Phần 1

PHẦN I

* Pāramī: Pháp-hạnh ba-la-mật nghĩa là gì?

– Thế nào gọi là pháp-hạnh ba-la-mật?

– Mười Pháp-hạnh ba-la-mật theo tuần tự

– Giải thích 10 Pháp-hạnh ba-la-mật

– 4 Đặc tính chung của 10 pháp-hạnh ba-la-mật

– 4 Đặc tính riêng của mỗi pháp-hạnh ba-la-mật

CHƯƠNG VIII

PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT 1

(PĀRAMĪ)

Chương VII: Phước-Thiện đã được trình bày xong trong bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo, quyển V Phước-Thiện, tiếp theo chương VIII này sẽ trình bày về pháp-hạnh ba-la-mật. Quyển VI: Pháp-Hạnh Ba-La-Mật 1.

PHẦN I

Pháp-hạnh ba-la-mật âm từ danh từ Pāḷi: Pāramī

Pāramī: Pháp-hạnh ba-la-mật nghĩa là gì?

Danh từ pāramī có nhiều nghĩa.

Trong bộ Jinālaṅkāraṭīkā định nghĩa rằng:

“Pāramiyo’ti pāraṃ Nibbānaṃ ayanti gacchanti etāhī’ti. Nibbānasādhako hi dānacetanādayo dhammā pāramī’ti vuccanti.”

Pāramī: Ba-la-mật là những pháp dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Thật vậy, tác-ý trong pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật,v.v… dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, gọi là paramī: pháp-hạnh ba-la-mật.

Pāramī: Pháp-hạnh ba-la-mật có 10 pháp:

1- Dānapāramī: Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2- Sīlapāramī: Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

3- Nekkhammapāramī: Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật. 

4- Paññāpāramī: Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

5- Vīriyapāramī: Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

6- Khantipāramī: Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

7- Saccapāramī: Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

8- Adhiṭṭhānapāramī: Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

9- Mettāpāramī: Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

10- Upekkhāpāramī: Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Thế nào gọi là pháp-hạnh ba-la-mật?

Trong bộ Chú-giải Pāḷi Cariyāpiṭakaṭṭhakathā giải thích rằng:

“Taṇhāmānadiṭṭhīhi anupahatā karaṇūpāyakosalla-pariggahitā dānādayo guṇā pāramiyo.” 

Các pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, v.v… không bị nương nhờ bởi tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến, đồng thời hợp với tâm-bi và trí-tuệ có cứu cánh Niết-bàn cao thượng, gọi là pháp-hạnh ba-la-mật.

Phần Giải Thích

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… bị tham-ái (taṇhā) nương nhờ cầu mong sẽ trở thành người giàu sang phú quý, có chức trọng quyền cao, trở thành ngôi vị Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương, ngôi vị Đức-vua-trời Sakka, v.v… thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v. .. không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi.

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… bị ngã-mạn (māna) nương nhờ tự cho mình là người bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém hơn người, thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… ấy không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi.

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… bị tà-kiến (diṭṭhi) nương nhờ thấy sai chấp lầm cho là ta bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… ấy không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi.

* Nếu người nào làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… với đại-thiện-tâm bị tham-ái (taṇhā), ngã-mạn (māna), tà-kiến (diṭṭhi) nương nhờ thì phước-thiện bố-thí, giữ-giới, xuất-gia, v.v… ấy không trở thành pháp-hạnh ba-la-mật, mà chỉ là đại-thiện-nghiệp mà thôi, cho quả an-lạc trong cõi dục-giới, không làm nhân-duyên dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Chư Đức-Bồ-tát tạo các pháp-hạnh ba-la-mật như: pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật, v.v… với đại-thiện-tâm hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh, không bị tham-ái (taṇhā), ngã-mạn (māna), tà-kiến (diṭṭhi) nương nhờ, nên đại-thiện-tâm không bị ô nhiễm bởi mọi phiền-não, đồng thời hợp với tâm bi (karuṇā) và trí-tuệ có cứu cánh Niết-bàn cao thượng (upāyakosallañāṇa) nên gọi là pháp-hạnh ba-la-mật, gọi là vivaṭṭanissitakusala: đại-thiện-nghiệp nương nhờ thóat khỏi tử sinh luân-hồi.

