Nội Dung Chính
Phần 14
2 – Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật (Sīlapāramī)
Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 3 bậc:
2.1 – Pháp-Hạnh Giữ-Giới Ba-La-Mật Bậc Hạ (Sīlapāramī)
– Tích Bhūridattajātaka (Bhu-ri-dat-tá-cha-tá-ká)
Tích Bhūridattajātaka , Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp Đức Long-vương Bhūridatta tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ (sīlapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy nhằm vào ngày bát-giới uposatthasīla hằng tháng, dân chúng trong kinh-thành dậy từ sáng sớm, nguyện thọ trì bát-giới uposatha-sīla, dùng bữa ăn sáng xong đem vật thực hoa quả, v.v… đi vào chùa Jetavana để cúng dường Đức-Thế-Tôn và chư tỳ-khưu Tăng.
Sau khi đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, họ ngồi một nơi hợp lẽ, lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết pháp.
Hôm ấy là ngày bát-giới uposathasīla, Đức-Thế-Tôn truyền dạy các cận-sự-nam, cận-sự-nữ rằng:
– Này các con! Bây giờ các con nương nhờ nơi Như-Lai chỉ dạy, rồi các con nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng như thế này không phải là điều phi thường.
Trong thời quá khứ, Đức Long-vương tự mình đã rời khỏi cõi long cung, đi tìm nơi yên tĩnh để thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng. Đó mới là điều phi thường.
Truyền dạy như vậy xong, Đức-Thế-Tôn làm thinh.
Khi ấy, chư Tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Đức Long-vương tiền bối thiện-trí ấy.
Tích Bhūridattajātaka
Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Bhūridattajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi, tấn phong Thái-tử làm Đức Phó-vương giúp việc triều chính. Nhưng về sau Đức-vua phát sinh ngờ vực sợ rằng Thái-tử sẽ dùng quyền lực chiếm lấy ngôi vua, cho nên Đức-vua truyền gọi Thái-tử đến mà dạy rằng:
– Này Hoàng-nhi! Con nên rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi đến nơi nào mà con ưa thích, con ở tại nơi ấy cho đến khi nào Phụ-vương băng hà. Khi ấy, con sẽ trở về lên ngôi làm vua nối dõi vua cha.
Vâng lệnh của Đức Phụ-vương, Thái-tử đảnh lễ Đức Phụ-vương, rồi xin phép rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ngự đến bên bờ sông Yamunā, làm một cốc lá ở khoảng giữa con sông Yamunā và biển Samudda, rồi Thái-tử xuất gia trở thành đạo-sĩ, hằng ngày sống bằng các trái cây rừng và rễ cây.
Khi ấy, một long-nữ góa chồng (chồng chết) nhìn thấy các long-nữ khác chung sống với chồng được hạnh phúc an-lạc. Cảm thấy cô đơn, nên cô rời khỏi cõi long cung đi dạo đến bờ biển Samudda, nhìn thấy dấu chân của Thái-tử đạo-sĩ ngự vào trong rừng tìm các thứ trái cây. Cô đi ngược theo dấu chân đến cốc lá nơi chỗ ở của Thái-tử đạo-sĩ.
Muốn biết vị đạo-sĩ này xuất-gia với đức-tin hay không có đức-tin, nên cô thử để biết.
Nếu vị đạo-sĩ này xuất gia với đức-tin thì sẽ không còn ham muốn trong năm đối-tượng ngũ-dục như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt, xúc êm ái… mà chỉ có đại-thiện-tâm xa lánh năm đối-tượng ngũ-dục ấy. Nhưng nếu vị đạo-sĩ này xuất gia không có đức-tin thì vẫn còn ham muốn năm đối-tượng ngũ-dục ấy. Nếu như vậy thì ta sẽ lấy vị đạo-sĩ này làm chồng. Nghĩ xong, cô long-nữ liền trở về cõi long cung, đem những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm, v.v… từ cõi long cung đến trang hoàng chỗ nằm của vị đạo-sĩ, sau khi trang hoàng xong cô long-nữ trở về cõi long cung chờ đợi.
Buổi chiều, vị Thái-tử đạo-sĩ tìm các thứ trái cây ở rừng núi trở về cốc, nhìn thấy chỗ nằm được trang hoàng những đoá hoa xinh đẹp chưa từng thấy, những vật thơm tho chưa từng ngửi… thật đáng hài lòng, vị Thái-tử đạo-sĩ phát sinh tâm hoan hỷ chưa từng có nghĩ rằng:
“Trong rừng núi vắng vẻ này, ai mà đến trang hoàng chỗ nằm của ta bằng những đoá hoa xinh đẹp, những vật thơm tho như thế này, thật là điều lạ thường quá!”
