PHÁP HÀNH 

10. NHỮNG PHÁP NÊN BIẾT (tiếp theo)

21- Bậc Thánh Arahán Giải Thoát Khổ Tái Sanh

Trong vòng tam luân của bánh xe luân hồi “thập nhị duyên sanh” có phiền não luân làm nhân, nên tạo nghiệp luân là quả; có nghiệp luân làm nhân, nên cho quả luân là quả; có quả luân làm nhân, nên phát sanh phiền não luân, và cứ thế luân chuyển từ kiếp này sang kiếp khác không ngừng.

Ðối với chúng sinh còn phiền não thì vẫn còn bị ràng buộc ở trong vòng tam luân, chuyển biến từ kiếp này sang kiếp khác trong ba giới bốn loài, từ vô thủy đến vô chung.

Ðối với bậc Thánh Arahán, là bậc Thánh đã diệt đoạn tuyệt được phiền não luân, như vậy là đã phá tan, chặt đứt được sự luân chuyển của tam luân, chỉ còn nghiệp luân quá khứ và quả luân.

Khi đã bậc Thánh Arahán diệt đoạn tuyệt được phiền não luân, thì tất cả mọi tác ý (cetanā) do thân, khẩu, ý của Ngài không thuộc về nghiệp luân mới, những tác ý tâm sở ấy đồng sanh với duy tác tâm (kiriyācitta), nên không gọi là “nghiệp” để cho quả luân.

Ðối với bậc Thánh Arahán, tất cả mọi thiện nghiệp, bất thiện nghiệp đã tạo ở quá khứ, từ vô thủy cho đến trước khi chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả đều có thể cho quả an lạc hoặc khổ não trong kiếp sống hiện tại, cho đến khi Ngũ Uẩn Niết Bàn; khi ấy tất cả mọi nghiệp cũ trở thành vô hiệu quả nghiệp (ahosi-kamma: nghiệp không cho quả).

Ví dụ:

Trường hợp Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, tiền kiếp xa xưa của Ngài đã từng đánh đập cha mẹ cho đến chết; kiếp ấy, sau khi Ngài chết, do ác trọng nghiệp giết cha mẹ của Ngài thuộc ngũ vô gián nghiệp cho quả tái sanh, bị sa đoạ vào địa ngục Avīci chịu khổ suốt thời gian lâu dài. Ðến khi mãn hạn ở địa ngục rồi, khi Ngài được tái sanh làm người kiếp nào, do ác trọng nghiệp giết cha mẹ của Ngài còn dư sót, nên Ngài thường bị đánh đập đến chết. Ngay đến kiếp chót, Ngài đã trở thành bậc Thánh tối thượng Thanh Văn đại đệ tử, suất sắc nhất về thần thông trong hàng Thanh Văn đại đệ tử của Ðức Phật, mà vẫn phải chịu ảnh hưởng của ác trọng nghiệp giết cha mẹ ở quá khứ còn dư sót, khiến cho bọn cướp có thể đánh đập Ngài bị tan xương nát thịt; chúng tưởng Ngài đã chết, nên bỏ đi; Ngài dùng năng lực thần thông rồi bay đến hầu Ðức Phật, xin phép tịch diệt ngũ uẩn Niết bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong tam giới.

Ngũ Uẩn Niết Bàn của Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna như vậy, khiến cho một số Tỳ khưu bàn tán cho là việc “không công minh” (ananurūpa), đối với cuộc đời của bậc Thánh tối thượng Thanh Văn đại đệ tử xuất sắc nhất về thần thông.

Ðức Phật giải thích cho chư Tỳ khưu hiểu rõ rằng:

“Bhikkhave Moggallāno imassa attabhāvassa ananurūpaṃ maraṇaṃ patto, pubbe pana tena katassa kammassa anurūpameva maraṇaṃ patto”. [34]

(Này chư Tỳ khưu, Moggallāna tịch diệt, Ngũ Uẩn Niết Bàn, đối với kiếp hiện tại này thật không công minh; nhưng lại thật công minh đối với ác trọng nghiệp ở tiền kiếp mà Moggallāna đã tạo trong quá khứ).

Và trường hợp Ngài Ðại Ðức Aṅgulimāla, ngay trong kiếp hiện tại, khi còn là kẽ cướp sát nhân, Ngài đã giết hơn ngàn người, cắt đầu ngón tay làm vòng đeo cổ. Khi Ðức Phật đến tế độ, Aṅgulimāla liền tỉnh ngộ, buông bỏ mọi vũ khí, đảnh lễ dưới chân Ðức Phật và xin xuất gia trở thành Tỳ khưu. Ðức Thế Tôn với tâm đại bi, đã cho phép Aṅgulimāla xuất gia Tỳ khưu theo cách “Ehibhikkhūpasampadā”, ngay khi ấy, Aṅgulimāla trở thành Bậc Tỳ khưu, đi theo sau Ðức Phật trở về ngôi chùa Jetavana. Ðại Ðức Aṅgulimāla sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng trong Phật giáo.

Buổi sáng, Ðại Ðức Aṅgulimāla đi vào thành Sāvatthi khất thực, những mảnh gổ, viên đá… người ta ném ra ngoài đường đều đụng đến thân thể Ngài, làm cho Ngài bể đầu chảy máu, vỡ bình bát, y rách tả tơi. Ngài trở về chùa, Ðức Phật nhìn thấy khuyên dạy, an ủi rằng:

“Adhivāsehi tvaṃ Brahmaṇa!
Adhivāsehi tvaṃ Brahmaṇa!

Yassa kho tvaṃ Brahmaṇa kammassa vipākassa bahūni vassāni, bahūni vassasatāni, bahūni vassa sahassāni niraye pacceyyāsi. Tassa tvaṃ Brahmaṇa kammassa vipākaṃ diṭṭheva dhamme paṭisaṃvedesī”. [35] 

“Này Aṅgulimāla, Bậc phạm hạnh, con hãy nên nhẫn nại!
Này Aṅgulimāla, Bậc phạm hạnh, con hãy nên nhẫn nại!

Này Aṅgulimāla, Bậc phạm hạnh, đáng lẽ con phải chịu quả khổ của ác nghiệp suốt nhiều năm, hàng trăm năm, hàng ngàn năm trong cõi địa ngục.

Này Aṅgulimāla, Bậc phạm hạnh, thì nay con chỉ thọ quả khổ của ác nghiệp ấy, khi còn tuổi thọ trong kiếp sống hiện tại này mà thôi”.

Bậc Thánh Arahán không có tạo nghiệp mới, còn tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp từ vô thủy cho đến trước khi chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả; nghiệp nào có cơ hội cho quả, thì bậc Thánh Arahán chịu quả của nghiệp ấy. Ðến khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết bàn gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn rồi, tất cả mọi thiện nghiệp mọi ác nghiệp đều trở thành vô hiệu quả nghiệp (ahosikamma: nghiệp không cho quả).

Do đó, bậc Thánh Arahán tịch diệt gọi là Ngũ Uẩn Niết Bàn rồi, không còn tái sanh kiếp sau nữa. Nghĩa là diệt ngũ uẩn này, ngũ uẩn khác không còn sanh nữa, phần sắc uẩn trở thành thi thể, làm lễ hoả táng, được kết tinh thành “Xá Lợi Thánh Arahán” để tôn thờ, còn phần 4 danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não, vô minh, tham ái. Cho nên khi diệt 4 danh uẩn là diệt hẵn, ví như ngọn đèn tắt.

