Nội Dung Chính
Giảng giải pháp-chướng-ngại (Nīvaraṇa)
1- Đối-tượng Itthirūpa: Sắc người nữ
Itthirūpa: Sắc của người nữ đó là những gì gắn bó với thân hình của người nữ như y phục, các đồ trang sức quý giá như vàng, ngọc, các thứ đồ trang điểm, các thứ nước hoa, màu da, v.v… đều gọi là đối-tượng nữ-sắc được nhìn thấy bằng nhãn-thức-tâm của người nam, làm khống chế tâm của người nam dễ dàng. Ví dụ:
Tích Đức-Bồ-tát Haritacajātaka
Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, Đức- Phật đề cập đến vị tỳ-khưu nhìn thấy người nữ xinh đẹp nên phát sinh tâm tham-dục, muốn hoàn tục, trở về gia đình. Đức-Phật cho truyền gọi vị tỳ-khưu ấy đến, truyền hỏi rằng:
– Này tỳ-khưu! Con phát sinh tâm tham-dục có thật như vậy không?
Vị tỳ-khưu kính bạch với Đức-Phật rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có thật như vậy. Bạch Ngài.
– Này tỳ-khưu! Do nguyên nhân nào mà con phát sinh tâm tham-dục như vậy?
Vị tỳ-khưu kính bạch với Đức-Phật rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do con không cẩn trọng giữ gìn nhãn-môn khi nhìn thấy người nữ xinh đẹp, nên phát sinh phiền-não tham-dục nơi người nữ ấy như vậy. Bạch Ngài.
Đức-Phật truyền dạy rằng:
– Này tỳ-khưu! Phiền-não tham-dục chướng- ngại ngăn cản các thiện-nghiệp không phát sinh để các ác-nghiệp phát sinh, rồi cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục. Sao phiền-não ấy không làm cho con khổ tâm được? Ví như cơn bão táp thổi bay núi Sineru, sao không thể thổi bay những chiếc lá vàng trên cây rụng rải rác khắp mọi nơi được?
Trong thời quá-khứ xa xưa, Đức-Bồ-tát đạo- sĩ thuộc dòng dõi cao quý đã chứng đắc 8 bậc thiền thiện-tâm (4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm) và chứng đắc ngũ-thông (5 phép-thần-thông thế-gian). Một hôm, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ dể duôi, phát sinh phiền-não tham-dục nơi người nữ ấy, không thể giữ gìn vững trí nhớ biết mình, nên làm mất 8 bậc thiền thiện-tâm và 5 phép-thần-thông ngay tức khắc.
Khi ấy, Đức-Phật thuyết dạy về tiền-kiếp của Ngài là Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh trong gia đình thuộc dòng dõi bà-la-môn giàu sang phú quý, có của cải tài-sản khoảng 800 triệu kahāpaṇa, trong một tỉnh thành lớn. Cha mẹ đặt tên Đức-Bồ-tát là công-tử Haritaca, bởi vì Đức- Bồ-tát có màu da như màu vàng ròng.
Khi công-tử Haritaca trưởng thành, ông bà- la-môn gửi cho đi học tại xứ Takkasilā. Sau khi học các bộ môn theo truyền thống bà-la-môn xong, công-tử Haritaca trở về giúp đỡ cha mẹ.
Sau khi cha mẹ đều qua đời, tất cả của cải tài- sản thuộc về công-tử Haritaca vốn là Đức-Bồ- tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama.
Đức-Bồ-tát Haritaca suy xét rằng:
“Tất cả của cải tài sản lớn lao này được tích- lũy do ông bà, cha mẹ của ta để lại, đến khi chết, không ai đem theo một thứ báu vật nào cả.
Đến khi ta chết, chắc chắn ta cũng sẽ không đem theo một thứ nào cả. Ngay bây giờ, ta nên đem tất cả của cải tài sản tạo phước-thiện bố-thí đến cho mọi người nghèo khổ, ta nên thông báo cho mọi người biết, nếu ai cần thứ của cải nào thì tự nhiên lấy thứ của cải ấy theo ý muốn.”
