Nội Dung Chính
Buổi 2: Ý Nghĩa Học Vi Diệu Pháp & Hiểu Đúng Về Chánh Pháp Sasaddhamma
ABHIDHAMMATTHASANGAHA
THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN
Tỳ kheo Thích Minh Châu (dịch và giải)
Viện Đại Học Vạn Hạnh 1973
oooOooo
CHƯƠNG I: CITTA (TÂM)
KỆ NHẬP ĐỀ (Ganthārambhakathā)
I. PÀLI VĂN.
– 1a) Sammāsambuddhamatulaṃ , sasaddhammagaṇuttamaṃ. Abhivādiya bhāsissaṃ, abhidhammatthasaṅgahaṃ.
II. THÍCH VĂN.
– Sammāsambuddha: Chánh đẳng giác: Atula: Vô tỷ, không thể so sánh. Sasaddhamma: Với diệu pháp. Gaṇa: Chúng. Uttamaṃ: Vô thượng. Abhivādiya: Sau khi đảnh lễ. Bhāsissaṃ: Tôi sẽ nói. Abhidhammathasangaha: Tên quyển sách.
III. VIỆT VĂN.
– 1a) Sau khi đảnh lễ đấng Chánh đẳng giác vô tỷ, Diệu pháp và vô thượng Tăng chúng, tôi sẽ nói đến tập Abhidhammatthasangaha.
IV. THÍCH NGHĨA.
– Abhidhamma nghĩa là Vô thượng pháp hay Thắng pháp. Attha nghĩa là vật. Sangaha nghĩa là tập yếu. Dhamma ở đây có nghĩa là giáo lý. Theo tập Atthasàlinì Abhi có nghĩa là Atireka, cao hơn, lớn hơn hay Visittha, đặc biệt, thù thắng. Abhidhamma nghĩa là thắng pháp vì pháp này giúp người tự giải thoát, hay vì pháp này thù thắng hơn Kinh tạng và Luật tạng. Trong Kinh tạng hay Luật tạng, đức Phật thường dùng những danh từ Tục đế như người, loài vật, hữu tình… Trong tạng Abhidhamma, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì giáo lý dạy rất đặc biệt, vì giáo lý này đưa đến tự giải thoát, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên gọi là Abhidhamma.
BỐN THẮNG PHÁP (Catuparamatthadhammo)
I. PÀLI VĂN.
– 1b) Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato. Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.
II. THÍCH VĂN.
– Tattha: Ở đây. Vutta: Được nói đến. Abhidhammattha. Các vật, các pháp thuộc Abhidhamma. Catudhà: Có 4 loại. Paramatthato: Theo Đệ nhứt nghĩa đế. Sabbathà: Tất cả.
III. VIỆT VĂN.
– 1b) Theo Đệ nhứt nghĩa đế, các pháp thuộc Abhidhamma có bốn tất cả: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn.
IV. THÍCH NGHĨA.
– Có hai sự thật (đế): Tục đế và Đệ nhứt nghĩa đế, Tục đế (Sammuti-sacca) là sự thật ngoài mặt, sự thậtcủa thế tình. Còn Đệ nhứt nghĩa đế (Paramattha-sacca) là sự thật tuyệt đối. Ví dụ cái bàn chúng ta thấy là tục đế. Theo đệ nhứt nghĩa đế, cái gọi là cái bàn, sự thật gồm nhiều cơ năng và đặc tánh.
Cũng vậy, trong kinh tạng, đức Phật thường dùng những danh từ thông thường như người đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã… nhưng trong Abhidhamma, đức Phật dùng những danh từ rất đặc biệt, như Khandha (uẩn), Dhàtu (giới), Àyatana (xứ)…
Chữ Paramattha có nhiều ý nghĩa trong Abhidhamma. Parama nghĩa là không thay đổi (aviparìta), trừu tượng (Nibbattita) Attha nghĩa là vật, pháp Paramattha nghĩa là những vật không thay đổi, hay trừu tượng. Tuy dùng chữ không thay đổi, nhưng đừng hiểu lầm là những vật này trường cữu, thường còn. Một chậu bằng đồng không phải là một Paramattha, vì nó luôn luôn thay đổi và có thể nấu chảy và biến thành cái bình. Cái chậu và cái bình có thể phân tích và chia chẻ thành những sức mạnh vật lý căn bảnvà những đặc tánh. Sức mạnh và những đặc tánh ấy được gọi là Rùpaparamattha trong Abhidhamma. Chúng cũng bị thay đổi, nhưng đặc tánh của những sắc pháp này là giống nhau và được tìm thấy trong cái chậu cũng như trong cái bình. Chúng gìn giữ đặc tánh của chúng trong mọi sự kết hợp của chúng và vì vậy trong sớ giải, Parama có nghĩa là không thay đổi hay thực có. Attha ở đây có nghĩa là vật chớ không phải là ý nghĩa.
Có 4 Paramattha hay thực thể trừu tượng, bao trùm mọi vật nhập thế và siêu thế. Như cái gọi là hữu tình thuộc về nhập thế. Còn Nibbàna thuộc siêu thế. Loài hữu tình gồm có Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc). Theo Abhidhamma, Rùpa gồm cả những đơn vị căn bản của vật chất và những thay đổi vật chất. Abhidhamma kể đến 25 sắc pháp. Nàma gồm cả Tâm và Tâm sở.
Theo Abhidhamma, cái gọi là hữu tình gồm có năm uẩn (khandha): Rùpa (sắc), Vedanà (thọ), Sannà (tưởng), Sankhàrà (hành) và Vinnàna (thức).
Tâm, Tâm sở (trừ 8 Siêu thế tâm và những Tâm sở câu hữu) và Sắc thuộc nhập thế (Lokiya), và Nibbàna thuộc Siêu thế (Lokuttara). Niết bàn là thực thế cứu cánh, độc nhất. Ba pháp còn lại được gọi là thực thể vì chúng là những vật hiện hữu (Vijjamàna dhammà). Ngoài ra, chúng không thể chia nhỏ, không thay đổi và trừu tượng.
Paramattha thứ nhất là Citta, từ ngữ căn Cit là suy nghĩ. Theo sớ giải, Citta có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng (cinteti: vijànàti). Đây không có nghĩa có người nghĩ đến đối tượng. Theo nghĩa của Abhidhamma, Citta nên định nghĩa là sự nhận thức có mặt của một đối tượng, vì không có nghĩa có một linh hồn suy nghĩ.
Citta, Ceta, Cittuppàda, Nàma, Mana Vinnàna đều là những chữ đồng nghĩa theo Abhidhamma, không có sự phân biệt giữa Citta và Vinnàna (tâm và Thức). Khi cái gọi là vật hữu tình được chia thành hai phần, thời dùng chữ Nàma (Danh). Khi chia thành năm uẩn, thời chữ Vinnàna (Thức) được dùng.