Phần 13

1.3- Pháp-Hạnh Bố-Thí Ba-La-Mật Bậc Thượng (Dānaparamatthapāramī)

– Tích Sasapaṇḍitajātaka (Xá-xá-păn-đí-tá-cha-tá-ká)

Tích Sasapaṇḍitajātaka Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp thỏ thiện-trí (Sasapaṇḍita) tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dāna-paramatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, một trưởng giả giàu có trong thành Sāvatthi chuẩn bị làm phước-thiện đại-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì, nên đã xây dựng một trại lớn lộng lẫy tại trước tư gia, rồi ông đến ngôi chùa Jetavana kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng với 500 vị Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến trại lớn ngự trên chỗ ngồi đã sắp đặt sẵn. Ông tự tay dâng lễ, cúng dường những món vật thực bổ dưỡng đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng suốt bảy ngày như vậy.

Đến ngày thứ bảy, ông dâng lễ, cúng dường những thứ vật dụng đặc biệt quý giá hơn đến 500 vị Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì.

Khi ấy, để làm cho ông cận-sự-nam thí-chủ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện đại-thí ấy, nên Đức-Phật thuyết dạy rằng:

– Này nam thí-chủ! Con nên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong phước-thiện đại-thí này, bởi vì con đã làm theo truyền thống của chư bậc thiện-trí tiền bối từ ngàn xưa.

Trong thời quá khứ, chư bậc thiện-trí tiền bối dám đem thân thể của mình để làm món ăn bố-thí đến vị Bà-la-môn khất thực.

Nghe Đức-Phật thuyết dạy như vậy, ông cận-sự-nam thí-chủ kính thỉnh Đức-Phật thuyết về bậc thiện-trí tiền bối ấy.

Tích Sasapaṇḍitajātaka

Đức-Phật thuyết về tích Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama được tóm lược như sau:

Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-vua Brahmadatta trị vì kinh-thành Bāraṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp thỏ thiện-trí sống trong rừng, dưới chân núi gần bờ sông Gaṅgā, cùng với ba bạn thân thiết là con rái cá, con chó sói, con khỉ. Bốn con vật này đều là bậc thiện-trí.

Mỗi buổi sáng, bốn con vật, mỗi con đi tìm vật thực ở mỗi nơi, rồi chiều trở về tụ hội lại một nơi. Khi ấy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thuyết pháp khuyên dạy ba bạn kia rằng:

– Này ba bạn thân mến! Chúng ta nên bố-thí, nên giữ gìn ngũ-giới, nên thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Ba con vật kia đều cung kính vâng theo lời khuyên dạy của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, rồi trở về chỗ ở của mình.

Một đêm nọ, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita nhìn lên hư không thấy mặt trăng tròn tỏa sáng, biết rằng sắp đến ngày giới uposathasīla.

Chiều hôm ấy, bốn con vật thiện-trí tụ hội lại một nơi, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thuyết pháp khuyên dạy rằng:

– Này 3 bạn thân mến! Ngày mai là ngày giới uposathasīla, tất cả chúng ta nên thọ trì bát-giới uposathasīla cho được trong sạch trọn vẹn, làm phước-thiện bố-thí.

Khi chúng ta có giới trong sạch trọn vẹn, rồi làm phước-thiện bố-thí sẽ có nhiều quả báu lớn lao. Vì vậy, nếu có vị Bà-la-môn nào khất thực đến tại chỗ ở của mình thì các bạn nên làm phước-thiện bố-thí đến vị Bà-la-môn ấy trước, rồi hãy dùng phần còn lại sau.

Ba con vật đều cung kính vâng theo lời khuyên dạy của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, rồi trở về chỗ ở của mình.

Sáng ngày hôm sau:

* Con rái cá (Udda) thức dậy từ sáng sớm, đi dọc theo bờ sông Gaṅgā tìm vật thực. Đêm hôm trước, một người câu cá câu được bảy con cá hồi, rồi xâu chúng vào sợi dây, chôn dưới đống cát.

Từ đó, ông đi dọc theo bờ sông Gaṅgā về phía dưới để câu mà không quay trở lại.

Con rái cá đánh mùi cá, rồi đào lên, thấy xâu cá có bảy con cá hồi, nó hỏi lớn rằng:

– Xâu cá này có chủ hay không?