Đức-Bồ-tát Haritaca từ bỏ nhà đi vào rừng núi Himavanta xuất gia trở thành đạo-sĩ, hằng ngày sống bằng các loại trái cây, các loại củ, các loại lá cây rồi thực-hành pháp-hành thiền-định. Đến ngày thứ 7, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc 5 phép-thần- thông (abhiññā). Đức-Bồ-tát đạo-sĩ sống trong rừng núi Himavanta trải qua thời gian lâu ngày, vì thiếu chất muối, vật thực cần phải có vị mặn, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rời khỏi khu rừng núi Himavanta, đi vào xóm làng khất thực, rồi đi dần đến kinh-thành Bārāṇasī, vào trú tại khu vườn thượng uyển của Đức-vua.
Sáng ngày hôm sau, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đi vào kinh-thành Bārāṇasī khất thực. Khi đi ngang qua hoàng cung, Đức-vua nhìn thấy oai nghi của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ liền phát sinh đức-tin trong sạch, nên truyền lệnh vị quan ra thỉnh Đức-Bồ- tát đạo-sĩ vào cung điện, Đức-vua thỉnh Đức- Bồ-tát đạo-sĩ lên ngồi trên ngai vàng rồi tự tay kính dâng vật thực ngon lành của mình.
Sau khi thọ thực xong, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thuyết dạy lời hoan-hỷ, Đức-vua lắng nghe xong, càng phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.
Đức-vua bạch hỏi rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, Ngài sẽ đi nơi nào?
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa với Đức-vua rằng:
– Thưa Đại-vương, bần đạo đi tìm chỗ thích hợp để an cư nhập hạ.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa như vậy, Đức- vua bạch rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, sādhu! Lành thay!
Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thọ thực xong, Đức- vua thỉnh Ngài đạo-sĩ đến vườn thượng uyển. Đức-vua truyền lệnh các quan tìm thợ đến xây dựng chỗ ở ban đêm, chỗ nghỉ ban ngày, đường đi kinh hành, mọi thứ tiện nghi cho Ngài đạo-sĩ.
Đức-vua truyền bảo các người giữ gìn vườn thượng uyển phục vụ chu đáo Ngài đạo-sĩ.
Đức-vua kính đảnh lễ Ngài đạo-sĩ xong, rồi hồi cung ngự trở về cung điện.
Từ ngày ấy về sau, mỗi ngày Đức-Bồ-tát đạo- sĩ đi vào cung điện của Đức-vua thọ thực, chính tự tay Đức-vua dâng cúng dường vật thực hằng ngày đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ suốt 12 năm.
Một hôm nọ, các quan tâu lên Đức-vua rằng:
– Muôn tâu Bệ-hạ, ở vùng biên giới, bọn giặc kéo đến xâm lăng, quấy nhiễu dân lành. Kính xin Bệ-hạ truyền lệnh các quan dẫn binh đến vùng biên giới dẹp giặc.
Nghe các quan tâu như vậy, Đức-vua ngự đến gặp Chánh-cung Hoàng-hậu, truyền bảo rằng:
– Này ái-khanh! Trẫm thân chinh cầm quân ngự đi đến vùng biên giới dẹp giặc, ái-khanh ở cung điện, mỗi ngày hãy tạo phước-thiện bố-thí tự tay cung-kính cúng-dường đến Ngài đạo-sĩ một cách chu đáo.
Đức-vua thân chinh dẫn đầu đoàn quân ngự đi ra khỏi hoàng cung. Kể từ hôm ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu thay Đức-vua tự tay cung-kính cúng- dường vật thực đến Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rất chu đáo.
