TINH TẤN VÍ NHƯ BÁNH XE
Trong pháp xa có sự tinh tấn như bánh xe, lẽ thường xe nhờ có hai bánh mới lăn đi được, như thế nào, thì pháp xa là Bát chánh đạo mà tiến hóa lên được cũng nhờ có sự tinh tấn giúp sức, như chánh kiến là sự hiểu biết chơn chánh mà được tiến triển cũng nhờ có sự tinh tấn luôn luôn ráng hiểu biết, cho đến chánh định được đầy đủ cũng do có sự tinh tấn trợ lực mới thực hành các pháp ấy xong.
Năng lực của sự tinh tấn rất cần yếu trong nhiều chỗ, như nói về sức lực dùng để nâng đỡ các đức lành thì gọi là “tấn lực” (viriyabala), nếu nói về vĩ đại to hơn các pháp thì gọi là “tấn căn” (viriyindriya), nói về của tài sản thì gọi là “tấn tài” (viriyadhana), nói về pháp thực hành cho đến nơi giác ngộ thì gọi là “bồ đề tấn” (viriya sambojjhaṅga).
Tinh tấn thuộc về loại “tạp tính” đồng phát sanh với 37 thứ tâm.
Có hai thứ tinh tấn nữa là: thân tinh tấn (kāyikaviriya) là sự siêng năng hành động do nơi châu thân, như ráng ngồi tham thiền hoặc ráng đi kinh hành v.v…; tính tinh tấn (cetasikaviriya) là sự siêng năng hành động trong tâm như ráng nhớ niệm đề mục thiền định v.v… hoặc là sự tinh tấn có bốn thứ như đã giải ở chỗ chi thứ sáu của Bát chánh đạo phía trước.
Nguyên nhân để phát sanh sự tinh tấn có mười một pháp là:
– Apāya bhaya paccavekkhaṇatā – suy xét về sự ghê sợ bốn cảnh khổ là suy xét rằng: “chúng sanh mà bị sa vào bốn đường khổ là súc sanh, atula, ngạ quỉ, địa ngục thường bị sự khổ não triền miên không bao giờ rảnh rang để thực hành cho đắc đạo quả được, khi suy xét như thế rồi phát sanh tâm sợ sệt kinh khủng bốn cảnh khổ ấy rồi ráng hành đạo cho đắc được đạo quả. Cũng như có một ông sa di trước kia là người thợ săn vào tu không bao lâu thối chuyển muốn hoàn tục, nhờ thầy dùng thần thông cho thấy lửa địa ngục, bèn phát tâm kinh sợ, ráng hành đạo hết sức tinh tấn là lúc đi kinh hành sợ buồn ngủ lấy cỏ khô làm cái vòng rồi nhúng nước để trên đầu cho lạnh đặng không buồn ngủ để hành đạo, còn khi ngồi thì thọc hai bàn chân trong chậu nước vì sợ ngủ quên, ông ráng tinh tấn hành như vậy cho đến khi đắc đến bậc A-na-hàm.
– Ānisaṅsa dassavitā – thấy sự lợi ích là thấy rằng tất cả thánh pháp là 4 đạo 4 quả và 1 Niết-bàn không bao giờ tự đưa đến cho người lười biếng, chỉ phát sanh lên do nơi người cố gắng tinh tấn mà thôi.
– Gamanavidhiṃ paccavekkhaṇatā – suy xét con đường đi Niết-bàn là nghĩ rằng “Đức Phật, Độc giác Phật và các vị Thinh văn đệ tử Phật đã thực hành con đường nào mà đi đến Niết-bàn, con đường ấy người lười biếng không thể nào đi đến nơi được, chỉ có người siêng năng tinh tấn mới đi đến nơi được”.
– Piṇḍapāta paccāyanatā: tư cách không dể duôi trong vật thực là suy nghĩ rằng: những người mà hộ độ vật thực ta hằng ngày đây không phải là thân bằng quyến thuộc hoặc là bầu bạn hay là tôi tớ chi ta, hoặc giả họ dâng vật thực đến ta họ cũng không nghĩ rằng sự sống của họ là do nhờ ta đâu. Nhưng vì họ nghĩ ta là người có giới hạnh và sự hành đạo cao thượng của ta sẽ đem lại cho họ nhiều phước báu nên họ mới dâng cúng cho ta. Mặc dầu Đức Phật có cho phép thọ lãnh vật thực của tín thí nhưng không phải để cho ta thọ thực cho thân thể được mập mạp, hay là để cho ta ngủ cho khỏe đâu, vì Ngài nghĩ rằng khi nhờ thọ thực đây để cho ta dễ dàng hành đạo cao thượng cho thoát khỏi khổ, chớ ta không nên dể duôi biếng nhác khinh khi vật thực của thí chủ, suy xét như thế rồi phát tâm lên tinh tấn hành đạo. Cũng như Đại đức Mahāmittta đang đi khất thực nghe một bà tín nữ biểu con gái sửa soạn vật thực cao quí như cơm nấu với sữa và mật đặng để bát cho mình, còn bà thì chịu nhịn ăn cơm với muối rau cũng được. Khi nghe vậy ngài phát tâm nghĩ rằng: “Ôi! Bà tín nữ này không phải là bà con thân quyến chi ta, tại sao lại sai con sửa soạn vật thực cao quí để dâng đến ta như thế, bởi vậy nếu ta lười biếng không ráng hành đạo thì không đáng thọ vật thực này”. Khi suy nghĩ xong ngài liền trở về chỗ ngụ không dám dể duôi, ráng tinh tấn hành ‘minh sát tuệ’ cho đến đắc A-la-hán, vì không dám dể duôi vật thực của thí chủ dâng cúng cho.
