ÂN ĐỨC PHẬT BẢO 

LỜI TỰA

Phần đông đồng bào và ngay cả một số Phật tử có nhiều đức tin nhưng không chịu khó hoặc không đủ thời giờ xem Kinh, thính Pháp, lầm lạc tin tưởng rằng muốn chứng quả Phật, không cần phải công phu khổ nhọc gì cho lắm, thậm chí hễ nghe thấy hạng phàm nhơn nào có phù phép đặc biệt hoặc giả bậc tu hành nào có cử chỉ lạ lùng xuất chúng thì vội suy tôn là “Phật Bồ-tát”, “Phật Thầy”, “Phật Bà”, “Phật Cô” v.v…

Theo kinh điển Pāli, muốn thành một vị Phật, không phải dễ dàng như thế được.

Trước tiên, phải là bực Bồ-tát (Pāli gọi: Bodhisatta, Sanscrit gọi: Bodhisatva, dịch là giác hữu tình), nghĩa là hạng chúng sanh giác ngộ hơn chúng sanh khác, có tâm cao thượng phát nguyện tế độ tha nhơn và đang trong thời kỳ thực hành pháp ba-la-mật quý trọng hầu đạt đến mức toàn thiện toàn giác trong buổi vị lai.

Muốn được như sở nguyện, bậc Bồ-tát cần phải có tròn đủ 8 điều (samodhānadhamma) sau đây: manussattam: là loài người chớ không phải trời hay thú; liṅga sampatti: là nam nhơn; hetu: có đủ duyên lành có thể đắc A-la-hán được; satthāra dassanaṃ: được gặp Đức Phật chánh giác thọ ký cho; pabbajjā: là bậc xuất gia; guna sampatti: có đức lành là đắc ngũ thông và bát thiền; adhikāro: có được làm phước thiện cao thượng nhất là 5 pháp đại thí (thí sanh mạng, vợ con v.v…); chanhdatā: có nguyện vọng đầy đủ quyết thành một bậc Chánh giác.

Chư Bồ-tát đã được Phật chánh giác thọ ký cho rồi, hằng có 4 pháp căn cứ (Buddha bhūmi), 6 nết hạnh (ajjhasaya) và 7 pháp xuất chúng (acchariyadhamma).

Nói riêng về thời kỳ nhứt định cần thiết cho chư Bồ-tát, từ khi gặp Phật thọ ký cho đến lúc hành viên mãn 30 pháp ba-la-mật và thành đạo, lại chia làm 3 hạng: Paññādhika Bodhisatta: chư Bồ-tát thuộc về huệ lực là có nhiều trí tuệ, phải tu trong 4 a-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp quả địa cầu (như Đức Phật Thích Ca bổn sư của chúng ta); Saddhādhika Bodhisatta: chư Bồ-tát thuộc về tín lực là có nhiều đức tin, phải tu trong 8 a-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp quả địa cầu; Viriyādhika Bodhisatta: chư Bồ-tát thuộc về tấn lực là có nhiều tinh tấn, phải tu 16 a-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp quả địa cầu (như Đức Phật vị là Phật Di Lặc (Seamettaya) (Meteyya).

Như thế, ta nên suy nghiệm rằng muốn thành Phật không phải là sự dễ dàng, cần phải đào tạo và tập hợp thiện duyên trong bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp quả địa cầu, hằng bố thí sanh mạng, vợ con, tiền của v.v… hằng khổ tâm lao lực không thối chuyển trong nết hạnh diệt trừ tham, sân, si, ái dục và các phiền não thụy miên.

Do những duyên cớ ấy, ân đức của Phật thật vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn cho cùng tận. Trong kinh có nói: “Ân đức của Phật rộng lớn bao la, dầu có một vị Phật ra đời, từ ngày đắc đạo khởi đầu diễn giải luôn không ngừng nghỉ đến ngày nhập diệt, cũng không cùng tận ân đức của một vị Phật khác được”.

Chúng tôi chẳng nệ tài sơ đức bạc, cố công phiên dịch từ kinh sách Cao Miên và Anh văn, và suy tầm thêm trong các soạn phẩm bằng Việt ngữ của ĐĐ. Hộ Tông và ĐĐ Bửu Chơn, soạn ra quyển “Ân Đức Phật” với mục đích diễn giải trong muôn một những ân đức quí báu cao thượng của Đức Thế Tôn là đấng Đại Từ, Đại Bi, Toàn Mỹ, Toàn Thiện và với hoài bảo thiết tha chư đạo hữu bốn phương càng thấu đáo thêm ân sâu đức dày của Đức Từ Phụ chúng ta, hầu tăng trưởng đức tin nơi Tam bảo, xu hướng noi theo tu hành tinh tấn sớm đến bờ giác ngộ.

Một lẽ nữa, với các hàng Phật tử phát tâm trong sạch muốn thực hành pháp “Niệm Phật” là một pháp thiền định quí trọng mà chúng tôi đã đề cập đến trong quyển “Tam Niệm”, quyển sách nhỏ này sẽ giúp thêm tài liệu cần ích, hầu giúp các vị ấy tri tỏ thêm các ân đức của Phật tùy theo danh hiệu mà mình đã chọn làm đề niệm niệm.

Hoài bảo to lớn như thế ấy, nhưng chúng tôi tự xét sức hiểu biết về Phật pháp quá thiển cận ít oi, nhứt là Phạn ngữ, nên không tránh khỏi có nhiều chỗ phiên dịch không được đầy đủ ý nghĩa, mặc dầu chúng tôi đã hết sức cố gắng hỏi han thêm các bậc cao tăng, Đại đức và giáo sư trường Đại học Phạn Ngữ tại Phnom Penh.

Mặc khác, văn còn vụng về kém cỏi, không được hoa mỹ lưu loát vừa theo ý độc giả, nên chúng tôi thành thật cầu xin chư Đại đức cao tăng và quí đạo hữu thượng trí rộng lượng xá cho và chỉ giáo những chỗ sai lầm, ân ấy thật là thậm trọng.

Chúng tôi kính dâng công đức biên soạn và ấn tống quyển “Ân Đức Phật” đến Đ.Đ Bửu Chơn, Đ.Đ Hộ Tông, Đ.Đ Thiện Luật, Đ.Đ Hộ Giác, Đ.Đ Giới Nghiêm…và toàn thể Tăng già Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, bậc thì phiên dịch Tam Tạng, bậc thì thuyết Kinh giảng Pháp, đã và đang khổ công nhọc sức xướng minh Chánh giáo, hoằng hóa Phật pháp phổ độ quần sanh. Phần công đức này, cũng xin dâng đến Đ.Đ Siêu Việt hiện tu hành tại chùa Bodhiyāram (Chruichangwar, Phnom Penh) đã có công chỉ bảo về Phạn ngữ và hằng khuyến khích chúng tôi trong công việc phiên dịch và soạn sách.

Kế tiếp, cầu xin quả phước thanh cao này được thành tựu đến ông bà, cha mẹ của chúng tôi đã quá vãng, được thoát khổ và siêu thăng nơi nhàn cảnh, riêng phần thân thụ và nhạc mẫu chúng tôi còn hiện tiền tại Phan Thiết, hằng được tăng long tuổi thọ, an vui lâu dài.

Cầu xin cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc và mau đến bờ giải thoát.

Với tất cả lòng bác ái và mong mỏi. H.T.L

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app