Nội Dung Chính
Tiểu Phẩm II
Chương Sàng Toạ
Tụng Phẩm Thứ Ba
Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya sau khi được phân phối chỗ trú ngụ ở thành Sāvatthi đã đi đến trú ngụ ở ngôi làng khác. Ngay cả ở nơi ấy, vị ấy đã được phân phối chỗ trú ngụ. Khi ấy, các tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Này các đại đức, đại đức Upananda con trai dòng Sakya này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và bất hòa trong hội chúng. Nếu vị này sẽ an cư mùa mưa ở đây, chính tất cả chúng ta sẽ sống không được thoải mái; vậy chúng ta hãy hỏi vị ấy đi.”
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sakya điều này:
– “Này đại đức Upananda, không phải đại đức đã nhận chỗ trú ngụ ở thành Sāvatthi rồi hay sao?”
– “Này các đại đức, đúng vậy.”
– “Này đại đức Upananda, tại sao đại đức là một lại chiếm giữ hai?”
– “Này các đại đức, giờ tôi bỏ cái chỗ này, giữ lại cái chỗ kia.”
Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya là một lại chiếm giữ hai?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Upananda rằng: – “Này Upananda, nghe nói ngươi là một lại chiếm giữ hai, có đúng không vậy?”
– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi là một lại chiếm giữ hai? Này kẻ rồ dại, chỗ kia ngươi giữ lại, chỗ này ngươi bỏ; chỗ này ngươi giữ lại, chỗ kia ngươi bỏ. Này kẻ rồ dại, như thế ở cả hai nơi người đều bị loại ra ngoài. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, một vị không nên chiếm giữ hai (chỗ trú ngụ), vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết giảng về Luật cho các tỳ khưu theo nhiều phương thức, ngài ngợi khen Luật, ngợi khen sự nghiên cứu về Luật, ngợi khen đại đức Upāli như thế này như thế khác. Các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn thuyết giảng về Luật, ngợi khen Luật, ngợi khen sự nghiên cứu về Luật, ngợi khen đại đức Upāli như thế này như thế khác. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy học tập về Luật với đại đức Upāli.” Và các vị ấy gồm nhiều tỳ khưu trưởng lão, mới tu, và trung niên học tập về Luật với đại đức Upāli. Vì tôn trọng các tỳ khưu trưởng lão, đại đức Upāli chỉ đứng để giảng giải. Vì tôn kính Giáo Pháp, các tỳ khưu trưởng lão cũng chỉ đứng để nghe giảng. Trong trường hợp ấy, các tỳ khưu trưởng lão luôn cả đại đức Upāli đều bị mệt mỏi.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu mới tu ngồi chỗ ngồi ngang bằng hoặc cao hơn trong khi giảng giải vì tôn kính Giáo Pháp; vị tỳ khưu trưởng lão ngồi chỗ ngồi ngang bằng hoặc thấp hơn trong khi nghe giảng vì tôn kính Giáo Pháp.”
Vào lúc bấy giờ, trong sự hiện diện của đại đức Upāli nhiều vị tỳ khưu chỉ đứng trong khi chờ đợi bài giảng nên bị mệt mỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi (chung) với những vị có đồng đẳng cấp.”
Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Giới hạn đến đâu gọi là có đồng đẳng cấp?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi với vị (chênh lệch) khoảng cách ba năm (trở lại).”
Vào lúc bấy giờ, nhiều tỳ khưu có đồng đẳng cấp đã ngồi xuống trên một cái giường và đã làm gãy cái giường, đã ngồi xuống trên một cái ghế và đã làm gãy cái ghế. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép giường đối với nhóm ba vị, ghế đối với nhóm ba vị.”