Ví dụ như Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Akitti là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện tâm phát-nguyện rằng:

“Tena dānena na lābhasakkārasilokaṃ na cakka-vattisampattiṃ na Sakkasampattiṃ na brahma-sampattiṃ na sāvakabodhiṃ na paccekabodhiṃ patthemi, api ca idaṃ me dānaṃ Sabbaññutañaṇassa paccayo hotu.” 

Do pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này, bần đạo không mong cầu được nhiều tài sản, phẩm vật lễ bái cúng dường, sự tán dương ca tụng, cũng không mong cầu ngôi vị Đức-vua Chuyển-luân Thánh-vương, cũng không mong cầu ngôi vị Đức-vua-trời Sakka, cũng không mong cầu ngôi vị Đức Phạm-thiên, cũng không mong cầu ngôi vị Thánh thanh-văn-giác, cũng không mong cầu ngôi vị Đức-Phật Độc-Giác, mà sự thật, pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này của bần đạo chỉ mong làm duyên lành để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai mà thôi.

Mahākaruṇā: tâm đại-bi: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tâm đại-bi thương xót chúng-sinh đang đắm chìm trong biển khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nên Đức-Bồ-tát phát-nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để cứu vớt chúng-sinh thoát khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi.

Upāyakosallañāṇa: Trí-tuệ có cứu cánh Niết-bàn cao thượng: Chư Đức-Bồ-tát đều có chung mục đích cứu cánh Niết-bàn cao thượng, song mỗi Đức-Bồ-tát tạo các pháp-hạnh ba-la-mật khác nhau, cuối cùng đạt đến mục đích cứu cánh Niết-bàn như sau:

* Đối với Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác (Sammā-sambodhisatta) cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng.

Đến kiếp chót sinh làm người trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đi xuất gia trở thành bậc xuất gia thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trên toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng thuyết pháp tế độ chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, cũng chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

* Đối với chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác (Paccekabodhi-satta) cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 20 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung.

Đến kiếp chót sinh làm người trong thời-kỳ không có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Độc-Giác đi xuất gia trở thành bậc xuất gia thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức-Phật Độc-Giác. Có nhiều Đức-Phật Độc-Giác trong cùng thời gian.

Đức-Phật Độc-Giác không có khả năng thuyết pháp tế độ chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y Ngài được, bởi vì Đức-Phật Độc-Giác không thể chế định ra ngôn ngữ thuyết-pháp tế độ chúng-sinh chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

* Đối với chư vị Bồ-tát thanh-văn-giác (Sāvaka-bodhisatta) cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, đến hầu đảnh lễ Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-Phật, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc như sau:

– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

– Chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Mỗi vị Bồ-tát thanh-văn-giác có khả năng trở thành bậc Thánh-nhân nào là do nhờ năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị Bồ-tát thanh-văn-giác ấy.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật Theo Tuần Tự

1- Dānapāramī: Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2- Sīlapāramī: Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

3- Nekkhammapāramī:Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

4- Paññāpāramī: Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật. 

5- Vīriyapāramī: Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

6- Khantipāramī: Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

7- Saccapāramī: Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

8- Adhiṭṭhānapāramī: Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

9- Mettāpāramī: Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

10- Upekkhāpāramī: Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

10 pháp-hạnh ba-la-mật được bắt đầu từ pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật theo tuần tự cho đến pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật không chỉ trình bày tuần tự theo cách thuyết pháp (desanānaya), mà còn trình bày tuần tự theo cách thực-hành (paṭipattinaya), nghĩa là pháp-hạnh ba-la-mật trước làm nền tảng, hỗ trợ cho pháp-hạnh ba-la-mật sau được thuận lợi.

Giải Thích 10 Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật (Dānapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm sẵn sàng đem của cải tài sản, ngọc ngà châu báu, ngai vàng, vợ con, những bộ phận trong thân thể, thậm chí hy sinh sinh-mạng của mình đem bố-thí đến người khác, chúng-sinh khác, và đem sự hiểu biết của mình dạy dỗ người khác, để tạo pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật cho được thành tựu.

Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật này làm nền tảng hỗ trợ không chỉ pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật được thuận lợi, mà còn hỗ trợ các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng được thuận lợi nữa.

Cho nên, pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật được trình bày trước các pháp-hạnh ba-la-mật khác.

2- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật (sīlapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn thân tránh xa thân hành ác, để thành tựu thân hành thiện; giữ gìn khẩu tránh xa khẩu nói ác, để thành tựu khẩu hành thiện; giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, để thân và khẩu được trong sạch thanh-tịnh.

Cho nên, pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

3- Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật (Nekkhammapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật đó là 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ (mahākusalañāṇasampayuttacitta) thấy rõ, biết rõ tội lỗi của ngũ-dục: sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục; nhàm chán ngũ-dục, nên chư Đức-Bồ-tát từ bỏ nhà, đi xuất-gia.

Trong thời-kỳ Đức-Phật xuất hiện trên thế gian, hoặc Phật-giáo còn đang lưu truyền trên thế gian, chư Đức-Bồ-tát xuất-gia trở thành tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật, thực-hành phẩm hạnh cao thượng. Trong thời-kỳ không có Đức-Phật xuất hiện trên thế gian, chư Đức-Bồ-tát xuất-gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới, các bậc thiền vô-sắc-giới, chứng đắc ngũ thông: đa-dạng-thông, nhãn-thông, nhĩ-thông, tiền-kiếp-thông, tha-tâm-thông.

Trong thời-kỳ này, chư Đức-Bồ-tát Độc-Giác kiếp chót xuất-gia, tự mình thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán gọi là Đức-Phật Độc-Giác. 

Cho nên, pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

4- Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật (Paññāpāramī):

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật đó là trí-tuệ tâm-sở (paññindriyacetasika) đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, biết nghiệp là của riêng mình (kammas-sakatāñāṇa), và trí-tuệ thiền-tuệ (vipassanāñāṇa) thấy rõ, biết rõ thực-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp, …

Cho nên, pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

5- Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật (Vīriyapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật đó là tinh-tấn tâm-sở (vīriyacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm tinh-tấn không ngừng trong 4 pháp tinh-tấn:

– Tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không cho phát sinh.

– Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện-pháp đã phát sinh.

Cho nên, pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

6- Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật (Khantipāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật làmnền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật đượcthuận lợi.

Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở(adosacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm nhẫn-nạichịu đựng mọi nghịch cảnh, tâm sân không phát sinhtrong các đối-tượng xấu ấy, chỉ có đại-thiện-tâm phátsinh để đạt đến mục đích cao cả mà thôi.

Cho nên, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật được trìnhbày sau pháp-hạnh tinh-tấn Ba-la-mật.

7- Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật (Saccapāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở(cetanācetasika) hoặc chế-ngự tâm-sở (viraticetasika)hoặc trí-tuệ tâm-sở (paññindriyacetasika) đồng sinh vớiđại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, với lời nói chân-thật(saccavācā) phát sinh từ đại-thiện-tâm ấy, nói như thếnào, làm như thế ấy; làm như thế nào, nói như thế ấy.Đức-Bồ-tát không bao giờ nói dối, nói sai sự thật, dámhy sinh sinh-mạng để giữ gìn sự thật mà thôi.

Cho nên, pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

8- Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật (Adhiṭṭhāna-pāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật đó là đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ phát-nguyện bằng ý nghĩ trong tâm hoặc phát-nguyện bằng lời nói chân-thật.

Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có năng lực rất phi thường. Cho nên, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

9- Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật (Mettāpāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật đó là vô-sân tâm-sở (adosacetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm có đối-tượng tất cả chúng-sinh. Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật đối với tất cả chúng-sinh muôn loài vô lượng rằng:

“Sabbe sattā averā hontu, abyāpajjā hontu, anīghā hontu, sukhī attānaṃ pariharantu.”

Cầu mong tất cả chúng-sinh không oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, xin giữ gìn thân tâm thường được an-lạc.

Cho nên, pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

10- Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật (Upekkhāpāramī)

Chư Đức-Bồ-tát có pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật làm nền tảng hỗ trợ tạo pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật được thuận lợi.

Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật đó là trung-dung tâm-sở (tattaramajjhattatācetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm có đối-tượng tất cả chúng-sinh. Đức-Bồ-tát tạo pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật đối với chúng-sinh đối xử tốt, lễ bái cúng dường đến Ngài hoặc đối với chúng-sinh đối xử xấu, quấy phá làm khổ Ngài. Đức-Bồ-tát đều có đại-thiện-tâm trung dung đối với tất cả chúng-sinh vô lượng ấy, nghĩa là, không phát sinh tâm thương yêu đối với chúng-sinh đối xử tốt với Ngài, cũng không phát sinh tâm ghét chúng-sinh đối xử xấu với Ngài.