Như trong kinh Ratanasutta Ðức Phật dạy:

“Nibbanti dhīra yathāyaṃ padīpo”. [36]
“Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt, Ngũ Uẩn Niết Bàn rồi, thì đoạn tuyệt tái sanh, ví như ngọn đèn dầu cháy hết bấc (tim) tắt hẳn”.

Bậc Thánh Arahán tịch diệt, Ngũ Uẩn Niết Bàn , đồng thời chấm dứt khổ tái sanh, là giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

22- Hành Thiền Tuệ Thời Kỳ Nào Là Tốt Nhất?

Vấn đề này được đặt ra, là vì có số người quan niệm rằng: “Khi còn trẻ thì nên lo học, lo làm ăn… đến khi về già mới lo việc tu hành…”.

Quan niệm như vậy có thích hợp hay không? Xin hãy tìm hiểu qua câu chuyện về hai người con của hai nhà phú hộ (Mahādhana-seṭṭhiputtavatthu) [37] trong bộ Chú giải Pháp cú.

22.1- Tích 2 người con của hai nhà phú hộ

Thuở ấy, Ðức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, Ngài đã đề cập đến hai người con của hai nhà phú hộ, sơ lược như sau__

* Một nhà phú hộ ở trong thành Bārānasī có của cải, tài sản nhiều đến 800 triệu, chỉ có một người con trai duy nhất. Hai ông bà phú hộ bàn với nhau rằng: “Gia đình chúng ta có nhiều tiền, nhiều của như thế này, chúng ta chỉ có một đứa con trai, sau này chúng ta sẽ giao tất cả gia tài lại cho con mình, để nó thừa hưởng sung sướng suốt cuộc đời cũng không sao hết được. Con chúng ta không cần làm việc gì cho vất vả”.

Hai ông bà phú hộ nhất trí như vậy, nên cho đứa con trai đi học đờn ca, múa hát vui chơi, không học nghề quản lý chuyên môn nào khác.

* Một nhà phú hộ khác cùng ở trong thành Bārānasī này, cũng có của cải tài sản nhiều đến 800 triệu, cũng chỉ có một người con gái duy nhất. Hai ông bà phú hộ cùng bàn với nhau, như nhà phú hộ có người con trai, nên cho đứa con gái đi học đờn ca, múa hát vui chơi, như con trai nhà phú hộ kể trên.

Ðến khi người con trai và người con gái của hai nhà phú hộ đến tuổi trưởng thành, hai bên kết làm thông gia, cho con cái họ kết hôn với nhau. Sau khi cha mẹ hai bên lần lượt qua đời, tất cả gia tài của hai nhà phú hộ gom chung lại thành 1.600 triệu. Như vậy, họ có một tài sản của cải rất lớn lao, nên gọi là “Mahādhana”, và hai người con của hai nhà phú hộ, gọi là “Seṭṭhiputtā”. Hai danh từ ghép lại nhau gọi là “Mahādhanaseṭṭhiputtā”: nghĩa là, hai đứa con của hai nhà phú hộ có tài sản lớn lao.

Hai vợ chồng trẻ, con nhà phú hộ, không biết công việc làm ăn nào khác, chỉ biết đờn ca, múa hát vui chơi mà thôi. Thường ngày, hai vợ chồng đến chầu Ðức vua. Bên đường đi, có một nhóm người ăn chơi, rượu chè ca hát; chúng nhìn thấy hai vợ chồng con của phú hộ thường qua lại, nên bàn tính với nhau rằng: “Chúng ta có thể làm cách nào để cho hai vợ chồng con của phú hộ này nghiện rượu, chúng ta sẽ sống bám vào họ, và được sung sướng nhất đời”.

Chúng bàn mưu tính kế vừa xong, khi thấy hai vợ chồng, con của phú hộ đang đi tới, bọn chúng vừa uống rượu, vừa ca hát, nhảy múa có vẻ rất vui sướng, rồi đồng thanh nói lời chúc tụng rằng:

– Chúng tôi cầu chúc hai vợ chồng con của phú hộ được sống lâu trăm tuổi, được hạnh phúc an lạc; chúng tôi nương nhờ nơi hai người, cũng sẽ được an lạc, sung sướng.

Người con trai phú hộ nghe bọn chúng chúc tụng mình có vẻ thích thú hoan hỷ lắm, mới hỏi người nô bộc đánh xe rằng:

– Này nô bộc, chúng nó uống nước gì vậy?

– Thưa cậu chủ, chúng nó uống rượu ạ.

– Rượu có vị ngon không?

– Thưa cậu chủ, trong các loại nước, rượu là loại nước có vị ngon, làm cho người ta ngây ngất.

Người con trai của phú hộ bèn nói với người nô bộc rằng:

– Nếu như vậy, thì ta cũng nên uống chơi cho biết vị của rượu.

Người con của phú hộ sai người nô bộc đến nhóm người kia lấy một chút rượu, uống thử cho biết. Về sau không lâu, uống rượu được nhiều, người con trai phú hộ đã trở thành người nghiện rượu nặng.

Nhóm người nghiện rượu kia biết người con trai của phú hộ đã nghiện rượu rồi, chúng rủ nhau đến tận nhà người con trai phú hộ để uống rượu cho có bạn. Lâu ngày, tiếng đồn càng xa, bọn chúng rủ nhau ngày đến càng đông. Người con trai của phú hộ sai gia nhân mua rượu, mỗi lần 100 đồng, rồi 200 đồng v.v…. Ngoài việc tốn tiền mua rượu, còn tốn thêm tiền mua bông hoa, nước thơm, tiền mướn đoàn vũ nữ nổi tiếng đến ca hát, nhảy múa, xong rồi còn ban thưởng, mỗi lần 1.000 đồng, 2.000 đồng v.v….

Người con trai phú hộ phung phí tiền bạc suốt ngày đêm như vậy, trải qua một thời gian lâu, của cải tài sản 800 triệu phần của mình đã hết sạch.

Người quản gia đến trình cho người con trai phú hộ biết rằng:

– Thưa cậu chủ, của cải tài sản phần của cậu đã hết sạch rồi!

Người con trai của phú hộ bèn hỏi:

– Của cải tài sản phần của phu nhân ta không còn nữa hay sao?

Người quản gia thưa rằng:

– Thưa cậu chủ, của cải tài sản phần của mợ vẫn còn ạ!

Người con trai của phú hộ ra lệnh:

– Hãy lấy của cải phần của phu nhân ta ra xài.

Người con trai của phú hộ phung phí như vậy trải qua thêm một thời gian lâu nữa, tài sản phần của người vợ cũng hết sạch. Những ngày tiếp theo sau, bán dần ruộng, vườn, xe cộ, đồ đạc trong nhà, đến cuối cùng cũng bán cả căn nhà đang ở để tiêu xài!

Ðến lúc hai vợ chồng con của phú hộ tuổi già, không có nhà ở, phải dẫn nhau ra ở bên hiên nhà người khác. Hằng ngày, hai vợ chồng cầm mảnh bát đi xin những đồ ăn thừa của người ta, để sống qua ngày.

