Nội Dung Chính
Tuyển Tập Thiền Giữa Đời Thường Kỳ I
Hiểu Biết Về Luật Tự Nhiên
Hỏi: Ngày nay nhiều người chấp nhận ý kiến cho rằng sự thực (chân lý) có rất nhiều – là sản phẩm mà con người tạo ra và không có một sự thực tuyệt đối. Tuy vậy, theo tôi hiểu, thì Vipassanã (thiền Minh Sát) dường như nhắm đến sự hiểu biết về sự thực kể như một cái gì đó tuyệt đối. Từ góc độ của thiền Minh Sát, xin Ngài cho biết thế nào là sự thực?
Thiền sư Goenka: Bạn hoàn toàn chính xác khi nói điều đó. Những người khác nhau có những quan điểm khác nhau. Tất cả những nhận thức ấy đều là ở mức tri thức (sự hiểu biết do vận dụng trí óc) và tri thức thì lại có những giới hạn của nó, làm cho người này khác với người kia.
Tuy nhiên có những quy luật cơ bản của tự nhiên: chẳng hạn, lửa đốt cháy. Điều này có liên can gì đến tri thức không? Nó chỉ đơn giản là sự thực. Nếu bạn bỏ tay vào lửa, nó sẽ đốt cháy (tay bạn). Đây là quy luật của tự nhiên, quy luật ấy có thể được kinh nghiệm bởi tất cả mọi người. Và không phải là trò chơi tri thức của một người nào cả, nó là sự thực.
Thiền Minh Sát làm việc với sự thực hiện hành mà mọi người ai cũng có thể trải nghiệm này. Minh Sát không phải là một trò chơi tri thức, cũng không phải là một trò chơi của cảm xúc hay lòng kính ngưỡng. Bất kỳ ai bỏ tay vào lửa đều bị đốt cháy. Lửa sẽ không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, giới tính…vv.
Những phiền não của tâm hoạt động theo cùng một cách: nếu bạn phát ra giận dữ, sân hận, ác ý, thù nghịch – nói chung những bất tịnh trong tâm – nó sẽ làm cho bạn đau khổ, nó sẽ làm cho mọi người đau khổ. Tương tự, nếu tâm không còn những phiền não này bạn sẽ để ý thấy rằng tâm trở nên sung mãn với từ ái, bi mẫn và thiện chí, tự nhiên bạn cảm thấy rất bình yên, rất hài hoà. Kết quả là như nhau đối với tất cả mọi người dù thuộc quốc tịch nào hay tôn giáo nào. Quy luật tự nhiên không phân biệt đối xử, không biệt đãi ai cả. Đây là sự thực, sự thực vĩnh hằng – đối với mọi người, mọi thời, quá khứ, hiện tại và vị lai.
Vipassanã vượt ra ngoài mọi tôn giáo, vượt ra ngoài mọi giáo điều hoặc sự thờ cúng. Vipassanã là một khoa học thuần tuý về tâm và vật chất (danh-sắc), về cách chúng tương tác, về cách chúng tiếp tục ảnh hưởng và bị ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Thực tại này không phải để chấp nhận ở mức tri thức, không phải để chấp nhận ở mức lòng tin, nó phải được kinh nghiệm bởi mỗi cá nhân.
Minh Sát là như thế, chỉ tuân theo quy luật của tự nhiên. Và nhờ thực hành, thực hành liên tục, kinh nghiệm, kinh nghiệm liên tục, bạn bắt đầu thay đổi được mô thức cư xử của tâm.
Để thoát khỏi khổ đau và sống một cuộc sống an vui – mọi người ai cũng muốn điều này, nhưng họ không biết phải làm thế nào. Nhờ thực hành Vipassanã bạn đi vào phần sâu thẳm của tâm. Ở đây khổ đau thực sự bắt đầu do những bất tịnh trong tâm, cũng ở đây hạnh phúc thực sự được trải nghiệm do sự vắng mặt của chúng, và một khi bạn đã kinh nghiệm được những điều này cho chính mình, một thay đổi sẽ tự động xảy ra trong tâm bạn. Bạn sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp hơn. Mọi người sẽ sống cuộc sống tốt đẹp hơn.
VIPASSANA – Một nghệ thuật sống
Hỏi: Ngài có muốn nhấn mạnh điều gì về Vipassanã không?
Thiền sư Goenka: Vipassanã không là gì cả ngoại trừ một nghệ thuật sống. Không nên lẫn lộn nó với bất kỳ một tôn giáo, giáo điều, triết lý, hay đức tin nào. Tất cả đều phải bỏ qua một bên. Vipassanã (Minh Sát) là một quy tắc ứng xử, một con đường thanh tịnh nhằm sống một cuộc sống thiện, lành mạnh. Thiền Minh Sát lợi ích cho chính bản thân chúng ta và cho mọi người. Nếu Vipassanã được hiểu theo cách ấy – và đó là cách đúng đắn để hiểu Vipassanã – nó sẽ rất hữu ích.
