(Bản Mới) Ngũ-Giới Là Pháp Đem Lại Sự An Lành

Ngũ-giới có tầm quan trọng trực tiếp đem lại sự hạnh-phúc an lành đến cho người giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn nói riêng, đến cho tất cả mọi chúng-sinh nói chung.

Tầm quan trọng của ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn là pháp đem lại hạnh phúc an lành tuỳ theo địa vị của mỗi người trong đời.

Nếu người ấy là một Đức-vua có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn thì toàn cõi đất nước có mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ đều sống an cư lạc nghiệp,…

* Tích Kurudhammajātaka(1), Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama thực-hành pháp kurudhamma là pháp ngũ-giới được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự  tại  ngôi chùa Jetavana gần kinh  thành  Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tiền-kiếp của Ngài khi còn là Đức-Bồ-tát Dhanañcayakorabya trong tích Kurudhammajātaka.

Trong thời quá-khứ, Đức-vua Bồ-tát Dhanañ- cayakorabya ngự tại kinh-thành Indapattha trị vì đất nước Kuru. Đức-vua Bồ-tát thực-hành “kurudhamma(2)là danh từ gọi pháp ngũ-giới” và có 10 người thực-hành theo Đức-Bồ-tát cũng giữ gìn kurudhamma (pháp ngũ-giới) đó là:

1-   Mẫu hậu của Đức-vua Bồ-tát.

2-   Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua.

3-   Hoàng đệ Đức phó-vương.

4-   Vị Bà-la-môn quân sư của Đức-vua.

5-   Vị quan đo điền thổ.

6-   Người đánh xe ngựa của Đức-vua.

7-   Phú hộ trong kinh-thành Indapattha.

8-   Vị quan trông coi kho thóc gạo.

9-   Người đóng cửa thành.

10-  Cô kỹ-nữ trong kinh-thành Indapattha.

Đó là 10 người thực-hành kurudhamma theo Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya.

Đức-vua Bồ-tát lập ra trại bố-thí vật thực và đồ dùng tại 6 nơi: 4 cửa thành, trung tâm kinh- thành và trước cửa cung điện Đức-vua.

Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya là Đức- vua rất hoan hỷ trong pháp-hạnh bố-thí ba-la- mật. Mỗi ngày, đem của cải trị giá 600.000 (sáu trăm ngàn) phân phát tại 6 trại bố-thí cho mọi người nghèo khổ, đói khát, người đi đường.

Đức-vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya ngự tại kinh-thành Indapattha, trị vì toàn đất nước Kuru được mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, mọi thần dân thiên hạ được sống an cư lạc nghiệp.

Đất Nước Kāliṅga Gặp Nạn

* Thời ấy, Đức-vua Kāliṅga ngự tại kinh- thành Dantapura, trị vì đất nước Kāliṅga. Đất nước Kāliṅga gặp cơn hạn hán, trời không mưa, đến mùa màng không cày cấy trồng trọt gì  được, nên dân chúng thiếu ăn đói khổ, còn sinh ra 3 nạn: nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc. Dân chúng trong đất nước kéo đến kinh- thành Dantapura, đứng trước cung điện Đức-vua kêu la, than khóc xin Đức-vua Kāliṅga cứu giúp.

Đức-vua Kāliṅga truyền hội các quan cận thần bèn hỏi rằng:

–     Này các quan! Có chuyện gì xảy ra?

Các quan tâu lên Đức-vua rằng:

–     Tâu Bệ hạ, trong đất nước của Bệ hạ gặp cơn hạn hán kéo dài, trời không mưa, đến mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, nên dân chúng thiếu ăn, đói khổ, còn sinh ra 3 nạn: nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc.

Dân chúng trong đất nước kéo đến kinh- thành, đứng trước cung điện của Đức-vua, kêu la, than khóc, xin Đức-vua cứu giúp. Cầu xin Đức-vua làm cho mưa thuận gió hòa.