Một hôm, có ông già đứng gần cửa trai tăng đường để chờ nhận đồ ăn còn dư của chư Tỳ khưu, Sa di. Ðức Thế Tôn nhìn thấy mỉm cười. Khi ấy, Ðại Ðức Ānanda bạch hỏi Ðức Thế Tôn, nguyên nhân nào Ngài mỉm cười. Ðức Thế Tôn dạy Ðại Ðức Ānanda rằng:

– Này Ānanda, người già kia, trước đây là con của nhà phú hộ, có một tài sản lớn lao, nhưng đã tiêu xài phung phí hết sạch; sau đó lại còn bán hết tất cả ruộng, vườn, đồ đạc, nhà cửa,…. Bây giờ, không còn gì nữa, ông ta phải dẫn vợ đi xin ăn trong thành phố này.

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

– Nếu người con của phú hộ, ở tuổi thiếu niên không tiêu xài phung phí của cải tài sản, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn, thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhất trong thành Bārānasī này.

Nếu cả hai vợ chồng, con của phú hộ ở tuổi thiếu niên, xuất gia trong Phật giáo, biết tiến hành thiền tuệ, thì người chồng có thể sẽ chứng đắc Arahán Thánh Ðạo, Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán; còn người vợ có thể sẽ chứng đắc Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai.

Nếu người con của phú hộ, ở tuổi trung niên, với phần của cải tài sản còn lại, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn, thì sẽ trở thành phú hộ thứ nhì trong thành Bàrànasì này.

Nếu cả hai vợ chồng, con của phú hộ, ở tuổi trung niên, xuất gia trong Phật giáo, biết tiến hành thiền tuệ, thì người chồng có thể sẽ chứng đắc Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Bất Lai; còn người vợ có thể sẽ chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

Nếu người con của phú hộ, ở tuổi lão niên, với phần của cải tài sản còn lại, biết lo kinh doanh, khuếch trương công việc làm ăn, thì sẽ trở thành phú hộ thứ ba trong thành Bārānasī này.

Nếu cả hai vợ chồng, con của phú hộ, ở tuổi lão niên, xuất gia trong Phật giáo, biết tiến hành thiền tuệ, thì người chồng có thể sẽ chứng đắc Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai; còn người vợ có thể sẽ chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Nhưng bây giờ, hai vợ chồng, con của phú hộ này, đã trải qua hết cả 3 thời rồi; của cải tài sản ở thế gian bị khánh kiệt, của báu siêu tam giới là Thánh Ðạo và Thánh Quả trong Phật giáo cũng bị hủy hoại luôn, như con cò già rụng hết lông cánh, nằm thoi thóp ở vũng bùn khô”.

Ðức Phật dạy bài kệ rằng:

“Acaritvā brahmacariyaṃ, aladdhā yobbane dhanaṃ,
“Jiṇṇakoñcāva jhāyanti, khīṇamaccheva pallale.

“Acaritvā brahmacariyaṃ, aladdhā yobbane dhanaṃ,
“Senti cāpātikhīṇāva, purāṇāni anutthunaṃ”.

“Người ngu dốt không biết hành phạm hạnh.
Không được của báu lúc còn trẻ trung,
Như con cò già yếu nằm than thở,
Trên vũng bùn khô, hết sạch cá tôm.

Người ngu dốt không biết hành phạm hạnh,
Không được của báu lúc còn trẻ trung,
Nằm hối tiếc của cải xưa đã hết,
Như mũi tên đã rời khỏi cây cung,
Rơi xuống đất làm đồ ăn cho mối”.

Qua câu chuyện dẫn chứng trên đây, hành giả có nguyện vọng tiến hành thiền tuệ để mong chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, pháp giải thoát khổ sanh, già, đau, chết; chắc chắn đã ý thức được nên tiến hành thiền tuệ ở thời tuổi thiếu niên hy vọng sẽ được kết quả tốt nhất.

Dầu sự tiến hành thiền tuệ thời thiếu niên chưa chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào, thì âu cũng là cơ hội tốt để bồi bổ pháp hạnh ba la mật, để mong sự chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả vị lai.

Tích tiền thân của Ðức Phật Gotama

Câu chuyện Thái tử Temiyan [38] là tiền thân của Ðức Phật Gotama, vì sợ lên ngôi làm vua, nên Ngài đã phát nguyện 3 điều là:

1- Không bại liệt, làm như người bại liệt.
2- Không câm, làm như người câm.

3- Không điếc, làm như người điếc.

Ðức Bồ Tát Temiya đã nhẫn nại chịu đựng qua bao nhiêu thử thách suốt 16 năm ròng rã. Cuối cùng đức phụ vương của Ngài nghe lời tâu của các quan trong triều, xem thái tử Temiya là “người xúi quẩy”, buộc phải đem Ngài vào rừng để chôn sống.

Ðức vua đành phải truyền lệnh cho các người lính đánh xe ngựa chở Ðức Bồ Tát Thái tử Temiya vào rừng chôn sống. Ðến nơi, để Ðức Bồ Tát nằm trên xe, còn các người lính đánh xe cặm cụi đào hầm Ðức Bồ Tát Temiya suy nghĩ: “Nay đã đến cơ hội tốt, ta phải tỏ rõ cho những người lính đánh xe này biết: Ta là Thái tử Temiya, không phải là người bại liệt, không phải là người câm, cũng không phải là người điếc. Sở dĩ, ta nhẫn nại chịu đựng như vậy, là vì ta sợ làm vua. Ta chỉ muốn xuất gia làm đạo sĩ hành phạm hạnh mà thôi”.

Ðức Bồ Tát Temiya suốt 16 năm ròng rã không cử động tay chân, nên Ngài phải điều hòa khí huyết, vận dụng nội lực, tạo cho thân có sức mạnh, bước xuống xe, cầm chiếc xe đưa lên cao, rồi đến hỏi các người lính đánh xe rằng:

– Các ngươi đang làm gì vậy?

– Chúng tôi đang đào hầm để chôn sống thái tử Temiya, là người bại liệt, người câm, người điếc, thưa Ngài.

Những người lính đánh xe quay lại, nhìn thấy thần lực của Ðức Bồ Tát, chúng hoảng sợ thưa:

– Ngài có phải chư thiên, Ðức vua trời Sakka (Ðế Thích) không?

Ðức Bồ Tát tuyên bố rằng:

– Ta không phải chư thiên, cũng không phải Ðức vua trời Sakka, Ta chính là thái tử Temiya của đức vua Kasikarājā, ta không phải là người bại liệt, không phải là người câm, cũng không phải là người điếc. Sở dĩ ta làm như vậy, là vì ta sợ làm vua. Ta chỉ muốn xuất gia làm đạo sĩ hành phạm hạnh mà thôi. Các ngươi đào hầm chôn sống ta, ấy là việc làm không thích đáng, không hợp pháp, không công minh!

Những người lính đánh xe nhận thấy rõ chính là thái tử Temiya, lạy xin tha tội, thỉnh Ngài trở về triều đình lên ngôi làm vua. Ðức Bồ Tát Temiya từ chối, quyết định ở lại khu rừng ấy, xuất gia làm đạo sĩ; Ngài truyền dạy các người lính đánh xe trở lại triều đình tâu phụ vương và mẫu hậu rõ ý định của Ngài.

