PHÁP HÀNH

2- PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ (tiếp theo)

4- Ba Trạng Thái Chung (Sāmaññalakkhaṇa)

Tất cả mọi danh pháp, mọi sắc pháp thuộc về Chân nghĩa pháp hay Thực tánh pháp đều có 3 trạng thái chung là:

– Trạng thái vô thường (aniccalakkhaṇa).

– Trạng thái khổ (dukkhalakkhaṇa).

– Trạng thái vô ngã (anattalakkhaṇa).

Trí tuệ thiền tuệ thứ tư bắt đầu thấy rõ, biết rõ 3 trạng thái chung của danh pháp, sắc pháp, là nhờ trí tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ được trạng thái riêng của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp làm nền tảng.

1- Trạng Thái Riêng Làm Nền Tảng

Trạng thái riêng (visesalakkhaṇa) chỉ có trong Chân nghĩa pháp, làm nền tảng cho trạng thái chung.

Tâm (citta): Gồm có 89 hay 121 tâm cùng có một trạng thái riêng là: ārammaṇavijānanalakkhaṇa: trạng thái biết đối tượng.

Tâm sở (cetasika): Gồm có 52 tâm sở, mỗi tâm sở có mỗi trạng thái riêng, 52 tâm sở có 52 trạng thái riêng của mỗi tâm sở ấy.

Ví dụ:

– Phassacetasika: Xúc tâm sở, có trạng thái tiếp xúc đối tượng.
– Saññacetasika: Tưởng tâm sở, có trạng thái tưởng nhớ đối tượng.
– Cetanācetasika: Tác ý tâm sở, có trạng thái tạo tác theo đối tượng… 52 tâm sở thì có 52 trạng thái riêng của mỗi tâm sở ấy [13] .

Sắc pháp (Rūpadhamma): Gồm có 28 sắc pháp, mỗi sắc pháp có mỗi trạng thái riêng. Như vậy, 28 sắc pháp thì có 28 trạng thái riêng [14].

Ví dụ:

– Paṭhavī: Chất đất có trạng thái cứng hay mềm.
– Āpo: Chất nước có trạng thái lỏng hay đông đặc.

– Tejo: Chất lửa có trạng thái nóng hay lạnh.
– Vāyo: Chất gió có trạng thái phồng hay xẹp, chuyển động v.v….

Niết Bàn (Nibbāna): santilakkhaṇa: có trạng thái vắng lặng mọi phiền não, mọi nỗi khổ của danh pháp, sắc pháp.

Trạng thái riêng của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp có tầm quan trọng đối với trí tuệ thiền tuệ. Quan trọng như thế nào?

16 loại trí tuệ trong pháp hành thiền tuệ.

– Trí tuệ thứ nhất gọi là Nāmarūpaparicchedañāṇa: Trí tuệ này thấy rõ, biết rõ trạng thái riêng của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp, nên phân biệt, thấy rõ sự khác biệt của mỗi danh pháp, của mỗi sắc pháp.

– Trí tuệ thứ nhì gọi là Nāmarūpapaccayapariggahañāṇa: Trí tuệ này thấy rõ, biết rõ nhân duyên sanh của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp, có liên quan đến mỗi trạng thái riêng của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

– Trí tuệ thiền tuệ thứ ba gọi là Sammasanañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự diệt của danh pháp, sắc pháp. Bắt đầu thấy rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp nhưng chưa hoàn toàn, ngay trong hiện tại.

– Trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là Udayabbayānupassanāñāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay trong hiện tại, nên hiện thấy rõ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, của danh pháp, sắc pháp.

Như vậy, trí tuệ thứ nhất, trí tuệ thứ nhì biết rõ trạng thái riêng của danh pháp, sắc pháp, làm nền tảng căn bản, để giúp cho trí tuệ thiền tuệ thứ ba, trí tuệ thiền tuệ thứ tư… thấy rõ, biết rõ 3 trạng thái chung, cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 12 gọi là Anulomañāṇa cũng đều thấy rõ, biết rõ 1 trong 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, hoặc trạng thái khổ, hoặc trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

2- Trạng Thái Chung (Sāmaññalakkhaṇa)

Tất cả danh pháp, sắc pháp thuộc về Chân nghĩa pháp (Paramattha-dhamma) đều có 3 trạng thái chung là:

1- Trạng thái vô thường (aniccalakkhaṇa).
2- Trạng thái khổ (dukkhalakkhaṇa).
3- Trạng thái vô ngã (anattalakkhaṇa).

 

Sở dĩ có ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, là vì có sự sanh, sự diệt của mỗi danh pháp, của mỗi sắc pháp liên tục không ngừng.

Ý Nghĩa Vô Thường (anicca)

“Aniccaṃ khayaṭṭhena” [15]: Vô thường với ý nghĩa hoại diệt, vì tất cả mọi danh pháp, sắc pháp sanh lên rồi đều phải diệt cả thảy; hay hutvā abhāvaṭṭhena aniccā: có rồi lại không là nghĩa của vô thường.

Vô thường có 3 loại:

1- Anicca: Vô thường.

“Sabbe saṅkhārā aniccā”: Tất cả các pháp hữu vi đều là vô thường.

Saṅkhārā: Pháp hữu vi: Đó là ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới…. Tóm lại là danh pháp và sắc pháp đều là vô thường. Vì khi sanh lên rồi, đều phải diệt, theo tự nhiên của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp.

2- Aniccalakkhaṇa: Trạng thái vô thường.

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, nên hiện rõ trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp.

3- Aniccānupassanā: Trí tuệ thiền tuệ theo dõi trạng thái vô thường.

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, nên diệt được sự tưởng lầm chấp lầm cho rằng: “Danh pháp, sắc pháp là thường (niccasaññā)”.

Nếu hành giả tiếp tục tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ theo quán thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp như vậy, có thể dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn gọi là “Aminittanibbāna”: Vô Hiện Tượng Niết Bàn (Niết Bàn không có hiện tượng các pháp hữu vi).

Hành giả được chứng ngộ Vô Tướng Niết Bàn này, là do tín pháp chủ (saddhindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác (tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ); hay do năng lực của giới (sīla).

Ý Nghĩa Khổ (Dukkha)

“Dukkhaṃ bhayaṭṭhena” [16]Khổ với ý nghĩa đáng kinh sợ, vì tất cả danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, vô thường, hoại diệt nên đáng kinh sợ; hay uppādayavapaṭipīḷanaṭṭhena dukkhā: sự sanh, sự diệt luôn luôn hành hạ gọi là khổ.

Tính chất khổ có 3 loại:

1- Dukkhadukkha: Khổ thật khổ, đó là thọ khổ (dukkhavedanā) khổ khó chịu đựng nổi, như khổ thân, khổ tâm.

2- Vipariṇāmadukkha: Biến chất khổ, đó là thọ lạc (sukha-vedanā) bị trạng thái vô thường biến đổi, nên lạc biến thành khổ, tuy khổ, vẫn còn dễ chịu đựng.

