PHÁP HÀNH 

10. NHỮNG PHÁP NÊN BIẾT

1- Sáu Pháp Chướng Ngại (Nīvaraṇa)

Hành giả tiến hành thiền định hay tiến hành thiền tuệ buổi ban đầu, thường gặp các pháp chướng ngại có thể làm cản trở mọi thiện pháp không phát triển được. Cho nên 6 chi pháp này gọi là “sáu pháp chướng ngại”.

Sáu pháp chướng ngại là:

1- Kāmacchanda nīvaraṇa: Tham dục trong ngũ trần là pháp chướng ngại. Ðó là tham tâm sở đồng sanh với 8 tham tâm.

2- Byāpāda nīvaraṇa: Sân hận là pháp chướng ngại. Ðó là sân tâm sở đồng sanh với 2 sân tâm.

3- Thīnamiddha nīvaraṇa: Buồn chán-buồn ngủ là pháp chướng ngại. Ðó là buồn chán tâm sở và buồn ngủ tâm sở đồng sanh với 5 bất thiện tâm cần động viên.

4- Uddhaccakukkucca nīvaraṇa: Phóng tâm-hối hận là pháp chướng ngại. Ðó là phóng tâm tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm và hối hận tâm sở đồng sanh với 2 sân tâm.

5- Vicikicchā nīvaraṇa: Hoài nghi là pháp chướng ngại. Ðó là hoài nghi tâm sở đồng sanh với si tâm hợp hoài nghi.

6- Avijjā nīvaraṇa: Vô minh là pháp chướng ngại. Ðó là si tâm tâm sở đồng sanh với 12 bất thiện tâm.

Sáu pháp chướng ngại đó là 8 tâm sở: tham, sân, buồn chán, buồn ngủ, phóng tâm, hối hận, hoài nghi  si, tùy sanh rải rác trong 12 bất thiện tâm. Dầu 1 hoặc nhiều pháp chướng ngại phát sanh, cũng có thể làm chướng ngại mọi thiện pháp, như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ.

Mỗi pháp chướng ngại có mỗi đối tượng riêng, khi phát sanh làm cho ác pháp chưa sanh có thể phát sanh, hoặc ác pháp đã sanh rồi, lại càng phát triển. Và ngược lại, thiện pháp chưa sanh, thì không phát sanh, hoặc thiện pháp đã phát sanh rồi, lại bị suy thoái.

Trong Chú giải kinh Ðại Tứ niệm xứ, phần 5 pháp chướng ngại [14] có giải thích như sau__

1- Tham Dục Là Pháp Chướng Ngại

1.1- Nhân sanh tâm tham dục

Tham dục ngũ trần được phát sanh do 2 nhân duyên:

a) Ayonisomanasikāra: Si mê biết sai lầm nơi danh pháp, sắc pháp trong tam giới cho là thường, lạc, ngã, tịnh (tốt đẹp).

b) Subhanimitta: Ðối tượng tưởng lầm cho là tốt đẹp, nên phát sanh tâm tham dục.

Khi hành giả có ayonisomanasikāra: Si mê trong đối tượng cho là tốt đẹp ấy, nên làm cho tham dục trong ngũ trần phát sanh.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu tưởng lầm đối tượng cho là tốt đẹp; có ayonisomanasikāra: si mê trong đối tượng cho là tốt đẹp ấy, làm nhân duyên phát sanh tâm tham dục; hoặc tâm tham dục đã phát sanh rồi, lại càng phát triển”. [15]

1.2- Nhân diệt tâm tham dục

Tham dục trong ngũ trần bị diệt do bởi 2 nhân duyên:

a) Yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết đúng danh pháp, sắc pháp trong tam giới, có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh.

b) Asubhanimitta: Ðối tượng có trạng thái bất tịnh.

Khi Tỳ khưu có yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết đúng danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh ấy, nên diệt được tâm tham dục.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu biết đúng đối tượng có trạng thái bất tịnh; có yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết đúng danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh ấy, làm nhân duyên không phát sanh tâm tham dục; hoặc tâm tham dục đã phát sanh rồi, thì bị diệt”. [15]

 Pháp để diệt tâm tham dục

Ngoài ra, còn có 6 pháp có thể diệt tâm tham dục là:

1- Học hiểu rõ về 10 đề mục thiền định bất tịnh. Ðó là pháp có thể diệt được tâm tham dục.

2- Tiến hành đề mục bất tịnh. Ðó là pháp có thể diệt được tâm tham dục.

3- Biết thu thúc lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) được thanh tịnh, khi thấy sắc trần, nghe thanh trần, ngửi hương trần, nếm vị trần, chạm xúc trần, biết pháp trần tâm không chấp thủ sai lầm cho là tốt đẹp. Ðó là pháp có thể diệt được tâm tham dục.

4- Biết tri túc trong vật thực, khi dùng vật thực còn độ 4-5 miếng cơm nữa là đủ no, nên ngưng lại để dùng nước là vừa, chớ nên dùng vật thực no quá. Ðó là pháp có thể diệt được tâm tham dục.

5- Có bạn lành, bậc Thầy khả kính giảng giải rõ ràng về đề mục bất tịnh. Ðó là pháp có thể diệt được tâm tham dục.

6- Lời nói thuận lợi, nói về đề mục bất tịnh, quả báu đề mục bất tịnh. Ðó là pháp có thể diệt được tâm tham dục.