Sở dĩ vị Thái-tử đạo-sĩ phát sinh tâm hoan hỷ trong đối-tượng ngũ-dục tốt đẹp như thế này, là vì đạo-sĩ không phải xuất gia với đức-tin, xa lánh ngũ-dục, mà chỉ vâng theo lệnh của Đức Phụ-vương mà thôi.
Đêm hôm ấy, Thái-tử đạo-sĩ nằm ngủ trên chỗ nằm được trang hoàng êm ấm, thơm tho ấy, ngủ say cho đến lúc mặt trời mọc.
Khi thức dậy trễ, vị Thái-tử đạo-sĩ không quét dọn xung quanh cốc lá, mà vội vã đi vào rừng tìm các thứ trái cây để dùng.
Theo dõi biết vị đạo-sĩ đã đi vào rừng, cô long-nữ đến cốc lá xem xét thấy những đóa hoa bị vị đạo-sĩ nằm đè lên làm nhàu nát cả, nên cô biết rằng:
“Vị đạo-sĩ này vẫn còn ham muốn ngũ-dục, nên không phải xuất gia với đức-tin. Như vậy, ta có thể lấy vị đạo-sĩ này làm chồng của ta.”
Cô long-nữ đem những đóa hoa cũ ra thay bằng những đóa hoa mới rất xinh đẹp và những vật thơm từ cõi long cung trang hoàng chỗ nằm trong cốc và xung quanh bên ngoài cốc xinh đẹp hơn hôm qua, rồi cô trở về cõi long cung chờ đợi.
Buổi chiều, vị Thái-tử đạo-sĩ từ rừng núi trở về, nhìn thấy cốc lá bên ngoài bên trong trang hoàng đẹp đẽ, phát sinh tâm hài lòng vô cùng hoan hỷ.
Đêm hôm ấy, vị Thái-tử đạo-sĩ cũng nằm ngủ say trên chỗ nằm sang trọng ấy cho đến sáng ngày hôm sau, vị Thái-tử đạo-sĩ nghĩ rằng:
“Hôm nay, ta muốn biết ai đã đến đây trang hoàng như vậy.”
Vị Thái-tử đạo-sĩ giả đi vào rừng như mọi ngày, nhưng đi được một quãng đường, rồi liền quay trở lại ẩn núp một nơi kín đáo không xa cốc lá, có thể nhìn thấy cốc lá được.
Cũng như ngày trước, theo dõi biết vị đạo-sĩ đã đi vào rừng, cô long-nữ đem nhiều đoá hoa xinh đẹp và các thứ vật thơm đi vào trong cốc lá.
Khi ấy, theo dõi nhìn thấy cô gái xinh đẹp mang hoa vào trong cốc, vị Thái-tử đạo-sĩ phát sinh tâm hài lòng hoan hỷ nghĩ rằng:
“Trong rừng sâu vắng vẻ này có cô gái xinh đẹp như thế này.”
Vị Thái-tử đạo-sĩ trở về bước vào cốc, trong khi cô long-nữ đang trang hoàng sửa soạn chỗ nằm. Vị Thái-tử đạo-sĩ lên tiếng hỏi rằng:
– Thưa tiểu thư, tiểu thư là ai? Từ đâu đến đây?
Cô long-nữ cung kính trả lời rằng:
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, tiện nữ là long-nữ (nāga-māṇavikā) từ cõi long cung đến đây.
– Này long-nữ! Cô đã có chồng hay chưa?
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, trước đây tiện nữ đã có chồng, nhưng chồng tiện nữ đã chết, hiện nay tiện nữ là người góa bụa.
– Kính thưa Ngài đạo-sĩ, Ngài từ đâu đến mà ở một mình nơi khu rừng vắng vẻ này?
– Này long-nữ! Ta vốn là Thái-tử Brahmadatta của Đức-vua Bārāṇasī, ta vâng lệnh Đức Phụ-vương của ta đến ở nơi này.
Thật ra, ta xuất-gia trở thành đạo-sĩ không phải với đức-tin, mà ta chỉ ở đây chờ đợi đến khi nào Đức Phụ-vương của ta băng hà. Khi ấy, ta sẽ trở về nối ngôi vua cha mà thôi. Còn long-nữ sao một mình đến nơi này?
– Kính thưa Thái-tử đạo-sĩ, tiện nữ goá bụa nhìn thấy các long-nữ khác có chồng được hạnh phúc an-lạc, nên tiện nữ rời khỏi long cung, đi tìm một người chồng.
Nghe cô long-nữ thưa như vậy, Thái-tử đạo-sĩ truyền bảo rằng:
– Này long-nữ! Ta vốn không phải xuất-gia đạo-sĩ với đức-tin, mà ta chỉ ở đây chờ đợi mà thôi.
Vậy, long-nữ có muốn lấy ta làm chồng hay không?