Nhưng nếu nó được nhìn với cặp kính màu: “Xem này, một tôn giáo khác đã đến, đây là Phật giáo, hay tôn giáo này, tôn giáo khác”, lúc đó bạn sẽ thiệt thòi. Vipassanã không mất mát điều gì cả, nhưng những người mang những cặp kính màu như vậy sẽ thiệt thòi. Cần phải xem thiền Minh Sát là một khoa học, một khoa học thuần tuý về tâm và vật chất khởi đầu ở mức rất thô và rõ rệt bên ngoài, nhưng càng lúc càng đưa chúng ta vào những mức sâu xa và vi tế hơn, thậm chí đến mức tâm và vật chất được xem như thanh tịnh. Đó là điều quan trọng và đó là bức thông điệp cho mọi người. Đó là lý do vì sao thiền Minh Sát không giới hạn cho bất kỳ một cộng đồng nào, một tôn giáo đặc biệt nào, hay một xứ sở đặc biệt nào. Nó dành cho tất cả.
Để đạt được đạo quả của Đức Phật, cần phải có đường lối đi và phương pháp thực hành. Đường lối đi là Bát Chánh Đạo, phương pháp thực hành là Tứ Niệm Xứ.
Bốn bậc thánh được đắc đạo quả do nhờ thực hành Minh Sát Tuệ (Vipassana). Nếu không có Tuệ Minh Sát sẽ không bao giờ đắc được đạo quả.
Nếu quý vị có đọc sách hay nghe thuyết pháp thì quý vị thường thấy hay nghe danh từ Araham hay A-La-Hán. A-La- Hán có nghĩa là gì? A-La-Hán là bậc đã giác ngộ giáo lý của Đức Phật, A-La-Hán cũng có nghĩa là đã diệt trừ điều ác hay kẻ thù. Kẻ thù đây là phiền não hay Tham Sân Si chồng chất trong lòng của mọi chúng sanh. Muốn biết rõ ý nghĩa của từ A-La-Hán, chúng ta cần biết sơ qua bốn bậc được đắc đạo quả trong giáo lý của Đức Phật. Những bậc này là Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả, hay Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A- Na-Hàm và A-La-Hán. Họ cũng được gọi là Ariya, nghĩa là thánh nhân. Gọi là thánh nhân vì các Ngài đã thấy rõ giáo lý của Đức Phật và tâm không còn thối chuyển trên con đường giải thoát. Họ đã chứng nghiệm được Tam tướng của vạn vật gọi là Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã, hay Tứ Diệu Đế. Đức Phật gọi bốn bậc đắc đạo quả trên là đệ tử của Ngài.
(Trích” Mười Ngày Thiền Tập”)
Có một cái ao to với đầy nước trong và nhiều hoa sen trong đó. Đôi tay của bạn thì bẩn. Bạn biết rằng nếu rửa tay trong ao thì tay sẽ sạch. Nhưng mặc dù biết thế bạn vẫn không đi đến cái ao và rửa tay, nên tay bạn vẫn bẩn. Thế là bạn đi qua cái ao và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Vậy nếu tay bạn vẫn bẩn thì ai là người có lỗi, cái ao hay là bạn?”. Rõ ràng đó là lỗi của bạn.
Đức Phật dạy chúng ta con đường để thực hành thiền (chánh niệm – tỉnh thức). Cho dù chúng ta đã biết cách nhưng chúng ta không thực hành thì chúng ta sẽ không thoát khỏi đau khổ. Nếu chúng ta không thoát khỏi đau khổ, ai là người có lỗi? Rõ ràng chúng ta là người đáng trách. Nếu bạn thực hành thiền Minh sát với nỗ lực tích cực, bạn sẽ thanh tịnh mình thoát khỏi nhiễm ô và thoát khỏi khổ đau. Đức Phật đã bắt đầu bài Maha Satipatthana (Đại Kinh Niệm Xứ) với bảy lợi ích dưới đây của thiền Minh Sát. Bạn chắc chắn sẽ đạt được bảy lợi ích này nếu bạn nỗ lực tích cực trong thực hành.
- Thanh tịnh tâm ý, thoát khỏi mọi ô nhiễm
- Vượt qua được buồn phiền và lo lắng
- Vượt qua được sự đau buồn than tiếc
- Chấm dứt khổ về thân
- Chấm dứt khổ về tâm
- Giác ngộ
- Đạt đến Niết bàn