Nội Dung Chính
NHÂN QUẢ LIÊN QUAN
(Paṭicca samuppāda) thường gọi là thập nhị nhân duyên
“Nhân quả liên quan” là một triết lý thật tế và căn bản của Phật giáo. Như Đức Phật có nói: Người nào hiểu được lý “Nhân quả liên quan” thì người ấy cũng gọi là hiểu được Giáo pháp, hay là người nào hiểu Giáo pháp cũng gọi là hiểu được lý “Nhân quả liên quan”.
Hơn nữa, chư Phật quá khứ, khi thành đạo cũng đều thấu đạo lý Nhân quả liên quan (Tam tạng quyển 16e trg.66.117-; 31e trg.10.31.64) rồi mới đắc Chánh đẳng Chánh giác.
Pháp “Nhân quả liên quan” có nghĩa là thế nào?
Liên quan do nơi tiếng Pāli là paṭicca: nương nhau mà liên hệ với nhau. Nhân quả do nơi tiếng samuppāda: nghĩa là có sự liên can với nhau, rồi do cái này mà phát sanh lên cái kia; cũng cái thức là quả của sự hành vi (thiện hoặc ác) mà chính thức ấy cũng là nhân để sanh ra danh và sắc, cho nên chính mình là nhân mà cũng là quả của cái khác nên gọi là Nhân quả liên quan. Ví như một sợi dây xích có mười hai khoen dính liền nhau, khoen này là quả của cái kia và cũng là nhân để nối liền với cái khác.
Pháp Nhân quả liên quan có 12 chi là: vô minh sanh ra hành (avijjā paccayā saṇkhārā), hành sanh ra thức (saṇkhārā paccayā viññānaṃ), thức sanh ra danh sắc (viññāna paccayā nāmarūpaṃ), danh sắc sanh ra lục căn (nāmarūpa paccayā saḷāyatānaṃ), lục căn sanh ra xúc (saḷāyatāna paccayā phasso), xúc sanh ra thọ (phassa paccayā vedanā), thọ sanh ra ái (vedanā paccayā tanhā), ái sanh ra thủ (tanhā paccayā upādānaṃ), thủ sanh ra hữu (upādāna paccayā bhavo), hữu sanh ra sanh (bhava paccayā jāti), sanh mới sanh ra già chết (jāti paccayā jarāmaranaṃ).
Sokaparideva dukkha domanassupāyāsā sambhavanti – luôn cả sự buồn rầu, khóc than, khổ não, phiền muộn, đau đớn (tuyệt vọng) cũng phát sanh lên (kể từ sự già chết, buồn rầu, v.v… hết thảy những điều khổ ấy thành ra một chi thứ mười hai).
Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti – sự phát sanh lên những điều khổ não như thế ấy.
Pháp Nhân quả liên quan ví như bánh xe có mười hai cây căm nối liền nhau không thể phân biệt chỗ nào đầu đuôi chi cả, nhưng mà khởi từ vô minh để giảng giải là lấy một phần lớn và quan trọng vậy thôi. Lại cũng ví như người mù đi đường trơn, trợt té xuống, quơ níu chạm nhằm hai cây gai, bị gai đâm lủng sáu chỗ, kiếm thuốc để đắp không lành khi chịu khi không lại muốn kiếm thêm đắp mãi, thứ nào hơi chịu thì chắp lấy thứ ấy, ráng dậy để đi kiếm thêm, khi đi lại trượt nữa, té vào đống lửa to khổ sở vô cùng. Sự ngụ ý: người mù như vô minh, đi đường trơn ví như hành, trợt té xuống như thức, níu nhằm hai cây gai như danh sắc, lỡ sáu chỗ như lục căn, đắp thuốc như xúc, khi chịu khi không như thọ, khi vui khi khổ muốn kiếm đắp mãi như ái dục, chắp vào thứ nào chịu như thủ, ráng dậy để kiếm nữa như hữu (là có cảnh giới khác để thoát sanh), khi đi lại trợt té nữa như sanh, té vào đống lửa to như già chết, buồn rầu, v.v…
Pháp Nhân quả liên quan nói rằng không có đầu đuôi tại sao lại nói vô minh sanh ra hành, như vậy không phải vô minh là đầu tiên sao? Phải, nói vô minh sanh ra hành vì vô minh là phần quan trọng hơn hết, Đức Phật bắt đầu thuyết về vô minh là do hạng chúng sanh có những kiến thức (diṭṭhi cārita) để đặng phá tan tà kiến ấy. Cũng như người bị rắn quấn mười hai khoanh, khi muốn cho thấy khoanh kia tháo ra thì chỉ cắt cái đầu con rắn thì tất nhiên những khoanh kia cũng tự nhiên tháo ra hết. Như thế nào, thì vô minh cũng là phần quan trọng hơn hết trong mười hai chi. Nếu diệt được vô minh thì các chi kia cũng đồng diệt tận.