– Dāyajja mahatta paccavekkhaṇatā – suy xét về gia tài là suy nghĩ rằng “thất thánh sản” (ariya drapya) là bảy báu của bậc thánh nhơn quí giá vô cùng, người dể duôi biếng nhác không thể nào thọ lãnh được, như con lười biếng không nghe lời giáo huấn của cha mẹ, thì cha mẹ từ bỏ đi, không cho lãnh lấy gia tài thế nào thì ta đây mà dể duôi biếng nhác cũng không thể nào thọ lãnh lấy bảy báu của bậc thánh nhơn ấy được.12
– Satthu mahatta paccavekkhaṇatā – suy xét về Đức Phật là bực cao thượng, Ngài có nhiều phước báu lạ lùng siêu phàm xuất chúng, như khi Ngài giáng sanh vào thai bào, khi xuất gia, khi đắc đạo, khi chuyển pháp luân đầu tiên, khi thuyết pháp độ mẹ trên cung trời Đạo Lợi xuống thế gian Ngài hóa lưỡng thông để thắng bọn tà giáo, khi nhứt định tuổi thọ và khi nhập Niết-bàn đều làm cho mười ngàn thế giới ta bà rung rinh chuyển động hết sức lạ thường. Ta đây đã xuất gia theo Giáo pháp của Ngài là một bực siêu phàm xuất chúng như thế lại dám dể duôi lười biếng hay sao?
– Jāti mahatta paccavekkhaṇatā – suy xét về dòng giống là suy nghĩ rằng: “Ta đây không phải là dòng giống thấp hèn vì ta đã xuất gia theo Phật giáo thì ta là con của Phật, em của ta là Ra-Hầu-La, cháu của vua Tịnh Phạn, cũng là dòng giống của Tiên vương Okākarāja, vậy ta không nên dể duôi biếng nhác như dòng giống thấp hèn.
– Sabrahmacāri mahatta paccavekkhaṇatā – suy xét về các bậc đồng đạo, là suy nghĩ rằng: các bậc Thinh văn đệ tử Phật như Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên mà đắc được thánh pháp cũng đều do nhờ có sự tinh tấn, nếu ta dể duôi lười biếng không ráng hành đạo như các bậc đồng đạo của ta, thì không thể nào ta đắc được các quả thánh ấy đâu.
– Kusita puggala parivajjanatā – phải xa lánh người có tánh lười biếng.
– Āraddha viriya puggala sevanatā – phải thân cận người có sự tinh tấn.
– Tadaha muttatā – tư cách người có tâm xu hướng theo sự tinh tấn trong cả bốn oai nghi.
Đặc tính của sự tinh tấn có hai điều là: đặc tánh chuyên cần (ussāha lakkhaṇa) là cần mẫn không bỏ qua, luôn luôn tấn tới ví như loại cây cối có tánh cách tự nhiên mọc lên luôn luôn từ chút, từ chút không cần ai tiếp kéo nhổ cho cao lên; đức tánh nâng đỡ (upatthambha lakkhaṇa) là bảo bọc nuôi dưỡng tương trợ các pháp lành không cho hư hoại cũng như cây nọc để chống đỡ cái xe không cho xiên xẹo.
Như câu Phật ngôn về pháp tinh tấn như vầy: Viriyabalo bhikkhave ariya sāvako akusalaṃ pajjahati kusalaṃ bhaveti sāvajjaṃ pajjahati anāvajjaṃ bhāveti saddhammānaṃ naparihāyati: này các thầy tỳ khưu, các bậc thinh văn đệ tử Như Lai đều có sự tinh tấn làm sức lực để dứt bỏ các pháp ác và tăng trưởng các pháp thiện, diệt trừ các pháp tội lỗi và làm cho các đức lành được tăng trưởng thêm, các bậc ấy không khi nào bị sai lạc ngoài Giáo pháp của Như Lai.