Đức-vua bèn truyền hỏi các quan rằng:

–   Này các quan! Các Đức-vua trước làm cách nào để cho mưa thuận gió hòa?

Các quan tâu rằng:

–   Muôn tâu Bệ hạ, các Đức-vua trước, nếu khi đất nước gặp cơn hạn hán kéo dài, trời không mưa thì Đức-vua đem của cải ra bố-thí, nguyện thọ trì giới, nằm trên giường không lát  nệm bông suốt 7 ngày, trời sẽ mưa.

Đức-vua làm đúng theo lời tâu của các quan cận thần, nhưng trời vẫn không mưa. Đức-vua hỏi các quan rằng:

–   Này các quan! Trẫm đã làm đúng theo lời tâu của các khanh, mà trời vẫn không mưa.

Vậy, Trẫm nên làm thế nào để cho trời mưa?

Các quan tâu rằng:

–   Muôn tâu Bệ hạ, tại kinh-thành Indapattha, Đức-vua Dhanañcayakorabya có con voi báu tên là Añjanavaṇṇa, nếu Bệ hạ có được voi báu ấy, thì trời ắt có mưa.

Đức-vua truyền lệnh hỏi rằng:

–   Này các quan! Làm thế nào để chúng ta có được con voi báu ấy?

Các quan tâu rằng:

–  Muôn tâu Bệ hạ, chúng ta không thể chiến thắng Đức-vua Dhanañcayakorabya bằng sức mạnh, Đức-vua ấy là bậc thiện-trí cao thượng hoan hỷ làm phước-thiện bố-thí đến người thọ thí theo nhu cầu.

Dù người ta muốn xin ngôi Vua, Đức-vua cũng truyền ngôi Vua lại cho họ, dù người ta muốn xin đôi mắt, Đức-vua cũng móc mắt ra  cho họ, dù người ta muốn xin sinh-mạng, Đức- vua cũng dám cho sinh-mạng được, huống hồ chúng ta xin con voi báu ấy, chắc chắn Đức-vua sẽ ban con voi báu cho chúng ta.

Đức-vua truyền bảo rằng:

–   Này các quan! Bây giờ Trẫm phái 8 vị bà- la-môn đi đến xin con voi báu ấy.

Nhóm 8 vị bà-la-môn đến kinh-thành Inda- pattha dò hỏi để biết Đức-vua Bồ-tát ngày nào sẽ ngự đến trại bố-thí. Dân chúng cho biết Đức-vua thường ngự đến trại bố-thí mỗi tháng 6 ngày: 8 – 14 – 15 – 23 – 29 – 30.

Ngày hôm sau nhằm vào ngày rằm (ngày 15), Đức-vua Bồ-tát sẽ ngự đến trại bố-thí. Nhóm 8 vị bà-la-môn vội đến trước cửa thành phía Đông chờ đợi từ sáng sớm.

Đức-vua Bồ-tát ngự trên voi báu trang điểm đầy đủ đồ trang sức, vòng vàng, ngọc quý. Khi Đức-vua Bồ-tát ngự đến phía Đông, tự tay Đức- vua Bồ-tát bố-thí đến cho 7 – 8 người xong, rồi truyền lệnh cho các quan làm phận sự bố-thí.

Đức-vua Bồ-tát cỡi lên voi báu ngự đến cửa thành phía Nam, cùng các quan theo hầu đông đảo, nhóm 8 vị bà-la-môn không thể đến gần Đức-vua Bồ-tát được, nên nhóm 8 vị bà-la-môn vội đến cửa thành phía Nam đứng chờ đợi trước.

Khi Đức-vua Bồ-tát ngự đến cửa thành phía Nam, nhóm 8 vị bà-la-môn chắp tay chúc tụng Đức-vua rằng:

“Cầu xin Đại-vương sống trường thọ”.