Lại nữa, vô minh mà có cũng do nơi sự buồn rầu khóc than v.v… mà phát sanh. Vì con người khi buồn rầu tâm lầm lạc không phân biệt phải quấy chi cả. Rồi vô minh lại có dịp phát sanh ra nữa, và do sự mù quáng ấy mà hành động thiện ác v.v… Cứ thế mà bánh xe luân hồi xoay tròn mãi mãi vô cùng vô tận làm cho chúng sanh không bao giờ thoát khỏi được những điều thống khổ, cũng do nơi sự buồn rầu ấy v.v…
Vì vậy, không khể cho rằng vô minh là khoảng đầu, khoảng giữa hay chót được.
Pháp Nhân quả liên quan là một triết lý thật tế tự nhiên nhân quả cứ xoay tít chúng sanh đi mãi mãi, chớ không phải như các tôn giáo khác cho là có Trời (devata)1 hay là Phạm Thiên (brahma)2 mà có năng lực tạo ra vạn vật và loài người, mà chính các vị trời ấy cũng bị mắc vào bánh xe nhân quả liên quan xoay tròn không dứt khi sanh làm trời, lúc làm người, khi cầm thú v.v… xoay đi chuyển lại trong vòng tam giới (là Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới) không sao khỏi được, trừ khi nào do nhờ thánh đạo thánh quả thì mới bẻ gãy bánh xe nhân quả ấy được.
Bánh xe Nhân quả liên quan (bhava cakka)
Pháp Nhân quả liên quan chia ra làm 3 thời kỳ (addhā), 12 chi (aṅga), 20 thể (ākāra), 3 chỗ nối liền (sandhi), 4 chỗ tóm tắt (sankhepa), 3 sự xoay chuyển (vaṭṭa), 2 gốc (mūla).
Giải: chỗ nói ba thời kỳ là: thời kỳ quá khứ, vị lai, hiện tại; vô minh và hành – hai chi này thuộc về thời kỳ quá khứ; thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, ái, thủ, hữu – tám chi này thuộc về thời kỳ hiện tại; sanh và già chết – hai chi này thuộc về thời vị lai. Chỗ nói mười hai chi là từ vô minh tới già chết.
Chỗ nói hai mươi thể là: vô minh, hành, ái, thủ, hữu – năm thể này thuộc về nguyên nhân quá khứ để sanh ra năm quả trong hiện tại là: thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, thành ra mười thể. Kể từ ái, thủ, hữu, vô minh, hành – năm thể trong kiếp hiện tại này thuộc về nguyên nhân để sanh ra năm quả trong kiếp vị lai là: thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, thành ra mười thể nữa; trước mười, sau mười thành hai thể. Còn ba pháp là sanh, già, chết cũng không ngoài ra của năm quả hiện tại, khi năm quả này phát sanh lên gọi là sanh, khi cũ xấu hư mòn tiều tụy gọi là già, khi năm quả này tan rã thì gọi là chết.
