Tương Ưng Bộ V – Chương Iv: Tương Ưng Căn – Phẩm Thanh Tịnh

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG III: TƯƠNG ƯNG NIỆM XỨ

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM THANH TỊNH

I. Thanh Tịnh (Tạp 26,3, Ðại 2,182c) (S.v,193)

1-2) Tại Sàvatthi… Thế Tôn thuyết:

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn.

II. Dự Lưu (1) (Tạp 26,3, Ðại 2,182b) (S.v,193)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

III. Dự Lưu (2) (S.v,193)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

IV. A-La-Hán (1) (Tạp 26,4, Ðại 2,182b) (S.v,194)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị A-la-hán, lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

V. A-La-Hán (2) (S.v,194)

1) …

2) Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

VI. Sa Môn, Bà La Môn (1) (Tạp 26,9, Ðại 2,182c) (S.v,194)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly năm căn này; những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

VII. Sa Môn, Bà La Môn (2) (S.v,195)

1-2) …

3) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết tín căn, không như thật rõ biết tín căn tập khởi, không như thật rõ biết tín căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến tín căn đoạn diệt… không như thật rõ biết tấn căn… không như thật rõ biết niệm căn… không như thật rõ biết định căn… không như thật rõ biết tuệ căn, không như thật rõ biết tuệ căn tập khởi, không như thật rõ biết tuệ căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến tuệ căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết tín căn, như thật rõ biết tín căn tập khởi, như thật rõ biết tín căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến tín căn đoạn diệt; như thật rõ biết tấn căn… như thật rõ biết niệm căn… như thật rõ biết định căn… như thật rõ biết tuệ căn, như thật rõ biết tuệ căn tập khởi, như thật rõ biết tuệ căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến tuệ căn đoạn diệt; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay của Bà-la-môn hạnh.

VIII. Cần Phải Quán (Tạp 26,5, Ðại 2,182b) (S.v,196)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tín căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tín căn trong bốn chánh tín (Phật, Pháp, Tăng, và Giới).

4) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tấn căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tấn căn trong bốn chánh cần.

5) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán niệm căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán niệm căn trong bốn niệm xứ.

6) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán định căn trong bốn Thiền.

7) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

IX. Phân Biệt (Tạp 26,6, Ðại 2,182b (S.v,182b) (S.v,196)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp (anikkhittadhuro). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng (satinepakkena), ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

X. Phân Tích (Tạp 26,14, Ðại 2,183b) (S.v,197)

1) Tại Savatthi, … Thế Tôn thuyết

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ… an trú Thiền thứ hai… an trú Thiền thứ ba… từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ V - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app