Thật ra, tâm tham dục trong ngũ trần bị diệt đoạn tuyệt được bằng Arahán Thánh Ðạo Tuệ. Bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn tâm tham dục.

2- Sân Hận Là Pháp Chướng Ngại

2.1- Nhân sanh tâm sân hận

Sân hận phát sanh do bởi 2 nhân duyên là:

a) Ayonisomanasikāra: Si mê không hiểu biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp, không hài lòng nơi đối tượng.

b) Paṭighanimitta: Ðối tượng thù nghịch làm phát sanh tâm sân hận.

Khi Tỳ khưu có ayonisomanasikāra: Si mê trong đối tượng thù nghịch ấy làm cho tâm sân hận phát sanh.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu không hài lòng trong đối tượng, gặp đối tượng thù nghịch; có ayonisomanasikāra: si mê trong đối tượng không hài lòng, đối tượng thù nghịch ấy, làm nhân duyên phát sanh tâm sân hận; hoặc tâm sân hận đã phát sanh rồi, lại càng phát triển”.[15]

2.2- Nhân diệt tâm sân hận

Sân hận bị diệt do bởi 2 nhân duyên là:

a) Yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết rõ tất cả danh pháp, sắc pháp trong tam giới, hoặc biết rõ đối tượng gọi về chúng sinh.

b) Mettācetovimutta: Tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh không phân biệt bạn với thù, chứng đắc đến cận định, hoặc bậc thiền sắc giới.

Khi Tỳ khưu có yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết rõ đối tượng chúng sinh đáng yêu đáng mến, niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh ấy, nên diệt được tâm sân hận.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu (hành giả), Tỳ khưu hành niệm rải tâm từ chứng đắc thiền sắc giới; có yonisomanasikāra: trí tuệ hiểu biết rõ đối tượng tất cả chúng sinh, niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh ấy, làm nhân duyên không phát sanh tâm sân hận; hoặc tâm sân hận đã phát sanh rồi, thì bị diệt” [15]

Pháp để diệt tâm sân hận

Ngoài ra còn có 6 pháp có thể diệt tâm sân hận là:

1- Học hiểu rõ đề mục niệm rải tâm từ đến cho mình và tất cả chúng sinh, không phân biệt bạn với thù. Ðó là pháp có thể diệt được tâm sân hận.

2- Tiến hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh. Ðó là pháp có thể diệt được tâm sân hận.

3- Quán xét mỗi chúng sinh có nghiệp là của riêng mình.

Hành giả tự khuyên dạy mình rằng: “Ta thù hận người ấy, ta có thể nào phá hoại được mọi thiện pháp như giới, định, tuệ,… của người ấy được hay không? Hay ta chỉ tự phá hoại mọi thiện pháp của mình mà thôi”.

“Người nào tâm sân hận giận dữ người khác, người ấy như tự mình đụng chạm phải miếng sắt đang cháy đỏ, hay nhảy vào hầm lửa, tự thiêu đốt mình”.

Ðó là pháp có thể diệt được tâm sân hận.

4- Biết quán xét rằng: “Người nào tạo thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp, người ấy sẽ thọ hưởng quả của thiện nghiệp, bất thiện nghiệp ấy”…. Ðó là pháp có thể diệt được tâm sân hận.

5- Gần gũi bạn lành, bậc Thầy khả kính nương nhờ, để học hỏi về pháp hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ. Ðó là pháp có thể diệt được tâm sân hận.

6- Lời nói thuận lợi, nói về niệm rải tâm từ, quả báu pháp hành niệm rải tâm từ. Ðó là pháp có thể diệt được tâm sân hận.

Thật ra, tâm sân hận bị diệt đoạn tuyệt được bằng Bất Lai Thánh Ðạo TuệBậc Thánh Bất Lai hoàn toàn không còn tâm sân hận.

3- Buồn Chán – Buồn Ngủ Là Pháp Chướng Ngại

3.1- Nhân sanh tâm buồn chán-buồn ngủ

Buồn chán-buồn ngủ phát sanh do bởi 2 nhân duyên:

a) Ayonisomanasikāra: Si mê không hiểu biết danh pháp, sắc pháp là khổ đế, dã dượi quên mình, biếng nhác, mê ngủ.

b) Tâm chán nản, lười biếng; thân biếng nhác, mệt mỏi, say mê vật thực,….

Khi Tỳ khưu có tâm chán nản, lười biếng; thân biếng nhác, mệt mỏi, say mê vật thực; có ayonisomanasikāra: Si mê trong sự chán nản… ấy, làm nhân duyên phát sanh tâm buồn chán-buồn ngủ.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu có tâm chán nản, lười biếng; thân biếng nhác, mệt mỏi, say mê vật thực…; có ayonisomanasikāra: si mê ở trong sự chán nản,… ấy, làm nhân duyên phát sanh tâm buồn chán-buồn ngủ; hoặc tâm buồn chán-buồn ngủ đã phát sanh rồi, lại càng phát triển”. [15]

3.2- Nhân diệt tâm buồn chán-buồn ngủ

Buồn chán-buồn ngủ bị diệt do bởi 2 nhân duyên là:

a) Yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu đúng theo 4 trạng thái của tất cả danh pháp, sắc pháp trong tam giới là: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

b) Sự bắt đầu tinh tấn, tinh tấn liên tục không ngừng, tinh tấn không thối chuyển.

