Pháp không nhẫn nại, pháp nhẫn nại thuộc loại tâm nào?

Pháp không nhẫn nại (akkhanti) thuộc về loại sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh trong sân tâm, thuộc loại ác tâm, có trạng thái nóng nảy, khổ tâm.

1) Pháp không nhẫn nại: thuộc về loại sân tâm sở (dosacetasika).

Sân tâm sở đồng sanh trong tâm sân, thuộc loại ác tâm, có trạng thái sân hận, nóng nảy, tự làm khổ mình. Nếu tâm sân có năng lực, thì có thể làm hại đối tượng là người hoặc vật không hài lòng.

Sân tâm sở có 4 tính chất là:

1-Có trạng thái thô bạo với đối tượng.
2- Có phân sự làm cho tâm của mình nóng nảy, làm khổ mình và làm khổ người khác.
3- Làm hại đối tượng là quả.
4- Có 10 điều thù oán là nguyên nhân gần, để phát sanh sân tâm sở đồng sanh với sân tâm.

Tâm sân phát sanh do nguyên nhân thù oán, có 10 điều là:

1- Thù oán do nghĩ rằng: người này đã từng làm hại ta.
2- Thù oán do nghĩ rằng: người này đang làm hại ta.
3- Thù oán do nghĩ rằng: người này sẽ làm hại ta.
4- Thù oán do nghĩ rằng: người này đã từng làm hại người thân của ta.
5- Thù oán do nghĩ rằng: người này đang làm hại người thân của ta.
6- Thù oán do nghĩ rằng: người này sẽ làm hại người thân của ta.
7- Thù oán do nghĩ rằng: người này đã từng giúp đỡ kẻ thù của ta.
8- Thù oán do nghĩ rằng: người này đang giúp đỡ kẻ thù của ta.
9- Thù oán do nghĩ rằng: người này sẽ giúp đỡ kẻ thù của ta.
10- Tức giận trong những trường hợp bất trắc: đi đạp nhằm vỏ chuối trượt té, đi vấp cục đá té đau, v.v….

Đó là những nguyên nhân gần làm cho tâm sân phát sanh, làm khổ mình và có thể làm khổ đến người khác. Tuy nhiên, xét về những nguyên nhân xa từ quá khứ làm nhân phát sanh sân tâm, có 5 chi pháp:

1- Người có tính hay sân hận, bực tức.
2- Suy nghĩ nông cạn.
3- Người thất học, ít hiểu biết về thiện pháp, ác pháp.
4- Gặp phải đối tượng không hài lòng.
5- Gặp phải điều thù oán (trong 10 điều thù oán).

Đó là những nguyên nhân gần, nguyên nhân xa dễ phát sanh sân tâm.

Người nào thường phát sanh tâm sân, người ấy rất khổ tâm, tâm bực tức, nóng nảy, làm cho bộ mặt dữ tợn, trông đáng ghê tởm, đáng sợ, và còn làm cho những người gần gũi phải bị liên lụy. Nếu tâm sân đến mức nóng nảy, điên cuồng, thì có thể làm hại đến đối tượng vật hoặc người không hài lòng ấy, gây ra những thiệt hại hoặc tội ác. Tâm sân thường phát sanh đến người nào, người ấy tâm cảm thấy nóng nảy, sắc thân bị thiêu đốt làm cho mau già, da dẻ sần sùi, khô khan, thân hình xấu xí, dễ sanh bệnh hoạn. Khi người khác gần gũi với người hay sân ấy, cảm thấy nóng nảy, khó chịu, muốn xa lánh.

Người nào tạo ác nghiệp do năng lực của tâm sân, người ấy sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả bị sa đoạ trong cõi điạ ngục, chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo; đến khi mãn nghiệp ở địa ngục, do thiện nghiệp nào khác cho quả nếu được tái sanh làm người, thì người ấy sẽ là người có thân hình xấu xí, trông đáng ghê tởm, bởi ác nghiệp do sân tâm, không nhẫn nại ấy còn dư sót, cho quả sau khi đã tái sanh, ít người muốn gần gũi, thân thiện với người ấy.

* Nhân sanh sân tâm

Tâm sân phát sanh do 2 nhân duyên:

— Ayonisomanasikāra: si mê không hiểu rõ biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp, không hài lòng nơi đối tượng.
— Pa.ṭighanimiṭṭa: đối tượng thù nghịch làm phát sanh sân tâm.

* Nhân diệt sân tâm

Tâm sân bị diệt do 2 nguyên nhân là:

— Yonisomanasikāra: trí tuệ hiểu biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp trong tam giới, hoặc biết rõ đối tượng chúng sinh đáng thương yêu.

— Meṭṭaceṭovimuṭṭa: tiến hành thiền định, niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn với kẻ thù, để chứng đắc đến cận định và các bậc thiền sắc giới (trừ bậc đệ ngũ thiền sắc giới).