Nghe Thái-tử đạo-sĩ truyền bảo như vậy, cô long-nữ vô cùng sung sướng thưa rằng:
– Kính thưa Thái-tử đạo-sĩ, nếu được Thái-tử đoái thương cuộc đời của tiện nữ thì vinh hạnh cho tiện nữ biết dường nào!
Thái-Tử Thành Hôn Với Long-Nữ
Thái-tử Brahmadatta với cô long-nữ ăn ở sống chung với nhau trong tình nghĩa vợ chồng. Cô long-nữ đã hóa ra một lâu đài nguy nga tráng lệ bằng oai lực của mình, đầy đủ tiện nghi có ngai vàng để cho Thái-tử.
Từ đó về sau, Thái-tử không phải đi vào rừng tìm kiếm các loại trái cây để nuôi sống nữa, mà mỗi ngày Thái-tử dùng những vật thực ngon lành từ cõi long cung.
Về sau, cô long-nữ có thai sinh ra một đứa con trai tại bờ biển Sāgara, nên đặt tên công-tử là Sāgara-brahmadatta, qua một thời gian sau nữa cô long-nữ lại sinh ra một đứa con gái bên bờ biển (Samudda), nên đặt tên là tiểu-thư Samuddajā.
Một hôm, một người lính kiểm lâm từ kinh-thành Bārāṇasī đi vào rừng làm công tác, gặp Thái-tử Brahmadatta trong khu rừng ấy, rồi nhận biết ra được Thái-tử Brahmadatta và Thái-tử biết người lính kiểm lâm từ kinh-thành Bārāṇasī đến, hai bên chủ và khách gặp nhau vô cùng hoan hỷ.
Thái-tử Brahmadatta hỏi thăm về Đức Phụ-vương Brahmadatta của mình, hoàng tộc, triều đình các quan và toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī.
Người lính kiểm lâm tâu cho Thái-tử biết rõ mọi điều.
Thái-tử truyền bảo người lính kiểm lâm ở lại một thời gian ngắn.
Vâng theo lời của Thái-tử người lính kiểm lâm ở lại với Thái-tử 2-3 hôm, rồi xin phép trở về kinh-thành Bārāṇasī. Trước khi từ giã người lính kiểm lâm tâu rằng:
– Tâu Thái-tử, khi trở về đến kinh-thành Bārāṇasī, kẻ tiện dân sẽ trình lên các quan biết Thái-tử đang ngự tại nơi này.
Người lính kiểm lâm bái biệt, xin phép trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta băng hà, các quan dòng họ hoàng tộc cùng dân chúng làm lễ hỏa táng thi thể Đức-vua xong. Đến ngày thứ bảy các quan hội họp lại bàn bạc với nhau rằng:
“Triều đình không thể không có Đức-vua. Nay, không biết Thái-tử Brahmadatta hiện đang ngự tại nơi nào?
Vậy, chúng ta nên ra lệnh thông báo cho toàn thể dân chúng trong nước đều hay biết, nếu có ai biết chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta nơi nào, thì báo cho triều đình biết. Khi ấy, chúng ta sẽ đưa cỗ long xa Phussa đi đến nơi ấy, làm lễ đăng quang suy tôn tấn phong Thái-tử Brahmadatta lên ngôi vua, rồi thỉnh Đức-vua hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi này.
Tin tức này được thông báo lan truyền khắp mọi nơi từ kinh-thành đến dân các vùng biên giới trong toàn cõi đất nước Kāsi.
Khi ấy, về đến kinh-thành Bārāṇasī nghe tin tức như vậy, người lính kiểm lâm đến gặp các quan lớn trong triều đình, rồi trình cho các vị quan lớn ấy rằng:
– Kính thưa quan lớn, kẻ hạ quan này biết chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta trong rừng.
Nghe lời trình của người lính kiểm lâm, các quan lớn trọng thưởng cho người lính, rồi nhờ người lính ấy dẫn đường đi đến chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta.
Các quan trang hoàng cỗ long xa Phussa, bên trên đặt năm vật báu làm lễ phong vương cho Thái-tử Brahmadatta. Các quan cùng các đội quân chỉnh tề, người lính kiểm lâm dẫn đường khởi hành từ kinh-thành Bārāṇasī đi đến chỗ ở của Thái-tử Brahmadatta trong rừng.
Các quan tâu với Thái-tử Brahmadatta rằng:
– Muôn tâu Thái-tử Brahmadatta, Đức Phụ-vương của Thái-tử đã băng hà.
Nay, chúng thần xin làm lễ đăng quang suy tôn Thái-tử lên ngôi vua, rồi kính thỉnh hồi cung trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi này.
Nghe các quan tâu như vậy, Thái-tử Brahmadatta bàn bạc với phu-nhân rằng:
– Này phu-nhân yêu quý! Đức Phụ-vương của anh đã băng hà. Nay, các quan đã đem cỗ long xa Phussa đến đây, sẽ làm lễ đăng quang suy tôn anh lên ngôi vua, rồi sẽ thỉnh anh hồi cung trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi.