Những người lính đánh xe trở về tâu lên Ðức vua và Hoàng hậu rằng:

– Thái tử Temiya hoàn toàn không phải là người bại liệt, không phải là người câm, cũng không phải người điếc. Sự thật, thái tử Temiya là một người có sức mạnh phi thường, là bậc Ðại Trí Tuệ, lời dạy của Ngài có ý nghĩa rất sâu sắc.

Ðức vua và Hoàng hậu được tin này, vô cùng hoan hỉ, liền truyền lệnh sửa soạn xe, ngựa, quân lính ngự đến khu rừng để tìm Thái tử Temiya. Khi ấy, Ðức Bồ Tát Temiya đã xuất gia làm đạo sĩ. Ðức vua và Hoàng hậu nhìn thấy Ðức Bồ Tát gương mặt sáng suốt, sức khỏe dồi dào, giọng nói thanh tao lưu loát, lại có ý nghĩa sâu xa, là bậc Ðại Trí Tuệ, bèn khuyên:

– Này hoàng nhi, bây giờ con còn trẻ trung, phụ vương truyền ngôi cho con lên làm vua. Phụ vương sẽ tuyển chọn công chúa từ các vương quốc khác thành hôn cùng với con, để sanh nhiều hoàng tử, nhiều công chúa, an hưởng hạnh phúc ở đời. Ðến tuổi già, con sẽ đi xuất gia làm đạo sĩ cũng không muộn gì.

Ðức Bồ Tát Temiya thưa rằng:

– Tâu phụ vương, người còn trẻ trung mới có khả năng hành phạm hạnh. Hành phạm hạnh phải là người còn trẻ trung. Các Bậc thiện trí thường tán dương, ca tụng nên xuất gia thời kỳ thiếu niên rằng:

“Người trẻ trung nên hành phạm hạnh,
Hành phạm hạnh phải còn trẻ trung.
Thật vậy, xuất gia khi còn trẻ,
Ðiều ấy, Chư Phật đều tán dương”.

Người trẻ trung nên hành phạm hạnh,
Hành phạm hạnh phải còn trẻ trung.
Con muốn xuất gia hành phạm hạnh,
Con không muốn lên ngôi làm vua”.
 [39]

Thật vậy, người còn trẻ trung, sức khoẻ dồi dào, sức nhẫn nại chịu đựng dẻo dai, tâm trí sáng suốt minh mẫn…, đó là điều thuận lợi cho việc tiến hành thiền tuệ.

Còn tuổi già, thì sức khoẻ yếu kém, thường hay bệnh hoạn, sức nhẫn nại chịu đựng ít, tâm trí kém sáng suốt, hay quên…, đó là điều trở ngại cho việc tiến hành thiền tuệ.

Tóm lại, khi còn trẻ trung, thời thiếu niên việc tiến hành thiền tuệ là điều thuận lợi nhất, có kết quả tốt nhất trong đời người.

23- Ðiều Tai Họa Cho Hành Giả Kiếp Hiện Tại

Hành giả tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ, nếu mắc phải một trong 5 điều tai họa, ngay trong kiếp hiện tại, hành giả không thể nào chứng đắc thiền định, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Năm điều tai họa (antarāyikadhamma) [40] :

1- Kammantarāyika: Tai họa do ác trọng nghiệp.
2- Kilesantarāyika: Tai họa do phiền não tà kiến cố định.
3- Vipākantarāyika: Tai họa do quả tái sanh.
4- Ariyūpavādantarāyika: Tai họa do chê trách bậc Thánh nhân.
5- Aṇāvītikkamantarāyika: Tai họa do phạm giới.

Giải Thích:

1- Ðiều tai họa do ác trọng nghiệp như thế nào?

– Ác trọng nghiệp (garu akusalakamma), chính là ngũ vô gián nghiệp (pañcānantariyakamma).

Ngũ vô gián nghiệp là 5 ác trọng nghiệp:

Tội giết cha.
Tội giết mẹ.
Tội giết bậc Thánh Arahán.
Tội làm bầm máu Ðức Phật.
Tội chia rẽ Tỳ khưu Tăng.

Người nào phạm phải một trong 5 tội này, sau khi chết, do năng lực của ác trọng nghiệp này cho quả tái sanh chắc chắn phải sa vào địa ngục Avīci (A-tỳ địa ngục), chịu quả khổ trong suốt thời gian lâu dài.

Khi hành giả phạm phải một trong 5 ác trọng nghiệp này, tâm luôn luôn bị ô nhiễm, nóng nảy, không an tịnh, cho nên, dầu tinh tấn tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ cách nào đi nữa, chắc chắn không thể nào chứng đắc các bậc thiền, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn ngay kiếp hiện tại được, chỉ chờ ngày chết, chắc chắn ác trọng nghiệp ấy dắt dẫn sa vào đại địa ngục Avīci.

Ðó gọi là điều tai họa do ngũ vô gián nghiệp.

* Trường hợp Tỳ khưu Devadatta đã làm bầm máu Ðức Phật và chia rẽ Tỳ khưu Tăng, sau khi Tỳ khưu Devadata chết, do năng lực của ác trọng nghiệp cho quả tái sanh sa vào cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo. Nhưng Tỳ khưu Devadatta được Ðức Phật thọ ký sau khi mãn hạn thời gian trả quả ác nghiệp trong địa ngục xong rồi, kiếp vị lai của Devadatta được tái sanh làm người trong thời kỳ không có Ðức Phật Toàn Giác và giáo pháp của Ngài trên thế gian, sẽ xuất gia, tự mình tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành Bậc Ðộc Giác Phật, có danh hiệu là Ðức Phật Ðộc Giác Aṭṭhissara.

* Trường hợp tương tự, Ðức vua Ajātasattu phạm tội giết phụ vương, về sau biết ăn năn hối hận, đến hầu Ðức Phật, nghe pháp, nhưng không thể chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào, là vì ác trọng nghiệp giết cha ngăn cản, chỉ được phát sanh đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, hết lòng hộ trì Tam bảo. Sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, Ðức vua Ajātasattu là người hộ độ chư Tỳ khưu Tăng kết tập tam tạng lần thứ nhất. Dầu phước thiện lớn lao như vậy, nhưng Ðức vua sau khi chết, do năng lực của ác trọng nghiệp giết cha cho quả tái sanh sa vào cõi địa ngục. Tuy nhiên, Ðức Phật đã thọ ký, Ðức vua Ajātasattu sau khi mãn hạn ở địa ngục, được tái sanh làm người trong thời kỳ không có Ðức Phật Toàn Giác và giáo pháp của Ðức Phật trên thế gian, kiếp vị lai của Ðức vua Ajātasattu sẽ xuất gia, tự mình tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành Bậc Ðộc Giác Phật, có danh hiệu là Ðức Phật Ðộc Giác Vijitāvī.

Như vậy người nào phạm tội ngũ vô gián nghiệp, người ấy sau khi chết, do năng lực ác trọng nghiệp ấy cho quả, chắc chắn phải sa vào địa ngục.

Cho nên, ngũ vô gián nghiệp gây tai họa cho kiếp hiện tại, không thể chứng đắc thiền định, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn, nhưng không gây tai họa cho kiếp vị lai.

