Phân Tích Giới Tỳ Khưu I – Chương Saṅghādisesa – Điều Học Về Làm Trú Xá

Phân Tích Giới Tỳ Khưu I

Chương 3: Saṅghādisesa

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

Điều học về làm trú xá

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, tu viện của Ghosita.[1] Vào lúc bấy giờ, người gia chủ hộ độ cho đại đức Channa[2] đã nói với đại đức Channa điều này: – “Thưa ngài, hãy tìm kiếm khu đất của trú xá. Tôi muốn cho xây dựng trú xá cho ngài.” Sau đó, trong khi dọn sạch khu đất của trú xá, đại đức Channa đã cho người đốn cội cây nọ vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, được thị trấn tôn kính, được thành phố tôn kính, được xứ sở tôn kính, được lãnh thổ tôn kính. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao các Sa-môn Thích tử lại cho chặt cội cây vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, được thị trấn tôn kính, được thành phố tôn kính, được xứ sở tôn kính, được lãnh thổ tôn kính? Các Sa-môn Thích tử làm hại cuộc sống của loài có một giác quan?”[3] Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: – “Vì sao đại đức Channa lại cho chặt cội cây vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, ―(như trên)― được lãnh thổ tôn kính?”

Sau đó, khi đã khiển trách đại đức Channa bằng nhiều phương thức, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)― “Này Channa, nghe nói ngươi cho chặt cội cây vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, ―(như trên)― được lãnh thổ tôn kính, có đúng không vậy?” – “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: – “―(như trên)― Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cho chặt cội cây vốn là nơi thờ phượng được làng mạc tôn kính, được thị trấn tôn kính, được thành phố tôn kính, được xứ sở tôn kính, được lãnh thổ tôn kính vậy? Này kẻ rồ dại, bởi vì có những chúng sanh có tâm thức là các hạng người ở trên cây cối. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu trong khi cho xây dựng trú xá lớn có thí chủ, dành cho bản thân, nên dẫn các tỳ khưu đến để xác định khu đất. Các vị tỳ khưu ấy nên xác định khu đất là không có điều chướng ngại, có lối đi vòng quanh. Nếu vị tỳ khưu cho xây dựng trú xá lớn dành cho bản thân ở khu đất có điều chướng ngại, không có lối đi vòng quanh, hoặc không dẫn các tỳ khưu đến để xác định khu đất thì phạm tội saṅghādisesa.”

Trú xá lớn nghĩa là có thí chủ được đề cập đến.

Trú xá nghĩa là được tô ở bên trong, hoặc được tô ở bên ngoài, hoặc được tô bên trong lẫn bên ngoài.

Trong khi cho xây dựng: là đang làm hoặc đang bảo người làm.

Có thí chủ: có người nào khác là sở hữu chủ: hoặc là người nữ, hoặc người nam, hoặc người tại gia, hoặc vị xuất gia.

Dành cho bản thân: vì nhu cầu của bản thân.

Nên dẫn các tỳ khưu đến để xác định khu đất: Vị tỳ khưu là người làm trú xá nên dọn sạch khu đất làm trú xá, nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch các ngài, tôi có ý định làm trú xá lớn, có thí chủ, dành cho bản thân. Bạch các ngài, tôi đây thỉnh cầu hội chúng việc xem xét khu đất làm trú xá.” Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Nếu toàn thể hội chúng có thể xem xét khu đất làm trú xá thì (khu đất) nên được xem xét bởi toàn thể hội chúng. Nếu toàn thể hội chúng không có thể xem xét khu đất làm trú xá thì tại nơi ấy, các vị tỳ khưu nào có kinh nghiệm, đủ năng lực để biết được có điều chướng ngại hoặc không có điều chướng ngại, có lối đi vòng quanh hay không có lối đi vòng quanh, các vị ấy nên được thỉnh cầu và nên được chỉ định. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) có ý định làm trú xá lớn, có thí chủ, dành cho bản thân. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng việc xem xét khu đất làm trú xá. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định các tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để xem xét khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

 Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) có ý định làm trú xá lớn, có thí chủ, dành cho bản thân. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng việc xem xét khu đất làm trú xá. Hội chúng chỉ định các tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để xem xét khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc chỉ định các tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để xem xét khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Các tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định để xem xét khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Các vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy sau khi đi đến nơi ấy nên xem xét khu đất làm trú xá và nên nhận biết là có điều chướng ngại hoặc không có điều chướng ngại, có lối đi vòng quanh hay không có lối đi vòng quanh. Nếu có điều chướng ngại và không có lối đi vòng quanh thì nên nói rằng: “Chớ làm ở đây.” Nếu không có điều chướng ngại và có lối đi vòng quanh thì nên thông báo với hội chúng rằng: “Không có điều chướng ngại và có lối đi vòng quanh.” Vị tỳ khưu là người làm trú xá nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: – “Bạch các ngài, tôi có ý định làm trú xá lớn, có thí chủ, dành cho bản thân. Bạch các ngài, tôi đây thỉnh cầu hội chúng việc xác định khu đất làm trú xá.” Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) có ý định làm trú xá lớn, có thí chủ, dành cho bản thân. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng việc xác định khu đất làm trú xá. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên xác định khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) có ý định làm trú xá lớn, có thí chủ, dành cho bản thân. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng việc xác định khu đất làm trú xá. Hội chúng xác định khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc xác định khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Khu đất làm trú xá của vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng xác định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Có điều chướng ngại nghĩa là có tổ kiến, ―(như trên)― hoặc kề cận chỗ qua lại; điều này nghĩa là có điều chướng ngại.

Không có lối đi vòng quanh nghĩa là không thể đi vòng với chiếc xe hàng được móc vào hoặc (không thể) đi vòng xung quanh với cái thang; điều này nghĩa là không có lối đi vòng quanh.

 Không có điều chướng ngại nghĩa là không có tổ kiến, ―(như trên)― hoặc không kề cận chỗ qua lại; điều này nghĩa là không có điều chướng ngại.

Có lối đi vòng quanh nghĩa là có thể đi vòng với chiếc xe hàng được móc vào hoặc (có thể) đi vòng xung quanh với cái thang; điều này nghĩa là có lối đi vòng quanh.

Trú xá lớn nghĩa là có thí chủ được đề cập đến.

Trú xá nghĩa là được tô ở bên trong, hoặc được tô ở bên ngoài, hoặc được tô bên trong lẫn bên ngoài.

Cho xây dựng: là (tự mình) làm hoặc bảo người làm.

Hoặc không dẫn các tỳ khưu đến để xác định khu đất: sau khi không cho xác định khu đất làm trú xá bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì rồi (tự) làm hoặc bảo người làm thì tội dukkaṭa cho mỗi thao tác. Khi còn chưa đến cục (vữa tô) cuối cùng thì phạm tội thullaccaya. Khi cục (vữa tô) ấy đã được đặt vào thì phạm tội saṅghādisesa.

Tội saṅghādisesa: ―(như trên)― cũng vì thế được gọi là ‘tội saṅghādisesa.’

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm hai tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất không được xác định, không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất không được xác định, không có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm hai tội dukkaṭa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất đã được xác định, không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa.

Vị tỳ khưu làm trú xá ở khu đất đã được xác định, không có chướng ngại, có lối đi quanh thì vô tội.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm hai tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm hai tội dukkaṭa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì vô tội.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi và không có chỉ thị: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm hai tội dukkaṭa với tộisaṅghādisesa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi và không có chỉ thị: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm hai tội dukkaṭa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì vô tội.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi và có chỉ thị: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh. Vị ấy nghe rằng: “Họ nói trú xá được làm cho ta ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh.” Vị tỳ khưu ấy nên đích thân đi hoặc phái người đưa tin rằng: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Nếu không đích thân đi hoặc phái người đưa tin thì phạm tội dukkaṭa. … “Phải là khu đất được xác định và không có chướng ngại.” … “Phải là khu đất được xác định và có lối đi quanh.” … “Phải là khu đất được xác định.” Nếu không đích thân đi hoặc phái người đưa tin thì phạm tội dukkaṭa.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi và có chỉ thị: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh. Vị ấy nghe rằng: “Họ nói trú xá được làm cho ta ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh.” Vị tỳ khưu ấy nên đích thân đi hoặc phái người đưa tin rằng: “Phải là không có chướng ngại và có lối đi quanh.” … “Phải là không có chướng ngại.” … “Phải là có lối đi quanh,” thì vô tội.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi và có chỉ thị: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm ba tội dukkaṭa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm hai tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm hai tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm tội dukkaṭa.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi và có chỉ thị: “Phải là khu đất được xác định, không có chướng ngại, và có lối đi quanh.” Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm hai tội dukkaṭa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì các vị xây dựng phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì vô tội.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi. Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất không được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh. Nếu vị ấy trở về lúc làm chưa xong, thì vị tỳ khưu ấy nên cho trú xá ấy đến vị khác hoặc nên phá đi rồi cho làm lại. Nếu không cho đến vị khác hoặc không phá đi rồi cho làm lại thì phạm hai tội dukkaṭa với tộisaṅghādisesa. … có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh thì phạm tội dukkaṭa với tội saṅghādisesa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì phạm tội saṅghādisesa.