Khi Tỳ khưu có yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết rõ trong 3 giai đoạn tinh tấn ấy, nên diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu có sự bắt đầu tinh tấn, tinh tấn liên tục không ngừng, tinh tấn không thối chuyển; có yonisomanasikāra: trí tuệ hiểu rõ trong 3 giai đoạn tinh tấn ấy, làm nhân duyên không phát sanh tâm buồn chán-buồn ngủ; hoặc tâm buồn chán-buồn ngủ đã phát sanh rồi, thì bị diệt”. [15]

Pháp để diệt tâm buồn chán-buồn ngủ

Ngoài ra, còn có 6 pháp có thể diệt tâm buồn chán-buồn ngủ như sau:

1- Biết tri túc trong vật thực, khi dùng vật thực còn độ 4-5 miếng cơm nữa là đủ no, nên ngưng lại để dùng nước là vừa, chớ nên dùng vật thực no quá. Ðó là pháp có thể diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

2- Biết thay đổi oai nghi, khi ở oai nghi ngồi, tâm buồn chán-buồn ngủ, nên thay đổi sang oai nghi đi,…. Ðó là pháp có thể diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

3- Tâm tưởng đến ánh sáng, tưởng đến ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ánh sáng đèn, lửa…. Ðó là pháp có thể diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

4- Ở nơi trống trải, sáng sủa, thoáng khí…. Ðó là pháp có thể diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

5- Có bạn lành, bậc Thầy khả kính thường động viên khuyến khích tinh tấn tiến hành thiền tuệ. Ðó là pháp có thể diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

6- Lời nói thuận lợi, ca tụng sự tinh tấn tiến hành thiền tuệ, để mong giải thoát khổ tử sanh luân hồi. Ðó là pháp có thể diệt được tâm buồn chán-buồn ngủ.

Thật ra, tâm buồn chán-buồn ngủ bị diệt đoạn tuyệt được bằng Arahán Thánh Ðạo Tuệ. Bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn tâm buồn chán-buồn ngủ nữa.

4- Phóng Tâm – Hối Hận Là Pháp Chướng Ngại

4.1- Nhân sanh của phóng tâm-hối hận

Phóng tâm-hối hận phát sanh do 2 nhân duyên là:

a) Ayonisomanasikāra: Si mê không hiểu biết về danh pháp, sắc pháp, mà lầm lạc trong những câu chuyện phóng tâm, những điều hối hận ở quá khứ.

b) Tâm không vắng lặng, không an trú trong đối tượng.

Phóng tâm: Khiến tâm nghĩ chưa hết chuyện này, đã sang chuyện khác, không tự chủ được.

Hối hận: Khiến tâm hối hận việc thiện không làm, mà đã làm việc ác.

Khi Tỳ khưu có ayonisomanasikāra: Si mê lầm lạc trong những câu chuyện phóng tâm, những điều hối hận ở quá khứ ấy, nên phát sanh phóng tâm-hối hận.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu có tâm không vắng lặng, có ayoniso-manasikāra: si mê lầm lạc trong những chuyện phóng tâm, những điều hối hận ở quá khứ ấy, làm nhân duyên phát sanh phóng tâm-hối hận; hoặc phóng tâm-hối hận đã phát sanh rồi, thì càng phát triển”. [15]

4.2- Nhân diệt của phóng tâm-hối hận

Phóng tâm-hối hận bị diệt do 2 nhân duyên là:

a) Yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu đúng theo 4 trạng thái của tất cả danh pháp, sắc pháp trong tam giới là: vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

b) Tâm vắng lặng, an trụ ở đối tượng.

Khi Tỳ khưu có yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết rõ tâm vắng lặng, an trụ ở đối tượng ấy, nên diệt được phóng tâm-hối hận.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu có tâm vắng lặng, an trụ ở đối tượng; có yonisomanasikāra: trí tuệ hiểu rõ tâm vắng lặng, an trụ ở đối tượng ấy, làm nhân duyên không phát sanh phóng tâm-hối hận; hoặc phóng tâm-hối hận đã phát sanh rồi, thì bị diệt”. [15]

Pháp để diệt phóng tâm-hối hận.

Ngoài ra, còn có 6 pháp có thể diệt phóng tâm-hối hận là:

1- Học nhiều hiểu rộng, là người thông hiểu Tam tạng, Chú giải. Ðó là pháp có thể diệt được phóng tâm-hối hận.

2- Học hỏi, tìm hiểu, thế nào là thiện pháp, thế nào là bất thiện pháp, thế nào là pháp nên hành, thế nào là pháp không nên hành…. Ðó là pháp có thể diệt được phóng tâm-hối hận.

3- Thông hiểu rành rẽ Luật tạng, biết rõ phạm giới, không phạm giới, nên hành, không nên hành,…. Ðó là pháp có thể diệt được phóng tâm-hối hận.

4- Gần gũi, thân cận bậc Trưởng lão thông thạo Tam tạng để học hỏi. Ðó là pháp có thể diệt được phóng tâm-hối hận.

5- Có bạn lành, bậc Thầy khả kính nương nhờ để học và hành. Ðó là pháp có thể diệt được phóng tâm-hối hận.

6- Nói lời thuận lợi, nói điều nên hành, điều không nên hành…. Ðó là pháp có thể diệt được phóng tâm-hối hận.

Thật ra, phóng tâm bị diệt đoạn tuyệt được bằng Arahán Thánh Ðạo Tuệ và hối hận bị diệt đoạn tuyệt được bằng Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ. Bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn phóng tâm, và bậc Thánh Bất Lai hoàn toàn không còn hối hận.