Vậy, xin phu-nhân hãy đi với anh và hai con cùng nhau hồi cung, lên ngôi báu tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi rộng lớn, rồi phu-nhân sẽ trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu đứng đầu 16000 cung phi mỹ nữ.
Nghe phu-quân nói như vậy, bà long-nữ thưa rằng:
– Kính thưa Thái-tử phu-quân kính yêu, tiện thiếp không thể nào đi theo với phu-quân được.
– Này phu-nhân yêu quý! Tại sao phu-nhân không đi cùng với anh được?
– Kính thưa Thái-tử phu-quân yêu quý, tiện thiếp là loài long-nữ có nhiều chất độc nguy hiểm, dễ phát sinh sân-tâm không vừa lòng dù chỉ là việc nhỏ.
Nếu mà tiện thiếp phát sinh sân-tâm thì sẽ gây ra sự tai hại, thiêu đốt biến thành tro bụi. Vì vậy, tiện thiếp không thể đi theo Thái-tử phu-quân được.
Ngày hôm sau, vị Thái-tử tha thiết khẩn khoản long-nữ phu-nhân cùng nhau trở về kinh-thành Bārāṇasī, nhưng long-nữ phu-nhân một mực khước từ thưa rằng:
– Kính thưa Thái-tử phu-quân kính yêu, hai đứa con của chúng ta: công-tử Sāgarabrahmadatta và tiểu-thư Samuddajā tuy các con là loài người, nhưng Thái-tử phu-quân phải nên chăm sóc rất cẩn thận, bởi vì cơ thể của các con rất vi tế, chỉ thích nghi trong môi trường dưới nước mà thôi. Nếu các con đi đường tiếp xúc với nắng và gió thì các con dễ bị chết.
Vậy, Thái-tử phu-quân cho người đóng một chiếc thuyền chứa đầy nước đặt trên chiếc xe, để các con bơi trong nước trên đường đi trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Khi đến kinh-thành Bārāṇasī, Thái-tử phu-quân truyền cho người đào một cái hồ nước lớn, trồng các loài hoa sen, các loài hoa súng, để cho các con bơi lội chơi trong hồ nước ấy.
Sau khi kính thưa với Thái-tử phu-quân như vậy, bà long-nữ phu-nhân tỏ lòng tôn kính vị Thái-tử phu-quân và ôm hai đứa con vào lòng hôn trên đầu chúng, rồi trao hai đứa con lại cho vị Thái-tử phu-quân. Bà long-nữ phu-nhân khóc than thảm thiết, bởi vì phải từ biệt vị Thái-tử phu-quân kính yêu và hai đứa con yêu quý nhất của bà. Bà long-nữ biến trở về cõi long cung.
Vị Thái-tử Brahmadatta cảm thấy vô cùng khổ tâm vì từ biệt long-nữ phu-nhân yêu quý của mình.
Khi ấy, vị Thái-tử gặp lại các quan, để các quan làm lễ đăng quang suy tôn Thái-tử lên ngôi vua, rồi kính thỉnh Đức-vua hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi.
Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh rằng:
– Này các khanh! Các khanh hãy đóng một chiếc thuyền chứa đầy nước, rồi đặt trên chiếc xe, để cho hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā bơi lội trong chiếc thuyền ấy, trên đường ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Tuân theo lệnh của Đức-vua, sau khi đóng chiếc thuyền xong, các quan thỉnh Đức-vua hồi cung, hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā bơi lội trên chiếc thuyền trên đường ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Kinh-thành Bārāṇasī được trang hoàng đẹp đẽ rực rỡ, dân chúng trong kinh-thành cho đến ngoài kinh-thành vô cùng hoan hỷ làm lễ ăn mừng đón rước Đức-vua Brahmadatta cùng hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Đến kinh-thành Bārāṇasī, Đức-vua truyền lệnh đào một hồ nước lớn trồng đủ các loại hoa sen, các loại hoa súng, để cho hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samuddajā bơi lội vui chơi thích nghi với cơ thể của chúng.
Khi hoàng-tử Sāgarabrahmadatta và công-chúa Samud-dajā trưởng thành, công-chúa Samuddajā xinh đẹp tuyệt trần nổi danh khắp nơi, Đức Long-vương Dhataraṭṭha nghe đến danh tiếng của công-chúa Samuddajā đem lòng mến mộ, muốn công-chúa Samuddajā trở thành Chánh-cung Hoàng-hậu của mình. Cho nên, Đức Long-vương Dhataraṭṭha gửi bốn sứ thần đến yết kiến Đức-vua Brahmadatta, tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, nghe công-chúa Samuddajā xinh đẹp tuyệt trần, nên Đức Long-vương Dhataraṭṭha gửi 4 chúng thần đến yết kiến Đại-vương, kính xin Đại-vương ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha, rước về làm Chánh-cung Hoàng-hậu.
