Nội Dung Chính
THẾ TÔN
Tại sao Đức Phật có hiệu là Bhagavā (Thế Tôn)? Bởi Ngài là: bậc có phần (bhāga), bậc phân chia (bhāgi), bậc cảm thắng (jaya), bậc đã diệt tận (bhagga), bậc đại phước đức (bhāgyavā), bậc có hạnh phúc (bhagī), bậc năng lai vãng (bhaji), bậc đã dứt nẻo tam giới (bhavānaṃ antakaroti).
Tiếng “Bhagavā” (Thế Tôn) là một danh từ dùng để phát biểu sự tôn kính và lòng sùng bái của chúng sanh đối với Đức Phật vì Ngài là bậc tối thượng hơn cả chúng sanh và có những ân đức cao quí không ai bì.
a. Bậc có phần.
Ðức Phật là bậc có phần, phần đây ý nói phần thiện quí báu cao thượng là 30 pháp ba-la-mật mà Ngài đã đào tạo trong 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu, có năng lực đem lại sự an vui cho Ngài và cả chúng sanh trong thế gian và xuất thế gian.
b. Bậc phân chia.
Ngài phân chia cho chư tăng tứ vật dụng (y phục, vật thực, chỗ cư ngụ và y dược) do thí chủ cúng dường Ngài. Ngài phân chia hương vị của giáo lý là các Pháp đem lại sự lợi ích và cứu cánh giải thoát cho chúng sanh. Ngài phân chia các pháp từng phần, từng loại cho rõ ràng minh bạch. Ví dụ: 3 phần là pháp thiện, pháp ác, pháp không thiện không ác; 4 loại là tâm vương, tâm sở, thuộc về thế gian và xuất thế gian v.v… Ngài phân tách các pháp ấy ra: uẩn, bản chất, căn, trần, diệu đế, duyên khởi v.v…
c. Bậc cảm thắng.
Sau khi thành đạo, chứng bậc Chánh đẳng Chánh giác, Ngài đem Giáo lý truyền bá cho chúng sanh thấm nhuần những pháp vi diệu cứu khổ. Có hàng chúng sanh phát tâm chán nản thế sự phù du, cắt ái ly gia sống cuộc đời phạm hạnh của tăng già; có hạng trở nên có đức tin trong sạch, tín thành Tam bảo. Tăng đồ và thiện tín trong Giáo Pháp của Ngài rất đông đảo không kể xiết.
Một lẽ nữa, trên con đường châu du thuyết pháp tế độ quần sanh, nhiều lúc có bọn ngoại đạo quyết tâm cật vấn tranh luận với Ngài, nhưng Ngài không bao giờ nao núng e ngại, điềm tĩnh bắt bẻ lập luận sai lầm của chúng và giảng giải cho họ thấy rõ đâu là nẻo chánh, đâu là đường tà. Chỉ mình Ngài mới có trí tuệ thậm thâm, đầy đủ oai lực cảm thắng bọn ngoại đạo kích bác Ngài; nhiều khi sau buổi tranh luận, có người tự thấy mình lầm lạc từ bấy lâu nay, phát tâm qui y Tam bảo và trở nên môn đệ của Ngài.
d. Bậc đã diệt tận.
Ngài đã tàn phá, diệt tận tất cả phiền não trọng đại và vi tế, có tham, sân, si là nguồn cội. Hoặc nói một cách khác, Ngài đã chiến thắng và diệt trừ ngũ ma (pañcamāra) khi còn ngự dưới cội bồ đề trước khi thành đạo.
5 hạng Ma vương là: ngũ uẩn ma vương (khandha māra), phiền não ma vương (kilesa māra), pháp hành ma vương (abhisaṅkhāra māra), Chư Thiên ma vương (devaputta māra), tử thần ma vương (maccu māra).
− Ngũ uẩn ma vương: chính vì có thân ngũ uẩn này, nên chúng sanh mới có những sự thống khổ và cũng vì lầm lạc chấp rằng trong thân ngũ uẩn này có ta, cho sắc uẩn là ta, là của ta, là thân ta… và chấp thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng như thế ấy, nên các sự khổ não mới phát sanh lên được. Cả năm điều chấp (ngũ uẩn) – upādānakkhandha– ấy ví như năm tên đạo tặc theo dính chúng sanh để chờ có dịp hãm hại, nên gọi là ngũ uẩn ma vương.
- Phiền não ma vương: phiền não có 10 hoặc
10 phiền não (kilesa) là: tham; sân; si; ngã mạn, cống cao; kiến thức (tà kiến); hoài nghi (về nhân quả…); tâm dụ dự, uể oải; phóng tâm; không hổ thẹn tội lỗi; không ghê sợ tội lỗi.
Về 1500 phiền não, xin xem phía trước, phần tiếp theo hiệu Arahaṃ (Ứng Cúng).
Có 10 phiền não kể trên là nguồn cội các pháp ác hằng làm cho chúng sanh nóng nảy, khổ sở không ngừng trong kiếp hiện tại và vị lai và phải bị trầm luân mãi mãi trong vòng sanh tử luân hồi, nên gọi là phiền não ma vương.
- Pháp hành ma vương: hành vi tạo tác do thân, khẩu, ý, dầu ác hay thiện đều gọi là pháp hành.
