TƯƠNG ƯNG BỘ III

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG UẨN

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM VÔ MINH

126. Tập Pháp

Nhân duyên ở Sāvatthi.

Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến …

Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

: “Vô minh, vô minh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Và cho đến như thế nào được gọi là vô minh?

—Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, không như thật biết rõ: “Sắc chịu sự tập khởi” là sắc chịu sự tập khởi, không như thật biết rõ: “Sắc chịu sự đoạn diệt” là sắc chịu sự đoạn diệt, không như thật biết rõ: “Sắc chịu sự tập khởi và đoạn diệt” là sắc chịu sự tập khởi và đoạn diệt.

… “Thọ … Tưởng … Các hành.”.

… không như thật biết rõ: “Thức chịu sự tập khởi” là thức chịu sự tập khởi, không như thật biết rõ: “Thức chịu sự đoạn diệt” là thức chịu sự đoạn diệt, không như thật biết rõ: “Thức chịu sự tập khởi và đoạn diệt” là thức chịu sự tập khởi và đoạn diệt.

Như vậy, này Tỷ-kheo, gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.

Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

: “Minh, minh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, bạch Thế Tôn? Cho đến như thế nào được gọi là minh?

—Ở đây, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ: “Sắc chịu sự tập khởi” là sắc chịu sự tập khởi, như thật biết rõ: “Sắc chịu sự đoạn diệt” là sắc chịu sự đoạn diệt, như thật biết rõ: “Sắc chịu sự tập khởi và đoạn diệt” là sắc chịu sự tập khởi và đoạn diệt.

… “Thọ … Tưởng … Các hành.”.

… Như thật biết rõ: “Thức chịu sự tập khởi” là thức chịu sự tập khởi, như thật biết rõ: “Thức chịu sự đoạn diệt” là thức chịu sự đoạn diệt, như thật biết rõ: “Thức chịu sự tập khởi và đoạn diệt” là thức chịu sự tập khởi và đoạn diệt.

Như vậy, này Tỷ-kheo, được gọi là minh, cho đến như vậy được gọi là minh.

127. Tập Pháp

Một thời, Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bārānasī, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển.

Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy …

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả Sāriputta:

: “Vô minh, vô minh”, thưa Hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả Sàruputta? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?

( … như kinh trên).

128. Tập Pháp

Một thời, Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bārānasī (Ba-la-nại), Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), tại vườn Lộc Uyển.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả Sāriputta:

: “Minh, minh”, thưa Tôn giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả Sāriputta? Cho đến như thế nào được gọi là minh?

( … như kinh trên).

129. Vi Ngọt

Tại Bārānasī, Isipatana, vườn Lộc Uyển …

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả Sāriputta:

: “Vô minh, vô minh”, thưa Hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Và cho đến như thế nào được gọi là vô minh?

—Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Ðây là vô minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.

130. Vị Ngọt

Tại Bārānasī, Isipatana, vườn Lộc Uyển …

: “Minh, minh”, này Hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Như thế nào được gọi là minh?

Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc … của thọ … của tưởng … của các hành … như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Ðây gọi là minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là minh.

131. Tập Khởi

Bārānasī, Isipatana, vườn Lộc Uyển …

: “Vô minh, vô minh”, thưa Hiền giả Sàriputa, được nói đến là như vậy. Và thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?

—Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.

132. Tập Khởi

Bārānasī, Isipatana, vườn Lộc Uyển …

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kotthika thưa với Tôn giả Sāriputta:

: “Minh, minh” thưa Hiền giả Sāriputta, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?

—Ở đây, thưa Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Như vậy được gọi là minh, này Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là minh.

133. Kotthika

Bārānasī, Isipatana, Migadàya.

Tôn giả Sāriputta vào buổi chiều …

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Kotthika:

: “Vô minh, vô minh”, này Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?

—Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… không như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Như vậy gọi là vô minh, thưa Hiền giả. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.

Khi được nói vậy, Tôn giả Sāriputta và nói với Tôn giả Kotthika:

: “Minh, minh”, thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?

—Ở đây, thưa Hiền giả, vị Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… như thật biết rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy được gọi là minh.

134. Kotthika

Bārānasī, Isipatana, Migadàya.