Sở dĩ 2 tâm sở phóng tâm và hối hận đi đôi với nhau, là vì 2 tâm sở này đều có trạng thái không vắng lặng, không an trụ trong đối tượng.

5- Hoài Nghi Là Pháp Chướng Ngại

5.1- Nhân sanh của hoài nghi

Hoài nghi phát sanh do bởi 2 nhân duyên là:

a) Ayonisomanasikāra: Si mê không hiểu biết về tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới cho là: thường, lạc, ngã, tịnh (tốt đẹp).

b) Hoài nghi nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng; hoài nghi kiếp trước, kiếp sau,….

Khi Tỳ khưu có ayonisomanasikāra: Si mê không hiểu biết Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng; hoài nghi kiếp trước, kiếp sau… ấy, nên phát sanh hoài nghi.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu có sự hoài nghi nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, hoài nghi kiếp trước, kiếp sau,…; có ayonisomanasikāra: si mê không tin Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng,… ấy, làm nhân duyên phát sanh hoài nghi; hoặc hoài nghi đã phát sanh rồi, thì càng phát triển”. [15]

5.2- Nhân diệt của hoài nghi

Hoài nghi bị diệt do 2 nhân duyên là:

a) Yonisomanasikāra: Trí tuệ hiểu biết đúng danh pháp, sắc pháp trong tam giới, có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, trạng thái bất tịnh.

b) Trí tuệ phân biệt rõ: Thiện pháp, bất thiện pháp, tội, vô tội, pháp nên hành, pháp không nên hành, pháp thấp hèn, pháp cao thượng, pháp đen (ác pháp), pháp trắng (thiện pháp),….

Khi Tỳ khưu có yonisomanasikāra: Trí tuệ phân biệt rõ thiện pháp, bất thiện pháp; tội, vô tội; pháp nên hành, pháp không nên hành; pháp thấp hèn, pháp cao thượng; pháp đen (ác pháp), pháp trắng (thiện pháp),… ấy, nên diệt được hoài nghi.

Như Ðức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu có trí tuệ phân biệt rõ thiện pháp, bất thiện pháp; tội, vô tội; pháp nên hành, pháp không nên hành; pháp thấp hèn, pháp cao thượng; pháp đen (ác pháp), pháp trắng (thiện pháp),…; có yonisomanasikāra: trí tuệ phân biệt rõ trong thiện pháp, bất thiện pháp,… ấy, làm nhân duyên không phát sanh hoài nghi; hoặc hoài nghi đã phát sanh rồi, thì bị diệt”. [15]

Pháp để diệt hoài nghi.

Ngoài ra, có 6 pháp có thể diệt hoài nghi.

1- Học nhiều hiểu rộng, thông hiểu Tam tạng, Chú giải. Ðó là pháp có thể diệt được hoài nghi.

2- Học hỏi, tìm hiểu, thế nào là thiện pháp, thế nào là bất thiện pháp; thế nào pháp nên hành, thế nào pháp không nên hành; ngũ uẩn hiện tại, ngũ uẩn quá khứ, ngũ uẩn vị lai,…. Ðó là pháp có thể diệt được hoài nghi.

3- Thông hiểu rành rẽ Luật tạng, biết rõ phạm giới, không phạm giới, nên hành, không nên hành,…. Ðó là pháp có thể diệt được hoài nghi.

4- Có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo; có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp. Ðó là pháp có thể diệt được hoài nghi.

5- Có bạn lành, bậc Thầy khả kính nương nhờ để học và hành. Ðó là pháp có thể diệt được hoài nghi.

6- Lời nói thuận lợi, tán dương ca tụng Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng, nói về nghiệp và quả của nghiệp…. Ðó là pháp có thể diệt được hoài nghi.

Thật ra, hoài nghi bị diệt đoạn tuyệt được bằng Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ. Bậc Thánh Nhập Lưu hoàn toàn không còn hoài nghi nữa.

Tính Chất Của Pháp Chướng Ngại

Năm pháp chướng ngại này là phiền não loại trung sanh trong bất thiện tâm, làm chướng ngại mọi thiện pháp nhất là pháp hành thiền định. Song 5 pháp chướng ngại này là đối tượng của pháp hành thiền tuệ. Trong phần niệm pháp có 5 đối tượng, trong đó có đối tượng 5 pháp chướng ngại, vì 5 pháp chướng ngại thuộc về danh pháp, nên có thể làm đối tượng của pháp hành thiền tuệ.

Hành giả tiến hành thiền tuệ có pháp chướng ngại là danh pháp làm đối tượng thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp ấy, hiện thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Nếu hành giả tiến hành thiền tuệ mà không hiểu biết rõ phương pháp sử dụng pháp chướng ngại làm đối tượng, thì pháp chướng ngại mới trở thành chướng ngại, là vì pháp chướng ngại ấy là phiền não ác pháp; hễ ác pháp phát sanh, đồng thời thiện pháp bị suy thoái.

Ví dụ:

Khi phóng tâm phát sanh, nghĩ chưa hết chuyện này, sang câu chuyện khác. Nếu hành giả theo dõi câu chuyện thuộc chế định pháp, chuyện vui, thì tham tâm, hài lòng phát sanh và ngược lại, chuyện buồn, thì sân tâm, không hài lòng phát sanh. Như vậy, chỉ có ác pháp phát sanh, còn thiện pháp bị suy thoái.

Do đó, hành giả cần phải hiểu biết rõ:

Nhân sanh của phóng tâm.
Nhân diệt của phóng tâm.