3- Saṅkhāradukkha: Pháp hành khổ, đó là tất cả pháp hành hữu vi: danh pháp, sắc pháp luôn luôn bị cấu tạo bởi 4 nguyên nhân: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực bị sanh rồi diệt liên tục không ngừng hành hạ, nên phải chịu khổ.

Khổ có 3 loại:

1- Dukkha: Khổ thân, khổ tâm.

“Sabbe saṅkhārā dukkhā”: Tất cả các pháp hữu vi đều là khổ. Pháp hữu vi đó là ngũ uẩn, 12 xứ, 8 giới,… tóm lại danh pháp, sắc pháp đều là khổ, vì danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, vô thường luôn luôn hành hạ (abhiṇhapaṭipīḷana).

2- Dukkhalakkhaṇa: Trạng thái khổ.

Tất cả danh pháp, sắc pháp đều có trạng thái vô thường, nên tất cả danh pháp, sắc pháp đều có trạng thái khổ.

Như Đức Phật dạy:

“Yadaniccaṃ taṃ dukkham”. [17].

– Pháp nào có trạng thái vô thường, thì pháp ấy có trạng thái khổ.

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, nên hiện rõ trạng thái khổ luôn luôn hành hạ danh pháp, sắc pháp.

3- Dukkhānupassanā: Trí tuệ thiền tuệ theo dõi trạng thái khổ.

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ, nên diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm cho rằng: “Danh pháp, sắc pháp là lạc (sukhasaññā)”.

Nếu hành giả tiếp tục tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ theo quán thấy rõ, biết rõ trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp như vậy, có thể dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn gọi là Appaṇihitanibbāna: Vô Ái Niết Bàn (Niết Bàn không có tham ái nương nhờ).

Hành giả chứng ngộ Vô Ái Niết Bàn do định pháp chủ (samā-dhindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, tuệ pháp chủ); hay do năng lực của định (samādhi).

Ý Nghĩa Vô Ngã (Anattā)

“Anattā asārakaṭṭhena” [18]: Vô ngã với ý nghĩa vô dụng, bởi vì không chiều theo ý muốn của ta, không phải ta, không phải của ta; hay avasavattaṭṭhena anattā: không chiều theo ý muốn nghĩa là vô ngã.

Vô ngã có 3 loại:

1- Anattā: Pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta….

“Sabbe dhammā anattā”: Tất cả các pháp hữu vi và pháp vô vi đều là vô ngã.

– Pháp hữu vi: Đó là ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,… tóm lại là danh pháp và sắc pháp, là pháp được cấu tạo bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực đều là pháp vô ngã.

– Pháp vô vi: Đó là Niết Bàn, (kể cả pháp chế định) là pháp không bị cấu tạo do bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực cũng là pháp vô ngã.

2- Anattalakkhaṇa: Trạng thái vô ngã.

– Tất cả mọi danh pháp, sắc pháp nào có trạng thái khổ, thì tất cả mọi danh pháp, sắc pháp ấy đều có trạng thái vô ngã.

Như Đức Phật dạy:

“…Yaṃ dukkhaṃ, tadanattā”. [19]
– Pháp nào có trạng thái khổ, thì pháp ấy có trạng thái vô ngã.

 

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, khi phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, nên có trạng thái khổ. Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp nào, sắc pháp nào có trạng thái khổ, thì danh pháp ấy, sắc pháp ấy cũng có trạng thái vô ngã.

3- Anattānupassanā: Trí tuệ thiền tuệ theo dõi trạng thái vô ngã.

Trường hợp hành giả tiến hành thiền tuệ, khi đã phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã, nên diệt được sự tưởng lầm chấp lầm cho rằng: “Danh pháp, sắc pháp là ngã (attasaññā)”.

Nếu hành giả tiếp tục tiến hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ theo quán thấy rõ, biết rõ trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp như vậy, có thể dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn gọi là Suññātanibbāna: Chơn Không Niết Bàn(Niết Bàn hoàn toàn vô ngã, không phải Ta, không phải của Ta).

Hành giả chứng ngộ Chơn Không Niết Bàn này do tuệ pháp chủ (paññindriya) có nhiều năng lực hơn 4 pháp chủ khác (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ); hay do năng lực của trí tuệ (paññā).

Sự Liên Quan Giữa 3 Trạng Thái Chung

Ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp có liên quan lân nhau.

Như Đức Phật dạy rằng:

“Yadaniccaṃ, taṃ dukkhaṃ
Yaṃ dukkhaṃ, tadanattā”.

“Pháp nào có trạng thái vô thường, thì pháp ấy có trạng thái khổ.
Pháp nào có trạng thái khổ, thì pháp ấy có trạng thái vô ngã”.

 

Như vậy, mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đều có đủ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Xét về đối tượng 3 trạng thái chung

Trí tuệ thiền tuệ đồng sanh trong mỗi dục giới đại thiện tâm, dục giới đại duy tác tâm, mỗi tâm chỉ có thể nhận biết một đối tượng mà thôi (một tâm không thể nhận biết nhiều đối tượng cùng một lúc).

– Khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường (aniccalakkhaṇa) của danh pháp, sắc pháp làm đối tượng, thì khi ấy trạng thái khổ và trạng thái vô ngã không hiện rõ.

– Khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái khổ (dukkhalakkhaṇa) của danh pháp, sắc pháp làm đối tượng, thì khi ấy trạng thái vô thường  trạng thái vô ngã không hiện rõ.

– Khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô ngã (anattalakkhaṇa) của danh pháp, sắc pháp làm đối tượng, thì khi ấy trạng thái vô thường  trạng thái khổ không hiện rõ.

Như vậy, khi một trạng thái nào hiện rõ làm đối tượng, 2 trạng thái kia, mặc dầu không hiện rõ, nhưng tiềm năng của nó có thể diệt được sự tưởng lầm, chấp lầm cho rằng: “Danh pháp, sắc pháp là thường, lạc, ngã”. Bởi vì 3 trạng thái chung này có liên quan lẫn nhau.

Quan niệm về vô thường, khổ, vô ngã theo đời

Khi Đức Phật chưa xuất hiện trên thế gian, hay đối với những người không hiểu biết về giáo pháp của Đức Phật cũng có quan niệm:

– Về vô thường: Là trạng thái không bền vững lâu dài, đó là vô thường.

Ví dụ: Khi nghe một người chết, một chiếc xe hư, một cái ly bể, một sự biến đổi nào,… mọi người bảo nhau rằng: “vô thường mà!”.

– Về khổ:  trạng thái khổ thân: như lúc bị bệnh hoạn ốm đau, tai nạn, đánh đập, nóng, lạnh, đói, khát,…. Trạng thái khổ tâm: như lúc nóng giận, buồn bực, khóc than,….

Mọi người bảo nhau rằng: “khổ quá mà!”.

Nhưng quan niệm về vô ngã, thì không có một ai tự mình hiểu biết rõ về pháp vô ngã cả.