Ðó gọi là điều tai họa do ác trọng nghiệp.

Ðối với chúng sinh đã phạm tội ngũ vô gián nghiệp, sau khi mãn hạn thời gian chịu trả quả khổ ở địa ngục xong rồi, nếu có duyên lành tái sanh trở lại làm người, cố gắng tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, cũng có thể chứng đắc các bậc thiền, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Như trường hợp Ðại Ðức Mahāmoggallāna, trong tiền kiếp quá khứ, Ngài đã từng đánh đập cha mẹ của Ngài đến chết; kiếp ấy phạm tội giết cha, giết mẹ nên Ngài đã từng sa vào địa ngục Avīci. Trong kiếp hiện tại, xuất gia Tỳ khưu, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, Ngài đã chứng đắc các bậc thiền, chứng đắc lục thông, 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Ngài trở thành bậc Thánh Arahán, là bậc Thánh tối thượng Thanh Văn, có thần thông xuất sắc nhất trong hàng Thanh Văn Ðại đệ tử của Ðức Phật Gotama.

2- Ðiều tai họa do phiền não tà kiến cố định như thế nào?

Phiền não tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhiko) có 3 loại là:

– Vô quả tà kiến (natthikadiṭṭhi).
– Vô nhân tà kiến (ahetukadiṭṭhi).
– Vô hành tà kiến (akiriyādiṭṭhi).

 

Vô quả tà kiến: nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm cho rằng: không có quả của thiện nghiệp, ác nghiệp. Người có tác ý làm thiện hoặc làm ác, đều không có quả an lạc hoặc quả khổ. Tà kiến này còn gọi là đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi).

Người có vô quả tà kiến này là người phủ nhận quả của thiện nghiệp, ác nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận nhân thiện nghiệp, ác nghiệp.

Vô nhân tà kiến: nghĩa là tà kiến thấy sai chấp lầm cho rằng: chúng sinh đang chịu cảnh khổ hoặc đang hưởng sự an lạc là đều tự nhiên, không phải do từ nhân nào, duyên nào, không do từ thiện nghiệp, ác nghiệp nào.

Người có vô nhân tà kiến này là người phủ nhận nhân là thiện nghiệp, ác nghiệp, cũng có nghĩa là phủ nhận quả của thiện nghiệp, ác nghiệp.

Vô hành tà kiến: nghĩa là tà kiến thấy sai, chấp lầm: mọi hành động xấu do thân, khẩu, ý, không tạo thành ác nghiệp. Ngược lại, mọi hành động tốt do thân, khẩu, ý, cũng không tạo nên thiện nghiệp. Ví như, tự mình sát sanh, hay sai khiến người khác sát sanh; tự mình trộm cắp, hay sai khiến người khác trộm cắp… đều không tạo nên ác nghiệp. Tự mình bố thí, hay khuyên người khác bố thí; tự mình giữ giới, hay khuyên người khác giữ giới… cũng không tạo nên thiện nghiệp. Làm tội không có tội, làm phước cũng không có phước.

Người có vô hành tà kiến này là người phủ nhận mọi hành động thiện do thân, khẩu, ý, mọi hành động ác do thân, khẩu, ý. Nghĩa là phủ nhận nhân thiện nghiệp, ác nghiệp và phủ nhận quả của thiện nghiệp, ác nghiệp.

Người nào có phiền não tà kiến cố định, người ấy sau khi chết, do năng lực ác nghiệp tà kiến cố định cho quả tái sanh, chắc chắn sa vào địa ngục Lokantarika: địa ngục tối tăm, nơi giáp ranh 3 thế giới, khó thoát ra khỏi địa ngục này.

Như vậy, chúng sinh có phiền não tà kiến cố định, có tội nặng hơn là chúng sinh phạm ngũ vô gián nghiệp. Vì tội ngũ vô gián nghiệp có thời gian mãn hạn quả của ác trọng nghiệp, được thoát khỏi địa ngục; còn như chúng sinh có phiền não tà kiến cố định không có thời gian mãn hạn ở địa ngục Lokantarika.

Do đó, nếu người nào có phiền não tà kiến cố định, ngay kiếp hiện tại, không bao giờ nghĩ đến việc tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ và kiếp vị lai càng tối tăm hơn nữa.

Ðó gọi là điều tai họa do phiền não tà kiến cố định.

3- Ðiều tai họa do quả tái sanh như thế nào?

Sự hiện hữu của tất cả chúng sinh đều bắt đầu từ tâm quả tái sanh (paṭisandhicitta).

– Nếu tâm quả thiện vô nhân hợp với xả (upekkhā santīraṇa-kusalavipākacitta) làm phận sự tái sanh hạng người vô nhân (ahetukapuggala). Hạng người vô nhân, là người không có nhân: vô tham, vô sân, vô si trong quả tâm tái sanh, bởi vì thiện nghiệp có năng lực quá yếu.

Ðối với hạng người vô nhân này, không có khả năng hiểu biết phương pháp tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

– Nếu dục giới đại quả tâm không hợp với trí (mahāvipāka-ñāṇavippayuttacitta) làm phận sự tái sanh hạng người nhị nhân (dvihetukapuggala). Hạng người nhị nhân là người có 2 nhân vô tham, vô sân, không có vô si (trí) trong quả tâm tái sanh, bởi vì thiện nghiệp không hợp với trí và có năng lực kém.

Ðối với hạng người nhị nhân, không dễ gì hiểu được phương pháp tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

Ðó gọi là điều tai họa do quả tái sanh.

Hạng người nhị nhân, nếu được bậc Thiện trí dạy bảo, hướng dẫn làm phước bố thí, giữ giới, học hỏi…, kiếp sau cũng có thể tái sanh trở thành người tam nhân: vô tham, vô sân, vô si (trí), có thể hiểu rõ phương pháp tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

4- Ðiều tai họa do chê trách bậc Thánh nhân như thế nào?

Bậc Thánh nhân là bậc có giới đức thanh tịnh, có trí tuệ sáng suốt, có pháp cao thượng; là bậc đáng lễ bái cúng dường, đáng tán dương ca tụng, nên có đức tin trong sạch nơi bậc Thánh nhân. Nhưng người si mê không biết, phạm phải lỗi lầm chê trách, nói xấu đến bậc Thánh nhân ấy, là đã phạm phải tội lỗi lớn, có thể làm ngăn cản con đường tiến hóa trong mọi thiện pháp, nhất là việc tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

Dầu người ấy có sự tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ thế nào đi nữa, cũng không thể chứng đắc thiền định, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn, trong kiếp hiện tại.

Nếu người ấy không biết ăn năn sám hối, sau khi chết, do năng lực ác nghiệp ấy cho quả tái sanh kiếp sau, có thể sa vào 4 đường ác: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh.

Ðó gọi là điều tai họa do chê trách bậc Thánh nhân.

Nhưng một khi người ấy biết ăn năn, đến xin sám hối với bậc Thánh nhân, khi Ngài còn hiện tiền; nếu Ngài đã tịch diệt rồi, thì người ấy đến sám hối tội lỗi nơi chỗ Ngài tịch diệt Niết Bàn hoặc Xá Lợi của Ngài.