Chỗ nói ba chỗ nối liền là: lúc hành của thời kỳ quá khứ nối liền nhau với thức hiện tại gọi là nhân quả nối liền, lúc thọ của quả hiện tại nối liền nhau với ái là nhân hiện tại gọi là quả nhân nối liền. Lúc hữu của nhân hiện tại nối liền với sanh là quả của vị lai gọi là nhân quả nối liền. Chỗ nói bốn chỗ tóm tắt là: vô minh, hành gọi là một chỗ tóm tắt; thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ gọi là một chỗ tóm tắt; ái, thủ, hữu gọi là một chỗ tóm tắt; sanh, già chết gọi là một chỗ tắt.
Chỗ nói ba sự luân chuyển là: sự luân chuyển của phiền não (kilesa vatta), sự luân chuyển của nghiệp (kamma vatta), sự luân chuyển của quả (vipāka vatta). Vô minh, ái, dục, thủ, gọi là sự luân chuyển của phiền não; hữu nghiệp3 (kamma bhava) và hành gọi là sự luân chuyển của nghiệp; hữu sanh3 (uppati bhava) thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, sanh, già chết: 8 chi này gọi là sự luân chuyển của quả.
Chỗ nói hai gốc là: vô minh và ái dục, khi hai gốc này chưa diệt được thì ba sự luân chuyển cứ cấu tạo thêm rồi xoay tròn đi mãi mãi. Nếu sự luân chuyển của phiền não mà bị thánh đạo cắt đứt (là diệt tận) thì sự luân chuyển của nghiệp và của quả cũng dứt hẳn. Chừng ấy bánh xe nhân quả cũng ngừng xoay vì đã bị diệt tận các gốc rễ.
Khi chúng sanh bị vô minh che đậy, thêm ái dục cột trói vào điều khổ não thì già chết càng hãm hại luôn luôn, rồi sự buồn rầu, khóc than, phiền muộn v.v… cũng phát sanh lên theo và luôn cả bốn pháp trầm luân (āsava) là trầm luân trong ngũ trần, tà kiến, tam giới và vô minh; kế đó hành, thức, danh sắc v.v… cũng do đó mà phát sanh lên nữa. Lúc ấy ba sự luân chuyển cứ tiếp tục mà xoay đi mãi mãi, không thể phân biệt được chỗ nguyên nhân đầu tiên.
Tại sao lại có hai gốc?
Giải rằng: “Đức Phật khi thuyết ‘vô minh’ là gốc của bánh xe nhân quả là Ngài do hạng chúng sanh có nhiều kiến thức (diṭṭhicārita), còn thuyết ái dục là gốc do hạng chúng sanh có nhiều lòng ái dục (tanhācārita). Hơn nữa, khi thuyết vô minh là gốc để chỉ rõ cho thấy quả và nhân không lìa nhau được, để phá tan sự hiểu lầm của chúng sanh có nhiều đoạn kiến (ucchedodiṭṭhi)4. Còn thuyết ái dục là gốc để chỉ rõ rằng chúng sanh bị những sự khổ não nhứt là già chết ấy là do nơi ái dục, để phá tan sự chấp của chúng sanh nào có nhiều thường kiến5 (sassatadiṭṭhi). Hoặc thuyết bằng cách khác nữa là Ngài thuyết vô minh là gốc, ấy để ám chỉ về chúng sanh nào sanh vào thai bào, là từ nguyên tố thật nhỏ rồi lần lần theo thứ lớp mà nảy sanh lên cho đến khi tròn đủ cả lục căn (thuộc về thai sanh). Còn thuyết ái dục là gốc ấy để ám chỉ chúng sanh nào thuộc về hóa sanh là khi vừa sanh lên thì có đủ cả lục căn liền trong một lúc (như Chư Thiên).
