Nội Dung Chính
Tiểu Phẩm I – Chương Hành Sự
Hành sự hòa giải
Mười tám phận sự
1-18. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu được thực hiện hành sự hòa giải nên làm phận sự đúng đắn. Trong trường hợp này, các phận sự đúng đắn ấy là: Không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên ban cho phép nương nhờ, không nên bảo sa di phục vụ, không nên ưng thuận sự chỉ định giảng dạy tỳ khưu ni, không nên giảng dạy tỳ khưu ni dầu đã được chỉ định, không nên tái phạm tội đã được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, hoặc tội tương tợ, hoặc tội nghiêm trọng hơn tội ấy, không nên chỉ trích hành sự, không nên chỉ trích các vị thực hiện hành sự, đối với vị tỳ khưu trong sạch không nên đình chỉ lễ Uposatha, không nên đình chỉ hành lễ Pavāraṇā, không nên làm công việc khuyên bảo, không nên khởi xướng việc cáo tội, không nên thỉnh ý (để buộc tội), không nên quở trách, không nên nhắc nhở, không nên cấu kết với các tỳ khưu.”
Dứt mười tám phận sự thuộc hành sự hòa giải.
*****
Sau đó, hội chúng đã thực hiện hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma rằng: “Ngươi nên yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi.” Khi được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, vị ấy đã đi đến Macchikāsaṇḍa nhưng vì xấu hổ không thể yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi. Vị ấy đã quay trở lại Sāvatthi lần nữa. Các tỳ khưu đã nói như vầy: – “Này đại đức Sudhamma, đại đức đã yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi chưa?” – “Này các đại đức, trong trường hợp này tôi đã đi đến Macchikāsaṇḍa nhưng vì xấu hổ không thể yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
– Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy cho sứ giả cùng đi với tỳ khưu Sudhamma để yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho vị tỳ khưu tên (như vầy) làm sứ giả cùng đi với tỳ khưu Sudhamma để yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng cho vị tỳ khưu tên (như vầy) làm sứ giả cùng đi với tỳ khưu Sudhamma để yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi. Đại đức nào đồng ý việc cho vị tỳ khưu tên (như vầy) làm sứ giả cùng đi với tỳ khưu Sudhamma để yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) là sứ giả cùng đi với tỳ khưu Sudhamma để yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi đã được hội chúng cho phép. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, tỳ khưu Sudhamma ấy và vị tỳ khưu sứ giả cùng đi nên đi đến Macchikāsaṇḍa và nên yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi rằng: – “Này gia chủ, hãy thứ lỗi. Tôi đang làm cho người hoan hỷ.” Nếu được nói như vậy mà vị ấy thứ lỗi, như thế việc ấy là tốt đẹp. Nếu vị ấy không thứ lỗi, vị tỳ khưu sứ giả cùng đi nên nói rằng: – “Này gia chủ, hãy thứ lỗi cho vị tỳ khưu này. Vị ấy đang làm cho người hoan hỷ.” Nếu được nói như vậy mà vị ấy thứ lỗi, như thế việc ấy là tốt đẹp. Nếu vị ấy không thứ lỗi, vị tỳ khưu sứ giả cùng đi nên nói rằng: – “Này gia chủ, hãy thứ lỗi cho vị tỳ khưu này. Tôi đang làm cho người hoan hỷ.” Nếu được nói như vậy mà vị ấy thứ lỗi, như thế việc ấy là tốt đẹp. Nếu vị ấy không thứ lỗi, vị tỳ khưu sứ giả cùng đi nên nói rằng: – “Này gia chủ, hãy thứ lỗi cho vị tỳ khưu này vì lời nói của hội chúng.” Nếu được nói như vậy mà vị ấy thứ lỗi, như thế việc ấy là tốt đẹp.
Nếu vị ấy không thứ lỗi, vị tỳ khưu sứ giả cùng đi không nên dẫn tỳ khưu Sudhamma đi khỏi tầm nhìn, không nên dẫn đi khỏi tầm nghe của gia chủ Citta, nên bảo đắp thượng y một bên vai, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và bảo sám hối tội ấy.”
Sau đó, đại đức Sudhamma và vị tỳ khưu sứ giả cùng đi đã đi đến Macchikāsaṇḍa và đã yêu cầu gia chủ Citta thứ lỗi. Vị ấy làm phận sự đúng đắn, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi đi đến gặp các tỳ khưu và nói như vầy: – “Bạch chư đại đức, được hội chúng thực hiện hành sự khiển trách, tôi làm phận sự đúng đắn, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ tôi nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy thu hồi hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma.