Sau khi thành tâm sám hối tội lỗi xong rồi, điều tai họa do chê trách bậc Thánh nhân không còn ngăn cản nữa, người ấy tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ có thể chứng đắc thiền định, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại này, nếu người ấy có đầy đủ ba la mật; như trường hợp Ðại Ðức Soreyya.

Tích Ðại Ðức Soreyya [41] tóm lược như sau__

Ðại Ðức Soreyya, khi còn tại gia là công tử Soreyya, con trai của một phú hộ trong kinh thành Soreyya, có vợ và 2 người con.

Một hôm công tử Soreyya cùng với bạn bè đi tắm, gặp Ðại Ðức Mahākaccayana đi vào thành Soreyya để khất thực. Nhìn thấy Ðại Ðức Mahākaccayana có sắc thân xinh đẹp, làn da màu vàng, công tử Soreyya phát sanh ý nghĩ sai quấy rằng:

– Aho vata ayaṃ vā thero mama bhariyā bhaveyya, mama vā bhariyāya sarīravaṇṇo etassa sarīravaṇṇo viya bhaveyya.

– Nếu vị Ðại Ðức kia như là vợ của ta, hay vợ của ta có sắc thân xinh đẹp như sắc thân của Ðại Ðức này, thì tuyệt vời biết dường nào!

Do ý nghĩ sai quấy vừa chấm dứt, ngay tức thì, công tử Soreyya trở thành một cô gái. Soreyya cảm thấy quá hổ thẹn với bạn bè, nên cô trốn sang kinh thành Takkasilā, kết hôn với người con trai của phú hộ ở đây, sanh được 2 người con.

Một hôm, cô Soreyya gặp người bạn cũ từ kinh thành Soreyya đến, cô hỏi thăm về gia đình cha mẹ và 2 người con, khi còn là công tử Soreyya. Nghe câu chuyện thật xảy ra cho cô Soreyya; mọi người vô cùng ngạc nhiên bèn hướng dẫn cô nên sám hối với Ðại Ðức Mahākaccayana. Người bạn thân của cô Soreyya thỉnh Ðại Ðức đến nhà cô Soreyya làm phước bố thí. Sau khi làm phước xong, người bạn gọi cô Soreyya đến ngồi cúi đầu dưới chân Ngài, rồi thưa rằng:

– Kính bạch Ðại Ðức, xin Ngài tha lỗi cho người bạn gái của con.

Ðại Ðức Mahākaccayana ngạc nhiên hỏi:

– Cô ấy có lỗi gì?

Người bạn bạch:

– Kính bạch Ðại Ðức, cô gái này trước đây là bạn trai thân thiết của con, khi gặp Ngài đi khất thực, có ý nghĩ sai quấy về Ngài, nên nam tính biến mất đi, thay bằng nữ tính cho đến ngày nay. Vậy xin Ðại Ðức từ bi tha lỗi cho cô ấy.

Ðại Ðức Mahākaccayana với tâm bi mẫn dạy rằng:

– Nếu vậy, cô hãy ngồi dậy, bần tăng đã tha lỗi cho cô rồi!

Khi Ðại Ðức vừa dứt lời “bần tăng đã tha lỗi cho cô rồi!”, ngay tức thì, cô Soreyya nữ tính biến mất, hiện trở lại nam tính như xưa.

Công tử Soreyya bèn giao 2 người con lại cho con trai của phú hộ kinh thành Takkasilà, xin phép xuất gia Tỳ khưu. Không lâu sau, Tỳ khưu Soreyya tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với tứ tuệ phân tích. Hết tuổi thọ, Ngài tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sự tử sanh luân hồi trong tam giới.

Như vậy, điều tai họa do chê trách bậc Thánh nhân có thể cứu chữa được bằng cách sám hối tội lỗi của mình:

– Nếu người nào phạm tội lỗi với bậc Thánh nhân nào, thì người ấy phải xin sám hối với bậc Thánh nhân ấy.
– Nếu phạm tội lỗi đến Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, thì nên sám hối với Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng….

Ðó là cách sửa chữa tội lỗi của mình, tránh khỏi tai họa, được tiến hóa trong mọi thiện pháp, nhất là việc tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

5- Ðiều tai họa do phạm giới như thế nào?

Giới là nền tảng, là nơi nương nhờ để phát sanh thiền định và trí tuệ thiền tuệ, cũng ví như đất là nơi nương nhờ để cho các loài cây cối phát sanh và tăng trưởng.

Giới có nhiều loại tùy theo mỗi hạng người.

1- Ðối với người tại gia: là cận sự nam, cận sự nữ có ngũ giới và bát giới.

Nếu là hành giả tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ cần phải có 8 giới làm nền tảng của pháp hành phạm hạnh (ādibrahmacariya-sīla), đó là:

1- Tránh xa sự sát sanh.
2- Tránh xa sự trộm cắp.
3- Tránh xa sự tà dâm.
4- Tránh xa lời nói dối.
5- Tránh xa lời nói chia rẽ.
6- Tránh xa lời nói chửi rủa mắng nhiếc.
7- Tránh xa lời nói vô ích.
8- Tránh xa cách sống tà mạng, phải sống chánh mạng.

8 giới này thuộc về phần giới trong Bát chánh đạo.

Khi hành giả là người cận sự nam, cận sự nữ đã biết mình phạm giới nào rồi, cần phải biết làm cho giới trở nên trong sạch, bằng cách có tác ý thiện tâm trong sạch, xin thọ trì giới trở lại.

Thọ trì giới bằng nhiều cách.

– Xin thọ giới với một vị Ðại Ðức, một vị thiền sư.
– Xin thọ giới trước bàn thờ Phật.
– Cách đơn giản nhất là có tác ý tự nguyện xin thọ giới trở lại.

Ðó là những cách làm cho giới trở nên trong sạch trở lại đối với người tại gia nói chung, hành giả là người cận sự nam, cận sự nữ nói riêng.

2- Ðối với Bậc xuất gia.

a/ Ðối với vị Sa di: có 10 giới Sa di, 10 pháp hoại Sa di, 10 pháp hành phạt, 75 điều học và 14 pháp hành…. Nếu Sa di phạm phải giới nào, pháp nào, thì cần phải làm cho giới ấy trở nên trong sạch tùy theo giới, pháp đã phạm ấy.

b/ Ðối với vị Tỳ khưu: Có 227 giới Tỳ khưu trong Bhikkhupāti-mokkha. Nếu kể đầy đủ theo luật tạng thì gồm có 91.805.036.000 giới.

Tất cả Tỳ khưu giới chia ra làm 7 loại:

1- Pārājika āpatti: Phạm giới Pārājika.
2- Sanghādisesa āpatti: Phạm giới Sanghādisesa.
3- Thullaccaya āpatti: Phạm giới Thullaccaya.
4- Pācittiya āpatti: Phạm giới Pācittiya.
5- Pāṭidesanīya āpatti: Phạm giới Pāṭidesanīya.
6- Dukkata āpatti: Phạm giới Dukkata (tác ác).
7- Dubbhāsita āpatti: Phạm giới Dubbhāsita (ác khẩu).

Tỳ khưu phạm giới nào, thì cần phải làm cho giới ấy trở nên trong sạch đúng theo luật của Ðức Phật ban hành.