Pháp Nhân quả liên quan theo Phật ngôn (mātikā) chia làm 5 phần: phần nguồn gốc của tứ đế (là khổ, tập, diệt, đạo) (sacca pabhava); phần về phận sự (kicca); phần ngăn cản (vāraṇa); phần ví dụ (upamā); phần sâu xa (gambhīra).
Phần nguồn gốc là cũng do nơi có pháp Nhân quả liên quan mới có sanh ra Tứ diệu đế (là khổ, tập, diệt, đạo).
Phần về phận sự: trong 12 chi của pháp Nhân quả liên quan đều có 2 phận sự: như vô minh chính mình làm cho tối tăm mờ ám không cho thấy rõ lý tứ diệu đế lại còn là nguyên nhân (có phận sự) để sanh ra hành nữa v.v.. cho tới già chết chính mình có phận sự làm cho cũ kỹ hư hao và tan rã ngũ uẩn lại còn là nguyên nhân để đưa đi sanh vào cảnh giới khác, vì do nơi sự khổ não nhứt là buồn rầu làm cho tối tăm mờ ám (là vô minh) rồi vô minh v.v… hại làm phận sự mình mãi mãi.
Phần ngăn cản là: Đức Phật thuyết pháp Nhân quả liên quan để ngăn cản sự hiểu lầm của chúng sanh cho rằng cõi thế gian và chúng sanh mà có là do nhờ một bực toàn năng nào đó tạo ra. Như Ngài giải rằng: hành sanh ra thức là cốt yếu để ngăn cản sự ngộ chấp của chúng sanh rằng: ‘Khi chúng sanh bỏ cảnh giới này (chết) lại đi qua cảnh giới khác’, hoặc là chỗ nói thức sanh ra danh sắc6 là cốt để ngăn cản sự hiểu lầm của chúng sanh cho rằng ‘Thân ngũ uẩn này gom lại có một cục, một khối, như ta thường kêu ông này, bà nọ, trai, gái v.v…’ Thật ra, thân ngũ uẩn này cho tới loài thú và Chư Thiên cũng là nơi phối hợp của danh sắc. Còn Ngài thuyết: Danh sắc sanh ra lục căn là cốt yếu để ngăn cản sự hiểu lầm của chúng sanh rằng: ‘Ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta đụng chạm, ta hiểu biết, ta thọ vui, thọ khổ, ta muốn, ta già, đau, chết’. Thật ra, chỉ có trạng thái không không của các pháp như là danh sắc, lục căn v.v… mà thôi.
Phần ví dụ là như vô minh không thấy rõ bổn tánh thật của các pháp theo lý tứ đế và vô thường, khổ não, vô ngã; ví như người mù cả hai mắt không thấy rõ đường trơn nên đi trợt chơn. Hành sanh ra thức như trợt té xuống. Thức sanh ra danh sắc như té nhầm đống gai phải sưng bầm. Danh sắc sanh ra lục căn là nơi (giếng) để phát sanh các sự thống khổ, như chỗ sưng bầm ấy lại càng sưng thêm lên làm miệng sáu chỗ. Lục căn sanh ra xúc như người mù vô ý đụng nhằm chỗ lỗ ấy. Xúc sanh ra thọ (vui, khổ, xả) như đụng nhằm chỗ xưng ấy rồi thì phải chịu đau đớn khổ sở. Thọ sanh ra ái như đang đau khổ lại muốn tìm thuốc để trị bịnh đau khổ. Ái sanh ra thủ là chấp sai rằng: “Tam giới là nơi yên vui cũng như tìm thuốc để trị bịnh nhưng không nhằm thuốc. Thủ sanh ra hữu như xức thuốc không nhằm bịnh lại càng tăng lên thêm. Hữu sanh ra sanh là nơi gom lại những sự khổ não như bịnh ghẻ ấy tăng lên thêm đầy mủ máu. Sanh lại sanh ra già chết làm cho bả thân ngũ uẩn này tan rã ra như tro bụi cũng như bịnh tăng lên đầy mủ máu rồi bể ra.