*****
Mười Tám Trường Hợp Không Nên Thu Hồi
Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải không nên thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị ban phép tu lên bậc trên, ban cho phép nương nhờ, bảo sa di phục vụ, ưng thuận sự chỉ định giảng dạy tỳ khưu ni, giảng dạy tỳ khưu ni khi đã được chỉ định. Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải không nên thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố này.
Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải không nên thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa: Vị tái phạm tội đã được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, hoặc tội tương tợ, hoặc tội nghiêm trọng hơn tội ấy, chỉ trích hành sự, chỉ trích các vị thực hiện hành sự. Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải không nên thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố này.
Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải không nên thu hồi đối với vị tỳ khưu có tám yếu tố: Vị đình chỉ lễ Uposatha đối với vị tỳ khưu trong sạch, đình chỉ lễ Pavāraṇā, làm công việc khuyên bảo, khởi xướng việc cáo tội, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở, vị cấu kết với các tỳ khưu. Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải không nên thu hồi đối với vị tỳ khưu có tám yếu tố này.
Dứt mười tám trường hợp không nên thu hồi thuộc hành sự hòa giải.
*****
Mười tám trường hợp nên được thu hồi
Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải nên được thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố: Vị không ban phép tu lên bậc trên, không ban cho phép nương nhờ, không bảo sa di phục vụ, không ưng thuận sự chỉ định giảng dạy tỳ khưu ni, không giảng dạy tỳ khưu ni dầu đã được chỉ định. Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải nên được thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố này.
Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải nên được thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố khác nữa: Vị không tái phạm tội đã được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, hoặc tội tương tợ, hoặc tội nghiêm trọng hơn tội ấy, không chỉ trích hành sự, không chỉ trích các vị thực hiện hành sự. Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải nên được thu hồi đối với vị tỳ khưu có năm yếu tố này.
Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải nên được thu hồi đối với vị tỳ khưu có tám yếu tố: Vị không đình chỉ lễ Uposatha đối với vị tỳ khưu trong sạch, không đình chỉ lễ Pavāraṇā, không làm công việc khuyên bảo, không khởi xướng việc cáo tội, không thỉnh ý (để buộc tội), không quở trách, không nhắc nhở, vị không cấu kết với các tỳ khưu. Này các tỳ khưu, hành sự hòa giải nên được thu hồi đối với vị tỳ khưu có tám yếu tố này.
Dứt mười tám trường hợp nên được thu hồi thuộc hành sự hòa giải.
*****
Việc Thu Hồi
Và này các tỳ khưu, nên được thu hồi như vầy: Này các tỳ khưu, tỳ khưu Sudhamma ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở bàn chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, tôi làm phận sự đúng đắn, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi; giờ tôi thỉnh cầu sự thu hồi hành sự hòa giải.”
Nên thỉnh cầu đến lần thứ nhì. Nên thỉnh cầu đến lần thứ ba.
Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Khi được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, tỳ khưu Sudhamma này làm phận sự đúng đắn, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ thỉnh cầu sự thu hồi hành sự hòa giải. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thu hồi hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Khi được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, tỳ khưu Sudhamma này làm phận sự đúng đắn, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ thỉnh cầu sự thu hồi hành sự hòa giải. Hội chúng thu hồi hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma. Đại đức nào đồng ý việc thu hồi hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. ―(như trên)― Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Khi được hội chúng thực hiện hành sự hòa giải, tỳ khưu Sudhamma này làm phận sự đúng đắn, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ thỉnh cầu sự thu hồi hành sự hòa giải. Hội chúng thu hồi hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma. Đại đức nào đồng ý việc thu hồi hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Hành sự hòa giải đối với tỳ khưu Sudhamma đã được hội chúng thu hồi. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Dứt hành sự hòa giải là thứ tư.
–ooOoo–
[4] Theo Chú Giải: tăng thượng giới (adhisīla) gồm có bốn tội pārājika và mười ba tội saṅghādisesa, tăng thượng hạnh (ajjhācāra) là các tội khác thuộc về năm nhóm tội của giới bổn Pātimokkha, tà kiến cực đoan (atidiṭṭhi) là từ bỏ chánh kiến và chấp nhận hữu biên kiến (VinA. v, 989). Xem phần giải thích về hữu biên kiến (antaggāhikā diṭṭhi) ở Paṭisambhidāmagga – Phân Tích Đạo tập 1 (TTPV 37, trang 286-295).
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)