Nghe các sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha tâu như vậy, Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này các sứ thần! Triều đình của chúng tôi từ trước cho đến nay chưa từng có phong tục ban công-chúa cho Đức Long-vương bao giờ.
Nay, Trẫm ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha sao được.
Nghe Đức-vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận, các sứ thần tỏ vẻ không hài lòng bèn tâu lời hăm doạ rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương là loài người không có phép thuật, không có hơi độc làm thiêu hủy, còn Đức Long-vương, các đoàn long binh có nhiều phép thuật, có chất độc làm thiêu huỷ được.
Vậy, xin Đại-vương chớ nên xem thường.
Nghe các sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha tâu lời hăm dọa như vậy, Đức-vua Brahmadatta truyền bảo rằng:
– Này các sứ thần! Trẫm không có ý xem thường Đức Long-vương Dhataraṭṭha trị vì cõi long cung có nhiều oai lực, nhưng Đức Long-vương Dhataraṭṭha là loài long (rồng), còn công-chúa Samuddajā của Trẫm là loài người. Vì vậy, hai loài chúng-sinh khác nhau làm sao sống hòa hợp với nhau được.
Nghe Đức-vua Brahmadatta truyền bảo như vậy, các sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha nổi cơn giận dữ muốn thiêu hủy Đức-vua Brahmadatta bằng chất độc trong lỗ mũi của họ, nhưng không dám, bởi vì họ là sứ thần của Đức Long-vương Dhataraṭṭha gửi đến, họ phải trở về tâu trình lên Đức Long-vương Dhataraṭṭha biết rõ.
Các sứ thần xin từ giã Đức-vua Brahmadatta, liền hiện trở về cõi long cung đến chầu Đức Long-vương Dhataraṭṭha.
Nhìn thấy bốn sứ thần trở về, Đức Long-vương Dhata-raṭṭha liền truyền hỏi rằng:
– Này các khanh! Các khanh tâu với Đức-vua Brahmadatta đồng ý ban công-chúa Samuddajā cho Trẫm rồi phải không?
– Muôn tâu Đức Long-vương, Bệ-hạ truyền gởi chúng thần đến một nơi không đáng đến, bởi vì Đức-vua Brahmadatta đề cao công-chúa Samuddajā là loài người, còn Bệ-hạ tuy là Đức Long-vương, nhưng thuộc về loài long (rồng). Vì vậy, công-chúa Samuddajā với Bệ-hạ không thể sống hoà hợp với nhau được.
Nghe các sứ thần tâu như vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha nổi cơn thịnh nộ truyền lệnh rằng:
– Này các khanh tướng! Các khanh hãy huy động các đoàn long binh khắp mọi nơi, bốn phương tám hướng hãy mau tụ họp tại trước cung điện của Trẫm.
Sau khi Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh không lâu, các đoàn long binh tề tựu đông đủ trước cung điện của Đức Long-vương Dhataraṭṭha.
Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:
– Này các khanh tướng! Các khanh hãy dẫn các đoàn long binh đến vây quanh kinh-thành Bārāṇasī.
– Tâu Bệ-hạ, chúng thần có cần phải phun lửa thiêu huỷ kinh-thành Bārāṇasī ấy không?
Đức Long-vương Dhataraṭṭha yêu say đắm công-chúa Samuddajā, nên không muốn gây tai hại nào cả, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:
– Này các khanh tướng! Các khanh chỉ phô trương uy thế để gây áp lực đến Đức-vua Brahmadatta phải chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Trẫm mà thôi.
Vì vậy, các khanh tuyệt đối không được gây tai hại đến một ai cả. Các khanh chỉ biến hóa ra mọi hình dạng, để làm cho dân chúng nhìn thấy sợ hãi, rồi họ dẫn nhau đến cung điện, khẩn cầu Đức-vua Brahmadatta ban công-chúa Samuddajā cho Trẫm mà thôi. Còn chính Trẫm hóa ra thân hình màu trắng to lớn và dài bao bọc quanh kinh-thành Bārāṇasī.
Tuân theo lệnh của Đức Long-vương Dhataraṭṭha, đêm hôm ấy, các đoàn long binh hiện đến vây quanh kinh-thành Bārāṇasī, nhưng tuyệt đối không gây hại ai cả, chỉ biến hóa ra nhiều hình dạng như phùng mang, thở ra kêu vù vù, treo lủng lẳng trên cây, nằm các ngõ đường, nằm dưới đất, v.v… Dân chúng trong kinh-thành khi thức dậy nhìn thấy những cảnh tượng rừng rợn, đáng kinh sợ như vậy. Dân chúng hỏi các vị long-tướng rằng:
– Này các long-tướng! Tại sao các đoàn long binh đến đây làm cho chúng tôi kinh sợ như vậy?