Hành giả không nên theo dõi câu chuyện phóng tâm, mà phải biết sử dụng phóng tâm là danh pháp làm đối tượng thiền tuệ, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác thấy rõ, biết rõ “danh phóng” (đồng thời phóng tâm về câu chuyện bị diệt).

Phóng tâm tâm sở thuộc về danh pháp làm đối tượng thiền tuệ như các danh pháp khác; cũng có sự sanh, sự diệt, có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã….

Như vậy, hành giải tiến hành thiền tuệ không nên khinh đối tượng danh pháp-danh phóng này, cũng không nên coi trọng đối tượng danh pháp kia, để cho việc tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo.

2- Sự Thuận Lợi (Sappāya)

Hành giả tiến hành thiền định cũng như tiến hành thiền tuệ, để được phát triển tốt cần phải có 7 điều thuận lợi như sau:

Ðiều thuận lợi (sappāya) có 7 là:

1- Āvāsa: Chỗ ở thuận lợi, là ở nơi thanh vắng, yên tịnh.

2- Gocara: Nơi đi lại thuận lợi, là nơi đi lại mà hành giả luôn luôn giữ được đối tượng thiền tuệ.

3- Bhassa: Lời nói thuận lợi, là nói về 10 chuyện: Nói về chuyện không tham muốn; chuyện tri túc; chuyện ở nơi thanh vắng; chuyện không nên sống chung chạ; chuyện về sự tinh tấn; chuyện giới trong sạch; chuyện định; chuyện tuệ; chuyện giải thoát bằng Thánh Ðạo, Thánh Quả; chuyện giải thoát tri kiến. 10 chuyện về thuận lợi, là cốt yếu tránh xa chuyện vô ích.

4- Puggala: Người thuận lợi, là bậc Thiền sư, hoặc bạn thiện trí đồng hành phạm hạnh.

5- Bhojana: Vật thực thuận lợi, là những vật thực thích hợp với cơ thể của hành giả.

6- Utu: Thời tiết thuận lợi, là thời tiết không nóng quá, không lạnh quá, thời tiết thích hợp với cơ thể của hành giả.

7- Iriyapatha: Oai nghi thuận lợi, là những oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm,… làm cho điều hòa cơ thể của hành giả. Không nên để cho một oai nghi nào chịu đựng khổ quá sức, làm mất đi tánh tự nhiên, nên điều hòa các oai nghi thích hợp với cơ thể của hành giả, để tránh bệnh hoạn.

Ðó là 7 điều thuận lợi cần thiết đối với hành giả, để hỗ trợ cho việc tiến hành thiền định cũng như tiến hành thiền tuệ được phát triển tốt.

3- Thời Gian (Kāla)

Ðối với hành giả tiến hành thiền định, chỉ có một đề mục làm đối tượng thiền định duy nhất và có 2 căn môn: ý môn là chính, nhãn môn (hoặc thân môn) là phụ, nên cần có thời gian tiến hành lâu; để tâm an trú trong một đề mục thiền định ấy, để đạt đến cận định (upacārasamādhi) và an định (appanāsamādhi); để chứng đắc các bậc thiền sắc giới và bậc thiền vô sắc giới; để thọ hưởng sự an lạc trong thiền định.

Do đó, thời gian tiến hành thiền định có thể kéo dài lâu trong một oai nghi, cho đến khi xả thiền; khi ấy mới trở lại tiếp xúc các đối tượng khác ở 6 căn môn, như trong cuộc sống bình thường hằng ngày.

Ðối với hành giả tiến hành thiền tuệ, có 6 loại đối tượng tiếp xúc ở 6 môn, gồm tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp ở hiện tại, như sau:

Nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần: hình dạng.
Nhĩ thức tâm nghe thanh trần: âm thanh.
Tỷ thức tâm ngửi hương trần: các loại mùi.
Thiệt thức tâm nếm vị trần: các loại vị.
Thân thức tâm chạm xúc trần: cứng, mềm, nóng, lạnh….
Ý thức tâm biết pháp trần: tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn.

Tất cả mọi đối tượng phải là danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp. Tâm biết đối tượng mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp theo sát na định (khaṇikasamādhi): định từng thời, từng khoảnh khắc trong mỗi đối tượng, không quy định thời gian cho mỗi đối tượng thiền tuệ, thời gian hoàn toàn tùy thuộc vào nhân duyên sanh và nhân duyên diệt của mỗi danh pháp, sắc pháp ấy.

Hành giả tiến hành thiền tuệ cần phải  sự tinh tấn liên tục ngày đêm không ngừng, chỉ trừ khi ngủ ngon giấc. Khi thức dậy nên có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác trực nhận, trực giác ngay đối tượng danh pháp, hoặc sắc pháp hiện tại.

Hành giả tiến hành thiền tuệ có tứ oai nghi: sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm làm đối tượng chính của thiền tuệ. Ngoài ra còn có vô số oai nghi phụ, thuộc về sắc pháp phát sanh từ tâm và tất cả mọi danh pháp khác cũng là đối tượng phụ của thiền tuệ. Các đối tượng thiền tuệ dầu chính hay phụ cũng đều có giá trị tương đương với nhau, đều có sanh – diệt, có 3 trạng thái chungtrạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, nên hành giả không thể xem trọng danh pháp, sắc pháp này, xem khinh danh pháp, sắc pháp kia.

