Pháp Đầu Đà – Pháp Môn Trì Bình Khất Thực – Piṇḍapātikaṅga

Pháp môn trì bình khất thực – piṇḍapātikaṅga

Trong pháp môn này có 2 cách nguyện, tỳ khưu muốn nguyện một cách nào cũng được là: atirekalābhaṃ paṭikkhipāmi: tôi nguyện xin ngăn cản không thọ lãnh vật thực nào khác ngoài vật thực mà tôi đi khất thực được; piṇḍapātikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi nguyện thọ trì pháp môn của người chỉ đi trì bình khất thực làm pháp hành.

Tỳ khưu đã nguyện pháp đầu đà này rồi thì không được vui thích 14 thứ vật thực như sau (atirekabhatta): 1) saṅgha bhatta: vật thực người dâng cúng đến tất cả chư tăng; 2) uddesa bhatta: vật thực người chỉ thỉnh, nhứt định cho 1 hoặc 2 vị tỳ khưu từ trong tăng chúng; 3) nimantana bhatta: vật thực người thỉnh tỳ khưu đến dâng; 4) salāka bhatta: vật thực mà người bắt số được; 5) pakkhika bhatta: vật thực người nhứt định chỉ dâng trong nửa tháng 1 lần; 6) uposathika bhatta: vật thực người đem dâng trong mỗi ngày bát quan trai; 7) pāṭipadika bhatta: vật thực người nhứt định dâng trong ngày thứ nhứt của thượng huyền và hạ huyền (là ngày mùng 1 và 16 trong mỗi tháng); 8) āgantuka bhatta: vật thực người dành dâng cho tỳ khưu khách; 9) gamika bhatta: vât thực người dành dâng cho tỳ khưu khởi hành, đi xa; 10) gilāna bhatta: vật thực dành cho người bệnh; 11) gilān’upatthāka bhatta: vật thực dành cho tỳ khưu nuôi bệnh; 12) vihāra bhatta: vật thực để dành dâng cho mỗi cốc, cư xá; 13) dhuva bhatta hay là dhura bhatta: vật thực người dâng luôn luôn mỗi ngày hay là vật thực để dành khi hữu sự; 14) vāra bhatta: vật thực người phân phiên nhau dâng.

Tỳ khưu khi đã thọ trì “khất thực” rồi thì không được thọ lãnh các thứ vật thực kể trên. Nhưng nếu có thí chủ thông thạo khi thỉnh chư tăng để trai tăng và xin thỉnh luôn thầy tỳ khưu này thọ thực, nếu thỉnh như vậy thầy tỳ khưu (thọ trì không phải là bực thượng) đi thọ thực cũng được, hoặc những số không phải là vật thực, như thuốc chữa bệnh phát sanh đến chư tăng, hoặc vật thực người nấu trong chùa, tỳ khưu ấy muốn thọ lãnh cũng được, không hại đến pháp đầu đà.

Pháp môn này cũng có 3 hạng. Thầy tỳ khưu bậc thượng khi đi khất thực, có người đem vật thực đến để bát, từ phía trước hoặc phía sau, đứng trước nhà họ xin bình bát đem để vật thực, khi khất thực mới về đến có người đem vật thực đến dâng đều thọ lãnh được hết thảy, nhưng khi đã ngồi xuống rồi thì không được thọ lãnh nữa. Bậc trung, dầu cho ngồi xuống cũng còn thọ lãnh được chỉ nội trong ngày ấy thôi, nhưng thọ lãnh vật thực mà họ thỉnh để ngày mai nữa thì không được. Bậc hạ, nếu có người thỉnh xin thọ thực hoặc để bát trong ngày mai nữa cũng được. Tỳ khưu trong 3 bực này khác nhau là: tỳ khưu bực trung và bực hạ không được mấy gì an vui vì tâm còn dính líu đến kẻ khác, chỉ có tỳ khưu bực thượng tâm được an nhàn, tự tại không có quyến luyến đến một nhân vật nào. Ba bực này khi vui thích thọ lãnh 14 thứ vật thực đã kể thì pháp đầu đà đã đứt mất. 

Quả báo của pháp khất thực có 15 là: 1) nissay’ānurūpappaṭipatti sabhāvo: tư cách người thực hành đúng theo lời mình thọ lãnh khi xuất gia; 2) dutiye ariyavaṃse patitthānaṃ: tư cách ở vào bực thứ nhì của dòng Thánh nhân (đây là sự tri túc thứ nhì trong 4 món vật dụng); 3) aparāyattavuttitā: tư cách người thực hành không dính líu đến kẻ khác; 4) bhagavatā saṃvaṇṇitappaccayatā: vật thực mà Đức Phật thường ngợi khen (là trong sạch, tối thiểu và vô tội); 5) kosajjanimmatthanatā: tư cách dứt bỏ sự lười biếng; 6) parisuddhā jīvitā: cách nuôi mạng sống rất trong sạch; 7) sekhiyappaṭipatti pūraṅaṃ: được thực hành đầy đủ ưng học pháp; 8) aparapositā: không cần nuôi kẻ khác vì có tiết độ trong sự thọ lãnh; 9) par’ānuggaha kiriyā: tư cách tế độ đến các thí chủ vì chỉ thọ lãnh chút ít trong mỗi gia đình;10) mānappahānaṃ: dứt bỏ bớt sự ngã mạn; 11) rasataṇhāya nivāranaṃ: được dứt bỏ sự ham muốn trong các hương vị khác; 12) ganabhojanaparampara bhojanacāritta sikkhāpadehi anāpattitā: khỏi lo phạm tội vì sự đồng lòng đi thọ thực, thọ thực nơi khác ngoài người thỉnh trước, hoặc để chỗ nào khác mà không kiếu từ và cho biết (vì đã thọ đầu đà nên không thọ lãnh để đi thọ các thứ vật thực ấy); 13) appicchatādinaṃ anulomavuttitā: tư cách thực hành đúng theo pháp tri túc; 14) sammāpaṭipattī brūhanaṃ: tư cách làm cho phát triển sự thực hành đúng theo chánh pháp; 15) pacchimā janat’ānukampanaṃ: làm gương tốt cho đoàn hậu tấn.

Hậu kệ ngôn của pháp trì bình khất thực: “Pindiyālopasantuttho aparāyatta jīvako Pahīnāhāraloluppo hoti cātuddiso yati Vinodayati kosajjam ājivassa visujjhati Tasmā hi nātimaññeyya bhikkhācāram sumedhaso”.

Giải: Hành giả có tâm trung bình vui thích với mỗi vắt cơm đã xin được, sự nuôi mạng sống không dính líu đến kẻ khác, đã dứt bỏ được sự ham mê trong vật thực, người có thể đi đâu trong tứ phương không trở ngại, dứt bỏ được sự biếng nhác, sự nuôi mạng của người được trong sạch. Bởi vậy, bực trí thức không nên khinh thường trong sự trì bình khất thực.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app