Pháp hành ác (apuññābhisaṅkhāra) có 12: 8 nhân tham lam (lobha mūla), 2 nhân sân hận (dosa mūla) và 2 nhân si mê (moha mūla). Pháp hành thiện (puññābhisaṅkhāra) có 17: 8 hành thiện về Dục giới (kāmāvacara kusala), 5 hành thiện về Sắc giới (rūpāvacara kusala) và 4 hành thiện Vô Sắc giới (arūpāvacara kusala).
Các pháp hành ác và hành thiện trên đây đều gọi là ma vương. Vì pháp hành ác thường xúi giục, xô đẩy chúng sanh tạo những nghiệp dữ, phải chịu khổ trong kiếp hiện tại và bị sa đọa trong bốn đường ác đạo. Còn pháp hành thiện thì thường rủ ren chúng sanh làm những việc phúc thiện (bố thí, trì giới, tham thiền, v.v…) cho hưởng nhân thiên phước báu, hết làm trời đến làm người v.v…, xoay vần mãi trong ba cõi không thoát được vòng sanh tử luân hồi.
- Chư Thiên ma vương: có một hàng Chư Thiên ganh ghét những người lành, cứ theo ngăn cản không cho làm những điều thiện; cầm đầu hạng Chư Thiên ấy là một vị chúa tể mà ta thường gọi là Ma vương (Māra), thường ở một nơi riêng biệt (māradheyya) trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại (Paranimmitavasavatti). Chính Ma vương này đã đến khuấy rối và cám dỗ Đức Phật nơi cội bồ đề, nhưng bị Ngài cảm thắng do nhờ pháp thập độ nhất là pháp bố thí ba-la-mật.
Lợi khí của Chư Thiên Ma vương là 3 tấm lưới: lưới tình dục (rāga), lưới sân hận (dosa), lưới ái dục ngũ trần (taṇhā). Chúng sanh nào bị sa vào 3 tấm lưới ấy rồi, luôn luôn phải chịu khổ sở đau đớn, dầu cố vùng vẫy cũng không sao thoát khỏi, ví như loài phi cầm tẩu thú đã dính mắc trong lưới của thợ săn rồi không dễ gì thoát thân được.
- Tử thần ma vương: gọi là ma vương, vì sự chết có quyền lực cắt dứt tuổi thọ chúng Không có cái khổ nào lớn bằng cái khổ chết. Dầu không muốn xa lìa những nhân vật thương yêu trìu mến, dầu tâm còn những tham luyến tiền của sản nghiệp, song khi tử thần đã đến, thì vua chúa hay thường dân, sang cả hay bần cùng, trí hay ngu, ai ai cũng không thể cưỡng lại được tử thần.
Ðức Phật đã chiến thắng và diệt trừ cả 5 hạng Ma vương ấy nên Ngài được hoàn toàn giải thoát.
e. Bậc đại phước đức.
Ngài là bậc đại phước đức vì hai lẽ: sắc thân hoàn mỹ (đầy đủ 32 tướng tốt và 80 tướng phụ), đức hạnh toàn thiện (Ngài đã thực hành trọn đủ các pháp thiện và diệt tận các pháp không dư sót).
Có hạng chúng sanh ngưỡng mộ sắc thân hoàn mỹ, phát tâm có đức tin trong sạch nơi Ngài. Có hạng tin tưởng nơi đức hạnh toàn thiện, ly gia cắt ái trở thành môn đệ và vâng lời giáo huấn của Ngài.
Cả hai hạng chúng sanh ấy, sau khi tin tưởng Ngài rồi, đều được giảm bớt khổ não trong tâm và tùy theo thiện duyên và sự tinh tấn, được hưởng hạnh phúc thế gian và xuất thế gian.
f. Bậc có hạnh phúc.
Ngài là bậc có 6 hạnh phúc sau đây: có khả lực đè nén, chế ngự tư tưởng không cho tâm ác phát sanh lên; đã thực hành trọn đủ các pháp thiện, thế gian và xuất thế gian; danh tiếng quí trọng vang lừng khắp tam giới không ai sánh bằng; sắc thân rực rỡ như vàng ròng, hào quang tủa khắp khiến cho chúng sanh vui thích khi nhìn Ngài; khi ước mong điều chi hay cần dùng vật chi riêng cho Ngài và cho người khác đều được như ý nguyện; có chánh tinh tấn là cố gắng trong 4 điều36 khiến các hàng chúng sanh thán phục tôn kính.
g. Bậc năng lai vãng.
Ngài thường lai vãng nơi thâm sơn cùng cốc là nơi thanh vắng xa tiếng ồn ào, để tham thiền nhập định; Ngài năng lai vãng các pháp hành thế gian là các pháp thiền định về Sắc giới và vô Sắc giới, các pháp minh sát theo 3 tướng vô thường, khổ não, vô ngã, và 8 thánh đạo thánh quả và Niết- bàn.
h. Bậc đã dứt nẻo tam giới.
Ngài đã dứt nẻo tam giới, ý nói: cuộc hành trình của Ngài từ bao a-tăng-kỳ kiếp trong tam giới đến kiếp hiện tại đã đến mức cùng rồi, vì nhân sanh là ái dục đã hoàn toàn diệt tắt, thì bánh xe luân hồi cũng ngừng xoay. Nói một cách khác, Ngài đã siêu xuất ra khỏi tam giới và không còn tái sanh lại nữa.
Do nhờ những ân đức quí trọng vừa kể trên, nên Đức Phật có hiệu là Bhagavā (Thế Tôn).