* Các pháp để diệt sân tâm

Sáu pháp để diệt sân tâm:

1- Học hiểu rõ đề mục niệm rải tâm từ cho mình và đến tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn và kẻ thù. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

2- Tiến hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ cho mình và đến tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn và kẻ thù. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm

3- Quán xét mọi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình. Hành giả tự dạy mình rằng: Ta thù hận người ấy, ta có thể phá hoại được mọi thiện pháp của người ấy được hay không? Hay ta chỉ phá hoại mọi thiện pháp của ta mà thôi. Người nào có tâm sân hận phát sanh, giận dữ người khác; người ấy tự làm khổ cả tâm lẫn thân của mình trước, rồi mới làm khổ đến người khác sau; chỉ có thể làm khổ thân người khác, còn có làm khổ tâm người khác được hay không, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự hiểu biết của họ. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

4- Biết quán xét về nghiệp rằng: Người nào tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, người ấy sẽ thọ hưởng quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp; nếu ta tạo ác nghiệp, thì ta phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

5- Gần gũi, thân cận với các bậc thầy khả kính để nương nhờ, học hỏi về pháp hành thiền định, đề mục niệm rải tâm từ. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

6- Lời nói thuận lợi: nói về pháp hành, đề mục niệm rải tâm từ, quả báu của pháp hành niệm rải tâm từ. Đó là pháp có thể diệt được sân tâm.

* Nhân sanh bất thiện tâm hoặc ác tâm

Bất thiện tâm hoặc ác tâm, đó là tham tâm, sân tâm và si tâm; những bất thiện tâm này phát sanh do 5 nhân duyên:

1- Không tích luỹ được nhiều phước thiện từ kiếp trước.
2- Sanh sống nơi chốn không có bậc Thiện trí.
3- Không được gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí.
4- Không được nghe chánh pháp của bậc Thiện trí.
5- Tâm hiểu biết sai lầm, không đúng theo chánh pháp.

Năm nhân duyên này có liên quan với nhau.

Do không tích luỹ được nhiều phước thiện từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, nên tái sanh ở nơi chốn không có bậc Thiện trí, không được gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí, không được nghe chánh pháp của bậc Thiện trí, không hiểu biết rõ thiện pháp, ác pháp, phước thiện, tội ác, v.v… do tâm si mê không hiểu biết đúng theo chánh pháp; cho nên, tâm hiểu biết sai lầm, làm nhân duyên phát sanh mọi bất thiện tâm hoặc ác tâm, tạo nên mọi nghiệp ác, do bởi thân, khẩu, ý tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ cả mình lẫn người, cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Xét trong 5 nhân duyên này, nhân duyên thứ nhất thuộc về tiền kiếp quá khứ, còn 4 nhân duyên sau thuộc trong kiếp hiện tại. Nếu người nào biết tìm đến gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí, lắng nghe chánh pháp, thì người ấy có thể thay đổi được tâm tính, cải ác tòng thiện, cải tà quy chánh. Kể từ đó, người ấy có thể tiến hoá trong mọi thiện pháp, nâng đỡ họ trở thành con người cao thượng.

2) Pháp nhẫn nại: thuộc về loại vô sân tâm sở.

Vô sân tâm sở (adosacetasika) đồng sanh trong thiện tâm, có trạng thái không sân hận, tâm mát mẻ, không tự làm khổ mình, không làm khổ người và không tự làm khổ cả mình lẫn người.

Vô sân tâm sở có 4 tính chất là:

1- Có trạng thái không bực tức, không nóng giận.
2- Có phận sự diệt tâm sân hận, thù oán.
3- Tâm mát mẻ an lạc là quả.
4- Có trí tuệ hiểu biết đúng thực tánh của các pháp là nguyên nhân gần để phát sanh vô sân tâm sở đồng sanh trong thiện tâm.

Người nào có thiện tâm, có vô sân tâm sở nhiều năng lực, thì thân tâm của người ấy thường được mát mẻ an lạc, giúp giữ gìn duy trì sắc thân được trẻ trung, lâu già, được phần đông mọi người yêu thương, kính mến. Mỗi khi người ta gần gũi, thân cận với người vô sân, nhẫn nại ấy, họ có cảm giác mát mẻ an lạc.

Pháp nhẫn nại là vô sân tâm sở đồng sanh trong thiện tâm, tạo nên thiện nghiệp, có tính chất đặc biệt, sau khi chết, nếu thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh làm người, thì người ấy sẽ là người rất xinh đẹp tuyệt vời, đáng chiêm ngưỡng, được phần đông mọi người thương yêu, kính mến, ai ai cũng muốn gần gũi, thân cận với người ấy.

* Nhân sanh thiện tâm

Thiện tâm phát sanh do 5 nhân duyên là:

1- Đã tích luỹ được nhiều phước thiện từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ.
2- Sanh sống nơi chốn có nhiều bậc Thiện trí.
3- Được gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí.
4- Được lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí.
5- Thiện tâm hiểu biết đúng đắn theo chánh pháp.

Năm nhân duyên này có liên quan với nhau.

Do tích luỹ được nhiều phước thiện từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, nên được tái sanh ở nơi chốn có nhiều bậc Thiện trí, có được cơ hội gần gũi, thân cận với bậc Thiện trí, được lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí; cho nên, thiện tâm hiểu biết rõ thiện pháp, ác pháp, phước thiện, tội ác, v.v… trí tuệ hiểu biết đúng theo chánh pháp, làm duyên lành phát sanh mọi thiện tâm, tạo mọi thiện nghiệp do thân, khẩu, ý đem lại sự lợi ích cho mình, cho người, cho cả mình lẫn người, cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Trong 5 nhân duyên này, nhân duyên thứ nhất thuộc về thiện nghiệp từ những kiếp quá khứ, còn 4 nhân duyên sau thuộc trong kiếp hiện tại.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app