Một hôm, Chánh-cung Hoàng-hậu sửa soạn các món vật thực xong rồi, trong lúc chờ đợi Đức- Bồ-tát đạo-sĩ đến, Chánh-cung Hoàng-hậu đi tắm với nước thơm, rồi mặc tấm choàng mỏng bằng thứ lụa tốt bóng loáng, ngồi hóng mát tại cửa sổ. Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ mặc y, mang bát bay trên hư không đến cung điện của Chánh- cung Hoàng-hậu khất thực. Khi bay đến gần cửa sổ, Chánh-cung Hoàng-hậu nghe tiếng y của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ, Bà vội vàng đứng dậy, tấm choàng trên thân mình tuột xuống, để lộ rõ sắc thân tiếp xúc với nhãn-thức-tâm của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ. Ngay tức thì, phiền-não tham-dục bị chế ngự do năng lực của bậc thiền sắc-giới thiện-tâm (vikkhambhanappahāna) trong suốt thời gian 1.00 tỷ năm (anekavassakoṭisatasahassakāle) nay có cơ hội phát sinh mạnh mẽ (ví như con rắn độc bị đè nén lâu năm, nay có cơ hội thoát ra khỏi), nên làm cho 8 bậc thiền thiện-tâm bị mất ngay tức khắc, 5 phép thần-thông thế-gian cũng bị mất luôn, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đáp xuống đất.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bị phiền-não tham-dục khống chế, không còn trí nhớ biết mình, nên đến cầm tay Chánh-cung Hoàng-hậu dẫn vào phòng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phạm điều-giới tà-dâm với Chánh-cung Hoàng-hậu.
Sau đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thọ thực xong, đi bộ trở về vườn thượng uyển. Từ ngày ấy về sau, mỗi ngày Đức-Bồ-tát đạo-sĩ mang bát đi bộ đến cung điện của Chánh-cung Hoàng-hậu thọ thực, cũng phạm điều-giới tà-dâm như vậy.
Tin Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phạm điều-giới tà-dâm với Chánh-cung Hoàng-hậu được lan truyền khắp kinh-thành Bārāṇasī, các quan trong triều gửi người dâng tấu sớ tâu lên Đức-vua rằng:
“Đạo-sĩ Haritaca phạm điều-giới tà-dâm với Chánh-cung Hoàng-hậu.”
Đức-vua đọc tấu sớ như vậy, nhưng không tin đó là sự thật bởi vì Đức-vua có đức-tin trong sạch nơi Ngài đạo-sĩ.
Sau khi Đức-vua dẹp yên giặc xong, mới hồi cung ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī. Đức-vua ngự đi đến cung điện của Chánh-cung Hoàng- hậu, Hoàng-hậu vui mừng đón rước Đức-vua. Khi ấy, Đức-vua truyền hỏi Hoàng-hậu rằng:
– Này ái-khanh! Trẫm nghe tâu rằng: “Ngài đạo-sĩ Haritaca là Tôn-sư của Trẫm phạm điều- giới tà-dâm với ái-khanh”, có thật hay không?
Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, Chánh- cung Hoàng-hậu tâu với Đức-vua rằng:
– Muôn tâu Hoàng-thượng, điều ấy là có thật.
Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu tâu như vậy, Đức-vua vẫn chưa tin, liền ngự đi đến vườn thượng uyển, vào đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Đức-vua bạch hỏi Đức-Bồ- tát đạo-sĩ bằng câu kệ rằng:
“Sutaṃ me’taṃ Mahābrahme, kāme bhuñjati hārito.
Kaccetaṃ vacanaṃ tucchaṃ, kacci sudddho iriyyasi.”
– Kính bạch Ngài Đại-phạm-thiên,
Quả-nhân nghe nói rằng:
“Đạo-sĩ Harita hưởng sắc dục.”
Lời nói ấy không phải thật chăng?
Ngài vẫn còn là bậc có giới-hạnh trong sạch phải không?