Nếu hành giả là Tỳ khưu, Sa di, cận sự nam, cận sự nữ đã phạm phải giới nào rồi, làm cho thân, khẩu không còn trong sạch, làm ngăn cản sự phát triển mọi thiện pháp, nhất là sự tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

Ðó gọi là điều tai họa do phạm giới.

Ðiều tai họa do phạm giới

Trong bộ Maṅgalatthadīpanī, phần Vinayakathā có dạy:

– “Āpannā āpattiyo’ti. Sañcicca vītikkantā satta āpattik-khandhā, sañcicca vītikkantañhi antamaso dukkaṭa dubbhāsitampi sagga-magga-phalānaṃ antarāyaṃ karoti”.

 “Tỳ khưu đã phạm giới, nghĩa là Tỳ khưu có tác ý phạm trong 7 nhóm àpatti. Sự thật, dầu tác ý phạm giới nhẹ như dukkaṭa āpatti, dubbhāsita āpatti cũng làm tai hại, cản trở sự tái sanh cõi trời và sự chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả”.

Ðức Phật dạy rằng:

– “Sāpattikassa bhikkhave nirayaṃ vā vadāmi tiracchāna-yoniṃ vā’ti sāpattikassa apāyagamitā vuccati”. [42]

– “Này chư Tỳ khưu, Như Lai dạy rằng: đối với Tỳ khưu phạm giới sẽ sa vào địa ngục hoặc súc sanh. Tỳ khưu phạm giới chỉ có sa vào ác đạo mà thôi”.

Tóm lại, trong 5 điều tai họa của hành giả ở kiếp hiện tại, có 3 điều tai họa không thể cứu chữa:

– Tai họa do ác trọng nghiệp.
– Tai họa do phiền não tà kiến cố định.
– Tai họa do quả tái sanh.

Người nào phạm phải một trong 3 điều tai họa này, trong kiếp hiện tại không thể nào chứng đắc thiền định, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Và 2 điều tai họa có thể cứu chữa:

– Tai họa do chê trách bậc Thánh nhân.
– Tai họa do phạm giới.

Hai điều tai họa này, sau khi làm lễ sám hối, ngay trong kiếp hiện tại, nếu hành giả là hạng người tam nhân (tihetukapuggala), khi tái sanh tâm hợp đủ 3 nhân vô tham, vô sân, vô si (trí), có đầy đủ ba la mật từ nhiều đời, nhiều kiếp ở quá khứ hỗ trợ; thì người ấy có thể tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, có khả năng chứng đắc thiền định, thần thông, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo trí tuệ ba la mật của mình.

-ooOoo-

ÐOẠN KẾT

Tập sách nhỏ “TÌM HIỂU PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ” này là một phần trong tập sách “Tinh Hoa Phật giáo”, mà bần sư đã biên soạn trải qua nhiều năm, khi còn ở tại Thái Lan, với mục đích ghi chép lại những điều đã học hỏi, nghiên cứu từ Piṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭikā… và gom nhặt những kinh nghiệm của chư vị Thiền Sư, các hành giả tiến hành thiền tuệ.

Nay, do sự yêu cầu của một số bạn thân nên bần sư trích ra một phần nói về pháp hành thiền tuệ, đặt tên “Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ”, để giúp cho độc giả có ý muốn nghiên cứu, tìm hiểu về pháp hành thiền tuệ làm tài liệu tham khảo.

Nhan đề danh từ “tìm hiểu” trong tập sách này, bần sư có dụng ý chỉ muốn cho độc giả tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi một phần nào về pháp hành thiền tuệ mà thôi, chứ hoàn toàn không có ý muốn để độc giả xem tập sách này rồi thực hành theo sách.

Bởi vì, bần sư hiểu rõ rằng: “chẳng có ai học môn bơi lội ở trên bờ, mà trở thành vận động viên xuất sắc…”. Sự thật, người muốn học môn bơi lội, cần phải có huấn luyện viên tài giỏi chỉ dạy ở dưới nước. Cũng như vậy, hành giả muốn tiến hành thiền tuệ cũng cần phải có Vị Thiền Sư thông thạo về pháp học, đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ, trực tiếp hướng dẫn, chỉ dạy từng giai đoạn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó…. Ðiều chắc chắn là không thể nào xem sách rồi, hành theo sách mà đúng theo pháp hành thiền tuệ được, vì trong sách không thể nào diễn tả được sự thật thực tánh của các pháp.

Tục ngữ ta có câu: “không thầy đố mày làm nên”. Ðúng như vậy, về pháp hành nói chung, pháp hành thiền tuệ nói riêng, nếu không có thầy hoặc vị Thiền Sư có tài có đức, đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ hướng dẫn, chỉ dạy, thì chắc chắn hành giả không thể nào hành đúng theo pháp hành thiền tuệ.

Như trường hợp Ngài Ðại Ðức Sāriputta, là bậc có trí tuệ xuất chúng, nhưng khi còn là đạo sĩ ở nhóm ngoại đạo của vị Ðạo Sư Sañcaya, Ngài đã không chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào. Ðến khi Ngài gặp Ðại Ðức Assaji đang trên đường đi vào thành Rājagaha để khất thực, Ngài đến hộ độ Ðại Ðức Assaji độ vật thực xong, xin Ðại Ðức Assaji thuyết pháp bằng bài kệ vắn tắt rằng:

“Ye dhammā hetuppabhavā, tesaṃ hetuṃ Tathāgato āha.
Tesañca yo nirodho, Evaṃ vādī mahāsamaṇo”.
 [43]

Những pháp nào phát sanh do từ nhân,
Ðức Như Lai dạy nhân sanh pháp ấy.
Và dạy Niết Bàn diệt các pháp ấy.
Bậc Ðại Sa môn thường thuyết như vậy.

Trong bài kệ có 4 câu này, khi Ngài Sāriputta lắng nghe 2 câu đầu, liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu ngay khi ấy.

Như vậy, vai trò thầy, Vị Thiền Sư rất quan trọng không thể thiếu được đối với hành giả tiến hành thiền tuệ.

Trong kinh Upaṇṇhasutta [44] Ðại Ðức Ānanda bạch với Ðức Phật rằng:

– “Upaṇṇhamidaṃ Bhante brahmacariyaṃ yadidaṃ kalyāṇamittatā kalyāṇasahāyatā kalyāṇasampavankatā”.

– “Kính bạch Ðức Thế Tôn, người có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết giúp đỡ, hỗ trợ được một nửa phạm hạnh”.

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

– “Mā hevaṃ Ānanda! Mā hevaṃ Ānanda!
Sakalamevidaṃ Ānanda, brahmacariyaṃ, yadidaṃ kalyāṇamittatā kalyāṇasahāyatā kalyāṇasampavankatā.
Kalyāṇamittassetaṃ Ānanda, bhikkhuno pāṭikaṅkhaṃ kalyāṇasahāyassa kalyāṇasampavankassa, ariyaṃ aṭṭhangikaṃ maggaṃ bhāvessati, ariyaṃ aṭṭhangikaṃ maggaṃ bahulīkarissati…”.

“Này Ānanda, con chớ có nên nói như vậy!
Này Ānanda, con chớ có nên nói như vậy!

Này Ānanda, người có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết giúp đỡ, hỗ trợ hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh.

