Cách thọ trì
Nếu có một hành giả nào muốn thọ trì 1 trong 13 pháp đầu đà này phải thọ trì với ai? Và cách thọ trì như thế nào?
Giải rằng: nếu có một hành giả nào muốn thọ trì một pháp đầu đà nào thì nếu lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, phải thọ trì với Đức Thế Tôn; nếu sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt rồi thì phải thọ trì với các vị Đại Thinh văn (Mahāsāvaka), nếu mấy vị Đại Thinh văn cũng đã nhập diệt hết thì phải thọ trì với các vị Thánh nhân như A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm và Tu-đà-huờn hoặc các bậc thuộc nằm lòng Tam tạng, Nhị tạng, Nhứt tạng hoặc các vị kết tập Tam tạng, thuộc chú giải lui xuống theo thứ lớp.
Nếu tất cả các vị ấy cũng không có thì nên thọ trì với các vị đã thọ đầu đà trước kia. Nếu các vị đầu đà trước cũng không có thì phải quét dọn sân thờ tháp Xá Lợi cho sạch sẽ xong đảnh lễ bảo tháp rồi nguyện thọ trì pháp môn nào mà mình sở thích trước bảo tháp ấy cũng như lúc Đức Phật còn hiện tại, hay là tự mình nguyện thọ trì tại một nơi nào cũng được.
Cách thọ trì các pháp môn đầu đà theo thứ tự như sau:
1. Cách thọ trì về sự lượm vải dơ bỏ để làm y – pamsukūnikaṅga
Cách nguyện có hai câu Pāli muốn nguyện thọ trì trong một câu nào cũng được: 1) gahapaṭidānacivaraṃ paṭikkhi- pāmi: tôi xin nguyện thọ trì không lãnh y của thí chủ đem dâng; 2) paṃsukūnikaṅga samādiyāmi: tôi xin nguyện giữ pháp đầu đà chỉ mặc y bằng vải dơ ghê gớm của người bỏ.
Bậc hành giả nào đã thọ trì pháp đầu đà này rồi phải siêng năng đi lượm 23 thứ vải như sau về giặt rửa sạch sẽ lựa chỗ nào tốt còn chắc xé lấy để may y, nhuộm xong đúng luật mới thay y của mình trước kia ra bỏ rồi mặc y dơ đã lượm được vào. 23 thứ vải nên lượm may y là: 1) sosānika: vải bỏ trong rừng mả hoặc vải bao quấn tử thi[1]; 2) pāpaṇika: vải bỏ chung quanh chợ; 3) rathiyacoḷa: vải người làm lễ chi xong thảy ra cửa sổ bỏ trên đường; 4) saṅkāracoḷa: vải bỏ nơi đống rác;
5) sotthiya: vải người lau chùi cho hài nhi sau khi sanh đẻ rồi bỏ; 6) nhānacoḷa: vải mấy thầy phù thủy đắp cho người bệnh rồi làm phép xối nước xong cho là xui đem bỏ; 7) titthacoḷa: vải bỏ gần bến nước; 8) gatapaccāgata: vải người đi vào mồ mả khi về tắm xong bỏ; 9) aggidaḍḍha: vải bị cháy chút ít người ta bỏ; 10) gokhāyita: vải bò gậm họ đem bỏ; 11) upacikākhāyita: vải mối ăn họ đem bỏ; 12) undūrakhāyita: vải chuột cắn bỏ; 13) antacchinna: vải rách biên bỏ; 14) dasacchinna: vải xười bìa bỏ; 15) dhajāhaṭa: vải người treo làm cờ trước khi xuống thuyền đi xứ nào hay vải treo làm cờ nơi chiến địa rồi bỏ; 16) thūpacīvara: vải bao gò mối để cúng lễ rồi bỏ; 17) samaṇacīvara: vải của các bực sa-môn hay tỳ khưu bỏ cho; 18) ābhisekika: vải người bỏ sau khi làm lễ tôn vương; 19) iddhimaya: vải do pháp thần thông là vải của vị được ehibhikkhu; 20) panthika: vải người làm rớt theo đường; 21) vātāhaṭa: vải bị gió trốt cuốn bay đi rớt một nơi nào đó; 22) devadattiya: vải của Chư Thiên có ý bỏ cho; 23) sāmuddiya: vải ngoài biển sóng đánh đưa vào bờ. Tất cả các thứ vải này là ám chỉ thứ vải mà không do nơi thí chủ đem đến dâng hoặc là của tăng chia cho theo thứ lớp của hạ. Nghĩa là vải tự mình kiếm lượm được hoặc của một vị tỳ khưu nào bỏ cho thì mới gọi là vải paṃsukūla.