Mặc dầu trong đời có quan niệm về vô thường, về khổ, cũng chỉ là một phần thô thiển trong giáo pháp của Đức Phật mà thôi.

Sự thật, trạng thái vô thường, trạng thái khổ trong giáo pháp của Đức Phật vô cùng vi tế, sâu sắc hơn gấp bội phần, chỉ có thể biết rõ bằng trí tuệ thiền tuệ như đã trình bày ở phần trước.

– Riêng quan niệm về vô ngã chỉ đặc biệt có trong giáo pháp của Đức Phật mà thôi. Ngoài ra, không có một Sa môn, một Bà la môn, một Giáo Chủ, một Chư thiên, một Phạm thiên nào có khả năng thuyết giảng về pháp vô ngã. Bởi vì, những Vị ấy chưa thấy rõ, biết rõ được danh pháp, sắc pháp thuộc Chân nghĩa pháp, nên vẫn còn tà kiến chấp ngã (attādiṭṭhi), hay ngũ uẩn tà kiến (sakkāyadiṭṭhi).

3- Tìm Hiểu Ý Nghĩa Từ “Attā” Và “Anattā”

Trong giáo pháp của Đức Phật được ghi lại trong Tam tạng: Luật tạng (Vinayapiṭaka), Kinh tạng (Suttantapiṭaka), Vi diệu pháp tạng (Abhidhammapiṭaka) thường gặp 2 danh từ “Attā” và “Anattā”, mà Đức Phật thường dùng để thuyết pháp tế độ mỗi chúng sinh, cho hợp với căn duyên của chúng sinh ấy.

Nếu không hiểu rõ ý nghĩa “Attā” và “Anattā” trong mỗi trường hợp của mỗi chúng sinh ấy, thì khó mà tránh khỏi sự hiểu lầm về ý nghĩa trong từng đoạn Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp.

3.1- Ý nghĩa danh từ “attā”

Danh từ “Attā” có 4 ý nghĩa:

Theo trong bộ từ điển Abhidhāna: từ điển từ ngữ Pāḷi, câu kệ thứ 861 giải nghĩa danh từ “Attā” rằng:

“Citte kāye sabhāve ca, so attā paramattani”.

“Danh từ Attā có 4 ý nghĩa: tâm, thân, Thực tánh pháp và đại ngã”.

Giải Thích:

1- Attā có ý nghĩa là: Citta: tâm.

Ví dụ:

– Attasamāpaṇidhi: Đặt để tâm đúng trong thiện pháp.

– Attamicchāpaṇidhi: Đặt để tâm sai lầm trong ác pháp.

– “Sabbe sattā bhavantu sukhitattā“. [20]
“Cầu mong tất cả chúng sinh tâm thường an lạc”.

– Attā hi kira duddamo”. [21]
“Thật vậy, dạy được tâm mình là khó lắm!”

– Attānaṃ damayanti paṇṇitā”. [22]
“Chư bậc Thiện trí rèn luyện, dạy tâm”….

Attā ở đây có ý nghĩa  tâm.

2- Attā có ý nghĩa là: Kāya: thân thể.

Ví dụ:

Đức Phật ban hành những giới của Tỳ khưu ni, trong đó có giới như:

– “Yā pana bhikkhunī attānaṃ vadhitvā vadhitvā rodheyya pācittiyaṃ”. [23]
“Tỳ khưu ni nào tự đấm vào thân mình rồi khóc, Tỳ khưu ni ấy phạm āpatti pācittiya (ứng đối trị)”.

– Attā hi attano natthi, kuto puttā kuto dhanaṃ?”. [24]
“Chính thân này, không phải nơi nương nhờ của ta, thì nương nhờ con ta, nương nhờ của cải, làm sao được?”….

Attā ở đây có ý nghĩa là thân thể.

 

3- Attā có ý nghĩa là: Sabhāva: Thực tánh pháp.

Ví du:

– Attā hi attano nātho, ko hi nātho paro siyā”.[25]

“Chính thiện pháp là nơi nương nhờ chân chánh của ta, ngoài thiện pháp ra, còn có ai là nơi nương nhờ của ta được?”.

– Attadīpā bhikkhave, viharatha attasaraṇā anañña-saraṇā”. [26]

“Này chư Tỳ khưu, các con nên sống, chính thiện pháp là hòn đảo, chính thiện pháp là nơi nương nhờ, không nên có nơi nương nhờ nào khác.”….

Attā: Ta ở đây có nghĩa là Thực tánh pháp. Đó là tam giới thiện pháp, siêu tam giới thiện pháp, là nơi nương nhờ chân chính của ta.

 

4- Attā có ý nghĩa là: Parama attā: Đại ngã, theo tà kiến của ngoại đạo.

Nhóm ngoại đạo có tà kiến cho rằng: “Tất cả vạn vật, vũ trụ này do Parama Attā tạo ra, gọi là Đấng Tạo Hóa”.

Parama Attā: Đại ngã theo tà kiến của nhóm ngoại đạo này, ý nghĩa nghịch với Anattā: Vô ngã trong giáo pháp của Đức Phật.

Như vậy, trong 4 ý nghĩa của Attā, có 3 ý nghĩa là Tâm, Thân, Thực tánh pháp thuộc về chánh kiến. Duy nhất chỉ có Parama Attā: Đại ngã theo quan niệm của nhóm ngoại đạo thuộc về tà kiến mà thôi.

Attādiṭṭhi: Tà kiến chấp ngã, hoặc Attānudiṭṭhi: Tà kiến theo chấp ngã: là tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm từ danh pháp, từ sắc pháp cho là Ta, là Ngã cũng trong ý nghĩa tà kiến này.

3.2- Ý nghĩa danh từ “Anattā”

Định nghĩa danh từ Anattā như sau :

“Na attā anattā, natthi attā etassa khandhapañcakassa’ti vā anattā“.

– Tất cả các pháp không phải ta, không phải của ta, là pháp vô ngã, hay ngũ uẩn ấy không phải ta, không phải của ta cũng là pháp vô ngã.

Ý nghĩa Anattā: Vô ngã ở đây là phủ định Attā: ngã, ngã sở, phủ định cái ta, của ta.

Trong Chú giải dạy, danh từ Anattā có 4 ý nghĩa [27] :

1- Avasavattanaṭṭha: Anattā có ý nghĩa là không chiều theo ý muốn của một ai.
2- Asāmikaṭṭha: Anattā có ý nghĩa là vô chủ, không có ai làm chủ cả.
3- Suññataṭṭha: Anattā có ý nghĩa là “không”. Nghĩa là không phải ta, không phải của ta.
4- Attapaṭikkhepaṭṭha: Anattā có ý nghĩa là phủ nhận thuyết tà kiến theo chấp ngã của nhóm ngoại đạo.

Đó là 4 ý nghĩa của Anattā: vô ngã.