Đức-vua Bồ-tát nghe vậy, liền giục voi báu đến gần nhóm 8 vị bà-la-môn truyền hỏi rằng:

–   Này các vị bà-la-môn! Quý vị muốn được gì không?

Nhóm 8 vị bà-la-môn ca tụng ân-đức của Đức-vua bằng câu kệ rằng:

Muôn tâu Đại-vương là Bậc cao thượng. Đức-vua có tâm đại-bi vô lượng,

Có đại-thiện-tâm hoan hỷ bố-thí.

Chúng hạ thần thành kính xin Đại-vương. Ban con voi báu hạnh phúc an lành, Thỉnh đem về đất nước Ka-lin-ga,

Để thần dân thoát khỏi ba tai-nạn. Chúng hạ thần kính dâng số vàng này.

Nghe quý vị bà-la-môn ca tụng như vậy, Đức- vua Bồ-tát Dhanañcayakorabya truyền dạy rằng:

–   Này các vị bà-la-môn! Nếu các ngươi kính dâng vàng để đổi lấy voi báu này, thì thật là việc làm không hợp lẽ chút nào. Trẫm sẽ ban cho con voi báu này cùng với đồ trang sức của nó, và người nài voi tài giỏi này.

Con voi báu này là con vật xứng đáng dành cho Đức-vua làm phương tiện.

Đức-vua Bồ-tát ngự xuống voi, đi vòng quanh xem xét mọi đồ trang sức đầy đủ, sau đó, Đức- vua Bồ-tát cầm lấy vòi voi đặt lên bàn tay nhóm 8 vị bà-la-môn, rồi lấy bình nước bằng vàng đựng đầy nước thơm rót từ trên vòi voi chảy xuống tay bà-la-môn rơi xuống đất, gọi là làm lễ bố-thí voi báu cùng với người nài voi tài giỏi và cả nhóm tùy tùng cho nhóm 8 vị bà-la-môn ấy.

Nhóm 8 vị bà-la-môn dẫn voi báu, người nài voi tài giỏi và đoàn tùy tùng trở về kinh-thành Dantapura, để dâng lên Đức-vua Kāliṅga.

Đất nước Kāliṅga đã có voi báu, nhưng trời vẫn không mưa, nên Đức-vua Kāliṅga hỏi các quan rằng:

–   Này các quan! Nay, đất nước chúng ta đã có voi báu rồi, nhưng trời vẫn không mưa.

Vậy, Trẫm nên làm thế nào nữa, để cho mưa thuận gió hòa, dân chúng sống no đủ thái bình an-lạc.

Các quan tâu rằng:

–   Muôn tâu Bệ-hạ, Đức-vua Dhanañcaya- korabya là bậc đại-thiện-trí giữ-gìn kuru- dhamma (pháp ngũ-giới). Chính do nhờ thiện- pháp ấy, nên trong nước có mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp, chắc chắn là do oai lực của kurudhamma (pháp ngũ-giới) trong sạch của Đức-vua Dhanañcayakorabya.

Con voi báu này không có oai lực bằng kurudhamma (pháp ngũ-giới) ấy.

Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua Kāliṅga liền truyền lệnh cử một phái đoàn bà-la-môn và các quan đi sứ đến kinh-thành Indapattha, đồng thời tiễn đưa voi báu cùng với người nài voi tài giỏi, tất cả nhóm tùy tùng trở về lại kinh-thành Indapattha.

Các quan đi sứ đến chầu Đức-vua Dhanañ- cayakorabya kính dâng lại voi báu Añjanavaṇṇa cùng với người nài voi tài giỏi, rồi tâu lên Đức- vua Dhanañcayakorabya kính xin ghi chép kurudhamma (pháp ngũ-giới) trên tấm biển vàng, đem về dâng lên Đức-vua Kāliṅga để Đức-vua thực-hành kurudhamma (pháp ngũ- giới) ấy, để cho nước Kāliṅga được mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app