Nghe Đức-vua bạch hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ suy xét rằng:
Nếu ta thưa với Đức-vua rằng: “Ta không hưởng sắc dục. Ta vẫn còn có giới-hạnh trong sạch thì Đức-vua sẽ tin, nhưng mà trong đời này, chỉ có lời chân-thật là nơi nương nhờ chân chính mà thôi, bởi vì người nào bỏ lời chân-thật rồi, người ấy không thể ngồi trên bồ đoàn chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác được. Vậy, ta chỉ nói lời chân-thật mà thôi.
Đối với Đức-Bồ-tát đôi khi có thể phạm điều- giới sát-sinh, điều-giới trộm-cắp, điều-giới tà- dâm, điều-giới uống rượu và các chất say, nhưng phạm điều-giới nói-dối sai lời chân-thật, đem lại điều bất lợi, chắc chắn không bao giờ có đối với Đức-Bồ-tát.”
Cho nên, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa với Đức-vua lời chân-thật bằng câu kệ rằng:
“Evametaṃ mahārāja,
yathā te vacanaṃ sutaṃ.
Kummaggaṃ paṭipannosmi,
mohaneyyesu mucchito.”
– Thưa Đại-vương, Đại-vương được nghe những lời tâu như thế nào, những lời tâu ấy đều là sự-thật như thế ấy.
Bần đạo là người đã ham mê nữ-sắc, đối-tượng nữ-sắc làm cho phát sinh tham-tâm mê muội. Bần đạo đã hành tà-đạo sai đường rồi.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thành thật thú nhận điều sai lầm của mình, Đức-vua bạch bằng câu kệ rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thật-tánh các pháp, tiêu diệt ác-pháp (tâm tham-dục) đã phát sinh đối với Ngài hiện có lợi ích gì? Sao Ngài không sử dụng trí-tuệ ấy tiêu diệt tà tư-duy trong đối-tượng sắc-dục ấy?
Nghe Đức-vua bạch hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa với Đức-vua bằng câu kệ rằng:
– Thưa Đại-vương, phiền-não có 4 loại là tham-dục, sân-hận, si-mê, say-đắm là loại phiền-não có năng lực dữ dội trong đời, khi loại phiền-não nào phát sinh ràng buộc rồi thì trí-tuệ không phát sinh được, như người rơi xuống dòng nước lũ chảy xiết.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa như vậy, Đức- vua bạch bằng câu kệ rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, Quả-nhân tán dương ca tụng Ngài rằng: “Ngài đạo-sĩ Haritaca là bậc Thánh A-ra-hán có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, thực-hành pháp cao thượng thanh-tịnh, là bậc đại thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt thật sự.”
Nghe Đức-vua bạch hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa với Đức-vua bằng câu kệ rằng:
– Thưa Đại-vương, tà tư-duy trong nữ-sắc là điều tệ hại nhất, bởi vì say mê trong nữ-sắc cho là xinh đẹp đáng yêu hợp với tâm tham-dục, có cơ hội gây ra sự khổ dù là bậc có trí-tuệ thường hoan-hỷ trong thiện-pháp của đạo-sĩ.
Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa như vậy, Đức- vua có tác-ý muốn Ngài đạo-sĩ phát sinh đại- thiện-tâm tinh-tấn diệt phiền-não, nên bạch bằng câu kệ rằng:
– Kính bạch Ngài đạo-sĩ, phiền-não tham-dục nữ-sắc phát sinh nơi thân-môn, khi phiền-não ấy đã phát sinh làm hủy hoại thiện-pháp cao thượng của Ngài.
Vậy, Ngài nên sử dụng trí-tuệ siêu-việt của Ngài để diệt phiền-não tham-dục nữ-sắc ấy thì thiện-pháp cao thượng sẽ phát sinh đối với Ngài.
Ngài đạo-sĩ là bậc cao thượng được phần đông tán dương ca tụng rằng: “Ngài đạo-sĩ là bậc có trí-tuệ siêu-việt.”
