Tuyển Tập Thiền Giữa Đời Thường Kỳ I

Hướng Dẫn Thiền Vipassana

Mục đích – Giá trị

Vipassana – thiền TỨ NIỆM XỨ – cũng gọi là Thiền Quán hay Thiền Tuệ – là cách thực hành để có được hiểu biết sâu sắc về bản thân mình. Đây không phải là hiểu biết thoáng qua trên lý thuyết hoặc tư duy mà là hiểu biết được xây dựng khi ta nhìn sâu vào bên trong các tiến trình hoạt động của vật chất và tinh thần trong con người mình. Sự vật xuất hiện trước mắt ta dưới trạng thái vững bền, đáng yêu và có thực chất, nhưng thực tế thì chúng không phải như vậy.

Khi thực hành thiền Minh Sát bạn sẽ chính mình thấy được những diễn biến trong tâm và thân bạn và thấy được sự sinh và diệt của hiện tượng vật chất và tinh thần.

Khi bạn ý thức được một cách rõ ràng hơn về sự không bền vững, bất toại nguyện và trống rỗng của vạn vật, trí tuệ xuất hiện và những bợn nhơ (Tham lam, Sân hận, Si mê) trong tâm sẽ bị đẩy lùi, bạn sẽ có đủ khả năng chấp nhận mọi chuyện xảy đến cho bạn với một tư thái an nhiên chứ không bị xao động xúc cảm và đương đầu với hoàn cảnh một cách lạc quan hơn. Thiền Minh Sát (Vipassanà bhàvanà) là loại thiền mà chính Đức Phật đã tìm ra, đã thực hành, đã thành công và đã ban truyền, trước kia chưa từng có, và ngoài Phật Giáo không có.

Mục đích chính và thành quả lớn lao của việc hành thiền là giúp bạn loại bỏ tham, sân, si – ba nguồn cội của mọi khổ đau và tội lỗi. Trước khi đạt được mục tiêu này thiền sinh sẽ có được những lợi ích như sẽ có được một tâm hồn bình an và tĩnh lặng và có đủ khả năng để chấp nhận những gì xảy ra đến cho mình.

Hành thiền Chánh Niệm (Thiền quán Vipassana) là thực hành việc quan sát khách quan quá trình làm việc của thân, tâm để chúng ta có thể hiểu được bản chất thực sự của chúng. Sự hiểu biết xuất phát từ những kinh nghiệm thực chứng đó sẽ dẫn đến việc xóa bỏ được những hiểu biết sai lầm (vô minh) vốn tồn tại trong mỗi chúng ta. Khi vô minh đã bị xoá bỏ, chúng ta sẽ không coi các quá trình thân tâm này là một con người, một sinh vật, một linh hồn hay một bản ngã, mà thực sự hiểu rằng đó chỉ là quá trình tự nhiên thì sẽ không có sự tham ái phát sinh. Khi tham ái đã bị phá bỏ, chúng ta giải thoát khỏi mọi khổ đau. Đó là con đường mà Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng trong kinh “Tứ niệm xứ”.

Đại Đức Piyadassi

Khi theo học thiền, bạn sẽ học ba điều

Điều thứ nhất: GIỮ GIỚI – bạn phải tránh hành động hoặc phát ngôn phá quấy bình an của kẻ khác nên bạn phải sống đạo đức, giữ giới (Bạn sẽ không được sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa). Nhờ vậy, tâm bạn sẽ lắng xuống và có thể tiếp tục học hỏi.

Điều thứ hai: LUYỆN TÂM ỔN ĐỊNH – là bạn phải làm chủ được cái tâm loạn động này bằng cách luyện nó chú ý vào một đối tượng duy nhất (đối tượng chính): Hơi thở hoặc sự phồng xẹp ở bụng.

Điều thứ ba: THANH LỌC TÂM – Hãy hướng tâm an tịnh của bạn vào hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự đụng chạm và suy nghĩ. Tất cả mọi đối tượng của thân và tâm đều là đề mục để bạn hướng đến. Hãy ghi nhận một cách khách quan, đừng để đối tượng yêu ghét ảnh hưởng đến tâm mình. Dần dần bạn sẽ thấy mọi cảm giác yêu, ghét thực ra chỉ là sự vô thường, khổ và vô ngã. Ðó là cách hành thiền Minh sát. Phương pháp thiền tuệ quán “Vipassana” này là một tiến trình kinh nghiệm bản chất thật bằng cách quán chiếu có hệ thống và bình thản trước hiện tượng biến đổi không ngừng của thân tâm. Đây là điều tối thượng trong lời dạy của đức Phật, ‘chính mình thanh tịnh bằng cách tự quán chiếu’.

 

                                                                            (Thiền sư Ajahn Chah)

Thiền là  gì?

Thiền là một sự nỗ lực có ý thức để làm thay đổi sự vận hành của tâm. Tiếng Phạn Pàli cho chữ Thiền là “Bhavana”, nghĩa là “làm tăng trưởng” hay “phát triển” các phẩm chất tốt của tâm.

(Thiền sư U. Tenjanya)

Hành thiền là kinh nghiệm về thân và tâm của mình một cách trực tiếp, trong từng giây phút, với một sự hiểu biết đúng đắn. Thiền chánh niệm không chỉ là quan sát mọi việc với tâm nhận biết mà thôi. Bạn không thể thực hành một cách mù quáng, máy móc mà không suy nghĩ chút nào. Bạn phải vận dụng cả kiến thức và sự thông minh của mình để áp dụng thiền tập vào trong cuộc sống.

