Tương Ưng Bộ I – Chương Vi: Tương Ưng Phạm Thiên – Phẩm Thứ Hai

TƯƠNG ƯNG BỘ I

CHƯƠNG VI: TƯƠNG ƯNG PHẠM THIÊN

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM THỨ HAI

11. Sanankumāra —Thường Ðồng tử

S.i,153

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), trên bờ sông Sappinī.

Rồi Phạm thiên Sanankumāra, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng bờ sông Sappinī, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.

Ðứng một bên, Phạm thiên Sanankumāra nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Sát-đế-lỵ tối thắng,
Giữa người tin giai cấp.
Vị đầy đủ trí, đức,
Tối thắng giữa Nhơn, Thiên.

Phạm thiên Sanankumāra nói như vậy, và bậc Ðạo Sư chấp nhận.

Rồi Phạm thiên Sanankumāra biết được: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và biến mất tại chỗ.

12. Devadatta

Một thời Thế Tôn ở Rājagaha, trên núi Linh Thứu, khi Devadatta bỏ đi không bao lâu.

Rồi Phạm thiên Sahampati, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng núi Linh Thứu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên.

Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Devadatta:

Cây chuối bị trái giết,
Cũng vậy cây tre, lau.
Danh vọng giết kẻ ác,
Như thai giết con la.

13. Andhakavinda

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại Andhakavinda.

Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong bóng đêm, trong khi trời mưa từng hột một.

Rồi Phạm thiên Sahampati, trong khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Andhakavinda, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Hãy ở chỗ núi non,
Xa vắng các xóm làng,
Hãy sống đời giải thoát,
Từ bỏ các kiết sử!
Nếu tại đấy không đạt
Ðiều Ông ưa, Ông thích,
Hãy sống giữa chúng Tăng,
Hộ trì, giữ chánh niệm,
Và bộ hành khất thực,
Nhà này đến nhà khác,
Các căn được hộ trì,
Thận trọng, giữ chánh niệm.
Hãy ở chỗ núi non,
Xa vắng các xóm làng,
Thoát ly mọi sợ hãi,
Vô úy, sống giải thoát.
Những chỗ có rắn độc,
Có đêm chớp, sấm vang,
Trong đêm đen tối mịt,
Vị Tỷ-kheo lặng ngồi,
Không run, không hoảng sợ,
Lông tóc không dựng ngược,
Chính mắt con thấy vậy,
Không phải chỉ nghe đồn.
Chính trong một Phạm hạnh,
Ngàn người thoát tử thần.
Hơn năm trăm hữu học,
Mười, mười lần một trăm,
Tất cả chúng Dự lưu,
Khỏi sanh loại bàng sanh.
Còn các vị còn lại,
Theo con đều hưởng phước,
Con đếm không kể xiết,
Sợ rơi vào vọng ngữ.

14. Arunavàti

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi…, …

Ở đấy, Thế Tôn gọi các vị Tỷ-kheo:

—Này các Tỷ-kheo.

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau:

—Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Arunavà. Này các Tỷ-kheo, kinh đô vua Arunavà này tên là Arunavati. Này các Tỷ-kheo, gần kinh đô Arunavati, Thế Tôn Sikhì bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác an trú.

Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có hai vị đệ tử xuất chúng, thượng túc, tên là Abhibhu và Sambhava.

Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi Tỷ-kheo Abhibhu:

“ —Này Bà-la-môn, chúng ta hãy đi đến một Phạm thiên giới cho đến thời dùng bữa ăn”.

“—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác và Tỷ-kheo Abhibhu, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, hai vị biến mất ở kinh đô Arunavati và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy.

Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Chánh Giác bảo Tỷ-kheo Abhibhu:

“ —Này Bà-la-môn, hãy nói bài pháp cho Phạm thiên này, cho Phạm phụ thiên và cho Phạm chúng thiên”.

“—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”

Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tuyên thuyết bài pháp cho Phạm thiên ấy, cho Phạm phụ thiên và cho Phạm chúng thiên, khích lệ, làm họ phấn khởi, làm họ hoan hỷ.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên cảm thấy xúc phạm, bực bội, tức tối và nói rằng: “Thật là hy hữu, thật là vi diệu, làm sao một đệ tử lại thuyết pháp trước mặt bậc Ðạo Sư?”.

Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác bảo Tỷ-kheo Abhibhu:

“—Này Bà-la-môn, Phạm thiên, Phạm thụ thiên, và Phạm chúng thiên ấy cảm thấy xúc phạm, bực bội, tức tối, nói rằng: ‘Thật là hy hữu, thật là vi diệu, làm sao một đệ tử lại thuyết pháp trước mặt bậc Ðạo Sư?’ Vậy này Bà-la-môn, hãy làm cho Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên càng dao động bội phần hơn nữa”.

“—Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hiện thân thuyết pháp, tàng thân thuyết pháp, hiện nửa thân dưới không hiện nửa thân trên thuyết pháp, hiện nửa thân trên không hiện nửa thân giữa thuyết pháp.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên, tâm khởi lên hy hữu, kỳ diệu nói rằng: “Thật là hy hữu, thật là kỳ diệu, đại thần lực và đại uy lực của vị Sa-môn”.