Nghe Đức-vua tác-động khuyến khích nhắc nhở như vậy nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thức tỉnh, có trí nhớ và trí-tuệ-tỉnh-giác biết mình, thấy rõ, biết rõ tội lỗi của ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), rồi thưa với Đức- vua bằng câu kệ rằng:
– Thưa Đại-vương, bần đạo đã thấy rõ, biết rõ ngũ-dục ấy chỉ làm cho con người tối tăm mê muội mà thôi. Ngũ-dục có nhiều chất độc dữ dội, người nào say mê trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), người ấy chỉ có khổ nhiều trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai mà thôi.
Bần đạo sẽ tìm nguyên nhân của ngũ-dục ấy, sẽ tiêu diệt tâm tham-dục trong nữ-sắc, cùng với pháp ràng buộc của ngũ-dục.
Thật ra, đối-tượng nữ-sắc làm cho người nam phát sinh phiền-não tham-dục say mê do 2 nguyên nhân:
1- Subhanimitta: Đối-tượng nữ-sắc cho là xinh đẹp đáng hài lòng nên phát sinh tham-tâm.
2- Ayonisomanasikāra: Sự biết trong tâm do si-tâm biết sai lầm trong 4 trạng-thái của đối- tượng nữ-sắc là:
– Đối-tượng nữ-sắc có trạng-thái vô-thường (anicca), do si-tâm biết sai lầm cho là thường (nicca).
– Đối-tượng nữ-sắc có trạng-thái khổ (dukkha), do si-tâm biết sai lầm cho là lạc (sukha).
– Đối-tượng nữ-sắc có trạng-thái vô-ngã (anatta), do si-tâm biết sai lầm cho là ngã (atta).
– Đối-tượng nữ-sắc có trạng-thái bất-tịnh (asubha), do si-tâm biết sai lầm cho là xinh đẹp (subha).
Sau khi suy xét, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa với Đức-vua rằng:
– Thưa Đại-vương, nay bần đạo có trí-tuệ trong đại-thiện-tâm thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng sắc (nữ-sắc) là vô-thường, khổ, vô-ngã, bất-tịnh, nên diệt được phiền-não tham- dục nơi đối-tượng sắc (nữ-sắc) rồi.
– Thưa Đại-vương, xin Đại-vương cho phép bần-đạo có cơ hội thực-hành pháp-hành thiền- định để chuộc lại tội lỗi đã tạo vừa qua đối với Chánh-cung Hoàng-hậu của Đại-vương.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ đi vào cốc lá, ngồi thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định kasiṇa, trong thời gian không lâu, dẫn đến chứng đắc trở lại 4 bậc thiền sắc-giới thiện- tâm và chứng đắc 5 phép-thần-thông thế-gian (lokiya abhiññā).
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ từ trong cốc lá bước ra, bay lên hư không, ngồi kiết già thuyết pháp tế độ Đức-vua.
Sau khi lắng nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thuyết pháp, Đức-vua phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ tán dương ca tụng Đức-Bồ-tát đạo-sĩ.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa với Đức-vua rằng:
– Thưa Đại-vương, bần-đạo xin phép trở lại rừng núi Himavanta, xin Đại-vương không nên dể duôi.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ từ giã Đức-vua, bay trở lại rừng núi Himavanta, sống cho đến hết tuổi thọ. Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ chết, sắc-giới thiện- nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên. Vị phạm- thiên Bồ-tát hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy.
Đức-Phật tế độ vị tỳ-khưu muốn hoàn tục
Đức-Phật Gotama thuyết về tích tiền-kiếp của Ngài là Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca xong, rồi tiếp theo Đức-Phật thuyết về tứ Thánh-đế là khổ-Thánh-đế, nhân sinh khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ- Thánh-đế, để tế độ vị tỳ-khưu nhìn thấy người nữ xinh đẹp, muốn hoàn tục ấy.