Những công cụ chính để có chánh niệm 

Những công cụ chính cần phải có để chánh niệm một cách thông minh là:

  1. Có thông tin hướng dẫn đúng đắn và có sự hiểu biết rõ ràng về pháp hành. 
  1. Có sự say mê, hứng thú và động cơ chân chánh 
  1. Có tư duy, suy tầm, tìm hiểu đúng đắn, chân chánh (chánh tư duy). 

Thông tin hướng dẫn đúng đắn và hiểu biết rõ ràng về pháp hành là những điều bạn thu được từ sách vở, kinh điển và từ những buổi trình Pháp. Sự say mê, hứng thú và động cơ chân chánh được dựa trên sự hiểu biết rõ ràng lý do bạn đến đây hành thiền. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình những câu hỏi như thế này chưa: “Tại sao tôi muốn hành thiền?”, “Tôi mong cầu đạt được điều gì?”, “Tôi có hiểu được thiền là gì không?”. Động  cơ chân chánh và sự say mê, hứng thú sẽ sinh trưởng, lớn  mạnh lên từ chính câu trả lời của bạn. Thông tin hướng dẫn đúng đắn và động cơ thực hành chân chánh sẽ có ảnh hưởng  rất lớn đến cách tư duy, suy nghĩ của bạn khi bạn hạ thủ công phu. Chúng sẽ giúp bạn có được những câu hỏi thông minh và đúng lúc.

Chánh tư duy (tư duy, suy tầm và cách đặt vấn đề đúng đắn) là những suy nghĩ giúp cho bạn thực hành một cách đúng đắn. Là một người mới tập hành thiền, khi đứng trước một tình huống khó khăn trong quá trình thực hành, trước tiên bạn nên nhớ lại lời hướng dẫn đối phó với tình huống đó như thế nào, rồi sau  đó đem ra áp dụng. Nếu bạn không rõ ràng về những gì đang diễn ra trong quá trình thực hành của mình, thì  hãy tự hỏi  mình các câu hỏi như vầy: “Thái độ hành thiền của mình ra sao?”, “Mình đang phải đối mặt với loại phiền não nào đây?”. Tuy nhiên, bạn đừng để mình suy nghĩ quá nhiều, nhất là khi mới tập hành thiền; tâm của bạn có thể sẽ phóng đi lung tung đây đó. Những câu hỏi hay những suy nghĩ như vậy chỉ nên vận dụng để làm tăng sự hứng thú, say mê cho bạn mà thôi.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có thông tin hướng dẫn đúng đắn,  có động cơ chân chánh và tư duy, suy tầm đúng đắn, bạn vẫn có thể mắc sai lầm. Nhận rõ sai lầm của mình là một phần   quan trọng để có thể chánh niệm một cách thông minh. Tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm; đó là điều hết sức tự nhiên. Khi bạn phát hiện mình phạm sai lầm, hãy nhận biết và chấp nhận nó; cố gắng học hỏi từ chính những sai lầm đó.

Khi chánh niệm của bạn đã miên mật hơn, sự hứng thú, say mê của bạn với pháp hành sẽ ngày một lớn mạnh. Chánh niệm  một cách thông minh sẽ giúp bạn đi sâu vào pháp hành và đạt tới những hiểu biết mới. Cuối cùng, nó sẽ giúp bạn thành đạt được mục tiêu của thiền chánh niệm: đó là các tầng tuệ minh sát.

Thiền chánh niệm là một quá trình học hỏi; hãy sử dụng chánh niệm của mình một cách thông minh!

(Trích” Đừng coi thường phiền não”)

Con đường đưa tới Niết bàn

Thực  hành  thiền  Minh  Sát  (Vipassana  bhavana)  là  Con đường đưa đến Niết-Bàn,

  1. Ðó là con đường đi một chiều, không còn chia thêm ra ngã rẽ nào khác. 
  1. Ðó là con đường cá nhân, chỉ có chính hành giả mới tự mình chứng ngộ, kinh nghiệm được, không ai có thể thay thế. 
  1. Ðó là con đường của Ðức Thế Tôn tức là Ðức Phật Thích Ca, vì chính Ngài đã tìm ra con đường ấy do sự cố gắng của riêng Ngài. 
  1. Ðó là con đường Duy Nhất bởi vì chỉ có trong Phật Giáo, không có ở tôn giáo nào khác.

Đó là con đường chỉ đưa đến một cứu cánh, Niết Bàn, như trong kinh điển Pali có đoạn: 

“Cattarome bhikkhave satipatthana bhavita bahukikata ekantanibbitaya viragaya nirodhaya upasamaya abhinnaya sambodhaya nibbanaya samvattati”.

“Này chư Tỳ khưu! Pháp Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) này, khi được thực hành đầy đủ, làm cho hành giả nhàm chán tham ái  để đến tự do, hoàn toàn siêu thoát, hạnh phục tuyệt hảo, trí tuệ tuyệt hảo, đến mức giác ngộ, đến Niết-Bàn”.

“Seyyathapi bhikkhave gamgana dipacinaninna pacinapona pacinapabbhara evamevakho bhikkhave cattaro satipatthane bahulikaronto nibbananinno hoti nibbanapono nibbanapabbharo

“Này chư Tỳ Khưu! Nước sông Hằng trôi đi, cuộn chảy, và ào ạt kéo về hướng Ðông. Cùng thế ấy, vị tỳ khưu thực hành Tứ Niệm Xứ đi về hướng Niết Bàn giống như vậy”.

(Trích “Thiền Minh Sát: Ðường đến Niết Bàn”)

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app