Vị tỳ khưu chỉ thị: “Hãy làm trú xá cho tôi” rồi ra đi. Họ làm trú xá cho vị ấy ở khu đất đã được xác định, có chướng ngại, không lối đi quanh. Nếu vị ấy trở về lúc làm chưa xong, thì vị tỳ khưu ấy nên cho trú xá ấy đến vị khác hoặc nên phá đi rồi cho làm lại. Nếu không cho đến vị khác hoặc không phá đi rồi cho làm lại thì vị ấy phạm hai tội dukkaṭa. … có chướng ngại, có lối đi quanh … thì phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, không lối đi quanh … thì phạm tội dukkaṭa. … không có chướng ngại, có lối đi quanh thì vô tội.

Vị tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội saṅghādisesa. Vị bảo những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội saṅghādisesa. Vị tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội saṅghādisesa. Vị bảo những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội saṅghādisesa.

Vô tội trong trường hợp hang núi, hang nhân tạo, chòi cỏ, vì nhu cầu của vị khác, trong mọi trường hợp ngoại trừ nhà ở, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Dứt điều học về làm trú xá.

–ooOoo– 

[1] Tu viện này được cho xây dựng bởi người phú hộ tên Ghosita (Vin.A. iii, 574).

[2] Channa (Xa-nặc) là người đánh xe hầu cận của thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).

[3] Chỉ có giác quan “thân” (kāyindriyaṃ) để nhận biết sự xúc chạm (Sđd. 575).

[4] Ngài Dabba là con trai của vua xứ Malla (Vin.A. iii, 578).

[5] Hai vị này là hai trong sáu vị đứng đầu nhóm Lục Sư. Thứ tự được trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở Sāvatthī, Mettiya và Bhummajaka ở Rājagaha, Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā (VinA. iii, 614).

[6] Chung sự đọc tụng giới bổn Pātimokkha đang được hiện hành (Vin.A. iii, 608).

[7] Mahāvagga – Đại Phẩm, TTPV tập 07, chương Kosambī thứ X.

[8] Được gọi là “vị thường trú” (āvāsika) nghĩa là có chỗ trú ngụ (āvāso) thuộc về các vị ấy; chỗ trú ngụ được gọi trú xá (vihāra). Tại nơi ấy những vị thường trú nào có trách nhiệm làm mới, sửa chữa những chỗ cũ kỹ, v.v… thì được gọi là āvāsika còn vị chỉ thuần túy cư ngụ thôi thì gọi là nevāsika. Ở đây, các vị này là các vị āvāsika (VinA. iii, 613).

[9] Ngài Buddhaghosa cho biết rằng hai tỳ khưu này (và luôn cả bốn vị còn lại đứng đầu nhóm Lục Sư) đều đã được xuất gia với hai vị Tối thượng Thinh Văn này, đã sống nương nhờ tròn đủ 5 năm, và có học thuộc lòng các tiêu đề mātikā (VinA. iii, 614).

Đọc sách ebook: PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I

–ooOoo–

 

 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Thuộc PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU I - PHÂN TÍCH GIỚI BỔN - TẠNG LUẬT - TAM TẠNG TIPITAKA |Dịch Việt: Tỳ Khưu Indacanda | Nguồn: Tamtangpaliviet.net
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app