Nội Dung Chính
Phải thay đổi thái độ đối với sự chỉ trích
Ta phải học tập và tự gìn giữ những sự chỉ trích phê bình sai quấy và làm thế nào cho hữu ích đối với những sự phê bình chính đáng. Ta phải nhìn một cách khách quan với sự chỉ trích mà người khác đưa đến cho ta. Nếu sự chỉ trích mà chính đáng, với thiện ý xây dựng thì ta nên chấp nhận sự chỉ trích ấy và đem ra mà áp dụng cho lợi ích. Tuy nhiên, nếu sự chỉ trích mà gian trá với ác ý thì ta không bắt buộc phải chấp nhận. Nếu ta biết rõ thái độ của ta là đúng đắn mà các bậc trí tuệ nhất là bậc thánh nhân tán dương khen ngợi, như vậy thì ta không cần buồn phiền đến sự chỉ trích sai quấy ấy. Như vậy thái độ của ta rất quan trọng đối với sự chỉ trích xây dựng hay phá hoại sai quấy.
Không chấp nhận cái chi thì nó sẽ không làm cho ta thất vọng
Ta tự bảo vệ ta về sự không thất vọng bằng sự không trông mong điều chi không chánh đáng. Nếu ta không mong mỏi cái chi thì không có chi làm cho ta thất vọng. Không nên trông mong sự ban thưởng về việc làm tốt đẹp của ta, ta làm phải là chuyện đáng phải làm mà thôi.
Nếu ta có thể giúp đỡ kẻ khác với ý tốt, không trông mong họ sẽ trả ân lại thì ta làm gì có sự thất vọng. Như vậy mới là một người quân tử! Rồi tự nhiên sự an vui hạnh phúc sẽ đến cho tâm ta về sự làm phải ấy, đó là một phần thưởng rất quý báu vậy. Có thể là người có bản tính tốt, không hề làm hại kẻ khác nhưng ta lại bị kẻ khác khiển trách vì sự làm phải của ta. Dù ta phải đương đầu với bao nhiêu sự khó khăn và thất vọng nhưng ta vẫn luôn luôn giúp đỡ và làm phải đến kẻ khác. Ta nên nghĩ rằng: “Nếu làm phải thì gặp phải, làm quấy thì gặp quấy, thì tại sao ta phải buồn phiền đau khổ khi ta làm những việc hoàn toàn vô tội? Vì sao ta phải lãnh bao nhiêu sự thất vọng? Tại sao ta phải bị chỉ trích về sự làm phải của ta? Sự trả lời rất giản dị là ta phải đối đầu với ác nghiệp cũ của ta trong kiếp quá khứ, ta phải gặt lãnh nó trong hoàn cảnh này. Ráng tiếp tục các công việc từ thiện tốt đẹp ấy đi thì lần lần ta sẽ thoát khỏi những sự buồn phiền ấy. Nên nhớ rằng “ta đã tự tạo cho ta thất vọng và cũng chính ta phải vượt qua những sự thất vọng ấy bằng cách nhớ đến “nghiệp báo” của Đức Phật dạy.
Biết ơn là đức độ hiếm có
Đức Phật có nói biết ơn là một điều hạnh phúc cao thượng. Tuy nhiên, nó rất hiếm có trong mọi xã hội. Ta không nên luôn luôn trông mọi sự trả ơn của người do sự làm phải của ta cho họ. Con người phần đông đều hay quên đi những điều người khác làm phải hay giúp đỡ mình. Nếu ta mong chờ người khác trả ơn thì có lẽ ta sẽ gặp sự thất vọng mà thôi. Như vậy ta không nên trông mong sự trả ơn của người thì mới tránh khỏi sự thất vọng. Rồi ta sẽ được an vui dù cho con người có biết ơn hay là phản bội với sự làm phải của ta. Ta chỉ cần nghĩ rằng: “phận sự ta là nên giúp đỡ nhân loại như ta mà thôi”.
Không nên so sánh với kẻ khác
Tự ta có thể từ bỏ những sự buồn phiền và lo âu không quan trọng bằng cách không nên đem so sánh mình với người khác. Khi nào mà ta còn coi ta ngang hàng hay cao thượng hơn kẻ khác hoặc thấp hèn hơn thì ta còn phải chịu hoài những vấn đề phiền phức. Nhưng nếu ta không còn áp dụng tánh cách ấy đi thì không có chi làm cho ta phiền muộn cả. Bởi vì, nếu ta nghĩ rằng “ta cao thượng hơn kẻ khác thì ta có thể kiêu hãnh tự cao, còn nếu ta cho rằng ta ngang hàng với họ thì ta lại tự hào tự tại, còn ta cho ta là thấp hèn hơn họ thì ta không có lợi ích chi cho ta cho kẻ khác và hay buông xuôi không có sự cố gắng. Phần đông con người thật khó mà hàng phục lòng tự cao ngã mạn, nhưng ta ráng cố gắng tập bớt lần sự ngã mạn ấy. Nếu ta tự có thể dứt bỏ được sự ngã mạn thì ta cảm thấy thân tâm an tịnh và ta có thể giúp đỡ cho nhân loại tìm sự an vui hạnh phúc. Đó là điều trọng đại mà ta có thể tạo sự thanh bình cho tinh thần ta vậy. Sự so sánh ta và kẻ khác là nguồn gốc của sự buồn phiền đau khổ. Nên lãnh hội rằng “sự ngang hàng, sự thấp hèn hơn, sự cao thượng đều thay đổi nhau trong mỗi lúc, có khi ta là người xin ăn, có lúc là đại phú gia. Trong vòng sanh tử luân hồi vô tận (samsara) chúng ta tất cả đều ngang nhau, thấp hèn, cao thượng lẫn lộn kiếp này sang kiếp khác. Như vậy có chi ta phải buồn phiền.