 

* Anattā và Attā trong Kinh Anattalakkhaṇasutta [28]

Đức Phật dạy rằng:

– “Rūpaṃ bhikkhave anattā,
Rūpañca hidaṃ bhikkhave attā abhavissa, nayidaṃ rūpaṃ ābādhāya saṃvatteyya.
Labbhetha ca rūpe “evaṃ me rūpaṃ hotu, evaṃ me rūpaṃ mā ahosī’ti”.

– Yasmā ca kho bhikkhave rūpaṃ anattā, tasmā rūpaṃ ābādhāya saṃvattati.
Na ca labbhati rūpe “evaṃ me rūpaṃ hotu, evaṃ me rūpaṃ mā ahosī’ti…”.

– “Này Chư Tỳ khưu, sắc uẩn là pháp vô ngã.
“Thật vậy, nếu sắc uẩn này là ngã, thì sắc uẩn này không có bệnh, không bị hoại bao giờ.

“Các con có thể mong muốn được trong sắc uẩn này rằng: “Xin cho sắc uẩn của tôi được như thế này, xin cho sắc uẩn của tôi đừng như thế kia”.

“Này chư Tỳ khưu, bởi vì sắc uẩn là pháp vô ngã, cho nên sắc uẩn này có bệnh, bị biến đổi.

“Các con không thể mong muốn được trong sắc uẩn này rằng: “Xin cho sắc uẩn của tôi được như thế này, xin cho sắc uẩn của tôi đừng như thế kia…”.

Cũng như vậy, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng đều là pháp vô ngã….

Qua đoạn kinh trên, Attā: Ngã trong nghĩa tà kiến theo chấp ngã, thấy sai chấp lầm từ sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cho là Ta, Ngã, đối nghịch với pháp vô ngã.

4- Những Chi Tiết Của 3 Trạng Thái Chung

Tất cả mọi danh pháp, sắc pháp thuộc trong tam giới đều có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.

Trong mỗi trạng thái chung của danh pháp, sắc pháp ấy, có nhiều trạng thái chi tiết được khai triển rộng trong bộ Visuddhimagga, phần Maggāmaggañāṇavisuddhi như sau:

4.1- Trạng thái vô thường có 10 loại

1- Aniccato: Trạng thái không thường.

2- Adhuvato: Trạng thái không bền vững.

3- Asārakato: Trạng thái vô dụng, không cốt lõi.

4- Calato: Trạng thái biến động.

5- Palakato: Trạng thái tiêu hoại.

6- Vipariṇāmadhammato: Trạng thái biến đổi là thường.

7- Maraṇadhammato: Trạng thái hủy diệt (chết) là thường.

8- Vibhavato: Trạng thái bị hoại.

9- Saṅkhato: Trạng thái bị cấu tạo.

10- Pabhaṅguto: Trạng thái bị tan rã.

Đó là 10 chi tiết nêu lên trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp.

4.2- Trạng thái khổ có 25 loại

1- Dukkhato: Trạng thái khó chịu.

2- Bhayato: Trạng thái đáng kinh sợ.

3- Ītito: Trạng thái khốn đốn.

4- Upaddavato: Trạng thái tai nạn nguy hiểm.

5- Upasaggato: Trạng thái cản trở.

6- Rogato: Trạng thái bệnh tật.

7- Ābādhato: Trạng thái đau ốm.

8- Gandato: Trạng thái ung nhọt.

9- Sallato: Trạng thái tên độc.

10- Aghato: Trạng thái xấu xa.

11- Atāṇato: Trạng thái không che chở, chống đỡ được.

12- Aleṇato: Trạng thái không ẩn náu được.

13- Asaraṇato: Trạng thái không nương nhờ được.

14- Ādīnavato: Trạng thái tội chướng.

15- Aghamūlato: Trạng thái nguồn gốc của đau khổ.

16- Sāsavato: Trạng thái phiền não trầm luân.

17- Vadhakato: Trạng thái sát hại.

18- Mārāmisato: Trạng thái mồi của ma vương.

19- Jātidhammato: Trạng thái tái sanh là thường.

20- Jarādhammato: Trạng thái già là thường.

21- Byādhidhammato: Trạng thái bệnh là thường.

22- Sokadhammato: Trạng thái sầu não là thường.

23- Paridevadhammato: Trạng thái than khóc là thường.

24- Upāyāsadhammato: Trạng thái thống khổ cùng cực là thường.

25- Saṅkilesikadhammato: Trạng thái ô nhiễm bởi phiền não là thường.

Đó là 25 chi tiết nêu lên trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp.

4.3- Trạng thái vô ngã có 5 loại

1- Anattato: Trạng thái không phải ta, của ta.

2- Parato: Trạng thái khác lạ (không phải ta, của ta).

3- Rittato: Trạng thái trống rỗng.

4- Tucchato: Trạng thái hư huyễn.

5- Suññato: Trạng thái không không.

Đó là 5 chi tiết nêu lên trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

 

Như vậy, 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, khi được phân loại ra chi tiết gồm có 40 trạng thái.

Mỗi trạng thái chi tiết của danh pháp, sắc pháp này, được hiện rõ tùy theo căn duyên của mỗi hành giả tiến hành thiền tuệ, và cũng có thể dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não.

5- Pháp Che Án 3 Trạng Thái Chung

Danh pháp, sắc pháp thuộc về Chân nghĩa pháp có những sự thật hiển nhiên như:

– Sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp là sự thật hiển nhiên.

– Ba trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp là sự thật hiển nhiên.

Sự thật hiển nhiên ấy không hiện rõ, do bởi nguyên nhân nào che phủ thực tánh?
Do pháp nào che án?

5.1- Nguyên nhân che phủ thực tánh

Những thực tánh của danh pháp, sắc pháp bị bao trùm phủ kín bởi màn “vô minh” (avijjā) tối tăm dày đặc, có tâm tà kiến (diṭṭhi) thấy sai, chấp lầm từ nơi danh pháp, sắc pháp cho là “Ta, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, vật này, vật kia”,…. Lại còn đặt tên bằng những danh từ ngôn ngữ chế định gắn lên các danh pháp, sắc pháp ấy. Được truyền đạt từ đời này qua đời khác, từ người này sang người kia, từ ngàn xưa cho đến ngày nay trở thành thói quen, nên chỉ biết có một sự thật theo đời do ngôn ngữ chế định ấy, mà không còn biết đến sự thật theo Chân nghĩa pháp.

Do đó, vô minh hay si tâm là nguyên nhân chính che án, phủ kín thực tánh của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp. Bởi vì bản chất của si tâm có 4 đặc tính riêng biệt là:

– Añāṇalakkhaṇo: Trạng thái không biết chân lý Tứ thánh đế.

– Ārammaṇasabhāvacchādanaraso: Phận sự che án, phủ kín thực tánh các pháp.

– Andhakārapaccuppaṭṭhāno: Làm cho tối tăm là quả hiện hữu.

– Ayonisomanasikārapadaṭṭhāno: Sự hiểu biết sai lầm trong tâm không đúng trạng thái của các pháp, là nguyên nhân gần để phát sanh si tâm.