Con rái cá hỏi lớn ba lần mà không có ai trả lời cả, nó nghĩ rằng:

“Xâu cá này không có chủ”, nên nó ngậm xâu cá đem về chỗ ở của mình và chờ đến giờ để ăn các con cá ấy.

Con rái cá nằm suy xét về những điều-giới của mình.

* Con chó sói (Siṅgāla) đi tìm vật thực nhìn thấy hai miếng thịt nướng, một con kỳ đà nhỏ chết và một nồi sữa chua trong chòi canh của người giữ ruộng. Nó bèn hỏi lớn rằng:

– Những món ăn này có chủ hay không?

Con chó sói hỏi lớn ba lần mà không có ai trả lời cả, nó nghĩ rằng:

“Những món ăn này không có chủ”, nên nó mang nồi sữa trên cổ, miệng ngậm hai miếng thịt nướng và con kỳ đà nhỏ đem về chỗ ở của mình và chờ đến giờ để ăn những món ăn ấy.

Con chó sói nằm suy xét về những điều-giới của mình.

* Con khỉ (Makkaṭa) nhảy vào rừng leo lên cây xoài hái chùm xoài chín rồi đem về chỗ ở của mình và chờ đến giờ để ăn chùm xoài chín ấy.

Con khỉ nằm suy xét về những điều-giới của mình.

* Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí (Sasapaṇḍita) đến giờ chạy ra bãi cỏ, ăn cỏ xong rồi trở về chỗ ở của mình.

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita suy xét rằng:

“Ta chỉ có cỏ là món ăn duy nhất mà thôi, cỏ không phải là món ăn của vị Bà-la-môn khất thực. Còn các món ăn khác như gạo, đậu, mè… thì ta không có.

Nếu có vị Bà-la-môn nào khất thực đến chỗ ở của ta thì ta sẽ hy sinh sinh-mạng, bố-thí thân thể của ta để làm món ăn dâng đến vị Bà-la-môn khất thực ấy.”

Do năng lực giới-đức trong sạch trọn vẹn, với điều tư duy chân chính của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, làm cho chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên phát nóng lên. Đức-vua-trời Sakka xem xét thấy rõ nguyên nhân do năng lực giới-đức trong sạch trọn vẹn với điều tư duy chân chính của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:

“Ta sẽ hiện xuống thử xem giới-đức trong sạch trọn vẹn của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí thực hư thế nào?”

Nghĩ xong, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống cõi người biến hóa ra thành vị Bà-la-môn khất thực.

Trước tiên, vị Bà-la-môn khất thực (Đức-vua-trời Sakka) đến đứng trước chỗ ở của con rái cá.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn khất thực, con rái cá liền thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Thưa bậc thiện-trí, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, con rái cá vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Tôi xin bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực: bảy con cá hồi này. Kính xin Ngài có tâm từ tế độ thọ nhận, rồi nướng chín để Ngài dùng, giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Thưa bậc thiện-trí, bần đạo chưa nhận bây giờ, mà xin gửi lại.

Vị Bà-la-môn khất thực xin từ giã con rái cá, rồi đi đến đứng trước chỗ ở của con chó sói.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn khất thực, con chó sói liền thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Thưa bậc thiện-trí, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, con chó sói vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Tôi xin bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực: hai miếng thịt nướng, một con kỳ đà nhỏ, một nồi sữa chua. Kính xin Ngài có tâm từ tế độ thọ nhận để Ngài dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Vị Bà-la-môn khất thực thưa rằng:

– Thưa bậc thiện-trí, bần đạo chưa nhận bây giờ, mà xin gửi lại.

Vị Bà-la-môn khất thực xin từ giã con chó sói, rồi đi đến đứng trước chỗ ở của con khỉ.

Nhìn thấy vị Bà-la-môn khất thực, con khỉ liền thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Thưa bậc thiện-trí, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, con khỉ vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Tôi xin bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực: chùm xoài chín. Kính xin Ngài có tâm-từ tế độ thọ nhận để Ngài dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Thưa bậc thiện-trí, bần đạo chưa nhận bây giờ, mà xin gửi lại.

Vị Bà-la-môn khất thực xin từ giã con khỉ, rồi đi đến đứng trước chỗ ở của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita.