“Sabbe sattā kammassakā.”

Tất cả mọi chúng-sinh đều có nghiệp là riêng của họ.

Cho nên, pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật được trình bày sau pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

10 pháp-hạnh ba-la-mật được trình bày theo tuần tự pháp-hạnh ba-la-mật trước làm nền tảng hỗ trợ cho pháp-hạnh ba-la-mật sau, đó là theo cách thuyết-pháp và cách thực-hành. Tuy nhiên, nếu mỗi khi chư Đức-Bồ-tát có cơ hội tốt tạo pháp-hạnh ba-la-mật nào thì tạo pháp-hạnh ba-la-mật ấy, chứ không bỏ lỡ cơ hội tốt ấy.

Bốn Đặc Tính Chung Của 10 Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

10 pháp-hạnh ba-la-mật đều có tâm đại-bi (mahā-karuṇā) và trí-tuệ có cứu cánh cao cả (upāyakosalla-ñāṇa) để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc Đức-Phật Độc-Giác, hoặc vị Thánh thanh-văn-giác, nên 10 pháp-hạnh ba-la-mật có 4 đặc tính chung như sau: 

Bốn Đặc Tính Chung

1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): 10 pháp-hạnh ba-la-mật có trạng-thái tế độ chúng-sinh.

2- Phận sự (Rasa): 10 pháp-hạnh ba-la-mật có phận sự đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến tất cả chúng-sinh. Hoặc có phận sự quyết tâm tinh-tấn không ngừng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật mà không hề thóai chí nản lòng trước mọi sự khó khăn.

3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Chư Đức-Bồ-tát biết rõ sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đối với tất cả chúng-sinh, đó là kết quả hiện hữu của 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Hoặc Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Bồ-tát Độc-Giác trở thành Đức-Phật Độc-Giác, vị Bồ-Tát thanh-văn-giác trở thành vị Thánh thanh-văn-giác, đó là kết quả hiện hữu của các pháp-hạnh ba-la-mật.

4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Tâm đại-bi (mahākaruṇā) và trí-tuệ có cứu cánh cao cả (upāya-kosallañāṇa) là nguyên nhân gần phát sinh 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Đó là 4 đặc tính chung của 10 pháp-hạnh ba-la-mật.

Bốn Đặc Tính Riêng Của Mỗi Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có chi pháp khác nhau, có đối-tượng khác nhau, nên mỗi pháp-hạnh ba-la-mật có 4 đặc tính riêng khác nhau như sau:

1- Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có 4 đặc tính:

1.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có trạng-thái đem của cải tài sản, sự hiểu biết, v.v… bố-thí, phân phát đến người khác, chúng-sinh khác. 

1.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật có phận sự diệt tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải tài sản, sự hiểu biết của mình.

1.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát trở thành người giàu sang phú quý, có nhiều của cải tài sản, v.v… mà không dính mắc trong của cải tài sản ấy, trở thành bậc đa văn túc trí, học nhiều hiểu rộng, mà không phát sinh tâm ngã-mạn, v.v… Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh bố-thí Ba-la-mật.

1.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Của cải tài sản, sự hiểu biết, đem ra bố-thí, phân phát đến người khác là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

2- Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có 4 đặc tính:

2.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có trạng-thái tránh xa mọi thân hành ác, mọi khẩu hành ác; thành tựu mọi thân hành thiện, mọi khẩu hành thiện.

2.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật có phận sự ngăn sự phạm-giới là ngăn 3 thân hành ác, 4 khẩu nói ác.

2.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có mọi thân hành điều thiện, mọi khẩu nói điều thiện, giữ gìn thân khẩu trong sạch thanh-tịnh. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

2.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

3- Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có 4 đặc tính:

3.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có trạng-thái tránh xa các đối-tượng ngũ dục: sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục. 

3.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có phận sự làm cho thấy rõ, biết rõ tội-lỗi của ngũ-dục.

3.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát từ bỏ được các đối-tượng ngũ dục. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

3.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ nhàm chán ngũ dục là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

4- Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có 4 đặc tính:

4.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có trạng-thái thấy rõ thực-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái-riêng của mỗi sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.