5.2- Phương pháp tiêu diệt màn vô minh

Khi Đức Phật chưa xuất hiện trên thế gian này, tất cả chúng sinh bị bao phủ, che kín bởi màn vô minh tối tăm dày đặc, không có một Sa môn, Bà la môn hay một Giáo chủ nào biết đến trạng thái thực tánh của các pháp. Chính Đức Phật là bậc đã hoàn toàn diệt đoạn tuyệt được màn vô minh, bằng ánh sáng trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới, tất cả mọi sự thật chân lý, trạng thái thực tánh của các pháp hiển nhiên hiện rõ. Chính Đức Phật đã chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên. Ngài gọi là bậc Chánh Đẳng Giác cao thượng nhất trong 10 ngàn thế giới chúng sinh.

Đức Phật đã thuyết pháp giáo huấn, tế độ chúng sinh có duyên lành bằng pháp hành thiền tuệ, làm cho ánh sáng trí tuệ thiền tuệ phát sanh, có khả năng tiêu diệt được màn vô minh tăm tối, sự thật trạng thái thực tánh của các pháp hiển nhiên hiện rõ, dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế,… như Đức Phật.

Diệt vô minh có 2 giai đoạn

– Giai đoạn ngăn ngừa vô minh.
– Giai đoạn diệt đoạn tuyệt vô minh.

* Giai đoạn ngăn ngừa vô minh bằng cách nào?

Vô minh hay si tâm phát sanh do nguyên nhân gần chính là ayonisomanasikāra: Sự hiểu biết sai lầm trong tâm, không đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp là:

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường (anicca), thì hiểu biết sai lầm cho rằng: “thường” (nicca).

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ (dukkha), thì hiểu biết sai lầm cho rằng: “lạc” (sukha).

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã (anattā), thì biết hiểu sai lầm cho rằng: “ngã” (attā).

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh (asubha) thì biết hiểu sai lầm cho rằng: “tịnh” (subha).

 

Do sự hiểu sai lầm trong tâm không đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp, là nguyên nhân gần để phát sanh si tâm, gọi là vô minh làm che án, phủ kín thực tánh của danh pháp, sắc pháp:

– Không thấy rõ trạng thái riêng của danh pháp, sắc pháp.

– Không thấy rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp.

– Không thấy rõ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

Phương pháp ngăn ngừa vô minh

Hành giả tiến hành thiền tuệ luôn luôn có yonisomanasikāra: Sự hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp là:

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô thường, thì trí tuệ hiểu biết đúng rằng: “vô thường”.

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái khổ, thì trí tuệ hiểu biết đúng rằng: “khổ”.

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái vô ngã, thì trí tuệ hiểu biết đúng rằng: “vô ngã”.

– Danh pháp, sắc pháp có trạng thái bất tịnh, thì trí tuệ hiểu biết đúng rằng: “bất tịnh”.

 

Do sự hiểu biết trong tâm đúng theo 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp, là nguyên nhân gần để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của tất cả mọi danh pháp, sắc pháp.

– Thấy rõ trạng thái riêng của danh pháp, sắc pháp.

– Thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp.

– Thấy rõ, biết rõ 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế….

Đó là phương pháp ngăn ngừa được “vô minh” (si tâm) không phát sanh, để cho “minh” thiện tâm hợp với trí tuệ phát sanh thấy rõ, biết rõ sự thật thực tánh của danh pháp, sắc pháp.

Giai đoạn diệt đoạn tuyệt vô minh

Hành giả tiến hành thiền tuệ có yonisomanasikāra: sự hiểu biết trong tâm đúng 4 trạng thái của danh pháp, sắc pháp làm nền tảng, cho đến khi trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới phát sanh chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo Tuệ có Niết Bàn làm đối tượng, có khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn vô minh, cùng với tất cả mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp.

5.3- Ba pháp che án 3 trạng thái chung

Phương pháp diệt 3 pháp che án

3 trạng thái chung:

– Trạng thái vô thường.
– Trạng thái khổ.
– Trạng thái vô ngã.

 

Sở dĩ 3 trạng thái chung của danh pháp, sắc pháp không hiện rõ, bởi vì có 3 pháp che án là:

1- Dòng sanh diệt liên tục (santati) che án trạng thái vô thường, làm cho trạng thái vô thường không hiện rõ.

2- Các oai nghi (iriyapatha) che án trạng thái khổ, làm cho trạng thái khổ không hiện rõ.

3- Ngã tưởng đồng nhất (ghanasaññā) che án trạng thái vô ngã, làm cho trạng thái vô ngã không hiện rõ.

 

1- Dòng sanh diệt liên tục che án trạng thái vô thường

Đức Phật dạy: “Sabbe saṅkhārā aniccā…”.
“Tất cả các pháp hữu vi đều có trạng thái vô thường”.

Pháp hữu vi: Đó là “danh pháp, sắc pháp, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới”,… đều có trạng thái vô thường, vì danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt liên tục không ngừng, có rồi lại không.

Như vậy, trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp là sự thật hiển nhiên; vậy, do nguyên nhân nào làm cho trạng thái vô thường không hiện rõ?

Trong Bộ Thanh Tịnh Đạo dạy:

“Aniccalakkhaṇaṃ tāva udayabbayānaṃ amanasikārā santatiyā paṭicchannattā na upatthāti”. [29] 
“Trước hết, trạng thái vô thường không hiện rõ, vì dòng sanh diệt liên tục (santati) của danh pháp, sắc pháp vô cùng mau lẹ, làm che án trạng thái vô thường; bởi do không có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp”.

* Dòng sanh diệt che án trạng thái vô thường như thế nào?

Ví dụ thô thiển dễ hiểu để so sánh:

– Ví dụ 1:

Khi ta nhìn thấy những hình ảnh trên màn hình ti vi, cứ 1 giây đồng hồ có khoảng 24 hình liên tục quay nhanh qua máy chiếu phim, ta nhìn thấy hình ảnh những tài tử diễn viên có những cử chỉ, hành động, lời nói tự nhiên bình thường. Nhưng ta không thể nhìn thấy từng mỗi tấm phim cách khoảng nhau và cũng không nghe từng tiếng nói cách khoảng nhau.

Vì đó là sự liên tục quay nhanh của cuộn phim.

– Ví dụ 2:

Khi ta nhìn thấy bóng đèn điện đang cháy sáng, trong khi ấy, cứ mỗi giây đồng hồ có khoảng 50-60 lần dòng điện cháy sáng rồi tắt liên tục không ngừng, trong suốt thời gian bóng đèn cháy sáng. Nhưng ta vẫn nhìn thấy bóng đèn cháy sáng bình thường, ta không thể nhìn thấy bóng đèn cháy sáng rồi tắt liên tục.

Vì đó là do sự liên tục của dòng điện cháy sáng rồi tắt.

Nói về sự sanh, sự diệt của mỗi danh pháp mỗi sắc pháp, thì vô cùng mau lẹ phi thường.