Các long-tướng trả lời rằng:
– Này dân chúng kinh-thành! Bởi vì Đức-vua Brahmadatta không chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha của chúng tôi.
Khi Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền gửi bốn sứ thần đến yết kiến Đức-vua Brahmadatta, kính xin Đức-vua Brahmadatta ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha rước về làm Chánh-cung Hoàng-hậu, nhưng Đức-vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha.
Vì vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các đoàn long binh đến vây quanh kinh-thành Bārāṇasī này.
Nếu Đức-vua Brahmadatta khước từ, không chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha của chúng tôi thì toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī kể cả Đức-vua Brahmadatta sẽ bị thiêu rụi trở thành tro bụi.
Nghe lời hăm dọa của các long-tướng, dân chúng trong kinh-thành sợ hãi kéo nhau đến cung điện Đức-vua Brahmadatta khẩn khoản van xin Đức-vua Brahmadatta ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhata-raṭṭha, để cứu nguy Đức-vua, triều đình và sinh-mạng của dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī, để tránh khỏi cảnh diệt vong.
Ngay khi ấy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Brahmadatta và những người trong hoàng tộc cũng khẩn khoản van xin Đức-vua ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha, để cứu nguy sinh-mạng của Đức-vua, hoàng tộc và toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī.
Nghe lời khẩn khoản van xin của Chánh-cung Hoàng-hậu, những lời cầu xin thống thiết của dân chúng xin Đức-vua ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha.
Chính Đức-vua Brahmadatta đang nằm trên long sàng, nhìn thấy bốn long-nam đứng nơi bốn chân long sàng phùng mang nghiến răng chờ hại Đức-vua. Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta vô cùng hoảng sợ mới truyền bảo ba lần rằng:
“Trẫm chấp thuận ban công-chúa Samuddajā cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha.”
Nghe Đức-vua Brahmadatta truyền bảo như vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các long-tướng rút lui, các đoàn long binh cách xa kinh-thành Bārāṇasī, rồi hóa ra một kinh-thành có cung điện của Đức-vua nguy nga tráng lệ như trên cõi trời.
Lễ Thành Hôn Công-Chúa Với Đức Long-Vương
Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh các quan đem các lễ vật quý giá từ cõi long cung kính dâng lên Đức-vua Brahmadatta. Nhận lễ vật xong, Đức-vua Brahmadatta truyền lệnh bảo rằng:
– Này các khanh! Các khanh hãy trở về tâu với Đức Long-vương Dhataraṭṭha biết rõ rằng:
“Trẫm sẽ cho đoàn hộ giá tiễn đưa công-chúa Samuddajā đến chầu Đức Long-vương Dhataraṭṭha của các khanh.”
Khi ấy, Đức-vua Brahmadatta gọi công-chúa Samuddajā lên trên lâu đài tầng cao mở cửa sổ nhìn về phía kinh-thành có cung điện của Đức Long-vương Dhataraṭṭha như cõi trời mà truyền dạy rằng:
– Này Samuddajā con yêu quý! Con hãy nhìn kinh-thành có cung điện nguy nga tráng lệ kia, con sẽ là Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua tại cung điện ấy.
Khi nào con muốn về thăm Phụ-vương thì con cho người đánh xe đưa về. Bây giờ con nên trang điểm những đồ trang sức quý giá.
Vâng lời Đức Phụ-vương, trang điểm xong, công-chúa Samuddajā ngự lên chiếc xe sang trọng được che kín có đoàn các quan theo hộ giá tiễn đưa đến chầu Đức Long-vương Dhataraṭṭha.
Đức Long-vương Dhataraṭṭha cùng các long-tướng ngự ra đón rước công-chúa Samuddajā rất trọng thể, rồi thỉnh mời phái đoàn các quan của Đức-vua Brahmadatta vào cung vàng điện ngọc làm đại lễ thành-hôn, rồi tấn phong Công-chúa Samuddajā lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức Long-vương Dhataraṭṭha.
Đức Long-vương kính gửi những phẩm vật quý giá từ cõi long cung dâng lên Đức-vua Brahmadatta và các quan. Các quan nhận những lễ vật ấy, rồi xin từ giã trở về kinh-thành Bārāṇasī.
Đức Long-vương Dhataraṭṭha đưa Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā lên trên lâu đài nguy nga tráng lệ, mời nằm trên long sàng được trang hoàng như chỗ nằm của Chánh-cung Hoàng-hậu Đức-vua-trời, khi thân hình của Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā tiếp xúc với long sàng không lâu đã ngủ say.