Hành giả không nên quy định thời gian tiến hành của mỗi oai nghi là bao lâu, mà nên để mỗi oai nghi sắc đi, hoặc sắc đứng, hoặc sắc ngồi, hoặc sắc nằm, v.v… một cách tự nhiên, theo thời gian thích hợp, tùy thuộc vào nhân duyên sanh, nhân duyên diệt của mỗi oai nghi một cách tự nhiên.

4- Quan Trọng Hóa Chủ Thể, Ðối Tượng

Hành giả tiến hành thiền tuệ cốt để phát sanh trí tuệ thiền tuệ, thấy rõ, biết rõ trở lại thực tánh tự nhiên của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã. Nghĩa là, chủ thể (tâm biết đối tượng) và đối tượng (danh pháp, sắc pháp làm đối tượng) đều là pháp vô ngã.

Nếu hành giả quan trọng hóa chủ thể và đối tượng, thì mọi phiền não sẽ nương nhờ vào đó mà phát sanh, nhất là tà kiến, tham ái, ngã mạn, làm che án thực tánh tự nhiên của danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã.

4.1- Quan trọng hóa chủ thể

Hành giả phải nên thận trọng, chỉ cần có ý nghĩ sai lầm một chút về chủ thể, cũng có thể làm nơi nương nhờ của phiền não, nhất là tà kiến, tham ái, ngã mạn phát sanh. Khi phiền não nào phát sanh, ắt phải có vô minh đồng sanh làm cho tâm ô nhiễm, bao trùm, phủ kín thực tánh tự nhiên của danh pháp, sắc pháp. Do đó, sự tiến hành thiền tuệ không thể phát triển được.

Ví dụ:

Nếu hành giả quan trọng hóa chủ thể nghĩ rằng: “Ta đang hành thiền tuệ”, thì phiền não sẽ nương nhờ như sau__

Tâm tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) phát sanh.

Khi đang đi, tà kiến chấp lầm rằng: “ta đi”.
Khi đang đứng, tà kiến chấp lầm rằng: “ta đứng”.
Khi đang ngồi, tà kiến chấp lầm rằng: “ta ngồi”.
Khi đang nằm, tà kiến chấp lầm rằng: “ta nằm”.

 

Ðó là tâm tà kiến chấp ngã (attādiṭṭhi) hay tà kiến theo chấp ngã (attānudiṭṭhi) làm cho tâm ô nhiễm, không thể thấy rõ được thực tánh tự nhiên của các danh pháp, sắc pháp.

Tâm tham ái (taṇhā) tham muốn phát sanh.

Khi đang đi với tâm tham muốn đi, muốn thấy, muốn biết “sắc đi”; muốn thấy sự sanh, sự diệt của “sắc đi”, muốn thấy trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của “sắc đi”….

Khi đang đứng với tâm tham muốn đứng, thì muốn thấy, muốn biết “sắc đứng”; muốn thấy sự sanh, sự diệt của “sắc đứng”; muốn thấy trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của “sắc đứng”….

Khi đang ngồi với tâm tham muốn ngồi, thì muốn thấy, muốn biết “sắc ngồi”; muốn thấy sự sanh, sự diệt của “sắc ngồi”; muốn thấy trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của “sắc ngồi”….

Khi đang nằm với tâm tham muốn nằm, thì muốn thấy, muốn biết “sắc nằm”; muốn thấy sự sanh, sự diệt của “sắc nằm”; muốn thấy trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của “sắc nằm”….

Ðó là tâm tham ái, tham muốn làm cho tâm ô nhiễm không thể thấy rõ được thực tánh của các danh pháp, sắc pháp.

Tâm ngã mạn (māna) chấp ta – người phát sanh:

Khi đang đi, khi đang đứng, khi đang ngồi, khi đang nằm… hành giả tự quan trọng hóa rằng: “Ta là người đang tiến hành thiền tuệ”, “ta hơn các người khác”, hay “ta bằng với hành giả khác”, hay “ta thua các hành giả khác”.

 

Ðó là tâm ngã mạn, đem mình so sánh với người khác, làm cho tâm ô nhiễm, thì không thể thấy rõ được thực tánh của các danh pháp, sắc pháp.

Nếu hành giả tự quan trọng hóa mình, thì khó mà ngăn ngừa được mọi phiền não, nhất là tà kiến, tham ái, ngã mạn phát sanh. Khi phiền não nào phát sanh, ắt phải có si mê tâm sở gọi là vô minh bao trùm, phủ kín thực tánh tự nhiên của danh pháp, sắc pháp. Cho nên, sự tiến hành thiền tuệ không thể phát triển được.

Ðó là những điều hành giả nên thận trọng, không nên quan trọng hóa mình, mà hành giả chỉ cần có yonisomanasikāra: Sự hiểu biết ở trong tâm bằng trí tuệ đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp, làm nhân duyên hỗ trợ cho chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, trực nhận, trực giác ngay đối tượng danh pháp, sắc pháp, để cho trí tuệ thiền tuệ phát sanh thấy rõ, biết rõ đúng theo thực tánh tự nhiên của danh pháp, sắc pháp ấy.

4.2- Quan trọng hóa đối tượng

Nếu hành giả quan trọng hóa đối tượng thiền tuệ: “sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm”… sẽ làm cho đối tượng “dáng đi, tư thế đi; dáng đứng, tư thế đứng; dáng ngồi, tư thế ngồi; dáng nằm, tư thế nằm…”, mất tánh tự nhiên bình thường, do bất thiện tâm, nên làm che án thực tánh của sắc pháp danh pháp.