Thấy vị Bà-la-môn khất thực, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí liền thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, Ngài cần thứ gì mà đến đứng nơi đây?

Vị Bà-la-môn thưa rằng:

– Kính thưa Ngài Sasapaṇḍita, bần đạo muốn được một ít vật thực để dùng, rồi giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Đức-Bồ-Tát Thỏ Thiện-Trí Bố-Thí Sinh-Mạng

Nghe vị Bà-la-môn khất thực nói như vậy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita vô cùng hoan hỷ thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, vật thực của tôi là cỏ, Ngài không thể dùng cỏ được. Ngoài cỏ ra, tôi không có thứ vật thực nào khác.

Thưa vị Bà-la-môn, lành thay! Ngài đã đến đây. Hôm nay, tôi sẽ bố-thí cúng dường đến Ngài món vật thực mà tôi chưa từng cúng dường, đó là món thịt trong thân thể của tôi. Ngài là bậc có giới-đức trong sạch thì không thể phạm điều-giới sát-sinh được.

Vậy, tôi xin yêu cầu Ngài đi tìm củi khô gom lại thành đống, châm lửa đốt thành than hồng, rồi xin Ngài báo cho tôi biết, tôi sẽ bố-thí sinh-mạng của tôi bằng cách nhảy vào đống than hồng, đến khi nào thịt trong thân thể của tôi chín. Khi ấy, xin Ngài dùng món thịt chín của tôi, rồi Ngài giữ gìn bát-giới uposathasīla và thực-hành pháp Sa-môn.

Khi nghe Đức-Bồ-tát thỏ trí-tuệ Sasapaṇḍita thưa như vậy, vị Bà-la-môn khất thực vốn là Đức-vua-trời Sakka dùng oai lực của mình hóa ra một đống lửa than hồng cháy rực. Vị Bà-la-môn đi đến báo cho Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita rằng:

– Kính thưa bậc thiện-trí Sasapaṇḍita, bần đạo đã làm theo lời dạy của Ngài xong. Vậy, xin thưa cho Ngài rõ.

Nghe vị Bà-la-môn khất thực thưa như vậy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita đứng dậy rời khỏi chỗ ở của mình, đi đến đống than hồng đang cháy đỏ rực. Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí suy nghĩ rằng:

“Những sinh vật nhỏ sống nương nhờ trong thân thể của ta lâu nay, chúng không nên bị chết cùng với ta.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita dùng sức lắc thân thể thật mạnh ba lần, làm cho các sinh vật nhỏ văng ra khỏi thân của mình.

Khi ấy, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ vô cùng hoan hỷ trong pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita nhảy vào giữa đống than hồng đang cháy rực ấy, nhưng đống than hồng ấy không nóng chút nào cả, thậm chí bộ lông mịn màng trên toàn thân mình của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita không có một sợi lông nào co rút lại vì sức nóng của lửa cả, như nhảy vào chỗ mát lạnh.

Thấy việc phi thường như vậy, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita thưa rằng:

– Thưa vị Bà-la-môn, đống than hồng mà Ngài đốt cháy rực như vậy, tại sao không nóng, thậm chí bộ lông mịn màng trên toàn thân mình của tôi cũng không có một sợi lông nào co rút lại cả.

Như vậy, thịt trong thân thể của tôi làm sao có thể chín, để cho Ngài dùng được?

Khi ấy, Vị Bà-la-môn khất thực hóa trở lại thành Đức-vua-trời Sakka rồi thưa rằng:

– Kính thưa Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita cao thượng! Tôi không phải là vị Bà-la-môn khất thực, mà tôi là vua trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên hiện xuống, hóa thành vị Bà-la-môn khất thực đến thử Ngài, để biết sự thật về giới-đức trong sạch trọn vẹn và những điều tư duy chân chính của Ngài.

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita dõng dạc tâu với Đức-Vua-Trời Sakka rằng:

– Tâu Đức-vua-trời Sakka, không chỉ một Đức-vua-trời như Ngài, mà tất cả chư-thiên, phạm-thiên và nhân loại khác, nếu họ đến thử tôi, thì họ sẽ không bao giờ được chứng kiến rằng:

“Tôi là Đức-Bồ-tát không hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật” mà sự thật họ sẽ được chứng kiến rằng:

“Tôi là Đức-Bồ-tát vô cùng hoan hỷ trong các pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, ngay cả pháp-hạnh bố-thí sinh-mạng của tôi.”