Ngay cả nhóm ba vị ngồi xuống trên cái giường cũng đã làm gãy cái giường, ngồi xuống trên cái ghế cũng đã làm gãy cái ghế.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép giường đối với nhóm hai vị, ghế đối với nhóm hai vị.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngần ngại không ngồi xuống trên ghế dài cùng với các vị không đồng đẳng cấp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi trên ghế dài cùng với những vị không đồng đẳng cấp ngoại trừ người vô căn, phụ nữ, người lưỡng căn.”
Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vậy ghế dài tối thiểu (ngắn nhất) là bao nhiêu?” ―(như trên)―
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép ghế dài có chiều dài tối thiểu là đủ cho ba người.”
Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā mẹ của Migāra có ý muốn cho xây dựng tòa nhà dài có mái hiên hình đầu voi nhằm sự lợi ích cho hội chúng. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ở công trình phụ của tòa nhà dài việc gì được đức Thế Tôn cho phép, việc gì không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả công trình phụ của tòa nhà dài.”
Vào lúc bấy giờ, bà nội của đức vua Pasenadi xứ Kosala từ trần. Khi bà ta từ trần, nhiều vật dụng không được phép đã phát sanh đến hội chúng như là: ghế trường kỷ, ghế nệm lông thú, thảm lông cừu dài sợi, thảm lông nhiều màu, thảm lông cừu màu trắng, thảm thêu bông hoa, thảm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình thú, thảm có lông mặt trên, thảm có lông một bên góc, thảm dệt sợi vàng, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm ở mình voi, thảm ở mình ngựa, thảm lót xe, thảm da beo, thảm da nai giống quý, thảm có che phủ ở bên trên và có màu đỏ ở hai đầu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép sử dụng sau khi cắt ngắn các chân của ghế trường kỷ, (cho phép) sử dụng sau khi đã hủy đi lông ở ghế nệm lông thú, (cho phép) tháo gỡ nệm bông gòn để làm gối, (cho phép) dùng làm thảm lót trên nền đất các vật còn lại.”
Vào lúc bấy giờ, ở ngôi làng nọ không xa thành Sāvatthi, các tỳ khưu thường trú bị bận rộn trong khi sắp xếp sàng tọa cho các tỳ khưu vãng lai và xuất hành. Khi ấy, các tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Này các đại đức, hiện nay chúng ta bị bận rộn trong khi sắp xếp sàng tọa cho các tỳ khưu vãng lai và xuất hành. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy cho tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng đến một vị rồi chúng ta sẽ sử dụng đồ đạc của vị ấy.” Họ đã cho tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng đến một vị. Các tỳ khưu vãng lai đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: – “Này các đại đức, hãy xếp đặt sàng tọa cho chúng tôi.”
– “Này các đại đức, sàng tọa thuộc về hội chúng không có, chúng tôi đã cho tất cả đến một vị.” – “Này các đại đức, có phải các vị phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng?”
– “Này các đại đức, đúng vậy.” Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu lại phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng, có đúng không vậy?”
– “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng? Này các tỳ khưu, việc ấy không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, đây là năm vật không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả những vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya. Năm vật ấy là gì?”
Tu viện và khu đất của tu viện; đây là vật thứ nhất không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya.
Trú xá và khu đất của trú xá; đây là vật thứ nhì không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya.
Giường, ghế, nệm, gối; đây là vật thứ ba không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya.
Chum bằng kim loại, vại bằng kim loại, hũ bằng kim loại, chậu bằng kim loại, dao, rìu, búa, cuốc, xẻng; đây là vật thứ tư không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya.
Dây thừng, tre, cỏ muñja, cỏ babbaja, cỏ dại, đất sét, vật làm bằng gỗ, vật làm bằng đất sét; đây là vật thứ năm không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya.
Này các tỳ khưu, năm vật này không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả những vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya.”
Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường du hành đi đến Kīṭāgiri cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna. Các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Kīṭāgiri cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy phân chia tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng. Sāriputta và Moggallāna có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy, chúng ta sẽ không sắp đặt chỗ trú ngụ cho họ” rồi các vị ấy đã phân chia tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng.
Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Kīṭāgiri. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo nhiều vị tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy đi (trước). Khi đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka, các ngươi hãy nói như vầy: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn đi đến cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna. Này các đại đức, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho đức Thế Tôn cùng hội chúng tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna.’”
– “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka điều này: – “Này các đại đức, đức Thế Tôn đi đến cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu luôn cả Sāriputta và Moggallāna. Này các đại đức, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho đức Thế Tôn cùng hội chúng tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna.”
– “Này các đại đức, sàng tọa thuộc về hội chúng không có. Tất cả đã được chúng tôi chia nhau. Này các đại đức, hoan nghênh đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thích trú xá nào thì ngài sẽ ngự ở trú xá ấy. Sāriputta và Moggallāna có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy, chúng tôi sẽ không sắp đặt chỗ trú ngụ cho họ.”
– “Này các đại đức, có phải các vị đã phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng?”
– “Này các đại đức, đúng vậy.”
Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka lại phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng?”
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn.
– “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
– “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, đây là năm vật không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả những vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya. Năm vật ấy là gì?
Tu viện và khu đất của tu viện; đây là vật thứ nhất không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya.
Trú xá và khu đất của trú xá; đây là vật thứ nhì không nên phân chia, ―(như trên)―
Giường, ghế, nệm, gối; đây là vật thứ ba không nên phân chia, ―(như trên)―
Chum bằng kim loại, vại bằng kim loại, hũ bằng kim loại, chậu bằng kim loại, dao, rìu, búa, cuốc, xẻng; đây là vật thứ tư không nên phân chia, ―(như trên)―
Dây thừng, tre, cỏ muñja, cỏ babbaja, cỏ dại, đất sét, vật làm bằng gỗ, vật làm bằng đất sét; đây là vật thứ năm không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya.
Này các tỳ khưu, năm vật này không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya.”
Sau đó, khi đã ngự tại Kīṭāgiri theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường đi đến Āḷavī. Trong khi du hành theo tuần tự ngài đã ngự đến Āḷavī. Tại nơi đó ở Āḷavī, đức Thế Tôn ngự ở trong điện thờ chính của Āḷavī.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở Āḷavī giao các công trình mới có hình thức như sau: họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc bảo chất lại thành đống, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc tô vữa bức tường, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc lắp đặt cánh cửa, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc làm tay nắm, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc làm cửa sổ, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc sơn màu trắng, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc sơn màu đen, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc trét màu phấn đỏ, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc lợp mái che, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc lắp ráp, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc đặt thanh ngang ở cửa, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc sửa chữa các chỗ hư hỏng, họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc làm bục nền xung quanh, họ giao công trình mới đến hai mươi năm, họ giao công trình mới đến ba mươi năm, họ giao công trình mới đến trọn đời, họ giao công trình mới là trú xá đã được hoàn tất cho đến khi (chết và) hỏa táng.
Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các tỳ khưu nhóm Āḷavaka lại giao các công trình mới có hình thức như sau: họ giao công trình mới chỉ với mỗi một việc bảo chất lại thành đống, ―(như trên)― họ giao công trình mới là trú xá đã được hoàn tất cho đến khi (chết và) hỏa táng?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
– “Này các tỳ khưu, không nên giao công trình mới với mỗi một việc bảo chất lại thành đống, không nên giao công trình mới với mỗi một việc tô vữa bức tường, không nên giao công trình mới với mỗi một việc lắp đặt cánh cửa, không nên giao công trình mới với mỗi một việc làm tay nắm, không nên giao công trình mới với mỗi một việc làm cửa sổ, không nên giao công trình mới với mỗi một việc sơn màu trắng, không nên giao công trình mới với mỗi một việc sơn màu đen, không nên giao công trình mới với mỗi một việc trét màu phấn đỏ, không nên giao công trình mới với mỗi một việc lợp mái che, không nên giao công trình mới với mỗi một việc lắp ráp, không nên giao công trình mới với mỗi một việc đặt thanh ngang ở cửa, không nên giao công trình mới với mỗi một việc sửa chữa các chỗ hư hỏng, không nên giao công trình mới với mỗi một việc làm bục nền xung quanh, không nên giao công trình mới đến hai mươi năm, không nên giao công trình mới đến ba mươi năm, không nên giao công trình mới đến trọn đời, không nên giao công trình mới là trú xá đã được hoàn tất đến khi (chết và) hoả táng; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa.