Rồi Tỷ-kheo Abhibhu bạch Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác:

“—Bạch Thế Tôn, con xác nhận với lời nói này giữa chúng Tỷ-kheo Tăng: “Ðứng ở Phạm thiên giới, con có thể khiến cho ngàn thế giới nghe được tiếng của con.”

“—Này Bà-la-môn, nay là thời cho sự việc ấy. Này Bà-la-môn, nay là thời cho sự việc ấy. Này Bà-la-môn, Ông hãy đứng ở Phạm thiên giới và làm cho ngàn thế giới nghe được tiếng nói của ông”.

“—Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Abhibhu vâng đáp Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đứng ở Phạm thiên giới và nói lên bài kệ này:

“Hãy đứng dậy, lên đường,
Hãy dấn thân Phật giáo,
Hãy đánh bại Ma quân,
Như voi phá chòi lá.
Ai trong pháp luật này,
An trú không phóng dật,
Ðoạn tận vòng sống chết,
Sẽ chấm dứt khổ đau”.

Này các Tỷ-kheo, rồi Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và Tỷ-kheo Abhibhu, sau khi làm cho Phạm thiên, Phạm phụ thiên và Phạm chúng thiên dao động, như người lực sĩ…, … biến mất ở Phạm thiên giới ấy và hiện ra ở Arunavati.

Rồi này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các vị Tỷ-kheo:

“—Này các Tỷ kheo, các Ông có nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới, nói lên không?”.

“—Bạch Thế Tôn, chúng con có nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên.”

“—Này các Tỷ-kheo, như thế nào các ông nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng lên tại Phạm thiên giới đã nói lên?”

“—Bạch Thế Tôn, chúng con nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên như sau:

Hãy đứng dậy, lên đường,
Hãy dấn thân Phật giáo.
Hãy đánh bại Ma quân,
Như voi phá chòi lá.
Ai trong pháp luật này,
Ai trú không phóng dật,
Ðoạn tận vòng sống chết,
Sẽ chấm dứt khổ đau.

Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con đã nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới đã nói lên.”

“—Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo. Lành thay, này các Tỷ-kheo! Các Ông đã được nghe bài kệ do Tỷ-kheo Abhibhu đứng tại Phạm thiên giới, đã nói lên”.

Thế Tôn đã nói như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

15. Parinibhàna—Bát-Niết-Bàn

S.i,157

Một thời Thế Tôn ở Kusinàrà, tại Upavattana, trong rừng cây ta-la, giữa dân chúng Mallà, giữa hai cây ta-la song thọ trong khi Ngài nhập Niết-bàn.

Rồi Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo:

—Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên các Ông, hãy tinh tấn, chớ phóng dật. Các pháp hữu vi là vô thường. Ðây là những lời cuối cùng của Như Lai.

Rồi Thế Tôn vào định sơ Thiền. Ra sơ Thiền, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ thư. Ra Thiền thứ tư, Ngài vào Không vô biên xứ. Ra Không vô biên xứ, Ngài vào Thức vô biên xứ. Ra Thức vô biên xứ, Ngài vào Vô sở hữu xứ. Ra Vô sở hữu xứ, Ngài vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ra Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài vào Vô sở hữu xứ. Ra Vô sở hữu xứ, Ngài vào Thức vô biên xứ. Ra Thức vô biên xứ, Ngài vào Không vô biên xứ. Ra Không vô biên xứ, Ngài vào Thiền thứ tư. Ra Thiền thứ tư, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào sơ Thiền. Ra sơ Thiền, Ngài vào Thiền thứ hai. Ra Thiền thứ hai, Ngài vào Thiền thứ ba. Ra Thiền thứ ba, Ngài vào Thiền thứ tư. Ra Thiền thứ tư, Thế Tôn liền nhập diệt.

Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Phạm thiên Brahmà nói lên bài kệ:

Mọi sinh vật ở đời,
Tử bỏ thân năm uẩn,
Bậc Ðạo Sư cũng vậy,
Ðấng Tuyệt Luân trên đời,
Như Lai, đấng Hùng Lực,
Bậc Giác Ngộ nhập diệt.

Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Thiên chủ Sakha nói lên bài kệ:

Các hành là vô thường,
Có sanh phải có diệt,
Sau khi sanh, chúng diệt,
Tịnh chỉ chúng, an lạc.

Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này, Tôn giả Ānanda nói lên bài kệ:

Thật kinh khủng bàng hoàng,
Thật lông tóc dựng ngược,
Bậc Thắng Tướng đầy đủ,
Bậc Giác Ngộ nhập diệt.

Khi Thế Tôn diệt độ, nhân sự diệt độ này Tôn giả Anuruddha (A-nậu-lâu-đa) nói lên bài kệ:

Không thở ra, thở vào,
Tâm trú vào chánh định,
Không tham ái, tịch tịnh,
Bậc Biến Nhãn diệt độ.
Với tâm an, bất động,
Ngài cảm thọ lâm chung,
Như đèn sáng chợt tắt,
Tâm giải thoát Niết-bàn.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ I - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app