Phần sâu xa ấy có bốn chi là:
– Aṭṭhagaṃbhīra: sâu xa về lý (là quả) nghĩa là sự hiểu thấu cái quả là một điều sâu xa rất khó. Như hiểu rằng: “Sự già chết là cái quả của sự sanh, ngoài sự sanh ra, không có pháp nào có năng lực để cho quả là sự già chết”. Hoặc là hiểu rõ lý: “Hành là quả của vô minh, ngoài vô minh ra không có pháp nào năng lực để sanh ra hành được”. Hiểu biết rõ rệt như thế thật là rất khó nên gọi là sâu xa về lý (quả). Đây là ám chỉ sự hiểu ngược của Nhân quả liên quan.
– Dhammagambhīra: sâu xa về pháp (là nhân). Hiểu rằng: “Chính là vô minh chớ không có một pháp nào khác có đủ năng lực để sanh ra hành được v.v… cho đến chính sự sanh là nguyên nhân duy nhứt để sanh ra sự già chết”. Hiểu biết rõ rệt như thế gọi là một điều sâu xa khó hiểu được về pháp (là nhân). Đây là ám chỉ sự hiểu xuôi của pháp Nhân quả liên quan.
– Dessanāgambhīra: sâu xa về sự thuyết ra là: Đức Phật khi thuyết ra tùy theo trình độ, bẩm tánh, thói quen và căn cơ của chúng sanh, khi nghe rồi có thể giác ngộ được dễ dàng. Như có chỗ Ngài thuyết xuôi là bắt từ vô minh sanh ra hành v.v…, có chỗ Ngài thuyết ngược lại là bắt từ già chết là quả của sự sanh v.v… cho tới vô minh, có chỗ thuyết xuôi rồi thuyết ngược lại, có chỗ thuyết ngược lại rồi xuôi theo, có chỗ thuyết tóm tắt lại làm 4 đoạn, 2 đoạn, 2 đoạn hoặc 1 đoạn (coi chỗ giải tóm tắt phía trước).
– Paṭivedhagambhīra: sâu xa về sự giác ngộ (thành đạo).
Đắc được pháp Nhân quả liên quan thật là khó khăn và sâu xa vô cùng. Ngoài Phật huệ của một bậc toàn giác ra, không có một nhân vật nào có thể tự tìm ra mà giác ngộđược, vì vô minh có tư cách nghịch hẳn với tuệ giác lại còn che đậy không cho thấy rõ sự thật của các pháp hữu là vô thường, khổ não và vô ngã hoặc là thấu rõ lý tứ diệu đế được, nên gọi là sâu xa về sự giác ngộ.
Theo trong Mahā nidāsutra (T.Tg.16e tr.117) thuật lại rằng: “Một lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Kuru khi ấy Đại đức Ānanda vào hầu Phật. Khi đảnh lễ xong ngồi nơi chỗ phải lẽ, khi ngồi xong bèn bạch với đức Thế Tôn rằng: “Pháp Nhân quả liên quan thật là sâu xa phi thường và lạ lùng lắm, nhưng mà đối với tôi hình như cạn dễ lắm vậy. Đức Thế Tôn bèn trả lời rằng. “Này Ānanda, ngươi đừng nói như vậy vì pháp Nhân quả liên quan thật là sâu xa và chắc chắn là sâu xa vì rất khó mà hiểu biết và giác ngộ được. Cũng như khung cửi bị chuột cắn nát, hoặc như ổ chim lộn xộn cả đầu đuôi, khó mà tìm ra mối manh để nối liền đầu đuôi lại được, cho nên vì vậy chúng sanh khó mà giải thoát được vòng sanh tử luân hồi”.
Từ đây xin giải rộng ra mỗi chi cho dễ hiểu.