Này các tỳ khưu, ta cho phép giao công trình mới chưa khởi công hoặc chưa hoàn tất, (cho phép) xem xét công việc ở trú xá nhỏ rồi giao công trình mới năm hoặc sáu năm, (cho phép) xem xét công việc ở nhà một mái rồi giao công trình mới bảy hoặc tám năm, (cho phép) xem xét công việc ở trú xá lớn rồi giao công trình mới mười hoặc mười hai năm.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giao công trình mới là toàn bộ trú xá. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên giao công trình mới là toàn bộ trú xá; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giao hai công trình mới đến một vị. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên giao hai (công trình mới) đến một vị; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu cho vị khác trú ngụ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, sau khi nhận lãnh công trình mới không nên cho vị khác trú ngụ; vị nào cho trú ngụ thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu chiếm giữ vật thuộc về hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, sau khi nhận lãnh công trình mới không nên chiếm giữ vật thuộc về hội chúng; vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép nhận lãnh một chỗ nằm tốt nhất.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giao công trình mới đến vị đứng ở ngoài ranh giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
“Này các tỳ khưu, không nên giao công trình mới đến vị đứng ở ngoài ranh giới; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu chiếm giữ luôn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, sau khi nhận lãnh công trình mới không nên chiếm giữ luôn; vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép chiếm giữ trong ba tháng mùa mưa, mùa khác không được chiếm giữ.”
Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu bỏ đi, hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) sa di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là vị bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo về việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo về việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là người vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là người lưỡng căn.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)―
– “Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, vị tỳ khưu bỏ đi. (Nên nghĩ rằng): ‘Chớ làm tổn hại đến hội chúng’ rồi nên giao cho vị khác. Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, vị tỳ khưu hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) sa di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là vị bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo về việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo về việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là người vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là người lưỡng căn. (Nên nghĩ rằng): ‘Chớ làm tổn hại đến hội chúng’ rồi nên giao cho vị khác.
Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, trong khi chưa hoàn tất, vị tỳ khưu bỏ đi. (Nên nghĩ rằng): ‘Chớ làm tổn hại đến hội chúng’ rồi nên giao cho vị khác. Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, trong khi chưa hoàn tất, vị tỳ khưu hoàn tục, từ trần ―(như trên)― được biết là người lưỡng căn. (Nên nghĩ rằng): ‘Chớ làm tổn hại đến hội chúng’ rồi nên giao cho vị khác.
Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu bỏ đi; công trình ấy còn thuộc về vị ấy (trong mùa mưa năm ấy). Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu hoàn tục, chết đi, được biết là (xuống) sa di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là vị phạm tội cực nặng; hội chúng là chủ quản.
Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là vị bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo về việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo về việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác; công trình ấy còn thuộc về vị ấy (trong mùa mưa năm ấy).
Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu được biết là người vô căn, được biết kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là người lưỡng căn; hội chúng là chủ quản.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sử dụng sàng tọa là vật dụng trong trú xá của nam cư sĩ nọ tại một địa điểm khác. Khi ấy, nam cư sĩ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Tại sao các ngài đại đức lại sử dụng đồ đạc của địa điểm này tại địa điểm khác?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên sử dụng đồ đạc của địa điểm này tại địa điểm khác; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong khi ngần ngại di chuyển (thảm lót) đến nhà hành lễ Uposatha và nơi tụ hội nên ngồi xuống ở nền nhà. Các phần thân thể và các y bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép di chuyển có tính cách tạm thời.”