Trong chú giải dạy rằng: “Chỉ một lần búng đầu ngón tay, tâm và tâm sở (danh pháp) sanh rồi diệt liên tục 1000 tỷ lần”. [30]

Như vậy, nếu không có trí tuệ thiền tuệ bén nhạy, thì không thể nào thấy rõ sự sanh, sự diệt liên tục mau lẹ không ngừng của danh pháp, sắc pháp.

Nếu không thấy được sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, thì không thể thấy được trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp.

Sở dĩ, không thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp, là vì dòng liên tục sanh rồi diệt của danh pháp, sắc pháp vô cùng mau lẹ làm che án trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp.

* Phương pháp cắt đứt dòng sanh diệt liên tục, để thấy rõ trạng thái vô thường.

Trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp được hiện rõ, chỉ khi nào có trí tuệ thiền tuệ bén nhạy. Thật vậy, chỉ có trí tuệ thiền tuệ bén nhạy mới có khả năng cắt đứt dòng sanh diệt liên tục mau lẹ của danh pháp, sắc pháp, nên trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp hiển nhiên hiện rõ.

Như trong Bộ Thanh Tịnh Đạo dạy:

“Udayabbayam pana pariggahetvā santatiyā vikopitāya aniccalakkhaṇaṃ yathāvasarasato upaṭṭhāti”. [31]
“Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, mới có thể cắt đứt (diệt) được dòng sanh, diệt của danh pháp, sắc pháp. Khi ấy, trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp hiện rõ đúng theo thực tướng của nó”.

Trí tuệ thiền tuệ nào có thể thấy rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp?

Trong 16 loại trí tuệ của pháp hành thiền tuệ, trí tuệ có khả năng thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay trong hiện tại; bắt đầu từ Trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là Udayabbayañāṇa: Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay trong hiện tại.

Thật vậy, chính trí tuệ thiền tuệ thứ tư này bắt đầu có khả năng thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp ngay trong hiện tại là:

– Danh pháp nào sanh, do nhân duyên nào sanh.

– Danh pháp ấy diệt, do nhân duyên ấy diệt.

– Sắc pháp nào sanh, do nhân duyên nào sanh.

– Sắc pháp ấy diệt, do nhân duyên ấy diệt.

 

Cho nên, Trí tuệ thiền tuệ thứ tư mới bắt đầu chính thức gọi là trí tuệ thiền tuệ, vì có khả năng đặc biệt cắt đứt được dòng liên tục (santati) sanh diệt mau lẹ không ngừng của danh pháp, sắc pháp.

Do đó, trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp hiển nhiên hiện rõ đúng theo thực tướng của nó và ngoài trạng thái vô thường ra, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã cũng có thể hiện rõ, vì 3 trạng thái chung này có sự liên quan với nhau.

Bắt đầu từ trí tuệ thiền tuệ thứ tư này cho đến trí tuệ thiền tuệ thứ 12 gọi là Anulomañāṇa có khả năng thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp.

Qua đến trí tuệ thiền tuệ thứ 13 gọi là Gotrabhuñāṇa có Niết Bàn làm đối tượng, thì không còn thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp nữa. Dĩ nhiên cũng không còn thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thườngtrạng thái khổtrạng thái vô ngãNhưng tiềm năng của 3 trạng thái này có tầm quan trọng, đóng vai trò quyết định chọn con đường giải thoát (vimokkha), và dẫn đến sự chứng ngộ các loại Niết Bàn.

Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ sự sanh sự diệt rất cao thượng.

Trong Pháp cú kệ, Đức Phật dạy rằng:

“Yo ca vassasataṃ jīve, apassaṃ udayabbayaṃ,
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, passato udayabbayaṃ”.
 [32]

Người nào dầu sống đến trăm năm,
Mà không có trí tuệ thiền tuệ,
Không thấy sự sanh và sự diệt,

Không bằng hành giả sống một ngày,

Có trí tuệ thiền tuệ phát sanh,
Thấy rõ sự sanh và sự diệt,
Của danh pháp lẫn sắc pháp,
Cuộc đời cao thượng biết dường nào!

2- Các oai nghi che án trạng thái khổ

Đức Phật dạy rằng:

“Sabbe saṅkhārā dukkhā…”. [33]
“Tất cả các pháp hữu vi đều có trạng thái khổ“.

Pháp hữu vi: Đó là danh pháp, sắc pháp, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới,… đều có trạng thái khổ.

Như vậy, trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp là sự thật hiển nhiên. Nhưng do nguyên nhân nào làm cho trạng thái khổ không hiện rõ?

Trong Bộ Thanh Tịnh Đạo dạy rằng:

“Dukkhalakkhaṇaṃ abhiṇhasampaṭipīḷanassa amanasi-kārā iriyapathehi paṭicchannattā na upaṭṭhāti”. [34]
“Trạng thái khổ không hiện rõ, vì bị các oai nghi che án, bởi do không có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp sanh rồi diệt luôn luôn hành hạ”.

Các oai nghi che án trạng thái khổ như thế nào?

4 oai nghi chính là: đi, đứng, ngồi, nằm, và các oai nghi phụ: như bước tới, bước lui, quay bên trái, quay bên phải, co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra,….

Tất cả oai nghi này thuộc về sắc pháp phát sanh từ tâm luôn luôn có sự sanh sự diệt liên tục không ngừng, nên có trạng thái vô thường luôn luôn hành hạ, bắt buộc phải thay đổi từ oai nghi cũ sang oai nghi mới, để giảm bớt khổ ở oai nghi cũ. Và cứ thế, thay đổi liên tục không ngừng, nên phải chịu trạng thái khổ triền miên.

Sự thật trạng thái khổ là vậy, nhưng vì không có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ các oai nghi là nơi sanh khổ, cứ thay đổi các oai nghi theo thói quen tự nhiên. Không có trí tuệ thiền tuệ quan tâm thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt của các oai nghi, nên không thấy rõ trạng thái vô thường luôn luôn hành hạ, phải chịu khổ.

Do đó, các oai nghi che án trạng thái khổ.

* Phương pháp làm cho trạng thái khổ hiện rõ.

Trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp được hiện rõ, chỉ khi nào hành giả tiến hành thiền tuệ có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt liên tục của các oai nghi; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường luôn luôn hành hạ, thì khi ấy, trạng thái khổ của sắc pháp, danh pháp hiển nhiên hiện rõ.

Như trong Bộ Thanh Tịnh Đạo dạy rằng:

“Abhiṇhasampaṭipīḷanaṃ manasikatvā, iriyapathe ugghāṭite, dukkhalakkhaṇaṃ yathāvasarasato upaṭṭhāti…”. [35]
“Hành giả tiến hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường luôn luôn hành hạ các oai nghi, nên oai nghi không còn che án trạng thái khổ, khi ấy trạng thái khổ của sắc pháp danh pháp hiện rõ đúng theo thực tướng của nó”.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là udayabbayañāṇa: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ sự sanh, sự diệt liên tục của danh pháp, sắc pháp, ngay trong hiện tại, nên hiện thấy rõ trạng thái vô thường luôn luôn hành hạ, phải chịu khổ, khi ấy trạng thái khổ hiện rõ đúng theo thực tướng của danh pháp, sắc pháp.