Khi ấy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha đưa Chánh-cung Hoàng-hậu hồi cung ngự trở về cõi long cung cùng các long-tướng và các đoàn long binh.
Đến cõi long cung, Đức Long-vương Dhataraṭṭha truyền lệnh rằng:
– Này các quan cùng các long-nam long-nữ! Trong toàn cõi long cung xung quanh phạm vi 500 do tuần, các long-nam long-nữ không một ai được biểu lộ kiếp long (rồng) để cho Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā nhìn thấy cả.
Nếu ai không tuân lệnh thì phải bị phạt tội nặng.
Khi Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā tỉnh giấc biết mình đang nằm trên long sàng trong một lâu đài nguy nga tráng lệ bằng vàng, bằng các thứ ngọc như ngọc maṇi, v.v… ngồi dậy ngự đi du ngoạn, xem xung quanh có hồ nước lớn, thấy có nhiều loại hoa sen đủ màu rất xinh đẹp, đi xem vườn thượng uyển có nhiều loại hoa như trên cõi trời chưa từng thấy bao giờ.
Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā truyền hỏi các nàng hầu rằng:
– Này quý cô! Kinh-thành, cung điện, các lâu đài nguy nga tráng lệ xinh đẹp lộng lẫy như thế này, kinh-thành Bārāṇasī không sao sánh được. Kinh-thành cung điện các lâu đài này thuộc về của Đức-vua nào vậy?
Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā truyền hỏi như vậy, các cô nàng hầu tâu rằng:
– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, kinh-thành, các cung điện, các lâu đài này thuộc về Đức-vua Dhataraṭṭha, vị phu-quân của lệnh Bà. Lệnh Bà là người có phước lớn mới hưởng được quả báu tốt như thế này.
Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống tại cõi long cung với Đức Long-vương Dhataraṭṭha. Hằng ngày đêm bà tiếp xúc với các hàng long-nữ long-nam, nhưng bà không hề biết bà đang ở cõi long cung. Cho nên, Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung mà tưởng rằng đang sống trong cõi người.
Chánh-Cung Hoàng-Hậu Samuddajā Có 4 Hoàng-Tử
Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống chung với Đức Long-vương Dhataraṭṭha và sinh hạ được 4 hoàng-tử.
* Hoàng-tử thứ nhất có tên là Sudassana.
* Hoàng-tử thứ hai có tên là Datta là Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.
* Hoàng-tử thứ ba có tên là Subhoga.
* Hoàng-tử thứ tư có tên là Ariṭṭha.
Dù Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā đã sinh hạ được bốn hoàng-tử mà vẫn chưa biết mình đang sống trong cõi long cung.
Một hôm hoàng-tử Ariṭṭha cùng chơi với bọn trẻ loài long, bọn chúng tâu với hoàng-tử Ariṭṭha rằng:
– Tâu hoàng-tử Ariṭṭha, Mẫu-hậu của hoàng-tử là loài người chứ không phải là long-nữ như mẹ của chúng tôi.
Nghe bọn trẻ nói như vậy, hoàng-tử Ariṭṭha muốn biết rõ Mẫu-hậu là loài người đúng thật như vậy hay không.
Một hôm, Chánh-cung Hoàng-hậu đang ẵm hoàng-tử Ariṭṭha, hoàng-tử Ariṭṭha biến hóa trở lại loài long-nhi.
Khi ấy, nhìn thấy hoàng-tử Ariṭṭha trong thân thể long-nhi, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā hoảng sợ, hét lớn lên, rồi buông bỏ hoàng-tử Ariṭṭha rơi xuống nền làm cho một con mắt của hoàng-tử bị thương chảy máu.
Nghe tiếng hét lớn của Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, Đức Long-vương truyền hỏi rằng:
– Này ái-khanh Samuddajā! Có chuyện gì xảy ra, làm cho ái-khanh hoảng hốt, hét lớn như vậy?
Nghe bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā tâu chuyện xảy ra như vậy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha nổi cơn thịnh nộ bắt tội hoàng-tử Ariṭṭha.
Với tình thương yêu của người mẹ, bà Chánh-cung Hoàng-hậu lạy xin Đức Long-vương Dhataraṭṭha tha tội cho hoàng-tử Ariṭṭha.
Khi ấy, một con mắt của hoàng-tử bị thương làm mù con mắt ấy. Dó đó gọi là hoàng-tử Kāṇāriṭṭha: Hoàng-tử Ariṭṭha mù một mắt.
Từ đó về sau, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā mới biết mình đang sống trong cõi long cung.
Khi 4 vị hoàng-tử đã trưởng thành, Đức Long-vương Dhataraṭṭha phân chia cõi long cung cho bốn vị hoàng-tử, mỗi vị hoàng-tử 100 do tuần, rồi tấn phong lên ngôi Long-vương có 16.000 long-nữ hầu hạ, trị vì phần giang sơn của mình. Riêng Đức Long-vương Dhataraṭṭha còn 101 do tuần.
