GIỚI NHƯ ĐỒ TRANG SỨC CÁI XE
Cái xe mà được tốt đẹp lộng lẫy cũng do nhờ có các món trang sức như là: màn, chấn, khảm v.v. Còn cái xe pháp mà được tốt đẹp quí báu thì cũng nhờ có giới để làm đồ trang sức cho tâm.
Giới ấy ví như nước để rửa sự nhơ bẩn là phiền não của chúng sanh cho sạch và làm cho mát mẻ thân tâm gọi là “sīlajalaṃ – thủy giới”, còn nói về vật để làm căn bản và nâng đỡ chúng sanh, thảo mộc, cầm thú v.v… hoặc như miếng ruộng để gieo trồng các giống lành hay là nâng đỡ không cho sa vào bốn cảnh khổ thì gọi là “sīlapathavī – địa giới”.
Tiếng nói giới đây ngụ ý trong bốn pháp là: tác dụng giới (cetanā sīla); tính hạnh giới (cetasika sīla); thu thúc giới (saṃvara sīla); hạn chế giới (avitikkama sīla).
Giải rằng: người nào ý muốn xa lánh các điều tội lỗi do nơi thân, khẩu, nhất là sát sanh, hoặc là ý muốn thực hành đạo hạnh cho tròn đủ gọi là tác dụng giới. Tính người nào đang xa lánh các nghiệp ác của thân, khẩu nhất là sát sanh thì gọi là tính hạnh giới hay là có ba cái tính không tham, không sân, chánh kiến ở trong thập thiện thì cũng gọi là tính hạnh giới. Sự thu thúc trong năm pháp là: thu thúc theo giới bổn ba-la-đề-mộc-xoa (paṭimokkha saṃvara) có 227 giới; thu thúc sự ghi nhớ (satisaṃvara) là gom thâu lục căn cho thanh tịnh không cho phiền não len vào tâm; thu thúc trí tuệ (ñāṇa saṃvara) là gom thâu sự ghi nhớ lại để quán tưởng trong khi thọ dụng trong các món vật dụng đừng cho ái dục, tà kiến, phiền não phát sanh lên; thu thúc sự nhẫn nại (khaṇtisaṃ vara) là ráng chịu nhịn nhục trong lời ăn tiếng nói của người, hay là sự lạnh sự nóng, đói khát v.v… hoặc là đè nén đừng cho sự sân hận phát sanh lên; thu thúc sự tinh tấn (viriyasaṃvara) là ráng cố ý ngăn ngừa đừng cho ba tà duy phát sanh lên8 hay là ráng tinh tấn trong sự nuôi mạng sống cho trong sạch bằng sự đi khất thực trì bình. Sự không dám làm sái quấy phạm đến giới của mình đã thọ trì gọi là hạn chế giới.
Tiếng nói “giới” có nghĩa là “thường” hay là “nâng đỡ”. Thường nghĩa là thân khẩu bình thường vẫn trong sạch thanh tịnh, vì giới luôn luôn che chở cho thân khẩu được bình thường không cho làm điều ác. Còn nâng đỡ là gìn giữ các pháp lành không cho hư hoại.
Giới cũng có nghĩa là: cao thượng, vĩ đại, mát mẻ, yên ổn.
Giới có hai thứ khác nữa là: gián đoạn giới (sapariyanta sīla) là giới của người đã thọ trì rồi mà làm cho phạm hay đứt đi do một nguyên nhân nào trong năm nguyên nhân là: vì muốn được lợi, muốn được danh, bảo bọc thân quyến, che chở cho thân thể mình, và che chở tánh mạng mình; vô hạn giới (apariyanta sīla) là giới của người đã thọ trì rồi mà không vì năm nguyên nhân đã kể trên mà phạm giới, nghĩa là luôn luôn giữ trong sạch không hề cho phạm một điều nào đến suốt đời, hoặc là giới của các bậc thánh nhơn không khi nào phạm.
Có hai nguyên nhân làm cho giới trong sạch là: hổ thẹn (hiri) tội lỗi và ghê sợ (ottappa) tội lỗi.
Đặc tánh của giới là tích trữ các pháp lành9 không cho hư hoại cũng như mặt đất nâng đỡ tất cả vạn vật vậy.
Giới mà người nào đã thọ trì được chính chắn rồi thì sẽ được danh thơm tiếng tốt bay đi khắp cả thập phương. Như câu kệ ngôn Pāli: “Candanaṃ tagaraṃ vāpi uppalaṃ atha vassikī, etesaṃ gandhajātānaṃ sīla gandho anuttaro: những mùi thơm của trầm, bông sen, bông lài chẳng hạn đều thua mùi thơm của bậc trí thức có giới hạnh trong sạch”. Hoặc như câu kệ khác là: “Appamatto ayaṃ gandho yvā yaṃ tagara candanī yoca sīlavataṃ gandho vātīdevesu uttamo: tất cả các mùi thơm nhất là mùi thơm của cây trầm, nếu đem so sánh với mùi thơm của giới thì rất ít oi vì không thể nào bay đi xa và ngược gió được, trái lại mùi thơm của giới có thể bay xuôi hay ngược gió và cùng khắp hết các nơi.