Này Ānanda, đối với Tỳ khưu hành giả có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết mới có hy vọng sẽ tiến hành Bát chánh đạo hợp đủ 8 chánh, phát triển Bát Thánh Ðạo hợp đủ 8 chánh…”.

Qua đoạn kinh trên, Ðại Ðức Ānanda có quan niệm cho là bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết giúp đỡ, hỗ trợ một nữa phạm hạnh, còn một nữa phạm hạnh là do chính mình cộng lại để hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh, để chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Nhưng Ðức Phật xem quan niệm của Ðại Ðức Ānanda là không đúng sự thật.

Sự thật, chúng sinh chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, pháp giải thoát khỏi khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ tử đều do nương nhờ nơi Ðức Phật mà có.

Ðiều này, Ðức Phật khẳng định với Ðại Ðức Ānanda rằng:

“Mamaṃ hi Ānanda, kalyāṇamittaṃ āgamma jātidhammā sattā, jātiyā parimuccanti…”.

“Này Ānanda, người có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết giúp đỡ, hỗ trợ hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh, điều này nên hiểu rằng: Chúng sinh có sự sanh là thường, do nương nhờ ở Như Lai là bạn lành, nên mới giải thoát khỏi sự sanh được. Chúng sinh có sự già là thường, do nương nhờ ở Như Lai là bạn lành, nên mới giải thoát khỏi sự già được. Chúng sinh có sự chết là thường, do nương nhờ ở Như Lai là bạn lành, nên mới giải thoát khỏi sự chết được…”.

Này Ānanda, người có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết giúp đỡ, hỗ trợ hoàn thành trọn vẹn phạm hạnh là như vậy”.

Cho nên Ðức Phật là người bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết của chúng sinh không một ai sánh được.

Thông thường những người Bà la môn, ngoại đạo… sau khi nghe pháp của Ðức Phật xong, đều có chung một ý nghĩ giống nhau rằng:

 Abhikkantaṃ Bho Gotama!
 Abhikkantaṃ Bho Gotama!

Kính bạch Ðức Gotama, con thật vô cùng hoan hỷ!
Kính bạch Ðức Gotama, con thật vô cùng hoan hỷ!

Ðức Gotama thuyết pháp bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy; hoặc mở ra vật bị đóng chặt; hoặc chỉ đường cho người đang đi lạc đường; hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối, để cho người có đôi mát sáng được thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu.

Con nguyện hết lòng thành kính xin quy y, nương nhờ nơi Ðức Gotama, Ðức Pháp và Ðức Tăng.

Kính xin Ðức Gotama chấp thuận con là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời”.

Trong bộ Thanh Tịnh Ðạo hướng dẫn, những Bậc gọi là Kalyāṇamitta: bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết chỉ mong cho chúng sinh giải thoát khổ sanh, lão, bệnh, tử. Bậc ấy chính là Ðức Phật Chánh Ðẳng Giác.

Sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn rồi, thì có 80 bậc Thánh Thanh Văn đại đệ tử của Ðức Phật, là những bậc Kalyāṇamitta.

Theo tuần tự, các bậc Thánh Arahán, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Nhập Lưu đều là những bậc Kalyāṇamitta.

Những bậc phàm nhân có giới đức thanh tịnh, thông thuộc tam tạng, nhị tạng, nhất tạng theo tuần tự, đều là những Bậc Kalyāṇamitta.

Ngoài ra, các bậc có giới đức trong sạch, thông thạo về pháp học, đầy kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ, có 7 đức tính của bậc Kalyāṇamitta.

“Piyo garu bhāvanīyo, vattā ca vacanakkhano.
Gambhīrañca kathaṃ kattā, no caṭṭhāne niyojako”. 
[45]

7 đức tính của bậc Kalyāṇamitta

1- Piyo: là bậc đáng kính yêu.
2- Garu: là bậc đáng kính trọng, tôn kính.
3- Bhāvanīyo: là bậc đáng tán dương ca tụng về giới, định, tuệ.
4- Vattā: là bậc có khả năng khuyên dạy tế độ người khác phát sanh đức tin trong sạch rồi hành theo.
5- Vacanakkhano: là bậc có đức nhẫn nại về lời nói của người khác.
6- Gambhīraṃ kathaṃ kattā: là bậc có khả năng thuyết giảng pháp cao siêu sâu sắc về danh pháp, sắc pháp, Tứ thánh đế.
7- Aṭṭhāne no niyojako: là bậc không bao giờ hướng dẫn pháp hành sai lầm.

Bậc Kalyāṇamitta: bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết có 7 đức tính tốt như vậy.

Và bộ khác nói về bậc Kalyāṇamitta có 7 đức tính tốt như sau:

1- Sīla: là bậc có giới đức trong sạch.
2- Samādhi: là bậc có định vững chắc, không lay động.
3- Paññā: là bậc có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế….
4- Dhammadāna: là bậc có khả năng thuyết giảng danh pháp, sắc pháp Tứ thánh đế.
5- Peyyavācā: là bậc có lời dạy đáng kính yêu.
6- Atthacariyā: là bâïc có khả năng ban bố thực hành đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho mọi người.
7- Samānatthatā: là bậc có khả năng làm phát sanh sự lợi ích đến cho mọi người cũng như mình.

Ðó là 7 đức tính của bậc Kalyāṇamitta: bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết.

Bậc Kalyāṇamitta: bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết không những rất cần thiết cho hành giả tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, mà còn rất cần thiết cho mọi người trong cuộc sống ở đời.

Người nào có bạn lành, bạn tốt, bạn thân thiết người ấy chắc chắn sẽ thành công hoàn toàn tốt đẹp trong cuộc đời. Ngược lại, người nào có bạn ác, bạn xấu, bạn ích kỷ người ấy sẽ thất bại hoàn toàn trong cuộc đời.


Chú thích:

[34] Dhammapadaṭṭhakathā, Moggallānattheravatthu.

[35] Majjhimanikāya, Majjhimapannāsa, kinh Aṅgulimālasutta.

[36] Khud. Khudakapathā, kinh Ratanasutta.

[37] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, phần Jarāvagga, tích Mahādhanaseṭṭhiputtavatthu.

[38] Bộ Jātaka, phần Mahānipāta, chuyện Temiyajātaka.

[39] “Yuvā care brahmacariyaṃ, brahmacārī yuvā siyā.
Daharassa hi pabbajjā, etaṃ isīhi vaṇṇitaṃ”.
“Yuvā care brahmacariyaṃ, brahmacārī yuvā siyā.
Brahmacariyaṃ carissāmi, nāhaṃ rajjena matthiko”.
(Temiyajātaka hay Mūgapakkhajātaka).

[40] Vinayapiṭaka, bộ Pācittiya, Ariṭṭhasikkhāpadavaṇṇanā v.v…

[41] Bộ Chú giải Dhammapada, phần Cittavagga, chuyện Soreyyattheravatthu.

[42] Bộ Maṅgalatthadīpanī, phần Vinayakathā.

[43] Vinayapiṭaka, bộ Mahāvagga.

[44] Samyuttanikāya, bộ Mahāvagga, kinh Upaḍḍhasutta.

[45] Bộ Visuddhimagga, phần Kammaṭṭhānadāyakavaṇṇanā , và Aṅguttara-nikāya, Kalyāṇamittasutta.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app