3- Ngã tưởng đồng nhất che án trạng thái vô ngã

Đức phật dạy: “Sabbe dhammā anattā”. [36] 
“Tất cả các pháp đều có trạng thái vô ngã”.

Pháp ở đây là danh pháp, sắc pháp, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới, đều có trạng thái vô ngã, vì các pháp ấy có trạng thái vô thường, trạng thái khổ.

Như vậy, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp là sự thật hiển nhiên; vậy, do nguyên nhân nào trạng thái vô ngã không hiện rõ?

Trong Bộ Thanh Tịnh Đạo dạy:

“Anattalakkhaṇaṃ nānādhātuvinibhogassa amanasikārā, ghanena paṭicchannattā na upaṭṭhāti…”. [37] 
“Trạng thái vô ngã không hiện rõ, vì bị ngã tưởng đồng nhất che án, bởi do không có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biềt rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp mỗi sắc pháp riêng biệt với nhau”.

Ngã tưởng đồng nhất che án trạng thái vô ngã như thế nào?

Ngã tưởng đồng nhất (ghanasaññā) là sự tưởng lầm ở danh pháp, sắc pháp cho là “Ta độc nhất” mà thôi.

Ngã tưởng đồng nhất có 4 loại:

1- Santatighana: Ngã tưởng đồng nhất liên tục.

2- Samūhaghana: Ngã tưởng đồng nhất tổng hợp.

3- Kiccaghana: Ngã tưởng đồng nhất phận sự.

4- Ārammaṇaghana: Ngã tưởng đồng nhất đối tượng.

1- Ngã tưởng đồng nhất liên tục như thế nào?

Ngã tưởng đồng nhất liên tục là thấy sai tưởng lầm cho rằng: “Chỉ có Ta liên tục làm mọi phận sự là: ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta tiếp xúc, ta biết… ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm,”…. Gọi là ngã tưởng đồng nhất liên tục.

Sự thật theo Chân nghĩa pháp, mỗi tâm phát sanh trong một lộ trình tâm (vīthicitta) có một phận sự, khi làm xong phận sự ấy rồi diệt, lại làm duyên cho tâm khác phát sanh làm phận sự xong, rồi diệt. Và cứ thế, hết lộ trình tâm này sang lộ trình tâm khác, diễn tiến tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày.

Ví dụ:

– Khi nhãn thức tâm nhìn thấy một hình ảnh, phải nương nhờ ở nhãn môn lộ trình tâm  ý môn lộ trình tâm phát sanh liên tục tiếp nối nhau. Mỗi lộ trình tâm chỉ có thể ghi nhận một điểm nào đó, nhờ qua nhiều lộ trình tâm ghi nhận được hình ảnh, biết sắc trần qua hình dạng, cho đến biết ý nghĩa và tên gọi hình dạng ấy.

– Khi nhĩ thức tâm nghe một câu nói, phải nương nhờ ở nhĩ môn lộ trình tâm  ý môn lộ trình tâm phát sanh liên tục tiếp nối với nhau qua nhiều lộ trình tâm, làm phận sự nghe thanh trần, âm thanh, và hiểu rõ ý nghĩa câu nói ấy….

– Khi đi, đó là sắc đi, là sắc pháp phát sanh từ tâm, qua quá trình diễn tiến sanh rồi diệt liên tục của tâm, sắc đi cũng diễn tiến sanh rồi diệt liên tục không ngừng, cho đến khi thay đổi sang oai nghi khác.

Cũng như vậy, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm,… mỗi sắc pháp có phận sự riêng biệt với nhau.

Thế mà ngã tưởng đồng nhất liên tục thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm từ nhãn thức tâm nhìn thấy sắc trần cho là “ta thấy”.

Cũng như vậy, ngã tưởng đồng nhất thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm từ nhĩ thức tâm nghe thanh trần cho là “ta nghe”,….

Ngã tưởng đồng nhất liên tục thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm từ “sắc đi” cho là “ta đi”, từ “sắc đứng” cho là “ta đứng”, từ “sắc ngồi” cho là “ta ngồi”, từ “sắc nằm” cho là “ta nằm”… chỉ có một mình Ta liên tục làm mọi phận sự.

Do đó, ngã tưởng đồng nhất liên tục, làm che án trạng thái vô ngã.

2- Ngã tưởng đồng nhất tổng hợp như thế nào?

Ngã tưởng đồng nhất tổng hợp thấy sai, chấp lầm rằng: “Chỉ có Ta duy nhất là chủ, ta muốn làm phận sự gì theo ý của Ta“.

Sự thật theo Chân nghĩa pháp là: mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp phát sanh đều do nhân duyên, để làm phận sự, khi làm xong phận sự ấy rồi diệt, lại làm duyên cho tâm khác phát sanh. Và cứ như vậy, tiếp tục từ tâm này sang tâm khác liên tục không ngừng.

Ví dụ:

– Nhãn thức tâm phát sanh do nhân duyên sắc trần tiếp xúc với nhãn tịnh sắc. Do sự tiếp xúc ấy, phát sanh nhãn thức tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần, hình dạng.

– Nhĩ thức tâm phát sanh do nhân duyên thanh trần tiếp xúc với nhĩ tịnh sắc. Do sự tiếp xúc ấy, phát sanh nhĩ thức tâm, làm phận sự nghe thanh trần, âm thanh….

Cũng như vậy, tỷ thức tâm, thiệt thức tâm, thân thức tâm, ý thức tâm phát sanh do nhân duyên của mỗi tâm riêng biệt.

– Sắc đi phát sanh là do tâm nghĩ đi. Do tâm nghĩ đi ấy, phát sanh ra chất gió phát sanh từ tâm. Do nhờ chất gió ấy, vận chuyển toàn thân di chuyển bước đi từng bước một, gọi là sắc đi, là sắc pháp phát sanh từ tâm (cittajarūpa).

Cũng như vậy, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm cũng là sắc pháp phát sanh từ tâm theo mỗi nhân duyên riêng biệt.

Danh pháp, sắc pháp nương nhờ lẫn nhau để phát sanh như sau:

– Danh pháp phát sanh do nương nhờ sắc pháp.

– Sắc pháp phát sanh do nương nhờ danh pháp.

– Danh pháp phát sanh do nương nhờ danh pháp.

– Sắc pháp phát sanh do nương nhờ sắc pháp.

 

Thế mà ngã tưởng đồng nhất tổng hợp không thấy rõ không biết rõ nhân duyên phát sanh mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp nên thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm rằng: “Chỉ có Ta là chủ làm mọi phận sự”.

Do đó, ngã tưởng đồng nhất tổng hợp làm che án mọi trạng thái vô ngã.

3- Ngã tưởng đồng nhất phận sự như thế nào?

Ngã tưởng đồng nhất phận sự thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm rằng: “Chỉ có Ta làm mọi phận sự”, như: ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta tiếp xúc, ta biết.