Vào lúc bấy giờ, trú xá lớn của hội chúng bị sụp đổ. Các tỳ khưu trong khi ngần ngại không di chuyển sàng tọa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép di chuyển vì mục đích bảo quản.”
Vào lúc bấy giờ, có mền len đắt giá là vật phụ thuộc của sàng tọa phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép trao đổi (vật khác) để công việc được thuận tiện.”
Vào lúc bấy giờ, có tấm vải dệt đắt giá là vật phụ thuộc của sàng tọa phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép trao đổi (vật khác) để công việc được thuận tiện.”
Vào lúc bấy giờ, có tấm da gấu phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép làm vật chùi chân.”
Vào lúc bấy giờ, có tấm vải len phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép làm vật chùi chân.”
Vào lúc bấy giờ, có tấm vải phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép làm vật chùi chân.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân chưa rửa. Chỗ nằm ngồi bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân chưa rửa; vị nào bước lên thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân bị ướt. Chỗ nằm ngồi bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân bị ướt; vị nào bước lên thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu mang dép bước lên chỗ nằm ngồi. Chỗ nằm ngồi bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên mang dép bước lên chỗ nằm ngồi; vị nào bước lên thì phạm tội dukkaṭa.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhổ lên mặt nền đã được làm mới khiến màu bị lem luốc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên nhổ lên mặt nền đã được làm mới; vị nào nhổ thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ống nhổ.”
Vào lúc bấy giờ, các chân giường và các chân ghế làm trầy mặt nền được làm mới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
“Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng vải bọc tròn lại.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu tựa vào tường đã được làm mới khiến màu bị lem luốc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, không nên tựa vào tường đã được làm mới; vị nào tựa thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm bảng để dựa vào.”
Tấm bảng để dựa vào làm trầy mặt nền ở bên dưới và bức tường ở bên trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép bọc lại ở bên dưới và bên trên với mảnh vải.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu có chân đã rửa sạch ngần ngại nằm xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép nằm xuống sau khi đã trải ra tấm lót.”
Sau đó, khi đã ngự tại Āḷavī theo như ý thích đức Thế Tôn đã lên đường đi đến thành Rājagaha. Trong khi du hành theo tuần tự ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó ở thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana nơi nuôi dưỡng các con sóc.
Vào lúc bấy giờ, thành Rājagaha có sự khó khăn về vật thực. Dân chúng không thể thực hiện bữa trai phạn dâng đến hội chúng nên muốn thực hiện bữa ăn đến các vị được chỉ định, sự thỉnh mời, bữa ăn dâng theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào mỗi kỳ Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép bữa trai phạn dâng đến hội chúng, bữa ăn dâng đến các vị được chỉ định, sự thỉnh mời, bữa ăn dâng theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào mỗi kỳ Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng.”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lấy cho bản thân các bữa ăn thượng hạng và cho các tỳ khưu các bữa ăn tầm thường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị sắp xếp các bữa ăn là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (bữa ăn) đã được sắp xếp hay chưa được sắp xếp. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị sắp xếp các bữa ăn. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị sắp xếp các bữa ăn. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị sắp xếp các bữa ăn xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị sắp xếp các bữa ăn. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Khi ấy, các tỳ khưu là những vị sắp xếp các bữa ăn đã khởi ý điều này: “Bữa ăn nên được sắp xếp như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc vào thẻ hoặc tấm phiếu, lần lượt rút ra, rồi sắp xếp các bữa ăn.”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân bố chỗ trú ngụ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân bố chỗ trú ngụ là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được phân bố và chưa được phân bố. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân bố chỗ trú ngụ. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân bố chỗ trú ngụ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân bố chỗ trú ngụ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân bố chỗ trú ngụ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị giữ kho đồ đạc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị giữ kho đồ đạc là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được cất giữ và chưa được cất giữ. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giữ kho đồ đạc. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giữ kho đồ đạc. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giữ kho đồ đạc xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị giữ kho đồ đạc. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị tiếp nhận y. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị tiếp nhận y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được tiếp nhận và chưa được tiếp nhận. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị tiếp nhận y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân chia y. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân chia y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:
Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia y. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân chia y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân chia cháo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân chia cháo là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, ―(như trên)― vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:
Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân chia cháo. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân chia trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân chia trái cây là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, ―(như trên)― vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân chia trái cây. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân chia thức ăn khô. Thức ăn khô không được phân chia nên bị hư. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân chia thức ăn khô là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia thức ăn khô. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia thức ăn khô. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia thức ăn khô xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân chia thức ăn khô. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, vật dụng linh tinh ở trong kho của hội chúng là dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân phát vật linh tinh là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, ―(như trên)― vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia.
Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu nên được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát vật linh tinh. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát vật linh tinh. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát vật linh tinh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phát vật linh tinh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vị tỳ khưu là vị phân phát các vật linh tinh nên trao mỗi vị một cây kim, nên trao cây kéo, nên trao đôi dép, nên trao dây thắt lưng, nên trao dây quàng ở vai, nên trao đồ lược nước, nên trao đồ lọc nước thông thường, nên trao dải nối theo chiều dọc (của y), nên trao dải nối theo chiều ngang (của y), nên trao mảnh lớn thuộc dải điều (của y), nên trao mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), nên trao vải may đường biên (của y), nên trao vải may đường viền xung quanh (của y). Nếu hội chúng có bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía thì nên trao tức thời để sử dụng. Nếu vật cần dùng có thêm thì nên trao tiếp tục.”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân phối vải choàng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân phối vải choàng là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, ―(như trên)― vị biết được vật đã được nhận hoặc chưa được nhận. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối vải choàng. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối vải choàng. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối vải choàng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phối vải choàng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân phối bình bát. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân phối bình bát là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, ―(như trên)― vị biết được vật đã được nhận hoặc chưa được nhận.
Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu ―(như trên)― Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị quản trị các người phụ việc chùa. Các người phụ việc chùa không được quản trị nên không làm công việc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị quản trị các người phụ việc chùa là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, ―(như trên)― vị biết được việc cần quản trị và việc không cần quản trị. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: ―(như trên)― nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị quản trị các sa di. Các sa di không được quản trị nên không làm công việc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị quản trị các sa di là vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết được việc cần quản trị và việc không cần quản trị. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản trị các sa di. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản trị các sa di. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản trị các sa di xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quản trị các sa di. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”
Tụng phẩm thứ ba.
Dứt Chương Sàng Tọa là thứ sáu.
*****
Tóm lược chương này
Vào thời ấy trú xá vẫn chưa được quy định bởi đức Phật tối thượng, các vị đệ tử ấy của đấng Chiến Thắng bước ra từ chỗ ngụ ở nơi này nơi khác.
Người gia chủ đại phú sau khi nhìn thấy các vị ấy đã nói với các vị tỳ khưu điều này: Tôi có thể cho làm, các ngài có thể cư ngụ. Các vị đã hỏi bậc Lãnh Đạo.
Ngài đã cho phép năm loại chỗ ngụ là: trú xá, nhà một mái, tòa nhà dài, khu nhà lớn, và hang động. Nhà đại phú hộ đã cho xây dựng các trú xá.
Người ta cho xây dựng trú xá không có cửa, không đóng được, cánh cửa, trụ cửa, rãnh xoay, và cái chốt xoay ở trên.