Vậy chớ thầy tỳ khưu hành cách lượm vải bỏ có mấy bực? Cách lượm vải dơ có 3 bực: ukkaṭṭho: bực thượng; majjhima: bực trung; mudu: bực hạ.
Giải: thầy tỳ khưu chỉ lượm vải ở trong mồ mả để may y mà thôi không hề lượm ở nơi nào khác gọi là bực thượng, nếu có thí chủ cố ý muốn làm phước (nhưng không được đem dâng tận tay) chỉ đem y bỏ một nơi nào cho người tu hành lượm, tỳ khưu lượm y ấy về may y để dùng xài thì gọi là bực trung, tỳ khưu lượm vải thí chủ muốn dâng rồi đem bỏ gần bên chân tỳ khưu đang ngồi, làm y mặc thì thuộc bực hạ.
Ba bực này khi dứt pháp đầu đà được nơi thế nào?
Đáp: Khi nào thầy tỳ khưu vui thích thọ lãnh y nơi tay thí chủ đem đến dâng thì pháp đầu đà ấy sẽ đứt không còn nữa.
Không phải chỉ riêng pháp đầu đà lượm vải dơ này mà đứt rồi hết luôn dầu cho 12 pháp môn sau này cũng vậy, khi đã đứt rồi mà thầy tỳ khưu còn mến tiếc muốn thọ trì nối tiếp thì cũng có thể nguyện thọ trì mới lại và thực hành cho đúng đắn theo thứ tự của đầu đà trong ngày sắp tới cũng được thành tựu.
Quả báo của pháp môn lượm vải dơ. Trong pháp môn này, nếu thầy tỳ khưu thọ trì chín chắn không đứt thì được 12 quả báo như sau: 1) nisayānurūpappaṭipattsabhāvo: tư cách của người thực hành đúng theo lời mình hứa trong khi làm lễ xuất gia thầy tế độ dạy nên lượm vải bỏ để may y làm nơi nương nhờ: nisaya, mình tỏ ý bằng lòng bằng cách nói “dạ xin dâng”; 2) paṭhame ariyavaṃse patiṭṭhānaṃ: tư cách của người đứng vào dòng Thánh nhân thứ nhứt;1 3) ārakkha dukkhābhāvo: không khổ tâm vì bận rộn gìn giữ y nhiều; 4) apārayattavuttitā: tư cách người không dính líu đến kẻ khác. 5) corabhayena abhayatā: tư cách người không sợ trộm cướp lấy y; 6) paribhoga taṇhāya abhāvo: không có ái dục khi dùng xài y; 7) samāna sāruppaparikkhāratā: tư cách người có đồ phụ tùng đúng theo cách của các bực samôn; 8) bhagavatā saṃvaṇṇitappaccayatā: có món vật dụng mà Đức Phật thường khen ngợi; 9) pasādikatā: tư cách người làm cho kẻ khác được trong sạch; 10) appicchatādīnaṃ phalanipphatti: có quả tốt do sự ít tham muốn; 11) sammāpatipattiyā anubrūhanaṃ: tư cách làm cho phát triển sự thực hành chân chính; 12) pacchimāya janatāya diṭṭhānugati āpādanaṃ: làm gương tốt cho đoàn hậu tấn noi đó mà thực hành theo.
Hậu kệ của pháp môn pamsukūla:
“Mārasenaṃ vighātāya paṃsukūladharo yati Sannaddhakavaco yuddhe khattiyo viya sobhati. Pahāya kāsikādini varavatthāni dhāritam
Yam lokagaru nā ko taṃ paṃsukūlam nadhāraye Tasmāhi attano bhikkhu paṭiññaṃ samanussaraṃ Yog’ācārānukūlamhi paṃsukūle rato siyā.”
Giải: Đức vua thường mặc thiết giáp kĩ lưỡng trong khi ra chiến trận như thế nào thì hành giả mặc y bằng vải dơ lượm được để diệt trừ binh tướng của Ma vương cũng như thế ấy.
Dầu cho Đức Phật là thầy của chúng sanh mà còn dứt bỏ y quí giá như y trong xứ Kāsi để mặc y bằng vải dơ lượm được thay, như vậy thầy tỳ khưu nào dám khinh thường mà không mặc y bằng vải pamsukūla sao?
Bởi vậy, tỳ khưu là hành giả khi nhớ đến lời nhận lãnh của mình (trong khi xuất gia) thì cũng nên tinh tấn vui thích trong sự lượm vải dơ để may y mà mặc.
[1] Theo Ấn Độ phần đông khi có người chết thì họ lấy vải bao bó tử thi làm nhiều lớp rồi đem đi bỏ trong rừng mả xa xóm làng chớ ít có chôn hay thiêu đốt (theo cổ truyền) nhưng hiện hay cũng có 1 số chôn và thiêu.