Sự thật theo Chân nghĩa pháp, mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đều có phận sự riêng biệt nhau, không giống nhau.

Ví dụ:

– Nhãn thức tâm chỉ có 1 phận sự là nhìn thấy sắc trần, hình dạng mà thôi, không thể biết được người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh….

– Nhĩ thức tâm chỉ có 1 phận sự là nghe thanh trần, âm thanh mà thôi, không thể biết được tiếng Anh, tiếng Pháp….

– Tỷ thức tâm chỉ có 1 phận sự là ngửi hương trần, các loại mùi mà thôi, không thể biết được mùi thơm gì, mùi hôi gì….

– Thiệt thức tâm chỉ có 1 phận sự là nếm vị trần, các loại vị mà thôi, không thể biết được vị ngọt của đường, vị chua của chanh….

– Thân thức tâm chỉ có 1 phận sự là tiếp xúc trần, cứng, mềm, nóng, lạnh, phồng, xẹp mà thôi, không thể biết được sự cứng của sắt, sự mềm của bông….

– Ý thức tâm có nhiều phận sự, có thể biết Chân nghĩa pháp và Chế định pháp, người, đàn ông, đàn bà, chúng sinh, vật này, vật kia, tiếng Anh, tiếng Pháp, các môn học, nghề nghiệp….

Mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp đều có phận sự riêng biệt với nhau như vậy. Thế mà ngã tưởng đồng nhất phận sự thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm cho rằng: “chỉ có Ta duy nhất làm mọi phận sự”.

Do đó ngã tưởng đồng nhất phận sự làm che án trạng thái vô ngã.

4- Ngã tưởng đồng nhất đối tượng như thế nào?

Ngã tưởng đồng nhất đối tượng thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm từ tất cả mọi đối tượng khác nhau cho là “Ta, Ngã”.

Ví dụ:

– Khi sắc đi, chấp là “Ta đi”.

– Khi sắc đứng, chấp là “Ta đứng”.

– Khi sắc ngồi, chấp là “Ta ngồi”.

– Khi sắc nằm, chấp là “Ta nằm”,….

– Khi tâm biết, chấp là “Ta biết”,….

Sự thật theo Chân nghĩa pháp thì sắc đi, sắc đứng, sắc ngồi, sắc nằm… thuộc về sắc pháp; tâm biết thuộc về danh pháp.

Thế mà ngã tưởng đồng nhất đối tượng thấy sai, tưởng lầm, chấp lầm từ tất cả các đối tượng khác nhau chấp là “Ta, Ngã”.

Do đó, ngã tưởng đồng nhất đối tượng làm che án trạng thái vô ngã.

* Phương pháp làm cho trạng thái vô ngã hiện rõ

Trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp được hiện rõ, khi hành giả tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ, phân tích rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp riêng biệt nhau; thấy rõ, biết rõ sự sanh, sự diệt liên tục của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp, nên hiện thấy rõ trạng thái vô ngã.

Như trong Bộ Thanh Tịnh Đạo dạy:

“Nānādhātuyo vinibbhujitvā ghanavinibbhoge kate anattalakkhaṇaṃ yathāvasarasato upaṭṭhāti”. [38]
“Hành giả tiến hành thiền tuệ, khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp riêng biệt, có sự sanh sự diệt không ngừng, nên ngã tưởng đồng nhất bị phân tích rời rạc riêng rẽ. Khi ấy, trạng thái vô ngã hiện rõ đúng theo thực tướng của nó”.

Hành giả tiến hành thiền tuệ đến khi trí tuệ thiền tuệ thứ tư gọi là Udayabbayañāṇa: trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sanh sự diệt của mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp ngay trong hiện tại, nên hiện thấy rõ trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp đúng theo thực tánh của các pháp.

Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp có sự liên quan với nhau.

– Nếu trạng thái nào bị che án thì 2 trạng thái kia cũng bị che án.

– Nếu trạng thái nào được hiện rõ, thì 2 trạng thái kia cũng được hiện rõ.

Trong 3 trạng thái chung của danh pháp, sắc pháp, một trạng thái chung nào trở thành đối tượng của trí tuệ thiền tuệ, thì 2 trạng thái còn lại không hiện rõ. Mặc dầu 2 trạng thái kia không hiện rõ theo đối tượng, nhưng sự liên quan giữa 3 trạng thái chung và tiềm năng của 3 trạng thái ấy, đều có khả năng diệt được sự tưởng lầm liên quan đến mỗi trạng thái ấy là:

– Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường của danh pháp, sắc pháp, thì diệt được “thường tưởng” (niccasaññā): sự tưởng lầm cho rằng: “thường”.

– Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái khổ của danh pháp, sắc pháp, thì diệt được “lạc tưởng” (sukhasaññā): sự tưởng lầm cho rằng: “lạc”.

– Khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, thì diệt được “ngã tưởng” (attasaññā): sự tưởng lầm cho rằng: “ngã “.

Do 3 trạng thái chung: trạng thái vô thườngtrạng thái khổtrạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp có sự liên quan với nhau, nên khi 1 trạng thái nào hiện rõ làm đối tượng, cũng có thể diệt được sự tưởng lầm “thường, lạc, ngã” nơi danh pháp, sắc pháp.


Chú thích:

[13-14] Xin xem lại phần trước.

[15] Visuddhinagga phần Sammasanañāṇa.

[16] Visuddhimagga phần Sammasanañāṇa.

[17] Bộ Samyuttanikāya, Salāyatanavagga.

[18] Visuddhimagga phần Sammasanañāṇa.

[19] Visuddhimagga phần Sammasanañāṇa.

[20] Bộ Khu. Suttanipāta, Kinh Mettasutta.

[21-22] Khu. Bộ Dhammapadagāthā.

[23] Luật tạng, phần Bhikkhunīpātimokkha.

[24-25] Khu, Bộ Dhammapadagāthā.

[26] Bộ Samyuttanikāya, phần Khandhavagga, Kinh Attadīpasutta.

[27] Bộ Sàratthadīpanītīkā , Kinh Anattalakkhaịasuttavaṇṇanā .

[28] Bộ Samyuttanikāya, Khandhavagga, Kinh Anattalakkhaṇasutta.

[29] Bộ Visuddhimagga, phần Patipadàñāṇadassanavisuddhi .

[30] Bộ Sam. Khandhavagga, Kinh Phenapindupamāsuttavannanā.

[31] Bộ Visuddhimagga, phần Patipadāñāṇadassanavisuddhi .

[32-33] Bộ Dhammapadagāthā.

[34] Bộ Visuddhimagga, phần Patipadàñāṇadassanavisuddhi .

[35] Bộ Visuddhimagga, phần Patipadàñāṇadassanavisuddhi .

[36] Bộ Dhammapadagāthā.

[37] Bộ Visuddhimagga, phần Patipadāñāṇadassanavisuddhi .

[38] Bộ Visuddhimagga, phần Patipadāñāṇadassanavisuddhi .

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app