Pháp Đầu Đà – Pháp Môn Ở Dưới Cội Cây – Rukkhamūlikaṅga

Pháp môn ở dưới cội cây – rukkhamūlikaṅga

Pháp môn này cũng có 2 cách thọ trì, hành giả muốn thọ trì  cách  nào  cũng  được  là:  channaṃ  paṭikkhipāṃi:  tôi  xin nguyện không ở nơi cư ngụ có che lợp, có nóc; rukkhamūlikaṇgaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện thọ trì ở dưới cội cây.

Hành giả đã thọ trì rồi nên lựa một bóng cây nào ở cuối cùng của chùa, nhứt định làm nơi cư ngụ, nhưng phải chừa ra những cây có mũ, có dầu, có trái, bông có nhiều chim cò hay dơi ở, cây người thường đến khấn vải hoặc cây ở chính giữa ranh 2 quốc gia, vì tất cả những cây này đều có sự tai hại.

Trong pháp môn này chia làm 3 bực. Bực thượng: một khi đã nhứt định vừa ý lựa gốc cây nào rồi thì không được sai mượn ai đi quét dọn cho sạch, phải tự mình gom lá cây rụng bằng chân của mình mà thôi. Bực trung: nếu có người đi đến đó mượn quét dùm cũng được. Bực hạ: dầu cho kêu người giúp việc trong chùa hay sa di mượn quét dọn chỗ đồ cát, làm hàng rào, có cửa xong rồi mới ở cũng được. Ba bực tỳ khưu này, khi ngày nào có nhiều bạn đạo vào chùa làm công quả hay làm phước chi thì phải lánh mình đi nơi khác cho kín đáo, không nên ngồi đó có ý cho người biết mình thọ trì đầu đà ở dưới cội cây. Ba bực này khi có ý vào cư ngụ nơi có che lợp, có mái thì đều đứt hết, tuy nhiên khi vào chỗ che lợp có nóc để nghe thuyết pháp, làm lễ hay có phận sự chi thì phải ra khỏi chỗ ấy trước khi mặt trời mọc về chỗ cư ngụ của mình, hơn nữa trong 4 tháng mùa mưa được vào cư ngụ chỗ ở có che lợp, pháp đầu đà ấy không đứt đâu.

Quả báo của pháp môn ở dưới cội cây có 6 là: 1) nissay’ānurūpappatipatti sabbhāvo: tư cách người thực hành đúng theo lời mình đã hứa trong khi làm lễ xuất gia thầy chỉ dẫn dạy “bực xuất gia nên ở dưới cội cây” và mình đã vâng chịu bằng cách nói “dạ xin vâng”; 2) bhagavatā saṃvannitappaccayatā: vật dụng mà Đức Phật thường khen ngợi là: ít, dễ kiếm và vô tội; 3) aniccasaññā samutthāpanatā: làm cho tư tưởng vô thường được phát sanh lên do chú ý đến sự thay đổi luôn của lá cây; 4) senāsana macchera kammārāmatānaṃ abhāvo: không có tâm bỏn xẻn trong chỗ ở và không thích trong công việc tạo tác; 5) devatāhi sahavāsitā: người có tư cách như ở chung với Chư Thiên; 6) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: tư cách người thực hành đúng theo những đức lành nhứt là pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp môn ở dưới cội cây: “Vaṇṇito buddhasetthena nissayoti ca bhāsito nivāso pavivittassa rukkhamūlasamo kuto āvāsamaccherahare devatā paripālite pavivitte vasanto hi rukkhamūlamhi subbato abhirattani nīlāni pandūni nīlāni pandūni patitāni ca passanto tarupaṇṇāni uiccasaññaṃ panūdaṭi tasmā hi buddha dāyajjaṃ bhāvanā bhiratālayaṃ vivittaṃ nātimaññeyya rukkhamūlaṃ vicakkhaṇo”.

Giải: Chỗ ở nào của thầy tỳ khưu có tâm thanh tịnh mà Đức Phật khen là duyên lành của bực xuất gia, cho bằng chỗ ở dưới cội cây, ngoài ra có chỗ nào cho bằng được. Bởi vì thầy tỳ khưu khi cư ngụ nơi thanh vắng có thể dứt bỏ sự bỏn xẻn về chỗ ở, được các vị mộc thần thường chăm lo bảo bọc. Chẳng phải chỉ có bấy nhiêu đâu, khi tỳ khưu cư ngụ dưới cội cây thường thấy lá cây chín rụng xuống rồi lá non mọc ra thay đổi luôn hoài thì có thể dứt bỏ tư tưởng cho là trường tồn. Bởi vậy bực trí thức không nên khinh thường chỗ thanh vắng, như dưới cội cây là di sản của Đức Phật để lại, là chỗ ở của bực hành giả vui thích trong sự tham thiền.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app