẽ rời khỏi đất nước Sivi này.

Nghe Đức Thái-thượng-hoàng truyền bảo như vậy, dân chúng Sivi đồng ý để cho Đức-vua Vessantara lưu lại một đêm. Đức Thái-thượng-hoàng liền truyền lệnh vị quan thân tín khẩn cấp đến tâu lại Đức-vua Vessantara tường trình mọi sự việc đã xảy ra như vậy.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app