Đức-vua-trời Sakka tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita rằng:

– Kính thưa Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita cao thượng! Pháp-hạnh đại-thí sinh-mạng của Ngài là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng sẽ được lưu truyền suốt những đại-kiếp trái đất sau này.

Để được lưu truyền về sau, tôi cần phải bóp nát hòn núi thành bột mịn, hòa làm mực để vẽ hình ảnh Ngài là Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita trên cung trăng.

Đức-vua-trời Sakka đến nâng Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita trở về chỗ ở của Ngài, rồi Đức-vua-trời Sakka cảm thấy vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, rồi xin phép từ giã ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Bốn con vật thiện-trí là bạn thân thiết với nhau, giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, cho đến hết tuổi thọ của mỗi con vật.

Sau khi bốn con vật thiện-trí ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới, bố-thí cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Đức-Thế-Tôn thuyết bài kệ:

“Bhikkhāya upagataṃ disvā, sakattānaṃ pariccajiṃ. Dānena me samo natthi, esā me dānapārami.”

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí, tiền-kiếp của Như-Lai.

Thấy vị Bà-la-môn khất thực đến đứng trước chỗ ở của mình.

Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí đã bố-thí sinh-mạng làm món ăn cúng dường đến vị Bà-la-môn khất thực ấy.

Pháp-hạnh bố-thí sinh-mạng của Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí không ai bằng.

Đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng tiền-kiếp của Như-Lai.

Nghe Đức-Phật thuyết xong tích Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật, người cận-sự-nam thí-chủ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, ngay khi ấy.

Tích Sasapaṇḍitajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Sasapaṇḍitajātaka này, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng trong thời quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Sasapaṇḍita-jātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

– Con khỉ, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

– Con chó sói, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

– Con rái cá, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

– Đức-vua-trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí (Sasapaṇḍita), tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, có 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita giữ gìn ngũ-giới, bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có trí-tuệ sáng suốt, có nhận thức đúng đắn mới bố-thí sinh-mạng của mình, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có sự tinh-tấn không ngừng tạo mọi pháp-hạnh ba-la-mật, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có đức nhẫn-nại chịu đựng trong mọi trường hợp, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita nói lời chân-thật, thực-hành theo lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita đã phát-nguyện rồi thực-hành theo lời phát-nguyện, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có tâm-từ đến tất cả chúng-sinh, dù lớn dù nhỏ, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 8 pháp-hạnh ba-la-mật phụ cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc thượng ấy.

Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Sasapaṇḍita

Tích Sasapaṇḍitajātaka này, Đức-Bồ-tát thỏ thiện-trí Sasapaṇḍita tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng (dānaparamattha-pāramī) là bố-thí sinh-mạng (thân) của mình làm món ăn, để bố-thí cúng dường đến vị Bà-la-môn khất thực.

Đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng của Đức-Bồ-tát.

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ dám hy sinh sinh-mạng của mình, để tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật bậc thượng cho được thành tựu.

Để trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, đó là:

– Mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ:

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh của cải tài sản, vợ con, … thuộc bên ngoài thân thể của mình, để được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ ấy.

– Mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung:

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh bộ phận thuộc bên trong thân thể của mình, để được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung ấy.

– Mười pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng:

Khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải hy sinh sinh-mạng của mình, để được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy.

Vì vậy, mỗi khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đều có trí-tuệ sáng suốt minh mẫn, có nhận thức đúng đắn về pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy, rồi phát sinh đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ vô cùng hoan hỷ trước khi tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy. Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tâm đại-bi thương xót chúng-sinh bị chìm đắm trong biển khổ trầm luân, nên cố gắng tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng nào, dám hy sinh sinh-mạng của mình để cho được thành tựu pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng ấy với ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác để cứu vớt chúng-sinh thóat khỏi biển khổ trầm luân.

Cho nên, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tạo pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, dám hy sinh sinh-mạng quý báu nhất của mình. Sau khi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy chết, đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời ấy cho đến khi hết tuổi thọ.

Còn những người tự sát với sân-tâm bất mãn chán đời muốn chết, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

(Xong pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật bậc thượng)

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app