: “Vô minh, vô minh”, thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là vô minh?

—Ở đây, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… không như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.

Ðược nói vậy, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Kotthika:

: “Minh, minh”, thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào được gọi là minh?

—Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sắc.

… thọ … tưởng … các hành …

… như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thức.

Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy, được gọi là minh.

135. Kotthika

Nhân duyên như trên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Kotthika:

: “Vô minh, vô minh”, thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Và thế nào là vô minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là vô minh?

—Ở đây, thưa Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu không như thật biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.

… thọ … tưởng … các hành …

… không biết rõ thức, không biết rõ thức tập khởi, không biết rõ thức đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.

Như vậy, này Hiền giả, được gọi là vô minh. Cho đến như vậy được gọi là vô minh.

Khi được nói vậy, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Kotthika:

: “Minh, minh”, thưa Hiền giả Kotthika, được nói đến như vậy. Thế nào là minh, thưa Hiền giả? Cho đến như thế nào, được gọi là minh?

—Ở đây, này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử như thật biết rõ sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.

… thọ … tưởng … các hành …

… biết rõ thức, biết rõ thức tập khởi, biết rõ thức đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.

Như vậy, này Hiền giả, được gọi là minh. Cho đến như vậy được gọi là minh.

IV. PHẨM THAN ĐỎ

136. Than Ðỏ Hực

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Sắc là than đỏ, này các Tỷ-kheo! Thọ là than đỏ! Tưởng là than đỏ! Các hành là than đỏ! Thức là than đỏ!

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức.

Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

137. Vô Thường

Nhân duyên ở Sāvatthi.

—Cái gì vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đây các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục. Này các Tỷ-kheo, cái gì là vô thường?

Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường.

… Thọ … Tưởng … Các hành …

Thức là vô thường, ở đây, các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.

Cái gì vô thường, này các Tỷ-kheo, ở đây các Ông cần phải đoạn trừ lòng dục.

138. Vô Thường

(Như kinh trên, chỉ khác là tham (ràga) thay thế cho dục (chanda).

139. Vô Thường

(Như kinh trên, chỉ khác là cả dục và tham ).

140–142. Khổ: Dukkha

Như 3 kinh trên, chỉ khác làkhổ thay thế cho vô thường.

140–142. Khổ: Dukkha

Như 3 kinh trên, chỉ khác làkhổ thay thế cho vô thường.

140–142. Khổ: Dukkha

Như 3 kinh trên, chỉ khác làkhổ thay thế cho vô thường.

143–145. Vô Ngã: Anatta

Như 3 kinh trên, chỉ khác làvô ngã thay thế cho khổ.

143–145. Vô Ngã: Anatta

Như 3 kinh trên, chỉ khác làvô ngã thay thế cho khổ.

143–145. Vô Ngã: Anatta

Như 3 kinh trên, chỉ khác làvô ngã thay thế cho khổ.

146. Thiện Nam Tử Khổ: Nibbidābahula

Nhân duyên ở Sāvatthī

—Ðối với vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, này các Tỷ-kheo, đây là thuận pháp (anudhammaṃ): Hãy sống nhàm chán nhiều đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành, hãy sống nhàm chán nhiều đối với thức.

Ai sống nhàm chán nhiều đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành, ai sống nhàm chán nhiều đối với thức thời sẽ biến tri sắc… thọ… tưởng… các hành, biến tri thức.

Vị nào biến tri sắc, biến tri thọ, biến tri tưởng, biến tri các hành, biến tri thức, thời được giải thoát khỏi sắc, được giải thoát khỏi thọ, được giải thoát khỏi tưởng, được giải thoát khỏi các hành, được giải thoát khỏi thức, được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy được giải thoát khỏi đau khổ.

147. Thấy Vô Thường: Aniccānupassī

Như kinh trên, chỉ khác làthấy vô thường thay thế chosống nhàm chán.

148. Thấy Khổ: Dukkhānupassī

Nội dung bài kinh này như kinh trên, chỉ khác làthấy khổ thay thế chothấy vô thường.

149. Thấy Vô Ngã: Anattānupassī

Như kinh trên, ở đây chỉ khác làthấy vô ngã.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ III - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app