Sau khi vị tỳ-khưu lắng nghe tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca và pháp tứ Thánh-đế, vị tỳ-khưu ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng tại nơi ấy.
Tích Haritacajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại
Trong tích Haritacajātaka này, Đức-Bồ-tát Haritaca là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích này liên quan đến kiếp hiện-tại như sau:
– Đức-vua ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.
– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
Nhận xét về Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trú tại rừng núi Himavanta, sống bằng các loại trái cây, các loại củ, các loại lá cây, thực-hành pháp-hành thiền-định, chứng đắc 8 bậc thiền thiện-tâm (4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm), chứng đắc 5 phép-thần-thông thế-gian (lokiya abhiññā), có khả năng chế ngự được phiền-não loại vi-tế trong tâm đó là 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) suốt thời gian 1.000 tỷ năm không thể phát sinh.
Nhưng khi nhìn thấy sắc thân của Chánh- cung Hoàng-hậu thì Đức-Bồ-tát đạo-sĩ bị phiền- não tham-dục khống chế, không còn trí nhớ biết mình, nên đến cầm tay Chánh-cung Hoàng-hậu dẫn vào phòng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ phạm điều- giới tà-dâm với Chánh-cung Hoàng-hậu.
Thật ra, tất cả mọi phiền-não (kilesa) chỉ phát sinh trong 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm) mà thôi, nếu khi bất-thiện-tâm phát sinh thì thiện-tâm không phát sinh.
Bất-thiện-tâm và thiện-tâm phát sinh đều do nhân, mà nhân (hetu) có 6 loại: nhân tham (lobhahetu), nhân sân (dosahetu), nhân si (moha- hetu), nhân vô-tham (alobhahetu), nhân vô-sân (adosahetu), nhân vô-si (amohahetu).
Sáu nhân chia ra 2 loại:
1- Bất-thiện-nhân (akusalahetu) có 3 nhân là nhân tham (lobhahetu), nhân sân (dosahetu), nhân si (mohahetu), làm nhân phát sinh 12 bất- thiện-tâm:
* 12 bất-thiện-tâm chia ra 3 loại tâm:
– Tham-tâm có 8 tâm: mỗi tâm có 2 nhân là nhân tham và nhân si.
– Sân-tâm có 2 tâm: mỗi tâm có 2 nhân là nhân sân và nhân si.
– Si-tâm có 2 tâm: mỗi tâm có 1 nhân si.
2- Thiện-nhân (kusalahetu) có 3 nhân là nhân vô-tham (alobhahetu), nhân vô-sân (adosahetu), nhân vô-si (amohahetu) gọi là trí-tuệ làm nhân phát sinh 8 đại-thiện-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 8 hoặc 20 siêu-tam-giới thiện-tâm đó là 8 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm.
* 8 đại-thiện-tâm chia ra 2 loại tâm:
– 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, mỗi tâm có 3 nhân là nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si gọi là trí-tuệ.
– 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ, mỗi tâm có 2 nhân là nhân vô-tham, nhân vô-sân, không có nhân vô-si gọi là không có trí-tuệ.
* 5 sắc-giới thiện-tâm, mỗi tâm đều có đủ 3 thiện-nhân là nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si gọi là trí-tuệ.
* 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, mỗi tâm đều có đủ 3 thiện-nhân là nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si gọi là trí-tuệ.
* 4 hoặc 20 siêu-tam-giới thiện-tâm hoặc 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm, mỗi tâm đều có đủ 3 thiện-nhân là nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si gọi là trí-tuệ.