Lỗ để luồn, sợi dây thừng, và tay nắm, cái chốt gài, đinh khóa chốt, chốt cửa, lỗ khóa, khóa bằng đồng, bằng gỗ, và bằng sừng.
Then cài, đinh khóa chốt, mái che, việc trét vữa bên trên và bên dưới, (cửa sổ) chấn song ngang, gắn lưới, chấn song dọc, và màn che, với thảm trải.
Giường đúc, và giường bằng vạt tre, ván khiêng tử thi, loại lắp ráp, loại xếp lại, có chân đẽo cong, tháo rời được, ghế vuông loại cao.
Ghế dựa dài, ghế làm bằng các thanh ráp lại, ghế lót vải, ghế có chỗ gác chân, ghế có nhiều chân, tấm ván, ghế mây, và luôn cả ghế lót rơm nữa.
Ở giường cao, và con rắn, khung giường, khung giường cao tám ngón tay, chỉ sợi, dệt chéo ô nhỏ, mảnh vải, đệm bông gòn, (gối dài) nửa thân người.
Trên đỉnh núi, và luôn cả các loại nệm, vải bọc, và luôn cả sàng tọa, đã được bọc lại, rơi ra từ bên dưới, sau khi tháo ra, và họ lấy đem đi.
Việc thực hiện các đường vẽ, và các đường vẽ bằng bàn tay, đức Thiện Thệ cho phép, màu trắng, màu đen, cũng ở tại trú xá, vỏ trấu, và đất sét loại dẻo.
Nhựa cây, cái bay thợ nề, cám đỏ, bột mù tạt, dầu sáp ong, bị đóng cục, để chùi, bị lồi lõm, đất sét trộn phân trùn.
Nhựa cây, và hình ảnh gợi cảm, bị thấp, và nền móng, việc leo lên, các vị bị té, đông đảo người, bức tường thấp, lại là ba (loại phòng).
Ở (trú xá) nhỏ, chân tường, thấm nước mưa, tiếng la lớn, chốt tường, sào máng y, và dây (treo y), mái hiên, với màn che.
Tay cầm để vịn, rác cỏ, nên thực hiện theo phương thức ở phần dưới, ngoài trời, bị hâm nóng, gian nhà, và tô uống nước ở phần dưới.
Trú xá, và luôn cả cổng ra vào, căn phòng, nhà để đốt lửa, về tu viện, và luôn cả cổng ra vào, nên thực hiện theo phương thức ở phần bên dưới.
Vữa hồ, và ông Cấp Cô Độc có đức tin đã đi đến khu rừng Sīta, đã thấy được Pháp, đã mời thỉnh đấng Lãnh Đạo cùng với hội chúng.
Trên đường đi đã kêu gọi, nhóm người đã cho xây dựng tu viện, ở Vesāli, công trình mới, đi trước, và giành phần.
Vị nào xứng đáng phần ăn hạng nhất, chim đa đa, và các hạng không đáng đảnh lễ, bị giành phần, ở trong nhà, (độn) bông gòn, đã ngự đến Sāvatthi.
Vị ấy đã thiết lập tu viện, và sự ồn ào ở nhà ăn, các vị bị bệnh, các giường tốt nhất, và do mánh lới, nhóm Mười Bảy Sư, ở nơi đó.
Bởi vị nào? Như thế nào? Đã phân chia theo trú xá, theo phòng ở, và phần còn lại, có thể không ban cho phần chia nếu không thích.
Ở ngoài ranh giới, và chiếm giữ luôn mọi lúc, ba (thời điểm) về chỗ ngụ, vị Upananda, và Ngài đã ngợi khen, các vị đứng, và cùng ngồi chung chỗ.
Chỗ ngồi đồng đẳng cấp, các vị đã làm gãy, nhóm ba vị, và nhóm hai vị, với những vị không đồng đẳng cấp, ghế dài, mái hiên hình đầu voi, (cho phép) để sử dụng.
