TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG II: TƯƠNG ƯNG GIÁC CHI

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM VỀ BỆNH 

11.I. Sanh Loại (S.v,78)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, có những loại hữu tình (pàna) theo bốn cử chỉ, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm. Tất cả những sanh loại ấy y cứ vào đất, an trú vào đất; mà thực hiện bốn cử chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

12.II. Ví Dụ Mặt Trời (1) (S.v,78)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là làm bạn với thiện. Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng : bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo làm bạn với thiện, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

13.III. Ví Dụ Mặt Trời (2) (S.v,79)

1) …

2) Ví như, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước mặt trời sắp mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cái này là điềm đi trước, là tướng báo trước bảy giác chi sanh khởi, tức là như lý tác ý. Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn.

3) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu như lý tác ý, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi.

14.IV. Bệnh (1) (S.v,79)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa :

— Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?

— Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.

5) — Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn… Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

— Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.

6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy.

15.V. Bệnh (2) (S.v,80)

1-6) (Hoàn toàn giống kinh trên, chỉ khác đây là trường hợp ngài Mahà Moggalàna).

16.VI. Bệnh (3) (S.v,81)

1) Một thời Thế Tôn ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Tôn giả Mahà Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

4) Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Cunda đang ngồi một bên :

— Này Cunda, hãy thuyết về giác chi.

5) — Bạch Thế Tôn, có bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Bạch Thế Tôn, niệm giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn… Bạch Thế Tôn, xả giác chi do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bạch Thế Tôn, bảy giác chi này do Thế Tôn chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

— Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi. Thật vậy, này Cunda, chúng là giác chi.

6) Tôn giả Mahà Cunda thuyết như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Và Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Thế Tôn được đoạn tận như vậy. (Kinh Hán Tạng: Tăng, Ðại 2,73la)

17.VII. Ðến Bờ Bên Kia Hay Không Có Hơn Nữa (S.v,81)

1) …

2) — Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia… Xả giác chi, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia. Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia.

3) Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Ít thay là những người,
Qua được bờ bên kia,
Phần lớn quần chúng khác,
Chạy qua lại bờ này.

2) Những ai khéo thuyết giảng,
Chánh pháp khéo tuyên thuyết,
Họ đến bờ bên kia,
Khéo vượt cảnh Ma giới.

3) Ðoạn tận các hắc pháp,
Bậc trí tu bạch pháp,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Trong độc cư an lạc.

4) Ở đây muốn hưởng lạc,
Hãy bỏ mọi dục vọng,
Bậc trí tự thanh lọc,
Tự tâm khởi phiền não.

5) Những ai khéo tu tập,
Chánh tâm trong giác chi,
Từ bỏ các chấp trước,
Hoan hỷ, không chấp thủ,
Lậu hoặc tận, chói sáng,
Ðạt tịch tịnh ở đời.

18.VIII. Thối Thất (Virdddha) hay Tấn Tu (Aradda) (S.v,82)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất bảy giác chi thì cũng thối thất Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Này các Tỷ-kheo, những ai tấn tu bảy giác chi thì cũng tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ. Thế nào là bảy? Niệm giác chi,… xả giác chi.

3) Này các Tỷ-kheo, những ai thối thất hay tấn tu bảy giác chi thì cũng thối thất hay tấn tu Thánh đạo Tám ngành đưa đến tận diệt khổ.

19.IX. Thánh (S.v,82)

1) …

2) — Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ. (Niyyànikà : Ðưa đến giải thoát), dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi… Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, nếu được tu tập, được làm cho sung mãn, thì sẽ thành những thánh dẫn độ, dắt dẫn người sở hành chơn chánh đoạn diệt khổ đau.

20.X. Nhàm Chán (S.v,82)

1) …

2) — Có bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi… xả giác chi… Bảy giác chi này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ V - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app