Vì vậy, khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca nhìn thấy sắc thân của Chánh-cung Hoàng-hậu như vậy liền phát sinh phiền-não tham-dục trong tham-tâm nơi đối-tượng sắc (nữ-sắc) hợp với 2 nhân là nhân tham và nhân si, mà nhân tham say đắm trong đối-tượng sắc (nữ-sắc) cho là subhanimitta: xinh đẹp đáng yêu và nhân si mê muội tối tăm che phủ thật-tánh của đối-tượng sắc (nữ-sắc), gọi là ayonisomanasikāra: sự biết trong tâm do nhân si biết sai lầm nơi đối-tượng sắc (nữ-sắc) cho là subha: xinh đẹp đáng yêu.
Đến khi Đức-vua tác động khuyến khích nhắc nhở nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thức tỉnh, phát sinh đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 3 thiện-nhân là nhân vô-tham, nhân vô-sân, nhân vô-si (trí- tuệ), có trí nhớ và trí-tuệ-tỉnh-giác biết mình, thấy rõ, biết rõ tội lỗi của ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), mà nhân vô-tham không tham đắm say mê nơi đối- tượng sắc (nữ-sắc) là asubha: bất-tịnh đáng nhàm chán, và nhân vô-si (trí-tuệ) thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng sắc (nữ-sắc) gọi là yonisomanasikāra: sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ biết đúng nơi đối-tượng sắc (nữ-sắc) chỉ là asubha: bất-tịnh đáng nhàm chán mà thôi.
Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca phát sinh đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ diệt được phiền- não tham-dục nơi đối-tượng sắc (nữ-sắc), có giới trong sạch làm nền tảng, làm nơi nương nhờ thực-hành pháp-hành thiền-định, trong thời gian không lâu thì chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, chứng đắc 5 phép-thần-thông thế- gian (lokiya abhiññā) trở lại.
* Vị tỳ-khưu nhìn thấy người nữ xinh đẹp thì phát sinh phiền-não tham-dục, muốn hoàn tục trở về nhà.
Khi ấy, Đức-Phật thuyết về tiền-kiếp của Ngài là Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Haritaca. Sau đó, Ngài thuyết pháp tứ Thánh-đế: khổ-Thánh-đế, nhân sinh khổ-Thánh-đế, diệt khổ-Thánh-đế, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế để tế độ vị tỳ-khưu ấy.
Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, vị tỳ-khưu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng ngay tại nơi ấy.
Như vậy, vị tỳ-khưu ấy thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala), đã tích lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: tín- pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định- pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, nên kiếp hiện-tại này thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có khả năng trở thành bậc Thánh A-ra-hán như vậy.
Vậy mà, khi vị tỳ-khưu ấy nhìn thấy người nữ xinh đẹp thì phát sinh phiền-não tham-dục muốn hoàn tục trở về nhà, nhưng nhờ Đức-Phật thuyết pháp tế độ, nên vị tỳ-khưu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Cho nên, Đức-Phật dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy có đối-tượng sắc nào khác dù một đối-tượng mà khống chế được tâm của người nam như đối- tượng sắc đẹp của người nữ.
– Này chư tỳ-khưu! Đối-tượng sắc đẹp của người nữ khống chế được tâm của người nam dễ dàng.
Đức-Phật dạy có 2 pháp ngăn ngừa là:
1- Cẩn trọng giữ gìn lục-môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) khi tiếp xúc với 6 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
2- Yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm với trí-tuệ hiểu biết đúng theo 4 trạng-thái của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là:
– Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có trạng-thái vô-thường (anicca) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô-thường (anicca).
– Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có trạng-thái khổ (dukkha) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là khổ (dukkha).
– Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có trạng-thái vô-ngã (anatta) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là vô- ngã (anatta).
– Sắc-pháp, danh-pháp tam-giới có trạng-thái bất-tịnh (asubha) thì trí-tuệ hiểu biết đúng là bất-tịnh (asubha).
Nhờ 2 pháp này để ngăn ngừa phiền-não nào chưa sinh thì phiền-não ấy không sinh, nếu phiền-não nào đã sinh, thì phiền-não ấy bị diệt.