Pháp môn ở ngoài trời – abbhokāsikaṅga
Trong pháp môn này có 2 cách nguyện, tỳ khưu muốn nguyện 1 trong 2 cách nào cũng được: channañca rukkhamulañca patikkhipāmi: tôi xin nguyện không cư ngụ nơi chỗ có che lợp, có mái hay ở dưới bóng cây; abbhokāsikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì pháp đầu đà ở ngoài trống lổng, ngoài trời luôn luôn.
Tỳ khưu nào nguyện pháp môn này khi vào nhà simā để làm lễ phát lồ hay nghe pháp, nếu khi làm phận sự xong mà trời mưa thì không nên gấp bỏ đi ra ngoài, phải chờ cho tạnh mưa rồi mới ra ngoài cũng được. Hơn nữa, dầu cho đi vào trai đường, nhà bếp chư tăng khi có việc cần, hoặc hầu hạ các vị tỳ khưu cao hạ già cả, vô trường học Kinh hay dạy Pāli, đem bàn ghế để ngoài trời trống vô trong chỗ có che lợp đều được hết thảy. Nếu khi đi theo đường có cầm vật chi của các tỳ khưu trưởng lão gặp mưa tới nên vô nhà theo đường để trú mưa, dầu cho không có cầm vật chi khi có mưa tới cũng vào nhà trú được cho tới khi tạnh mưa. Nhưng khi vô phải đi thong thả chớ không nên hấp tấp và tính sẽ ở trong sala ấy.
Pháp đầu đà này chia làm 3 bực là. Bực thượng: không được nương gần bóng núi, bóng cây hay bóng nhà, chỉ được phép làm chòi để y ở ngoài đồng trống mà thôi. Bực trung: được phép nương gần bóng cây, núi, nhà, nhưng không được vào ở trong. Bực hạ: trại không có dừng vách chung quanh, nhà chòi làm bằng lá cây, nhánh cây, trần làm bằng vải dày, trại ruộng mà người ta bỏ nếu vào ẩn núp các nơi này cũng được. Đầu đà trong 3 bực này, khi có ý vào cư ngụ nơi có che lợp, hoặc biết rõ mà còn ở các nơi ấy đến khi mặt trời mọc thì đã đứt không còn nữa.
Quả báo của pháp môn này có 5 là: 1) āvāsapalibodhupacchedo: tư cách dứt bỏ được sự bận rộn trong chỗ ở; 2) thīnamiddhappanūdanam: dứt bỏ được sự lười biếng của thân tâm; 3) nissaṅgatā: không có dính líu đến sự gìn giữ chỗ ở; 4) cātuddisatā: châu du trong tứ phương không có trở ngại vì khỏi phải lo không có chỗ ở; 5) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: tư cách người thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.
Hậu kệ ngôn của pháp môn ở ngoài trời: “Anagāriya bhāvassa anurūpe adullhabhe tārāmanivitānaṃhi Candadīpappabhāsite Abbhokāse vasaṃ bhikkhu miga bhūtena cetasā thīnamiddhaṃ vinodetvā bhāvanārāvataṃ sito pavivekarasassādaṃ nacirasseva vindati yasmā tasmā hi sappañño abbhokāse rato siyā”.
Giải: Tỳ khưu là hành giả không có bận tâm gìn giữ chỗ ở, ví như thú rừng, chỉ có tư cách vui thích trong sự tham thiền, khi đã ở nơi trống không như vậy, đã dễ kiếm mà còn đúng với tư cách của bậc xuất gia, lấy hư không làm trần có khảm ngọc nạm bằng các vì sao, dùng mặt trăng làm đèn sáng như vậy có thể dứt bỏ sự lười biếng của thân tâm và hưởng lấy hương vị thanh cao vui thích trong cảnh thanh vắng của đạo pháp không lâu.
Bởi vậy cho nên hành giả có trí tuệ nên vui thích ở nơi đồng trống như thế ấy.