Ba vị hoàng-tử Sudassana, hoàng-tử subhoga, và hoàng-tử Kāṇāriṭṭha ngự đến chầu thăm viếng Đức Long-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā mỗi tháng một lần.
Riêng Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā nửa tháng một lần.
Một thuở nọ, Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha gọi Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta ngự theo, cùng với Đức Long-vương Virūpakkha ngự lên chầu Đức-vua-trời Sakka ở cõi Tam-thập-tam-thiên, cùng với số đông các long-nam. Trong đại chúng chư-thiên, long-chúng có Đức Long-vương Dhataraṭṭha, Đức Vua trờì Sakka chủ trì.
Khi ấy, Đức Long-vương Virūpakkha nêu những câu hỏi mà chưa có một vị nào có khả năng giải đáp cho được rõ ràng, thì Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta được thỉnh ngồi trên pháp toà giải đáp mọi câu hỏi được rõ ràng sáng tỏ, đại chúng vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát hoàng-tử Datta. Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát Datta rằng:
– Này hoàng-tử Datta! Nhà ngươi có trí-tuệ siêu-việt, trí-tuệ rộng lớn mênh mông bao la tựa như mặt đất. Từ nay, ngươi được xứng đáng với danh hiệu Bhūridatta (Hoàng-tử Datta có trí-tuệ siêu-việt rộng lớn).
Từ đó về sau, Đức-Bồ-tát Bhūridatta thường lên chầu Đức-vua-trời Sakka, nhìn thấy lâu đài Vejayanta nguy nga tráng lệ, ngai vàng điện ngọc của Đức-vua trời Sakka thật lộng lẫy. Đức-Bồ-tát hoàng-tử Bhūridatta không còn hài lòng sống trong cõi long cung mà rất hài lòng vô cùng hoan hỷ có ý nguyện kiếp sau muốn trở thành Đức-vua-trời Sakka trong cõi Tam-thập-tam-thiên này.
Sau khi về cõi long cung, Đức-Bồ-tát hoàng-tử Bhūridatta ngự đến chầu Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā, bèn tâu rằng:
– Muôn tâu Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, con kính xin Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu cho phép con thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.
Nghe Đức-Bồ-tát Bhūridatta tâu như vậy, Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu truyền dạy rằng:
– Này Hoàng-nhi Bhūridatta yêu quý! Lành thay! Phụ-vương và Mẫu-hậu rất hài lòng hoan hỷ chấp thuận cho con thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.
Vậy, con nên tìm một nơi yên tĩnh trong cõi long cung này mà thọ trì bát-giới uposathasīla, con chớ nên đi nơi nào khác sẽ có tai hại đến với con.
Vâng lời truyền dạy của Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, Đức-Bồ-tát hoàng-tử Bhūridatta thọ trì bát-giới uposathasīla trong vườn thượng uyển, trong ngày giới hằng tháng.
Biết như vậy, các long-nữ dẫn nhau đến vườn thượng uyển đờn ca múa hát để làm cho Đức Long-vương Bhūridatta xem nghe cho vui.
Một hôm nhằm vào ngày giới, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nghĩ rằng:
“Ta thọ trì bát-giới uposathasīla tại vườn thượng uyển này, các long-nữ đến đàn ca múa hát quấy rầy ta, làm cho giới của ta không được hoàn toàn trong sạch.
Vậy, tốt nhất ta nên xuất hiện lên cõi người tìm đến khu rừng thanh vắng để thọ trì bát-giới uposathasīla, thì 8 điều-giới của ta được trong sạch trọn vẹn.”
Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không dám đến xin phép Đức Phụ-vương và Mẫu-hậu, mà chỉ truyền bảo cho các hoàng-hậu của mình biết rằng:
– Này các ái-khanh! Trẫm sẽ xuất hiện lên cõi người, nơi gò mối gần cây đa bên bờ sông Yamunā, Trẫm sẽ thọ trì bát-giới uposathasīla tại nơi ấy.
Sau khi truyền bảo các hoàng-hậu cho biết chỗ ở xong, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta xuất hiện lên cõi người, đến tại nơi ấy.
Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phát-nguyện bốn điều rằng:
* Người nào cần đến da của ta thì hãy lột da.
* Người nào cần đến gân của ta thì hãy rút gân.
* Người nào cần xương của ta thì hãy lấy xương.
* Người nào cần máu của ta thì hãy lấy máu.
Sau khi phát-nguyện bốn điều ấy xong, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có thân hình dài nằm khoanh tròn quanh gò mối, nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát-giới ấy cho đến sáng ngày hôm sau mới trở lại cõi long cung, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đã thọ trì bát-giới uposathasīla như vậy được thuận lợi trải qua một thời gian khá lâu.