Và bà nội (của đức vua), không xa, và đã được phân chia, ở Kīṭāgiri, ở Āḷavī, với việc chất đống, và (tô vữa) bức tường, (lắp đặt) cánh cửa, (làm) tay nắm.
Cửa sổ, (sơn) màu trắng, màu đen, màu đỏ, (lợp) mái che, và việc lắp ráp, đặt thanh ngang, chỗ hư hỏng, bục nền xung quanh, hai mươi năm, ba mươi năm, và trọn đời.
Đã được hoàn tất, chưa khởi công, ở (trú xá) nhỏ, nên giao sáu hoặc năm năm, về nhà một mái thì bảy hoặc tám năm, và (trú xá) lớn thì mười hoặc mười hai năm.
(Công trình là) toàn bộ trú xá, (giao hai công trình) cho một vị, cho vị khác ngụ, (chiếm giữ) vật thuộc về hội chúng, ở ngoài ranh giới, (chiếm giữ) luôn mọi lúc, các vị bỏ đi, hoàn tục.
Và chết đi, (xuống) sa di, vị đã xả bỏ sự học tập, (tội) cực nặng, các vị bị điên, có tâm rối loạn, và bị thọ khổ, do việc không nhìn nhận tội.
Do việc không sửa chữa lỗi, do tà kiến, các người vô căn, những kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), và theo ngoại đạo, thú vật, kẻ giết mẹ, cha, A-la-hán, làm nhơ (tỳ khưu ni).
Những kẻ chia rẽ, làm chảy máu (đức Phật), và luôn cả những người lưỡng căn, (nghĩ rằng): ‘Chớ làm tổn hại đến hội chúng’ rồi nên giao công trình cho vị khác.
Trong khi chưa hoàn tất, giao vị khác, đã hoàn tất, bỏ đi, vẫn còn thuộc vị ấy. Vị hoàn tục, chết đi, và xuống lại sa di.
Và vị đã xả bỏ sự học tập, phạm tội cực nặng, nếu là người vô căn, hội chúng là chủ quản. Vị bị điên, có tâm rối loạn, bị thọ khổ.
Về việc không nhìn nhận tội, không sửa chữa lỗi, tà kiến, thì vẫn còn thuộc về vị ấy. Người vô căn, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), theo ngoại đạo, thú vật, kẻ giết mẹ, giết cha.
Kẻ giết (A-la-hán), và luôn cả kẻ làm nhơ (tỳ khưu ni), kẻ chia rẽ (hội chúng), kẻ làm chảy máu (đức Phật), người lưỡng căn, nếu vị ấy thú nhận, thì chính hội chúng chủ quản.
Các vị đem nơi khác, có sự ngần ngại, (trú xá) bị sụp đổ, và mền len, tấm vải dệt, tấm da thú, tấm vải len, tấm vải, và các vị bước lên.
(Bàn chân) bị ướt, có giày dép, việc phun nhổ, các vị làm trầy, và các vị dựa vào, có tấm dựa, hoặc khi đã bị trầy, đã được rửa sạch, và với tấm trải.
Ở Rājagaha, các vị không thể nào, (bữa ăn) tầm thường, vị sắp xếp bữa ăn, vậy thì như thế nào, vị phân bố (chỗ ngụ), việc chỉ định vị giữ kho.
Vị tiếp nhận và vị phân chia (y), và luôn cả về cháo, và vị phân chia trái cây, vị phân chia thức ăn khô, và luôn cả phân phát vật linh tinh nữa.
Và luôn cả vị phân phối vải choàng, tương tợ y như thế là vị phân phối bình bát, và việc chỉ định vị quản trị các người phụ việc tu viện, và các vị sa di.
Đấng Toàn Tri, bậc Hiểu Biết Thế Gian, vị có tâm tốt lành, là vị Lãnh Đạo, vì lợi ích của chỗ trú ngụ, và vì lợi ích của sự an lạc, để tham thiền, và để minh sát.”
–ooOoo–
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)