4.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật có phận sự diệt tâm si vô-minh tối tăm, ví như ánh sáng diệt bóng tối. 4.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có trí-tuệ thiền tuệ sáng suốt chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

4.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Định tâm trong các đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

5- Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có 4 đặc tính:

5.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có trạng-thái cố gắng tinh-tấn không ngừng. 

5.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật có phận sự tinh-tấn diệt các ác-pháp, và tinh-tấn làm tăng trưởng các thiện-pháp.

5.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có sự tinh-tấn không ngừng trong mọi thiện-pháp, không hề thóai chí nản lòng trước mọi sự khó khăn. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

5.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ suy xét mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nên phát sinh động tâm (saṃvega), mong giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh tinh-tấn Ba-la-mật.

6- Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có 4 đặc tính:

6.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có trạng-thái nhẫn-nại chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách tự nhiên.

6.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật có phận sự đè nén, chế ngự tâm tham không phát sinh trong đối-tượng tốt; đè nén, chế ngự tâm sân không phát sinh trong đối-tượng xấu.

6.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có trí-tuệ tự chủ hoàn toàn, không bị ảnh hưởng bởi các đối-tượng dù xấu, dù tốt, đại-thiện-tâm vẫn phát sinh an nhiên tự tại. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

6.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ thấy rõ sự thật chân-lý là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

7- Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có 4 đặc tính:

7.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có trạng-thái nói lời chân-thật, không nói lời giả dối. 

7.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có phận sự làm rõ sự thật chân-lý.

7.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát là bậc luôn luôn có đại-thiện-tâm hoan hỷ trong sự thật chân-lý. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

7.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Thân, khẩu, ý trong sạch là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh chân-thật Ba-la-mật.

8- Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có 4 đặc tính:

8.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có trạng-thái quyết tâm vững chắc, không lay chuyển nói lời phát-nguyện trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác.

8.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật có phận sự diệt mọi phiền-não gây trở ngại tạo các pháp-hạnh ba-la-mật.

8.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát quyết tâm, không thóai chí nản lòng, tinh-tấn không ngừng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh phát-nguyện Ba-la-mật.

8.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Các pháp-hạnh ba-la-mật là nguyên nhân gần để phát sinh pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

9- Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có 4 đặc tính:

9.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có trạng-thái cầu mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến tất cả chúng-sinh. 

9.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật có phận sự diệt tâm oan trái đối với tất cả chúng-sinh. Hoặc rải tâm-từ cầu mong tất cả chúng-sinh có thân tâm thường được an-lạc.

9.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có thân tâm thường được an-lạc mát mẻ. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

9.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Đối-tượng chúng-sinh đáng yêu, đáng kính là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh tâm-từ Ba-la-mật.

10- Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có 4 đặc tính:

10.1- Trạng-thái (Lakkhaṇa): Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có trạng-thái tâm trung-dung, không thương, không ghét đối với tất cả mọi chúng-sinh.

10.2- Phận sự (Rasa): Pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật có phận sự không thiên vị vì thương, vì ghét, giữ gìn tâm trung-dung công bằng đối với tất cả chúng-sinh, như bàn cân đúng đắn.

10.3- Kết quả hiện hữu (Paccupaṭṭhāna): Đức-Bồ-tát có đại-thiện-tâm trung dung, không thương, không ghét đối với tất cả chúng-sinh. Đó là kết quả hiện hữu của pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

10.4- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna): Trí-tuệ hiểu biết mỗi chúng-sinh có nghiệp là của riêng họ là nguyên nhân gần phát sinh pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Để biết phân biệt rõ sự khác biệt của mỗi pháp-hạnh ba-la-mật, bậc thiện-trí căn cứ vào 4 đặc tính cơ bản của mỗi pháp-hạnh ba-la-mật.

Pháp-hạnh ba-la-mật là pháp-hành của chư Đức-Bồ-tát. Mỗi Đức-Bồ-tát có ý nguyện cao cả để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hoặc trở thành Đức-Phật Độc-Giác hoặc trở thành bậc Thánh thanh-văn-giác khác nhau, nên tạo các pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, bậc trung, bậc thượng khác nhau, với thời gian tạo, bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật ấy khác nhau.

Để đạt đến ý nguyện cao cả của mình, mỗi Đức-Bồ-tát cần phải tạo đầy đủ trọn vẹn các pháp-hạnh ba-la-mật tương xứng với ý nguyện cao cả của mình.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app