Khi quan trọng hóa đối tượng, nghĩa là xem đối tượng có lợi ích, sẽ đem lại sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Ðế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, nhờ nơi đối tượng ấy. Nếu nghĩ vậy thì khó tránh khỏi tham ái, ngã mạn, tà kiến nương nhờ ở đối tượng ấy mà phát sanh, làm trở ngại cho việc tiến hành thiền tuệ.

Do đó, hành giả không nên quan trọng hóa đối tượng sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm… mà chỉ nên để đối tượng phát sanh một cách tự nhiên bình thường:

Sắc đi: Ðó là “dáng đi, tư thế đi” một cách tự nhiên bình thường.

Sắc đứng: Ðó là “dáng đứng, tư thế đứng” một cách tự nhiên bình thường.

Sắc ngồi: Ðó là “dáng ngồi, tư thế ngồi” một cách tự nhiên bình thường.

Sắc nằm: Ðó là “dáng nằm, tư thế nằm” một cách tự nhiên bình thường.

Ðối tượng thiền tuệ phải hoàn toàn tự nhiên, bởi chân lý luôn luôn ở trạng thái tự nhiên; cho nên đối tượng phải tự nhiên, trí tuệ mới có thể thực nghiệm được thực tánh của danh pháp, sắc pháp; để thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; để thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp ấy.

Khi thấy rõ, biết rõ thực tánh của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp trong tam giới, chỉ có sự thật chân lý khổ đế mà thôikhông có an lạc thật. Nếu có thọ lạc thì chỉ là hư ảo. Vì thọ lạc là danh pháp, cũng có sự sanh, sự diệt; có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, cho nên thọ lạc cũng chỉ là khổ đế mà thôi.

4.3- Quan trọng hóa chủ thể và đối tượng

Nếu hành giả quan trọng hóa chủ thể và đối tượng thiền tuệ, thì tất cả mọi phiền não, nhất là tham ái, ngã mạn, tà kiến, có thể nương nhờ nơi chủ thể và đối tượng ấy mà phát sanh.

Vì vậy, trong bài kinh Ðại Niệm Xứ, đoạn kết của mỗi đối tượng (trong 21 đối tượng), Ðức Phật đều dạy rằng:

“Atthi kāyo’ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti, yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya, anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati…”. [16]

“Chánh niệm của hành giả trực nhận rằng: “chỉ là thân mà thôi”. Ðối tượng hiện tại, chỉ để cho phát triển chánh niệm, chỉ để cho phát triển trí tuệ tỉnh giác mà thôi, hành giả không có tà kiến và tham ái nương nhờ nơi đối tượng – chủ thể, và không có sự chấp thủ nào ta, của ta trong ngũ uẩn này”.

Cũng như vậy, ở phần thọ, phần tâm, phần pháp, Ðức Phật cũng dạy: “chỉ là thọ mà thôi” (atthi vedanā), “chỉ là tâm mà thôi” (atthi cittaṃ), “chỉ là pháp mà thôi” (atthi dhammā).

Trong phần Chú giải dạy rằng:

“Thân chỉ là thân, thọ chỉ là thọ, tâm chỉ là tâm, pháp chỉ là pháp” thuộc về sắc pháp và danh pháp, là pháp vô ngã, không phải chúng sinh (na satto), không phải người (na puggalo), không phải đàn bà (na itthī), không phải đàn ông (na puriso), không phải ngã (na attā), không phải thuộc về ngã (na attaniyaṃ), không phải ta (nā’haṃ), không phải của ta (na mama), không phải ai cả (na koci), không phải của ai cả,….

Sự thật:

Phần thân chỉ là thân, thuộc về sắc pháp là sắc uẩn.
Phần thọ chỉ là thọ, thuộc về danh pháp là thọ uẩn.
Phần tâm chỉ là tâm, thuộc về danh pháp là thức uẩn.
Phần pháp chỉ là pháp, thuộc về danh pháp, sắc pháp là ngũ uẩn.

Ðức Phật dạy rằng: “Tóm lại ngũ uẩn chấp thủ này là khổ” (Saṃkhitena pañcuppādānakkhandhā dukkhā).

Người nào say mê trong ngũ uẩn, người ấy bị chìm đắm trong cảnh khổ, chẳng bao giờ giải thoát ra khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi, như trong kinh Abhinandanasutta [17]  Ðức phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu,

Người nào say mê trong sắc uẩn, Như Lai gọi người ấy say mê trong khổ. Người nào say mê trong khổ, Như Lai gọi người ấy không thể giải thoát khỏi khổ được.

Người nào say mê trong thọ uẩn, Như Lai gọi người ấy say mê trong khổ…

Người nào say mê trong tưởng uẩn, Như Lai gọi người ấy say mê trong khổ…

Người nào say mê trong hành uẩn, Như Lai gọi người ấy say mê trong khổ….

Người nào say mê trong thức uẩn, Như Lai gọi người ấy say mê trong khổ. Người nào say mê trong khổ, Như Lai gọi người ấy không thể giải thoát khỏi khổ được.

“Này chư Tỳ khưu,

Người nào không say mê trong sắc uẩn, Như Lai gọi người ấy không say mê trong khổ. Người nào không say mê trong khổ, Như Lai gọi người ấy có thể giải thoát khỏi khổ.

