Pháp môn ở nơi chư tăng đã chỉ định – yathāsanthatikaṅga
Trong pháp môn này cũng có 2 cách nguyện, hành giả muốn thọ trì 1 cách nào cũng được: senāsanaloluppaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện dứt bỏ tư cách tham muốn trong chỗ ở; yathāsanthatikangaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện ở nơi nào mà chư Tăng đã chỉ cho trước hết, không thay đổi nơi khác.
Tỳ khưu đã nguyện pháp đầu đà này rồi, nếu chư tăng chỉ chỗ nào thì phải vui lòng chỗ ở ấy, không được phép hỏi hay đi lựa chỗ khác vì cho chỗ này xấu chỗ kia tốt.
Pháp môn này chia làm 3 bực. Bực thượng: chỗ mà chư tăng đã chỉ cho mình đã được thì không được phép hỏi xa, gần, nóng hay mát, có phi nhơn hay rắn rít làm hại hay không. Bực trung: được phép hỏi như trên nhưng không được đi coi chỗ theo ý muốn. Bực hạ: được phép đi coi chỗ, nếu chỗ ấy không vừa lòng cũng không được phép lựa xin đổi nơi khác. Ba bực này khi tỳ khưu tâm phát sanh tham muốn xin đổi hay chọn lựa chỗ ở theo ý mình thì đứt mất không thành tựu được.
Quả báo của pháp môn này có 6 là: 1) ovādakaranaṃ: làm đúng theo huấn từ của Đức Phật là: “chỗ ở nào mình đã được thì nên vui thích với chỗ ấy không nên thay đổi nơi khác”; 2) sabrahmacārīhitesitā: người tìm sự lợi ích cho các bực phạm hạnh khác là nhường chỗ cho các vị có giới hạnh khác nữa; 3) hīnapanīta vikappariccāgo: dứt bỏ được sự cho là xấu hay tốt trong chỗ ở; 4) anurodhavirodhappahānaṃ: diệt trừ được sự vui mừng và sự sân hận bực tức; 5) atricchatāya dvārapidahanaṃ: tư cách đóng hẳn cửa lòng tham muốn quá độ; 6) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: người có pháp thực hành đúng theo đức lành của pháp tri túc.
Hậu kệ ngôn của pháp môn ở nơi tăng chỉ định:
“Yaṃ laddhaṃ tena santuṭṭho yathāsanthatikoyati. Nibbikappo sukkhaṃ sati tinasantharakesupi.
Na so rajjati seṭṭhamhi hinaṃ laddhā na kuppati. Sabrahmacārinavake hitena anukampati.
Tasmā ariyatāciṇṇaṃ munipungavavannitaṃ. Anuyuñjetha medhāvī yathāsanthatarāmataṃ”.
Giải: tỳ khưu có pháp tri túc trong chỗ ở mà chư tăng đã chỉ cho, không có bận tâm lựa chọn chỗ tốt đẹp, thì nghỉ được an vui, dầu cho vật trải bằng cỏ bằng rơm, người cũng không thích trong chỗ sang trọng quí báu, dầu được chỗ thấp hèn người cũng không bất bình buồn tủi, lại được danh tiếng là hay tế độ đến các bực phạm hạnh mới tu được sự lợi ích. Bởi vậy bực có trí tuệ nên thường thọ trì pháp môn này và vui thích chỗ mà chư tăng đã chỉ định, đó là hạnh kiểm của các bực Thánh nhân, mà Đức Phật là bực có trí tuệ cao thâm thường tán dương khen ngợi.