Người nào không say mê trong thọ uẩn, Như Lai gọi người ấy không say mê trong khổ…

Người nào không say mê trong tưởng uẩn, Như Lai gọi người ấy không say mê trong khổ…

Người nào không say mê trong hành uẩn, Như Lai gọi người ấy không say mê trong khổ…

Người nào không say mê trong thức uẩn, Như Lai gọi người ấy không say mê trong khổ. Người nào không say mê trong khổ, Như Lai gọi người ấy có thể giải thoát khỏi khổ…”.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đối tượng ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp đều là khổ đế, vì có sự sanh, sự diệt là thường.

Và trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ chủ thể đó là chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác (hành uẩn) cũng là khổ đế, vì cũng có sự sanh, sự diệt là thường, nên không say mê chìm đắm trong cảnh khổ của danh pháp, sắc pháp, nhàm chán danh pháp, sắc pháp, muốn giải thoát khỏi danh pháp, sắc pháp ấy.

Khi hành giả không quan trọng hóa đối tượng: danh pháp, sắc pháp, và chủ thể: danh pháp, thì tà kiến, tham ái, ngã mạn không nương vào đâu mà phát sanh lên được.

5- Diệt Tham Ái, Ngã Mạn, Tà Kiến

Tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) gọi là ba pháp trì hoãn (papañcadhamma), làm chúng sinh, đắm chìm trong biển khổ trầm luân, tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy mãi đến vô chung.

Ðức Phật xuất hiện trên thế gian với tâm đại bi bao la rộng lớn, muốn cứu vớt chúng sinh thoát ra khỏi biển khổ trầm luân, tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, nên Ðức Phật thuyết pháp, giảng dạy cho chúng sinh hiểu rõ sự tai họa của ba pháp trì hoãn và con đường pháp hành thiền tuệ để diệt ba pháp trì hoãn ấy.

Ba pháp trì hoãn: tham ái, ngã mạn, tà kiến không thể diệt bằng pháp hành giới trong sạch, cũng không thể diệt bằng pháp hành thiền định, dầu chứng đắc các bậc thiền sắc giới và các bậc thiền vô sắc giới, mà chỉ có thể diệt bằng pháp hành thiền tuệ mà thôi.

Ðối tượng – chủ thể – thời gian

Về đối tượng và chủ thể: Hành giả đang tiến hành thiền tuệ, không nên quan trọng hóa đối tượng và chủ thể.

Về thời gian: Hành giả không nên có quy định thời gian hành, mà nên có sự tinh tấn liên tục không ngừng, tiến hành thiền tuệ một cách tự nhiên bình thường hằng ngày, đêm cho đến khi nằm ngủ ngon giấc.

Diệt tham ái, ngã mạn, tà kiến bằng hai giai đoạn

5.1- Giai đoạn diệt từng thời (tataṅgapahāna).

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thiền tuệ thứ tư (trong 16 trí tuệ thiền tuệ) phát sanh gọi là Udayabbayañāṇa: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, nên hiện thấy rõ, biết rõ 3 trạng thái chung:

Trạng thái vô thường (aniccalakkhaṇa).
Trạng thái khổ 
(dukkhalakkhaṇa).
Trạng thái vô ngã 
(anattalakkhaṇa).

 

Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, nên có thể diệt được ngã mạn (māna) tự chấp mình so sánh với người.

Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ, nên có thể diệt được tham ái (taṇhā) tham đắm say mê trong danh pháp, sắc pháp.

Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã, nên có thể diệt được tà kiến (diṭṭhi) chấp ngã, chấp từ danh pháp, sắc pháp cho là ta.

Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp trong tam giới có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, chỉ có khả năng diệt từng thời (tadaṅgapahāna) được tham ái, ngã mạn, tà kiến, chứ chưa có đủ khả năng diệt đoạn tuyệt được chúng.

5.2- Giai đoạn diệt đoạn tuyệt (samucchedapahāna).

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thiền tuệ tuần tự phát triển đến trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới thứ 14gọi là Thánh Ðạo Tuệ (Ariyamaggañāṇa), có Niết Bàn làm đối tượng. Thánh Ðạo Tuệ có 4 bậc:

1- Bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ: Có khả năng diệt đoạn tuyệt hoàn toàn tà kiến (diṭṭhi), và tất cả các ác pháp thuộc tà kiến vĩnh viễn không bao giờ phát sanh cả trong kiếp hiện tại này lẫn kiếp vị lai. Nhưng tham ái và ngã mạn, bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt được.

2- Bậc Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ: Có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái và ngã mạn, phần thô ở cõi dục giới. Nhưng phần vi tế, bậc Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ chưa có khả năng diệt được.

3- Bậc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ: Có khả năng diệt đoạn tuyệt được tham ái và ngã mạn phần vi tế ở cõi dục giới. Nhưng tham ái và ngã mạn ở cõi sắc giới và vô sắc giới, bậc Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ chưa có khả năng diệt được.

4- Bậc Arahán Thánh Ðạo Tuệ: Có khả năng diệt đoạn tuyệt hoàn toàn tham ái và ngã mạn, không còn dư sót.

Bậc Thánh Arahán hoàn toàn không còn pháp trì hoãn (papañca-dhamma) nào, nên không còn chìm đắm trong biển khổ trầm luân nữa, đã hoàn thành xong phạm hạnh, biết rõ kiếp này là kiếp cuối cùng, sau khi tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp nào khác nữa; chấm dứt sự tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, hoàn toàn giải thoát khỏi cảnh khổ sanh, lão, bệnh, tử.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app